CÕI NHỚ
ĐỖ HỒNG NGỌC
Tôi nhớ, khoảng cuối năm 2011, tôi thường đến Xá Lợi viếng cảnh chùa và thăm thầy Đồng Bổn, nhà thơ Chiêu Đề. Thầy ngồi ở góc phòng trò chuyện với vài người bạn thân, sau lưng có một tấm bảng to đề chữ “Thôi Kệ”. Thầy mời tôi ly cà phê và nói đây là “Quán café Thôi kệ” đó bác sĩ. Rồi mở nhạc Trịnh cho tôi nghe.
Sau này, khi tôi là cố vấn Ban Phật học, tôi thường gặp thầy hơn, cũng đã có vài buổi thầy mời Nói chuyện cùng thính chúng nơi giảng đường Chánh Trí, và mời viết cho Tạp chí Từ Quang. Cũng từ “duyên” đó, tôi trở thành “nhà tham vấn” cho thầy về sức khoẻ. Hóa ra, thầy có nhiều bệnh nền quá! Tiểu đường, Viêm gan siêu vi, Dạ dày, Tim, Gan, Phổi…
Thầy tâm sự: “Tôi là hệ lụy của chất Dioxin bác à…/ Sau hòa bình là mất sức lao động hoàn toàn/ Nhờ Phật độ lại ngập tràn hạnh nguyện/ Trả nghiệp xưa trải thêm lắm chuyện/ Dạ dày, gan, tim, phổi chẳng còn nguyên/ Giờ lão rồi cột sống nghịch duyên/ Tiểu đường liên miên chướng duyên tu tập/ Lão bệnh tử hiểu rồi nguyện lập/ Kệ thân đi ta cố chấp làm gì/ Sao cho tâm như mặt nước phẳng lì/ Chuyện đến đi có gì nghi với ngại...”
Rồi ít lâu sau, thầy cho tôi xem kết quả xét nghiệm mới nhất: Viêm gan đã chuyển thành Chai gan (cirrhosis). Giai đoạn cuối!
Bỗng nhiên, thầy “biến mất”. Không biết đi đâu. Thì ra thầy đã “trốn” ra một thiền xá ở miền núi phương Bắc xa xôi, quyết tâm “tu tập”:
Tiếng kêu kẽo kẹt bởi gió mưa
Mái tôn như thở giữa ban trưa...
(Căn nhà gỗ của tôi)
Ở đó, tưởng đã “xả ly” mà lại càng quấn quít:
Cố quên lại thấy nhớ nhiều hơn
Nhìn đâu cũng thấy nỗi cô đơn
Và một “cuộc chiến” đã bắt đầu:
Cái tâm chiến đấu với cái tôi
Không lẽ buông xuôi vì ma chướng
Dã tràng xe cát chẳng đường lui?
Không dễ chút nào ngay cả với một tu sĩ:
Lối nào hướng đến Chân Như
Bệnh nào cố chữa dường như cháy nhà
Tâm nào còn mãi bôn ba
Ý nào vượn mã vào ra liên hồi
(Lối nào)
Có khi gần như tuyệt vọng:
Nhớ chiều vàng võ ánh hoàng hôn
Ngày trôi nhanh ánh mắt vô hồn
Xuân sắc thời gian nào ngưng nghỉ
Sinh già bệnh chết nấm mồ chôn...
Lạ thay, từ đó, sáng nào anh em, bè bạn vẫn đều đều nhận được một bài thơ online của Chiêu Đề… viết từ căn nhà gỗ.
“Bệnh không ngủ được thì tôi sáng tác chờ sáng, bác à... Làm xong một bài thơ, như trút được nỗi lòng tâm sự, nhẹ nhõm và cảm thấy vui trong lòng. Nỗi đau về bệnh tật cũng vơi đi...”. “Với tôi, hình như làm thơ hiệu quả hơn trong chữa bệnh thân và bệnh tâm, vì nó cảm xúc thực tế cuộc sống của mình…”.
Cõi Nhớ là tập thơ thứ 6 của Chiêu Đề Thích Đồng Bổn. Ông mới gửi bản thảo cho tôi sáng nay và nói bác viết đôi dòng… để in vào tập thơ làm kỷ niệm.
Cõi Nhớ không phải là nỗi nhớ, nhưng cũng đầy nỗi nhớ: Nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ thương, nhớ thuở, nhớ về, nhớ quê, nhớ sáng, nhớ chiều, nhớ quên, nhớ đi, nhớ đến… là nhan đề của những bài thơ trong Cõi Nhớ. Những nỗi nhớ cứ chằng chịt quấn quít, phan duyên với nhau như thế mà tạo ra những “chúng sinh” không lối thoát...
Mở đầu tập Cõi Nhớ là Nhớ hoài:
Nhớ hoài thời lận đận bôn ba/ Nhớ hoài khi tỉnh giấc cuộc đời/ Nhớ hoài lúc khoác áo nâu sòng…
Rồi suốt tuần này đến tuần khác, ông cứ nhớ triền miên không ngớt:
Thứ hai, Nhớ về:
Nhớ về quá khứ lắm vô minh
Trượt dài nhân ngã chuốc tội tình
Tánh tướng vốn không, nào thấy lỗi
Đâu ngờ quả báo nghĩ mà kinh!
Thứ ba, Nhớ lắm: Nhớ lắm trời đêm dưới bóng chùa; Thứ tư: Nhớ mãi; Thứ năm: Nhớ sao; Thứ sáu: Nhớ thêm; Thứ bảy: Nhớ thương… không ngơi nghỉ.
May sao, Chủ Nhật kịp trở về với CÕI NHỚ: Nhớ Giả, nhớ Không, nhớ Trung đạo, Bất hư, Duyên sinh, Duyên khởi, Vô dư Niết bàn…
Tôi nghĩ Cõi Nhớ thì đã không còn là nỗi nhớ nữa rồi! Nỗi nhớ chỉ là những “tạp niệm đan xen”, Tâm nào còn mãi bôn ba/ Ý nào vượn mã vào ra liên hồi…
Cõi Nhớ làm nhớ Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn “Đi lâu loanh quanh cho đời mỏi mệt… Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt…” (TCS). Đôi vầng nhật nguyệt ấy là Minh. Hành thức, danh sắc, lục nhập… “thôi kệ”.
Mai này tuệ giác nở hoa
Trở về tánh Phật nương nhà Như Lai.
Đã lý sự vô ngại, sự sự vô ngại rồi chăng?
“…Lý nhân duyên chờ tâm ý mênh mông
Động tĩnh nơi thân lay chuyển càn khôn
Đâu cũng thấy pháp môn chân vi diệu
Và bóng Lăng Già đã sẵn:
Nhớ tìm ánh sáng bóng Lăng Già
Chiếu soi tâm thức ngụ trong ta
Trăng ở đáy sông từ ảnh hiện
Trời đâu lưu dấu vết chim qua.
Cho nên, từ trong Cõi Nhớ, nhà thơ Chiêu Đề viết:
Mai này tôi có đi xa
Câu thơ để lại làm quà tiễn đưa
(…)
Mai này tôi sẽ đi luôn
Về trong cát bụi đã tuôn mạch sầu
Thơ buồn ghi lại mấy câu
Trao người đón nhận trên đầu non xa
(Mai này)
Khi được hỏi cõi Phật ở đâu? Phật trả lời “Các loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát” (Chúng sinh chi loại thị Bồ-tát Phật độ). Thì ra vậy. Thì ra, cõi Phật của Bồ tát không ở đâu xa. Ở nơi các loài chúng sanh thôi. Quanh ta và trong ta. Đó là những chúng sanh muôn hình vạn trạng, nheo nhóc, khổ đau, chằng chịt, quấn quít, xà quần sáu nẻo, bay nhảy không ngừng sáng trưa chiều tối, kiếp này kiếp khác, quần quật không an. Bồ-tát chỉ cần “thành tựu” chúng sanh đó, tức thì cõi Phật hiện ra ngay. Không phải tìm kiếm đâu xa (Duy Ma Cật).
Bây giờ, sáng sáng thầy vẫn có một bài thơ gởi đến mọi người từ trong CÕI NHỚ.
Và, hình như, bệnh cũng đã lui dần thì phải.
(Sài Gòn 04/8/2024)
Bình luận bài viết