CHUYỆN VỀ CÁI “BẢN NGÔ
CHUYỆN VỀ CÁI “BẢN NGÔ
PHAN THỊ BÍCH TRẦM
Còn nhớ 10 năm trước đây, vào cái thuở mới bước chân đến cửa chùa chỉ vì thú vui ngắm cảnh. Không biết do đã từng nghe vị thầy nào nói hay do tôi đã đọc ở đâu đó về khái niệm “Vô ngã”, nhưng phản ứng đầu của tôi khi tiếp xúc hai chữ này thật lạ. Tôi nghĩ “Vô” nghĩa là “Không”, “Ngã” là bản thân mình, vậy Phật dạy “Vô ngã” nghĩa là không có bản thân mình, không có cái gọi là Ta. Cái lạ đối với tôi chính là rõ ràng mình có đây, tại sao Phật lại dạy là không có, không có Ta, thôi thì tạm để đó vậy. Nhưng khi đi làm, bước vào xã hội, va chạm và vấp ngã, đột nhiên tôi cảm thấy cái “Ngã” của mình lớn lắm. Ai nói chút gì không nghe thuận tai thì sân si liền liền. Ai nói gì động chạm đến mình, mà bản thân cảm thấy không hài lòng, thì lập tức nổi Bồ Đề gai. Phải chăng bởi có cái “Ngã” nên Ta mới phân biệt Ta và Người, để từ đó nảy sinh tham sân và sự đối đãi. Chỉ khi có người nói đụng đến ta, khen chê hờn giận hay giễu cợt, ta mới chợt nhận ra mình có cái “Ngã”, chẳng những thấy nó thật rõ rệt mà còn phát hiện ra rằng cái “Ngã” này thật lớn lắm.
Ngay khi có những việc mình sai rành rành ra đó và người khác vì thế mà góp ý, thì bản thân lập tức chẳng chịu nhận hay tìm cách đẩy lỗi cho người, oán trách người. Khoan xét sự góp ý của người đối với ta là đúng hay sai, là chân thành hay có ý khác, nhưng ta nhận ra một điều rất rõ đó là “Ta thương mình lắm, không muốn tiếp nhận những điều làm ta tổn thương”. Phải chăng cũng vì để bảo vệ cái Ngã này?
Khi tĩnh tâm quan sát lại sai lầm của mình, đột nhiên tôi nhớ lại cái thuở ban đầu khi nghe về “Vô Ngã” mà thấy Phật nói thật hay. Bởi ta có cái Ngã nên ta mới biện bạch cho sai lầm của mình, bởi ta có cái Ngã nên khi ai đụng đến mình thì lập tức nổi sân. Do muốn bảo vệ cái Ngã mà nhiều khi sai trái vẫn cố mà biện bạch sao cho giảm bớt hay đỗ lỗi cho người. Nhưng nếu biết nghĩ ngược lại thì vấn đề sẽ khác, khi ta bỏ qua hay xem nhẹ cái Ngã này một chút, cố gắng sống theo tinh thần “Vô Ngã”, thì Ta sống sẽ nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn. Không phải để che đậy tội mình làm, cho rằng do không có Ngã nên làm gì cũng chẳng sao cả, mà là để thấy rằng: Nếu bản ngã ta quá lớn, ta sẽ khó nhìn ra lỗi của mình, ta thương cái Ngã này nên ta mới tìm cách chạy tội cho nó. Nếu ta bỏ qua sĩ diện, bỏ qua cái bản Ngã này thì khi sai lầm ta dễ dàng nhìn lại và chấp nhận rằng mình đã sai mà không cần tìm mọi lý lẽ để bào chữa, hay khi người ta có lỡ lời hay vô ý mà nói gì đến mình thì cũng không đến nỗi sân si mà nghĩ rằng: “Nó là cái thá gì mà nói mình”. Được thế sẽ cảm thấy cuộc đời vốn đầy những cung bậc cảm xúc, là do cái Ngã này tác oai tác quái, nhưng cũng nhờ nó mà ta được nhìn lại chính mình. Khi ta biết nhìn lại và giảm bớt cái cao ngạo của tự ngã, thì mọi việc cũng trở nên an bình. Cám ơn cái Ngã đã cho ta sự trải nghiệm, trải nghiệm về sự chấp trước của cái Ngã, cũng như trải nghiệm về dũng khí dám bỏ qua, dám giảm bớt sĩ diện của tự ngã để đối diện với lỗi lầm. Và nhân khi phạm sai lầm, ta cũng thật cám ơn lời dạy của Đức Phật. Cám ơn Đức Phật đã cho con lời dạy thấm thía về “Vô Ngã”!
Trọng xuân 2018 Mậu Tuất
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết