CHÙA THẦY VÀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH
ThS. TẠ QUỐC KHÁNH*
MỞ ĐẦU
Chùa Thầy (tên chữ là Thiên Phúc tự) nằm ở chân núi Sài thuộc xã Sài Sơn, huyện quốc Oai, thành phố Hà Nội. Cái tên Thiên Phúc tự ý muốn nói chùa được dựng nên do phúc của Trời, rồi từ đó ban phúc cho chúng sinh. Người dân địa phương gọi chùa là chùa Cả bởi đây là ngôi chùa lớn nhất trong vùng.
Ngoài ra, trong quá trình tồn tại của mình, chùa đã từng có những tên gọi khác nhau. Thế kỷ 11 chùa có tên là Hương Hải. Đó là tên gọi khiêm tốn, thanh cao để nói lên phần nào tính chất rộng lớn và nhiệm màu của Phật pháp. Hương là thơm, là sự nhiệm mầu đưa đến niềm hạnh phúc vĩnh cửu; Hải là biển, là sự rộng lớn bao la như sự bao trùm, rộng khắp của đạo Phật. Cũng dưới thời Lý (thế kỷ XI), núi Sài có tên là Bồ Đà Sơn. Chùa nằm ở núi Bồ Đà có tên là Bồ Đà Viện. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Lâm Biền, Bồ Đà là hiện tượng đọc chệch của từ Bouddha (Phật Đà); gốc của Bouddha là Bodhi (Bồ đề), gắn liền với sự giác ngộ Phật pháp. Như vậy, Bồ Đà Viện là nơi chúng sinh giác ngộ Phật pháp, tìm được nguồn hạnh phúc vĩnh hằng. Thời Trần, núi Sài có tên là Phật Tích Sơn, do vậy chùa được gọi theo tên núi là Phật Tích tự (sự tích nhà Phật)[1]...
Chùa Thầy thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh - một người “ngoài việc tu hành còn làm thuốc trị bệnh cứu người, thích nghề múa hát, thường dạy dân làm nghề múa rối nên nhân dân gọi thiền sư là Thầy còn ngôi chùa và ngọn núi mà Đạo Hạnh hàng ngày trèo lên tĩnh tọa cũng quen gọi là núi Thầy”[2].
Chùa Thầy có liên hệ chặt chẽ với chùa Cao (Đỉnh Sơn tự) trên đỉnh núi Sài. Chùa Cao còn có tên là Hiển Thụy Am, là nơi tu luyện của thiền sư Từ Đạo Hạnh, nơi nhập mình vào vũ trụ, vào Phật pháp. Ngoài những ngôi chùa đó, ở đây còn có một quần thể hang động, núi non hùng vĩ: hang Thánh Hoá, động Gió Lùa, hang Cắc Cớ... Mỗi tên gọi ở đây đều gắn với một huyền tích riêng, tất cả đã tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt cho khu di tích danh thắng chùa Thầy.
I. LỊCH SỬ XÂY DỰNG, TRÙNG TU CHÙA THẦY
Vị sư đầu tiên tu hành tại chùa Thầy là ngài Đạo Hạnh, đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Nhưng thực ra trước đó, nơi đây đã có một ngôi chùa cổ và Từ Đạo Hạnh chỉ là người kế thừa ngôi chùa đó để phát triển thành Hương Hải Am.... Theo nội dung văn bia Bối Am tự bi khắc trên vách đá chùa Bối Am năm Sùng Khang thứ 4 [1571] thì chùa Thầy đã có từ thời Đinh (thế kỷ 10) và được tu bổ vào các thời Tiền Lê - Lý - Trần - Hậu Lê - Mạc. Tiền thân, đây là một ngôi chùa động (chùa trong hang), tức là một loại hình chùa thời kỳ sơ khai và đến thế kỷ 11, Từ Đạo Hạnh đã đến núi Sài Sơn, dùng am Phật có sẵn để tu luyện và hoằng dương Phật pháp. “Vào tháng giêng năm Kỉ Sửu, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), Thiền sư Đạo Hạnh đi quyên giáo khắp nước Cự Việt, đến mọi nhà từ cửa sơn son đến mái rạ, ai ai đều vui vẻ cung tiến, quyên góp được hơn hai nghìn cân đồng đỏ để đúc một quả chuông lớn, treo ở viện Hương Hải, núi Bồ Đà...”[3]. Giai đoạn này, ngôi chùa mới bắt đầu phát triển và được nhiều người biết tới.
Thời Trần, chùa Thầy đã được sửa sang, tu bổ thêm, hiện vật đã phong phú hơn trước. Tại chùa hiện còn giữ được một bệ đá hoa sen hình hộp phong cách nghệ thuật Trần (thế kỷ 13 - 14) và một lưng ghế niên hiệu Thiệu Phong [1346]
Thời Vĩnh Lạc [1403-1424], giặc Minh sang xâm lược nước ta đã phá hủy chùa đến hoang tàn. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo nàn của dấu vết thời Lý - Trần ở chùa Thầy. Đến cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, Trịnh Quốc Công Định Thường (bố vợ Lê Thánh Tông) cho sửa lại chùa Thầy và tu bổ thêm nhưng vẫn theo qui mô cũ và công việc được ghi lại trên tấm bia Hiển Thụy am bi[4] khắc trên vách động Thánh Hóa.
Ở thời Mạc (thế kỷ 16), chùa Thầy tiếp tục được tu sửa tôn tạo. Hiện nay ở vách đá trên đường lên hang Thánh Hóa còn lưu một tấm Thủy các bổ kinh bi[5] do Nguyễn Bá Thuật soạn, ghi lại việc Thái Phi (vợ vua Mạc) Nguyễn Thị Ngọc Phương cùng bố, anh và những người thân khác trùng tu lại Thủy đình (nhà nổi giữa hồ Long Trì), lát đá quanh hồ, sửa sang chùa to, đẹp và thâm nghiêm hơn.
Tới thế kỷ 17, đạo Phật phát triển mạnh, chùa Thầy cũng được chú trọng mở mang nhiều hơn do được sự bảo trợ của tầng lớp trên. Tại chùa hiện còn lưu giữ tấm bia Thiên Phúc tự tạo lệ bi dựng năm Thịnh Đức thứ tư [1656] trong đó ghi lại lệnh chỉ của chúa Trịnh ban cho dân xã Sài Sơn làm tạo lệ[6]. Thế kỷ 17, chùa Thầy đã được mở rộng thành ba tòa: Tiền đường - điện Phật - điện Thánh như ngày nay. Ngoài ra, Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều cũng được làm vào thời điểm này, tức năm 1602, càng tô điểm thêm cảnh sắc của ngôi cổ tự. Trong thế kỷ 17, các bộ tượng Phật Tam Thế, Tam Tôn, tượng Hậu Phật cùng hương án, sập thờ gỗ được tạo tác khiến nội thất không gian thờ tự của chùa càng thêm phong phú...
Sang thế kỷ 18, dưới thời Trịnh Cương, chùa tiếp tục được trùng tu và mở rộng bằng việc xây dựng dãy hành lang gồm 26 gian chạy suốt từ ngoài vào trong, nối liền với gác chuông, gác trống, nhà bia và tiếp giáp với hai đầu hồi của nhà hậu, ôm lấy ba tòa điện chính. Đến lúc này, chùa Thầy đã có được hình thế hoàn chỉnh, với đầy đủ các thành phần như hiện tại.
Thời Tây Sơn và thời Nguyễn chùa Thầy tiếp tục được tu sửa thêm, hiện vật cũng phong phú hơn. Hiện tại, chùa còn lưu giữ một quả chuông đồng lớn niên hiệu Tây Sơn - Cảnh Thịnh thứ 2 [1793] và một chiếc khánh đồng thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 [1836] nặng 400kg...
Năn 1957, sau kháng chiến chống Pháp, chùa bị hư hỏng nhiều và Bộ Văn hóa đã cho tu sửa như cũ. Năm 1971 chùa lại được tu sửa, đồng thời toàn bộ chùa được sao chụp, đo vẽ lại đề phòng giặc Mỹ ném bom phá hủy chùa thì đã có đủ tài liệu phục hồi lại. Năm 1986, chùa được tu sửa lần nữa theo phương pháp khoa học và qui mô hơn lần trước. Tiếp đó, năm 1993, ta tu sửa lại toàn bộ ba gian chính điện chùa, nhà Hậu...
Sang thế kỷ 21, chùa tiếp tục được trùng tu, tôn tạo toàn bộ từ Tam bảo, Điện Thánh, Hành lang, cảnh quan sân vườn... để thành một ngôi chùa khang trang, bền vững hơn nhưng vẫn bảo tồn được dáng vẻ kiến trúc truyền thống quý báu.
II. KIẾN TRÚC, ĐIÊU KHẮC CHÙA THẦY
1. Bố cục không gian - mặt bằng
Tổng thể chùa Thầy hiện nay là một thế quân bình tương xứng. Một đường Thần đạo chạy từ Thủy đình qua điểm giữa ba tòa nhà chính và nhà hậu phía sau. Kiến trúc độc đáo này được thiên nhiên hữu tình bổ trợ, tô điểm càng đẹp hơn.
Một điều khác lạ ở chùa Thầy là không có Tam quan. Mặt trước gian Tiền đường chỉ mở vào ngày lễ hay ngày tết, mọi người ngày thường ra vào chùa qua cửa ngách mở ở gác chuông. Nhìn toàn thể chùa Thầy, ta thấy chùa quay hướng nam chếch tây, mặt trước trông ra hồ rộng, mặt sau dựa vào núi cao. Như vậy, phía trước đã có nước trường sinh, hậu trẩm đã có núi Sài che đỡ. Đây là một điểm rất quan trọng trong thuật phong thủy khi dựng chùa. Theo truyền thuyết thì núi Sài Sơn chính là con rồng lẻ đàn (quái long), chùa Thầy nằm dưới chân núi Sài được làm trên một thế đất tốt. Chùa được dựng trên trán rồng; sân chùa là lưỡi rồng; hồ trước mặt là ao rồng (Long trì); thủy đình trên hồ là hòn ngọc; hai cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều là hai nanh rồng, hai giếng là mắt rồng, các ngọn núi xung quanh như qui, phượng chầu về. Chùa và thiên nhiên đã hòa quyện, cảnh trí càng thêm tươi đẹp.
2. Các công trình kiến trúc trong chùa Cả
Giá trị kiến trúc nổi bật nhất của khu di tích chùa Thầy nằm ở ba tòa chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ 17. Từ một am nhỏ thời Lý, đến thế kỷ 17, chùa Cả đã phát triển thành ngôi chùa đồ sộ với ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh xếp hình chữ Tam và tòa Ống muống (nhà cầu) nối Tiền đường với Điện Phật khiến chùa thời gian này được bố cục kiểu “Tiền công hậu nhất”. Tới thế kỷ 18 cùng với việc hoàn thiện lại dãy hành lang, nhà hậu, nhà bia, gác chuông, gác trống thì chùa Thầy đã có dạng “Nội công ngoại quốc” như ngày nay. Ngoài chùa chính, những công trình kiến trúc khác như nhà Cầu, Thủy đình... góp phần tô điểm cho cảnh sắc chùa thêm hữu tình.
* Tiền Đường
Chất liệu chính để tạo dựng thành khung tòa Tiền đường cũng như các tòa chính của chùa Thầy là gỗ lim. Tuy nhiên hình thức tòa Tiền đường có vẻ thanh thoát hơn bởi các bộ phận như cột, xà, câu đầu... đều nhỏ hơn so với các tòa Điện Phật, Điện Thánh.
Tòa Tiền đường được dựng trên khu đất cao hơn sân cỏ trước chùa khoảng 1m. Phía trước là bậc tam cấp bằng đá và chia làm ba phần khác nhau; ngăn cách giữa các phần là những phiến đá lớn hình “Vân hóa long” có trang trí các vân xoắn hình dấu hỏi (?). Những hình vân mây này có ý nghĩa rất lớn về kiến trúc, tôn giáo trong các di tích đình chùa. Về mặt kiến trúc, những hình vân xoắn đó đã tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát cho khối kiến trúc vốn rất đồ sộ này. Về mặt tôn giáo, việc tạo ra các hình vân xoắn khiến cho ngôi chùa như được thăng hoa, gần với Tiên với Phật hơn, nó không còn là một kiến trúc dân dụng thông thường nữa...!
Tiền đường là một tòa nhà 5 gian, hai chái, kiến trúc nói chung đơn giản, không có nét riêng biệt. Cấu trúc của tòa Tiền đường gồm 6 bộ vì với 4 hàng cột (8 cột cái, 16 cột quân), có chiều dài 20m, rộng 5m; chiều cao từ mặt đất tớiđầu kìm là 7,8. Bộ vì nóc tòa Tiền đường có kết cấu dạng “giá chiêng”. Do tính chất của tòa Tiền đường chỉ là nơi dâng hương cúng lễ, không đòi hỏi lòng nhà rộng nên việc sử dụng dạng thức “giá chiêng” cho bộ “vì nóc” ở đây là hoàn toàn phù hợp với công năng và không gian kiến trúc bên trong. Đề tài trang trí ở tòa Tiền đường là các họa tiết hoa lá, lân, rồng, vân mây... Gian giữa tòa Tiền đường treo bức hoành phi lớn đề 4 chữ “Hương Hải Lưu Phương”...
* Nhà Cầu
Nhà Cầu là nhà nối giữa Tiền đường với Điện Phật, nó không có “cột” riêng và gắn liền với mái gian giữa hai tòa nhà. Sức nặng của mái đè lên “cột cái” gian giữa Tiền đường và “cột quân” gian giữa Điện Phật. Hệ thống chịu lực của nhà Cầu được đặt trên hai bộ “vì nóc” đứng chân trên hai “cột quân” của tòa Điện Phật và hai cột cái tòa Tiền đường. Hai bộ vì này đỡ thượng lương và ba đôi hoành nhà Cầu.
Dưới hai đầu nhà Cầu có hai cửa võng được trang trí ở cả hai mặt với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện. Phía dưới, hai bên nhà Cầu là lan can gỗ làm theo kiểu chắn song con tiện, khiến ta có cảm giác tòa nhà như nhịp cầu cong, nhẹ bắc từ Tiền đường sang Điện Phật. Đề tài trang trí ở nhà Cầu chủ yếu là các hình “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu” hình lân, hoa lá... Nghệ thuật trang trí ở cửa võng cũng như ở lan can nhà Cầu và có niên đại cùng với niên đại ba tòa chùa chính (thế kỷ 17). Phía trên của cửa võng thứ hai (chỗ tiếp giáp với tòa Điện Phật) có bức hoành phi đề bốn chữ: “Bồ Đà Dục Thánh”. Kích thước nhà Cầu là 5,2m x 4,4m. Như vậy, “nhà Cầu chùa Thầy là một trong những biểu hiện chữ công sớm nhất còn lại cho tới nay ở nước ta”[7].
* Điện Phật
Điện Phật là nơi thờ các vị Hộ Pháp, các Đức Ông, Thánh Hiền là những tượng có kích cỡ lớn do vậy đòi hỏi một kết cấu kiến trúc lớn hơn tòa Tiền đường, lòng nhà phải rộng, thoáng... Chính vì vậy, bộ vì nóc tòa Điện Phật đã biến thể thành dạng thức “giá chiêng - con chồng - cột trốn”. Các bộ vì đốc Điện Phật được bưng kín bằng ván gỗ và không có trang trí gì.
Tại mặt trước của hai gian giáp hồi là hai gian thờ nhỏ (thờ Đức Ông và Thánh Hiền). Người ta nối từ cột cái ra cột quân bên những “xà nhỏ” lồng một ván gỗ chia ô (xà nhỏ này nằm dưới xà nách), được chạm trổ xung quanh và có một cửa sổ con tiện. Ngoài ra, ở ván gỗ phía sau ban thờ cũng có trang trí chạm thủng hìnhlá đề, vân xoắn, đao mác, hoa cúc, mặt trời... Nhìn chung, tòa Điện Phật có số gian và chiều dài như tòa Tiền đường nhưng lòng nhà rộng hơn (kích thước là 20m x 9,5m). Mặt nền Điện Phật cao hơn Tiền Đường 0,7m và cao hơn mặt nền nhà Cầu 0,5m. Mặt trước Điện Phật có 5 bậc lên xuống xếp đá vôi, mài nhẵn. Hai đầu hồi được bưng bằng những ván gỗ dày (vách đố lụa). Dưới ván gỗ là một cửa sổ hình chữ nhật (kích thước 3m x 1,1m), có các chấn song dẹt, mảnh để lấy thêm ánh sáng. Mặt sau gian thứ 2 và 4 được để trống làm lối đi sang Điện Thánh: các gian còn lại được bưng kín bằng ván gỗ.
Trang trí tại tòa Điện Phật chủ yếu tập trung tại hai gian thờ Đức Ông - Thánh Hiền cùng hệ thống “đấu con sơn” trên “ván nong”.Các bộ phận kiến trúc như xà, câu đầu, kẻ, bảy đều được “bào trơn” hay “bào soi vỏ măng”. Dưới tầu mái là những đường diềm trang trí hình cánh sen vuông. Các cánh senở đây lớn hơn cánh sen diềm mái Tiền đường. Mặt ngoài của “ván lá gió” được trang trí các hình rồng, phượng, lân, hoa lá, đao mác. Đặc biệt, tại ván lá gió hai bên hồi được chia làm các ô nhỏ, ô giữa trang trí hình hoa cúc và đôi thú; hai ô bên trang trí hình rồng đơn, đầu rồng chầu về ô giữa...
Tóm lại, với kết cấu kiến trúc như trên, tòa Điện Phật đã tạo ra một không gian thích hợp cho việc đặt các bức tượng lớn và là nơi hành lễ chính của một ngôi chùa.
* Tòa Điện Thánh
Nổi bật nhất trong kiến trúc chùa Thầy là Điện Thánh, một tòa nhà lớn, nơi thờ tự quan trọng nhất của chùa Thầy. Điện Thánh có kích thước là 15m x 11,7m, nền nhà cao hơn nền tòa Điện Phật là 1,2m và cao hơn nền Tiền đường là 1,9m. Chiều cao từ nền nhà đếnthượng lương là 6m. 04 cột cái lớn dựng ở tòa Điện Thánh cùng với 16 cột quân đã tạo nên một bộ khung nhà vững chắc, một kết cấu độc đáo cho Điện Thánh nói riêng và chùa Thầy nói chung.
Tòa Điện Thánh gồm 1 gian chính và 2 gian đốc, thờ 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh “ Vi Tiên, vi Phật, vi Quốc vương. Sinh hóa tam thân lưu hiển tích”. Gian bên trái (nhìn từ trong ra) thờ Từ Đạo Hạnh nhập định trong khám, gian giữa thờ Từ Đạo Hạnh ngồi tu hành trên tòa sen và gian bên phải thờ tượng Lý Thần Tông (kiếp sau của Từ Đạo Hạnh). Do tính chất hành lễ cũng như yêu cầu của việc bố cục tượng, khám, án thư, đồ thờ tự... đòi hỏi lòng nhà phải rộng, cao, thoáng nên các nghệ nhân xưa đã sáng tạo ra một hình thức kết cấu mái rất độc đáo. Toàn bộ Điện có 4 cột cái lớn nhưng lại có tới 4 bộ “vì nóc”. Hai bộ vì chính đứng lực trên 4 câu đầu cột cái; hai bộ còn lại đặt trên các cột trốn. Các cột trốn này được đặt trên lưng xà nách. Hai vì phụ chỉ cách hai vì chính 1m. Do kết cấu như vậy, các “kẻ” góc đã chạy thẳng tới đầu “cột trốn” thay vì chạy tới đầu cột cái. Vì nóc ở đây được làm theo “giá chiêng kép” để đưa mái lên cao và mở rộng lòng nhà. Các bộ phận câu đầu, xà đều được làm dài hơn bình thường (câu đầu dài tới 6m).
Toàn bộ xung quanh tòa Điện Thánh được bưng kín bằng các ván gỗ, ánh sáng chỉ lọt qua những lỗ chạm khắc thủng ở hai đầu hồi. Mặt trước và sau tòa nhà tuy có mái hiên nhưng rất thấp, ánh sáng lọt vào không đáng kể. Nhất là vào những ngày hành lễ với khói hương nghi ngút!
Như vậy, tới thế kỷ 17, cùng với việc xây dựng tòa Điện Thánh, chùa Thầy đã trở thành một ngôi chùa lớn trong vùng với các bộ phận kiến trúc chính: Tiền Đường, Nhà Cầu, Điện Phật, Điện Thánh. Các bộ phận này đã tạo lên mặt bằng “Tiền công hậu nhất” cho chùa Thầy. Tiền Đường trông ra Long Trì (ao Rồng) vào cửa trước Tiền đường chỉ mở vào dịp lễ hội. Lối ra vào thường nhật là ở cửa ngách mở dưới gác chuông và sân sau Điện Thánh. Cả ba tòa nhà của chùa Thầy đều được lợp bằng thứ ngói mũi hài lớn (dài 30cm, rộng 25cm). Ba tòa Điện chính dựng theo thế cao dần của cấp “nền” đã tạo ra sự chênh lệch giữa các “mái”. Kiến trúc cao dần đó cùng với việc trang trí hình rồng, lân ở các đầu kìm, “con sô” và “đầu đao” đã tạo ra một sự hòa hợp có tính chất động trong một không gian tĩnh.
Ngoài ba gian Điện chính, sang các thế kỷ sau, các công trình hành lang, nhà bia, gác chuông, nhà tổ... đã được hoàn thành, tạo cho chùa có dáng “Nội công - ngoại quốc” như ngày nay.
* Gác Chuông - Gác trống
Gác chuông và gác trống chùa Thầy đều có cấu trúc tương tự nhau, đều làm theo kiểu “tường hồi bít đốc” ba gian, hai tầng mái (chồng diêm). Tầng trên có hệ thống lan can gỗ chạy dọc hai bên; tầng dưới xây gạch xung quanh; bốn phía đều trổ ra cửa ra, vào; hai bên hồi là cửa thông sang nhà bia và hành lang. Gác chuông nằm bên trái và gác trống nằm bên phải.
Do yêu cầu gác chuông - gác trống phải cao nên các cột cái ở đây được làm bởi hai thân gỗ, được ghép nối với nhau một cách khéo léo tại vị trí sàn gỗ (đứng ở dưới, ta tưởng như chúng chỉ là một cột dài). Cột quân được làm đứng trên “thanh dầm” nối hai cột cái với nhau.
Chiều dài của gác chuông và gác trống là 8,2m; chiều cao từ nền nhà tới sàn gỗ là 3,5m; từ sàn gỗ tới thượng lương là 3m. Chiều rộng ở tầng dưới là 6,7m và tầng trên là 4,7m. Nhìn chung, gác chuông và gác trống là một kiến trúc cân đối. Chúng được dựng theo lối “thượng thu hạ thách”. Đây là một kiến trúc có niên đại muộn nhưng trông khá thanh thoát, duyên dáng, ăn nhập hài hòa vào tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Việc xây dựng gác trống là một nét độc đáo của chùa Thầy. Nó trái với điều răn “không sát sinh” của nhà Phật (mặt trống bịt da thú). Trống ở đây chỉ sử dụng trong ngày hội, ngày tế lễ hàng năm. “Chiếc trống này gợi cho ta một chút ít về những hoạt động mang tính chất của một thầy phù thủy, thầy cúng của Từ Đạo Hạnh và bóng dáng của nó còn được lưu giữ ở những ông Thống sau này”[8].
* Nhà Hậu
Đây là một tòa nhà lớn, nằm song song phía sau Điện Thánh và cách Điện Thánh một khoảng sân gạch rộng 10m, gồm 11 gian, có diện tích 30,6m x 6m làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”. Nền nhà Hậu cao hơn mặt sân gạch phía trước 1,2m. Hai gian đầu và cuối có bậc lên xuống thông với nhà bia; bảy gian giữa được dùng để thờ cúng và được lắp cửa bức bàn trên ngưỡng cao 0,7m, hai bên lát gỗ (không xây gạch). Các gian còn lại dùng làm phòng khách, phòng Tăng, do vậy nó được xây rộng thêm ở phía sau và có cửa sổ. Ngăn cách giữa gian thờ và các phòng khác là những ván gỗ dày bưng kín từ nền đến câu đầu, chỉ để một cửa ra vào sát mép tường.
* Nhà bia và hành lang
Hành lang gồm hai dãy nằm hai bên tòa chùa chính, thờ Thập bát La hán. Một đầu hành lang nối với gác chuông (gác trống) hồi sau xây theo kiểu bít đốc. Nhà bia gồm ba gian, một đầu nối với gác chuông (gác trống), một đầu nối với mặt trước nhà Hậu. Nhà bia, gác chuông và hành lang tạo thành một dãy nhà dài liên tục.
Các tòa nhà này chủ yếu “bào trơn, đóng bén”, làm theo hệ thống hai hàng cột. Vì kèo gồm “cột” chống và “kẻ suốt” đứng trên “quá giang”. Đây là kiến trúc kiểu “vì kèo - trụ trốn”, xuất hiện chủ yếu ở cuối thế kỷ 19 đầu 20. Nhìn chung tòa nhà này ít có giá trị về kiến trúc nhưng nó đã trở thành một thực thể hài hòa trong tổng thể ngôi chùa.
Như vậy, tới cuối thế kỷ 19, chùa Thầy đã được xây dựng hoàn chỉnh thành một công trình to lớn có diện tích 60m x 40m bao gồm ba tòa Điện chính và các công trình phụ trợ như nhà bia, hành lang, gác chuông, gác trống, nhà Hậu. Lúc này, kiến trúc của chùa đã được biến đổi từ dạng “Tiền công hậu nhất” sang dạng “Nội công ngoại quốc”.
3. Các công trình kiến trúc khác
Ngoài các kiến trúc trên, tại khu di tích chùa Thầy còn có các công trình kiến trúc khác như: Thủy Đình, đền Tam phủ, Nhật Tiên Kiều, Nguyệt Tiên Kiều... Mặc dù các công trình này là những bộ phận không thể tách rời của tổng thể khu di tích, nhưng lại là những kiến trúc xây dựng nhằm mục đích khác. Chúng hài hòa với chùa Cả và cùng tạo lên một nét đẹp riêng rất quyến rũ.
* Thủy Đình
Thủy đình còn có tên là nhà Rối vì đây là buồng trò, là một tòa nhà hình vuông nổi trên mặt Long trì, cách bờ hồ trước cửa chùa khoảng 15m. Thủy đình là nơi các nghệ nhân múa rối nước điều khiển con rối hoạt động trong mỗi dịp lễ hội, sân khấu múa rối nước chính là mặt hồ.
Thủy đình có tường gạch bao quanh nhưng ít có tác dụng chịu lực cho cấu trúc công trình mà chủ yếu có tác dụng che kín buồng trò. Toàn bộ tòa nhà có 4 cột cái và 12 cột quân được liên kết bởi các xà, kẻ. Bốn cột cái liên kết với nhau bởi 4 xà thượng lớn “bào soi vỏ măng”, làm thành khung vuông chịu lực.
Hệ thống mái Thủy đình gồm 2 tầng 8 mái (chồng diêm) và đỡ bộ vì nóc tầng 2 là các cột cái hướng bắc và nam. Liên kết vì nóc là kiểu “chồng rường” đơn giản. Các rường không trang trí, chỉ bào vuông thành sắc cạnh. Hai đầu mỗi rường đội một đôi hoành mái. Đôi hoành cuối cùng nằm trên đầu cột cái.
Trang trí Thủy đình chủ yếu ở hai “con kìm” hai đầu mái tầng hai và các “đầu đao” góc mái. Mặc dù Thủy đình có từ sớm nhưng trang trí và kiến trúc hiện nay của nó đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn [1802-1945].
* Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều
Còn gọi là Nhật Nguyệt tiên kiều. Đây là hai chiếc cầu nằm hai bên chùa Cả do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan năm 1602 hưng công xây dựng. Nhật tiên kiều dẫn ra đền Tam phủ và Nguyệt tiên kiều dẫn lên núi.
Cầu được xây dựng theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” gồm 5 gian. Đầu cầu nằm ở phía sân chùa, hai bên có đặt một đôi rồng đá chầu vào sân. Mạn cầu xây thềm gạch rộng 0,8m, cao hơn sàn cầu từ 0,1 đến 0,6m (Cầu uốn vồng lên ở giữa). Mái cầu được dựng trên 6 bộ vì, mỗi vì được đứng trên hai cột cái và hai cột quân. Do cấu trúc của bộ vì cao dần lên ở giữa lên các “hoành, thượng lương, xà dọc”... đều được uốn vồng lên, tạo cho cầu có dáng cong, mềm mại. Mái cầu lợp ngói mũi hài nhỏ tương tự như ở nhà Hậu, nhà Bia. Cầu không chỉ tô điểm cảnh sắc chùa Thầy mà còn là nơi nghỉ chân cho du khách thập phương.
* Miếu Tam phủ
Miếu Tam phủ là một ngôi miếu nhỏ nằm trên gò nổi giữa hồ, gò nổi có chu vi khoảng 60m. Miếu Tam phủ nối với bờ và sân chùa Cả bằng một chiếc cầu gỗ (Nhật Tiên Kiều).
Miếu Tam phủ gồm 1 gian, 2 chái. Nhà một tầng 4 mái, nền nhà gần như vuông, tường bao quanh được xây bằng đá ong mầu nâu thẫm. Cửa ra vào được làm bằng gỗ theo kiểu bức bàn. Kết cấu vì ở đây tương tự bộ vì ở tầng trên gác chuông nhưng có thêm kẻ đỡ mái đầu đốc. Miếu Tam phủ ít có giá trị về kiến trúc nhưng nó làm cho cảnh sắc chùa Thầy thêm đẹp.
3. Thiền sư Từ Đạo Hạnh với chùa Thầy.
Truyền thuyết về Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1116) tên thật là Từ Lộ, người làng Yên Lãng (Láng - Từ Liêm - Hà Nội) là con quan Đô sát Từ Vinh. Mẹ ông cũng là người làng Láng, họ Lỗ. Từ Lộ đã ẩn cư ở núi Phật Tích, hàng ngày đọc kinh Đại bi Đà la ni, làm phép chữa bệnh và hoằng dương Phật pháp trong vùng. Tới “mùa hạ, tháng 6, năm Bính Thân 1116, Từ Đạo Hạnh hóa thân, trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất tức là tên huyện - tức là huyện Ninh Sơn”[9] . Từ Đạo Hạnh trút xác, đầu thai làm Lý Thần Tông, hưởng thọ 23 tuổi [1116 - 1138] và trị vì ngôi báu được 11 năm (1127-1138).
Việc lấy hiệu Đạo Hạnh đã chứng tỏ sự gắn bó với nhà Phật để đề cao cái Hạnh Nguyện[10] của ông. Thủa nhỏ, Từ Đạo Hạnh giao du rộng rãi, tính tình phóng khoáng, thường kết bạn với các đạo sỹ phù thủy (như Lê Toàn Nghĩa), kể cả con hát Phan Ất - loại người xã hội đương thời kinh rẻ là “xướng ca vô loài”. Có lẽ cũng vì vậy mà khi đi tu, Từ Đạo Hạnh hướng theo Mật tông. Bài minh trên chuông chùa Thầy đã tả về Từ Đạo Hạnh như sau: “Thiền sư Đạo Hạnh. Lúc nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kì vĩ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học cổ thư mà không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước ra vảy mà hết mọi ốm đau. Việc chưa manh nha, dự đoán trước mà đúng như bùa phép...”[11].
Từ Đạo Hạnh là một nhà sư của quần chúng, là tri thức Phật giáo của những tín đồ bình dân, đồng thời còn là một pháp sư có nhiều phép thuật. Cách tu hành của Từ Đạo Hạnh là tu xuất thế, ẩn mình trên đỉnh núi, thiền định trong hang hốc. Hình thức tu này ít nhiều chịu ảnh hưởng của phép tu Bà la môn giáo. Những người kế tục Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Thầy trước đây không phải là các Thiền sư mà là những ông Thống hành nghề phù thủy. Những ông Thống này kế tục công việc của Đạo Hạnh, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân.
Câu chuyện về Từ Đạo Hạnh phần nào giúp ta hiểu được tính chất Phật giáo và tư tưởng xã hội thời Lý. Đó là tinh thần Phật giáo Đại thừa liên kết với tinh thần ma thuật thần thông từ các tín ngưỡng dân gian, từ vật linh giáo đến thần tiên đạo giáo. Sự đan xen, giao hòa này cũng là một đặc trưng của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam, tuy mỗi thời có một sự biến đổi khác nhau.
Nghi lễ liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy
Lễ hội chùa Thầy được mở chính thức vào ngày 7/3 âm lịch
Nhớ ngày mùng bảy tháng ba
Trở vào hội Láng - trở ra hội Thầy
Thực ra thì lễ hội chùa Thầy bắt đầu từ ngày 5/3 sau lễ Mộc dục (tắm tượng) và kéo dài tới hết ngày 9/3. Ngay từ đầu tháng ba, dân làng của bốn thôn: Thụy Khuê, Đa Phúc, Sài Khê và Khánh Tân đã ráo riết chuẩn bị cho ngày hội: Tập luyện lễ, rước; chuẩn bị cờ quạt, kèn trống...
Như mọi lễ hội khác, lễ hội chùa Thầy gồm hai phần: Lễ trang nghiêm và hội vui vẻ. Đáng chú ý nhất ở đây là nghi lễ rước bài vị Từ Đạo Hạnh. Vào chính Hội (trưa 7/3), các thôn Thụy Khuê, Đa Phúc, Sài Khê và Khánh Tân mang cỗ lên chùa làm lễ và tới khoảng 3h chiều, cuộc rước bắt đầu. Đây là cuộc rước bài vị Từ Đạo Hạnh ra gò ở thôn Khánh Tân. Tương truyền đây là nơi quân Minh đã đốt xác Từ Đạo Hạnh. Quãng đường dài khoảng 1km nhưng cuộc rước đi rất chậm chạp tới chập tối, người ta rước bài vị ra tới gò thiên và bắt đầu thủ tục thay áo cho bài vị sau đó rước bài vị về. Tới chùa thì đã vào khoảng nửa đêm. Đám rước đã lôi cuốn được sự tham gia của hầu hết dân bốn thôn và du khách xa gần. Khi rước đi, bài vị được khoác áo vàng (mầu áo đạo sỹ) còn khi rước về, bài vị được khoác một lớp áo cà sa nhà Phật. Sở dĩ có hiện tượng “đi Thánh về Phật” trong cuộc rước này là vì lúc đầu Từ Đạo Hạnh tu tiên hiển thánh và sau Ngài lại giác ngộ Phật pháp.
Đám rước cũng được qui định thứ tự chặt chẽ: Khi rước, đi đầu tiên là bài vị và ngựa “Xích thố” của thôn “anh cả” Thụy Khuê; sau là bài vị và ngựa “Bạch Vân” của thôn “anh Hai” Đa Phúc, rồi đến bài vị của Từ Đạo Hạnh được đại diện bốn thôn tham gia để rước đi rước về. Khi về thì bài vị và ngựa “Bạch vân” lại đi trước ngựa “Xích thố”. Theo truyền thuyết thì khi vợ Sùng Hiền Hầu mang thai, ông ta có hai con ngựa (một trắng, một đỏ) tới báo tin cho Từ Đạo Hạnh biết để ngài trút xác đầu thai làm Lý Thần Tông sau này. Lúc đến báo thì con ngựa đỏ tới trước nhưng khi về con ngựa trắng lại về trước tranh công. Cuộc rước này nhằm diễn lại sự tích ấy.
Về thời gian tổ chức cuộc rước, có ý kiến cho rằng đó là vào lúc chạng vạng, khi âm dương giao hòa, là lúc gặp gỡ, trao đổi giữa người và ma. Ý kiến khác lại cho rằng thời điểm rước là thời điểm xác Từ Đạo Hạnh bị quân Minh thiêu. Đám rước đi chậm qua các thôn, đèn đuốc được thắp đảm bảo ánh sáng cho cuộc vui. Đây là lúc vui nhất và đẹp nhất của chùa Thầy.
Ngoài phần nghi lễ trang trọng trên, chùa Thầy còn có những trò chơi vui nhộn, thu hút đông đảo người xem: múa rối nước, hát chèo, đánh cờ...
LỜI KẾT
Với gần 1000 năm tồn tại phát triển, di tích chùa Thầy đã thành một chứng tích cụ thể của quá khứ mà qua đó ta phần nào hiểu được lịch sử một vùng đất của dân tộc. Vùng đất Sài Sơn (nơi có di tích chùa Thầy) là vùng đất có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa đang thu hút sự tìm hiểu, khám phá của các nhà khoa học. Chưa phải chúng ta đã biết hết những gì đang tiềm ẩn trong lòng đất Sài Sơn nhưng hàng loạt các cuộc khai quật khảo cổ học ở Hoàng Xá, Phượng Hoàng, Núi Voi... đã cho thấy một bề dầy của lịch sử được phát triển liên tục từ xa xưa ở vùng đất này.
Riêng về chùa Thầy, với vị thế xứng đáng của một ngôi chùa Cả trong vùng cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu kiến trúc - nghệ thuật - văn hóa - tôn giáo.
- Về kiến trúc: Mỗi công trình xây dựng ở chùa Thầy có một kiểu dáng kiến trúc khác nhau, phù hợp với từng công năng sử dụng. Có đi sâu nghiên cứu, ta mới thấy hết giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà các nghệ nhân xưa đã tạo ra cho đời sau. Cả ba tòa chùa chính đồ sộ, với rất nhiều kèo, cột, trục... nhưng chỉ có 36 lỗ đục, còn gỗ được xếp chồng khít lên nhau nhưng lại rất vững chắc. Sự khéo léo tuyệt vời đó không chỉ chứng tỏ tài năng của các nghệ nhân xưa mà còn gây bất ngờ thú vị cho đời sau.
- Về nghệ thuật: Với hệ thống tượng phong phú, niên đại trải dài và được làm trên mọi chất liệu: gỗ, đất, đá đã thực sự có ý nghĩa trong việc nghiên cứu nghệ thuật tạo tượng đặc sắc của nhân dân. Ngoài ra, ở chùa Thầy còn lưu giữ nhiều hiện vật quí hiếm như: Bệ tượng đá hoa sen thời Lý, bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, một Bệ đá hoa sen hình hộp có kích thước lớn nhất hiện biết; lưng ghế thời Trần; chân đèn gốm thời Mạc, khám thờ thời Mạc; tượng Di đà Tam tôn đầu thế kỷ 17 (được coi là bộ Tam Tôn bằng gỗ cổ nhất hiện còn); hương án gỗ, bia đá, tượng Hậu Phật, tượng Hạc thờ thế kỷ 17; chuông đồng thời Tây Sơn; khánh, tượng thời Nguyễn,... Những hiện vật đó thực sự là những bảo vật của thế hệ cha ông xưa được lưu lại trong chùa.
- Về văn hóa, tôn giáo: Chùa Thầy là một ngôi chùa đặc biệt, thờ Phật thờ Thánh. Chính vì vậy, chùa Thầy là minh chứng trong việc nghiên cứu sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng. Lễ hội chùa Thầy là một lễ hội dung hợp hài hòa hai yếu tố tôn giáo đó. Cùng với các trò chơi dân gian, lễ hội chùa Thầy đã thực sự giúp ích cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà dân tộc học muốn tìm hiểu về văn hóa của vùng đất này.
Với những giáo trị về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đó, chùa Thầy và khu vực núi Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đợt 1 (ngày 28/4/1962). Di tích chùa Thầy không chỉ là nơi thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu mà nó còn là điểm tham quan du lịch của hàng vạn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt mỗi dịp lễ hội.
* Viện Bảo tồn Di tích - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[1] Lê Quí Đôn toàn tập. Nxb. Khoa học xã hội. HN 1977, tr 19.
[2] Hà Sơn Bình di tích và danh thắng. Sở Văn hóa thông tin Hà Sơn Bình xuất bản.1985, tr 66.
[3] Theo Thiên Phúc tự Hồng chung minh văn.
[4] Tấm bia này do Đại học sĩ Nguyễn Bảo soạn năm Cảnh Thống thứ ba [1500].
[5] Tấm bia này khắc năm Đại Chính thứ 9 [1538].
[6] “Tạo lệ” hay còn gọi là ”đầy tớ” - chỉ những làng cử dân làm đầy tớ thần.
[7] Bước đi ngôi chùa Việt. Trần Lâm Biền. tr 32.
[8] Tìm hiểu chùa Thầy. Trần Phương (Luận văn tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Bảo tồn bảo tàng năm 1987). Tư liệu Thư viện Khoa Bảo tàng, trường Đại học Văn hóa. tr 64.
[9] Đại Việt Sử ký toàn thư . Ngô Sĩ Liên (tập I). Nxb. Khoa học xã hội.1983. tr 301.
[10] Hạnh Nguyện bao gồm “Sở hành” và “chí nguyện” nghĩa là tự mình làm theo chí nguyện. Hạnh nguyên là tu hành theo đạo đức giới hạnh, giới luật một cách tự giác, để đạt tới đức cao cả, vị tha. Ai giữ được Hạnh nguyên bền vững thì mau thành chính giác
[11] Dẫn theo Thiên Phúc tự Hồng chung minh văn.
Bình luận bài viết