Thông tin

CHUYỆN KỂ MÙA VU LAN: LÒNG CON

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 


 

Vương Ngọc lớn lên tuy không có cha bên cạnh, hoàn cảnh gia đình không khá giả gì, nhưng được mẹ nuôi dạy, cho ăn học đàng hòang tử tế, không thua bất kỳ một đứa trẻ nào cùng lứa tuổi. Để mình được những điều kiện thuận lợi tưởng như bình thường đó, người mẹ trẻ của em đã phải đánh đổi những gian lao, khó nhọc và nhất là cả tuổi thanh xuân trên ngưỡng cửa giảng đường đại học. Điều này, mãi đến năm mười tám tuổi, Vương Ngọc mới biết khi vô tình lục soạn giấy tờ cá nhân của mẹ mình, đem vào bệnh viện làm thủ tục phẫu thuật chân cho mẹ, lẫn trong đó là những mảnh giấy gần như đã ố vàng ghi vội những ngày tháng mẹ mình đã phải chịu đựng từ lúc mang thai cho đến khi được sinh ra đời.

Chàng thiếu niên lâu nay được tiếng học giỏi lại chịu chơi này với bạn bè nay lại phải đổi bằng sự hy sinh to lớn vô cùng của mẹ mình, và cho đến ngày giờ này, nằm trong bệnh viện để chuẩn bị phẫu thuật, tháo khớp một chiếc chân do bị tai nạn giao thông, lại cũng vì niềm vui tất cả dành cho con được vào đại học qua đợt thi vừa rồi! Vương Ngọc chưa kịp ráp nối bao nhiêu hồi ức từ bé về tình yêu thương của mẹ, vội mang giấy tờ chạy thẳng vào bệnh viện quỳ xuống bên đầu giường, hai tay níu lấy cánh tay yếu ớt của mẹ khóc nức nở!

Ngày đó, tại một làng quê nghèo buổi chiều nắng nhạt. Đường đê dẫn vào ngôi chùa làng như vắng lặng hơn bao giờ. Có một cô gái mang bên mình nhiều nỗi lòng nặng trĩu, đếm từng bước mệt mỏi vào chùa với cái bào thai đã hơn 4 tháng. Ngôi chùa làng quê cũng như khung cảnh bình dị, mộc mạc chung quanh, thỉnh thoảng từng tiếng chuông rơi đều theo trong gió nhẹ. Cô gái ấy xin phép vài vị thầy đang đứng chấp tác quanh đó vào chùa thắp nhang. Cô được đáp lại bằng những cử chỉ êm đềm và cái chắp tay xá nhẹ như thay lời ưng thuận.

Đây là một ngôi chùa làng, lâu đời, từng có bao công lao gầy dựng và vun bồi của dân làng làm nên, vì thế cách thờ tự theo truyền thống như bao nhiêu ngôi chùa làng khác ở miền quê xưa nay. Cô gái cũng vốn là người bản xứ, ở trên xóm Bàu Một gần đó, ngày thơ bé thường được bà và mẹ dẫn đến đây lễ Phật, thầm cầu ước bao điều tốt lành cho mình. Bây giờ, bước vào đây cảnh cũ, tường rêu xưa cổ kính với tâm trạng có nhiều uẩn khúc nên trông như tất cả cũng đượm màu u buồn. Trong chánh điện giờ này chỉ có một chú điệu khoảng 8, 9 tuổi đang cần mẫn lau dọn từng bát nhang cho kịp giờ công phu chiều. Cô thắp nhang và xá lạy từng bàn thờ, từng pho tượng một dù vẫn chưa biết tên gọi của các pho tượng ấy là vị nào, tên gọi ra sao, nơi nào cô cũng rưng rưng lệ giọt vắn giọt dài. Đến pho tượng Bồ tát Địa Tạng Vương, cô vẫn thái độ cắm nhang vào bát một cách hờ hững như bao pho tượng khác. Nhưng lúc ấy vì tâm tư u uất vẫn còn đang trĩu nặng trong lòng nên cô nhìn lên pho tượng rất lâu, rất vô thức, miên man, và cứ mặc cho tâm tư ấy tuôn trào bao lo lắng một giây lâu! Chú điệu thấy vậy tưởng cô đang cầu nguyện thành kính cho đứa con trong bụng, nên tiện lúc bước ngang, chú nói thiệt thà “Cô vái Ngài này đi. Ngài ấy thương con nít lắm đó”, rồi đi chấp tác tiếp tục. Lúc đó, cô gái mới giật mình trở về thực tại và nói theo một cách nhanh gọn “Dạ dạ! Vậy hả Chú?”. Cũng khi đó cái thai trong bụng dường như cử động nhưng đủ khiến cô đưa tay vuốt nhẹ như để xoa dịu cơn đau.

Không rõ vì sao hay có phải câu nói thoáng qua của chú điệu kia mà cô vội vã tất bật ra về, khác hẳn tâm thái lúc vào chùa. Không phải về lại căn nhà của cha mẹ mình ở gần đó, vì nơi đó cái nơi lẽ ra là bến đổ bình an nhất, an lành nhất của những đứa con, mà là nơi đã có lời nguyền từ con của người cha luôn khép mình vào đạo lý Nho phong khi nghe tin cô bị hoang thai và ngả xuống trong cơn đột quỵ uất ức; mà ngược trở lại phòng trọ sinh viên ở Sài Gòn, nơi chứa đựng niềm vui khi ngày đầu tiên lên Sài Gòn nhập học với chương trình đào tạo 4 năm, và cũng là nơi chứng kiến bao nỗi buồn của cô khi chưa đầy một năm tiếp theo sau đó với mối tình tuổi trẻ ấp ủ nhiều mộng ước bay bổng, đã gãy đổ nửa chừng khi người yêu biết cô đã mang thai, kết quả mối tình chóng vánh của một cô gái thôn quê và chàng trai thành thị đào hoa sành điệu.

Tối muộn, khi về đến phòng trọ, cô vội chạy qua nhà chủ trọ xin mượn quyển kinh Địa Tạng mà đôi lần cô nghe mỗi đêm người chủ này hay tụng. Dù có chút ngạc nhiên với cô sinh viên vốn thường khi hay tụ tập đi chơi với đám bạn trai, người chủ trọ cũng nhanh tay mở tủ lấy quyển kinh trao cho cô với lời dặn hãy giữ gìn cẩn thận. Sau khi tắm rửa cho sạch hết bụi đường, cô đặt quyển kinh Địa Tạng lên trên chiếc gối nằm đầu giường của mình và ngồi xếp bằng trên chiếc giường nhỏ hẹp, lần giở từng trang kinh như khám phá một bầu trời bí ẩn. Sau một khoảng thời gian ngắn, tuy chưa thiết lập được sự bình an trong tâm hay những điều cần có khi tiếp cận với bộ kinh này như những người hiểu biết, nhưng trong cô chỉ với một niềm mong mỏi và thành tâm nhất là làm sao để khỏi phải “mang tội” khi chỉ sáng mai đây thôi, cô sẽ đến một nơi nạo thai như lời hẹn trước với số tiền đặt chỗ không ít (Vì bào thai trong bụng đã lớn các bệnh viện không thể chấp nhận cho cô thực hiện việc này)! Cũng chính vì sợ “mang tội” lớn, hủy hoại một sinh linh khi vừa mới tượng hình trong mình, nên sáng nay cô làm một chuyến về quê với ý niệm ghé ngôi chùa làng để vọng bái về cha mẹ (Vì còn người anh cả rất nghiêm khắc, cấm cô không được trở lại nhà), và thắp nhang để sám hối trước hành động của mình với chư Phật, Bồ tát. Cứ như vậy, cô nghiền ngẫm bộ kinh suốt cả đêm như sợ không kịp một quyết định sẽ không còn dịp, và chỉ được ngả lưng một thoáng khi tiếng gà canh ba vừa cất lên đầu ngõ.

Thật vậy, khi trời chưa sáng tỏ hẳn, cô đã lặng lẽ bước ra khỏi phòng trọ, không phải đến nơi nạo phá thai như đã hẹn, mà đến với một vài người quen từng có đi chùa, hiểu biết chút ít Phật pháp để hỏi thêm về mấy điểm trong kinh Địa Tạng mà cô mới vừa đọc vội suốt đêm qua. Cái thai trong bụng thỉnh thoảng quấy nhẹ nhưng không còn làm cho cô khó chịu hay đau đớn nữa mà đưa tay vuốt nhẹ như thầm trấn an “Con nằm yên, không sao đâu con”. Nhờ buổi sáng gặp gỡ vội vàng vài người quen ấy mà cô hiểu thêm về những tội phước một cách đúng đắn và trí tuệ. Và như thế, cô quyết định mạnh mẽ, sẽ đương đầu với tất cả, chịu đựng tất cả để giữ lại đứa con trong bụng cho đến ngày sinh.

Bắt đầu từ đó, nhờ sự hướng dẫn của bạn bè, cô đã biết đến chùa lễ Phật thường xuyên mỗi khi rảnh việc, được quý thầy giảng giải cặn kẽ thêm nhiều điều về kinh Địa Tạng. Khi đứa bé được chào đời, cô đặt tên cho con là Vương Ngọc (Vương là từ trong danh hiệu Bồ tát Địa Tạng Vương; còn Ngọc chính là viên ngọc minh châu nơi tay vị Bồ tát này) với mong ước con sẽ thành công trên đường đời, luôn chiến thắng mọi khó khăn, và ngọc sáng trong con sẽ là một “vô sư trí” tuyệt vời nhất để con đứng vững đôi chân trần với mọi người. Khi Vương Ngọc đã biết chập chững bước từng bước trong đời mình, cô đã nhiều lần bế con về lại chùa quê, để tỏ bày lòng cảm ơn của chú điệu năm xưa đã đưa lời cho mình quay về với thực tại và giữ được đứa con. Trong thời gian đó, cô vâng lời vị hòa thượng trụ trì, dũng cảm bước về đến tận nhà, thẳng thắn nhận tội và nói lên những nỗi lòng, suy tư của mình trước bàn thờ người cha quá cố, và người mẹ đờ đẫn sau bao nhiêu tháng ngày thương nhớ con. Phần người anh cả của mình giờ cũng đã yên bề gia thất và thành công phát đạt ở phương xa, cũng đã hiểu được đứa em tội nghiệp của mình khi những đứa con gái lớn của anh cũng bôn ba, lận đận chuyện tình duyên. Người mẹ già giờ tuy đã không còn minh mẫn như xưa nhưng vẫn nhớ nhiều điều về đứa con gái tội nghiệp của mình, kể cả lời nói nựng nịu đứa cháu ngoại của mình ngày trước sau những năm đầu tiên cô bồng con về thăm lại mẹ già và nghe hết sự tình đứa con gái của mình phải chịu đựng.

Những điều đó, mãi đến bây giờ, Vương Ngọc mới biết thêm tường tận, khi mà một lần nữa, vì tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho mình đã phải chịu mất đi thêm một chiếc chân. Vương Ngọc vẫn quỳ ôm chầm cánh tay của mẹ mình trên giường bệnh, mà trong lòng bàn tay ấy của mẹ vẫn còn nắm chặt tượng Bồ tát Địa Tạng nhỏ xíu thường ngày vẫn đeo nơi cổ. Vương Ngọc gỡ từng ngón tay ấy của mẹ ra để áp sát bàn tay có tượng Bồ tát ở giữa vào đôi má của mình, gục đầu thổn thức.

Ngày mai này, một chiếc chân của mẹ không còn nữa!

Vu Lan 2567 - 2023

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 3)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 2)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 1)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6673172