Thông tin

CHÙA THẦY VÀ DÒNG HỌ PHAN HUY

 

TS. PHAN HUY DỤC*

 

Xứ Đoài mây trắng của Hà Nội nằm ở phía Tây thủ đô từ “xa xưa và rất xưa”, nơi đây đã được coi là một vùng địa linh nhân kiệt. Phong cảnh nên thơ hữu tình với câu hát: “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa” đã sản sinh ra nhiều danh nhân và chí sĩ nổi tiếng.

Núi Ba Vì (Tản Viên sơn) gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nổi tiếng, mà đức thánh Tản đã được nhân dân tôn vinh là một trong Tứ bất tử trong thần điện của người Việt[1]. Làng Cổ Đô dưới chân núi Ba Vì với câu ca dao còn lưu lại

Đồn rằng Hà Nội vui thay

Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô

Cổ Đô trên miếu dưới chùa

Sinh ra hoa cống hoa khôi

Trong hai hoa đó thì tài cả hai

Và đúng như vậy, đây cũng là quê hương của lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh (1458 - 1540), ông là người tài cao học rộng, trước khi đi sứ đã là Thượng thư bộ Lễ của triều Lê. Trong thời gian đi sứ (1500) ở Yên Kinh (Bắc Kinh) do phục tài, vua Minh cũng phong cho ông chức Thượng thư của Trung Quốc. Với tài năng, đặc biệt là ngoại giao nên còn được vua Lê ban quốc tính là Lê Lan Hinh. Hiện nay, trên từ đường dòng họ Nguyễn ở Cổ Đô còn lưu bức hoành phi: Lưỡng quốc Thượng thư.

Cách  Cổ Đô  khoảng 7km về phía tây, có đình Tây Đằng. Đây là ngôi đình đẹp và cổ kính nhất của nước ta, với năm trăm năm tồn tại. Hình ảnh con rồng, những người thợ mộc với đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, đã tạo nên những con rồng đa dạng và sống động. Có thể nói chưa nơi nào thể hiện những hình rồng phong phú và đẹp như vậy. Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) sinh ra bên Tản Viên sơn và dòng sông Đà, nên lấy bút danh là Tản Đà. Ông là ngôi sao sáng trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20. Thơ ông thể hiện lòng yêu thương đất nước. Cách không xa, là làng cổ Đường Lâm, đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Đây là đất có hai vua duy nhất ở Việt Nam: Bố cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802), người đầu tiên đánh chiếm thành Tống Bình (Hà Nội), trụ sở chính của chính quyền đô hộ nhà Đường. Vua Ngô Quyền (898-944), đã đánh tan quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam. Ở Đường Lâm còn có Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638). Khi đi sứ, ông đối đáp giỏi, bảo vệ được quốc thể, khiến vua Minh tức tối và đã làm một việc thấp hèn, ra lệnh mổ bụng moi gan ông. Thi hài ông an táng ở quê nhà, vua Lê ban chữ : “Sứ bất nhục quân lệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”, nghĩa là (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ). Gần với Đường Lâm thị xã Sơn Tây còn có công trình kiến trúc nổi tiếng: thành cổ Sơn Tây, được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng đá ong, và là một trong tứ trấn bảo vệ Hà Thành trước đây. Huyện Thạch Thất có đền thờ Quận công, Thượng thư, Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613). Ông được tôn là Trạng, do ở làng Bùng nên còn gọi là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Đến tuổi 70 vẫn còn được tín nhiệm cử đi sứ, và được vua Minh kính trọng phong là Phùng kỳ lão. Ông để lại câu nói nổi tiếng về người làm quan, đáng để người đời suy ngẫm:

Thanh dĩ đường quan lợi khắc ô

Cần ư tắc đức tâm thường dật

Tạm dịch :

Làm quan giữ thanh liêm

Vụ lợi thì ô uế

Đan Phượng, “Quê hương người gái đảm” có nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988), nhà thơ Xứ Đoài mây trắng, với những câu thơ hiện lên bức tranh quê thành bình của những mùa vàng ấm no vùng Quốc Oai - Hà Nội .

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Nói tới Xứ Đoài, không thể không nhắc tới Sài Sơn - Chùa Thầy. Đất ngọt phù sa sông Đáy đã tạo nên vùng bãi bồi màu mở để cho những đặc sản ngon được truyền lại trong câu: Củ đồng Mai, khoai sọ Pháng (củ tức là khoai lang ở cánh đồng Mai, thôn Phúc Đức, Sài Sơn và khoai sọ Pháng - đất bãi ven sông Đáy). Cả hai điểm trên đều gần sông Đáy và Phúc Đức - Sài Sơn . Ngoài ra, Sài Sơn còn có đặc sản quý.

Sài sơn chi biển bức

Cấn xá chi lý ngư

Thượng Hiệp chi kỳ bành

Sen chiểu chi muống linh

Sài sơn - làng Thầy có con dơi ngựa, Cấn Xá (ven sông Tích) có cá chép,  Thượng Hiệp sát huyện Phúc Thọ có cua đồng, Sen Chiểu (thị xã Sơn Tây) có rau muống. Con dơi, cá chép, con cua, rau muống có ở nhiều vùng nước ta. Nhưng ở bốn địa danh trên, chúng thành vật lạ món ngon hơn nơi khác, trở thành tứ quý tiến vua.

Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý Thần Tông (1072 - 1127). Chùa không chỉ nổi tiếng Xứ Đoài mà còn cả vùng châu thổ sông Hồng. Chùa Thầy còn có nhiều tên gọi: Chùa Thiên Phúc, tên cổ là Am Hương Hải, viện Bồ Đà. Trong chùa có thờ các tượng: Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông (hậu thân của thiền sư) và nhiều tượng Phật. Chùa nằm ngay chân núi Sài Sơn, còn gọi là núi Phật Tích hay núi Thạch Thất, thuộc hai xã Thiên Phúc và Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Nay là xã Sài Sơn, uyện Quốc Oai, Hà Nội. Trước cửa chùa có hồ Long Trì (Ao Rồng), nhà Thủy Đình nằm ở giữa hồ là nơi biểu diễn múa rối nước trong ngày hội. Hai bên chùa có hai chiếc cầu hợp mái theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (Trên là nhà, dưới là cầu). Bên trái là Nhật Tiên kiều thông ra Tam phủ trên hòn đảo nhỏ nằm giữa ao Rồng. Bên phải là Nguyệt Tiên kiều bắc qua hồ, có đường lên chùa Cao trên núi. Hai cầu này do Trạng Bùng Phùng khắc Khoan cung tiến năm 1602. Sau khi đi sứ nhà Minh về. Theo Hoàng Việt địa chí của Phan Huy Chú, nói về chùa Thầy: “Cảnh trí nơi đây rất đẹp, núi trông xuống mặt hồ phẳng lặng, trên núi có hang sâu là nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác”.

Một thi sĩ thời đó đã có bài thơ vịnh cảnh đẹp chùa Thầy :

Lam minh ỷ nham u

Lâm Sơn nhất kính tụ

Địa khoan tiên đắc nguyệt

Động cổ tảo tư thu

Điểu khước ba gian túc

Ngư phiên mộc vị du

Tạm dịch :

Núi sâu bám rễ hoa lan

Lên chơi đã thấy đường mòn quanh co

Đất bằng trăng dọi đáy hồ

Động xưa sớm thấy hơi thu đã về

Chim ngàn bụi trúc tỉ tê

Cá đâu vẫn lượn bốn bề cây xanh

Chùa Thầy còn gắn với sự tích thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền vua Lý Nhân Tông ( 1072 - 1128 ) tuổi cao mà chưa có con trai, em vua là Sùng Hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp nhà sư ở núi Thạch Thất (núi Sài Sơn) đến chơi, Hầu nói với Từ Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho biết trước”. Rồi Đạo Hạnh cầu khấn Sơn thần, ba năm sau phu nhân Đỗ thị có mang và trở dạ mãi không sinh được. Sùng Hiền nhớ lại lời Từ Đạo Hạnh dặn khi trước, liền sai người đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo, tắm rửa rồi vào hang trút xác mà qua đời. Phu nhân sinh con trai, sau này lớn lên ngôi vua năm 1128 là Lý Thần Tông, tục truyền đó là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dân làng Thiên Phúc sau khi Từ Đạo Hạnh qua đời, cho là việc lạ, đem thi hài ngài Đạo Hạnh làm cốt đắp thành pho tượng để thờ, lại sửa am Hương Hải và viện Bồ Đà là nơi Từ Đạo Hạnh tu hành lúc trước thành chùa lớn, nay gọi là chùa Cả, trông ra hồ Long Trì. Trên đường đi lên chợ Trời ở đỉnh núi, lưng chừng là chùa Cao, có hang Thánh Hóa là nơi Từ Đạo Hạnh trút xác, đầu thai. Ở vách hang còn thấy những vết lõm ở vách đá. Theo truyền thuyết đó là vết đầu, vết chân, vết tay của ngài tựa vào lúc trút xác.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh lúc nhỏ đã quyết tâm xuất gia học đạo và đã sang Tây Thiên (Ấn Độ) cầu pháp. Lúc học được pháp thuật, thiền sư trở vê núi Sài Sơn dựng gậy tích, ngày đêm tụng tập. Khi lòng thiền mở rộng, bèn đi khắp bốn phương tham thiền vấn đạo. Lúc ngộ được tâm ấn, thiền sư trở về giảng đạo dạy học, lên núi tìm cây thuốc hái về chữa bệnh giúp dân. Ngoài ra, còn tổ chức những trò chơi như đá cầu, đánh vật. Đặc biệt nghề múa rối nước, người dân ở đây còn coi ông là Tổ sư. Hàng năm khi đến hội Thầy, để tưởng nhớ đến thiền sư, múa rối nước thường diễn ra ở nhà Thủy Đình giữa hồ Long Trì.

Do được nhân dân cảm phục mến mộ, nên gọi ngài với sự kính trọng là Thầy, và những địa danh, sự kiện liên quan đến thiền sư đều được gọi là Thầy. Chùa Thiên Phúc, nơi ngài tu được gọi là chùa Thầy; núi Sài Sơn, nơi ngài hóa gọi là núi Thầy; làng Thụy Khuê ở chân núi Sài Sơn gọi là làng Thầy và hội nơi đây cũng gọi là hội Thầy.

Chùa Chiêu Thiền ở trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận (nay là chùa Láng, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Trong chùa còn có hòm gỗ chứa sách Phạn bằng lá đồng, được biết do thiền sư Từ Đạo Hạnh đúc. Trước khi về tu ở chùa Thầy, thiền sư đã tu ở chùa Láng. Vì vậy, hội chùa Láng và hội chùa Thầy mở cùng một ngày.

Nhớ ngày mùng bảy tháng ba

Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy

Chùa Thầy là một quần thể di tích và danh thắng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây: Chùa Long Đẩu, chùa Hoa Phát, đền Quán Thánh, chùa Hương Khánh, chùa Cả, chùa Cao, nhờ thờ dòng họ Phan Huy, vườn đào Cao Bá Quát, chùa Phúc Lâm, chùa Một Mái (chùa Bối Am) đền Tam Xã, chợ Trời trên đỉnh núi. Các hang động như Hang Bò, hang Gió, hay Thánh Hóa, nhưng có lẽ đặc biệt là hang Cắc Cớ. Hàng năm mỗi độ xuân về, mưa xuân rác bụi, trai thanh gái lịch lại nô nức chẩy hội Thầy, mang theo câu ca dao xưa:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy

Từ khi thành lập cho đến nay, chùa Thầy có nhiều sư trụ trì, đã góp phần xây dựng cảnh quan ngày càng đẹp hơn. Một trong những nhà sư đó là Thượng tọa Thích Viên Thành (1950 - 2002), thế danh là Phùng Xuân Đào, quê ở xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 15 tuổi được sư tổ Thích Thanh Chân, động chủ tổ đình Hương Tích nhận làm đệ tử. Sau đó, ngài theo học các trường trung cấp Phật giáo (1973 - 1976), cao cấp Phật học 1981 - 1985 (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam). Trong thời gian học, theo lời thỉnh cầu của chính quyền và nhân dân địa phương, Thượng tọa về trụ trì chùa Thầy. Tại đây (1984 - 2002), Thượng tọa đã cùng các Đại đức, Tăng ni, Phật tử làm được nhiều việc hữu ích, sửa sang sắp xếp lại quy củ và nâng cấp chùa Thầy, cải tạo hồ Long Trì sạch hơn, trồng cây xanh để không khí đền, chùa trong mát, trang nghiêm.

Năm 1992, Thượng tọa được mời viếng thăm vương quốc Bhutan, gặp bậc Kim cương Thượng sư truyền thừa Draukpa là Đức giáo chủ Je Khenpo. Phải chăng đây là tiền định, được thể hiện trong bài thơ Nguyện làm từ trước của Thượng tọa. Xin được trích đoạn :

Thắp trước Phật đài một nén hương

Rì rầm nguyện dưới bóng từ lương

Hữu tình trong tối thề rong đuốc

Hàm thức mê man quyết dẫn đường

Biến cõi trầm luân thành Tịnh độ

Bắc cầu hành nguyện tới Tây phương

Dù gian khó vẫn không lùi bước

Khoác áo Như Lai để tự cường

3/1965

Nhưng do bạo bệnh Thượng tọa đã viên tịch, thọ 53 tuổi, sau 40 năm tu hành.

Thời gian ở trên dương thế tuy ngắn, nhưng Thượng tọa đã sống trọn vẹn cuộc đời đạo pháp và được đánh giá có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo nước nhà. Vì vậy sau khi viên tịch, Thượng tọa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam truy tặng Hòa thượng.

Khu vực chùa Thầy và làng Thầy còn lưu lại nhiều dấu tích của dòng họ Phan Huy. Đây là một dòng họ có nhiều người là những tác giả xuất sắc, giàu truyền thống văn chương khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước như Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, Phan Huy Sảng, Phan Huy Quýnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh. Các tác giả trên đã để lại nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, văn thơ có giá trị. Ngoài ra, một số các bậc trên còn là những nhà chính trị, ngoại giao nổi tiếng, đã được giao trọng trách đi sứ như: Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh.

Dòng họ Phan Huy vốn gốc ở Hà Tĩnh, lúc đầu có truyền thống âm nhạc, làm nghề ca hát. Theo luật nhà Lê, con em xướng ca không được đi thi, làm quan, lấy con quan. Đến thời Lê - Trịnh, có 5 cô gái của dòng họ được tuyển làm cung tần chúa Trịnh, trong đó có 2 con gái của Đô đốc Vinh Lộc hầu Phan Văn Kính (ông nội của Phan Huy Cận) là Phan Thị Nẫm được tuyển chọn làm cung tần chúa Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1657 - 1682) và Phan Thị Lĩnh làm cung tần chúa Định Vương Trịnh Căn (1682 - 1709).

Nhờ thế lực của những cung tần, vào thế kỷ 18, con cháu dòng họ Phan đã không bị phân biệt đối xử và được đi thi. Người đầu tiên đỗ Tiến sĩ là Phan Huy Cận (1722 - 1789), ông được coi là vị tổ khai khoa của dòng họ.

Bà Phan Thị Lĩnh được Khang Vương (Trịnh Căn) sủng ái. Gia phả họ Phan còn ghi lại: “Vào khoảng niên hiệu Chính Hòa thời Lê (1680 - 1705), bà theo xe tháp tùng (Trịnh Căn) đi tuần du phía tây và xem phong cảnh Sài Sơn, nhân đó quyên tiền tu bổ chùa Long Đẩu. Sau khi Khang Vương mất, đến năm Vĩnh Thịnh (1705 - 1719) bà lại lên kinh đô, rồi về Thụy Khuê mở mang tạo ao vườn (sau đó lưu lại cho xã làm ao công) lấy đất làm gạch để sửa sang đền chùa. Ao sau này gọi là ao gạch và người dân trong xã gọi bà là Đức Bà gạch”. Bà Phan Thị Nẫm xuất tiền sửa sang lại chùa Hoa Phát. Hiện nay Am đá sau chùa, có thể là phần mộ bà. Như vậy, những người đầu tiên thuộc dòng họ Phan Huy đặt chân đến Thụy Khuê là hai cô ruột của Phan Huy Cận. Do mối quan hệ trên, mà sau này, tiến sĩ Phan Huy Cận (1722 - 1789) về nhập cư ở Thụy Khuê và được coi là tổ của chi phái Phan Huy ở Thụy Khuê.

Trong khu chùa Một Mái, có ba gian thờ. Gian giữa, bức hoành phi ở trên, với dòng chữ: Phan Đô Đốc Từ (Đền thờ Đô Đốc họ Phan), tức là Đô đốc Vinh Lộc hầu Phan Văn Kính. Một số cột có các câu đối với nội dung tu sửa lại phong cảnh cho đẹp và giúp triều đình làm rạng rỡ gia phong.

Gian thờ mang ý nghĩa ghi nhận công lao của dòng họ Phan Huy và đánh dấu bước chuyển của dòng họ từ Hà Tĩnh ra chùa Thầy. Hiện hay gian thờ còn bảo tồn được 5 pho tượng. Giữa có tượng Phan Đô Đốc và hai bên là 2 bà vợ. Gian bên phải có tượng 2 bà quý phi Phan Thị Nẫm và Phan Thị Lĩnh. Gian bên trái có tượng cháu gái là Phan Thị Ái cũng là một phi tần, sau đi tu, trụ trì chùa Một Mái, nên tượng bà là một sư nữ.

Phan Huy Cận (1722 - 1789) là thân phụ của Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, và là ông nội của Phan Huy Vịnh và Phan Huy Chú. Thủa nhỏ ông nổi tiếng thông minh. Năm Giáp Tuất 1754, ông đi thi Hội và đỗ Hội Nguyên (Đỗ đầu). Sau đó thi Đình đỗ Tiến sĩ, được ghi danh tại văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Sau khi đỗ đại khoa, ông được giao các chức vụ: Công bộ thị lang, Thị binh thư kiểm, Quốc Tử Giám giang quân, Tả thị lang bộ lễ, Quốc sử tổng tài.

Cùng với con trai Phan Huy Ích, ông là người giỏi về địa lý, nên hai cha con tự thiết kế đường xá, mương máng cho làng Thầy (làng Thụy Khuê). Ông đã cắm hướng đình, văn chỉ, cổng làng, giếng nước. Sau thấy làng được hưng vượng, dân trong làng nhớ ơn, phụng thờ cụ làm hậu thần. Trước đây, để nhớ tới công ơn cụ, hàng năm trong dịp lễ khai hạ (mùng 7 tháng Giêng âm lịch) phụ lão ở đình làng Thầy thường có lễ (có lời) vào nhà thờ họ Phan Huy để xin văn tế.

Hiện nay ở làng Thầy còn nhà thờ cụ, với chữ ở trên nóc nhà: Phan Bình Chương Từ (Nhà thờ cụ Bình Chương Phan Huy Cận).

Phan Huy Ích (1751 - 1822) là con trai của Tiến sĩ Phan Huy Cận (1722 - 1789) người đã từng giữ nhiều chức vụ cấp cao dưới thời Lê - Trịnh. Ông lấy tên hiệu là Dụ Am, từ bé nổi tiếng thông minh. Theo gia phả còn ghi lại: Lúc nhỏ ông thông minh khác thường, đọc sách chỉ xem qua một lần là thuộc. Năm 22 tuổi đỗ đầu thi Hương (Giải Nguyên), năm 26 tuổi đỗ đầu thi Hội (Hội Nguyên) tức học vị Tiến sĩ, em trai là tiến sĩ Phan Huy Ôn (1755 - 1786). Như vậy, cả cha và hai con đều là tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê - Trịnh, đúng như câu: “Tam phụ tử huynh đệ đồng triều” và cùng được khắc tên vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là trường hợp hiếm có trong các gia đình và dòng họ ở nước ta. Nếu Phan Huy Cận được coi là người khai khoa của dòng họ, thì Phan Huy Ích lại được coi là người mở đầu cho dòng văn Phan Huy ở Sài Sơn - Chùa Thầy - Hà Nội. Ông rất tự hào về truyền thống khoa bảng của gia đình, và trong bài phú mừng sinh con trai thứ là Phan Huy Thực, có câu: Văn phái dư lan cụ cửu nguyên. (Dòng văn để lại đủ cả cửu nguyên), với lời dẫn: Phụ thân tôi (Phan Huy Cận) thi Hương, thi Hội hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Bố vợ tôi (Ngô Thì Sĩ) thi Hội, thi Đình hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Tôi thi Hương, thi Hội, thi Ứng chế ba lần đều đỗ đầu (Tam nguyên). Bác Hy Doãn (Ngô Thì Nhậm) và chú Nhã Hiên (Phan Huy Ôn, em trai thứ ba) đỗ đầu thi Hương. Tất cả cộng lại là chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên.

Với tài năng, Phan Huy Ích cùng với anh vợ là Ngô Thì Nhậm đã được vua Quang Trung tin dùng và giao cho nhiều trọng trách, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao. Hai ông được coi là những nhà ngoại giao lỗi lạc, có những đóng góp tích cực hàng đầu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động ngoại giao, Phan Huy Ích đã viết được 102 bài biểu và thư trao đổi với nhà Thanh. Những biểu chương, thư trái của ông mang nội dung hết sức phong phú, không chỉ đề cao được tư tưởng chính nghĩa của triều Tây Sơn đối với triều Mãn Thanh, mà còn mang tính chất hòa hiếu trên cơ sở bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc.

Sau chiến thắng quân Thanh, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm lại được vua Quang Trung vời ra, giao cho việc bang giao với nhà Thanh. Trong gia phả dòng họ Phan Huy còn ghi: “Tây quân dĩ bang giao vi đại quan hệ, đặc ủy đại nhân dữ bá cữu công, đồng lĩnh kỳ sự” (Vua Tây Sơn cho rằng bang giao là việc quan hệ rất lớn, đặc biệt ủy nhiệm cho ông (Phan Huy Ích) với bá cữu (Ngô Thời Nhậm lo việc này). Hai ông đã cùng nhau thảo những văn kiện quan trọng nhất về đối nội và đối ngoại của triều đình Tây Sơn. Ngay từ những tờ biểu, thư đầu tiên gửi cho vua quan nhà Thanh, hai ông đã phân tích có tình có lý sự lợi hại trong cuộc chiến giữa hai nước. Từ những ý kiến đúng đắn đó, đã khiến cho nhà Thanh phải đi đến quyết định bãi binh, từ bỏ ý định mang quân sang nước ta để trả thù thất bại lần trước.

Đầu năm Canh Tuất (1790), ông nhận được chiếu thư từ Phú Xuân (Huế) của vua Quang Trung cử đi sứ phương Bắc. Ông rất coi trọng việc cầm tiết ngọc đi, như câu nói của người xưa: “Sứ ư tử phương bất nhục quân mệnh (Đi sứ bốn phương không nhục sứ mệnh của nhà vua) và coi đó là vinh dự lớn. Trong phái đoàn giả vua Quang Trung đi sứ Trung Quốc lần này, Ngô Văn Sở là trọng thần bên võ, Phan Huy Ích là trọng thần bên văn và tự ông cầm thảo những tờ biểu, bức thư để ứng đối, thù đáp với vua tôi nhà Thanh. Kết quả chuyến đi được đánh giá là thành công tốt đẹp, làm vẻ vang cho non sông đất nước và ông đã hoàn thành xuất sắc chuyến đi trên”. Ông đã được vua Quang Trung tặng Sắc mệnh chi bảo, ngày 18 tháng 4 nhuận, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792) gia phong là: Đặc tiến kim tử vinh lộc thượng đại phu thị trung ngự sử. Thụy nham hầu, tư chính khanh Thượng tự.

Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Quang Toản lên ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh, Phan Huy Ích cũng vẫn được giao cho việc bang giao với các nước láng giềng. Ông được cử ra đón tiếp sứ bộ nhà Thanh sang làm lễ điếu tang và phong vương cho Quang Toản. Lễ sắc phong cử hành tại Thăng Long ngày 8 tháng 4 năm Quý Sửu (1973), lễ điếu tang cử ngày 13 tháng 4 cùng năm, đến ngày rằm sứ bộ lên đường về nước.

Vào cuối đời Cảnh Thịnh, nước Miến Điện (Myanmar) đã hai lần cử sứ bộ đến nước ta và Phan Huy Ích lại được triều đình giao cho tiếp đón. Theo GS.VS. Phan Huy Lê cho biết, đó là một sự kiện lịch sử, đánh dấu mối quan hệ ngoại giao khởi đầu giữa hai nước, mà sử sách hoàn toàn chưa ghi chép. Những năm tháng tiếp theo, Phan Huy Ích luôn được Quang Toản tin dùng, giao cho nhiều việc hệ trọng. Có thời gian ông phải đảm nhiệm công việc của hai bộ là bộ Hộ và bộ Hình.

Ngoài các hoạt động về chính trị và ngoại giao đã được sử sách ghi nhận, Phan Huy Ích còn là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm như Nam trình tạp vịnh, Lịch triều điển cố, Dụ am văn tập, Dụ am ngâm lục, Tinh sà kỷ hành, Vân du tùy bút

Đặc biệt bản chữ Hán Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đã được Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích dịch ra chữ Nôm. Những bản đang lưu hành là của dịch giả nào, trong thời gian dài có một số ý kiến khác nhau. Qua xác minh, nghiên cứu và tìm hiểu, GS. Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh một cách thuyết phục: Bản đang lưu hành là của Phan Huy Ích. Ông đã đưa ra bản dịch còn lưu lại của dòng họ Phan Huy ở quê hương Sài Sơn, đối chiếu từng câu, từng chữ với bản gốc của Đặng Trần Côn, được GS dịch sát nghĩa, phân tích, và đi đến khẳng định, bản dịch Chinh phụ ngâm đang lưu hành là của Phan Huy Ích. Ngoài ra, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nguyễn Văn Xuân đã tìm thấy cuốn sách cổ Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc trong một gia đình hoàng tộc ở Huế, in mộc bản từ năm 1815, trong đó còn nguyên bài tựa ký tên Phan Huy Ích.

Vì vậy, cho tới nay có thể khẳng định, bản dịch Chinh phụ ngâm đang lưu hành là của Phan Huy Ích. Theo các cụ cao niên trong dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn kể lại, ngày xưa các con dâu họ Phan đều phải học thuộc Chinh phụ ngâm của Phan Huy Ích để ru con.

Vào những năm cuối đời, Phan Huy Ích đã sai con cháu thu thập những bài thơ của mình và đặt tên là Dụ am ngâm lục, trong đó có bài Sài Sơn  xuân diểu. Đây là bài thơ nói về phong cảnh núi Sài Sơn vào tiết xuân ở một vùng quê thanh bình, nơi sinh ra ông, nay là thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội. Nhà thơ Trần Lê Văn (1920 - 2005) mà tôi có may mắn được là học trò, đầu xuân Quý Mùi - 2003 khi tôi đến chúc tết thầy nói: Dòng họ Phan Huy có nhiều người đóng góp cho quê hương đất nước. Nhân dịp đầu xuân, thầy sẽ dịch bài thơ chữ Hán Sài Sơn xuân diểu. Tết Nguyên Tiêu năm đó, thầy gọi tôi đến và đưa tặng bản dịch, với đầu đề: “Ngày xuân ngắm cảnh Sài Sơn”. Bài thơ đã được nhà thư pháp nổi tiếng là Lỗ Công Nguyễn Văn Bách, ông đồ xưa hiếm hoi còn lại, với nét chữ đẹp: “Hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay” viết trên trang giấy xuyến chỉ. Theo Thùy Vinh, tại chùa Thiên Phúc (chùa Cả ở chân núi Sài Sơn) có quả chuông với bài ký ghi trên chuông do Phan Huy Ích nhà quân sự, ngoại giao của triều Tây Sơn Soạn.

Nhà sử học kiêm toán học Phan Huy Ôn (1755 - 1786), em trai của Phan Huy Ích, và là con thứ ba cụ Bình Chương Phan Huy Cận. Năm 20 tuổi thi hương đỗ giải nguyên (thủ khoa), 25 tuổi đỗ Tiến sĩ. Ông làm quan với nhiều chức vụ như Đốc đồng Sơn Tây, Trực giảng ở Quốc Tử Giám. Ông được coi là nhà toán học với sách Chỉ minh lập thành toán pháp. Đây là điều tương đối đặc biệt, vì thời trước các nhà nho thường chú ý đến khoa học xã hội. Ông là một trong số ít các nhà nho có nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Ông để lại một số tác phẩm Liệt huyện đăng khoa khảo, Khoa bảng tiêu kỳ, Thần quật ký, Chỉ am thi tập.

Ông mất năm 1786, mới 32 tuổi và được vua ban tặng chức Hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.

Phan Huy Thực (1778 - 1844), tên hiệu là Khuê Nhạc. Ông là con thứ hai của Phan Huy Ích, anh trai của Phan Huy Chú và là cha của Phan Huy Vịnh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng, trong sự kết hợp giữa truyền thống của hai dòng họ Ngô Thì và Phan Huy. Ngay từ nhỏ ông đã học giỏi. Lớn lên có xu hướng sống ẩn dật, ở nhà dạy học, đọc sách. Năm 36 tuổi, triều Nguyễn có chiếu chỉ mời ông ra làm quan ở Viện Hàn lâm. Sau đó, ông được cử làm Phó sứ đi sứ nhà Thanh, trở về làm ở bộ Lễ với hai lần bị giáng chức và ba lần được thăng chức Thượng thư. Phan Huy Thực là người giỏi về âm nhạc và điển thức nghi lễ, nên đã được vua Minh Mệnh khen: “Văn học mạc như Quyền, chính sự mạc như Phiên, quốc gia điển lễ tắc phi Phan Huy Thực bất khả”. Nghĩa là: Văn học không ai bằng Hà Tông Quyền, chính sự không ai bằng Hà Duy Phiên, còn điển lễ quốc gia, nếu không có Phan Huy Thực thì không ai làm nổi”. Phan Huy Thực còn làm giám thị một số khoa thi hương, thi hội. Tuy làm quan tới chức Thượng thư, nhưng ông vẫn sống cuộc đời thanh bạch. Ông để lại một số tác phẩm Hoa thiều tạp vịnh, Khuê nhạc thư văn tập, Nhân ảnh vấn đáp, Bần nữ thán. Ngoài ra, ông còn dịch bản Tỳ bà hành nổi tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường. Bản dịch của ông đã được nhà thơ Xuân Diệu đánh giá: “Một bài thơ dịch vào cỡ hay nhất”.

Trong những buổi hát ca trù xưa và nay, có thể nói bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Thực là một trong những bài không thể thiếu của các ca nương, với những câu mở đầu.

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

Người xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty

Cao Bá Quát trong bài phú làm tặng Phan Huy Thực có viết: “... Khuê nhạc danh công, văn chương thế mỹ”. Nghĩa là: Văn chương làm đẹp cho đời, Thụy Khuê đất núi có người nổi danh.

Trong 30 năm làm quan dưới ba triều vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, ông đều được tin cậy và trọng dụng. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) nhân dịp đi Bắc Hà tuần du, nhà vua đã ban tặng ông thoi bạc và bài thơ để tỏ lòng hậu tài người bề tôi già:

Bắc quận từ trường lịch hoạn biên,

Thiên cù hạnh tế trác cô viên.

Thừa sai bất nhục văn chương trứ,

Quy trượng nan khu lão bệnh triều.

Phong bệ phương lưu tôn trở sự,

Sài nham nhàn khế hạc quy niên.

Tam triều trù tích thường truy niệm,

Xuân thự gia nhi nhật miễn chiên”.

Nghĩa là:

Chốn văn từ phía Bắc ông trải qua hoạn lộ. Đường rộng lớn may mắn được tôi luyện văn chương. Cưỡi bè đi sứ không để nhục tài văn chương. Trở về khó kham được bệnh tật tuổi già. Tiếng thơm lưu lại triều đình như vật quý được thờ cúng ở miếu đền. Núi Sài ông nhàn nhã làm bạn với rùa hạc nhiều năm. Công tích với ba triều luôn được nhớ tới. Mùa xuân ghi vài lời để bọn trẻ trong gia đình cố gắng noi theo.

Ông mang bài thơ về, cho khắc trên vách đá núi Thầy. Hiện bài thơ vẫn còn hầu như nguyên vẹn, trên đường đi lên núi ở gần chùa Cao.

Phương đình Nguyễn Văn Siêu (1795 - 1872) cùng với Cao Bá Quát (1809-1855) đã được vua Tự Đức khen hết lời, với câu:

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán.

Thi đáo Tùng tuy thất thịnh Đường

Nghĩa là:

Về văn chương thì Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát hơn cả những nhà văn Trung Quốc thời nhà Hán (thời văn học phát triển nhất) như Tư Mã Thiên, Bang Cố.

Về thơ phú thì Tùy Thiên Vương, Tuy Lý Vương hơn hẳn các thi nhân Trung Quốc thời nhà Đường (Triều đại thơ phú nở rộ) như Lý Bạch, Đỗ Phủ.

Ngoài ra, hai ông còn được tôn  danh hiệu là: Thần Siêu, Thánh Quát.

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã làm một bài văn bia nói về tinh thần, đạo đức và sự nghiệp của Khuê Nhạc Phan Huy Thực. Bài văn bia được khắc trên bia đá, dựng trong nhà bia bên đường đi ở đầu làng Thụy Khuê.

Con gái Phan Huy Thực là Phan Thị Thể, sinh năm Kỷ Hợi (1835) lấy con trai Tiến sĩ, Thượng thư Hà Tông Quyền.

Phan Huy Chú, tự là Lâm Khanh, hiệu là Mai Phong, lúc thiếu thời có tên là Hạo, sau để tránh trùng tên húy của vua Minh Mệnh nên đổi tên là Phan Huy Chú. Ông sinh năm Nhâm Dần (1782) tại làng Thụy Khê (còn gọi là làng Thầy), huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong một gia đình không giàu về của cải nhưng có truyền thống về văn hóa, khoa bảng. Ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận, làm quan cấp cao của triều đại Lê - Trịnh, thân phụ là tiến sĩ Phan Huy Ích, giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Tây Sơn. Thân mẫu là bà Ngô Thị Thục, em gái tiến sĩ Ngô Thì Nhậm - người được vua Quang Trung giao cho nhiều trọng trách như cùng với Phan Huy Ích lo việc bang giao với nhà Thanh. Anh trai là Phan Huy Thực, làm quan tới chức Thượng thư, vợ ông là bà Nguyễn Thị Vũ con gái của Tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch, giữ chức Thượng thư Bộ lại dưới triều Tây Sơn. Như vậy cả gia đình bên nội và bên ngoại của Phan Huy Chú đều có truyền thống văn học, khoa bảng.

Trong các con của Phan Huy Ích, ông đặt nhiều hy vọng vào Phan Huy Chú và đã có bài thơ về Phan Huy Chú khi còn nhỏ mới được hai tuổi:

Mi nhan thanh phẩm dĩ đồng linh

Phúc căn chung bẩm thành ngô bảo

Thư mạch tư bồi thuộc ninh hinh

(Nét đẹp mày thanh khác trẻ thường

Phúc ấm đúc nên hòn ngọc báu

Giống dòng bồi mãi nếp thư hương)

Được sự giáo dục của gia đình cùng với sự thông minh và những pho sách đồ sộ của hai dòng văn phái lớn Phan Huy và Ngô Thì, nên ngay từ nhỏ ông say mê đọc sách, sớm nổi tiếng hay chữ và có chí trước thuật.

Tuy không đứng trong hàng đại khoa, nhưng thực tài, thực học của ông Kép Thầy vẫn nức tiếng gần xa. Vì vậy, nhân dân trong vùng có câu: Sáu La - Ba Thầy (Nguyễn Thế Mỹ, người La Khê là con thứ sáu trong gia đình, nên gọi là Sáu La; Phan Huy Chú ở làng Thầy là con thứ ba trong gia đình nên gọi là Ba Thầy. Mặc dù đọc nhiều sách và nổi tiếng như vậy, sau hai lần đi thi, ông chỉ đỗ tú tài, nên người dân trong vùng thường gọi ông là Kép Thầy -  người ở làng Thầy, hai lần đỗ Tú tài).

Sau khi đỗ tú tài lần thứ nhất, ông làm ngôi nhà nhỏ ở chùa Bối Am (chùa Một Mái) trên núi Thầy và ở đó từ năm 27 đến năm 37 tuổi (1809 - 1819). Trong suốt mười năm “Đóng cửa tạ khách”, ông dành cả tâm trí, tài năng viết Lịch triều hiến chương loại chí. Trong bài tựa của bộ sách này, ông viết: “Từ khi vào núi đến giờ mới đóng cửa tạ khách, cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách, được nhàn rỗi thì lại tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được ra điều gì làm ra lời bàn. Ngày tháng góp lại, đến nay đã trải mười năm, biên chép xong, cộng có mười chí: Dư địa, Nhân vật, Quan chức, Lễ nghi, Khoa mục, Quốc dụng, Hình luật, Binh chế, Văn tịch, Bang giao. Chí nào cũng có lời nói đầu để kể rõ đại ý. Mỗi chí lại được chia ra tiết, mục, chép riêng từng tập, nối liền với nhau gọi là Lịch triều hiến chương loại chí, cộng bốn mươi chín quyển”. Đây là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển cao các thông tin khoa học nước ta hồi đầu thế kỷ 19. Chính công trình này đã tôn vinh Phan Huy Chú lên nhà bác học lớn của Việt Nam. Không những thế, tiếng vang bộ sách còn vượt ra ngoài biên giới. Một nhà Việt Nam học người Nga đã viết: “Lịch triều hiến chương loại chí là bộ sách xứng đáng được gọi là bộ Bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng phạm vi các vấn đề trong lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến. Năm 1820 tài năng của Phan Huy Chú được vua Minh Mệnh biết đến và đã triệu ông cùng với một số sĩ phu Bắc Hà vào kinh đô Huế. Tại đây, ông được bổ làm Hàn lâm Viện Biên tu. Năm 1821, ông dâng bộ Lịch triều hiến chương loại chí lên vuaMinh Mệnh, được vua ban thưởng 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 cây bút, 30 thoi mực. Sau đó, ông được thăng chức Lang trung Bộ Lại. Năm 1824, Phan Huy Chú được thăng Hồng Lô Tự Khanh và được cử làm phó sứ trong đoàn đi sứ sang nhà Thanh. Năm 1830, lần thứ hai ông lại được cử đi sứ sang nhà Thanh. Năm 1832, Phan Huy Chú được cử đi công cán sang Indonesia, chuyến đi này ông đã ghi chép trong cuốn Hải trình chí lược.

Thời gian làm quan của Phan Huy Chú chỉ hơn mười năm, nhưng đã nhiều lần bị quở trách và giáng chức. Qua đó chúng ta thấy ông không được nhà Nguyễn tin nhiều và ông cũng có nhiều điểm không tán đồng với triều Nguyễn. Như việc dâng sớ điều trần bốn việc, với hy vọng nếu nhà vua nghe thì nước sẽ thịnh, dân sẽ giàu, nhưng đã bị khước từ, không những thế còn bị quở trách. Vì vậy, trong những năm cuối đời, chán cảnh quan trường, lấy cớ đau yếu, xin từ quan, trở về trí sĩ ở Thanh Mai, Ba Vì,  Hà Nội. Tại đây, ông ở với người vợ thứ hai và lấy nghề dạy học, truyền bá những kiến thức cho đời làm niềm vui và mất năm Canh Tý (1840), thọ 59 tuổi.

Ngoài công trình nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí gồm49 quyển sách viết tay, được coi là nhà bác học, ông còn là một nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu…với các công trình Hoàng Việt địa dư chí, Điều trần tứ sự tấu sớ, Bình Định quy trang, Hải trình chí lược, Lịch đại điển yếu thông luận, Mai Phong du tây thành dã lục và hơn bốn trăm bài thơ trong hai tác phẩm như Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm.

Phan Huy Chú là một tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ học tập nghiên cứu, là một trí tuệ, một tài năng kiệt xuất, đã cống hiến cho lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam sự nghiệp tri thức của ông, công trình đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí. Ông xứng đáng được xếp vào số không nhiều các nhà khoa học lớn của nước ta thời trước. Tên tuổi và sự nghiệp của Phan Huy Chú sẽ sống mãi với lịch sử văn hóa Việt Nam

Để tưởng nhớ đến công lao đóng góp to lớn của Phan Huy Chú đối với đất nước, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có những đường phố và trường học mang tên ông. Từ trước năm 1975, bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí đã được xuất bản nhiều lần ở cả hai miền Nam, Bắc. Năm 2001, nhà thờ Phan Huy Chú tại làng Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng, cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.

Phan Huy Vịnh (1801-1871), đỗ cử nhân năm Mậu Tý (1828), đã từng làm Án sát các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Bố chánh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Định, sau đó làm Thị lang bộ Binh. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông được cửa làm chánh sứ sang Trung Hoa. Khi về, được nhà vua ban cho 8 bài thơ ngự y. Các bài thơ đã được khắc trên vách đá hang Gió gần chùa Một Mái, hiện nay vẫn còn, và một kim khánh khắc 4 chữ Cần Lao Khả Lục. Nghĩa là: Siêng năng, khó nhọc đáng ghi nhớ. Và được thăng Lễ bộ Thượng thư chưởng Lễ bộ kiêm Chưởng Quốc sử quán tổng tài. Năm 1864, ông được thăng Thượng thư bộ Hình. Năm 1866, được chuyển sang Thượng thư bộ Lễ. Niên hiệu Tự Đức thứ 25 (1870), ông về trí sĩ, được nhà vua ban thưởng sâm và lụa. Năm 1871 ông mất, thọ 71 tuổi. Nhà vua cho phụ hàm Thượng thư và cấp tiền tuất theo hàm, chánh nhị phẩm và tiền thay thế áo triều bào. Ông để lại một số tác phẩm Như thanh sứ trình, Nhân trình tùy bút thi tập, Tứ trình tùy bút

Phan Thị Trù là con gái thứ hai của Phan Huy Vịnh, lấy chồng là Nguyễn Thượng Phiên, sinh ra Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền. Nguyễn Thượng Hiền đã để lại bài thơ hay vịnh cảnh đẹp Sài Sơn:

Mây đá ngất trời xanh một dải

Đứng tiên sơn mà ngoảnh lại hồng trần

Kìa thành quách, nọ nhân dân.

Bóng xe ngựa coi mấy lần thấp thoáng.

Từ Nghệ Tĩnh xa xôi, một nhánh của dòng họ Phan Huy đã chuyển về quê hương mới làng Thầy, Sài Sơn, Hà Nội. Tại đây, các con cháu của dòng họ đã sinh ra, lớn lên, nhiều người học hành đỗ đạt cao, có những cống hiến cho quê hương đất nước và lưu lại nhiều dấu tích.

Với phong cảnh “Sơn thủy hữu tình”, khu vực chùa Thầy có thể coi như viên ngọc quý của Thăng Long - Hà Nội, mà mỗi khi khách thập phương đến, đều cảm thấy: Càng trông thấy cảnh mà lòng càng ưa.

Nhưng điều trên hiện có còn, hay chỉ là hoài niệm, khi nghe nói sẽ có dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, biến nơi đây thành khu vui chơi giải trí, với những khách sạn nhiều sao… Nên chăng, cần được xem lại, để mãi mãi khu vực chùa Thầy là nơi “Non thanh cảnh tú” của xứ Đoài - Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Huy Chú, (1977), Hoàng Việt địa dư chí (Phan Đăng dịch). Nxb Thuận Hóa - Huế.

2. Phan Huy Chú, (1957), Lịch triều hiến chương loại chí (Cường Thần và Cao Mãi Quang phiên âm, dịch nghĩa). Đại học viện Sài Gòn xuất bản.

3. Hoàng Xuân Hãn, (1993), Chinh phụ ngâm bị khảo. Nxb. Văn học.

4. Phan Huy Lê,  (1999), Tìm về cội nguồn, tập II. Nxb. Thế giới, Hà Nội.

5. Tạ Ngọc Liễn,  (1988), Chân dung văn học Việt Nam, tập 1. Nxb. Thanh Niên.

6. Ngô Đức Thọ (chủ biên), 2002. Văn miếu - Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuất bản.

7. Ngô Đức Thọ (chủ biên), 1990. Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội.

8. Thích Viên Thành, (1999). Danh thắng chùa Thầy, Sở văn hóa thông tin Hà Tây xuất bản.

9. Tôn nữ Quỳnh Trâm, (1997), Lịch sử du lịch Việt Nam.Nxb. Trẻ.

10. Hoàng Thúc Trâm, (1998). Quang Trung anh hùng dân tộc. Nxb.Văn hóa thông tin.

11. Thùy Vinh, (1987). “Vài nét về hai quả chuông thời Tây Sơn tại Sài Sơn – Hà Sơn Bình”. Tạp chí Hán Nôm.

12. Nguyễn Văn Xuân, (2002). Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích.  Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.



* Đại học Quốc gia Hà Nội

[1] Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6494898