CÓ MÙA XUÂN NHƯ THẾ
HÀNG CHÂU
Vào ngày Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968, vùng đất miền Nam như bừng tỉnh ngủ. Thế rồi, đàn trực thăng đáp trên tảng đá sân bay trên đỉnh ngọn núi Dinh với áo lính sọc rằn, họ lùa các tu sĩ xuống núi. Ni cô Diệu Hòa bị bịt mắt, đôi ba tháng sau, cô tìm đường về Quan Âm Tu viện - Biên Hòa. Khi thấy yên, từng lúc từng lúc cô về chùa Tây Phương ngọn núi linh thiêng. Ngôi chùa tổ này bị dội bom sụp đổ nhiều lần. Năm 1960, chỉ còn một gian ngói âm dương. Thời gian dài đằng đẳng trong mưa bom bão đạn, rồi chất độc hóa học rải thảm, ngọn núi Dinh chỉ còn thân cây trụi lá một màu vàng của vùng đất chết. Sau năm 1975 hòa bình, rồi mãi đến năm 1980-1990, chùa mới hoàn thành chánh điện.
Ngọn núi Dinh mơ màng xanh thẳm với nhiều tảng đá to như một ngôi nhà hình thành từ đời tạo thiên lập địa xa xôi lắm với những cây dầu, cây Kơ-nia, cây xá xị. Từ lúc chiến tranh chống đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Mỹ nối tiếp, các ngôi chùa bị thiêu rụi trong đạn bom, nhưng với lòng dân ngưỡng mộ đạo Phật, ngôi chùa này bị tàn phá, thời gian ngắn sau lại mọc lên ngôi chùa khác.
Ngôi chùa Tổ đình Tây Phương xây dựng trên sườn đồi Dinh đã qua hơn hai thế kỷ trước với nhiều cây cổ thụ quý hiếm sum suê bao phủ trên nhiều tảng đá to chồng chất. Ai đã có dịp từng bước lên ngọn núi này cũng đều ngạc nhiên bâng khuâng chứa chan tình cảm ngọt ngào. Ni sư Huệ Giác xuống tóc vào chùa đúng ngày 9 tháng Giêng năm 1958, năm cô 19 tuổi.
Người thiếu nữ ấy quê ở Tân Uyên - Biên Hòa, mảnh đất có nhiều người con đứng lên cầm súng giữ nước. Gia đình cô có 5 anh chị em, các anh đều vào chiến khu và Huệ Giác là người con út. Cô gái tuổi trăng tròn duyên dáng ấy là nữ sinh Trường Trung học Gia Long, ngôi trường nữ lớn nhất ở miền Nam. Nhờ siêng năng cần mẫn học tập, cô đã qua chương trình tú tài toàn phần.
Ngôi nhà nhỏ bé của gia đình Huệ Giác ở gần chùa Long Sơn, Tân Uyên. Vào những ngày chủ nhật, cô thường đến chùa nghe thầy giảng kinh hiểu được lẽ sống của kiếp người. Thế rồi, Huệ Giác trốn mẹ đi tu. Từng ngày, từng tháng tiếp thu triết lý Phật giáo, cô thấm thía người sa môn tu hành phải lấy nhẫn làm đầu. Tâm phải như nước trong không chút nhơ bẩn. Cô tâm đắc lúc nào cũng phải học, học để mở mang kiến thức, phải luôn nhớ ông Phật, phải niệm Phật, diệt tham sân si. Tu phải thật lòng, tu cho mình, tâm phải luôn thanh tịnh.
Cô nhớ ngày 9 tháng Giêng, ngày còn thướt tha với tà áo dài trắng, học sinh - sinh viên Sài Gòn kỷ niệm cuộc đấu tranh bất khuất và ngày anh Trần Văn Ơn hy sinh đã ghi vào lịch sử. Huệ Giác trân trọng ghi nhớ ngày ấy và chọn là ngày mình đi theo con đường của đức Phật. Qua năm tháng, Tổ đình Tây Phương chọn ngày 9 tháng Giêng là ngày họp Tông phong của hệ phái.
Mặt trời đã ngả về tây, trên vòm cây cao, tiếng chim im bặt, lũ khỉ quanh chùa ngưng chộn rộn vắt vẻo trên cành cây yên giấc. Trong chánh điện, các ngọn đèn sáng tỏ soi rõ hơn 100 tu sĩ các chùa miền Đông, miền Tây trong hệ phái và các Phật tử về tham dự. Các vị ngồi thẳng hàng, không khí trang nghiêm. Ni sư Huệ Giác với vai trò chủ tọa, tọa lạc ở phía trước, chính giữa.
Bắt đầu buổi lễ, Hòa thượng Thích Giác Quang, trụ trì ngôi chùa Quan Âm Tu viện Đồng Nai Biên Hòa khai mạc. Tất cả chắp tay tụng niệm:
- Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hòa thượng Giác Quang tiếp lời:
- Cung kính đức Thầy, Chư Tôn đức, đại Tăng đại Ni các miền đất nước hội tụ về Tổ đình để tông môn tỏa rộng muôn phương soi rọi lại những việc đã làm năm Bính Thân và phương hướng năm Đinh Dậu.
Rồi giới thiệu các Hòa thượng tham dự, các Ni sư Ni trưởng, đại Tăng đại Ni của Tịnh độ Non Bồng. Mọi người chắp tay, tưởng niệm các vị đã mất, niệm Phật ba lần. Rồi tiếp tục giới thiệu công tác Phật sự của các chùa.
- Quan Âm Tu viện đã làm từ thiện trên 4 tỉ đồng. 3.000 người nhận quà trên 1 tỉ rưỡi vui xuân năm ấy. Đề nghị thường xuyên mở lớp giáo lý cho Phật tử trong thời gian một tuần lễ.
Rồi lần lượt các chùa nối tiếp nhau trình bày sự đóng góp của mình cho xã hội.
- Chùa Nhất Nguyên Bửu tự - Lái Thiêu, trong năm qua kết hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương tặng cho dân nghèo 100 phần quà, giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt thiên tai.
Vị tu sĩ trụ trì chùa Phước Ân - Tân Trụ Long An phát biểu:
- Mỗi tháng mở bát quan trai và luôn luôn làm công tác từ thiện. Đã cho 50 triệu đồng, chia sẻ với người dân nghèo lam lũ 2.000 phần quà.
Về Đạo tràng Liên Hoa, niệm Phật tụng kinh mỗi chủ nhật với số Phật tử tham dự rất đều, 200 người. Duy trì lớp học tình thương, lo cơm áo, chi phí cho giáo viên.
Ngôi chùa thuộc hệ phái ở quận 8, cũng luôn nặng lòng xây nhà tình thương. Cấp đều đều mỗi tháng 4 lần, 4 tấn gạo từ thiện. Chi phí mỗi năm là 4 tỉ rưỡi.
- Chùa Hiệp Khánh - Bình Dương cố gắng tinh tấn tu hành, thường xuyên tham gia công tác từ thiện.
- Chùa Bình Sơn - Phan Thiết chi từ thiện 1 tỉ.
- Chùa Hoàng Ngọc đề nghị giữ hàng năm họp Tông phong. Các chùa nên đóng góp mỗi năm cho Quan Âm Tu viện nuôi người già neo đơn, giúp cho các chùa khác xa xôi tiếp sức tu…
***
Qua khung cửa sổ, ánh trăng len lỏi lấp lánh trên cành lá, sắp đến rằm tháng Chạp báo hiệu mùa xuân theo luật tuần hoàn của vũ trụ lại về. Bất chợt có tiếng dế nỉ non trong trẻo đáng yêu nơi khu rừng già. Không gian se se lạnh. Cả hội trường bao quanh những chiếc áo vàng của người tu sĩ, gương mặt toát lên nét hiền hòa với vóc dáng thanh thoát, thâm trầm. Những người con đi theo bước chân của đức Phật Như Lai bao năm tháng đã thấm nhuần trái tim nhân ái, bao dung. Cái ta nhỏ bé từ từ rời bỏ đi xa.
Năm 1968, rừng núi Dinh bị quân xâm lược rải thảm bom đạn, chất độc hóa học, cây trơ cành, cả vùng núi màu vàng không còn chiếc lá. Ngày hòa bình 1975, những người tu sĩ Tổ đình Tây Phương cùng nhau gieo trồng cây phủ lấy màu xanh. Rồi có những chiến sĩ ngày ấy trở về thăm núi Dinh, từng bước chân họ nhìn ra con đường bé xíu quanh co ngày xưa ở chùa Hang Mai, chùa Hang Tổ, hang Hàm Rồng - Bưng Lùng như văng vẳng xa xôi bài ca “Kết đoàn” rộn ràng ngày chiến thắng. Tất cả đều nhớ ơn Hòa thượng Thiện Phước giả dạng như một tiều phu, len lỏi trong rừng cây, hang sâu giữ núi. Đôi ni cô âm thầm chăm sóc các thương binh.
Thật tuyệt vời những người con Việt Nam với dòng giống Lạc Hồng. Màu vàng của chiếc áo nhà tu chân chính chan hòa cùng những cánh mai vàng ở ngọn núi Dinh tô điểm sắc xuân tuyệt đẹp.
Vâng! Có mùa xuân như thế.
Bình luận bài viết