CỐ THƯỢNG TỌA THÍCH VIÊN THÀNH
VÀ DÒNG TRUYỀN THỪA DRUKPA Ở VIỆT NAM
NCV. NGUYỄN THỊ THANH XUYÊN*
“Niết bàn và thế gian không có gì sai biệt,
Thế gian và Niết bàn cũng không có gì sai biệt,
Niết bàn và thế gian chúng không hai, không khác”
Mượn lời của Đại sư Long Thọ khi giải thích về Niết bàn, là trú xứ mà hành giả đang tu trì luôn muốn hướng đến, là cõi mộng của chúng sinh muốn diệt khổ. Thế nhưng Niết bàn không ở nơi xa xôi, không ở trong cõi thiêng mà ở ngay chính nhân gian này. Vì vậy mà, “Không có chứng đắc, cũng không có đạt đến, không có sinh cũng không có diệt, không có thường cũng không có đoạn, gọi đó là Niết bàn”[1].
Việc khởi xướng tính Không và con đường nhận thức tính Không để có được trí tuệ đại diệu lạc là một trong những hành trình của Nhân thừa - Quả thừa. Song hành giữa tu tập tâm tính Không và lòng từ bi trong truyền thống Kim Cương thừa được xem là tinh diệu, tinh hoa của Phật pháp. Điều đó được thể hiện qua con đường của Mật tông Tây Tạng (dòng truyền thừa Drukpa) đến nước ta bằng tâm nguyện quảng đại từ bi của cố Thượng Toạ Thích Viên Thành đã để lại những dấu ấn quan trọng bậc nhất trong lịch sử Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam.
I. CON ĐƯỜNG TU TẬP
Dòng truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Đức Phật Nguyên Thủy Kim Cương Trì (Vajradhara), Ngài là Chủ của một trăm Phật Bộ, thể hiện tính chất hợp nhất, bất phân ly. Dòng truyền thừa này tiếp tục không gián đoạn cho đến đức Drogon Tsangpa Gyare Yeshi Dorje (1161-1211) quyết định đặt tên dòng truyền thừa là Drukpa khi nhìn thấy chín rồng thiêng, là hoá thân của các Đại Thành Giả Ấn Độ. Tất cả những hóa thân kế tiếp của ngài đều có danh hiệu là Gyalwang Drukpa. Truyền thừa Drukpa nhất quán thanh tịnh về động cơ, thực hành và hồi hướng cùng với những pháp tu trì cao thâm, dẫn dắt chúng sinh phát khởi lòng từ bi, có một đời sống an bình và trí tuệ.
Truyền thừa Drukpa bắt nguồn từ truyền thống Kim Cương thừa, là một trong những phương pháp tu tập có ảnh hưởng mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia ở vùng núi Hymalaya.
Theo Tenzin Gyatso, Kim cương thừa được xem là một trường phái Phật giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 5, 6 tại Bắc Ấn Độ. Kim cường thừa bắt nguồn từ Đại thừa và có thêm những phương pháp tu học huyền bí khác. Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính Mật giáo, gồm các yếu tố của phép Du già và các tôn giáo thiên nhiên của Ấn Độ trộn lẫn với tư tưởng Phật giáo.
Việc tu tập phụ thuộc vào căn cơ của mỗi hành giả. Nếu tâm thức của hành giả chưa đạt được độ chín muồi khi nhận thức về khổ; vô thường; quy y; lòng từ bi và Tính Không thì rất khó để tiếp tục tu tập về Mật thừa, Kim cương thừa. Vì vậy, nếu muốn tu tập Mật thừa nhất thiếu phải giác ngộ những căn tính cơ bản nhất làm nền tảng để phát triển trí huệ cao siêu, là con đường đi đến tính thống nhất trong tâm thức, bất phân ly giữa trí huệ đại diệu lạc và Tính Không.
Có nhiều phương tiện và cách thức tu tập để đạt đến sự giác ngộ, song ở đây, phương tiện quan trọng nhất chính là khởi phát lòng từ bi vô hạn, chỉ có tu tập vì lợi lạc chúng sinh mới mau chóng tích lũy lấy điều thiện, tiêu trừ dần ác nghiệp.
Các luận giải quan trọng trong truyền thừa Drukpa là luận giải về lòng từ bi và tính bất phân ly giữa phương tiện tu tập và trí huệ.
Sự chứng ngộ là điều kiện cơ bản để thiết lập nên dòng truyền thừa. Giác ngộ tối thượng chính là chứng ngộ về sự hợp nhất giữa lòng từ bi và tính Không. Ngược lại, lòng từ bi là cứu cánh, là phương tiện thiện xảo để đạt được sự chứng ngộ hợp nhất. Nếu không có lòng từ bi sẽ không đi đến đích của quá trình khổ công tu tập, không hưởng được sự gia trì cần thiết để đi đến sự giác ngộ. Lòng từ bi phải được thực hành một cách hài hòa với tính Không, căn tính cơ bản của phép biện chứng phủ định.
Lòng từ bi không đơn thuần là lòng xót thương hay tha thứ. Nếu nhận thức lòng từ bi như là tình thương hại, sự trỗi dậy của lòng trắc ẩn, bi thương và tội nghiệp đối với những cảnh cùng khổ, thương tâm thì đó chưa phải là Chân từ bi. Trong con đường Trung đạo, cần có sự phân biệt giữa Tục đế và Chân đế, chỉ khi nào nhận thức được tính Không mới đi đến được với chân lý. Lòng từ bi cần được nhận thức trong sự hiểu biết đầy đủ về tính Không, tức là lòng từ bi phải kết hợp với trí tuệ. Nói cách khác, lòng từ bi được hiểu như sự phủ định mọi ham muốn và hướng đến cối lõi đích thực của sự sống và trí tuệ. Tính Không, một loại thể tính luôn tự phá hủy chính nó, phá hủy liên tục, không có bất cứ sự bám víu hay tồn tại tĩnh nào vì mọi ý niệm luôn luôn biến đổi và phát triển ở dạng phủ định hoặc phủ định của phủ định, có nghĩa là khẳng định. Để hiểu về tính Không cần thiết phải hiểu ý nghĩa của Duyên khởi, hai mặt của một thực tại, tính Không là bản chất tuyệt đối của Duyên khởi, Duyên khởi là mặt hiển thị của tính Không, bản thể của “Không tự tính”. Hai dạng thức này là biểu hiện về ngôn ngữ của Tục đế và Chân đế. Những quá trình vận động, những kết cấu để hình thành nên hiện tượng thực tại như dòng suối, cánh rừng, đồng ruộng… về bản chất những dòng suối, cánh rừng, đồng ruộng kia chỉ mang tính chất tạm thời, để hình thành được chúng cần phải có “duyên hội”, nhưng sau đó những thực tại kia tiếp tục bị phủ định; mọi vật, hiện tượng và cả tư duy đều có ý nghĩa vô thường, do vậy những thực tại bám víu vào “hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đổng, dị, khứ, lai” đều là sai lầm.
Nhận thức và hiểu được tính Không thì mới có thể phát nguyện lòng đại từ bi vô hạn định. Thương tâm vì cái chết hay sự khổ đau trên thế giới đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về Khổ đế, khi đó khởi phát lòng bi thương xót vì giới hạn hiểu biết của chúng sinh trong vòng tham, sân, si thì mới đạt đến Chân từ bi. Nếu một người tu tập vì muốn đạt đến cảnh giới Niết bàn mà không biết rằng Niết bàn chính là ở trong nhân gian, một người tu hành ép xác để tu tập chân lý mà không biết cách thiền định được tâm thức, đó chính là tham vọng trong cõi vô minh, vì vô minh mà con người vướng bận với đau khổ, lòng từ bi của vị Đại Bồ Tát phát khởi thương chúng sinh trong cõi vô minh là Chân từ bi. Tuy nhiên, trong mỗi Tục đế và Chân đế thì đều có con đường Trung đạo, và Trung đạo là con đường mong manh nhất dẫn đến trú xứ của Niết bàn. Để tránh rơi vào cực đoan trong việc nhận thức và khởi nguyện lòng từ bi, bố thí vô hạn thì phải đi trên con đường Trung đạo và thấu hiểu Nhị đế (Tục đế và Chân đế) là bất khả phân, nếu chỉ chấp nhận một trong hai sẽ rơi vào phiến diện.
Con người sẽ chẳng thanh thản và bình an nếu không có lòng từ bi, và cuộc sống sẽ không an hưởng trọn vẹn nếu không phát khởi lòng từ bi. Không có bất kỳ một phương tiện nào thay thế cho lòng từ bi, dù hàng ngàn hàng vạn phương tiện tu tập cũng không thể bỏ qua tâm đại từ bi vô lượng. Công hạnh của lòng từ bi hướng chúng sinh thoát khỏi khổ đau, đi đến sự giải thoát, mọi thuyết pháp chỉ là phương tiện, là Tính Không, lòng từ bi phải vượt qua được những hiện hữu bền ngoài để đi đến sự thanh tịnh tuyệt đối.
Sự thanh tịnh được thể hiện ở động cơ, tâm linh và quá trình quán tưởng. Trong quá trình tu tập theo truyền thống Kim Cương thừa, hành giả phải bắt buộc có tâm thanh tịnh, dù ở mức độ rèn luyện nào cũng phải bắt nguồn từ một động cơ trong sạch. Vì những quy định nghiêm ngặt này, những hành giả bước đầu nhận thức đã rất khó, càng khó hơn khi tu tập lên cao, ở đó phải có đủ trí tuệ để quán tưởng về Tam Không Luân tịch. Về mặt diễn đạt ngôn ngữ, tính Không có vẻ màu nhiệm, nhưng thật chất nó là hiện thực của những gì hành giả đang làm và đang hướng đến. Việc tu tập là không có thật, sự hiện hữu của đức Phật trong tâm thức là không có thật và công đức tích luỹ cũng là không có thật.
Do vậy, sự phóng thích mọi tư tưởng của tính Không có giá trị vô cùng sâu sắc, nếu hành giả nhận thức được những gì đang làm, thì điều đó cũng có nghĩa là hành giả cũng không làm điều ấy, vì hiện tại là nỗ lực mong manh của quá khứ và vị lai. Chứng ngộ được điều ấy dẫn đến tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sẽ dễ dàng được giải thoát. Tuy nhiên, truyền thống Kim Cương thừa lấy việc tu tập để giải thoát cho chúng sinh, do vậy mà sự chứng ngộ và siêu thoát phải vì chúng sinh, sự quán tưởng và hồi hướng nhằm giúp cho chúng sinh thoát khỏi trầm luân khổ ải. Và do vậy, cũng chính là việc tích luỹ công đức không những trong một kiếp mà nhiều kiếp của hành giả luôn được tiếp tục không ngừng.
Giữa phương tiện tu tập và trí tuệ là bất khả phân, chúng bao gồm trong một thực thể nhất định, là hai phương diện khác nhau của một tâm thức. Phương tiện thực hành là một nhân thừa, còn trí tuệ đạt được do nhận thức tính Không là một Quả thừa. Tính bất khả phân này là con đường dẫn đến đạt được trí tuệ hoàn thiện.
Do giới hạn về nhận thức của chúng sinh, đức Phật đã đơn giản hoá các thuyết pháp của mình, đó là phương tiện để cứu vớt chúng sinh. Sự hoá thân theo nhiều hình tướng của đức Phật giúp người tu tập tuỳ theo căn cơ của mình mà có thể thực hiện các mức độ nghi quỹ khác nhau:
- Pháp tu trường thọ: Đức Phật Trường Thọ[2];
- Nghi quỹ Lục độ Phật mẫu Tara: mang lại cát tường và thành tựu;
- Nghi quỹ Liên Hoa Sinh: hỗ trợ và tiêu trừ những chướng ngại…
Khi hành giả chưa nhận thức được cảnh giới bất nhị, đức Phật hoá thân ở nhiều hình tượng khác nhau, tất cả đều là do tâm thức của người hành giả phân biệt. Thực chất, theo luận giải của tính Không, tất cả mọi vật đều hợp nhất, sự hợp nhất mười phương chư Phật trong hình tướng của một vị thượng sư giác ngộ. Trong hình tướng đức Phật Kim Cương Trì có khi được vẽ với màu xanh đậm (tượng trưng cho tính Không), có khi tranh tượng vẽ Ngài hợp nhất với nữ thần sắc trắng (tượng trưng cho nhất thể), trong phép Đại thủ ấn thì thân của Ngài là Báo thân đóng vai trò trung tâm. Có thể thấy, trong truyền thống Kim Cương thừa, sự quán tưởng không thể phân biệt giữa ta và người, giữa đức Phật này với đức Phật kia. Sự hợp nhất giữa một hình tượng cụ thể với hình tượng một đức Phật là nguyên lý căn bản để hợp nhất giữa trí tuệ và tâm giác ngộ. Mọi hình tượng của thực tại có ý nghĩa tạm thời, mọi sự quán tưởng là không thật, quan trọng nhất là tâm giác ngộ của hành giả, của Thượng sư dẫn dắt và của chư Phật phải hoà làm một. Khi ấy, hành giả mới thật sự tiếp cận đến chân lý, mọi công đức và quá trình tích luỹ nghiệp thiện dần dần được tăng lên.
Có rất nhiều phương tiện và nhiều cách thức quán tưởng khác nhau, tuỳ thuộc vào nhu cầu tu tập, có rất nhiều lựa chọn để thực hành các nghi quỹ khác nhau. Đi vào tu trì cẩn thận theo nghi quỹ là cách tốt nhất để vượt qua cảm giác của sự phân biệt đơn thuần của thực tại, vượt qua hình ảnh phản chiếu của tâm thức để đi đến bản chất hợp nhất tuyệt đối. Nhìn chung, về quan niệm Kim Cương thừa và Đại thừa không khác nhau, đó là những “cỗ xe lớn” có thể giúp cho chúng sinh trên toàn cõi thấu hiểu và đến với quá trình tu tập mà không có bất kỳ một sự cản trở nào về mặt nhận thức, mỗi người tuỳ theo nhu cầu và khả năng trí tuệ có thể chọn một cách thức tu tập phù hợp.
II. THƯỢNG TỌA THÍCH VIÊN THÀNH VÀ TÂM NGUYỆN PHÁT TRIỂN DÒNG TRUYỀN THỪA DRUKPA Ở VIỆT NAM
Mật Tông được truyền vào nước ta từ thời phong kiến, đầu tiên là ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinataruci), người Nam Ấn Độ đã dịch Kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Có thể nói, Mật tông truyền vào nước ta ngay từ buổi đầu không qua con đường Trung Hoa hay Nhật Bản mà trực tiếp từ Ấn Độ, đấy là con đường nguyên bản, nước ta thời phong kiến đã có nhiều vị pháp sư tài ba giỏi phép thuật của Đạo giáo lẫn ấn chú của Mật tông.
Khi nước ta bước vào giai đoạn có chủ quyền độc lập thời Đinh - Tiền Lê, Mật tông đã phát triển khá mạnh. Ngoài ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, còn có ngài Mahamaya (người Chiêm Thành), ngài Sùng Phạm mở trường dạy tại chùa Pháp Vân; sau đó là nhà sư Từ Đạo Hạnh giỏi phù chánh, sư Vạn Hạnh, Thiền Nham… Ngoài ra thiền sư Không Lộ, Giác Hải cũng là những bậc chân tu giỏi Mật giáo. Dấu ấn của Mật tông thể hiện khá rõ trong tư tưởng và các phương pháp bí truyền Mật giáo, để lại những giai thoại với tính chất màu nhiệm. Tuy nhiên, Mật tông truyền thống của nước ta có nhiều điểm rất khác so với Tây Tạng, về cơ bản nước ta nằm ở ngã đường giao lưu văn hoá Nam - Bắc, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trên chặng đường đó, sự tích luỹ của chúng ta vẫn thiên về lựa chọn những cái phù hợp với đặc điểm của người Việt. Nội lực của tư duy Việt đã dung hoà tất cả những ảnh hưởng ngoại lai từ văn hoá, văn học cho đến tôn giáo, tín ngưỡng. Mật tông ở nước ta bị ảnh hưởng nhiều bởi Đông Mật (Trung Quốc và Nhật Bản). Vì vậy, sự có mặt của dòng truyền thừa Drukpa ở Việt Nam do cố Thượng toạ Thích Viên Thành nỗ lực truyền bá là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất để tiếp nối truyền thống Mật tông của nước ta từ thời phong kiến và hướng tới con đường tu tập theo đúng nguyên mẫu của Mật tông Tây Tạng.
Cố Thượng tọa Thích Viên Thành, viện chủ chùa Hương và chùa Thầy. Ngài sinh năm 1950, quê ở Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Ngài sớm thấu hiểu mọi lẽ vô thường của tạo vật và nhân gian nên đã xuất gia quy y cửa Phật từ khi còn là một cậu bé mới 12 tuổi.
Năm 15 tuổi, Ngài được Sư tổ Thích Thanh Chân, động chủ Hương Tích động thu nhận làm đệ tử. Năm 19 tuổi, Ngài thụ giới Sa Di. Năm 22 tuổi Ngài được đăng đàn thụ Cụ túc, viên mãn Tam đàn giới pháp tại Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hà Sơn Bình cũ (nay là một số huyện của Hà Nội và Hoà Bình). Tiếp đó, Ngài đi học tại chùa Quán Sứ (niên khoá 1973-1976).
Trong suốt những năm tháng học hành và tu tập, Ngài là một người rất xuất sắc về học vấn và tinh nghiêm về Giới luật. Bằng tinh thần vô úy vị tha, Ngài đã đem ánh sáng của Đức Phật truyền bá, giác ngộ và đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni trẻ thành công. Với sự tinh anh và đức khiêm nhường, Ngài đã lĩnh hội được những tinh túy và trí huệ đại diệu lạc của Phật pháp, Ngài quan niệm chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân chính nhất của người xuất gia, vì vậy Ngài rất chuyên tu vào việc nghiên cứu, dịch thuật, trích tác… và đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc, có giá trị khảo cứu và dịch thuật.
Với tâm nguyện hoằng hóa độ sinh cứu vớt chúng sinh, Ngài không ngừng tu bổ và thắp sáng truyền thống Kim Cương thừa ở nước ta. Từ những năm của thập niêm 90 của thế kỉ 20, Ngài đã sớm phát nguyện kết nối với các bậc thầy tu chứng của truyền thống Kim Cương thừa. Theo tác giả Quảng Kiến trong Hành trình Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam, vào năm 1992, theo lời mời của ngày Đại sứ Anh tại Bhutan, Ngài đã đến Bhutan. Ngài đã hạnh ngộ và thọ pháp với bậc Kim Cương Thượng sư truyền thừa Drukpa là Đức giáo chủ Je Khenpo, Ngài đã được truyền Quán đảnh cốt tuỷ từ truyền thừa Drukpa và từ bậc Thầy. Với sở học uyên thâm, lòng từ bi vô hạn, giới đức trang nghiêm, Ngài đã mang những tinh tuý và giáo pháp chân chính bậc nhất của Kim Cương thừa về truyền dạy cho các đệ tử tại Việt Nam. Vì vậy, năm 1992 được xem là thời điểm đầu tiên Mật tông Tây Tạng có truyền thừa chính thức đến Việt Nam do sự truyền dạy của cố Thượng tọa Thích Viên Thành.
Là người khai sáng và có công rất lớn trong việc dẫn dắt một dòng truyền thừa tại Việt Nam, nhưng những đệ tử không còn nhiều cơ hội để học hỏi từ người Thầy đáng kính, Ngài đã viên tịch vào năm 2002, trụ thế 53 năm, hạ lạp 32 năm. Ngài đã để lại di sản là tâm nguyện phát triển dòng truyền thừa Drukpa tại nước ta. Tâm nguyện ấy cuối cùng đã thành hiện thực. Với sự nỗ lực của các đệ tử, năm 2004 Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa (bậc lãnh đạo tâm linh tối thượng của truyền thừa Drukpa tại Ladakh) đã sang nước ta (theo Vô uý[3]). Tiếp đó là các năm 2007, 2008 và 2010, Đức Pháp vương đã khai thị, quán đảnh, khâu nguyện và nghi quỹ tới nhiều Phật tử tín tâm. Năm 2010, Pháp vương Gyalwang Drukpa thứ XII và tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm khắp ba miền đất nước, gợi mở trí tuệ và tình yêu thương đến mọi người. Ngài đã hoằng hoá tại Vĩnh Phúc, ban truyền quán đảnh và cầu quốc thái dân an. Ngài mang đến thông điệp hoà bình, thịnh vượng, trí tuệ và các bài giảng pháp hướng dẫn cách thức tu tập kỹ lưỡng, hướng con người vào cuộc sống an bình, trí tuệ và từ bi.
Tới đây, truyền thừa Drukpa tại Việt Nam đã được ân phước gia trì một cách chính thống từ một Bậc Thượng sư chân chính. Dòng truyền thừa này liên tục được kế tiếp qua nhiều Bậc Thượng Sư trong 800 năm phát triển, các vị thượng sư không ngừng nỗ lực để phát triển dòng truyền thừa ra các nước trên thế giới, nhưng để có duyên hạnh ngộ tiếp nhận dòng truyền thừa là điều không dễ dàng. Nếu không đón nhận trực tiếp dòng ân phước đó từ một dòng truyền thừa chính thống thì sẽ không thể tu tập thành công.
Hiện nay, có một số tự viện ngoài miền Bắc đã thiết lập dòng truyền thừa Drukpa. Ở một số các tỉnh thành trong cả nước cũng đang có các hành giả tu tập dòng truyền này như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Việt Trì, TP.HCM, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau…
Theo tác giả Quảng Kiến, trong quá trình truyền bá Mật tông của Tây Tạng của cố Thượng toạ Thích Viên Thành có một số nét khác biệt với Mật tông Tây Tạng như trì tụng chú Đại Bi, Chuẩn Đề; trong khi đó tại Tây Tạng người ta chỉ thực hành câu thần chú của Quan Thế Âm Thập Nhất Diện. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân, trong thực tế, các hành giả khác của Mật tông tại Việt Nam ở miền Nam cũng trì tụng câu chú Đại Bi, Chuẩn Đề, Đại Bi. Chuẩn Đề được xem là chân ngôn của Phật pháp.
Thành quả mà Ngài Thượng toạ Thích Viên Thành đã để lại cho sự phát triển của dòng truyền thừa rất lớn, sau nhiều năm thầy qua đời, dòng truyền thừa Drukpa vẫn tiếp tục bám rễ và phát triển ở miền Bắc và hứa hẹn nhiều sự hạnh ngộ của hành giả với các Bậc Thượng sư chân chính.
Với công lao là người đưa dòng truyền thừa Drukpa vào Việt Nam, mở đầu cho một thời kỳ mới của việc tu tập Mật tông Tây Tạng một cách chính thống. Sự đóng góp của Thượng Toạ Thích Viên Thành thể hiện ở những điểm sau:
- Thừa hành các nguyên lý tu tập cơ bản của Mật tông truyền dạy cho các đệ tử, khởi phát tâm thức thanh tịnh, lấy nguyên lý “từ bi” làm trọng tâm chính yếu của quá trình hoắng hoá.
- Ngài đã không ngừng góp phần tạo nên những kết nối và những hạnh ngộ của Phật giáo nước ta với các Bậc Đại trí từ các nơi trên thế giới, tạo cho dòng truyền thừa không những có chỗ đứng ở Việt Nam mà còn liên kết chặt chẽ với thế giới Hymalaya, với Tây Tạng, và với Bhutan. Nhờ có sự liên kết và hạnh ngộ này mà công đức và tu tập của các hành giả luôn được tích luỹ và giác ngộ ở con đường trí tuệ.
- Qua việc phát triển dòng truyền thừa ở Việt Nam góp phần tạo cầu nối giao lưu văn hoá nghệ thuật của nước ta với thế giới Tây Tạng. Phật giáo là cầu nối văn hoá và nhân ái đến với chúng sinh trên toàn cõi.
Sự đóng góp của Phật giáo nói chung và dòng truyền thừa Drukpa nói riêng rất đáng trân trọng, tất cả đều phục vụ cho mục đích tìm kiếm một cuộc sống bình an, trí tuệ và thanh tịnh của chúng sinh. Hiện nay, xu hướng thế tục hoá của Phật giáo đã và đang lấn át xu hướng nhập thế của Phật giáo truyền thống. Sự dung hợp trong tam giáo đã làm phai mờ những chân giá trị vốn có. Phương tiện mà Đức Phật đã sử dụng để chúng sinh nhận biết chân lý có lẽ có bị xu hướng này làm mất hiệu lực. Nhiều nơi, các vị tu sĩ, các kinh sư đảm nhận đa chức năng, lắm vai trò, từ tụng kinh, bắt quyết, trừ tà, cầu tự, làm đám…[Nguyễn Duy Hinh: 1998]. Trước xu thế này, việc đòi hỏi tâm thanh tịnh và thiền định là yêu cầu vô cùng quan trọng để trả lại những giá trị chân lý của Phật pháp. Vì lẽ dĩ nhiên đó, dòng truyền thừa Drukpa đã đáp lại những đòi hỏi của tâm nguyện các hành giả và các bậc chân tu. Phải có một truyền thống Kim Cường thừa được chứng ngộ bởi các Bậc Thượng sư và được trao truyền tại nước ta.
Phật phổ độ chúng sinh trên toàn thế giới, nhưng nhìn suốt trong chiều dài phát triển của Phật giáo, dường như Phật giáo đang ngày càng mất vị thế của mình ngay tại quê hương, tại nguồn cội phát sinh ra Phật giáo mà đang phát triển rất mạnh mẽ ở phương Tây. Điều gì có thể giải thích cho vấn đề này? Đó là xu hướng phát triển tất yếu của Phật giáo chăng? Các dòng truyền thừa của Mật Tông Tây Tạng lại đang được cả thế giới biết đến với các pháp tu truyền thống, một thời là bí truyền đối với những ai chưa đạt đến căn tu cần thiết. Ở nước ta, liệu văn hoá và tính cách của người Việt là rào cản hay là động lực để phát triển Mật Tông? Ở nước ta, quá trình hỗn dung văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng diễn ra rất mạnh mẽ, đó là động lực cần thiết để tiếp nhận những yếu tố mới, song cũng là yếu tố bất lợi vì thiếu sự chọn lọc và dễ chạy theo tính chất thực dụng bề ngoài. Xu hướng thế tục hoá và hiện thân của sự dung hợp Tam giáo qua hình tượng “ông tăng” là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thực dụng ấy.
Kim Cương thừa là đỉnh cao trong tiến trình tu tập, mà trước hết phải trải qua nền tảng giáo lý của Đại Thừa và Tiểu Thừa, hiểu rõ các nguyên lý cơ bản về Tính Không, Trung Đạo, Khổ đế, vô thường, vô ngã… Nhưng không phải ai cũng đủ căn cơ để tu tập ngay từ đầu mà phải có một quá trình rèn luyện không ngừng, một bản lĩnh và trí tuệ lớn đủ để nhận thức mọi đường hướng của Phật pháp, nhìn thấy thuyết pháp nhưng lại không phải thuyết pháp, thấy phương tiện nhưng lại không phải phương tiện, thấy Phật nhưng không phải Phật. “Nhất thiết pháp là không”, pháp mà Phật thuyết giảng chỉ là phương tiện, mà phương tiện chỉ là Tục đế. Vì thế, Long Thọ đã nói rằng: “Chính vì bản chất của các pháp đều do duyên khởi, nên tôi nói là Không, là Giả danh và cũng là Trung Đạo”. Để hiểu được tường tận mọi điều thuyết giảng của Phật pháp không dễ, cho nên việc tu tập cũng cần các động lực và căn cơ khác nhau. Đối chiếu điều này trong thực tế của truyền thống Kim Cương thừa tại nước ta, số hành giả tu tập chỉ mới xuất hiện ở một số tỉnh thành trong cả nước, có nhiều hành giả khổ công luyện tập và có cơ hội hạnh ngộ với các bậc Thầy của Tây Tạng. Mặc dù với hơn 1000 năm bén rễ trong văn hoá nước ta nhưng phải đến khi cố Thượng toạ Thích Viên Thành nhận lễ quán đảnh từ các Bậc thượng sư tại Bhutan thì dòng truyền thừa Drukpa theo truyền thống Kim Cường thừa mới thật sự ảnh hưởng trực tiếp và có tầm quan trọng trong con đường hoằng hoá Phật pháp.
LỜI KẾT
Mở đầu và kết thúc của một thanh âm cũng là mở đầu cho một công phu thiền quán và kết thúc là sự tự do, tự tại. “Om Mani Padme Hum” là một âm thanh như vậy, câu thần chú ẩn chứa một năng lực thiền định mạnh mẽ, gợi mở về một tâm nguyện giác ngộ tối thượng, về sự chứng ngộ cần thiết, là điều kiện tiên quyết để tu tập theo truyền thống Kim Cương thừa. Lòng từ bi và trí tuệ vừa là phương tiện vừa hợp nhất trong tâm thức để đạt được đạo hạnh.
Hà Nội, tháng 03 năm 2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tenzin Gyatso (2009). Mật tông Tây Tạng, Nxb Phương Đông.
2. Nguyễn Duy Hinh (1998). Về hai đặc điểm Phật giáo Việt Nam, trong Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên). Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội.
3. C.Alexander Simpkins, Annellen Simpkins (Thích Minh Thành dịch) (2007), Ánh sáng Mật tông: Con đường tâm linh Tây Tạng, Nxb Phương Đông.
4. Thích Huệ Đăng (2011). Tổng luận Mật tông, Nxb Tôn Giáo.
Bình luận bài viết