CHÙA THẦY TRONG LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI
ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN QUỐC OAI
Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc Tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Lý, trải qua thời gian, chùa đã nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật, về phong cảnh tự nhiên vốn có. Chùa còn là nơi lưu dấu ấn tu hành của một vị cao tăng nổi tiếng thời Lý, đó là thiền sư Từ Đạo Hạnh, người là Tăng là Phật là Vua và là ông tổ của loại hình nghệ thuật múa rối nước của dân tộc. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì thiền sư họ Từ, tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận (nay là làng Láng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Từ thủa nhỏ, thiền sư đã có những hành động khác thường, lớn lên ngài ứng thí khoa Bạch Liên và đỗ đầu, nhưng ngài không ra làm quan. Vì mối thù cha nên quyết tâm xuất gia học đạo rồi cùng các ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Thiên cầu pháp. Khi đã học được pháp thuật, thiền sư trở về núi Sài dựng gậy tích ngày đêm tụng tập. Đến khi thù cha đã trả xong thì niềm tục lắng trong, lòng thiền rộng mở bèn đi khắp bốn phương tham thiền vấn đạo. Lúc ngộ được tâm ấn, thiền sư trở về giảng đạo, dạy học, hái thuốc chữa bệnh cho dân, dạy và tổ chức cho dân những trò chơi như đá cầu, đánh vật, múa rối nước. Do đó dân chúng rất cảm phục nên mới gọi nhà sư bằng một danh xưng vừa trìu mến vừa gần gũi là Thầy. Bởi vậy, chùa ngài tu là chùa Thầy, núi ngài hóa cũng là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy, thậm chí đến cả tổng đó cũng được gọi là tổng Thầy.
Về kiến trúc, lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ mang tên Hương Hải am do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu tập, sau mới xây thành qui mô lớn. Trước cửa chùa có hồ nước rộng gọi là Long Trì (ao rồng), giữa hồ có nhà thủy đình là nơi biểu diễn múa rối nước trong những ngày hội. Hai bên cầu có hai chiếc cầu lợp mái theo kiểu Thượng gia hạ kiều (trên là nhà dưới là cầu) ba nhịp có mái che làm tôn thêm vẻ đẹp phía ngoài chùa. Kết cấu kiến trúc chính có giá trị nghệ thuật là chùa Cả đối diện với Thủy đình. Toàn khu chính điện của chùa là một khuôn viên hình chữ nhật rộng khoảng 40m, dài chừng 60m. Chùa Thầy rộng khoảng 2400m2, là một ngôi chùa cổ được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng chạy song song với nhau. Bao quát chùa là một không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh, có hoa khoe đua sắc, có thủy đình nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là Nguyệt Tiên kiều và Nhật Tiện kiều, dựng trên nền cao, có hai dãy hành lang kèm hai bên đầu hồi với nghệ thuật và kiến trúc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ 18.
Theo thuyết phong thuỷ chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn, chùa quay mặt về hướng nam, trước chùa là hồ rộng mang tên hồ Long Chiểu, sân có hàm rồng. Toàn bộ kiến trúc là sự kết hợp hài hòa hệ thống chùa Thiên Phúc tự dưới chân núi và Đỉnh Sơn tự trên núi. Thể hiện sự bố trí không gian chùa độc đáo của toàn bộ khu di tích. Núi Thầy được xem là con rồng lẻ đàn sắc sảo (quái long), chung quanh có Thập lục kì sơn (là các con lân, con phượng, con rùa) chầu về. Chùa nằm trên khu đất hàm rồng, sân cỏ trước là hàm trên của rồng, bờ hồ bên trái là hàm dưới, miệng rồng há ra đón hòn ngọc là Thuỷ đình. Hai dải đất rộng ra hai bên là hai chân trước của rồng ôm lấy chùa. Hai cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên là răng nanh của rồng. Hai bên có giếng tượng trưng cho mắt rồng. Hai cây gạo khúc khuỷu vươn lên trời trước chùa là râu rồng. Ba lớp chùa Hạ, Trung, Thượng là đầu rồng. Hành lang hai bên chùa có gác chuông, gác trống là tai rồng.
Kiến trúc thể hiện sự hài hoà tiền Phật hậu Thánh linh thiêng và đẹp đẽ, đánh dấu sự hội nhập giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo, giữa tính chất từ bi của Phật với sự linh thiêng của thánh. Chùa Thầy được biểu hiện bằng một cấu trúc hoàn chỉnh gắn kết giữa kiến trúc chùa với một cung Thánh nối vào phía sau toà nhà Tam bảo trên cùng một trục. Cung thánh là một không gian đóng kín với diện tích nhỏ để tạo lên vẻ huyền bí linh thiêng. Toàn bộ kiến trúc chùa trải dài ăn cao dần theo triền núi theo bố cục nội công ngoại quốc, dạng mặt bằng hoàn chỉnh phổ biến nhất của kiến trúc Phật giáo thế kỷ 17. Khu Tam bảo bao gồm cả toà nhà Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện gắn kết theo chữ Công, hai bên có hai dãy hành lang dài nối gác chuông, gác trống, nhà hậu tạo lên một khung chữ nhật (Quốc), tạo cho chùa một không gian thoáng bên trong nhưng lại kín đáo bên ngoài.
Không chỉ tuyệt đẹp về cảnh quan và độc đáo về kiến trúc, mà nơi đây còn lưu giữ khối di vật đồ sộ, niên đại trải dài từ thời Lý đến ngày nay: bệ đá tòa sen lớn nhất Việt Nam; 2 cột và một lưng ngai bằng gỗ thời Trần, cổ nhất Việt Nam; 36 pho tượng cổ, trong đó có bộ tượng Di đà tam tôn cổ nhất Việt Nam cùng vô vàn di vật quan trọng khác.
Mỗi hệ thống tượng với chức năng riêng biệt sẽ được đặt ở vị trí nhất định trong chùa. Ở chùa Thầy với kiến trúc tiền Phật hậu Thánh, có hai hệ thống tượng chính: hệ thống tượng Phật và hệ thống tượng Thánh. Trọng tâm của hệ thống tượng Phật là ở chùa Trung (Đại Hùng Bảo Điện). Cách sắp xếp về cơ bản vẫn theo hai trục chính: trục ngang (thời gian) là bộ tượng Tam thế (quá khứ, hiện tại và tương lai) và trục dọc (không gian) gồm tượng Tuyết Sơn - Di Lặc - Thích Ca sơ sinh. Mỗi nhóm tượng được chú trọng nhấn mạnh đến thần thái, cách tạo hình ứng với chức năng của tượng.
Hai pho tượng hộ pháp có giá trị nghệ thuật cao được coi là lớn Việt Nam. Tượng cao hơn 4m được làm bằng đất thó, giấy bản giã nhỏ trộn với mật ong và trứng. Mặc dù tượng được làm cách đây hơn 300 năm nhưng hình hài màu sắc vẫn như ban đầu.
Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh ở trong ba kiếp khác nhau được thờ trong điện Thánh, ban giữa bên trên thờ tượng Phật A di đà, bên trái tượng là Quan âm bồ tát, bên phải là tượng Đại thế trí bồ tát, phía dưới là bệ đá Bách hoa đài tạc từ thời nhà Trần, thế kỷ 13, trên để hòm lịch triều tôn phong của thiền sư. Dưới nữa là tượng thiền sư nhập định trên toà hoa sen vàng. Pho chân thân thiền sư Từ Đạo Hạnh mang tính chân dung thể hiện khuôn mặt khắc khổ gân guốc, trong trang phục mặc áo cà sa, mũ pháp sư, ngồi thiền định. Gian bên trái là thờ tượng toàn thân thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Khi xưa, trong ruột tượng có đặt dây máy theo lối con rối, do đó mỗi khi mở cửa khám tượng từ từ đứng dậy, đóng cửa khám lại tượng lại từ từ ngồi xuống. Về sau mới cắt dây máy và tượng ngồi cố định. Gian bên phải là tượng thờ vua Lý Thần Tông, tương truyền là hậu thân của thiền sư đặt trên ngai vàng.
Bao bọc hai bên Tam Bảo là hành lang và hệ thống tượng La Hán, hiện thân của những người tu hành xuất thân từ nhiều tầng lớp có tiểu sử, cá tính, lối tu hành khác nhau do vậy cũng là nhóm tượng sinh động, hiện thực, tạo nhiều cảm hứng. Ngoài ra trong hệ thống tượng thờ ở trong chùa còn có tượng thờ cha mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, hai người bạn của ngài, cùng vị có công cai quản, trông nom chùa và hiện nay có lập am để thờ đó là am Bà Chúa.
Chùa Thầy không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là di tích lịch sử lưu dấu những kỉ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác đã về ở và làm việc ở chùa Một Mái nằm trong quần thể di tích lịch sử chùa Thầy. Tại đây nhiều chủ trương và quyết định quan trọng của đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ địa phương, Bác đến Sài Sơn vào tối ngày 03/02/1947, Người nghỉ và làm việc trong gian buồng của ngôi nhà Tổ dưới chân chùa Một Mái. Từ đây đến đầu tháng 3/1947 khu vực chùa Một Mái, núi Thầy, xã Sài Sơn đã trở thành sở chỉ huy của Bác để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân. Trong gian buồng nhỏ trên chiếc án thư, với chiếc máy chữ nhỏ và bên ngọn đèn dầu ngày đêm bên Bác còn viết và tự tay đánh máy nhiều tài liệu quan trọng, kí duyệt nhiều sắc lệnh của Chính phủ. Hiện nay trong Nhà lưu niệm Bác Hồ còn lưu lại nhiều kỉ vật của Người. Năm nào cũng vậy đến hẹn lại lên cứ tới ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Thầy. Lễ hội chùa Thầy diễn ra làm 2 phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ là những nghi thức trang trọng uy nghiêm nhất trong lễ hội. nghi lễ đầu tiên trong phần lễ là Mộc dục (tắm tượng). Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh hằng ngày được để trong khám thờ nhưng mỗi năm được mở một lần vào chiều ngày 5/3 để thực hiện nghi lễ Mộc dục. Lễ này do chính thiền sư trụ trì của chùa tiến hành, nước tinh khiết được những người hộ lễ mang tới trước khám thờ, sau đó nhà sư sử dụng miếng vải đỏ nhúng vào nước lau tỉ mỉ sạch pho tượng trong tiếng tụng kinh gõ mõ của tăng ni Phật tử. Miếng vải đỏ sau đó được cắt ra từng mảnh nhỏ chia cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ làm bùa chú tránh tà ma. Nước lộc sau khi tắm tượng được vảy vào du khách trẩy hội để cầu lấy bình an, sức khoẻ, may mắn.
Sau lễ Mộc dục là lễ rước Thánh được tổ chức vào chiều ngày mùng 7/3 âm lịch. Một đoàn người chỉnh tề trong bộ trang phục quần trắng áo the đầu quấn khăn gõ đi cùng một đoàn người khác khiêng trên vai bốn chiếc kiệu. Kiệu đi đầu tiên là kiệu Phật đình hay còn gọi Long đình, đi thứ hai là kiệu Bài vị, tiếp đến là kiệu Y phục cuối cùng là kiệu Lễ vật. Dẫn đường bốn kiệu là đoàn người mang gươm vàng bát bảo, đi xát mỗi kiệu có hai người vác chiếc quạt Vả chầu, một người vác tiếp một chiếc long che kiệu.
Cúng Phật và chạy đàn: đây là nghi thức diễn xướng dân gian có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Các lễ vật chính được dâng lên bàn thờ cúng hàng trăm lễ vật khác nhau của nhân dân và du khách lung linh trong ánh nến khói nhang và đèn nến. Nhà sư trong trang phục áo cà sa sang trọng tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm khác nhau thể hiện chuyến đi không ngừng của để vươn tới những điều tốt đẹp.
Phần hội luôn là những trò chơi dân gian đặc sắc, một không gian sôi động. Đặc biệt ở chùa Thầy thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, người vẫn được nhân dân coi là thủy tổ của nghệ thuật múa rối nước. Do vậy năm nào cũng vậy từ ngày mùng 5 – 7/3 âm lịch hằng năm đều tổ chức hoạt động múa rối nước tại nhà Thuỷ đình với nhiều tiết mục, được các nghệ nhân phường rối cổ truyền với nhiều tích truyện dân gian như: chú Tễu, đi bừa, mèo đuổi chuột…
Ngoài hoạt động múa rối nước còn có nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc như hát quan họ họ trên hồ Long Trì do những liền anh, liền chị hát đến từ mảnh đất Kinh Bắc trình bày, ngoài ra còn có tổ chức các buổi hát chèo ở sân chùa. Trong không gian hội còn có nhiều trò chơi dân gian khác như chọi gà, nặn tò he, đấu vật…
Ngoài những sinh hoạt lễ hội hấp dẫn, đến hội chùa Thầy, du khách còn được thưởng ngoạn danh thắng nổi tiếng: “Có động, có hồ, có chợ Trời. Núi sông tiểu biểu giải kỳ quan”.
Kiến trúc ban đầu của chùa Thầy chỉ là một thảo am nhỏ, xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127) là nơi Thiền sư tu tập; sau mới xây thành quy mô lớn, gồm hệ thống chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ, chùa Cả. Quy mô, kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy đặc sắc, có hệ thống tượng thờ quý giá. Qua cầu Nguyệt Tiên là đường lên núi, trên đường lên núi có chùa Cao với hang Thánh Hóa (tương truyền là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trút xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông); có hang Cắc Cớ, trên núi có chợ Trời. Từ hang Cắc Cớ lên là đến đền Thượng, đi tiếp sẽ đến chùa Bối Am (chùa Một Mái), cạnh chùa có đền kỷ niệm nhà bác học lỗi lạc Phan Huy Chú đã viết và hoàn thành tác phẩm bách khoa cổ vĩ đại Lịch triều hiến chương loại chí.
Như vậy, chùa Thầy không chỉ là công trình kiến trúc cổ có giá trị, thỏa mãn các hoạt động tín ngưỡng mà còn thỏa mãn những hoạt động du lịch thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách. Hội chùa Thầy hàng năm diễn ra là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo. Nhận thức được ý nghĩa và giá trị của di tích danh thắng và để phát huy giá trị đó, hàng năm xã Sài Sơn luôn dành kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo, làm đẹp thêm phong cảnh chùa Thầy.
Có thể nói, lễ hội chùa Thầy với tư cách là một lễ hội dân gian truyền thống, là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể hợp thành kho tàng di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Là nét đẹp văn hóa được hình thành, bổ sung và phát triển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc; trở thành nhu cầu không thể thiếu được của nhân dân nhằm thỏa mãn khát vọng về nguồn, nhu cầu văn hóa tâm linh; tăng cường giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội chùa Thầy là góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội chùa Thầy đã có những chuyển biến tích cực từ tư duy nhận thức của các cấp lãnh đạo; việc ban hành và thực thi các văn bản quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội, hàng năm huyện Quốc Oai đều thành lập Ban chỉ đạo lễ hội chùa Thầy của huyện để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, cho đến việc phục hồi và phát huy có hiệu quả lễ hội chùa Thầy. Góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội dân gian, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Để lễ hội chùa Thầy ngày càng được phát triển, giữ gìn và bảo lưu được những giá trị truyền thống thì rất cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, các cấp nhằm bảo vệ các giá trị đa dạng về lịch sử, văn hóa của lễ hội chùa Thầy.
Trên thực tế, trong những năm qua, UBND huyện Quốc Oai đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về di tích và lễ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý báu của dân tộc. Cảnh quan thiên nhiên và môi trường trong khuôn viên di tích luôn được cải tạo, giữ gìn, ý thức của người dân về bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao tạo được ấn tượng đẹp đối với khách du lịch khi về thăm chùa Thầy.
Có thể nói, chùa Thầy không chỉ là di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, một nơi du lịch lý tưởng. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng có kế hoạch định kỳ kiểm tra công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lễ hội. Coi trọng công tác phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt thông qua lễ hội để giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai. Là một trong những biện pháp cần thiết và lâu dài đồng thời vận động quần chúng cùng tham gia nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện nói chúng và chùa Thầy nói riêng.
Ngày 10 tháng 03 năm 2012
Bình luận bài viết