Thông tin

CON ĐƯỜNG AN LẠC

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

 

An lạc không phải là hạnh phúc, là sảng khoái nhất thời hay hài lòng, vui sướng... nhất thời, trái lại nó như dòng suối mát tưới tẩm ở bên trong. An lạc là một trạng thái hỷ lạc, một cảm nhận an lành, thanh thản tự bên trong mỗi cá nhân, nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần...

Học Phật là cách hiệu quả nhất để mang lại sự an lạc. Có “bí quyết” nào để học Phật cho dễ không? Chui vào các “tàng kinh các” thì học đến nhiều đời nhiều kiếp cũng không hết mà còn bị “tẩu hoả nhập ma”, không kể ở thời Internet, AI, với fake news, với deepfakes...

Vậy có “bí quyết nào” học Phật cho “dễ” không? Có. Đó là “3 ĐIỀU 4 CHUYỆN”

Chuyện thứ nhất: Phật

Phật không phải là một thần linh, một giáo chủ... uy quyền tối thượng, ban bố ơn phước cho loài người. Phật là một người bình thường như ta, cũng trải qua khổ đau bệnh hoạn già nua và chết chóc như chúng sanh. Nhờ tìm được con đường thoát khổ mà chia sẻ với mọi người với lòng từ bi vô hạn, bởi ai cũng có Phật tính, ai cũng sẽ thành Phật mai hậu. Phật không độc quyền làm Phật một mình. Cho nên Phật là một Đạo sư, một nhà giáo dục, một bậc y vương đáng quý đáng trọng.

Con đường của vị Đạo sư dạy chỉ có mấy chữ:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo

(Cái gì ác thì đừng làm!

Cái gì thiện thì làm

Phải tự làm cho tâm ý mình được thanh tịnh.

Đó là lời dạy của các vị Phật).

Tôn giáo nào chẳng khuyên làm lành tránh ác? Có gì hay ở đây?

Cái hay là ở câu thứ 3: Tự tịnh kỳ ý. Tự mình làm cho cái tâm ý mình trở nên thanh tịnh. Tâm ý mà thanh tịnh được rồi, thì... hết chuyện!

Khó ở chữ TỰ. Tự mình. Có nghĩa là không thể nhờ ai khác, không thể nhờ người nào khác giúp ta thanh tịnh được. Nghĩa là chỉ có mình mới tự giúp được mình mà thôi. Như tự mình phải hít thở, không ai thở giúp mình được. Tự mình phải nhai nuốt, ăn uống, không ai ăn uống giúp mình được...

Cái tâm ý của mình vốn tưng bừng quậy phá, “tâm viên ý mã”- tâm như khỉ như vượn, còn lâu mới chịu im ắng, tĩnh lặng. Làm cho nó thanh tịnh quả là một chuyện không dễ.

Tóm lại, “tự tịnh kỳ ý” là điều cốt lõi. Cách nào? Có thể được chăng? Được.

Chuyện thứ hai: Mình

Phải nương tựa chính mình. Dựa vào chính mình. Không thể nương tựa vào ai khác. Như đã nói không ai thở giùm mình, không ai ăn uống thay mình được. Lục Tổ Huệ Năng khuyên phải “Tự quy y” là vậy. Tự quy y mình. Bởi mình cũng có đủ 3 thân là Pháp thân, Báo thân và Hoá thân như Phật đó thôi. Phật bảo mọi người ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể trở thành Phật, không phân biệt. Khi tìm ra bản đồ gène của con người, các nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc, thấy cái cây ngoài sân kia có 70%, cọng cải có 26%, chuột có 97,5%, tinh tinh có 99% gène giống người. Còn người với người thì có trên 99,99% gène giống nhau.

Vậy thì có cần phải phân biệt người da vàng, da đỏ, da đen, da trắng nữa không. Phật được gọi là bậc “chánh đẳng chánh giác” vì thấy biết rõ điều đó, việc gì còn phải phân biệt nữa. Có phải là “tỳ-lô-giá-na” cũng là gène đó không? Trong kinh Hoa Nghiêm bảo tất cả các vị Phật đều có thân tỳ- lô- giá-na từ “Như Lai tạng” mà ra cả! Cái gì làm ra hệ gène chưa biết hết, nhưng đều chung từ DNA, từ con virus nhỏ xíu đến con người, con cá voi, con khủng long tiền sử. Ai trộn mấy thứ đó lại với nhau mà sinh ra đủ thứ vậy nhỉ? Phật không trả lời câu đó. Tại nghiệp? Nghiệp là gì cũng không biết.

Mọi người đều có đủ “3 thân” như Phật, nên ai cũng có khả năng rèn tập để “tự tịnh kỳ ý” của mình mà được hạnh phúc an lạc. Một người hiểu biết 3 thân sẽ không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn, sẽ đối xử với mọi người bằng tấm lòng tôn trọng, vì biết họ cũng như ta, không cần phân biệt, không ngã mạn, tự cao, đưa tới đau khổ cho người và cho chính mình.

Chuyện thứ ba: Thở

Hãy nín thở thử... một chút xem sao! Không được. Ngưng thở 4 phút thì chết. Nhịn ăn, nhịn uống mươi ngày mới chết. Thở thiết yếu của đời sống. Cây cỏ cũng thở. Có điều ta cần O2 trong không khí. Còn cây cỏ cần CO2. Ta và cây cỏ nợ nần lẫn nhau. Không thể thiếu nhau. Thử hít vào một hơi thiệt sâu... Không được! Một lúc phải thở ra. Thở ra thiệt lâu... Không được! Một lúc phải hít vào. Hít thở nó tự động, nó không theo ý ta muốn. Hít vào thở ra là do áp suất trong phổi. Nó cóc cần ta. Nó chẳng phải là ta, chẳng phải của ta, chẳng phải là tự ngã của ta. Ta biết mình “vô ngã” chỉ cần nhìn vào hơi thở.

Ngàn năm trước, người xưa có thở không? Phật có thở không? Ngàn năm sau, người sau có thở không?

Lắng nghe hơi thở của mình...

Mới hay hơi thở của nghìn năm xưa...

Một hôm hơi thở tình cờ

Dính vào hạt bụi thành ra của mình

Của mình chẳng phải của mình

Thì ra hơi thở của nghìn năm sau...

(ĐHN)

Thì ra cái không khí trong vũ trụ này là chốn hư không, mênh mông, rộng khắp, mà giúp ta tồn tại. Não bộ chỉ chiếm có 2% thể trọng của ta mà tiêu hao đến gần 30% dưỡng khí. Tại sao? Tại vì O2 đó dùng cho hoạt động của não, mà hoạt động của não là chủ yếu dành cho tính toán, hơn thua, ganh ghét, lo sợ, tức giận, tranh giành, đấu đá lẫn nhau không ngớt. Có cách gì làm giảm không? Có. Chỉ cần “tự tịnh kỳ ý”.

Đừng quên kẻ thù của ta thở ra thì ta hít vào. Ta thở ra thì kẻ thù ta hít vào, hai bên thân thiết biết mấy!

Thở còn giúp ta thấy biết Khổ. Hồi ỏ trong bụng mẹ, ta không thở, ta khoẻ ru. Sanh ra mới khóc thét lên và khổ sẽ đeo đẳng ta mãi. Cho đến khi ta hết thở, ta ngưng thở, ta mới hết... khổ! Ta chỉ mượn tạm hơi thở trong cuộc đời mình, chẳng lẽ chỉ dành cho khổ đau, cho hận thù cho đấu đá tranh giành sao? Chẳng lẽ không có lúc nào cho tâm được an vui, được hạnh phúc sao? Thiền chính là cách sử dụng hơi thở để chữa trị bệnh âu lo sợ hãi, khổ đau của mình. Nhờ quán niệm hơi thở mà ta thấy biết vô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh, thì chẳng phải nhờ thiền mà ta tìm được sự thanh tịnh, tìm được thường lạc ngã tịnh đó sao?

Chuyện thứ tư: Ăn

Tại sao phải ăn, ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn cách nào?... Phật mang bình bát đi khất thực vài tiếng đồng hồ mỗi ngày và ai cho cái gì cũng vui nhận, không đòi hỏi, chẳng từ chối. Mang về vo lại thành một cuộn tròn để ăn một cách chánh niệm gọi là “đoàn thực”. Thức ăn có đủ bột đường (glucid), đậu, thịt, cá (protid), mè, bơ (lipid), và dĩ nhiên có rau củ, quả (khoáng, sinh tố)... Có khi thiếu thứ này một chút, thừa thứ kia một chút. Không sao. Thứ này có thể “biến” thành thứ kia không khó. Trong bột đường cũng có đạm, béo... Các thức ăn đó đã đủ cả các thành tố “đất, nước, gió, lửa” của tứ đại, của ngũ uẩn. Thì ra ăn ngũ uẩn là để nuôi thân ngũ uẩn. Khi đi khất thực hằng ngày như vậy ta thấy được tùy duyên, vô thường, vô ngã.

Nhưng ăn uống không chỉ để nuôi thân mà còn nuôi tâm. Phật nói có 4 nhóm thức ăn - gồm đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực. Mỗi ngày, ta tiếp xúc với biết bao thông tin từ bên ngoài bao bọc lấy ta. Cái “xúc thực” đó đủ khiến ta vui ta khổ, quay cuồng... Thử một ngày ngắt điện, tắt điện thoại, tắt internet đi coi!

Xúc sẽ dẫn tới thọ. Và “ái thủ hữu” tức khắc xuất hiện! Rồi từ thọ mà có tưởng. Hết thọ, hết tưởng, thì sẽ hết “sinh sự”. Tưởng dẫn đến tư niệm thực, thức thực. “Chúng sinh” đã thành lớp lang, đã thành “tri kiến” sai lạc, thành kiến, khái niệm, định nghĩa vây chặt lấy ta. Nếu xúc thực dễ dẫn đến Stress, thì tư niệm thực lại dẫn đến Anxiety, lo âu, sợ hãi, và thức thực sẽ dẫn đến Depression, trầm cảm...

Còn “3 điều” là sao?

Một là phải hiểu “thuật ngữ”

Không hiểu thuật ngữ Phật học thì sẽ bối rối, hiểu lầm, dễ dẫn tới dị đoan mê tín. Khi phải giảng về Phật pháp, tốt nhất là “vô ngôn”, vì ngôn ngữ tự nó đầy rẫy những cạm bẫy. Nhớ rằng Phật không giảng dạy gì, chỉ tuỳ từng trường hợp cụ thể, Phật dạy riêng cho người nào đó là đủ. Gặp người thợ rèn, Phật nói về rèn sắt, gặp người thợ giặt, Phật nói về giặt giũ, gặp người chơi đàn, Phật nói về dây đàn căng hay dãn... Ngay cả tiếng Pali cũng chỉ có sau khi Phật nhập Niết bàn. 300 năm! Những từ Hán Việt, phiên âm, dễ gây nhầm lẫn nhất. Phật luôn căn dặn “đừng tin ai cả, kể cả tôi”. “Đến thử đi rồi biết”...

“Tam-ma-địa” mới nghe tưởng là vùng đất của ba con ma! Thực ra Tam-ma-địa là phiên âm chữ Samadhi, nghĩa là Chánh định. Niết-bàn chẳng hạn không phải là cái nơi thiên đàng, cực lạc, mà là phiên âm của Nirvana. Ngay cả “chúng sanh” cũng vậy. “Chúng” là nhiều, “Sanh” là sanh ra. Cái gì do nhiều thành tố tạo nên, thì gọi là “chúng sanh”... “Chúng sanh không phải là chúng sanh, chỉ tạm gọi là chúng sanh” (Chúng sanh tức phi chúng sanh, thị danh chúng sanh – kinh Kim Cang). Có một ông Bồ-tát thệ nguyện ngày nào còn một chúng sanh, tôi nguyện không thành Phật. Nghĩa là phải diệt sạch hết chúng sanh thì mới chịu làm Phật. Ông sẽ chế bom nguyên tử, bom khinh khí và các thứ vũ khí ghê gớm khác để tận diệt hết muôn loài trên cõi Ta-bà này ư?

Không. Ông thệ nguyện vậy vì ông biết chúng sanh ở trong đầu ông chớ không ở ngoài. Mấy cái xúc thực, tư niệm thực, thức thực... là “chúng sanh” do vô số thành tố tạo ra. Huệ Năng dạy: “Dứt bặt trần duyên. Chớ sanh một niệm!”.

Hai là phải hiểu ẩn dụ, ẩn nghĩa...

Kinh Pháp Hoa nói đến hóa thành, cùng tử, viên ngọc trong chéo áo, xe dê xe trâu... Niệm Quán Thế Âm thì gặp lửa lửa tắt, gặp nước cuốn trôi thì nước cạn, muốn sanh con trai có con trai, con gái có con gái... Lửa ở đây là để chỉ lòng sân hận. Sân hận đưa ta vào chín tầng địa ngục. Đỏ mặt tía tai. Bầm gan tím ruột. Nước ở đây là để chỉ lòng tham cuồn cuộn cuốn ta vào hố thẳm, “lòng tham không đáy”... Con trai muốn nói là Trí tuệ, con gái muốn nói là Từ bi...

Ba là phải Thực hành

Học Phật phải thực hành. Tu phải đi với hành. Nhưng không được nóng vội. Nóng vội sẽ dẫn tới “tẩu hỏa nhập ma”. Thực hành trong cách thở, cách ăn, cách nghĩ, cách làm. Học Bồ-tát Thường Bất Khinh để luôn kính trọng mọi người, không phân biệt. Học Bồ-tát Dược Vương để luôn chân thành, ai thấy cũng vui ai gặp cũng mừng (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến). Học Bồ-tát Quán Thế Âm để biết thấu cảm, nghìn mắt nghìn tay, hóa thân đủ hình dạng tùy cơ ứng biến. Đó chính là sự tôn trọng (respect), sự chân thành (genuine), sự thấu cảm (empathy) giúp cho cuộc sống ta luôn an lạc, hạnh phúc.

Tôn giáo nào, đạo nào cũng dạy làm lành tránh ác. Nhưng Phật giáo nêu cao “Tự tịnh kỳ ý” là điều cốt lõi và đòi hỏi sự thực hành trong đời sống hàng ngày. Tự mình, làm cho tâm ý mình trở nên thanh tịnh. Tâm ý mà thanh tịnh rồi thì cái “thấy”, cái “biết” đã khác, cách nghĩ, cách làm đã khác. Con đường An Lạc mở ra từ đó.

Lòng sân hận đang nổi lên như lửa đốt, lòng tham đắm đang nổi lên như nước cuốn, nếu biết thực hành hít thở, chú ý đến hơi vào hơi ra... một lúc thì thoát.

Chỉ cần sử dụng hơi thở của chính mình để thực hành là đủ.

Thở bụng, tức thở cơ hoành. Lâu nay, ta quen thở ngực. Thở ngực thì không sâu, không đưa hơi đến “huyệt đan điền” được. Tập thở cơ hoành (diaphagmatic breathing hay abdominal breathing), thì ta dễ ổn định được tâm ta. Thở bụng là giai đoạn đầu. Phải tập vài tháng sẽ quen. Không nóng vội.

Sau đó, ta tập chú ý tới hơi thở vào và hơi thở ra. Có nghĩa là ta dõi theo luồng hơi thở vào và hơi thở ra đó, hơi vào hơi ra tới đâu ta biết tới đó. Dõi theo như vậy một lúc, ta “quên” hết mọi thứ chuyện trên đời! Đây là “Thở chánh niệm”, tức Thiền chỉ (Samatha). “Chỉ” là dừng, là ngưng, dừng ngưng ý nghĩ lăng xăng trong tâm ta. Ngưng ý nghĩ là ta đã vô tâm, vô niệm. Hết mệt, hết căng thẳng.

Rồi thử ngẫm nghĩ một chút về chuyện Thở của ta. Tại sao ta phải thở? Thở để làm gì? Không thở được không? Hơi này từ đâu ra? Nó thay đổi thế nào lúc ta mệt, lúc ta căng thẳng, lúc ta sợ hãi... và lúc ta thảnh thơi, thoải mái, vui vẻ? Thì ra nó thay đổi liên tục theo tâm cảnh ta. Ta thấy biết “vô thường”. Ta muốn hít vào thiệt lâu, thở ra thiệt dài không được. Tại sao ta không có quyền kiểm soát hơi thở “của ta”? Hóa ra nó không phải của ta, không phải là ta. Ta thấy biết “vô ngã”.

Mọi thứ có vẻ chẳng tuỳ thuộc vào ta chút nào! Ờ, còn cái hồi ta ở trong bụng mẹ, ta cũng không ăn không thở mà vẫn sống nhăng đó thôi, lại còn rất mau lớn nữa. Lúc đẻ ra, ta mới vất vả, phải thở, phải ăn, phải tranh giành, đấu đá...! “Khổ” là từ đó.

Chỉ cần quán niệm hơi thở, ta thấy “tam pháp ấn” vô thường, khổ, vô ngã rồi vậy. Còn tìm kiếm đâu xa?

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6920717