Thông tin

CHÙA THẦY (XỨ ĐOÀI) - DI SẢN VĂN HÓA

GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG TRONG SỰ HÌNH THÀNH

VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

 

ĐÀO HÀ*

 

MỞ ĐẦU

Đất nước Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những hang động kỷ ảo. Nhưng không phải địa danh nào người dân Việt cũng chọn và gửi gắm vào chốn linh thiêng, ngàn năm hương trầm vái lạy, tỏ lòng thành kính.

Vậy căn nguyên nào mà chùa Thầy ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội nằm ven chân núi Ba Vì thuộc Xứ Đoài qua mọi thời gian vẫn là di sản văn hóa chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam!

Với người dân nơi đây luôn tôn kính rằng: Chùa Thầy là nơi tụ khí thiêng, lại được những người hiền lưu dấu, mà khởi nguồn là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Thầy là điển hình của sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo và tôn giáo truyền thống của Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và trường tồn theo thời gian.

I. CHÙA THẦY LÀ MỘT TRUNG TÂM TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT NẰM TRONG DẢI ĐỊA DANH CỦA XỨ ĐOÀI

Đạo Phật du nhập vào xứ Đoài rất sớm, từ thời Giao Chỉ đã xây chùa ở đây. Sách Chùa Tây Phương có đoạn viết: “Tiếp đến đời Cao Biền Nhà Đường (864 - 868) sang làm Đô hộ sứ có đến xây chùa”[1]; sách Kiều Cao Vương còn ghi lời Cao Biền tâu với vua Đường: “Câu Lậu Chi Sơn, huyệt tại trung cấp thần dĩ tác tụ dĩ yểm chi”. Nghĩa là: Núi Câu Lậu tại cấp giữa, thần đã làm chùa yểm đi rồi…).

Tại chùa Tây Phương ở Thạch Thất thuộc Xứ Đoài, ven núi Ba Vì có bia đá, chuông đồng rất cổ, đặc biệt là tượng 18 vị La Hán và tượng Kim Cương là những kiệt tác nghệ thuật lấy đề tài trong sự tích đạo Phật những vẫn thể hiện con người Việt Nam rất hiện thực và gợi kính thiêng.

Đến thế kỷ thứ 10, Ngô Vương (Ngô Quyền) mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ (939), tiếp đến các vương triều: Đinh, Tiền Lê, Trần thì đạo Phật đã trở thành quốc đạo. Trong nước xây dựng nhiều chùa lớn như: Chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Trăm Gian (Hà Tây)…

Tương truyền rằng ngói xây chùa Thầy lấy từ chùa Tây Phương vận chuyển tay bằng dòng người dài 7 km. Điều đó minh chứng rằng đạo Phật đã chọn các địa danh linh thiêng ở Xứ Đoài xây nhiều chùa nổi tiếng như chùa Tây Phương, chùa Thầy và trở thành trung tâm tín ngưỡng của người Việt từ rất lâu đời.

Từ ngàn xưa, Xứ Đoài đã được xếp vào vùng đất hiếm của đất văn hiến, đất địa linh nhân kiệt, loại tiêu biểu, là mảng màu đậm nét của nền văn hiến Việt Nam. Xứ Đoài lưu giữ những giá trị đặc sắc của nhiều tầng văn hóa cổ, đất tụ khí anh hoa, đất danh nhân đất anh hùng, tầng tầng lớp lớp hào kiệt, danh sĩ… làm vẻ vang cho lịch sử và văn hiến nước nhà. Đất thiêng xứ Đoài sinh người hiền và người chẳng phụ lòng với đất. Xứ Đoài là vùng đất có bao đời vua chọn nơi dấy nghiệp, chọn đóng đô và xây thành lũy: Hai Bà Trưng lập đàn thề sông Hát, giành độc lập cho đất nước (40 - 43); Ngô Quyền, Phùng Hưng ở đất 2 vua Đường Lâm cổ ấp; Lý Nam Đế xây thành Ô Diên, thành lập nhà Nước Vạn Xuân ở Hạ Mỗ, Đan Phượng. Vị trí xứ Đoài với kinh thành Thăng Long gắn với những dòng sông lịch sử chống kẻ thù xâm lược phương Bắc. Xứ Đoài dày đặc những đình, đền, chùa… nổi tiếng tạo nôi tín ngưỡng của cả nước như dình Vạn Xuân, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Đại, đền Và, đền Văn Hiến, chùa Tây Phương, chùa Mía, chùa Hải Giác,… Chùa Thầy ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai nằm trong quần thể vùng đất cổ phù sa văn hiến ấy.

Nhiều công trình nghiên cứu đã minh chứng: Xứ Đoài là một trong những nôi văn hóa của người Việt, luôn có sức sống mãnh liệt xứng đáng với vị thế trong quá khứ và hiện tại.

Theo các nhà nghiên cứu thiên nhiên Việt Nam, thì từ thời cổ sinh Quốc Oai (Quốc Uy) nằm trong vịnh biển chịu một vận động sụt lún, làm cho trầm tích lắng đọng thành châu thổ để lộ một miền đá vôi với những hang động thiên nhiên kỳ ảo. Ở vùng bậc thềm phù sa cổ ấy còn vô số những vũng, hồ còn tồn tại cho đến ngày nay .

Quốc Oai nằm giữa trung lưu và đồng bằng lại được phù sa tưới mát của ba con sông: Sông Tích, sông Đáy và sông Bùi, nên từ ngàn xưa cư dân Việt đã chọn nơi có cảnh quan thiên nhiên, động thực vật phong phú để khai phá, ngụ cư và sinh sôi thành những làng quê trù phú như ngày nay. Về phong thủy, xứ Đoài có gió mang đầy hơi nước từ “sông Mẹ” thổi vào dãy núi Ba Vì rồi lan tỏa xuống một vùng rộng lớn làm môi sinh trù mật, người tụ cư ngày càng nhiều ở trong nôi văn minh châu thổ sông Hồng .

Xứ Đoài có núi Tản Viên là ngọn chủ sơn của không gian tâm linh người Việt cổ, xứ sở của thần núi, của Thánh Tản và là chúa của thượng ngàn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh .

Chùa Thầy, núi Thầy  xóm Thầy, làng Thầy, tổng Thầy ỏ Sài Sơn, Quốc Oai thuộc vùng đất tụ linh đó. Núi Thầy ví như con rồng lẻ đàn, sân chùa là lưỡi rồng, Thủy đình là hòn ngọc, xung quanh là quần thể núi sót “ Thập lục kỳ sơn” với những con lân con phượng… chầu về .

Nhìn rộng thì dải núi tâm linh: Tản Viên Sơn, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Hương Tích nghìn năm vẫn sừng sững trong tâm linh người Việt và lan tỏa tín ngưỡng rộng rãi trong cộng đồng .

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên núi Phượng Hoàng ở Sài Sơn một di chỉ gần 100 hiện vật xác định là di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên có niên đại từ 3500 năm đến 4000 năm, điều này khẳng định người Việt cổ đã sinh sống rất lâu ở Quốc Oai.

II. CHÙA THẦY LƯU DẤU CỦA NHIỀU NHÂN KIỆT, ANH HÙNG, DANH SĨ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Điều đó các tiền nhân tôn thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy là một hiền tài đặc biệt. Việc thiền sư Từ Đạo Hạnh chọn xây chùa và tu luyện giúp ích cho đời ở núi Sài Sơn, Quốc Oai đã tạo nên một địa danh tín ngưỡng nổi tiếng của đất nước. Chốn thiêng càng thiêng khi ông giải thi (trút xác) tại đây. Ông là linh hồn của chùa Thầy. Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh sừng sững ở chùa Thượng, núi Thầy. Ông ngồi nhập định trên tòa sen vàng ở ngay hàng dưới cùng, ban giữa và các hòm sắc phong của các triều vua. Ở dãy nhà bên còn tượng toàn thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh được đặt trong khám. Gian bên phải là tượng vua Lý Thần Tông ngồi trên ngai?.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân thần trọng yếu trong hệ thống linh tượng ở Chùa Thầy.Thân thế và sự nghiệp của ngài cần được nghiên cứu về những điều ẩn chứa trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, Phật giáo, tín ngưỡng… Và đáng tiếc việc sưu tầm bút tích của Thiền sư Từ Đạo Hạnh còn nhiều hạn chế và khó khăn .

Về lĩnh vực văn học nghệ thuật, thiền sư Từ Đạo Hạnh là cha đẻ của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Ông là vị hiền nhân, một nghệ sĩ tài ba đặc biệt của nhiều trò chơi dân gian.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một người thầy, nghe giản dị mà lớn lao, trí tuệ, tầng cao văn hóa và chiều sâu tín ngưỡng. Ông còn là người thầy thuốc chữa bệnh cứu người .

Giai đoạn lịch sử sau, chùa Thầy còn có nhiều anh hùng, danh nhân về đây ẩn mình để lo việc nước. Tại hang Cắc Cớ, nơi dấu tích tuẫn tiết của nghĩa quân họ Lã sau trận chống giặc ngoại xâm thất bại. Đền Thượng còn thờ thánh Văn Xương. Chùa Thầy là nơi tụ họp của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đền tưởng niệm nhà sử học lỗi lạc Phan Huy Chú, người đã viết bộ bách khoa cổ vĩ đại tại đây, đó là bộ sử Lịch triều hiến chương loại chí. Đặc biệt, chùa Thầy vinh dự được hai lần chọn làm nơi làm việc của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947).

III. CHÙA THẦY: DI SẢN VĂN HÓA QUÝ HIẾM CHỨA ĐỰNG CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KIẾN TRÚC, NGHỆ THUẬT, TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Chùa Thầy được xây thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Sau khi cùng ngài Hải Giác và ngài Không Lộ sang Tây Thiên cầu pháp, Từ Đạo Hạnh về nước trả thù cho cha xong, ông đã chọn núi Sài Sơn ở Quốc Oai để xây chùa, tu luyện, giảng đạo Phật, dạy học, chữa bệnh giúp dân và truyền nhiều trò chơi dân gian như múa rối nước, vật võ, đá cầu, chọi gà, bắt vịt dưới nước… cho người dân quanh vùng.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chùa Thầy được trùng tu nhiều lần. Nhiều đình, đền, chùa được đúc tượng, chuông, rồng, ngựa, hoành phi, câu đối và các công trình phụ trợ nên chùa càng uy linh với những kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Chùa Thầy là công trình văn hóa cổ, quý hiếm, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam thu hút nhân dân cả nước đến chime bái với lòng thành từ bi.

Chùa Thầy rộng 2400m², gồm 3 tòa nhà đồ sộ dựng song song hình chữ tam. Hai dãy hành lang các bên đầu hồi với nghệ thuật điêu khắc cổ. Tòa Bảo điện nguy nga chỉ có 36 lỗ đục nhưng gỗ được chồng lên nhau chắc chắn. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ kiểu mũi hài. Trước cửa chùa có hồ Long Trì (ao rồng), ở giữa có Thủy đình quanh năm đầy nước. Thủy đình được xây dựng vào thế kỳ thứ 17, là Thủy đình xây dựng lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay, là di sản văn hóa vật thể quý hiếm trong nền văn hiến Việt Nam, nơi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước vào lễ hội chùa Thầy tổ chức hàng năm.

Hai bên tả, hữu chính diện chùa Thầy là hai chiếc cầu: Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều do Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan xây dựng năm 1602 sau khi ông đi sứ nhà Minh trở về quê hương Thạch Thất. Kiến trúc 2 chiếc cầu thật độc đáo  thuận lợi đi lại, mái làm theo kiểu “Thượng gia hạ Kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Bên trái Nhật Tiên Kiều thông ra Tam phủ trên một hòn đảo giữa hồ Long Trì. Bên phải là Nguyệt Tiên Kiều bắc qua ao lên núi vãn cảnh, thờ phụng.

Trong quần thể di tích núi Thầy còn có nhiều công trình: đình, đền, chùa và nhà lưu niệm gắn các sự tích theo từng giai đoạn lịch sử sau này.

Ở chùa Thầy có chiếc nhang án đá hai cấp, có thể coi là đẹp nhất của nước ta hiện nay. Đặc biệt khám thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh là dấu tích điển hình của mỹ thuật dân tộc Việt Nam. Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh khi tạc có lắp các bộ phận nối dây với cửa khám nên khi cửa khám mở tượng thiền sư từ từ đứng dậy, tượng ngồi lại vị trí cũ khi đóng cửa khám.

Như vậy, chùa Thầy là công trình kiến trúc, di sản văn hóa cổ còn sót lại, là địa danh điển hình của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Trải qua trường tồn lịch sử, đất thiêng, người hiền ở chùa Thầy càng được tụ khí thu hút tín ngưỡng người dân Việt. Thiên Phúc tự đã trở thành di sản văn hóa đặc biệt, một trong những trung tâm Phật giáo Việt Nam, nơi tôn giáo truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân vốn hiền lành, chất phác luôn coi trọng đạo lý sống giúp ích cho đời như tấm gương thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Thầy ngày càng thu hút khách trong và ngoài nước đến thăm quan, thành tâm nơi cửa Phật từ bi.

IV. LỄ HỘI CHÙA THẦY, ĐIỂM ĐẾN HÀNH HƯƠNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ DU KHÁCH NƯỚC NGOÀI

Câu ca từ ngàn xưa đã đi vào tầm thức người Việt:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy…

Đúng là chùa Thầy đã se duyên thắm nhất là ngày hội đầu xuân trai gái nô nức trảy hội đến chùa Thiên Phúc tự. Có phải vì hang Cắc Cớ sâu và hẹp tối nên là điểm hẹn các đôi trai gái nắm tay nhau lên xuống hang mà nảy nở tình cảm và se thành duyên hẹn hò thành vợ thành chồng như đôi uyên ương nồng thắm sức xuân.

Trong 40 lễ hội lớn ở tỉnh Hà Tây cũ thì xứ Đoài có 17 lễ hội dân gian trong đó lễ hội chùa Thầy được xếp hạng đầu sau lễ hội chùa Hương, hội đền Và, hội chùa Tây Phương… Trong lễ hội chùa Thầy, biểu diễn múa rối nước ở Thủy đình, hồ Long Trì và vãn cảnh thăm núi Thầy có những đình, đền, chùa, nhà lưu niệm. Ngoài ra trong các ngày hội còn tổ chức các trò chơi dân gian khác: võ vật, cờ tướng, bắt vịt dưới nước, thổi cơm thi dưới nước, kéo co, chọi gà…

Phần lễ và phần hội được chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các ngành có liên quan phối hợp tổ chức đảm bảo nghi lễ tín ngưỡng và du ngoạn cảnh quan theo truyền thống .

Lễ Chùa Thầy có những đặc trưng:

- Phần lễ là tín ngưỡng Phật giáo và tôn giáo truyền thống thờ phụng vị cao tăng, thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là sự hòa quyện của linh thiêng của đất và người, đạo với đời tạo giao lưu tâm linh giữa người xưa và người nay, trên trần và cõi âm, là khoảng hư vô trời đất. Họ muốn hướng tới cái thiện, từ bi. Lễ hội gắn với các huyền tích linh thiêng của dân tộc Việt Nam vùng tụ cư lâu đời châu thổ sông Hồng, sông Đáy.

- Lễ hội được duy trì qua mọi thăng trầm lịch sử tại một địa danh thiên nhiên kỳ vĩ, nơi chứa ẩn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiếm có gắn với vị nhân thần Từ Đạo Hạnh và các bậc hào kiệt, danh nhân khác nên càng thu hút người hành hương.

- Lễ hội có biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở hồ Long trì mà Thủy đình ở giữa mênh mông sóng gợn nước trong xanh, là nghệ thuật độc nhất với trình độ biểu diễn lưu truyền và con rối được tạc công phu càng làm văn hiến Việt Nam tỏa sáng trong nhân loại.

- Lễ hội chùa Thầy minh chứng Phật giáo và tôn giáo truyền thống sớm được hình thành, truyền bá vào vùng đất cổ Xứ Đoài, là sự hòa hợp giữa tam giác đồng nguyên : Phật – Nho – Đạo , được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống gắn bó , nhớ những người có công với non sông đất nước.

KẾT LUẬN

Chùa Thầy và lễ hội của chùa có giá trị nhiều mặt trong nền văn hiến Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước Việt Nam độc nhất vô nhị chỉ có ở nước ta. Các ngành có liên quan cần tổ chức hội diễn múa rối nước toàn quốc để bảo tồn, phát triển và lập hồ sơ trình UNESCO sớm công nhận là di sản vi vật thể nhân loại.

Về phía quản lý nhà nước phải có chiến lược, quy định tổng thể và kiểm tra chặt chẽ để bảo vệ quần thể di sản quý dải núi sót (thập lục kỳ sơn) chống xâm lấn cảnh quan. Cần mở rộng không gian văn hóa vùng đất thiêng Xứ Đoài, nâng tầm ảnh hưởng vị thế chùa Thầy và lễ hội hàng năm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân và khách thập phương trong nước và quốc tế tạo cho nền văn hóa, du lịch phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với truyền thống dân gian trong văn hiến Việt Nam .

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội và Tổ đình chùa Thầy và các ngành có liên quan cần tổ chức các công trình nghiên cứu, tổng kết trong các năm tiếp theo nhằm tìm tòi phát hiện các di vật ở chùa Thầy, nhất là những bút tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh hoặc các tác phẩm Hán Nôm cổ để có tư liệu về thân thế, sự nghiệp, vai trò của thiền sư Từ Đạo Hạnh với nền móng Phật giáo Việt Nam.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cần chỉ đạo các ngành và hội có liên quan mở rộng quan hệ quốc tế trong công tác sưu tầm, nghiên cứu về địa danh chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh, nhất là với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar để có thông tin mà Việt Nam còn thiếu, thất lạc.

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012 



* Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội viên Hội VNDG Hà Nội

[1] Chùa Tây Phương. Nxb. Văn hóa dân tộc. 2007, tr 9 và 11.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 182
    • Số lượt truy cập : 6947981