Thông tin

CHÙA VIỆT, NGƯỜI VIỆT THẬT ĐÁNG YÊU!

 

HOÀNG VĂN LỄ

 


 

Với chuyến làm việc ở nước Mỹ, tham dự Hội thảo có tên là “Roots Tech - 2020” tại Tiểu bang Utah từ ngày 26 đến 29-2-2020; sau đó tham quan California gần một tuần nữa; trở lại Thành phố Bác Hồ. Rất may mắn chuyến đi 15 ngày đều trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn quốc và Mỹ, nên bản thân tác giả an toàn.

Một trong những câu chuyện thu hoạch trong chuyến đi này, là việc chủ động tham quan ba ngôi chùa ở Tiểu bang California (Mỹ) trong những ngày thăm thân nhân ở đây.

1. Hai ngôi chùa tại San Jose là hai ngôi chùa nhỏ, không trưng bày bảng hiệu; cổng và vòng rào đơn giản:

- Chùa Duyên Giác, cảnh tùng lâm hạn hữu, có nhiều hoa trên chậu kiểng khá đặc trưng vùng khí hậu ôn đới, khá đẹp bắt mắt (không thấy hoặc ít có ở các chùa Sài Gòn). Tại đây, tổ chức viếng Phật, đảnh lễ vào ngày cuối tuần, những ngày rằm, mồng một có ít người viếng hơn. Cuối tuần trở thành nền nếp đến chùa. Khi được hỏi vị Ni trụ trì trả lời: chùa hiện có 3 ni ở 3 lớp tuổi (ngoài trung niên, ngoài thanh niên và một ni trẻ; ngày đông đảo Phật tử đến thường là Chủ nhật, độ khoảng gần trăm vị. Những ngày này, chùa chuẩn bị bữa cơm chay chu đáo và nhận sự cúng dường của Phật tử; chùa cũng chuẩn bị bữa ăn sáng có thu lại ít tiền.

Chúng tôi đến sáng thứ bảy (7-3-2020), nhóm Phật tử đến tu thiền được 5-6 vị lần lượt đến, từ tốn, im lặng, trải tọa cụ và nghiêm túc thiền; không ai quấy rầy. Ở gian bếp, Ni trưởng và ni tuổi trung niên, mặc ấm (bấy giờ độ 10 độ C), đang chuẩn bị thức ăn (như rả đông và chiên nóng các móm làm sẵn) cho ngày hôm sau; vài Phật tử phụ giúp hết lòng cho việc này. Đến 11 giờ trưa mọi việc xong, thức ăn được cất giữ sạch sẽ, vệ sinh như ở nhà riêng vậy. Tôi được dùng bữa trưa với vị Ni trưởng kính mến, được biết thời gian các vị từ Việt Nam qua, quê quán và việc tu tập thường xuyên ở chùa.

Nơi đây, xung quanh đường sá hiện đại, xe hơi là phương tiện đi lại ở Mỹ, đậu sát lề hàng chục chiếc... nhưng cảm giác như sống ở một chùa miền quê nước nhà. Có thể là chùa còn nghèo nhưng an bình, thanh thản gần gũi với người dân, người Việt có chỗ gửi niềm tin tâm linh của mình.

- Chùa Liễu Quán: Quy mô hơn chùa Giác Duyên có cảnh tùng lâm trình bày tôn kính và trang nhã, nhiều tượng Phật và Bồ tát cùng những tượng chú tiểu ngây thơ ngộ nghĩnh. Là ngày Chủ nhật nên đông đảo Phật tử viếng chùa. Tại nơi thờ cúng các vong thân nhân Phật tử, đang là lễ cúng tuần thất người quá cố, hơn 10 Phật tử với quần áo tang nghiêm túc, được sư trụ trì hành lễ, đầy đủ chuông mõ, kinh kệ. Trên chánh điện trang hoàng nghiêm cẩn có nhiều Phật tử cúng Phật, bên ngoài sân rộng có nhiều vị viếng chùa, chụp ảnh nơi già lam xanh tươi.

Đến trưa, mọi người dùng cơm trưa tại nhà ăn. Phần ăn được tự phục vụ như tiệc buffet, với khay đựng nhiều món, đủ cơm, canh, xào, kho và trái cây. Được vậy là do nhóm hậu cần chuẩn bị từ sớm (có lẽ từ hôm trước như ở chùa Duyên Giác nêu trên). Một bữa ăn chay giàu dinh dưỡng và ngon miệng. Tuy ít nói chuyện, song cũng rôm rả nhiều nhóm vừa ăn vừa trò chuyện nghiêm túc.

Được hỏi thăm và được gặp người từ quê nhà, nhiều vị kể nhiều câu chuyện nhà rất chân tình, nhất là việc cúng giỗ người thân. Tuần thất và tiệc chay ở chùa rất ý nghĩa với Phật tử ở đây; song nhiều người vẫn hướng về nước nhà vì ngày cúng chùa, tuần thất, giỗ... đều làm cuối tuần; không trùng cũng chịu vì việc làm ở xứ sở này rất chặt chẽ, không làm thì không lương, làm sao trả các khoản nhà ở, điện nước, điện thoại...

2. Ngôi chùa Tâm Từ, diện tích khuôn viên cả chục hecta, tại số 610 đại lộ Fisher, đồi Morgan, thành phố Morgan (California). Chánh điện chưa xây, nơi thờ Phật tạm, đặt tại khung nhà khá rộng, nhiều tượng Phật và Bồ tát điêu khắc nghiêm cẩn và mỹ thuật. Đặc biệt chúng tôi thấy tôn trí dẫy kệ sách hàng trăm quyển Dhammapada sutta, nổi bật chữ thư pháp PHÁP CÚ ở trên bìa sách. Bên trong là tác phẩm 500 trang thư pháp rất đẹp của tác giả tên là Đăng Học, một cư sĩ thuần thành. Mỗi trang là tác phẩm thư pháp, 423 bài kệ tiếng Việt là lời dạy của Đức Cồ Đàm được viết thư pháp mỗi bài/ trang, bên dưới có câu tiếng Anh (cũng bằng chữ viết tay đẹp như chữ thư pháp). Đúng là một kỳ công, chụp từng trang theo thứ tự; tác phẩm trang trọng với phần giới thiệu của Sa môn Thích Pháp Chơn và bài “Trang nghiêm Pháp Bảo” của Hòa thượng Thích Hải Ấn (sư phụ của Sa môn trụ trì chùa Tâm Từ này); cuối cùng bản sách là bài cảm tác của tác giả Đăng Học. Tất cả bài viết đều có dịch thuật tiếng Anh.

 

Bản kinh Pháp Cú (thư pháp toàn bộ 423 bài kệ trên 500 trang sách

 

Từ cổng ngang hông chùa là hàng rào còn sơ sài, bên trong là lối đi rộng rãi, dọc lối đi là các mô hình trang trí riêng có của Chùa, chẳng hạn như hàng trăm bức tường bia ghi lời Phật dạy, nhiều câu trong bản kinh Pháp cú. Thì ra Chùa chọn bản kinh này như là pháp môn của sư thầy chủ trì. Xen lẫn từng lớp là các tiểu phẩm văn hóa làng quê Việt Nam như dụng cụ sản xuất nông nghiệp cổ truyền (lưỡi cày, xe quạt nước…). Việc trưng bày có chủ ý của Sư trụ trì. Xa xa là tượng các bồ tát (thường gọi là Tam Thế Phật) cao to nổi trội giữa khu tùng lâm xinh đẹp. Tuy cảnh trí còn trong quá trình xây cất. kể cả Chánh điện còn đang huy động Phật tử cúng dường, dù đã có nhiều đợt quyên góp khá rộng rãi.

Tôi hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều tượng Phật Di Lặc rất nghệ sĩ, rất đặc sắc, thực sự tạo niềm vui cho người viếng chùa, viếng cảnh tùng lâm.

 

 

Rất may khi ra cổng về nhà thì kịp nhìn thấy Sư trụ trì bước vào. Chúng tôi  chào đón Thầy và được Thầy mời hầu chuyện. Vị sư tuổi trung niên, chững chạc. Thầy nói: Chùa còn đang xây cất, phải năm bảy năm nữa mới gọi là xong, Thầy xác định chọn bộ kinh Pháp cú làm định hướng cho tăng ni và Phật tử, Thầy nhất tâm đưa văn hóa Việt vào Cali này, một ngôi chùa thuần Việt, với văn hóa Việt, bày trí kiểu chùa Việt trên đất Mỹ xa xôi này. Tôi hỏi thỉnh cuốn sách trong Chánh điện, Thầy vui vẻ tặng cho và ký vào trang ba của quyển sách rất trân trọng, ghi rõ pháp danh tiếng Việt là Thích Pháp Chơn. Thầy cho biết, là một trong các đệ tử của Hòa thượng Thích Hải Ấn, một danh sư đất Huế… Câu chuyện sớm kết thúc vì Thầy và chúng tôi đã có một buổi sáng Chủ nhật bận rộn.

3. Chia tay không hẹn trở lại, song trong lòng tôi nhiều cảm xúc với các vị sư, ni các chùa trên đất Mỹ này. Đặc biệt các Phật tử xa xứ, đời sống vật chất không thiếu kém, cái thiếu nhiều nhất có lẽ là hình ảnh quê hương. Họ đã sống với nền văn hóa Phật giáo lắng đọng trong tâm khảm. Người Việt chúng ta thật đáng yêu.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6112189