Thông tin

CHÙA THẦY VÀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

 

Hòa thượng THÍCH GIA QUANG* 

                                                       

Trong cuộc đời mỗi vị Thiền sư đều có những ngôi chùa gắn bó và khi nhắc đến chùa Thầy là phải nhắc tới thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hai thế kỷ trước, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú đã viết: “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Đạo Hạnh trút xác ở đây. Vách đá còn có dấu vết đầu và gót chân. Trong núi có viện Bồ Đà, am Hương Hải đều là Từ Đạo Hạnh làm ra. Nay là chùa Thiên Phúc”.

I. CHÙA THẦY - SỰ TIÊU BIỂU CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1. Lịch sử

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao trên núi và chùa Dưới. Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu xây dựng điện Phật, điện Thánh, sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì. Sân có hàm rồng.

Chùa Thầy dựa vào sườn tây nam của một núi đá vôi có nhiều hang động. Ngọn núi đó gọi là núi Thầy, tức núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Chùa Thầy khởi nguyên chỉ là một ngôi chùa làng bé nhỏ, song với đức độ của thiền sư Từ Đạo Hạnh mà ngôi chùa này dần dần được xem là một chốn Tổ. Thiền sư Từ Đạo Hạnh, theo pháp phái, Ngài là thế hệ thứ 12 thuộc dòng Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci), một Phật phái gần gũi với nếp sống và tín ngưỡng dân dã, với những hướng đi được quần chúng nhân dân sùng kính. Hơn nữa, theo lịch sử để lại, chúng ta thấy thế kỷ thứ 17, thời kỳ xã hội Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, cho nên chính thời điểm ấy cánh cửa từ bi của đạo Phật nói chung và ngôi chùa nói riêng mở rộng vòng tay che chở. Chính vì thế đã tạo ra những thiền môn sầm uất lúc đó như một trào lưu theo yêu cầu cần thiết nhất, mà bản thân chùa Thầy cũng vậy.

2. Kiến trúc

Chùa Thầy được xây dựng theo thuyết phong thủy rất rõ ràng. Chùa được tọa lạc trên một thế đất hình rồng, một loài vật được dân gian sùng bái và hư cấu nhất trong tất cả các con giáp của dân gian. Ở phương Đông có một câu nói về nhóm tứ linh như sau “kỳ lân tín nghĩa, phượng hoàng trị loạn, rùa báo điềm lành, rồng có phép biến hóa”, trong đó rồng được biết đến như một dũng sĩ rất uy nghi, thiêng ứng, có vai trò độ thế như chính trong tâm tưởng của mỗi vị tu sĩ trong triết lý của Phật giáo.

Chùa Thầy gồm chùa chính là nhà Tổ, chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ và các chùa, am xung quanh cũng như ở trên núi. Chùa Thượng nằm phía trước nhà Tổ. Ở giữa chùa là tượng Di Đà Tam Tôn nằm phía trên, dưới là tượng Bách Hoa Đài, chính giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội tòa sen. Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu Garuda. Đây là di vật thời nhà Lý còn sót lại duy nhất ở chùa. Nơi bàn án bị mòn vẹt một phần ở giữa do những người thắp hương sờ tay vào để tỏ lòng thành kính ngài. Bên trái thờ tượng toàn thân của thiền sư bằng gỗ chiên đàn.

Chùa Trung còn gọi là Đại Hùng Bảo Điện, có nghĩa là bảo điện lớn nhất trong thiên hạ. Điều đặc biệt là tòa bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ, kiểu mũi hài. Tương truyền rằng ngói lợp này được lấy từ chùa Tây Phương, cách 7 km về hướng tây.

Mặc dù quãng đường dài như vậy nhưng năm xưa, ngói lợp được chuyển tay nhau theo kiểu nối dây và xong chỉ trong một ngày. Ở đây có hai tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam. Giữa chùa là các ban thờ Phật, trong đó có thờ Phật Như Lai, Phật Tuyết Sơn, Phật nghìn mắt nghìn tay... Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m.

Chùa Hạ là nơi giảng đạo và lễ bái. Ở đây có chiếc khánh nặng 420kg được đúc từ thời Minh Mạng 1836. Trên khánh khắc ba chữ lớn “Phật Tích Sơn”. Khánh chỉ được đánh hai lần mỗi năm vào giao thừa và ngày lễ Mộc dục. Trong chùa Hạ còn có bức tranh bằng gỗ mít mạ vàng diễn tả các tích truyện nhân quả báo ứng với mười tám tầng địa ngục. Phía trước chùa Hạ là hồ Long Trì có thủy đình ở giữa. Hai bên là hai cây cầu được xây theo lối thượng gia hạ kiều. Bên trái là Nhật Tiên Kiều thông ra Tam Phủ, bên phải là Nguyệt Tiên Kiều bắc qua ao lên núi do Phùng Khắc Khoan tiến cúng năm 1602 khi đi sứ về. Để lên núi phải qua Bất nhịp pháp môn. Ở đây có câu đối:

Đăng cao tự ty nhất bộ tiến nhất bộ

Vô vãng bất phục cá quan hựu cá quan

(Mỗi bước lên cao đi từ thấp, một bước tiếp một bước

Không có sự ra đi nào mà không trở lại, cổng này tiếp đến cổng kia)

Phía trước chùa bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng). Sân có hàm rồng. Tất cả những yếu tố đó đều mang nét tượng trưng thực sự, với những chi tiết mang lại tiết tấu tôn lên hình ảnh của con rồng trong tư thế đang ngậm một viên ngọc uốn lượn đùa trong nước. Nổi bật nhất chính là thủy đình mọc lên giữa hồ long chiểu chính là viên ngọc ở đầu rồng, hai giếng hai bên chính là hai mắt rồng. Ngoài ra, vào năm 1602, ngôi chùa này được Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho xây dựng thêm hai cầu có mái ngói chính là hai răng nanh của miệng rồng: cầu Nhật Tiên ở bên trái trông vào đền Tam Phủ, xây trên một đảo nhỏ ở giữa ao; cầu Nguyệt Tiên ở bên phải dẫn vào đường lên chùa trên núi. Đối diện với thủy đình là chùa Cả, xây dựng theo kiểu chữ Tam, trong đó có đặt ba pho tượng diễn tả ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật, và Đế vương, mang màu sắc triết lý Phật giáo về kiếp luân hồi trong một cuộc đời làm người và sự giải phóng chính mình, cứu giúp mọi người ra khỏi những nghiệp chướng. Với hướng quay về Nam như vậy tạo ra một chủ ý minh triết vừa đề cao vừa cầu viện đến sức mạnh của đức thánh Từ Đạo Hạnh. Còn đối với các công trình kiến trúc tôn giáo thời Lê lại có một lời giải thích khác: “Hướng Nam là hướng mà đức Phật và Bồ tát quay về để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời tuy lụy, dùng pháp từ bi hỉ xả mà cứu vớt”[1]. Dù được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng là một kinh nghiệm được đúc kết qua thời gian mà có.

Chùa Thầy còn là một trung tâm văn hóa mà nổi bật nhất chính là thủy đình ở giữa hồ Long Chiểu như đã nói ở trên, ngoài sức biểu tượng còn mang một công năng dân dã, ở đây thường xuyên diễn ra hoạt động múa rối dưới nước đặc sắc. Về bản thân căn nguyên của múa rối nước đã ẩn chứa trong nó tiềm tàng về triết lý nghệ thuật dân  gian của Việt Nam. Ngoài ra còn là một trung tâm văn hóa sinh hoạt cộng đồng mang màu sắc tín ngưỡng thường dân:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Lời giải thích đó được nhắc đến khá đầy đủ trong bài thơ:

Rủ nhau lên núi Sài Sơn

Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?

Hỏi non, non những làm thinh

Phải rằng non đã vô tình với ai?

Nước non ví chẳng chiều đời

Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?

Yêu nhau ta dắt nhau cùng

Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải).

3. Lễ hội

Chùa Thầy là sản phẩm lao động cả về trí tuệ lẫn sức lao động của con người Việt. Qua đó thể hiện những suy tư, nếp sống, sinh họat của cộng đồng một tổ chức, đánh giá được những giá trị tinh thần tiềm tàng trong quần cư tại chỗ nói riêng và cả một nền văn hóa nói chung như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã viết rằng:

 Hóa công xây đắp biết bao đời

Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời

Buổi sớm gió tuôn, trưa nắng gắt

Ban chiều mây họp tối trăng chơi

Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn

Giữ thủ giang sơn bốn mặt ngồi

Bán lợi mua danh no những kẻ

Chẳng lên mặc cả một đôi lời.

Ca dao có câu:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy

Ngày nay, hội chùa Thầy vẫn được mở từ mồng 5 đến 7-3 âm lịch hằng năm. Vào những ngày này, rất đông người dân quanh vùng và khách thập phương đến chùa xem hội, làm lễ cầu may, thể hiện lòng tôn kính của mình...

II. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH - MỘT BẬC THÁNH TĂNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1. Vài nét về cuộc đời

Thiền sư Từ Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, (chưa rõ năm sinh), tịch niên 1117, đời thứ 12 dòng Tì ni đa lưu chi. Tiểu sử và hành trạng của Thiền sư được nhắc nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Thánh tổ thực hành diễn âm ca và được in trong quyển Thiền sư Việt Nam.

Sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh ghi: “Ông họ Từ, tên Lộ, tự Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, cha tên là Vinh, làm quan chức Tăng quan Đô sát ở triều Lý, thường qua chơi An Lãng, lấy con gái họ Tằng, tên là Loan, nhân thể ở tại đó. Lộ là con bà họ Tăng vậy, thủa thiếu niên thích ngao du, hòa hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, ngôn ngữ không ai có thể lường được. Thường cùng kẻ Nho gia Mai Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phạm Ất kết bạn, đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trễ nải, nên một đêm ghé qua khe cửa nhìn vào phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn không rời khỏi sách, do đó cha mẹ không còn phải lo nghĩ nữa. Sau này Lộ dự thi Tăng Hương, thi đỗ khoa Bạch Liên, không bao lâu cha mẹ làm phật ý Diên Thành Hầu, Diên Thành Hầu sai Đại Điên dùng phép thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.

Từ Lộ thông minh, khi còn bé đã có chí khác thường, ngày thì cùng bạn lứa chơi các trò đá cầu, múa kiếm, tối đến đóng chặt cửa phòng, chong đèn nghiên cứu sách vở. Loại trừ lớp áo truyền thuyết về Từ Vinh hay dùng tà thuật làm việc không hay, bị Đại Điên dùng pháp thuật giết chết, rồi Từ Lộ tu luyện đắc đạo về báo thù..., ta thấy có một Từ Lộ thời trẻ thường chơi với kẻ Nho gia là Mai Sinh, với đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và với người rất có tài múa hát là Phan Ất[2]. Thiền sư Từ Đạo Hạnh biết trước sẽ tái sinh trở lại “túc nhân của ta chưa hết phải còn sinh lại thế gian nầy tạm làm vị quốc vương” để gánh chịu nghiệp quả tác tạo,  nhờ người bạn đồng tu từ trước mới chữa khỏi chứng bệnh hoá hổ của mình, âu cũng là túc duyên nhiều đời với nhau. Sự tái sinh của Từ Đạo Hạnh mang một ý nghĩa, phải nhận lãnh nhân quả mà mình đã gây ra, và cũng để chứng minh lý nhân quả không sai chạy. Việc dùng pháp thuật giết chết Đại Điên, nên thọ mạng Lý Thần Tông ngắn ngủi, chết năm 23 tuổi, việc vua hoá hổ có thể do sử dụng pháp thuật không phù hợp với chính pháp nên phải bị quả báo như thế. Vua Lý Thần Tông cho xây dựng chùa Láng ở Hà Nội để thờ tiền thân của mình, là thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và Thiền sư Nguyễn Minh Không, cả ba nhân vật lịch sử này nối kết lại với nhau, trong sự tương duyên tương hợp, tạo thành những dấu ấn đậm nét, đầy tính kỳ bí không làm sao vén lên nổi. Ở đó là cả một sự kết hợp từ thời gian đến không gian, từ tiểu ngã đến đại ngã, từ con người đến tâm thức, từ quá khứ đến hiện tại, tuôn chảy mịt mùng đến tương lai, ẩn mang một thứ năng lực diệu kỳ, mà tầm nhìn giới hạn của tâm thức ta chưa có cơ may bén mảng đến được. Khi nào cả một vũ trụ mênh mang được tóm gọn trong lòng bàn tay, uống được ngụm nước đầu nguồn, lúc đó mọi sự mới trở nên linh hiện sáng tỏ.

2. Những đóng góp của thiền sư Từ Đạo Hạnh với lịch sử

Về nghệ thuật múa rối nước

Chúng ta biết rằng Nghệ thuật múa rối nước ở Hà Tây (cũ) xuất hiện rất sớm, nếu không muốn nói là sớm nhất so với các địa phương khác. Một số thư tịch cổ cho biết, năm 1041, vua Lý Thái Tông cho tuyển chọn được hơn một trăm ca nữ, nhạc kỹ để lập thành Ban nhạc chuyên phục vụ những dịp khánh tiết của triều đình. Các vua tiếp theo của nhà lý đã duy trì và làm cho phát triển Ban nhạc của triều đình. Vị quan trông coi việc này gọi là Linh nhân. Chính giai đoạn lịch sử này, xuất hiện danh nhân Từ Đạo Hạnh, sau trở thành Thủy tổ nghệ thuật múa rối nước của dân tộc Việt ta.

Trong các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của nước Việt ta (và cả trong các nghề cổ truyền của người Việt ta nữa), các phường nghề hầu như đều thờ Tổ nghề, trong đó có một viễn Tổ (Thủy tổ) không phải người Việt Nam ta và ít nhất là một cận Tổ là người Việt. Chẳng hạn Viễn tổ của nghệ tuồng là Đông Phương Sóc (người Trung Quốc) và cận Tổ là Đào Tá Hán, thân phụ của danh nhân Đào Duy Từ. Và chẳng hạn, Viễn Tổ của nghề làm giấy mà làng giấy An Cốc ở huyện Thường Tín thờ là Sái Luân (người Trung Quốc, thế kỷ thứ 1), còn thờ một cận Tổ là người Việt, tương truyền là đã truyền dạy cho dân trong làng kỹ thuật mới về nghề làm giấy hồi thế kỷ 16… Riêng nghệ thuật múa rối nước, Thủy tổ là người Việt, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một tác gia văn chương lớn của nước Việt Nam ta (còn cận Tổ thì đơn cử Nguyễn Tân của phường rối nước Chàng Sơn). Đây là điều rất đặc biệt, thực sự là niềm tự hào sâu sắc cho nền nghệ thuật cổ truyền dân tộc.

Ngày này, bao giờ cũng có trò múa rối nước vô cùng cuốn hút để tưởng nhớ Thủy tổ của nghệ thuật múa rối nước và Tổ nghệ chèo. Chùa Thầy tọa lạc bên sườn núi, chân núi trước chùa có hồ Long Trì rộng lớn. Dưới hồ có ngôi thủy đình trông như một đóa sen từ mặt nước vươn lên. Thủy đình chính là nơi để diễn trò múa rối nước. Người đi hội đến xem rối nước đứng ngồi quanh bờ hồ. Khi mặt hồ đang êm ả, lung linh dưới ánh mặt trời, bỗng vụt lên tiếng nổ vang, tiếp liền là tiếng quả pháo bèo rẽ nước. Chú Tễu hiền lành ngộ nghĩnh xuất hiện, đốt một tràng pháo tưng bừng, rồi khua chiêng, dùng loa đọc bài Giáo trò.

Ngày nay, hầu hết các du khách ngoại quốc thăm nước ta đều muốn xem múa rối nước. Rạp Múa rối nước ở Hà Nội hôm nào cũng đầy kín khán giả. Qua hàng ngàn năm, trò diễn dân gian đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đầy sức cuốn hút. Có thể nói, nghệ thuật múa rối nước là một thành công lớn của nền văn hóa Việt Nam ta!

Về văn học

Từ Lộ cũng là một văn nhân danh tiếng, còn để lại cho đời một số bài thơ, trong đó có bài Có và không là một tác phẩm đặc sắc trong kho tàng thơ ca dân tộc ta (phiên âm): “Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không/ Hữu, không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không”. Bài thơ viết chín trăm năm trước, là thơ thiền, nhưng rất trữ tình, hình tượng lớn lao, xúc cảm sâu xa lạ thường. Đã không ít người dịch Có và không ra quốc văn, ở đây chúng tôi xin dùng bản dịch ra thể lục bát tương truyền là của Huyền Quang (1254 - 1334), thiền sư, cũng là nhà thơ danh tiếng đời Trần:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vầng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi có có, không không mơ màng.

Trong dân gian vùng phúc địa Sài Sơn, gồm nhiều làng thuộc huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất, qua rất nhiều đời vẫn lưu truyền về thiền sư Từ Đạo Hạnh, rằng ông hiểu biết rất uyên thâm về Nho, y, lý , số nên thường làm thuốc chữa bệnh cứu người. Ông còn thích múa, hát và thường dạy dân diễn trò múa rối nước, trò diễn chèo, nên dân chúng mới gọi ông là “Thầy”. Rồi ngôi chùa cùng ngọn núi ông trụ trì, tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy. Từ nhiều đời trước, cứ ngày mồng năm đến mồng bảy tháng ba là dân nhiều làng, xã quanh vùng phúc địa Sài Sơn mở hội chùa Thầy, và ngày quan trọng nhất là mồng bảy, vì tương truyền đó là ngày Từ Đạo Hạnh hóa Thánh.

Dân gian có câu Nhất vui là hội chùa Thầy”. Lễ hội ngày 7 tháng 3 diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt có biểu diễn trò múa rối nước ở nhà Thủy đình giữa hồ Long Trì. Theo khảo sát của một số nhà nghiên cứu, thiền sư Từ Đạo Hạnh đồng thời còn là một nghệ sĩ chèo và có những đóng góp quan trọng trong bước đi ban đầu của bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc này. Qua thời gian tám, chín thế kỷ, vùng quê chùa Thầy lại góp thêm nhiều tên tuổi danh nhân, góp thêm nhiều trang thơ ca đề vịnh, góp phần làm sáng danh hình tượng danh nhân văn hóa Từ Đạo Hạnh và cảnh quan thắng tích chùa Thầy.

Các di tích liên quan đến thiền sư Từ Đạo Hạnh

Cả chùa Láng và chùa Thầy đều thờ Từ Đạo Hạnh và thờ cả Lý Nhân Tông. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa Chiêu Thiền: “Ở trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận, là chỗ Từ Đạo Hạnh tu luyện thường ngày. Nay trong chùa thờ Từ Đạo Hạnh, lại thờ Lý Thần Tông. Chùa có hòm gỗ chứa sách Phạn bằng lá đồng là di tích xưa”, đồng thời ghi về chùa Thiên Phúc: “Ở chân núi Sài Sơn, huyện Yên Sơn, xưa gọi là am Hương Hải, lại gọi là viện Bồ Đà. Trong chùa, phía tả thờ tượng thiền sư họ Từ, phía hữu thờ tượng vua Lý Thần Tông, ở giữa thờ tượng Phật”. Gắn nối với những sự kiện được ghi trong sách Thiền uyển tập anh thì biết rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh ra và hành đạo chủ yếu ở địa bàn chùa Láng. Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra về cái chết khá bí ẩn cũng như mối quan hệ đáng ngờ giữa Từ Đạo Hạnh và hậu thân của ngài là Dương Hoán Lý Thần Tông? Song dù thế nào thì hiển nhiên mối quan hệ Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông và hai vùng đất thiêng chùa Láng - chùa Thầy đã gắn liền như một chỉnh thể văn hóa - lịch sử thống nhất, vừa huyền ảo vừa tiềm ẩn một khả năng đầy tính hiện thực nào đó.

Xem xét riêng ở phạm vi chùa Láng có thể thấy thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tạo nên một vùng quang phổ văn hóa rộng lớn. Trước hết, đó là sự hiện diện điểm di tích chùa Láng gắn liền với tên tuổi nhà sư, một nơi còn để lại nhiều bia ký, một ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu đến nay vẫn tồn tại cả quần thể kiến trúc tọa lạc giữa khoảng đất rộng, còn nhiều bóng cổ thụ, hài hòa với không gian và cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh chùa Láng được coi là trung tâm lại đã hình thành cả một tiểu vùng văn hóa Láng với nhiều đền miếu, chùa chiền, trải dọc theo bờ sông Tô Lịch. Đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà của Từ Đạo Hạnh, chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ phụ mẫu vốn rất nổi tiếng Nam thiên tích tự hiện Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh, thiên cổ danh lam” (Nơi trời Nam có chùa Ba Lăng, thắng cảnh một phương, danh lam ngàn đời”. Điều đáng chú ý là chùa Ba Lăng chính là nơi bà Tăng Thị Loan từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời, sau được vua Lý Thần Tông xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh (cha), bà Tăng Thị Loan (mẹ) và chính Từ Đạo Hạnh. Về sau này, vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) cho mở mang chùa Láng phối thờ cả Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Hàng năm, đến ngày giỗ Thánh mồng 7 tháng 3 âm lịch, nhân dân mở hội Láng rước thánh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ. Lời tục truyền Hạn hán xuống thăm cha, mùng 7 tháng ba lên thăm mẹ” chính là nói về sự kiện này.

Mặc dù sử sách cổ không miêu tả thật rõ nhưng vẫn có thể tính đến hai khả năng về thời gian thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu tập, hoặc ngài đến từ sớm, từng dạy học, hái thuốc giúp dân và tổ chức những trò vui như đánh vật, đá cầu, hát chèo, múa rối nước, hoặc ngài đến đây vào khoảng cuối đời gần với sự kiện “thác sinh” thành Lý Thần Tông. Dù thế nào thì ngài vẫn được kính thờ, đặc biệt trở nên kỳ vĩ với huyền tích ở hang Thánh Hóa, nơi vách hang đá có những vết lõm tượng hình như vết đầu, vết chân và vết tay mà thiền sư tì vào lúc trút xác. Với uy vọng ấy, chùa ngài tu được gọi là chùa Thầy, núi ngài hóa là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy, tất cả hợp thành một không gian văn hóa in đậm dấu ấn danh nhân Từ Đạo Hạnh. Danh nhân văn hóa - thiền sư - nhà thơ Từ Đạo Hạnh là người đã tạo lập và xác định vững chắc mối quan hệ chùa Láng, chùa Thầy, góp phần mở mang, phát triển vùng văn hóa phía tây Hà Nội. Có thể nói thêm rằng hiện tượng danh nhân văn hóa Từ Đạo Hạnh đã có nhiều khúc xạ qua thời gian và không gian, trong đó tàng trữ nhiều yếu tố của Phật- Nho và Đạo giáo, đồng thời thể hiện khả năng trầm tích nhiều yếu tố dân gian và còn bảo lưu cho đến tận ngày nay. Đó cũng chính là điều kiện cho trí tưởng tượng dân gian cất cánh, là cơ sở để gắn kết hai địa danh, hai tiểu vùng văn hóa chùa Láng, chùa Thầy qua sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh đậm đặc màu sắc văn hóa tâm linh, vẻ kỳ ảo và cuốn hút của hình tượng danh nhân văn hóa.

III. NHỮNG GIÁ TRỊ VÔ GIÁ CỦA CHÙA THẦY VÀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH TRONG KHO TÀNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Thiền sư Từ Đạo Hạnh để lại những dấu ấn vô cùng to lớn ở ngôi chùa danh tiếng trong lịch sử, chứng tỏ Ngài phải chuyên sâu việc đạo đến ngần nào! Từ Đạo Hạnh còn là một thi nhân danh tiếng của thời đại Ngài, để lại cho hậu thế 4 bài thơ Hỏi Kiều Trí Huyền, Có và Không, Mất hạt châu, Sắp chết bảo mọi người. Thêm nữa, như truyền tụng trong dân gian vùng Sài Sơn là một thiền sư với trí tuệ lớn và những hiểu biết uyên thâm về nho, y, lý, số, Ngài còn làm thuốc trị bệnh cứu người. Vốn ưa thích múa hát, Ngài đã sáng tạo nên trò múa rối và truyền dạy cho dân chúng. Do vậy, dân gian gọi thiền sư Từ Đạo Hạnh là “Thầy”, với nghĩa Ngài là thầy thuốc, thầy dạy dân nghệ thuật múa rối nước. Và rồi, ngôi chùa cùng ngọn núi Từ Đạo Hạnh tu trì và tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy...

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở đất kinh kỳ cùng với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc có sự hòa hợp giữa Phật giáo với Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian thông qua thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao Tăng đầy chất huyền thoại là Tăng, là Phật, là Vua, là Tổ sư của nghề rối cổ truyền từ thời Lý để hiểu thêm về thời đại nhà Lý, thời đại toàn thịnh của Phật giáo Việt Nam, và cũng là thời đại có ý thức dân tộc cao nhất, tinh thần quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử độc lập của Việt Nam.

Trước sau như một Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng  dân tộc với mong muốn mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội cho toàn dân đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang trên đường hội nhập và phát triển cùng thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý tiếp thu đánh giá thận trọng các khoa học để phát huy các giá trị đích thực của Phật giáo cũng như một số tôn giáo khác ở nước ta. Tỉnh táo đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng chủ quan, phiến diện, hữu huynh hoặc tả khuynh trong việc tiếp cận, xem xét, đánh giá cũng như nghiên cứu quản lý hoạt động tôn giáo nói chung Phật giáo nói riêng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Xuyên suốt chiều dài hơn 2000 năm lịch sử Việt Nam, Phật giáo không thể tách khỏi những nét đặc trưng của người dân Việt nam đó là sự kiên trì đấu tranh vì độc lập và tự do. Đó cũng là lý do tại sao Phật giáo Việt Nam lại có nét đặc trưng hoà bình và tinh thần đấu tranh vì sự công bằng trong suốt chiều dài lịch sử. Những di sản mà thiền sư Từ Đạo Hạnh để lại cũng như chùa Thầy là một minh chứng sống động về đặc trưng này của Phật giáo Việt nam. Chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo có nhiều đặc tính; đầu tiên và trên hết thảy đó là sự hy sinh lớn lao vì đất nước, vì nhân dân, không những quên đi bản thân mình mà còn chiến đấu cho lợi ích của người khác. Chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo đều chia sẻ mối quan tâm trong việc dựng xây một thế giới không có chiến tranh xâm lược, một xã hội không có sự bóc lột giai cấp, không có sự bóc lột của quốc gia này đối với quốc gia khác.

Phật giáo luôn gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đó là truyền thống đấu tranh vì độc lập tự do vì hòa bình công bằng và tiến bộ xã hội.

 Vận mệnh của Phật giáo Việt Nam phải gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Phật giáo trường tồn trong lòng dân chúng như nguyện ước của các bậc chân tu. Có lẽ chính vì vậy mà đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam đó là: Đạo pháp và Dân tộc sống tốt đời đẹp đạo để Phật giáo Việt Nam  không chỉ đáp ứng cho hàng triệu người dân về đời sống tín ngưỡng mà còn được sự ngưỡng mộ của bạn bè khắp nơi trên thế giới.



* Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

[1] Dẫn theo Nguyễn Đình Toàn, Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, tr, 96.

[2] Dẫn theo: Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn từ thế kỷ 15.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6449938