Thông tin

CHÙA TUYÊN LINH, NƠI HỘI NGỘ GIỮA TỔ KHÁNH HÒA

VÀ CỤ PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH SẮC

 

ThS. DƯƠNG HOÀNG LỘC*
BÙI HỮU NGHĨA**

 

Trước tình hình Phật giáo ngày một suy, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với nhiều vị cao tăng đương thời như Khánh Anh, Thiện Chiếu,… quyết tâm chỉnh đốn tình hình sao cho đúng theo chánh pháp của Đức Phật, đào tạo nhiều Tăng tài để phục vụ đại chúng, cần mẫn dịch kinh ra chữ Quốc ngữ để phổ biến cho quần chúng.

Bến Tre là vùng đất nằm ở hạ nguồn sông Tiền, được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Từ xưa, nơi đây được xem là địa linh nhân kiệt của Nam Bộ gắn với nhiều nhân sĩ, hào kiệt: Phan Thanh Giản, Nguyễn Ngọc Thăng, Tán Kế Lê Quang Quang, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Ngọc Nhựt… Đặc biệt, trong phong trào tị địa những ngày sau khi Pháp đặt gót giày xâm lược Nam Bộ, Bến Tre là nơi được nhiều danh nhân, nghĩa sĩ chọn để ở và an nghỉ cuối cùng như: Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu… Do đó, trên khắp ba dải cù lao hiện nay còn lưu giữ rất nhiều di tích liên quan các vị danh nhân, góp phần hun đúc và tỏa sáng tinh thần yêu nước cho con người và vùng đất Bến Tre. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một Di tích Lịch sử-văn hóa cấp quốc gia: Chùa Tuyên Linh – ngôi chùa hiện tọa lạc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Ngôi cổ tự này vinh dự là nơi diễn ra cuộc hội ngộ giữa Tổ Khánh Hòa- người con của quê hương Bến Tre, bậc danh tăng, là tòng lâm thạch trụ của phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho ưu thời mẫn thế, luôn thao thức về cảnh nước mất nhà tan, đồng thời còn là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng trên vùng đất Bến Tre mà không thể không tìm hiểu.

Chùa Tuyên Linh - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia

Được người dân kể lại, xưa kia, trước khi lập chùa Tuyên Linh, nơi này còn là khu rừng hoang, sình lầy ngập úng, chốn trú ngụ của thú dữ, nhất là lũ cọp thường xuyên hoành hành. Cho nên, trong làng có chuyện: “ông Võ Tổ bắt được một con cọp đem về nuôi và đỡ con ông là Võ Văn Gạch lên cỡi cọp được dân làng gọi ông Gạch là Hậu Hạng (Hạng Vũ thời nay)1. Nhưng vào một ngày nọ thì: “cọp vồ và ăn thịt cô gái tên Sầm ở khu vực ấp Tân Quới Đông B. Sau đó, dân làng đồn rằng, hồn cô Sầm linh thiêng nên lập miếu thờ và ngôi miếu đó là tiền thân của chùa Tiên Linh (chùa Tuyên Linh ngày nay)2.

Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức thứ 14, phía trước là rạch Tân Hương. Con rạch này dài khoảng 10 km, nối thông hai đầu là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Vị trí của chùa nằm cách chợ Tân Hương 800m, rất thuận tiện cho giao thông cả thủy lẫn bộ. Ban đầu, chùa có tên là Tiên Linh, ý gọi cô Sầm - người bị cọp vồ là Tiên, không dám gọi là Tinh, để hàm ý ngôi chùa mang tên cô gái linh thiêng. Qua lời kể của Hòa thượng Thích Giác Mãn - trụ trì chùa Tuyên Linh, thì được biết: Người đầu tiên đứng ra lập chùa là anh em ông Chánh bái Nguyễn Duy Đảnh và Nguyễn Duy Trới. Sau khi lập chùa, hai ông sang huyện Ba Tri rước nhà sư Khánh Phong về tu ở chùa. Vì có công thành lập chùa nên ông Nguyễn Duy Đảnh được làm hộ tự cho đến năm 1904 thì qua đời, con của ông là Nguyễn Duy Quý lên thay. Năm 1905, Hòa thượng Khánh Phong viên tịch, hai năm sau đó, ông Quý cùng bổn đạo quyết định tiếp tục sang huyện Ba Tri để tìm người về trụ trì ở chùa. Ông đến chùa Khải Tường (thị trấn Ba Tri, giáp ranh với xã Phú Lễ) tìm Hòa thượng Chơn Tánh nhờ giúp đỡ. Trong số các môn đồ của mình, Hòa thượng Chơn Tánh chọn sư Khánh Hòa vì thấy sư uyên thâm Phật pháp, có nhiệt huyết và khả năng đảm trách. Sư Khánh Hòa về trụ trì tại chùa Tuyên Linh vào năm 1907. Hòa thượng Khánh Hòa, trong thời gian làm trụ trì chùa Tuyên Linh, rất được người dân địa phương kính trọng. Đến năm 1947, Ngài viên tịch. Sau đó, Tăng chúng trong chùa suy cử đệ tử út của Ngài là Thích Thanh Nghiêm làm trụ trì. Năm 1964, chùa bị bom tàn phá hoàn toàn, nên chư Tăng phải di tản về chùa Phước Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) do Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa làm trụ trì, cách chùa cũ khoảng 10km. Lúc này, nơi đây vẫn còn là vùng giải phóng sau phong trào Đồng Khởi nên khá an toàn. Mặt khác, trong tông môn lại tiến cử thầy Hiển Thông (thế danh Ba Xã) về chùa Tuyên Linh lập một cái cốc nhỏ để tu tập, nhằm duy trì mạng mạch cho chốn Tổ trong thời điểm chiến tranh ngày một khốc liệt ở vùng đất Bến Tre3.

Những năm đầu sau 1975, chùa Tuyên Linh chỉ còn là một khu đất hoang tàn, trên nền chùa chỉ có vài am, cốc nhỏ. Năm 1983, Ni sư Diệu Ninh, vốn là đệ tử của Tổ Khánh Hòa, đứng ra vận động Phật tử đóng góp tiền và giao cho ông Chơn Huệ về cất lại chùa Tuyên Linh, nhưng chùa vẫn còn khá đơn sơ. Ngày 30/7/1994, Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận chùa Tuyên Linh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2001, chùa tiếp tục được trùng tu để có diện mạo khang trang như ngày hôm nay4.

Hiện nay, chùa Tuyên Linh có diện tích khoảng 9.000m2, tọa lạc tại ấp Tân Thới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Phía trước chùa là rạch Tân Hương chạy ngang, tạo nên một phong cảnh khá đẹp, hài hòa, gắn ngôi chùa với không gian miệt vườn lẫn thiên nhiên, sông nước. Từ chính điện nhìn ra, bên trái là tượng Quan Âm Lộ Thiên, phía trước tượng là bia đánh dấu di tích xây dựng năm 1994. Chính điện chùa có ba gian, phía trên là nóc tháp 4 tầng và có đắp nổi Lưỡng long tranh châu. Trong chính điện, bên trái có đại hồng chung và bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Bên phải là đại cổ, chung bản và bàn thờ Vi Đà Hộ pháp. Bàn thờ chính tại chính điện gồm: Ở giữa là Phật Thích Ca, hai bên là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát và bàn thờ Quán Thế Âm Bồ tát. Phía sau chính điện là nhà Tổ. Như thế, chùa Tuyên Linh có kiến trúc “tiền Phật hậu Tổ” – đây là kiểu dáng đặc trưng của các chùa miền Nam. Tại nhà Tổ của chùa, ở giữa có bàn thờ Sơ Tổ Thiền tông Bồ đề Đạt Ma cùng với long vị, di ảnh Tổ sư Khánh Hòa. Bên trái thờ linh vị anh hùng liệt sĩ, bên phải thờ linh vị các Phật tử có đóng góp xây dựng chùa qua các thời kì. Đặc biệt, tại nhà Tổ còn có treo hai bảng khắc gỗ chữ Hán, nội dung là ghi tên những Phật tử đã hiến cúng tịnh tài, tịnh vật để xây chùa và sơ đồ đất. Phía sau nhà Tổ là giảng đường, cả hai nối với nhau bằng sân thiên tĩnh. Ở gian giữa của giảng đường, phía trước có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đến là bàn thờ Chuẩn Đề Vương Bồ tát, cuối cùng là nơi thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khá trang nghiêm. Đặc biệt, tại bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc có di ảnh của cụ và Tổ Khánh Hòa. Giải thích cho cách bố trí này, Hòa thượng trụ trì chùa Tuyên Linh - Thích Giác Mãn cho biết: "Vì hai cụ là bạn tâm giao nên được phối thờ chung”5. Ngoài ra, trên tường còn có treo Bằng Công nhận nơi thờ tự văn minh và Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Như vậy, chùa Tuyên Linh là một ngôi cổ tự và là một di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt nơi đây còn là nơi gắn liền với Tổ Khánh Hòa - một vị cao tăng của Phật giáo Nam Bộ, một nhà sư uyên thâm Phật pháp và là lá cờ đầu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Một sự kiện lịch sử quan trọng khác cũng đã diễn ra trong thời điểm này tại đây, đó là cuộc hội ngộ quý báu giữa Hòa thượng Khánh Hòa với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Hồ Chủ tịch.

Cuộc hội ngộ giữa Tổ Khánh Hòa với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) sinh tại làng Sen (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, đến năm 1894 đỗ cử nhân. Sau đó, ông quyết tâm theo đuổi nghiệp khoa cử và đỗ Phó bảng năm 1901. Sự nghiệp quan trường của ông khá thăng trầm. Sau khi rời khỏi chức Tri huyện Bình Khê, ông đi dần vào các tỉnh phía Nam như Phan Thiết, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Bến Tre, Cao Lãnh… Năm 1929, ông mất và an táng tại chùa Hòa Long (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877-1947), tên thật là Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, vốn là người làng Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1895, Ngài xuất gia cầu đạo tại chùa Long Phước (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Với tấm lòng quyết chí cầu đạo và chuyên tu, Ngài sớm được các bậc cao Tăng ở nhiều nơi quý mến và tên tuổi vang xa. Trước tình hình Phật giáo ngày một suy, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với nhiều vị cao tăng đương thời như Khánh Anh, Thiện Chiếu,… quyết tâm chỉnh đốn tình hình sao cho đúng theo chánh pháp của Đức Phật, đào tạo nhiều Tăng tài để phục vụ đại chúng, cần mẫn dịch kinh ra chữ Quốc ngữ để phổ biến cho quần chúng. Đặc biệt, Ngài cùng với nhiều vị hòa thượng khác lập Hội Lục Hòa (1920), lập Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn (1928),…Với chí nguyện cao cả quyết tâm chấn hưng đạo Phật, Tổ Khánh Hòa đã đi cổ động phong trào chấn hưng Phật giáo khắp các tỉnh Nam bộ lúc đó. Tiếp đó, Ngài cùng nhiều vị tôn đức, học giả lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931), Tạp chí Từ bi âm (1932). Năm 1934, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, được thành lập tại Trà Vinh, đã cung thỉnh Ngài làm pháp sư. Ngôi Phật đường này đã đào tạo nhiều bậc cao tăng cho Phật giáo nước nhà sau này như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hành Trụ,…Năm 1947, Hòa thượng Khánh Hòa về dưỡng bệnh tại chùa Tuyên Linh và viên tịch tại đây. Nhìn chung, cả cuộc đời của Tổ Khánh Hòa là sự phấn đấu và cống hiến không mệt mỏi vì công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà cũng như sự nghiệp đào tạo Tăng tài kế tục6, luôn trăn trở về tình cảnh nước mất nhà tan, nhân dân ta sống trong cảnh đói nghèo, nô lệ.

Giống với Hồ sơ di tích mà Bảo tàng tỉnh Bến Tre lưu giữ, một tấm bia đặt tại chùa có khắc dòng chữ: “Nơi đây vào năm 1927, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp sư cụ Lê Khánh Hòa để đàm đạo và mở lớp dạy Phật tử, hốt thuốc giúp đồng bào nghèo”. Các dữ kiện trên đều ghi nhận cụ Phó bảng đến chùa Tuyên Linh vào năm 1927. Cũng vào thời gian này, việc đổi tên chùa Tiên Linh thành Tuyên Linh cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ, nhằm tập hợp dân chúng tuyên truyền lòng yêu nước, chống ngoại xâm7. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp và phỏng vấn Hòa thượng Thích Giác Mãn để hiểu thêm về câu chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian đến tá túc chùa. Hòa thượng kể lại như sau: Vào năm 1917, Tổ Khánh Hòa có mở trường hương vừa dạy kinh vừa dạy chữ Hán cho Tăng Ni và Phật tử tại chùa. Năm 1920, Tổ sư có tiếp đón một vị khách ngoài Bắc vào đi cùng với ông Vũ Hoành. Tăng chúng trong chùa không biết vị khách đó là ai, nhưng được Ngài Khánh Hòa tiếp đãi rất trọng thị, sau này mới biết đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong thời gian lưu lại chùa, cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Khánh Hòa rất hợp ý, trở thành tâm giao. Về sau, cụ Nguyễn Sinh Sắc trở thành thầy dạy chữ Hán cho lớp học do Tổ Khánh Hòa tổ chức. Ngoài ra, cụ Phó bảng còn bắt mạch, kê toa chữa bệnh cho dân nghèo ngay tại chùa. Đến năm 1927, được dân chúng cho biết bọn quan chức trong làng đã nghi ngờ trong chùa Tuyên Linh có người lạ mặt đang ẩn náu, Tổ Khánh Hòa bèn mướn ghe hầu8, nửa đêm đưa cụ Nguyễn Sinh Sắc đi theo rạch Tân Hương ra sông Cổ Chiên để về Cao Lãnh. Cùng đi với cụ Phó bảng còn có ba người nữa là Trần Văn Thoàn, Nguyễn Duy Hòa, Đoàn Văn Ngưu. Sau khi rời khỏi chùa Tuyên Linh, cụ Sắc ở lại Cao Lãnh cho đến khi qua đời vào năm 1929 và không có quay lại Bến Tre9.

Một tài liệu khác cho biết thêm trước khi chia tay với Hòa thượng Khánh Hòa, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tặng cho Tổ một câu đối, khi ghép 2 chữ đầu của mỗi câu lại thành pháp danh của Ngài là Thích Như Trí:

Như thị như lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật giới

Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai

Ngoài ra, cụ Phó bảng còn tặng cho chùa Tuyên Linh một câu đối, khi ghép hai chữ đầu của mỗi câu thành tên Tiên Linh:

Tiên tức Phật, Phật tức Tâm, bát vạn trần lao đô tĩnh tận

Linh như hư, hư như giác, tam thiên thế giới tổng bao hàm10

Sự gặp gỡ giữa Tổ Khánh Hòa và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh mang nhiều giá trị và có nghĩa lớn. Đó là sự tâm giao giữa hai bậc trí thức ưu thời mẫn thế trong cảnh nước mất nhà tan, sự gặp gỡ giữa hai con người đang nung nấu nhiều nhiệt huyết nhằm đóng góp cho quê hương đất nước đang bị kẻ thù cai trị và đạo pháp trong buổi suy tàn, sự tương thông giữa một nhà sư uyên thâm Phật pháp và một nhà nho từng đỗ đạt khoa bảng. Mặt khác, chúng tôi muốn nói thêm rằng, trong suốt thời gian cụ Phó bảng hoạt động ở Nam bộ, có nhiều ngôi chùa là nơi được cụ chọn tá túc như chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Linh Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Tuyên Linh (Bến Tre), chùa Hòa Long (Đồng Tháp),… Tại những chùa này, cụ còn tham gia bốc thuốc chữa bệnh cứu người, thực hành nếp sống thiền môn, nghiên cứu và giảng dạy kinh Phật, chữ Hán cho Tăng Ni và hết lòng giúp sức cho phong trào chấn hưng Phật giáo đang lan rộng ở miền Nam thời bấy giờ. Cho nên, cụ được các bậc cao tăng đương thời như Hòa thượng Từ Văn, Hòa thượng Khánh Hòa,… cũng như nhiều tầng lớp nhân dân hết sức kính trọng, quý mến. Có lẽ đây là một nét nổi bật trong cuộc đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên vùng đất Nam bộ. Còn về phía Tổ Khánh Hòa, qua cuộc hội ngộ này, đã cho thấy, tuy sống trong nếp sống thiền môn, nhưng hòa thượng là người biết trân trọng, mến mộ trí thức và đã cưu mang, giúp đỡ cụ Phó bảng trong lúc lưu lạc đến mảnh đất Bến Tre. Đó là một nhân cách trọng nghĩa khinh tài, là một minh chứng sống động về cách ứng xử: “Thương người xa xứ lạc loài tới đây” của người dân Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung. Hòa thượng Khánh Hòa là một người biết quý trọng tài năng của một bậc sĩ phu khoa bảng nên đã tạo điều kiện để cụ Phó bảng phát huy sở trường, nhất là mời cụ góp sức vào phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.

 


* Thạc sĩ - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

** Học viên cao học - Trường Đại học Trà Vinh.

1. Đảng ủy xã Minh Đức (2005), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Đức, Nxb Thanh niên, TPHCM, trang 10.

2. Đảng ủy xã Minh Đức (2005), Sđd, Nxb Thanh niên, trang 10.

3, 4. Tư liệu phỏng vấn sâu Hòa thượng Thích Giác Mãn-Trụ trì chùa Tuyên Linh, ngày 23/10/2015. Người thực hiện: Bùi Hữu Nghĩa.

5. Tư liệu phỏng vấn sâu Hòa thượng Thích Giác Mãn-Trụ trì chùa Tuyên Linh, ngày 23/10/2015. Người thực hiện: Bùi Hữu Nghĩa.

6. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (tập 1). Nguồn: thuvienhoasen.org/a10836/ii-giai-doan-chan-hung-phat-giao-viet-nam. Ngày truy cập: 26/10/2015.

7. Bảo tàng tỉnh Bến Tre (2003), Hồ sơ di tích chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trang 1.

8. Thuyền đẹp, chạm rồng, sơn son thếp vàng của địa chủ và quan lại dùng để đi chơi trên sông.

9. Tư liệu phỏng vấn sâu Hòa thượng Thích Giác Mãn-Trụ trì chùa Tuyên Linh, ngày 23/10/2015. Người thực hiện: Bùi Hữu Nghĩa.

10. Bảo tàng tỉnh Bến Tre (2003), tlđd, trang 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6609194