Thông tin

CHÙA THẦY (THIÊN PHÚC TỰ)

TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CÁC DI TÍCH

THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH Ở HÀ NỘI

 

ThS. DƯƠNG THỊ THÙY LINH*

 

Nằm trong vùng văn hóa Xứ Đoài cổ kính, chùa Thầy ( Thiên Phúc tự) có thể coi là một bảo tàng mỹ thuật, điêu khắc Phật giáo trung đại cho những nhà nghiên cứu chuyên ngành. Trải qua ngót ngàn năm lịch sử, chùa Thầy vẫn hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hóa đến tìm hiểu và khám phá các giá trị mới của công trình kiến trúc nghệ thuật không khi nào hết bí ẩn, hấp dẫn này. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh mối tương quan giữa chùa Thầy và một số di tích liên quan đến Từ Đạo Hạnh khác ở Hà Nội như chùa Láng, chùa Nền và chùa Hoa Lăng. Trong đó chúng tôi chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh là kiến trúc tôn giáo và lễ hội.

I. KHÁI LƯỢC VỀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, nhận vật Từ Đạo Hạnh là một nhân vật đặc biệt mang nhiều nét trái chiều thú vị. Ngài vốn là người có tiểu sử minh bạch có tên húy (Từ Lộ), tên cha (Từ Vinh), tên mẹ (Tăng Thị Loan) và quê hương bản quán rõ ràng (hương Yên Lãng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa - Hà Nội), vậy mà lại được dân gian khoác lên mình những huyền tích bí ẩn như một vị Thánh, Thánh Láng, Thánh Từ, người có nhiều phép thần thông rồi thác sinh làm vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), sau còn là hậu thân Lê Thần Tông (1619 - 1643). Ngài là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là Tổ sư của nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam.

Chùa Thầy và nhân vật Từ Đạo Hạnh đã sớm xuất hiện trong sử sách, có thể kể ra đây không ít các công trình liên quan như sau:

Trong các tài liệu mà chúng tôi được biết thì tư liệu lịch sử sớm nhất đề cập đến chùa Thầy là sách Thiền uyển tập anh, tác phẩm này được biên soạn vào thời Trần, sách có đề cập đến tiểu sử và quá trình tu luyện thành đạt của Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy. Qua đây ta có thể xác định Từ Đạo Hạnh tu theo Mật tông, nhờ phép tu này, ngài đã có được những pháp thuật cao cường như phù chú, phù phép, đốt ngón tay cầu đảo, gọi gió, gọi mưa, phép chữa bệnh… Và cũng nhờ những pháp thuật cao cường học được từ Mật tông mà ngài đã trả thù cho cha. Cũng theo sách này, ngài đã ngăn không cho Giác Hoàng (hậu thân của Đại Diên) đầu thai làm con vua Lý Nhân Tông, rồi sau đó chính ngài đã đầu thai làm con Sùng Hiều hầu để rồi trở thành vua Lý Thần Tông.

Một tác phẩm khác đề cập đến mốc thời gian vị thiền sư triều Lý này viên tịch là Việt sử lược, theo đó vào tháng 6 năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (tức năm 1116), sư Từ Đạo Hạnh hóa và đây cũng là năm vua Thần Tông sinh. Nhiều sách sau này cũng đồng quan điểm với Việt sử lược về năm viên tịch của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Như vậy thời gian mở hội Chùa Thầy của dân gian “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy...” không phải là thời gian viên tịch của vị thền sư này.

Sau này một số nguồn sử liệu đáng chú ý khác như Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú và Việt điện u linh, những tác phẩm này cũng cung cấp nhiều chi tiết về nhân vật Từ Đạo Hạnh. Riêng về ngày hóa của Từ Đạo Hạnh thì có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, theo Thiền uyển tập anh thì đó là năm 1117, theo Việt sử lược là năm 1116 và theo Việt điện u linh thì Từ Đạo Hạnh hóa năm 1112. Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa chùa Thầy và Từ Đạo Hạnh.

Trong Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình với nhân vật văn hóa này khi dành một trang chép về Thiên Phúc tự và núi Phật Tích. Trong tác phẩm này, Lê Quý Đôn đã đưa vào một chi tiết khi nhắc đến quả chuông do chính Từ Đạo Hạnh đúc năm 1109. Lê Quý Đôn cũng cung cấp một số thông tin quý báu, dựa vào đó chúng ta có thể tin rằng vào thời Trần, chùa Thầy cũng đã được giới quý tộc Trần quan tâm và được mở rộng về quy mô.

Đại Nam nhất thống chí cũng đã đề cập đến một chi tiết khá thú vị liên quan đến nhân vật Từ Đạo Hạnh đó là khi sứ nhà Minh đến chùa Thầy họ thấy nhục thân của Từ Đạo Hạnh vẫn “trong trắng hoàn toàn” nên đã sai đem về chùa Hương Tích hỏa táng rồi mang tro đắp tượng và đặt vào khám phụng thờ ở chùa Thầy.

Điểm lại các nguồn sử liệu nói trên, chúng ta có thể thấy thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân vật văn hóa có một vị trí vô cùng đặc biệt, người là trung tâm của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa từ cổ chí kim. Chúng tôi cũng xin tóm lược và nêu vài nét về nhân vật này trong lịch sử mà không nêu lại những sự tích khác nhau về Từ Đạo Hạnh vì đã được đề cập trong không ít các công trình nghiên cứu trước.

II. KIẾN TRÚC CHÙA THẦY TRONG HỆ THỐNG CÁC DI TÍCH THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

Thiền sư Từ Đạo Hạnh như đã nói ở trên không chỉ là một nhận vật quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Lý, ngài còn được coi như một vị thánh tối linh trong tâm thức dân gian, bằng chứng là tại Hà Nội và một số vùng lân cận như Nam Định, Hà Tây (cũ) tồn tại cả một hệ thống các di tích liên quan đến vị thiền sư này. Chúng tôi xin được nêu ra đây một số di tích tiêu biểu thờ Từ Đạo Hạnh ngoài chùa Thầy như sau:

Tại Nam Định có chùa Tây Lạc (Đồng Sơn, Nam Trực), chùa Đại Bi (Nam Giang, Nam Trực), chùa Lương Hàn (Việt Hàn, Trực Ninh), chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh, Xuân Trường).

Tại Hưng Yên có chùa Ông (Tân Quang, Văn Lâm).

Tại khu vực Hà Tây (cũ) có chùa Tổng (Thiên Hưng tự) La Phù, Hoài Đức, chùa La Phù (chùa Cả, Trung Hưng tự), La Phù, Hoài Đức, chùa Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, chùa La Dương (Diên Khánh tự), Dương Nội, Hoài Đức, chùa Vằn (Thiên Văn tự), Dương Nội, Hoài Đức.

Tại Hà Nội có thể kể đến chùa Láng (Chiêu Thiền Tự), phường Láng Thượng, quận Đống Đa, chùa Nền (Đản Cơ tự), phường Láng Thượng, quận Đống Đa, chùa Hoa Lăng (Ba Lăng), Yên Hòa, Cầy Giấy, Hà Nội. Ngoài 3 ngôi chùa trên, tại Hà Nội còn có chùa Tam Huyền và lăng mộ thân phụ Từ Vinh cũng là di tích có sự liên quan tới Thánh Từ Đạo Hạnh.

1. Đôi nét về kiến trúc chùa Thầy

Chùa Thầy là ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc Tiền Phật hậu Thánh tại Bắc bộ. Có những cách hiểu khác nhau về “Tiền Phật - hậu Thánh”, đây có thể là chùa thờ Phật những cũng kết hợp thờ Thánh, tuy nhiên thờ Phật vẫn ở vị trí chính nhất, trang trọng nhất. Về thời gian thì Đức Phật vị giáo chủ của Phật giáo có trước và Thánh tức đệ tử của Phật có sau. Về không gian thì Phật có mặt ở khắp mọi nơi còn Thánh thì chỉ có ảnh hưởng lớn trong một vùng nhất định. Về phương diện kiến trúc thì nơi đặt ban thờ Phật thường ở vị trí chính yếu hơn cả, đó có thể là phía trước khi điện Thánh nằm riêng hoặc cũng có thể là ở chính giữa khi điện Thánh nằm ngay trong thượng điện.

Có thể nêu thêm một số đặc điểm của kiểu chùa  Tiền Phật - hậu Thánh như sau: Ban đầu chùa được xây dựng với chức năng thờ Phật sau đó phối thờ thêm các vị Thánh vốn là các nhà sư. Thời kỳ đầu các vị này chưa có nơi thờ riêng nhưng qua thời gian có những đơn nguyên kiến trúc được xây dựng để thờ riêng họ được gọi chung là Điện Thánh. Điện Thánh thường nằm sau Thượng Điện thờ Phật, cũng có thể nằm ngay trong thượng điện nhưng không bao giờ nằm chính giữa. Điện Thánh được bài trí trang nghiêm có tượng hoặc bài vị của một vị thánh nhất định và đôi khi có cả tượng những nhân vật có liên quan mật thiết đến vị thánh đó. Cũng cần phân biệt khái niệm chùa Tiền Phật - hậu Thánh với Thánh Mẫu được thờ trong các phủ, điện thờ Mẫu. Nếu ở các ngôi chùa khác ta có thể gặp điện thờ Mẫu được đặt ngay trong nhà Tổ hoặc xây thành một đơn nguyên kiến trúc riêng biệt thì ở chùa Tiền Phật - hậu Thánh ít có loại tượng này, nếu có thì loại tượng này cũng không được đặt trong Điện Thánh và hiếm khi xuất hiện các nghi thức hầu đồng, hầu bóng ở đây.

Nghiên cứu lịch sử các ngôi chùa Tiền Phật - hậu Thánh ta có thể thấy hầu hết được trùng tu đại quy mô vào khoảng thế kỷ 17, một thời đại đầy biến động của lịch sử với cuộc chiến nồi da xáo thịt của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Có lẽ chính trong thời điểm điêu đứng, loạn lạc như thế con người càng quan tâm mong chờ nhiều hơn ở các vị Thánh, một sức mạnh tâm linh to lớn đưa người ta thoát khỏi hiện thực đen tối.

Khi xuất bản sách Chùa Thầy (Thiên Phúc tự), TS. Nguyễn Văn Tiến đã đưa ra một luận đề cho rằng “Chùa Thầy chính là ngôi chùa Tiền Phật - Hậu Thánh đầu tiên của Việt Nam?”. Luận điểm này bắt nguồn từ nguyên cớ lịch sử sâu sa. Thứ nhất Từ Đạo Hạnh chính là bậc tiền bối cao tuổi nhất trong các vị Thánh được thờ ở các chùa Tiền Phật - hậu Thánh như Không Lộ, Giác Hải, Minh Không. Thiền sư Từ Đạo Hạnh mất năm 1117, Nguyễn Minh Không mất năm 1141 và Không Lộ mất năm 1119. Nhiều tư liệu lịch sử đáng tin cậy như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên hay Đại Nam nhất thống chí đều đã đề cập đến chi tiết khi Đạo Hạnh viên tịch nhưng thi thể của ông không bị hỏng, nhân dân thấy linh thiêng nên đã đưa vào khám kính cẩn thờ phượng. Với những cứ liệu lịch sử trên chúng ta có thể tin rằng chùa Thầy chính là ngôi Chùa Tiền Phật - Hậu Thánh thuộc số đầu tiên.

Riêng với Chùa Thầy thì thờ Thánh có vai trò quan trọng hơn thờ Phật. Trong tâm thức dân gian của người dân vùng này, thánh Từ Đạo Hạnh luôn có vị trí thật đặc biệt. Người dân đặt tên ngôi chùa theo tên mà họ đã tôn xưng Từ Đạo Hạnh - Thầy, người thầy đã tu hành, giảng kinh, dạy dân làm múa rối nước, người có tài thần thông có thể dùng bùa chú để trị bệnh giúp dân. Sau này khi ngài viên tịch nhục thân không những không bị hủy hoại mà còn vô cùng linh diệu, vì vậy những nguyện vọng, cầu đảo của nhân dân thường được linh nghiệm. Có thể thấy tầm ảnh hưởng lớn của vị thiền sư này với người dân khi họ sùng bái và tôn vinh ông như một vị Thánh. Điều này cũng được thể hiện rõ trong mối tương quan về quy mô kiến trúc và nghệ thuật trang trí giữa tòa Tam Bảo và Điện Thánh tại chùa Thầy. Tòa Tam Bảo tại đây đơn sơ hơn Điện Thánh. Cụm kiến trúc Điện Thánh tại Chùa Thầy sử dụng các nguyên vật liệu tốt và được trang trí cầu kỳ tinh tế nhất trong tổng thể kiến trúc chùa. Một điểm khác biệt nữa trong kiến trúc Chùa Thầy là ở đây không có tháp mộ sư. Và trong truyền thống ngôi chùa này cũng không có Tổ trụ trì mà thay vào đó là các ông Thống, bà Hộ giữ vai trò trông coi chùa. Gần đây chùa Thầy mới có lại sư trụ trì.

Chùa Thầy là một công trình tiêu biểu thuộc số đầu trong các công trình có kết cấu Tiền Phật - Hậu Thánh tại nước ta. Kiến trúc Tiền Phật - Hậu Thánh là một sáng tạo độc đáo trong đạo Phật, khi Phật giáo đưa những anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc Việt Nam vào phối thờ bên cạnh hệ thống tượng Phật là tôn giáo này đã tìm ra được mối lối đi để hòa hợp hơn nữa với văn hóa dân tộc.

2. Chùa Thầy, một bảo tàng mỹ thuật cổ

Tại chùa Thầy di vật tiêu biểu nhất phải kể đến hệ thống tượng thờ với 36 pho được  phân bố ở tòa điện Thánh, điện Phật, không kể các tượng ở hành lang, nhà Tổ và đền Tam Phủ. Trong đó giá trị bậc nhất có thể kể đến bộ Tam Thế Phật có niên đại thế kỷ 16, là những pho tượng gỗ cổ nhất nước ta còn được lưu giữ lại tại chùa Thầy. Bên cạnh đó là bộ Di Đà Tam Tôn cũng có giá trị rất lớn, theo Hà Văn Tấn thì bộ tượng này có niên đại thuộc thế kỷ 17 (có thể là năm 1607).

Trên Phật điện, tượng Tam Thế Phật được xếp ngồi ngang nhau ở vị trí cao và sâu nhất, cũng là chỗ ngồi ổn định trong cách bài trí tượng Phật. Bộ Tam thế Phật ở chùa Thầy có thể coi là bộ tượng tiêu biểu bậc nhất cho tượng Tam thế. Tượng có hình khối vững chắc, không bệ vệ, với khuôn mặt nữ  thuần hậu, gần gụi và mang tính chất chân dung. Mắt nhìn xuống như soi rọi vào nội tâm. Miệng mỉm cười tự nhiên biểu hiện sự thông cảm chúng sinh. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì nụ cười của tượng Tam Thế chùa Thầy là một trong những nụ cười hoàn chỉnh nhất của nghệ thuật tạo tượng Phật của người Việt Nam. 

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn có 3 pho, giữa là A Di Đà bên trái là Quan Thế Âm bên phải là Đại Thế Chí. Tượng A Di Đà có kích thước khá lớn (cao1,7m) ngồi ở vị trí cao nhất phía trong cùng gian giữa Điện Thánh. Tượng có khuôn mặt được tạo tác rất đẹp, có thể nói là đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc với khuôn mặt đầy đặn, mắt hơi nhắm, mũi thanh, miệng mím, hai tai dài, to chảy xuống ngang cằm… Tượng mang đậm yếu tố dân gian với bộ ngực nở giống ngực phụ nữ. Đặc biệt tượng có đeo dây an lạc, theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tượng có đeo loại dây này chỉ có ở cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 mà theo Hà Văn Tấn thì tượng này có thể có niên đại là năm 1607.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và tượng Đại Thế Chí Bồ Tát cũng có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng. Điều đáng quan tâm ở hai pho tượng này là hệ thống hạt nổi bao gồm những hạt tròn và bầu dục to nhỏ khác nhau kết hợp với hoa cúc mãn khai kết thành năm hàng dọc và ba hàng ngang bao quanh thân tượng. Chưa có một pho tượng nào có niên đại trước và sau tượng này lại được tạo tác với nhiều hạt như vậy. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật đây là một loại hạt đặc biệt mang dấu ấn của Mật tông nhằm tạo nên sự linh thiêng.

Tượng Từ Đạo Hạnh được tạo tác bằng gỗ, phủ lớp sơn màu cánh gián nhạt, tượng trong tư thế thiền định trên bệ gỗ phía dưới là bệ đá hoa sen thời Lý. Tượng có kích thước tương đương người thật, thân hình săn, chắc, mặt nhìn thẳng về phía trước, hơi cúi xuống thể hiện pháp sư đã đắc đạo. Qua phong cách tượng ta có thể thấy tượng được làm rất muộn sau này, tượng có niên đại thế kỷ 19. Tượng vua Lý Thần Tông cũng có niên đại giống tượng Từ Đại Hạnh. Nhìn chung đây là những pho tượng giá trị của giai đoạn này.

Ngoài hệ thống tượng thờ đặc sắc, chùa Thầy còn có một khối lượng lớn các di vật có giá trị như những bệ tượng, nhang án, khám thờ, ngai thờ, đồ tế khí, khánh, chuông và bia đá, sắc phong với những tư liệu lịch sử rất quý, chúng có niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng chùa cho đến ngày nay. Rõ ràng đây là một ngôi chùa lớn với ngàn năm tuổi nhưng đã được bảo lưu gìn giữ khá tốt. Chùa Thầy xứng đáng là một bảo tàng mỹ thuật giá trị với các nhà nghiên cứu.

3. Chùa Láng (Chiêu Thiền tự)

Khi nghiên cứu các di tích thờ Từ Đạo Hạnh, chúng ta không thể không nhắc đến chùa Láng (Chiêu Thiền tự) bởi cùng với chùa Thầy đây là một trong hai di tích quan trọng bậc nhất thờ Từ Đạo Hạnh và cũng là ngôi chùa Tiền Phật - hậu Thánh tiêu biểu cho lối kiến trúc này.

Chùa được xây dựng ở làng Yên Lãng (tên nôm là Láng), trước đây thuộc huyện Từ Liêm, Phủ Hoài Đức nay thuộc phường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào đời Lý Thần Tông (1128 - 1138). Tương truyền chùa được dựng lên để thờ Phật và ghi nhớ công ơn của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã giúp phép cho Lý Nhân Tông sinh thái tử. Cũng có tài liệu cho rằng chùa được dựng dưới thời vua Lý Anh Tông (1138 -1175).

Chùa Thầy và Chùa Láng có một mối tương quan đặc biệt.  Hai ngôi chùa này đều thờ Từ Đạo Hạnh và thờ cả vua Lý Thần Tông. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa Chiêu Thiền: “Ở trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận, là chỗ Từ Đạo Hạnh tu luyện thường ngày. Nay trong chùa thờ Từ Đạo Hạnh, lại thờ Lý Thần Tông. Chùa có hòm gỗ chứa sách Phạn bằng lá đồng là di tích xưa”, đồng thời ghi về chùa Thiên Phúc: “Ở chân núi Sài Sơn, huyện Yên Sơn, xưa gọi là am Hương Hải, lại gọi là viện Bồ Đà. Trong chùa, phía tả thờ tượng thiền sư họ Từ, phía hữu thờ tượng vua Lý Thần Tông, ở giữa thờ tượng Phật”. Gắn nối với những sự kiện được ghi trong sách Thiền uyển tập anh thì thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh ra và hành đạo chủ yếu ở địa bàn chùa Láng. Sách cũng đã đề cập đến chi tiết nhà sư đã dùng phép thuật chữa bệnh cho phu nhân của Sùng Hiền hầu khiến bà hạ sinh thái tử Dương Hoán sau này là vua Lý Thần Tông. Thời điểm “trút xác” của vị thiền sư này trùng với thời điểm thái tử Dương Hoán ra đời và Dương Hoán Lý Thần Tông được cho là hậu thân của Ngài. Chúng tôi không bàn đến khả năng hiện thực của câu chuyện này chỉ lưu ý đến một khía cạnh đó là hai vùng đất thiêng liêng Chùa Láng và Chùa Thầy luôn gắn với những dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh, một nơi ông hành đạo và thành đạt, nơi còn lại là nơi ông hóa.

Xét riêng trên phạm vi vùng Láng thì Từ Đạo Hạnh có một tầm ảnh hưởng đặc biệt với vùng đất này. Nơi đây tập trung nhiều di tích liên quan đến vị thiền sư này. Trước hết đó là sự hiện diện của Chùa Láng - ngôi chùa gắn với tên tuổi nhà sư, bên cạnh đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà xưa của Từ Đạo Hạnh, chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ phụ mẫu vốn rất nổi tiếng “Nam thiên tích tự hiện Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh, thiên cổ danh lam” (Nơi trời Nam có chùa Ba Lăng, thắng cảnh một phương, danh lam ngàn đời). Điều đáng chú ý là chùa Ba Lăng chính là nơi bà Tăng Thị Loan từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời, sau được vua Lý Thần Tông xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh (cha), bà Tăng Thị Loan (mẹ) và chính Từ Đạo Hạnh. Về sau này, vua Lý Anh Tông (1138- 1175) cho mở mang chùa Láng phối thờ cả Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông.

Cách chùa Láng khoảng vài ba cây số còn có chùa Duệ Tú (thuộc thôn Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, nay thuộc địa phận quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Nơi đây thờ thiền sư Đại Điên, tương truyền vị thiền sư này vốn đối nghịch với Từ Đạo Hạnh và phải chịu thất bại dẫn đến cái chết khi đối đầu với Từ Đạo Hạnh. Tuy vậy trong không gian thờ tự của mình ông vẫn được dân làng trọng vọng và lập làm thành hoàng. Dẫu sao đây cũng là một nhân vật liên quan mật thiết đến Từ Đạo Hạnh và cần được xem xét khi nghiên cứu vị thiền sư này.

Có thể đi đến kết luận Chùa Láng và Chùa Thầy là hai ngôi chùa bề thế bậc nhất trong các ngôi chùa thờ Từ Đạo Hạnh mà chúng tôi đã dẫn ở trên, có lẽ bởi đây là hai di tích gắn với hai chặng đường quan trọng trong bước đường tu hành của vị thiền sư này, chùa Láng là nơi ông tu hành và thành đạt, chùa Thầy là nơi ông hóa. Và cũng chính vì thế mà lễ hội Chùa Láng, Chùa Thầy là đậm nét hơn cả trong các di tích liên quan đến Từ Đạo Hạnh, dân gian cũng thường chỉ nhắc đến hai lễ hội này: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy...”.

III. LỄ HỘI CHÙA THẦY TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CÁC DI TÍCH THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

Danh nhân văn hóa, thiền sư, nhà thơ Từ Đạo Hạnh là người có ảnh hưởng rộng lớn tới cả một vùng văn hóa phía tây Hà Nội, xác lập lên một mối quan hệ khăng khít giữa các di tích thờ ông ở khu vực Láng và khu vực chùa Thầy. Lễ hội của các di tích liên quan đến Từ Đạo Hạnh hẳn có những nét tương đồng với các lễ hội nông nghiệp, tôn giáo khác nhưng nó cũng mang nhiều nét riêng không thể trộn lẫn. Bởi trong cả các nghi lễ và các trò hội của các lễ hội này hẳn sẽ không thể tách rời các giai thoại về một nhân vật được thờ chung - Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Thời gian mở hội của các di tích thờ Từ Đạo Hạnh đều vào tháng 3 âm lịch. Mặc dù ngày chính hội là ngày 7/3 âm lịch nhưng hội bao giờ cũng kéo dài hết tháng.

Trong kho tàng ngạn ngữ dân gian vẫn truyền miệng câu nắng ông Từa, mưa ông Gióng”. Câu ngạn ngữ có nghĩa: khi nào mở hội thánh Gióng (9/4 âm lịch) trời sẽ có mưa, khi nào mở hội Thánh Từ (Thánh Láng) trời sẽ có nắng. Lễ hội Thánh Từ được mở vào tháng 3 âm lịch, lúc này thời tiết bắt đầu ấm áp khô ráo, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Đồng thời đây cũng chính là một hội lễ mùa xuân, một dịp vui chơi mà dân ta thường tổ chức vào thời gian công việc đồng áng tương đối rỗi rãi. Tham gia lễ hội không chỉ có cư dân vùng Láng mà còn có cư dân của các làng kết chạ và dân từ các địa phương khác. Vì vậy, có thể xem lễ hội này là những lễ hội “liên làng” có khả năng ảnh hưởng và lan tỏa các giá trị văn hóa đến một số lượng lớn cộng đồng dân cư.

Nếu như ở các ngôi chùa thờ thuần Phật chỉ có những ngày lễ Phật đản, Phật Thích Ca xuất gia, Phật Thích Ca thành đạo… thì ở những ngôi chùa “tiền Phật hậu Thánh” ngoài những ngày lễ Phật giáo còn có những ngày lễ liên quan tới Thánh. Những lễ hội này thường được tổ chức khá lớn, là lễ hội của nhiều làng và những ngôi chùa thờ Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội cũng nằm trong quy luật ấy. Lịch lễ hội của các ngôi chùa thờ Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội được chúng tôi tổng kết như sau:

Ngày 10 tháng 1: Ngày kỵ nhật Đức Tổ phụ (chùa Nền, chùa Tam Huyền)

Ngày 20 tháng 1: Ngày Thánh Đản và Lễ tạ hạ cờ (chùa Láng, chùa Nền)

Ngày 1 tháng 3: Ngày treo cờ lễ hội, chuyển nước hoa đi các nơi để chuẩn bị bao sái (chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng)

Ngày 2 tháng 3: Duyệt tế ( chùa Láng)

Ngày 5 tháng 3: Ngày hội lễ và tế (chùa Nền)

Ngày 6 tháng 3: Ngày hội lễ (chùa Hoa Lăng)

Ngày 7 tháng 3: Ngày hội lễ và tế (chùa Láng, chùa Nền, chùa Hoa Lăng)

Ngày 15 tháng 3: Lễ giải phục, lễ tạ, lễ hạ cờ (chùa Láng, chùa Nền)

Ngày 10 tháng 4: Kỵ nhật Tổ Mẫu (chùa Nền, chùa Hoa Lăng)

Ngày 22 tháng 9: Duyệt tế ( chùa Láng)

Ngày 26  tháng 9: Kỵ nhật Đức Thánh (chùa Láng, chùa Nền)

HộiLáng xưa diễn ra trong vòng 10 ngày, trong đó chính hội là ngày 7/3. Hội bắt đầu bằng lễ rước bát hương và tế lễ ở chùa Nền, lễ tế nhằm ca tụng công đức của ông bà Từ Vinh, thân sinh ra Từ Đạo Hạnh. Ý nghĩa của lễ rước này là Thánh về thăm nếp nhà cũ của gia đình, nơi chôn rau cắt rốn của Ngài. Chùa Nền (Đản Cơ tự, Cổ Sơn tự) là một ngôi chùa không lớn nhưng có kiến trúc khá đẹp với bố cục kiểu chữ Đinh gồm hai tòa chính là Tiền đường và Thượng điện. Ngoài tượng phật chùa còn có tượng Từ Đạo Hạnh và song thân. Tương truyền khi vua Lý Thần Tông biết mình là hậu duệ của Từ Đạo Hạnh ông đã cho xây dựng chùa Nền trên dấu nhà xưa để thờ cha mẹ và chùa Thưa để thờ chị gái Từ Nương. Chùa Nền là một tư liệu quý trong việc tìm hiểu về thiền sư Từ Đạo Hạnh và sự tồn tại của một trung tâm Phật giáo ở phía Tây của kinh thành Thăng Long thế kỷ 16 - 17. Liên quan đến Từ Đạo Hạnh còn có Chùa Tam Huyền, nơi thờ thân phụ Từ Đạo Hạnh. Tương truyền đây chính là nơi nhân dân an táng Từ Vinh cha Từ Đạo Hạnh. Tục truyền năm nào hạn hán thì dân làng tổ chức rước Thánh xuống chùa Tam Huyền thăm cha, nên có câu rằng: “Hạn hán xuống thăm cha, mùng bảy tháng Ba lên thăm mẹ”.  Sáng 6/3 dân làng rước Thánh đến chùa Tam Huyền, chiều tối 6/3 rước về, dân làng cung nghinh Thánh ở lầu bát giác chùa Láng. Tại đây diễn ra nhưng nghi lễ múa chầu Thánh và những trò diễn rất sôi nổi.

Sáng 7/3 ngày chính hội dân làng trước hết làm lễ tắm tượng rồi rước kiệu lên chùa Ba Lăng (Hoa Lăng) ở Dịch Vọng Tiền để thăm mẹ. Đây là nơi thân mẫu Từ Đạo Hạnh - bà Tăng Thị Loan tu hành và qua đời. Kiệu phải lội qua sông Tô Lịch ở đoạn cầu Yên Quyết (tương truyền xưa kia Từ Vinh bị Đại Diên đánh chết, xác trôi về cầu Yên Quyết thì dừng lại nên đoàn rước không được đi trên cầu). Cờ quạt rợp trời, trống chiêng vang động một vùng, có cả trò “con đĩ đánh bồng” do nam giới đóng giả. Đoàn rước đi đến trước gần chùa Duệ nơi thờ pháp sư Đại Diên thì dừng lại bắn pháo thăng thiên và múa gậy (diễn lại trò từ Đạo Hạnh đánh Đại Diên). Sau đó đám rước đi đến chùa Hoa Lăng để làm lễ thân mẫu.

Hội chùa Thầy cũng diễn ra vào ngày 7/3, người đi hội truyền tụng nhau câu ca: “Hội Chùa Thầy có Hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy, gái chưa chồng nhớ ngày mà đến…”. Nghi lễ đầu tiên là lễ mộc dục được tiến hành vào ngày 5/3 âm lịch. Khác với các lễ mộc dục thường chỉ thực hiện trong cung cấm do chủ tế đảm nhiện, lễ mộc dục ở đây tiến hành trước sự chứng kiến của các bô lão, quan viên, nhà chùa và toàn dân. Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn một nghi lễ quan trọng và ấn tượng bậc nhất tại chùa Thầy.

Trong ngày đại tế 7/3 người ta thấy có sự tham gia của 4 làng trong xã là Làng Đa Phúc, Thụy Khê, Sài Khê và Khánh Tân với 4 cỗ kiệu đặt bài vị của 4 vị thần của làng đến yết kiến thánh Từ. Khoảng 3 giờ chiều đám rước bắt đầu xuất phát từ chùa Thầy ra gò Thiên (Quán Thánh) tương truyền đây là địa điểm quân Minh đốt xác Từ Đạo Hạnh.

Xem hội chùa Thầy thì có lẽ hấp dẫn và độc đáo nhất đó là xem múa rối nước. Tương truyền sinh thời Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người giao thiệp rộng, hay bày trò vui chơi, chính thiền sư đã bày cho nhân dân trong vùng trò rối nước vì vậy các phường rối nước quanh vùng suy tôn ông làm tổ nghề. Theo Vũ Ngọc Khánh bài giáo trò sau là tác phẩm của vị thiền sư này:

“Trình làng trình chạ,

Thượng hạ tây đông.

Tứ cảnh hòa chung,

Nghe tôi giáo trống.

Trường không phong động,

Cũng bởi trống tôi.

Làng đã vào ngồi,

Tôi xin diễn tích…”

“Nhất vui là hội chùa Thầy”, chùa Thầy với ngàn năm lịch sử vẫn luôn là di tích hấp dẫn khách thập phương về đây thăm Phật cầu an, để trong một phút nào đó được thoát khỏi cái bản ngã nhỏ bé để chìm đắm vào cõi Phật vô ưu, vô phiền.

Trong điều kiện hạn chế của khả năng nghiên cứu và tư liệu, hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào đề cập đến mối liên hệ trực tiếp giữa lễ hội chùa Láng và lễ hội Chùa Thầy, chúng tôi mong sự chỉ bảo của các nhà nghiên cứu, về phần mình chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm trong tương lai.

KẾT LUẬN

Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ thuộc loại lớn ở Miền Bắc Việt Nam. Việc nghiên cứu những giá trị nhiều mặt của chùa Thầy đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị đa diện của di tích đã ngàn năm tuổi mà không khi nào hết hấp dẫn này. Việc đặt chùa Thầy trong cái nhìn soi chiếu với các di tích thờ Từ Đạo Hạnh khiến chúng tôi càng ý thức rõ ràng đây là một trong hai di tích quan trọng bậc nhất thờ Từ Đạo Hạnh (di tích còn lại là Chùa Láng). Trong nhân vật dược thờ Từ Đạo Hạnh, trong kiến trúc và lễ hội chùa Thầy ta đều thấy rõ dấu ấn của Mật Tông, Tông phái đã tạo ra một trào lưu sinh hoạt Mật giáo vốn đã rất sôi nổi trong chiều Lý. Nếu nói chùa Tiền Phật - Hậu Thánh là một loại hình kiến trúc Phật giáo độc đáo của Việt Nam thì Chùa Thầy chính là nơi khởi nguồn cho kiểu kiến trúc này. Chùa Thầy với một số lượng không nhỏ các hiện vật quý giá lâu đời luôn là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn khi tìm hiểu Phật Giáo thời Lý thời đại rực rỡ của Phật Giáo Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Văn Tiến (2004), Chùa Thầy, Nxb. Khoa họa Xã hội, Hà Nội.

2. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh (2011), Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

4. Thích Đức Thiện, Nguyễn Quốc Tuấn (2011), Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.



* Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 43
    • Số lượt truy cập : 6449936