Thông tin

CỔ KÍNH CHÙA VIỆT

CỔ KÍNH CHÙA VIỆT

 

NGUYỄN HOÀNG DUY

 

Chùa Dâu (Bắc Ninh)

 

Chùa - một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa được xây dựng phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và thường là nơi thờ Phật. Tại nhiều nơi, chùa có nhiều điểm giống với chùa tháp của Ấn Độ, vốn là nơi cất giữ Xá-lị và chôn cất các vị đại sư, thường có nhiều tháp bao xung quanh. Chùa là nơi tiêu biểu cho Chân như, được nhân cách hóa bằng hình tượng một đức Phật được thờ ngay giữa chùa. Nhiều chùa được thiết kế như một Man-đa-la, gồm một trục ở giữa với các vị Phật ở bốn phương. Cũng có nhiều chùa có nhiều tầng, đại diện cho Ba thế giới (tam giới), các cấp bậc tiêu biểu cho Thập địa của Bồ Tát. Có nhiều chùa được xây tám mặt đại diện cho Pháp luân hoặc Bát chính đạo. Chùa còn là nơi tập trung của các sư, tăng, (hay ni nếu là chùa nữ) sinh hoạt, tu hành, và thuyết giảng đạo Phật. Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.

Không chỉ đẹp về mặt kiến trúc, chùa còn đẹp về dáng vẻ đặc trưng và cổ kính. Trên khắp đất nước ta, gần như ở nơi nào cũng có chùa, to hay nhỏ. Có lẽ ngôi chùa cổ nhất ở nước ta được xây dựng từ đầu thế kỉ thứ II ở Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) thường được gọi là chùa Dâu. Trong thời kì Đinh, Lê, Lý, Trần chùa đã được xây dựng ở khắp nơi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên đã ghi lại: “Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại dùng lại, đổ nát rồi lại sửa lại… Đạo Phật thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng”. Chùa được xây dựng nhiều dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần như trên đã nói những suốt trong các thế kỉ sau, chùa vẫn được tiếp tục xây dựng. Mật độ chùa chiền và mức độ cổ kính nhất vẫn là trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua nhiều thế kỉ tồn tại, qua nhiều lần trùng tu, dáng vẻ bên ngoài của ngôi chùa đã thay đổi nhiều, nội thất và ngay cả đến các pho tượng cũng không còn nguyên thủy, chỉ còn những vật thể bằng đá hay đồng mới không bị hủy hoại mà thôi. Ngày nay còn rất ít chùa mang phong cách kiến trúc và điêu khắc thời Lý, Trần, Lê; phần lớn được tu sửa dưới thời Nguyễn và gần đây đầu thế kỉ XX, nên đã mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

 

Chùa Đọi (Hà Nam)

 

Chùa ở Việt Nam không cao, to, đồ sộ, không lộng lẫy như một số nước xung quanh. Điều đó có thể hiểu được trước hết là do những điều kiện khách quan của thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa bão ngập lụt, không khí luôn ẩm thấp, mà nhân dân lại chỉ dùng những vật liệu xây dựng truyền thống như gỗ, gạch, ngói. Các chùa xây dựng ở đồng bằng không gần các núi đá nên đã không sử dụng thứ vật liệu này, hơn nữa nhân công trước đâyở các làng mạc cũng không có nhiều. Thường thường mỗi làng xây một chùa riêng, ít có chùa to chung cho cả một vùng, Vì vậy không thể huy động một số nhân công đông đúc được. Các vật liệu vĩnh cữu trong xây dựng như sắt thép, xi măng chưa dược sử dụng (kể cả các cung điện của vua chúa). Các chùa còn lại đều được xây dựng dưới thời phong kiến khi Nho giáo đã có địa vị chính thống nên việc xây dựng có thể đã không được sự khuyến khích của các quan lại, không được phép huy động nhiều tài lực, vật lực của cả một vùng rộng lại phải tuân theo những hạn chế của luật lệ như không được xây to, cao hơn dinh thự của quan lại và cung điện của vua chúa. Một lí do nữa có thể là do các nhà sư khi đứng ra xây dựng, do thấm nhuần giáo lí nhã Phật: mỗi chúng sinh đều bình đẳng, Phật không muốn đứng trên các sinh linh, cùng với mọi người chia sẻ những đau khổ trên thế gian này.

Vẻ đẹp của ngôi chùa Việt Nam trước hết ở chỗ hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh. Hầu hết các chùa ở vùng trung du đều được xây trên các triền núi hoặc lấy núi làm chỗ dựa. Chùa Thầy được xây dựng trên núi Thầy, chùa Tây Phương được xây trên núi Câu Lậu, chùa Phật Tích được xây trên triền núi Lạn Kha, chùa Dạm trên núi Dạm, chùa Quỳnh Lâm trên núi Tiên Du. Chính cảnh quan của những ngôi chùa vùng Kinh Bắc trước đây đã được dùng làm nền phong cảnh cho những cuốn tiểu thuyết như “Hồn bướm mơ tiên”, “Tiêu Sơn tráng sĩ”… đã làm rung động tâm hồn yêu thiên nhiên của những người đọc. Chữa Hương Tích là một quần thể gồm nhiều chùa như chùa Giải Oan, chùa Tuyết, chùa Hình Bồng… đã được xây dựng trên dãy núi Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là một sự kết hợp tuyệt vời giữa chùa và cảnh quan, đã góp phần nâng cao ý nghĩa thiêng liêng của chốn thờ Phật và gợi lên trong tâm hồn người vãng cảnh chùa một cảm giác tôn kính ngưỡng mộ và tin tưởng. Chùa Côn sơn ở Chí Linh, Hải Dương cũng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng; trên dọc đường dài từ chân núi đi lên đã có tới hơn 20 kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, có núi cao hồ rộng, suối trong, có thông reo vi vu quanh năm, có thảm rêu mịn mượt, có ghế đá tự nhiên, có bàn cờ tiên huyền thoại…

Nhiều chùa khác nữa như chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn, chùa Hướng Nghiêm trên núi Càn Ni ở Thanh Hóa; chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh, chùa Bà Đen trên núi Bà Đen ở Tây Ninh… Chùa và núi hình như không thể tách rời. Có lẽ vì vậy nên chúng ta thường nói: lên chùa.

Một điều nữa cũng dễ nhận thấy là các chùa Việt Nam thường gắn bó với sông nước, hồ ao. Ở vùng đồng bằng, không có núi, chùa thường được xây dựng trên một gò cao ở cạnh làng, cách xa nhà dân một chút để phân biệt cõi Phật với cõi trần, bên cạnh chùa thường là những đầm sen, hồ ao hoặc sông đào. Chùa Đọi dược xây trên núi Đọi ở Duy Tiên, Hà Nam có: “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng, mặt sông như lụa biếc dải ra. Lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan, dạng núi như gấm xanh thêm sáng. Bên hữu chùa lên bình nguyên trông tới lũy xưa Càn Hưng, bên tả men theo sông quanh hàn thủy để ra khơi…” (Thượng thư Nguyễn Công Bật). Trên đất Thăng Long khi xưa, chùa Hòe Nhai được xây bên bờ sông Hồng, cạnh bến Đông Bộ Đầu, chùa Trấn Quốc cũng ở bãi ven sông Hồng, sau được chuyển đến trên một hòn đảo nhỏ của Hồ Tây, bốn bề bao bọc, quanh năm sóng vỗ. Chùa Một Cột ở tây bắc kinh thành, không gần sông nước, cũng được xây trên ao thiêng Linh Chiểu. Tháp Báo Thiên được xây trên một gò cao bên hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 268
    • Số lượt truy cập : 6947245