CHUỖI SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CỦA PHẬT GIÁO
VÀO LỄ RẰM THÁNG SÁU ĀSĀḶHAPŪJA
TUỆ ÂN tổng hợp
* Sự kiện thứ nhất: ĐỨC BỒ-TÁT CHÁNH ĐẲNG GIÁC GIÁNG TRẦN KIẾP CHÓT
Vào đúng ngày Rằm tháng Āsāḷha năm đó. Bốn đức vua trời cõi Tứ-Đại Thiên-Vương, Đức vua trời Sakka cõi Tam-Thập-Tam Thiên, Đức vua trời Suyāma cõi Dạ-Ma Thiên, Đức vua trời Santussita cõi Đâu-Suất-Đà Thiên, Đức vua trời Sunimmita cõi Hóa-Lạc Thiên, Đức vua trời Vasavatti cõi Tha-Hóa Tự-Tại Thiên, cùng chư thiên 6 cõi trời dục giới, chư phạm thiên các cõi trời sắc giới đồng tụ hội đến hầu Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu, tất cả đồng chắp tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu, Ngài đã tạo đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh ba-la-mật xong rồi. Các pháp hạnh ba-la-mật ấy không phải Ngài để mong ngôi vị các vua trời, cũng không phải để mong sinh làm phạm thiên, cũng không phải để mong ngôi vị Đức Chuyển-Luân-Thánh Vương; mà sự thật, các pháp hạnh ba-la-mật ấy, giúp hỗ trợ Ngài chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để thuyết pháp tế độ chúng sinh, giải thoát khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Kính bạch Đức Bồ-tát thiên nam, bây giờ đúng lúc, đúng thời kỳ, để cho Ngài trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Kính bạch Đức Bồ-tát thiên nam, tất cả chúng con thành kính thỉnh Ngài tái sinh làm người, để trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để thuyết pháp tế độ chúng sinh, giải thoát khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Lắng nghe lời thỉnh cầu của chư thiên, phạm thiên, Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu chưa nhận lời thỉnh cầu ấy, mà Ngài quán xét trong thời quá khứ: “Chư Bồ-tát kiếp chót tái sinh xuống làm người, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đã quán xét như thế nào?
* Quán xét 5 điều trước khi tái sinh
Theo lệ thường, Chư Bồ-tát kiếp chót tái sinh xuống làm người, thì phải quán xét đầy đủ 5 điều như sau:
- Quán xét thời kỳ tuổi thọ con người.
- Quán xét châu đến tái sinh.
- Quán xét xứ sở đến tái sinh.
- Quán xét dòng họ nơi tái sinh.
- Quán xét tuổi thọ của mẫu thân để đầu thai.
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quán xét từng điều:
1 - Đức Bồ-tát quán xét thời kỳ tuổi thọ con người
Chư Phật Chánh Đẳng Giác không xuất hiện trên thế gian trong thời kỳ con người có tuổi thọ trên 100 ngàn năm và trong thời kỳ con người có tuổi thọ dưới 100 năm. Bởi vì, nếu con người có tuổi thọ sống lâu trên 100 ngàn năm, thì mỗi khi Đức Phật thuyết pháp rằng: “Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; hoặc ngũ uẩn có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã...”, họ không hiểu rõ chánh pháp, phát sinh tâm hoài nghi. Do đó, Đức Phật Chánh Đẳng Giác không xuất hiện trên thế gian vào trong thời kỳ ấy.
Và nếu con người có tuổi thọ ngắn ngủi dưới 100 năm, thời kỳ ấy con người có phiền não nặng nề, làm cho tâm tư ô nhiễm tối tăm, thì mỗi khi Đức Phật thuyết giảng chánh pháp vi tế cao siêu, họ khó hiểu rõ được chánh pháp ấy. Do đó, Đức Phật Chánh Đẳng Giác cũng không xuất hiện trên thế gian vào trong thời kỳ ấy.
Trong quá khứ, chư Phật thường xuất hiện trên thế gian, trong thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm hay 100 năm. Khi ấy, con người có trí tuệ sáng suốt, nếu lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thì có thể hiểu rõ được chánh pháp, rồi thực hành theo chánh pháp dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quán xét thấy rằng: Khi ấy, thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 năm, đó là thời kỳ thích hợp cho Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian.
2 - Đức Bồ-tát quán xét các châu đến tái sinh
Loài người có trong 4 châu: Đông-Thắng-Thần châu, Tây-Ngưu-Hóa châu, Nam-Thiện-Bộ châu và Bắc-Câu-Lưu châu.
Trong quá khứ, Chư Phật chỉ xuất hiện trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu mà thôi, không xuất hiện ở ba châu khác. Do đó, Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu.
3 - Đức Bồ-tát quán xét xứ sở đến tái sinh
Trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu rộng lớn mênh mông, trong quá khứ, Đức Phật chỉ xuất hiện trong Trung xứ (Majjhimapadesa) mà thôi, không xuất hiện ở nơi xứ biên địa. Do đó, Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh nơi Trung xứ vùng Sakka kinh thành Kapilavatthu.
4 - Đức Bồ-tát quán xét dòng họ nơi tái sinh
Trong quá khứ, chư Bồ-tát kiếp chót trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác không sinh trong dòng họ hạ tiện, nghèo khổ, mà chỉ sinh một trong hai dòng dõi là dòng dõi Vua chúa hoặc dòng dõi Bàlamôn. Nếu thời kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi Bàlamôn, thì Đức Bồ-tát kiếp chót sẽ tái sinh vào trong dòng dõi Bàlamôn; hoặc nếu thời kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi Vua chúa, thì Đức Bồ-tát sẽ tái sinh vào trong dòng dõi Vua chúa.
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quán xét thấy thời kỳ ấy, tất cả mọi người đều kính trọng dòng dõi Vua chúa hơn dòng dõi Bàlamôn, nên Ngài quyết định sinh vào dòng dõi Vua Sakya. Đức vua Suddhodana trải qua nhiều đời vua tinh khiết (không lẫn lộn với dòng khác).
5 - Đức Bồ-tát quán xét mẫu thân và tuổi thọ của bà
Mẫu thân của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác trong kiếp chót phải là người đã từng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất và được Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong quá khứ thọ ký rằng: Bà sẽ là mẫu thân của Đức Phật trong thời vị lai.
Mẫu thân của Đức Bồ-tát ấy phải là người có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, không hề bị phạm giới nào; ngoài ngũ giới ra, bà còn phải thọ trì 8 giới (uposathasīla) trong những ngày giới hàng tháng. Đức Bồ-tát quán xét thấy bà Mahāmayādevī, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, có đầy đủ những tiêu chuẩn trên và tuổi thọ của bà Mahāmayādevī còn đúng 10 tháng lẻ 7 ngày, nên Đức Bồ-tát chọn bà Mahāmayādevī làm mẫu thân của Ngài.
Sau khi quán xét đầy đủ 5 điều rồi, Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh xuống làm người, để trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu truyền dạy rằng:
“Này chư thiên, chư phạm thiên, ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi. Ta sẽ tái sinh xuống làm người trong cõi Nam-Thiện-Bộ châu, Trung xứ, kinh thành Kapilavatthu, trong dòng vua Sakya, Đức vua Suddhodana là phụ thân và bà Mahāmayādevī, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, làm mẫu thân của ta”.
Sau khi lắng nghe lời truyền dạy của Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu, tất cả chư thiên, và chư phạm thiên vô cùng hoan hỷ cùng nhau tán dương ca tụng Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu. Sau đó, đều cùng nhau xin phép trở về cảnh giới của mình. Chư thiên, chư phạm thiên loan báo cho khắp toàn thế giới chúng sinh biết rằng:
“Đức Phật sẽ xuất hiện trên thế gian!”
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu quyết định từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita (Đâu-Suất-Đà Thiên) tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, kinh thành Kapilavatthu vào ngày thứ năm, nhằm ngày rằm tháng sáu lúc canh chót.
Vào ngày rằm tháng Āsāḷha (tháng sáu âm lịch), Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana đến hầu vị Đạo sư Kāladevila xin thọ trì uposathasīla (bát giới). Canh chót đêm ấy, trước khi Đức Bồ-tát tái sinh đầu thai vào lòng, bà Mahāmayādevī nằm mộng thấy Tứ Đại Thiên-Vương cung nghinh bà lên núi Himavanta, đặt bà nằm trên một tảng đá lớn gần hồ Anotatta. Sau đó, có 4 chánh cung Hoàng hậu của Tứ Đại Thiên-Vương cùng chư thiên nữ đến tắm sạch sẽ cho bà, xoa các thứ vật thơm của cõi trời, dâng những đóa hoa trời xinh đẹp, rồi cung nghinh bà đến một ngọn núi bằng bạc, có một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, và đặt bà nằm nghiêng bên phải nghỉ ngơi nơi đó. Khi ấy, một con bạch tượng cao thượng hiện đến lâu đài bằng vàng nơi bà đang nằm nghỉ ngơi. Con bạch tượng ấy đi vòng quanh nơi bà nằm 3 vòng, rồi chui vào hông phía bên phải của bà.
Khi bà Mahāmayādevī đang nằm mộng, đó cũng là lúc Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita, đồng thời với đệ nhất đại quả tâm (đại quả tâm thứ nhất, hợp với trí đồng sinh với hỷ không cần động viên) làm phận sự tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī, nhằm vào ngày thứ năm canh chót đêm rằm tháng sáu (âm lịch). Khi ấy, bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī có tuổi thọ được 55 năm 6 tháng 20 ngày . Ngay lúc ấy, trái đất rùng mình rung chuyển và có 32 hiện tượng xảy ra chưa từng thấy bao giờ; chư thiên, phạm thiên trong 10 ngàn thế giới chúng sinh vô cùng hoan hỷ loan báo tin lành rằng:
“Đức Bồ-tát đã tái sinh rồi!”
* Quân sư Bàlamôn đoán mộng
Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī đã trải qua giấc mộng lành và sau khi tỉnh dậy, bà đến chầu Đức vua Suddhodana và tâu trình lên Đức vua về giấc mộng vừa qua. Sáng sớm hôm sau, Đức vua Suddhodana bèn truyền lệnh cho mời nhóm Bàlamôn quân sư vào triều yết kiến. Sau khi thiết đãi và ban thưởng xong, Đức vua bèn tường thuật lại giấc mộng canh chót đêm qua của chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī cho nhóm quân sư Bàlamôn nghe để họ cùng nhau suy đoán.
Đức vua truyền hỏi rằng:
- Thưa quân sư, giấc mộng như vậy có ý nghĩa như thế nào? Xin quý quân sư tâu cho trẫm được rõ.
Một vị Bàlamôn trưởng bèn tâu rằng:
- Muôn tâu Đại vương, xin Đại vương an tâm, chánh cung Hoàng hậu đã thụ thai, thai nhi không phải là Công chúa mà chắc chắn là Thái tử, Bậc cao thượng nhất.
Nếu Thái tử sống trong triều, thì sẽ là Đức Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ có 4 biển làm ranh giới.
Nếu Thái tử bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ là Đức Phật Chánh Đẳng Giác cao thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh.
* Oai lực kiếp chót của Đức Bồ-tát
Từ khi Đức Bồ-tát kiếp chót tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân, do oai lực của Đức Bồ-tát, nên ngày đêm Tứ Đại Thiên-Vương theo hầu, để tỏ lòng cung kính; không phải theo hộ trì bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī; bởi vì, Đức Bồ-tát kiếp chót có oai lực phi thường, nên không có một ai có thể làm hại bà được.
Mẫu thân của Đức Bồ-tát có giới đức tự nhiên, bà không phải đến làm học trò vị Đạo sư Kāḷadevila, để xin thọ giới như trước đây nữa; thân và tâm của bà thường an lạc. Tâm tham muốn trong dục lạc không hề phát sinh và khi Đức vua Suddhodana nhìn thấy bà liền phát sinh thiện tâm trong sáng, do đó Đức vua rất tôn trọng bà và không khởi tâm ham muốn chuyện đôi lứa với bà nữa.
Đức Bồ-tát phát triển và tăng trưởng ở trong bào thai mẫu thân, như ở trong một căn phòng sạch sẽ và sang trọng. Đức Bồ-tát ngồi kiết già như vị pháp sư đang ngồi trên pháp tòa, cho đến khi tròn đủ 10 tháng.
HOÀNG HẬU MAHĀMĀYĀ
Bà là con vua Añjana và hoàng hậu Yasodharā của vương quốc Koliya, có kinh thành là Devadaha.
Tương truyền, cách đây 91 kiếp trái đất, vào thời Đức Phật Vipassī, phụ vương của Đức Thế Tôn Vipassī có tên là Bandhumā, mẫu hậu là Bandhumatī, kinh thành của vua Bandhumā là Bandhumatī.
Khi Đức Phật Vipassī đã hiện khởi trên thế gian, Ngài ngự trú tại vườn nai Khema, gần thành Bandhumatī.
Một vị vua lân bang đã gửi tặng vua Bandhumā một xâu chuổi bằng vàng trị giá 100 ngàn kahāpaṇa (đồng vàng) và một khúc gỗ trầm hương quý.
Đức vua Bandhumā ban thưởng cho 2 người con gái của mình, cô chị đươc khúc gỗ trầm hương quý, cô em được chuỗi vàng. Nhưng cả hai đều muốn cúng dường đến Đức Phật Vipassī và được đức vua Bandhumā chấp thuận.
Cô công chúa chị cho nghiền nhuyễn gỗ trầm hương thành bột, chứa vào bình bằng vàng, cô đi đến nơi ngự của Đức Thế Tôn Vipassī, cúng dường hương thơm đến Đức Phật, bằng cách rắc bột trầm hương dưới chân Đức Phật cùng khắp chung quanh nơi ngự của Đấng Thập lực (dasabala) và phát nguyện rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn, do phước con cúng dường hương thơm đến Ngài, xin cho con được làm mẹ vị Bồ-tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót, vị ấy sẽ chứng quả Chánh Đẳng Giác như Ngài”.
Và Đức Đạo sư Vipassī đã tiên đoán ước nguyện này sẽ thành hiện thực sau 91 kiếp trái đất, vào thời Đức Phật có hồng danh là Gotama.
Cô công chúa em cúng dường đến Đức Phật Vipassī xâu chuỗi vàng và phát nguyện:
“Kính bạch Thế Tôn, do phước cúng dường xâu chuỗi vàng này, xin cho kiếp nào con cũng có được xâu chuỗi vàng và con chứng đạt thánh quả Arahán”.
Đức Thế Tôn Vipassī chúc phúc cho nàng được như ý nguyện.
Vào thời Đức Phật Kassapa, cô công chúa em tái sinh làm con gái của Đức vua Kikī. Khi vừa sinh ra, cô bé đã có chiếc vòng vàng trên cổ, nên nàng có tên là Uracchadā. Khi được 16 tuổi, nghe được pháp thoại từ Đức Phật Kassapa, nàng chứng đạt Thánh quả Arahán và viên tịch ngay trong ngày ấy (Chuyện tiền thân Vessantara - Vessantarajātaka).
Riêng cô công chúa chị vẫn lăn trôi trong vòng luân hồi, hưởng phước nhân thiên. Đến thời hiện tại chính là bà Hoàng Māyā.
Trong Vessantarajātaka có ghi nhận: Hoàng hậu Phusatī thân mẫu của Bồ-tát Vessanta, khi mệnh chung sinh về thiên giới. Vào thời Đức Phật Kassapa, bà là cô công chúa thứ sáu của Đức vua Kikī có tên là Sudhammā, sau kiếp ấy bà lại tái sinh về thiên giới. Vào thời hiện tại, bà chính là Hoàng hậu Māyā.
Nhưng điều này không phù hợp với tập Apadāna khi nêu ra bảy cô công chúa con vua Kikī như sau:
- Trưởng nữ vua Kikī là nàng Samanī, nay là Thánh nữ Khemā đệ nhất trí tuệ trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.
- Nàng công chúa thứ 2 là Sumanaguttā, nay là Thánh nữ Uppalavaṇṇā, đệ nhất về thần thông trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.
- Nàng công chúa thứ ba là Bhikkhunī, nay là Thánh nữ Patācārā, đệ nhất về trì luật trong hàng Thánh nữ ni của Đức Phật Gotama.
- Nàng công chúa thứ tư là Bhikkhudāsikā, nay là Thánh nữ Bhaddā Kuṇḍalakesā đệ nhất về tốc trí (Etadaggavaggo).
- Nàng công chúa thứ năm là Dhammā, nay là Thánh nữ Kisāgotamī đệ nhất mặc y “cũ rách” trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.
- Nàng công chúa thứ sáu là Sudhammā, nay là Thánh nữ Dhammadinnā, đệ nhất về thuyết pháp trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.
- Nàng công chúa thứ 7 là Saṅghadāsī, nay là bà Visākhā, chứng quả Dự lưu vào lúc 7 tuổi (Khemāpdānaṃ).
Sáu vị Thánh nữ Arahán trên, trong tập Apdāna đều có nêu lên lai lịch cùng tiền sử của mình trong thời Đức Phật Kassapa, đồng thời xác định rõ “là con gái thứ mấy” của vua Kikī (theo "Thánh nhân Ký sự") như đã trình bày.
Tiền thân của Hoàng hậu Māyā được đề cập nhiều trong các câu chuyện Bổn sanh như: Alīnacittajātaka (Bổn sanh 156), Kaṭṭhahārījātaka (Bổn sanh 7), Kurudhammajātaka (Bổn sanh 276), Kosambījātaka (Bổn sanh 428), Khanḍḍahālajātaka (Bổn sanh 542), Dasarathajātaka (Bổn sanh 461), Bandhanāgārajātaka (Bổn sanh 201), Mahā-ummaggajātaka (Bổn sanh 546), Mātuposakajātaka (Bổn sanh 455), Vessantarajātaka (Bổn sanh 547), Susimajātaka (Bổn sanh 163), Somanassajātaka(Bổn sanh 505), và Hatthipālajātaka (Bổn sanh 509).
Hoàng hậu Māyāgotamī cùng bà Hoàng Pajāpatigotmī đều hiếm muộn con, hơn 40 tuổi cả hai bà đều chưa có con.
Hoàng hậu Māyā đạt được tất cả những đức tính khả dĩ “làm mẹ đức Bồ-tát kiếp chót”, ngay từ khi chào đời cho đến hơn 40 tuổi bà không hề vi phạm vào 5 giới, không từng uống men rượu nấu hay men rượu say, đồng thời tâm không dính mắc với dục lạc, không hề nghĩ đến nam nhân nào khác ngoài vua Suddhodana.
Bà đã tạo trữ Ba-la-mật (pāramī ) trải qua 100 ngàn kiếp trái đất rồi, từng phát nguyện “là mẹ của Đức Bồ-tát Chánh giác kiếp chót” trong thời Đức Phật Padumuttara.
*Giảng thêm về Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhisatta)
Đức Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác thì Đức Bồ-tát ấy gọi là Đức Bồ tát Chánh Đẳng Giác.
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng.
Khi đã thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật xong, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy chắc chắn sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết-bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.
Đức Phật Chánh Đẳng Giác có khả năng đặc biệt chế định ra ngôn ngữ để thuyết pháp, chỉ dạy tế độ chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-bàn diệt đoạn tuyệt phiền não, trở thành bậc Thánh nhân bậc cao hoặc bậc thấp tuỳ theo năng lực của các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi chúng sinh ấy.
*Phân hạng Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác
1 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika).
2 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt (Saddhādhika).
3 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt (Vīriyādhika).
1 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt là như thế nào?
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika) là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ nhiều năng lực, còn đức tin và tinh tấn trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật. Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật trải qua ba thời kỳ:
- Thời kỳ đầu: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biến khổ luân hồi. Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 A-tăng-kỳ kiếp trái đất.
- Thời kỳ giữa: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.
Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăngkỳ kiếp trái đất. Qua hai thời kỳ trên, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy vẫn còn là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác bất định (Aniyatabodhisatta) nghĩa là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà chỉ muốn trở thành một Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn giác mà thôi.
Nếu trường hợp Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy vẫn giữ nguyên ý nguyện xưa, rồi tiếp tục thực hành, tích luỹ các pháp hạnh Ba-la-mật thì sẽ dẫn đến thời kỳ cuối.
- Thời kỳ cuối: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy, khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.
Khi ấy, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt mới trở thành Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta). Từ đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy cố gắng tinh tấn tiếp tục thực hành, bồi bổ, tích luỹ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật trong thời gian còn lại ấy.
Trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, mỗi khi có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy đều phải đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy và được Ngài thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy.
Khi Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt đã thực hành và tích luỹ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật xong. Kiếp chót Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy, chắc chắn sẽ tái sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niếtbàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.
2 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt như thế nào?
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt (Saddhādhika) là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin nhiều năng lực còn trí tuệ và tinh tấn trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật.
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy cũng cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật với thời gian gấp đôi Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.
- Thời kỳ đầu: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi.
Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 14 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
- Thời kỳ giữa: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.
Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 18 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
- Thời kỳ cuối: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.
Khi ấy, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy mới trở thành Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định (Nigatabodhisatta). Từ đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy cố gẳng tinh tấn tiếp tục thực hành, bồi bổ tích luỹ cho được đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-lamật… (Các phần còn lại hoàn toàn giống như Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.)
3 - Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt là như thế nào?
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt (Vīriyādhika) là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn nhiều năng lực còn trí tuệ và đức tin trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Bala-mật.
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt ấy cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật với thời gian gấp đôi Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt và gấp bốn lần Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.
Thời gian trải qua ba thời kỳ thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt như sau:
- Thời kỳ đầu: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi. Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong thời gian suốt 28 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
- Thời kỳ giữa: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh ấy biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.
Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 36 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
- Thời kỳ cuối: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.
Khi ấy, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt mới trở thành Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta).
Từ đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt tiếp tục thực hành, bồi bổ, tích luỹ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật.
Đến kiếp chót Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy chắc chắn sẽ tái sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết-bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.
(Các phần còn lại hoàn toàn giống như Đức Bồ-tát có trí tuệ siêu việt).
* Đức Phật Gotama trong đại kiếp của chúng ta
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika).
- Thời kỳ đầu: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ luân hồi.
Sau đó, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
Trong khoảng thời gian 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 125.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.
- Thời kỳ giữa: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama, phát nguyện ra bẳng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện của Ngài muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Sau đó, Ngài tiếp tục bồi bổ, thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
Trong khoảng thời gian 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 342.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.
- Thời kỳ cuối: Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt là đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, hội đủ 8 pháp là:
“Manussattaṃ liṅgasampatti, hetu satthāradassanaṃ.
Pabbajjā guṇasampatti, adhikāro ca chandatā.
Aṭṭhadhammasamodhāno, abhinīhāro samijjhati.”
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cần phải hội đầy đủ 8 pháp mới được Đức Phật thọ ký xác định thời gian thành tựu nguyện vọng trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.
Tám pháp này là:
1 - Manussatta: Loài người thật.
2 - Liṅgasampatti: Người nam thật.
3 - Hetu: Đầy đủ pháp hạnh Ba-la-mật có khả năng trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện tại.
4 - Satthāradassana: Đến hầu đảnh lễ Đức Phật.
5 - Pabbajjā: Bậc xuất gia đạo sĩ có chánh kiến.
6 - Guṇasampatti: Đầy đủ 8 bậc thiền sắc giới và vô sắc giới, năm phép thần thông thế gian.
7 - Adhikāra: Cúng dường sinh mạng đến Đức Phật Dīpaṅkara.
8 - Chandatā: Nguyện vọng tha thiết muốn trở thành.
* Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai
Đức Bồ-tát đạo sĩ Sumedha có hội đủ 8 pháp ấy, nên được Đức Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ-tát đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama. Từ đó, Đức Bồ-tát đạo sĩ Sumedha trở thành Đức Bồ-tát cố định (Niyatabodhisatta).
* Đức Bồ-tát được thọ ký thế nào?
Sau khi Đức Bồ-tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký đầu tiên. Từ đó, trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy, tuần tự có 24 Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ-tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đến hầu mỗi Đức Phật, và được Ngài thọ ký theo tuần tự như sau:
- Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên là Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký, tiếp theo là Đức Phật Koṇdañña, Đức Phật Maṅgala, Đức Phật Sumana, Đức Phật Revata, Đức Phật Sobhita, Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma, Đức Phật Nārada, Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana và Đức Phật Kassapa là Đức Phật thứ 24 cuối cùng xuất hiện trên thế gian thọ ký, xác định thời gian rằng: “Trong thời vị lai, trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, vị tỳ-khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama…”.
* Đức Bồ-tát kiếp đầu tiên và kiếp chót của Đức Phật Gotama
- Đức Bồ-tát kiếp đầu tiên của Đức Phật Gotama
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông tỳ-khưu tại ven rừng có nhiều hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết dạy về thiện nghiệp bố thí là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật mà tiền kiếp đầu tiên của Ngài đã thực hành rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Các con nên lắng nghe thiện nghiệp bố thí là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật đầu tiên mà Như-Lai đã thực hành trong kiếp quá khứ như sau:
Tiền kiếp Như-Lai thấy một vị tỳ-khưu hành pháp hạnh đầu đà sống trong rừng, nên phát sinh đức tin trong sạch, dâng cúng dường “một tấm vải cũ” đến vị tỳ-khưu ấy. Ngay khi ấy, tiền kiếp Như-Lai phát sinh tâm đại bi, có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai, để tế độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Đó là Đức Bồ-tát kiếp đầu tiên của Như-Lai có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chính nhờ thiện nghiệp bố thí cúng dường tấm vải cũ là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật đầu tiên ấy, dẫn đến kiếp chót hiện tại là Đức Bồ-tát Siddhattha của Như-Lai đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama.
+ Quả báu của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định
Sau khi Đức Bồ-tát Đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian vị lai còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama.
Từ đó, Đức Bồ-tát Đạo sĩ Sumedha trở thành Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta) tiếp tục tử sinh luân hồi, mỗi kiếp Đức Bồ-tát thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, bồi bổ, tích luỹ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama.
Suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định mỗi kiếp tử sinh luân hồi chắc chắn không còn tái sinh làm chúng sinh trong các cõi sau đây:
- Không sinh làm người dân thiểu số trong rừng.
- Không sinh làm người nữ, người ái nam ái nữ.
- Không sinh làm con của người tôi tớ.
- Không sinh làm người đui mù, câm điếc từ lúc tái sinh.
- Không sinh làm người có bệnh nan y.
- Không sinh làm thiên Ma Vương.
- Không sinh làm phạm thiên trong cõi Vô tưởng thiên.
- Không sinh làm phạm thiên trong cõi Tịnh cư thiên.
- Không sinh làm phạm thiên thiên trong cõi Vô sắc giới.
- Không sinh làm chúng sinh trong thế giới khác.
- Không sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục tối tăm Lokan tarikanaraka.
- Không sinh vào trong cõi đại địa ngục Avīci.
- Không sinh làm loài ngạ quỷ Khuppīpāsikapeta (ngạ quỷ chịu cảnh đói khát), hoặc loài ngạ quỷ Nijjhāmataṇhikapeta (ngạ quỷ bị thiêu đốt), hoặc loài ngạ quỷ Kālakañcikapeta (ngạ quỷ tên loài Atula).
- Không sinh làm loài súc sinh có thân hình nhỏ hơn con chim sẻ.
- Không sinh làm loài súc sinh có thân hình to lớn hơn con voi.
- Không bao giờ tạo 5 trọng ác nghiệp (giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân Đức Phật, chia rẽ chư tỳ-khưu Tăng).
- Không bao giờ có tà kiến cố định (niyatamicchā-diṭṭhi).
- Không trở thành bậc Thánh Nhân trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy.
Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác cố định, tiền kiếp của Đức Phật Gotama tiếp tục tử sinh luân hồi trải qua vô số kiếp, để thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật trong suốt thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa.
Như vậy, Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt, tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, trải qua khoảng thời gian mau nhất là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất bằng một nửa khoảng thời gian của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt và bằng một phần tư khoảng thời gian của Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt.
* Đức Bồ-tát Kiếp Chót Của Đức Phật Gotama
Đến kiếp áp chót tiền kiếp của Đức Phật Gotama là đức vua Bồ-tát Vessantara thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật như bố thí con voi báu, bố thí của cải, bố thí hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhā, bố thí Chánh cung Hoàng hậu Maddīdevī.
Sau khi đức vua Bồ-tát Vessantara băng hà, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm vị thiên nam tên là Setaketu trên cõi trời Tusita (Đâu-suất đà-thiên) hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.
Khi chư thiên, chư phạm thiên đến thỉnh Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu xuống tái sinh làm người, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, chư phạm thiên.
Đức Bồ-tát thiên nam Setaketu sau khi chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tusita ấy, dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp chót vào lòng bà Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana vào đúng canh chót đêm rằm tháng 6 âm lịch.
Đến khi tròn đủ 10 tháng, vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Đức Bồ-tát kiếp chót của Đức Phật Gotama đản sinh khỏi lòng bà Chánh cung hoàng hậu Mahāmayādevī tại khu vườn Lumbinī. Đức Bồ Tát được đặt tên là Thái tử SIDDHATTHA.
Khi Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha trưởng thành:
- Năm 16 tuổi, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha lên ngôi vua và kết hôn với công chúa Yasodharā, ngự tại kinh thành Kapilavatthu 13 năm.
- Năm 29 tuổi, Đức Vua Bồ-tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, khi Chánh cung Hoàng hậu Yasodharā sinh hạ hoàng tử Rāhula.
- Năm 35 tuổi, Đức Bồ-tát Siddhattha, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết-bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, có trí tuệ siêu việt thông suốt hoàn toàn tất cả các pháp không còn dư sót (Sabbaññutañāṇa), gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), có danh hiệu là Đức Phật GOTAMA độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh, vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch tại cội đại Bồ-Đề trong khu rừng Uruvelā (nay gọi là Bodh Gaya, Bihar, nước Ấn Độ).
Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm.
- Năm 80 tuổi, Đức Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ), vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Bình luận bài viết