Thông tin

CHÙA THẦY, NHỮNG ÁNG THƠ VĂN

 

MINH NHƯƠNG*

 

Bao giờ trả lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Cố nhà thơ Quang Dũng, người con của Xứ Đoài yêu dấu, ngày ra đi xung vào đoàn quân Tây Tiến chống thực dân Pháp, đã nguyện ước với Núi Thầy, khát khao hẹn ngày trở lại, cho thỏa nỗi nhớ quê hương.

Chắc hẳn non nước núi Thầy, chùa Thầy… biết bao trầm tích sâu lắng và bí ẩn, nhân văn và thơ mộng, mới lay động tâm hồn nhà thơ đến như vậy!

Thưa quý vị!

Trải qua biến thiên của lịch sử hàng triệu năm, vùng đất bán sơn địa ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay) vốn cẩm tú, tinh hoa. Có thể ví như một tiểu“Hạ Long cạn” giữa đồng bằng. Non nước chùa Thầy đã nghìn tuổi nổi danh, sắc thái văn hóa nơi đây linh thiêng và đằm thắm.

Bút cuốn khói mây mười sáu ngọn

Mắt thu non nước vạn trùng khơi

Và:                      

Chùa xưa ở lẫn trong cây, đá

Sư cụ nằm chung với khói mây…

Từ các bậc đế vương, công hầu khanh tướng, rồi các Hậu, các Phi ở các triều đại xa xưa đã đến đây du ngoạn, đắm mình trong cảnh Phật, cảnh tiên. Rồi biết bao danh nhân, tài tử, cùng mọi tầng lớp lao động khắp nơi, mỗi mùa xuân nô nức đến chùa cầu phúc, cầu may. Cùng nhau thưởng lãm phong cảnh sơn thủy hữu tình trong tiết xuân trong nhẹ.

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thày.

Trước cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ ấy, các bậc trí giả, văn nhân và bao nhiêu mặc khách đã lưu bút cho hậu thế những áng văn chương bất hủ. Thơ đề trên vách núi, tường chùa, cửa động, gốc cây… Nhiều bài thơ được khắc vào bia đá, đặt nơi trang trọng để lại cho muôn đời.

Thơ văn chùa Thầy đã đi vào sử sách, trong trí nhớ của nhiều thế hệ. Một số bài trong kho tàng tư liệu của dòng tộc, của tác giả… nhiều người chưa biết đến.

Thơ văn chùa Thầy xưa ghi chép bằng chữ Hán, Nôm. Đa số theo thể thơ Đường “Thất ngôn bát cú”. Từ khi có chữ Quốc ngữ, thơ văn về chùa Thầy càng phong phú, đa dạng hơn nhiều.

Một trong những bài thơ cổ nhất là của Phạm Nhân Khanh, đỗ Tiến sỹ đời Trần Duệ Tông (1373 - 1377) nhan đề:

Ao sen chùa Phật Tích (Chùa Thầy)

Hai vầng nhật nguyệt xuống ao này

Múa với hoa sen mới nở đầy

Nước ngọc đúc lên nhành biếc biếc

Lửa hồng phun nhả cánh hây hây.

Như vậy, ở đời Trần chùa Thầy đã có hai cầu Nhật tiên và Nguyệt tiên. Hình ảnh hoa sen múa cả trong đêm trăng. Gió trời lay động, mặt hồ lấp lánh, búp sen như ngọn lửa hồng.

Một bài thơ được khắc vào đá núi đề năm 1476, tác giả là Thiên Nam động chủ, tức Lê Thánh Tông, vị tao đàn nguyên súy đời Hồng Đức thứ 7:

Chợ trời

Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi

Chẳng thú đâu hơn thú chợ Trời

Sáng sớm mưa tan trưa nắng đứng

Chiều hôm mây họp tối trăng chơi…

Theo thời gian, bài thơ tuyệt tác ấy còn được điều chỉnh, trau chuốt của dân gian, hoặc của Hồ Xuân Hương… trở nên hoàn chỉnh và khởi sắc:

Hóa công xây đắp đã bao đời

Nọ cảnh Sài Sơn có Chợ Trời

Buổi sáng gió đưa, trưa nắng đứng

Ban chiều mây họp, tối trăng chơi…

Định Vương Trịnh Căn (1633-1709) có bài văn bia nhan đề:

Thơ vịnh chùa núi Phật Tích

… Trải xem các danh lam thắng tích, đều thấy nhập vào ngọn bút phẩm đề. Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng; ao rồng thông sang bến siêu độ, tiên cầu Nhật - Nguyệt đôi vầng. Núi tựa bình phong, sông như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh. Tiếp Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa, đạo Thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thứu rời đến chốn nhân gian vậy. Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ lai láng, làm được một bài thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực:

Càn khôn vẹn thiểu một bầu đông

Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng

Hương vũ, trăng thiên soi vặc vặc

Vân song tiếng ngọc nện boong boong…

Trạng nguyên Nguyễn Trực (1442), người đất Thanh Oai, đã mở trường dạy học vùng Bương Cấn, có bài thơ:  

Gặp sư trên núi

Chùa cao chót vót lẩn trong mây

Hỏi có mấy người đã tới đây

Trong hang còn giữ hình hài Phật

Dựa đỉnh nhà tăng, thấp thoáng Thầy

Xa đất bụi trần bay in ít

Trên cao ánh nguyệt sáng soi đầy

Cao tăng gặp khách nài giữ lại

Khoai nướng, chè xanh chuyện ngất ngây.

Rồi tướng công Phùng Khắc Khoan, (Trạng Bùng) quê Thạch Thấtđỗ Hoàng giáp ở tuổi 53 (1580) người có công tu bổ Nguyệt Tiên kiều và Nhật Tiên kiều chùa Thầy. Có thơ đề trên vách núi:

 Bước chân đi khắp trần gian

Bàn tay sắp đặt muôn vàn vì sao

Thử cầm chổi quét vách rêu

Thành thơ bút, để đi vào núi sông…

Văn học Hán Nôm 10 thế kỷ ghi danh Ngô Thì Sĩ (1725 - 1780) người làng Tả Thanh Oai, đỗ Hoàng giáp, làm đốc trấn Lạng Sơn, để lại một áng văn: 

Nhớ cuộc chơi Sài Sơn

Dưới núi có hồ, nuốt nhả dập dờn ở chỗ núi lở đá gẫy. Tháng năm, tháng sáu hàng năm hoa sen nở rộ thơm ngát đáng ưa. Trên hồ có chùa, bên trái thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, bên phải tạc di tượng Lý Thần Tông. Vì thiền sư thoát xác thì Thần Tông ra đời, cho nên còn di tích để ghi chuyện lạ. Bên hồ có con ngòi nhỏ lượn quanh mé chùa, trên có cầu. Theo cầu đi đến núi, bậc đá thấp bằng, đó là nơi triều trước ngự đến nên phạt đẽo thành. Bởi thế núi tuy sâu mà gần, đường sàn dài mà đi không mệt. Mấy lần nghỉ thì đến ngay ngọn núi giữa; bên trong cửa tam quan là động, tục gọi là hang Cắc Cớ. Trên đó vách núi phía đông dựng đứng. Thạch nhũ sạch trong mềm mại, ở khe đầu vách hang có một khoảng trống sáng bốn phía, không mưa chỗ khí mùa thật cao thường có chỗ nhỏ giọt, tiếng kêu như gõ chuông, gõ mõ, trạng thái trong như có thể bốc được. Trong hang có thang gỗ dài hơn trượng, leo thang lên thì vào hang Thiền sư thoát xác. Cửa động hẹp chỉ có thể đi nghiêng. Một chú nhỏ ở núi cầm đèn lồng dẫn tôi vào, thấy dấu vết đầu và chân vẫn còn rõ lắm. Bên cạnh có đá vàng, đỏ uyển chuyển như con rồng, vẩy rồng còn đủ. Tôi bồi hồi trở ra đề thơ ở cửa lầu.

Đến chùa Thày, ta đến với quê hương của Phan Huy Ích và con là Phan Huy Chú (1782-1840) tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí đồ sộ.

Khi công cán ở xa, Phan Huy Ích nhớ về quê cũ qua bài thơ:

Trên núi Thầy mùa xuân ngắm cảnh

Men bờ, vin dốc ghé thăm nhà

Thừa hứng lên cao mắt phóng xa

Thái lão sương tan thềm đá phẳng

Bối Am mây vén ngọn thông già

Ráng pha sườn núi, tranh khôn vẽ

Chim hót làm hoa, nhạc khéo hòa

Bốn phía ruộng đồng xuân ý đậm

Kìa ai tơi nón vác bừa ra.

Thần Siêu - thánh Quát, một thời ngang ngửa với văn chương, cũng lưu bút ở chùa Thầy nhiều tác phẩm sáng giá. Chu thần Cao Bá Quát (1808-1854) một thời làm giác thụ huyện Quốc Oai, viết bài thơ:

Chiều chơi Sài Sơn

Tham chơi đầu bạc hứng chưa nguôi

Chống gậy trèo cao rộng bước chơi

Bút cuốn khói mây mười sáu ngọn

Mặt thu non nước vạn trùng khơi

Am xưa hạc ốm nghe im tiếng

Rồng bướng vây giương dậy giữa đồi

Hãy tới Chợ Trời tung điệu sáo

Tầng trời cười hỏi mấy xa vời.

Nói đến thơ văn vịnh cảnh đẹp chùa Thầy mà chưa nhắc tới Hồ Xuân Hương thì thật là thiếu sót. Đúng vậy, bà chúa thơ Nôm yêu mến của chúng ta đã đến đây để lại cho đời bài thơ:

Hang Cắc Cớ

Trời đất sinh ra đá một chòm

Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom

Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô ngạn tối om om

Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc

Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm!

Những văn nhân thường gửi gắm nguồn cảm hứng ưu ái, thi vị của mình vào thơ văn chùa Thầy. Họ giãi bày tâm sự cùng núi sông cây cỏ, với du khách bốn phương. Nữ sỹ Hồ Xuân Hương lại vung vút cất lên nỗi lòng uẩn khúc, ai oán giận hờn pha chút trào lộng, chế giễu xã hội đương thời lắm trái ngang.

Thưa quý vị!

Lịch sử đã sang trang, ngọn lửa cách mạng đã nhen lên từ mảnh đất chùa Thầy. Năm 1941, lần đầu tiên lá cờ búa liềm của Cách mạng đã tung bay trên đỉnh Chợ Trời giữa ngày xuân hội, đông vui. Thời vận mới đã đến.

Nhà thơ Xuân Thủy, chủ bút báo Cứu Quốc bí mật ở vùng Thầy khi di chuyển địa điểm cho đăng bài thơ: 

Xuân từ biệt

Ngờ đâu vội vã chia tay

Bạn ơi sông Giá - núi Thày nhớ nhung

Sông kia chưa thỏa vẫy vùng

Núi kia biết mặt anh hùng là ai

Nào đâu hang gió Chợ Giời

Nào đâu nước bạc trăng soi mái thuyền…

Chùa Thầy, nơi tụ khí anh hoa có vinh dự lớn đón Bác Hồ kính yêu 3 lần về thăm và làm việc: đầu năm 1947, trước khi lên Việt Bắc, Bác nghỉ lại và làm việc một thời gian ở chùa một Mái. Bác lại về thăm chùa Thày đúng vào ngày sinh của Người 19-5-1959.

Nhà thơ Đào Ngọc Chung, Sở giáo dục Hà Tây cũ có bài thơ:

Trở lại núi Thầy

… Ngọn đèn dầu còn tỏa sáng đêm xuân

Tiếng máy chữ còn vang vách đá

Hang hút gió, ba mươi đêm sương giá

Kháng chiến chín năm, Bác viết những chương đầu

Sài Sơn-Sài Sơn

Như Pắc Bó-Tân Trào

Núi ấp ủ hồn thiêng đất nước…

Từ Sài Sơn, thư gửi, bảy năm sau

Điện Biên, Điện Biên

Chấn động địa cầu

Người đã viết những dòng ánh sáng

Súng mặt trận vọng về ngôi chùa vắng…

Từ ngôi chùa Một Mái

Đỉnh Sài Sơn

Núi huyền thoại

Hóa

Thành trang sử Nước

Người hành hương trên đá quí hoa vân…

Năm 1969, sau khi Bác Hồ qua đời,tác giả Vương Sỹ Hưng (Người quê Phủ Quốc) công tác ở phòng văn hóa huyện Quốc Oai viết bài thơ:

Hoa đại

…Bác nhẹ nhàng lên dốc

Hoa đại nghiêng cánh chào

Nâng bước Bác lên cao

Hương thơm lừng bóng núi 

Mùa nay hoa đại nở

Bác Hồ đi xa rồi

Người núi Thày thương nhớ

Nhìn cánh hoa ngậm ngùi… ”

Chùa Thầy - Núi Thầy - Làng Thầy… với Thầy Từ Đạo Hạnh, một vị thiền sư đắc đạo ở nơi đây. Phải chăng tên chùa, tên núi, tên làng Thầy nữa, có lẽ đều bắt nguồn từ sự nghiệp tu hành đắc đạo của Thầy mà ra?

Tác giả Đặng Bằng, người quê Thạch Thất đã nhiều năm góp phần tôn tạo di tích chùa Thầy với bài thơ:

Chùa Thầy

1.

Kìa cây đại mấy trăm năm tuổi

Đường núi quanh co bất chợt hiện ra

Như cụ già cùng tôi thăm thắng cảnh

Như ảo ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh

Nghìn năm – Người phảng phất đâu đây

Hiện vào núi, vào cây, hóa thành bất tử !...

2

… Người làng Thày vẫn kể

Chuyện hái thuốc cứu người

Chuyện tụng kinh, niệm kệ…

Hằng mong cứu vớt chúng sinh

Và còn kia lung linh bóng thủy đình

Phường múa rối vẫn nhớ Người truyền nghệ !

Xưa là thế và nay là thế !

Khách thăm chùa cõi phật bâng khuâng…

3

Tháng ba này có đi hội không em?

Em hãy ngước mắt nhìn đỉnh núi

Mầu áo như hoa,

Núi in sắc hội

Khói hương bay, chùa Cả mới trùng tu !

Chiều cuối năm, gió bấc âm u

Đồng làng Thầy có được mùa hoa cải ?

Tiếng chuông ngân, bên chùa chậm rãi

Tiếng chuông cổ tự - chùa Thầy

Tương truyền, thiền sư Từ Đạo Hạnh cũng là người Thầy của trò múa rối nước ở chùa Thầy. GS.TS. Kiều Thu Hoạch, nhà nghiên cứu văn hóa viết:

“Trò rước kiệu đi Thần về Phật mang đầy màu sắc huyền ảo và giàu kịch tính. Trước hết trò diễu quanh một vòng sân khấu với đám rước có kiệu, có cờ, có tàn quạt, chiêng trống. Điều thú vị và gây bất ngờ là khi đám rước từ bên phải buồng trò ở Thủy đình thì trên kiệu rước tượng Thần (đi Thần) đến lúc đám rước từ bên trái trở về thì trên kiệu lại là rước tượng Phật (về Phật). Phải chăng nghệ sỹ dân gian đã gửi gắm vào tích trò hình ảnh của thiền sư Từ Đạo Hạnh vừa là Thần vừa là Phật”.

Nhà thơ Dương Kiều Minh, Hội văn học nghệ thuật Hà Nội viết bài thơ văn xuôi về tảng đá lớn kỷ vật của Thượng tọa Thích Viên Thành, đã nhiều năm gắn bó với chùa Thày.

“Trước khi thoát trần, nhà sư Viên Thành kịp ký thác vào tảng đá lớn hình Thận thủy, khoảng sân nhỏ sau ngôi chính điện chùa Thầy, trên yểm bài thơ Sư tổ, không đợi rêu phong thời gian, tảng đá được huyên truyền như vật linh ứng, xung quanh bề mặt lấm láp dấu cọ xát cầu phúc của người đời.

Thân xác nhà sư Viên Thành nằm ở Hương Sơn, hồn vía gửi tảng đá này. Có lẽ chưa đến trăm năm, người đời huyên truyền nhà sư kết thành hòn đá”…

Sinh thời nhà thơ trữ tình Xuân Diệu đã bao lần say đắm với cảnh đẹp Sài Sơn với núi Thầy - chùa Thầy uy nghiêm và trầm mặc:

Cảnh đẹp Sài Sơn bước luyến chân

Thăm con rồng bướng của Chu Thần

Đi theo hoa đại lên chừng núi

Hóng gió chùa Cao hương thanh tân

Ta lại dìu nhau tới Chợ Trời

Đá ngồi quây lại ngắm mây trôi

Xa xa bốn phía chân trời giữ

Non nước dâng lên đẹp mắt người…

Nhà thơ Trần Lê Văn, một thời công tác ở Sở Văn hóa Hà Tây cũ, bạn tri âm cùng Xuân Diệu, dốc bầu tâm sự qua bài thơ:

Lên núi Thầy với Xuân Diệu

Xuân Diệu cùng tôi lên chùa Thầy

Chuyện ấy tôi còn nhớ đến nay

Nhà thơ gặp núi, gặp hồ nước

Cứ gì nâng chén với là say

Nhà sư cao hứng gặp nhà thơ

Tửu sắc từ lâu dẫu đã chừa

Bỗng quên chữ “ giới ” của nhà Phật

Dốc bầu cạn chén cùng say sưa

Xuân Diệu phải đâu là Tản Đà

Rượi không vào cũng có thơ ra

Thế mà cạn chén lại cán chén

Say cả Tam thế cùng Thích ca

Chưa tàn cuộc rượu, đòi lên núi

Anh bước ra ngoài như múa may

Chân nghiêng bên trái, nghiêng bên phải

Tay giương lấy đà như sắp bay…

Xuân Diệu ngồi trên đỉnh núi Thầy

Bên anh tôi mở đôi bàn tay

Như toan giữ lấy người thơ lại

Kẻo sợ vù tan vào khói mây.

Di sản văn hóa - tôn giáo chùa Thầy… đã đi vào lịch sử và thơ văn xưa và nay. Có học giả gọi chùa Thầy là ngôi chùa nghệ sỹ. Hội chùa Thầy là điểm hẹn của tình yêu. Cảnh quan chùa Thầy còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhà thơ Đỗ Văn Tri, Hội nhà văn Hà Nội có một thiên “ký sự”:

Đi chùa Thầy

…Đã đến bờ sông Đáy

Dòng sông nối hai quê

Sóng nước hiền biết mấy

Như tay mẹ vỗ về

Thoắt hiện cảnh sau đê

Thay lời chào của núi

Đá ngàn năm vẫn mới

Soi lòng hồ xanh trong

Mái chùa uốn cong cong

Dáng làn mi thanh thoát

Hương đại thơm bát ngát

Cho lòng người trẻ trung

Đường lên núi quanh quanh

Cái thang tình ai dựng?

Những bậc đá đa tình

Quyến luyến bàn chân đứng…

Tay hương tay dắt tay

Vào cõi xưa Thánh Hóa

Ứa nước chùm nhũ đá

Tạo hóa thật măng tơ…

Đường xuống núi quanh quanh

Sóng mặt hồ long lanh

Như mắt cười tạm biệt

Lưu luyến khách đa tình…

Với danh thắng chùa Thầy kiều diễm, xưa và nay đã có hàng trăm tác giả, hàng nghìn tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về chùa Thầy. Chắc hẳn vẻ đẹp ấy còn là nguồn cảm hứng vô tận của văn chương và thi ca.

Mới đây, tôi có may mắn được tặng bản thảo tập thơ Rừng thơ bên núi do nhà giáo - nhà nho Nguyễn Bá Hân biên dịch từ thơ Hán Nôm của nhiều tác giả viết về chùa Thầy, chưa được xuất bản. Cụ Nguyễn Bá Hân là hội viên văn nghệ Dân gian Hà Nội, đã nghỉ hưu ở làng Giá Lụa, huyện Hoài Đức.

Tập thơ được coi như một bó hoa tưởng nhớ tổ tiên và làm món quà tinh thần tặng cho quê hương bên ngoại ở làng Thầy.

Thưa quý vị!

Rất mong sau cuộc hội thảo này, chúng ta có được những ấn phẩm mới xứng đáng với giá trị của danh thắng chùa Thầy, để những áng thơ - văn lưu truyền mãi mãi trong nhân gian và du khách bốn phương.

Xin cảm ơn quý vị !



* Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 317
    • Số lượt truy cập : 6948427