Thông tin

CHÙA THẦY VÀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

QUA DI VĂN HÁN NÔM THỜI LÝ - TRẦN

 

NGUYỄN THỊ DUNG - TRƯỜNG PHONG*

 

Chùa Thầy (Thiên Phúc tự) là di tích nổi tiếng gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa được xây dựng từ thời Lí trên núi Sài Sơn (Phật Tích), nơi được coi là mảnh đất thiêng gắn với nhiều truyền thuyết linh dị. Bản thân thiền sư Từ Đạo Hạnh cũng là một trong số các vị vị thiền sư mà cuộc đời và sự nghiệp tu hành càng ngày càng bị bào trùm bởi bức màn sương của những yếu tố kì bí, khiến con người thực trở nên “mờ mờ nhân ảnh”, rất khó phân định đâu là thực, đâu là hư. Để góp phần tìm hiểu về chùa Thầy và con người thực của vị thiền sư nổi tiếng này, người viết cho rằng nên tiếp cận từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, từ thư tịch đến truyền thuyết dân gian (ở bản quán, khu vực chùa Thầy, các khu vực lân cận…), việc thờ cúng tại các địa phương cùng hệ thống lễ hội liên quan, di vật hiện còn tại các di tích… nhằm hỗ trợ cho nhau theo hướng liên, đa ngành. Riêng về mặt thư tịch, trước hết cần chú ý đến các di văn Hán Nôm thời Lí - Trần có ghi chép về chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh, vì đây là nguồn tư liệu hình thành và định bản từ khi vị thiền sư này còn tại thế hoặc sau đó chưa quá xa, do đó mức độ khả tín chắc chắn cao hơn các thư tịch giai đoạn sau.

Đến nay, di văn Hán Nôm thời Lí - Trần viết về chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh không nhiều, về cơ bản gồm: 1. Văn chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) soạn dưới thời Lí, 2. Đại Việt sử lược, 3. An nam chí lược, 4. Thiền uyển tập anh ngữ lục, 5. Lĩnh Nam chích quái[1].

1. Tư liệu có niên đại sớm nhất ghi chép nhiều thông tin về chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh là văn chuông chùa Thiên Phúc do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày 9 tháng Tám năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa, tức ngày 5 tháng Chín năm 1109. Hiện không rõ về tiểu tử và hành trạng của Đại sa môn Thích Huệ Hưng. Theo ghi chép trong bài văn chuông thì ông tu tại chùa Thiên Phúc, là người “được ban áo tía” (tứ tử). Theo quy chế thời Đường - Tống, quan từ nhị phẩm trở lên được ban áo tía. Như vậy, Thích Huệ Hưng là một vị tăng quan có chức vị khá cao trong hệ thống chính trị và Phật giáo đương thời. Thêm nữa ông tu tại chùa Thiên Phúc, có nhiều khả năng là đệ tử của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Từ đó có thể biết chắc chắn đương thời thiền sư Từ Đạo Hạnh có vị trí rất cao trong triều đình và trong giới tăng lữ. Tác giả Thích Huệ Hưng soạn bài văn chuông này theo yêu cầu của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tác phẩm được biên soạn khi thiền sư Từ Đạo Hạnh còn tại thế, hơn nữa Đại sa môn Thích Huệ Hưng là người gần gũi với thiền sư Từ Đạo Hạnh, do đó đây là tư liệu quan trọng chứa đựng nhiều thông tin đáng tin cậy nhất về thiền sư Từ Đạo Hạnh và việc xây dựng chùa Thiên Phúc đến nay còn lưu giữ được. Về quả chuông này trong bài ký khắc trên chuông mới đúc của chùa Thiên Phúc năm 1794 (Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh), Phan Huy Ích (1754 -1822) cho biết đến năm 1789, chuông đã bị bị phá đi để đúc tiền. Rất may nó vẫn được chép lại trong sách Kim văn loại tụ. Bài văn chuông chép trong Kim văn loại tụ hiện còn về niên đại, người biên soạn, nội dung phù hợp với mô tả của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục[2] và của Phan Huy Chú trong bài văn chuông chùa Thầy năm 1794, cũng tương đồng nhiều mặt với dạng thức của một tác phẩm kim thạch thời Lí. Do vậy, về văn bản, có thể có những sai sót trong khi ghi chép, song về đại thể là tác phẩm đáng tin cậy.

Theo bài văn chuông nói trên, đương thời chùa Thầy, ngoài tên gọi khá phổ biến là chùa Thiên Phúc còn được gọi là viện Hương Hải; Sài Sơn ngoài tên gọi là núi Phật Tích còn được gọi là núi Bồ Đà Lạc (cũng phiên là Bổ, hoặc Phổ Đà Lạc), hay núi Bồ Đà. Tuy vậy, ở cuối bài văn chuông ghi: “Đại sa môn Thích Huệ Hưng ở chùa Thiên Phúc, được ban áo tía soạn”. Như vậy, tên gọi chùa Thiên Phúc là tên gọi được sử dụng rộng rãi hơn.

Về thời gian khởi dựng chùa Thiên Phúc, Đại Việt sử lược và sau đó là Đại Việt sử kí toàn thư ghi nhận: Tháng Mười hai [tháng Chạp] năm Long Thụy Thái Bình thứ tư [1057]: Dựng chùa Thiên Phúc.

Bài văn chuông do Thích Huệ Hưng soạn mô tả đoạn khi thiền sư Từ Đạo Hạnh từ kinh thành đến đây như sau:

“Qua một dòng sông, thấy một ngọn núi xanh, men đá mà bước lạc tục trần, vịn dây mà thân lên thượng giới. Ngọn núi ấy, sừng sững như Lăng Già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào khám Phật tròn bằng đá. Mây ngũ sắc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm. Lưới nhện đan xen, áo tơi rực rỡ. Bên dưới núi còn dấu thờ Phật, ở giữa có đài nghê nguy nga. Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh. Há đây giống phòng nghi trượng, mà chính là ngọn Thứu phong vậy. Ngày xưa, có bậc ẩn sỹ công đức dựng nên, đâu phải là sự tạo tác khác thường của bậc thần linh vậy?”[3].

Đoạn văn cực tả khung cảnh Sài Sơn - Phật Tích, coi nơi ấy không khác gì ngọn Thứu Lĩnh, nơi Phật tổ từng tu tập và thuyết pháp. Cách nói đó không chỉ để tụng ca phong cảnh Sài Sơn mà còn ngụ ý so sánh thiền sư Từ Đạo Hạnh như một vị Phật sống; tương tự như cách gọi núi này là Bồ Đà Lạc, chùa là viện Hương Hải, ngụ ý so sánh thiền sư Từ Đạo Hạnh như Quan Âm Bồ tát khi tu tập tại núi Phổ Đà Lạc Ca. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nếu chùa Thiên Phúc được xây dựng từ năm 1057, được sử sách ghi chép thì hẳn phải là ngôi chùa lớn và có vị trí quan trọng. Vậy mà trong đoạn văn trên, tác giả ngoài mô tả chiếc “đài nghê nguy nga” chỉ nhắc đến “khám thờ Phật”, “dấu thờ Phật”, do một vị “ẩn sĩ công đức dựng nên” từ xưa, tuy cho thấy việc thờ Phật ở đây vốn có từ lâu song về quy mô không có vẻ bề thế. Phải chăng chùa được xây dựng đến giai đoạn này đã được gần nửa thế kỉ nên đã hư hoại, không còn được như trước, để rồi thiền sư Từ Đạo Hạnh phải ở đó sáu năm, ân huệ ban rộng khắp, bấy giờ trên từ Hoàng đế, dưới đến chúng dân mới hướng về: “Thầy ở đủ sáu năm, ân huệ ban rộng khắp. Các vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa kính lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay. Ban áo báu xếp ngang bậc thầy, lên xe Phật sánh cùng Tứ quả. Hôm bãi tiệc chay, tích trượng đưa về dựng ở chân núi. Các đệ tử đều bày tỏ suy nghĩ của mình, đồng thanh nói: - Đỉnh núi dựng đứng, đường mây chon von. Thầy có chân thần nên dễ lên, khách vì gót tục nên khó tới. Duy xem mảnh đất phía dưới, cũng là nơi thắng địa. Dãy núi quanh co nào khác Bồ Đà, dòng sông trong vắt kém gì Hương Hải?”.

Thế rồi: “Bèn sai thợ giỏi, chọn đất trung tâm. Dựng điện ngọc sáng rực bốn phương, đặt tượng vàng nghiêm trang chiếu toả. Mọi người truyền lời đó, rừng tiếng vút cao. Trong chốc lát, các thiện nam, nữ tín kéo về; chẳng mấy ngày mà cảnh chùa đã hiện rõ. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông cho lối dẫn mát lành; vun hoa để cảnh quang thơm ngát”.

Theo ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư, ngoài chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích chỉ có viện Từ Thị Thiên Phúc ở Tiên Du (tức chùa Phật Tích ở núi Lạn Kha, sau cũng gọi là núi Phật Tích, Bắc Ninh ngày nay) song viện này được xây dựng quy mô lớn vào tháng 10 năm 1041, đến năm 1057, tức là cách đó mới trên chục năm không thể nào lại xây mới. Do vậy, chùa Thiên Phúc dựng năm 1057 như chính sử ghi chỉ có thể là chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích (Sài Sơn). Tuy nhiên, về quy mô có thể không lớn. Trong bài văn chuông Sa môn Thích Huệ Hưng nhắc chi tiết “Thầy ở đủ sáu năm”. Niên đại bài văn chuông là năm 1109, ngược về trước 6 năm là năm 1103. Như vậy, không rõ trước đó Từ Đạo Hạnh đã tới đây hay chưa, song muộn nhất là năm 1106 ông đã đến núi Phật Tích, và ở lại đó đến khi viên tịch, tức năm 1116. Như vậy, kể từ khi chùa được khởi dựng tới khi sư đến đây chùa đã trải gần một thế kỉ nên có thể đã hư hại nhiều. Do đó vị thiền sư này đã cho trùng dựng và mở rộng quy mô. Theo bài văn chuông, sau khi chùa xây xong, sư đi khuyến hóa các nơi, quyên được hơn hai nghìn cân đồng đỏ, đem về đúc chuông tại một ngôi chùa có tên là Hưng Phúc, có lẽ cũng khá gần chùa Thiên Phúc, đúc xong thì chuyển chuông về treo ở gác Đại Bi (tại chùa Thiên Phúc núi Bồ Đà Lạc).

Bài văn chuông không ghi về quê quán cũng như gia thế của thiền sư Từ Đạo Hạnh, chỉ biết rằng sư: “Tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ lạ”. Và sau đó: “Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp mà khắp cõi hết mực uy nghiêm; đọc Tam kíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt”. Sư ở núi Phật Tích được sáu năm uy vọng lan khắp. Đến khi đúc chuông: “Cảm kích vì cùng chí nguyện, Thái hậu [Nguyên phi Ỷ Lan] sai Trung sứ đến tận nơi. Thế rồi, ngựa xe kéo đến khiến cửa son trống trải; già trẻ dồn về mà thôn xóm vắng tanh. Ùn ùn kéo đến bệ Phật, lũ lượt như phiên chợ Đông”. 

Về đường lối tu hành của vị thiền sư này bài văn chuông cho biết một số chi tiết hết sức quan trọng: “Gặp thời đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học người xưa không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước vảy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép. Kinh Phật nói: “Phật có bát biện, không có thầy thì không ai nối viên âm; Phật đặt ra thi la, không có thầy thì không thể vững chắc; phúc điền của Đế Thích, không có thầy thì không truyền bá được hương Phật; Dược Vương đốt cánh tay, không có thầy thì ai có thể chịu được nỗi khổ; Quan Âm cứu nạn, không có thầy thì ai tiếp nối công danh; cao tăng hiện rõ linh dị, không có thầy thì không ai kế gót thần linh”. Hay đoạn nói việc sư ở núi Bồ Đà Lạc: “Sư ở lại chưa mươi ngày đã có sự cảm ứng. Hổ hoang tới phục, rồng núi tự thuần”. Các chi tiết như đốt ngón tay cầu mưa, tu khổ hạnh theo lối tịch cốc, vảy nước phép chữa bệnh, dự đoán việc tương lai, thuần phục dã thú… đều là các chi tiết kì bí, thể hiện rất rõ sắc thái Mật giáo, thêm vào đó là uy vọng to lớn của thiền sư Từ Đạo Hạnh lúc sinh thời, đó là những yếu tố đặc biệt quan trọng để người đời sau phụ hội thêm những tình tiết kì bí liên quan đến vị thiền sư này.

Qua văn chuông chùa Thiên Phúc soạn khi thiền sư Từ Đạo Hạnh còn tại thế, có thể thấy ông là bậc cao tăng đắc pháp, có nhiều tài phép và thuật lạ, tuy không phải là vị sư khai phá núi Phật Tích song là người có công lao to lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô cũng như tầm ảnh hưởng chùa Thiên Phúc, biến nơi đây thành một miền đất Phật, một trung tâm quan trọng của Phật giáo đương thời.

2. Muộn hơn bài văn chuông nói trên, Đại Việt sử lược thời Trần có ghi một số chi tiết về thiền sư Từ Đạo Hạnh song khá sơ lược. Về đại thể là các sự kiện: Tháng Mười hai [tháng Chạp] năm Long Thụy Thái Bình thứ tư [1057]: Dựng chùa Thiên Phúc; tháng Mười một năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 [1112], ghi các sự kiện kì dị liên quan đến việc Giác Hoàng ở Thanh Hóa được vua đón về cung, làm thuật thác sinh bị Từ Đạo Hạnh yểm bùa, sau đó Từ Đạo Hạnh bị hạ ngục, nhờ Sùng Hiền hầu nói với nhà vua nên được tha; tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 7 [1116]: Sư Đạo Hạnh hóa; năm Bính thìn niên hiệu Thiên Chương Bảo tự năm thứ tư [1136]: vua [Thần Tông] bị bệnh, chữa thuốc không thuyên chuyển, được nhà sư Minh Không chữa khỏi.

Đại Việt sử lược là sách hoàn thành thời Trần, có độ cách quãng khá xa so với thời của thiền sư Từ Đạo Hạnh song có thể tác giả của nó vẫn kế thừa được nhiều tư liệu cổ trong đó có các tư liệu từ thời Lí. Tuy Đại Việt sử lược chỉ ghi chép một cách khá sơ lược song lại có một số tình tiết chưa thấy ghi trong các tư liệu trước, chẳng hạn sự việc liên quan đến Giác Hoàng, đến việc Từ Đạo Hạnh từng bị hạ ngục rồi được tha… Trong sách chưa nhắc đến cha mẹ của ông cũng như các nhân vật như Diên Thành hầu, sư Đại Điên hay việc đầu thai chuyển thế thành vua Lí Thần Tông. Các bộ sử muộn hơn như Đại Việt sử kí toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các đoạn ghi chép về Từ Đạo Hạnh bị tỉnh lược dần, nhất là các chi tiết mang màu sắc kì bí, đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục, những ghi chép liên quan đế vị thiền sư này đã bị tỉnh lược đến mức tối đa.

3. Một bộ sách khá gần với các bộ sử là An Nam chí lược của Lê Tắc người thời Trần cũng có ghi chép một số thông tin sơ lược về núi Phật Tích và thiền sư Từ Đạo Hạnh. Quyển thứ nhất, phần về núi non viết: “Núi Phật Tích: vì trên đá có dấu chân nên đặt tên là núi Phật Tích”. Quyển 15 ghi về “Nhân vật”, phần “Phương ngoại” ghi về Từ Đạo Hạnh rất ngắn gọn, toàn văn như sau: “[Từ Đạo Hạnh] là nho sinh, ưa thổi sáo, hàng ngày cùng bạn bè du ngoạn chốn sơn lâm, đêm về đọc sách thông đến sáng. Một hôm, ông vào núi Phật Tích, thấy hòn đá có dấu bàn chân phải, ướm chân mình vào so thử, thấy vừa khít, về nhà bèn từ biệt mẹ vào núi dựng am tu hành. Lí vương chưa có con nối dõi, bèn sai các nhà sư danh tiếng trong nước cầu đảo, có vị sư già không dự lễ cầu, lại dùng phép trấn yểm. Quốc vương biết chuyện, bắt các nhà sư trong vùng hạ ngục. Sư nhờ một hoàng tử giải cứu cho, hoàng tử nói với sư: “Ta cũng chưa có con, xin nhà sư vì ta mà cầu đảo”. Sư nói với hoàng tử bảo phu nhân vào trong phòng tắm, sư đi qua trước của, phu nhân cảm mà có thai. Đến ngày phu nhân sinh đẻ, hoàng tử sai người đến vời sư thì sư đã ngồi tịch hóa. Phu nhân sinh một con trai, mặt mũi khôi ngô, sau được Lí vương lập làm thế tử. Xác của sư nay vẫn còn”.

Đoạn ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh trong sách này ngắn gọn song có nhiều thông tin khác với các tài liệu đã dẫn, cho thấy thư tịch ở khoảng đầu thế kỉ XIV đã ghi chép nhiều thông tin khá tương đồng với các thư tịch sau đó.

4. Cùng hoàn thành dưới thời Trần, sách Thiền uyển tập anh ngữ lục và Lĩnh Nam chích quái là các thư tịch ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh một các chi tiết và hệ thống nhất so với các tư liệu cùng thời và trước đó, đồng thời sự ghi chép trong hai sách này gần như hoàn toàn tương đồng, cho thấy chúng có ảnh hưởng lẫn nhau, hoặc chép chung từ một nguồn.

Thiền uyển tập anh có tiểu truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, ghi chép từ gia thế, cha mẹ, tính tình, quan hệ bạn bè, học tập, thi đỗ khoa Bạch liên, việc cha ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật sát hại, sư đến chỗ Đại Điên trả thù không thành liền tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, đường đi qua nước man Kim Xỉ gian nan, bèn về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà la ni đến 10 vạn tám ngàn lần, cảm được Tứ Trấn Thiên vương, hoàn thành đạo pháp sau đó tìm Đại Điên trả thù; sau khi trả được thù, sư đi khắp chốn thiền lâm, được các bậc cao tăng chỉ điểm. Sách cũng ghi chuyện đứa trẻ kì dị ở Thanh Hóa tự xưng là Giác Hoàng, biết mọi chuyện của nhà vua, vua sai người đến xem, thấy quả đúng, liền đón về kinh, cho làm phép đầu thai để sau này nối ngôi, bị Từ Đạo Hạnh yểm bùa, việc đầu thai không thành, sư bị phát giác, hạ ngục, rồi nhờ Sùng Hiền hầu xin với nhà vua nên thoát tội, sư báo ơn bằng cách đầu thai làm con.

Sách Lĩnh Nam chích quái có truyện về ngài Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, phần ghi về Từ Đạo Hạnh về cơ bản giống Thiền uyển tập anh ngữ lục, phần về Nguyễn Minh Không kết nối mối quan hệ giữa hai vị thiền sư này với nhau, có ghi chi tiết Từ Đạo Hạnh tiên đoán trước hậu thân của mình mắc bạo bệnh và nhờ Nguyễn Minh Không chữa giúp, quả nhiên sau đó, Lí Thần Tông, tức hậu thân của Từ Đạo Hạnh mắc bệnh hóa hổ, được Nguyễn Minh Không chữa khỏi.

Có thể nhận thấy từ bộ sử thời Trần là Đại Việt sử lược đến An Nam chí lược, ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh gia tăng thêm nhiều tình tiết, đến Thiền uyển tập anh ngữ lục và Lĩnh Nam chích quái - hoàn thành vào khoảng cuối thời Trần, các tình tiết được hệ thống hóa, phong phú hơn, có lớp lang hơn song yếu kí kì dị cũng được bổ sung. Thiền uyển tập anh là tập sách ghi tiểu truyện các vị thiền sư mà ở đó đã dung hội cả phương thức tư duy dân gian vốn tiềm ẩn trong xã hội đương thời khiến các truyện chứa đựng nhiều màu sắc thần kì, khá tương cận với các tác phẩm văn xuôi ở giai đoạn sơ kì mà bản chất là các tiểu thuyết chích quái, truyền kì như Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái.

Việc minh bạch hóa các tình tiết về thiền sư Từ Đạo Hạnh trong An Nam chí lược, Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái là hết sức khó khăn bởi đến nay, ngoài bài văn chuông chùa Thiên Phúc biên soạn dưới thời Lí hầu như không có tài liệu khác đủ độ tin cậy. Tuy các sách thời Trần nói chung ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh có nhiều tình tiết kì dị song có thể không phải hoàn toàn là bịa đặt. Chẳng hạn việc sư thi đỗ khoa thi Bạch liên, nếu chú ý có thể thấy tình tiết này đã thấp thoáng trong văn chuông thời Lí.

Trong bài văn chuông chùa Thiên Phúc, Sa môn Thích Huệ Hưng từng nói đến việc sư từng đọc Liên kinh. Liên kinh tức Diệu pháp liên hoa kinh, gọi tắt là kinh Pháp hoa[4], tiếng Phạn là Saddharma Puarīka Sūtra. Saddharma được dịch là “Diệu pháp”, Puarīka được dịch là “Bạch liên hoa” hay “Liên hoa”. Như vậy, kì thi Bạch liên có thể là thi về Diệu pháp liên hoa kinh. Từ đó, có thể xác lập mối quan hệ giữa hai tình tiết trên qua văn chuông thời Lí và các tư liệu thời Trần.

Hay tình tiết cha của ngài Từ Đạo Hạnh có hiềm khích với Diên Thành hầu, bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật sát hại, sau đó ngài tìm cách báo thù, sau khi báo được thù, oán hận được trút bỏ, ngài ngao du khắp chốn thiền lâm. Đọc đến đoạn này, nếu tinh ý sẽ nhận thấy điều bất ổn. Việc cha sư bị sát hại, chủ mưu là Diên Thành hầu, tại sao sư chỉ trả thù Đại Điên? Mức độ xác tín của tình tiết này thế nào? Tạm tin là tình tiết này không hoàn toàn là vô lí, theo logic thông thường, người mà sư trả thù trước hết phải là Diên Thành hầu. Tuy nhiên đương thời, Diên Thành hầu hẳn là quý tộc có uy thế lớn, việc báo phục không phải chuyện dễ dàng. Chính vì thế, nếu sự thực có mối thù này thì hẳn Từ Đạo Hạnh có trả được thù, dù chỉ mới chỉ dừng ở việc giết chết Đại Điên vẫn phải gặp nhiều rắc rối từ phía Diên Thành hầu. Suy đoán theo hướng đó thì việc ngài bị hạ ngục nếu có hẳn không phải liên quan đến việc yểm bùa Giác Hoàng, vì việc này theo chính sử diễn ra năm 1112, khi ấy vị thế và uy vọng của sư đã rất lớn; mà theo bài văn chuông chùa Thiên Phúc, muộn nhất là năm 1103 thiền sư Từ Đạo Hạnh đã về chùa Thiên Phúc, đoạn văn miêu tả khi thiền sư Từ Đạo Hạnh về đây có viết: “Nhưng khi niệm Phật cứu đời xong, thầy chọn chỗ nghỉ lui. Ra phía tây kinh thành mà bên tai dứt mọi ồn ào, trải gót trên đường tai họa mà trong lòng tự thấy thanh tịnh”[5]. Đối với một vị cao tăng thì “Ra phía tây kinh thành mà bên tai dứt mọi ồn ào” là việc có thể dễ dàng hiểu được, còn việc “trải gót trên đường tai họa mà trong lòng tự thấy thanh tịnh” thì rất không minh bạch. Các sách đời Trần phần nhiều thống nhất ghi việc thiền sư Từ Đạo Hạnh bị hạ ngục liên quan đến vụ án Giác Hoàng (1112). Trước thời điểm năm 1103, tức là trước vụ việc liên quan đến Giác Hoàng thiền sư Từ Đạo Hạnh phải qua nguy hiểm gì? Việc sư bị hạ ngục rồi được Sùng Hiền hầu giải cứu, nếu có thì nhiều khả năng liên quan đến Diên Thành hầu cùng chuyện thù oán cá nhân. Như vậy, với chuyện oán thù cá nhân mà các sách thời Trần đã ghi vị tất đã là đúng song cũng không dễ dàng bác bỏ một cách khinh suất.

Tóm lại, di văn Hán Nôm thời Lí - Trần ghi chép về chùa Thầy - Thiên Phúc tự và thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện còn không nhiều song thông qua đó vẫn có thể biết được nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến danh thắng và bậc danh tăng này. Bài văn chuông thời Lí do Sa môn Thích Huệ Hưng soạn là tư liệu quan trọng nhất chứa đựng nhiều thông tin xác tín về chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh, có thể giúp soi chiếu để làm sáng rõ thêm cho các tư liệu thời Trần và các đời sau.

 


* Ban Quản lí Di tích & Danh thắng Hà Nội; Viện Văn học

[1] . Việt điện u linh tập cũng là sách hoàn thành thời Trần song được các đời bồi tích thêm. Các bản Việt điện u linh tập có truyện Từ Đạo Hạnh đại thánh thực lục ghi chép về thiền sư Từ Đạo Hạnh đều là các bản do Ngô Giáp Đậu người làng Tả Thanh Oai tăng bổ vào đầu thế kỉ XX, không phải ghi chép của người thời Trần.

[2] Xem phần Thiên chương trong sách Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điềm dịch và chú thích, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 2007, tr.192).

[3] Phần dịch bài văn chuông cùa Thiên Phúc thời Lí trích trong bài này đều theo Văn bia thời Lí (Nguyễn Văn Thịnh chủ trì, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2010, tr.95-112).

[4] Kinh Pháp hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển, hai mươi tám phẩm, hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ tát.

[5] “Nhiên tế cơ vân tất, trạch xứ thê trì. Xuất thành tây nhi nhĩ đoạn huyên, lịch họa lộ nhi tâm tự tịnh”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 191
    • Số lượt truy cập : 6948010