Thông tin

CON MÈO, CON MẺO, CON MEO...

 

PGS-TS TRỊNH SÂM

 


 

Cùng với chó, mèo là con vật rất quen thuộc đối với người Việt. Gạt bỏ những tục lệ kiêng cữ của dân gian về mèo như: “Mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang”, ngày Tết, lấy con mắt ngôn ngữ học, tìm hiểu chữ nghĩa xung quanh sở chỉ mèo cũng là điều thú vị. Bởi vì ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm của hôm nay, mà còn là quá khứ xa xưa và thường đằng sau cách tri nhận, đánh giá về con vật này, ta còn bắt gặp cách thức ý niệm hóa rất thú vị.

Trước hết, Mão không phải là mèo, mão thỏ. Theo từ nguyên, Mão chỉ con thỏ, chẳng hạn “Mão canh” “thịt thỏ”. Còn theo sách Nhị Thập Tiên trong Lịch thư, năm Mão được tượng trưng bằng con thỏ (thố). Luận Hành Vật Thê, một loại sách lý số Trung Quốc, cũng thừa nhận con thỏ tương ứng với năm Mão. Các nhà Nho của ta xưa, khi đề cập đến năm Mão, đều dùng thỏ làm con vật tượng trưng. Như cụ Đồ Chiểu, trong Lục Vân Tiên đoạn Tôn sư bàn về vận số của Vân Tiên, có viết: “Hiềm vị ngựa chạy đườngxa/ Thỏ vừa ló bóng, đà gáy tan/ Bao giờ cho tới bắc phang/ Gặp chuột ra đàng con mới nên danh”.

Rõ ràng, ở đây tương ứng với các con vật trong 12 con giáp: Ngựa, Thỏ, Gà, Chuột là các năm Ngọ, Mão, Dậu, Tý. Sở Cuồng khi vịnh khoa thi Ất Mão (1915) cũng có câu: “Cử nhân khoa thỏTrịnh Đình Rư...”. Tưởng cũng nên biết, trong hầu hết các dân tộc ở châu Á đều có chung cách hiểu như vậy, chẳng hạn, người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia... vẫn tính tết năm Mão là Tết con thỏ...

Riêng Việt Nam ta, năm Mão - năm con thỏ, vẫn là chuyện sách vở, còn năm Mão - năm con mèo mới chính là cái nhìn phổ biến, ai ai cũng đều quan niệm như thế, đã trở thành thói quen không cần bàn cãi. Điều này cho thấy dân ta không lệ thuộc vào sách vở phương Bắc và có cách vận dụng riêng. Hơn nữa, hình như còn liên quan đến cách đọc Hán Việt. Có lẽ do chữ Hán, mão đọc chệch ra mẹo, rồi mẹo biến thành mèo chăng? Dù sao, mèo tượng trưngcho năm Mão, đã trở thành dấu ấn sâu đậm từ lâu trong truyền thống văn hóa dân tộc. Tưởng cũng cần lưu ý, trong quá trình lần giở những tài liệu cũ, có thể thấy dân tộc Việt Nam luôn luôn có ý thức tách khỏi ảnh hưởng văn hóa phương Bắc. Chẳng hạn cách tri nhận về Nước/ thủy. Người Việt Nam nhận ra tính thích nghi, uyển chuyển và cân bằng của nước, coi đó như đặc tính của dân tộc, lấy đó lập thuyết cả về văn hóa và tôn giáo, (Cao Xuân Huy, Hệ Phái Khất Sĩ).

Cũng như một số con vật khác, mèo có những tên gọi khác nhau như miêu, mẹo, miu, mãn, có khi mỉu (không biết mèo nào cắn mỉu nào) hay còn gọi là chồn nhà (gia ly). Căn cứ vào sắc lông, ta có thể có các loại mèo: mèo mun, mèo mướp, mèo tam thể, mèo trắng,mèo xám... Dựa vào một số đặc điểm khác như hình dáng, chỗ ở, tính tình... người ta chia ra: Mèo nhà, mèo rừng, mèo đực, mèocái, mèo mẹ, mèo con, mèo già, mèo lành, mèo hoang, mèo cụp tai, mèo cụp đuôi, mèo tinh, mèo mù... Tất cả đều kèm theo một sắc thái nghĩa riêng. Bằng những cách tri nhận và định danh khác nhau, thông qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, dân gian đã phân loại khá lý thú từng loại “đẳng cấp” nhà họ mèo.

Hãy bắt đầu từ loại mèo hoang. Mèo hoang, tức là loại mèo lang bạt, không có chủ, cũng như mèo mả gà đồng, “mèo” đã “hoang” là mèo không ra gì. Hãy nghe Hoạn Thư xỉa xói Thuý Kiều: “Connày chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”. Hoặc: “Giống bà đây, giống phượng, giống công/ Còntuồng bay, mèo mả gà đồng”... (Lời Sùng Bá mắng Thị Kính)

Với ý nghĩa như trên, mèo hoang thường xuất hiện trong lời nói “ám chỉ”. Còn khi thông báo có tính chất chính danh lại khác: Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm, gặp nàng bới khoai”.

Ở đây, diễn đạt thế thôi, chứ mèo hoang, chó hoang thế nào được! Cái chính là cảnh ngộ nghèo khó như nhau, cho nên chắc gì “ăn trộm”, “ bới khoai”. Thật ra cũng một cách nói phúng dụ, làm tăng thêm tính chất bần hàn nghèo khó, để nhấn mạnh cái ý nghĩa cùng hội, cùng thuyền đó thôi. Mèo cụp tai cũng nằm trong đánh giá không mấy tốt. Bởi vì: “Mèo lành ai nỡ cắt tai/ Gái kia chồngbỏ khoe tài chi em”. Và cũng với cách suy diễn như vậy: “Mèolành chẳng ở mả/ Ả lành chẳng ở hàng cơm”.

Hóa ra chỗ ở cũng quy định tính cách người ở. “Mèo cụp tai”hoặc “cụp đuôi” còn có nghĩa khác: chỉ sự thất vọng, buồn rầu: “Tiu nghỉu như mèo cụp tai”, rõ có khác! Nếu như mèo hoang,mèo mả, mèo cụp tai được lưu ý ở tính chất không đàng hoàng, thì mèo già được khai thác ở khía cạnh khác. Mèo già là mèo từng trải đến độ khôn ngoan, khôn ngoan quá đến mức trở thành gian lận, không ai chịu nổi: “Mèo già hoá cáo”. Còn “mèo già khóc chuột”chẳng qua chỉ là lời phê phán sự giả nhân, giả nghĩa chứ làm gì có thực. Hoặc chỉ để chỉ tình trạng tuổi già xế bóng, nhìn đời mà bất lực, lại có câu: “Mèo già thua chuột nhắt”.

Ngoài những cách gọi trên đây, ở Nam Bộ, “mèo” hoặc “có mèo” còn để chỉ bồ bịch, mèo mỡ, vợ bé, bồ nhí: “Khổ qua xanh,khổ qua đắng/ Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo/ Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo/ Ngày mai mới chắc, em là con mèocủa anh”.

Mèo thuộc bộ ăn thịt sống. Nuôi mèo chủ yếu để bắt chuột. Mèo thường săn mồi về ban đêm, còn ban ngày khoanh tròn ở chỗ vắng, ngáp vắn, ngáp dài. “Lừ đừ như mèo ngái ngủ” chỉ ai hay nằm vật, nằm vựa. Nói chung, mèo chỉ quanh quẩn trong nhà, do vậy, để đùa cợt người nam nhi bất tài, hoặc chỉ ru rú trong nhà, ca dao thường đem ví người ấy với công việc đuổi mèo, sờ đuôi:“Chồng người vác giáo săn heo/ Chồng em cầm đũa đuổi mèoquanh mâm”. Hay: “Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng emngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

Thật là cách ví von dí dỏm và mang ý nghĩa châm biếm sâu sắc.

Lông mèo mịn và mềm mại. Có lẽ, người ta thích âu yếm, ve vuốt nó do ở đặc điểm này. Người xưa, khi cây bút sắt chưa ra đời, thời bút lông còn ngự trị, lông mèo dùng để làm cọ phết mực tàu, viết chữ, nên lông mèo có thể bán mua: “Trăm tuổi dầu hồn vềchín suối/ Nhắm (nhúm) lông để lại giúp trò nghèo” (Phan Văn Trị, Con Mèo).

Thịt mèo có thể ăn được, nhưng nếu làm không khéo, nhất là để cho mỡ mèo dính vào thì mùi xạ của nó hôi, khó ăn. Món long hổhội, trước đây là món ăn có tiếng trong các tửu lầu, được nấu bằng thịt mèo và thịt rắn với nước cốt dừa.

Mèo có hai con mắt vừa tròn, vừa xanh. Từ đây, sản sinh nên thành ngữ: “xanh như mắt mèo”. Mắt “xanh như mắt mèo” tức là xanh quá bình thường, hàm cái nghĩa chê bai. Nó khác với mắt xanh lịch thiệp, đẹp đẽ: “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanhchẳng để ai vào, có không” (Kiều).

Có khi mắt xanh cũng mang ý nghĩa kệch cỡm: “Mắt ông xanh,mũi ông lõ, râu ông quăn, tóc ông đỏ, đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt gió...”. Đó là những câu thơ của Yên Đổ mô tả thực dân Pháp. Đuôi mèo có dài hơn đuôi thỏ, đuôi heo thật, nhưng làm sao có thể so sánh với đuôi chồn. Ai đó hay khoe khoang, tự phụ, dân gian hay có ngay câu: “Mèo khoe mèo dài đuôi”. Và không hiểu sao, phần lớn mèo già, đuôi hay bị quẹo hay gấp khúc nên mới có cách tỉ dụ: “Quẹo ngửng như đuôi mèo già”.

Tiếng kêu của mèo không mấy thanh tao. Bạn đã nghe giữa đêm hôm khuya khoắt, nhất là trong những mùa “mèo động tình”, tiếng mèo ngao chưa? Như tiếng trẻ con khóc phải không nào? Do vậy, nghe ai hát mà người khác vội buột miệng: “Quái, mèo ở đâu mà gào ỏm tỏi thế?”, thì đúng là hát không hay. Bạn nhớ để ý khi có người khen “hát như mèo kêu”, hay “hát như mèo ngao”, hoặc ác hơn: “hát như mèo cái gào đực”, đừng vội mừng nhé.

Kể ra mèo là con vật ăn ở sạch sẽ. Mèo thích nằm những chỗ ấm áp nên bếp tro vẫn là nơi mèo ưa thích. Về sinh hoạt, mèo tuy ban ngày cù rù nhưng mọi chuyện đều tươm tất, từ sưởi nắng, rửa mặt đến cả chuyện tiểu tiện. Khi “đi ngoài”, bao giờ mèo cũng đào lỗ, lấp đất cẩn thận. Từ đấy, hễ phê phán ai hay bưng bít “một mình, mình biết, một mình, mình hay”, dân gian hay nói: “Giấu như mèo giấu cứt”. Mèo ăn uống chậm và ít. “Ănnhư mèo” mà lại! Bước đi nhẹ nhàng, yểu điệu cộng với tính “ănliếm láp”, nên mèo thường được sắp vào phái yếu: “Nam thựcnhư hổ, nữ thực như miêu”. Uống cũng vậy, mèo uống không đáng kể, bởi vậy: “Giàu về thể, khó về thể, mãn (mèo) uống nướcbể có bao giờ cạn”. Mèo tuy ăn ít, nhưng thường khó tính. Bữa ăn phải mặn mòi, nếu lạt mèo bỏ không thèm ngửi tới. Có “ănlạt mới biết thương thân mèo”, nghĩa là có cùng cảnh ngộ mới thông cảm cho nhau.

Về thức ăn, ngoài món thịt sống, mèo rất khoái mỡ. “Như mèothấy mỡ”, ấy là vồ vập một cách quá đáng, hoặc vì quá ham muốn mà sấn tới, quên cả đầu đuôi. Vốn đã thích mỡ như vậy, nên “mỡđể miệng mèo” là dại, bởi sờ sờ trước mặt, làm sao khỏi ăn vụng được. Có nhiều thành ngữ đúc kết bản chất xấu ăn của mèo: “Mèonào chẳng ăn vụng mỡ”, hoặc “mèo nào chê thịt mỡ”. Cá là món ăn thứ hai mèo thích. Mà cá thì đối với mèo kể cũng khó kiếm. “Mèo vớ được cá” đã may mắn lắm rồi, còn “mèo mù vớ cá rán”,quả hết chỗ nói, chỉ có thể so với chuyện trúng số độc đắc.

Leo trèo, một món “võ gia truyền” của dòng giống mèo. Từ xa, mèo có thể phóng tuốt lên cây dễ như bỡn. Để phê phán tính hay dạy khôn, dân gian mượn hình cảnh leo trèo của mèo để ngụ ý: “Con mèo, con mẻo, con meo/ Ai dạy mày trèo, mày dạy taoleo?”. Theo đó, leo trèo thuộc tính bẩm sinh của mèo. Chính nhờ hai món nhà nghề này, bao lần mèo tránh “đụng mặt” với chó và lục lọi bất cứ nơi đâu để tìm mồi, thậm chí còn tránh được tai họa. Chuyện dân gian kể rằng, mèo dạy hổ học võ. Mèo dạy tất cả các ngón nghề cho hổ, ngoại trừ môn leo trèo, mèo chỉ giữ riêng cho mình, phòng hổ trở mặt. Quả nhiên, hổ phản. Nhờ bí quyết leo trèo, mèo thoát chết. Một môn võ khác cũng không kém phần quan trọng đối với mèo, đó là “quào” (chó cắn, mèo quào, ngựa đá, bò húc)... Nhưng quả chỉ để hù dọa trẻ con thôi chứ chẳng chết ai. “Mèo quào không xẻ được vách tôi”.

Mèo cũng nhảy rất giỏi, đúng hơn, đây cũng là sở trường của mèo. Phan Văn Trị đã khai thác tính chất lẹ làng này để chỉ việc nhanh thăng quan tiến chức: “Mấy tầng đài các sải chân leo/ Nhảylẹ chi cho bằng giống mèo”.

Đối với việc giữ đồ ăn tương đối đơn giản, chỉ treo lên là xong. Còn mèo vốn đã lẹ làng, lại leo, trèo, nhảy giỏi nên cần phải kỹ lưỡng. Người ta đã rút được kinh nghiệm: “Chó treo, mèo đậy”.Điều đó cũng mách bảo rằng, trong ứng xử phải tuỳ đối tượng cụ thể để có biện pháp thích hợp.

Đặt mèo trong quan hệ với các con vật khác như mèo với chuột,mèo với chó, mèo với cọp, các tác giả dân gian thông qua những biểu hiện cụ thể, nhằm khai thác tính chất hàm nghĩa từ các biểu tượng của các con vật này.

Ta bắt đầu bằng cặp từ “mèo chuột” và những thành ngữ khai thác tính chất biểu trưng từ hai con vật này. Tuy cùng sống trong nhà, nhưng vai trò của mèo và chuột hoàn toàn đối lập nhau. Mèo bao giờ cũng ở trong cái thế chủ động, kẻ luôn gây tai họa cho chuột. Vì vậy, thành ngữ tiếng Anh có câu: “Khi mèo đi khỏinhà thì chuột tha hồ nhảy múa”. Không phải lúc nào chuột cũng sờ sờ trước mặt mèo, muốn có “chút tươi” mèo thường phải thức khuya dậy sớm, nghĩa là muốn có ăn, mèo cũng phải lao động cật lực: “Con mèo, con mẻo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột, phảileo trần nhà”.

Bình thường, hễ nghe tiếng “meo meo” chuột đã quýnh quáng, chạy vắt giò lên cổ, vì vậy, mèo phải rình rập, tìm cơ hội để ra tay. “Rình như mèo rình chuột”, trước hết mô tả tính cần cù, chịu khó của mèo, nhưng nó còn chứa cái nghĩa này nữa: phê phán tính xoi mói; tìm cơ hội để hại người. Khi đã vồ được chuột, mèo có cái tật hay vờn, vờn như một cái thú ở mèo trước khi ăn. Cho nên trong cuộc thi thố tài năng, có người bình phẩm “vờn như mèo vờn chuột”thì rõ ràng có sự chênh lệch về tài năng và trình độ. Còn như “mèo tha chuột” lại là chê trách cách ẵm bế vụng về của đứa nhỏ đối với em hoặc khiêng vác vật gì cẩu thả không đúng quy cách. Và phàm làm việc gì cũng tính đến sức mình, thành ngữ dạy: “Mèo nhỏ bắtchuột con” chứ đừng nên “mèo con bắt chuột cống” hay “mèo conbắt chuột lớn”. Nguyễn Thượng Hiền trong bài phú cải lương, cũng lấy ý này làm phương sách hành động: “Bao giờ to lớn hẵng hay,mèo nhỏ bắt chuột to, sức ấy xem ra đừng có gượng”.

Mèo chuột tưởng chí có khai thác trên quan hệ một chiều, tức mèo luôn ăn thịt chuột, mèo luôn nắm giữ quyền lực đối với chuột, chứ không thể ngược lại. Trong bài “vè nói ngược” có khi chuột lại nhảy lên vị trí chủ nhân ông. Và để chỉ cái ý cá biệt, hy hữu, dân gian cũng khai thác quan hệ ngược chiều, trái đời này. Chẳng hạn, chuột gặm chân mình, một chuyện bình thường: “Đi cùng bốnbể chín chu/ Trở về xó bếp chuột chù gặm chân”. Nhưng “chuộtgặm chân mèo” lại là chuyện lạ, cũng như “chuột cắn dây buộcmèo” quả là hiếm thấy. Phải chăng ngoài ý vừa nói, thành ngữ còn khuyên ta thương người phải đúng lúc đúng chỗ? Và có lẽ, tính chất ngạo ngược, dí dỏm mang tính trào lộng tập trung nhất trong bài ca dao sau đây: “Con mèo mà lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuộtđi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”.

Có lạ không, mèo đi hỏi thăm sức khoẻ chuột! Phải chăng mèo ngon ngọt nhằm che đậy âm mưu đen tối của mình? Còn chuột mua mắm mua muối để giỗ cha mèo càng đáng ngạc nhiên! Chữ nghĩa có vẻ như lời quy phục của kẻ bề dưới, nhưng hình như tác giả của bài đồng dao chỉ muốn đề cập đến tính chất trớ trêu của quan hệ này.

Nếu như trên, trong quan hệ “mèo chuột”, chủ yếu được xây dựng trên cái nền của kẻ yếu, người mạnh, ngược lại “mèo chó”lại lấy cơ sở từ chuyện đối đầu của một anh 49, một chàng 50, của một đằng tám lạng, một đằng nửa cân. Nói khác, chó mèo vốn không ưa nhau. Dân gian không bỏ sót tính chất “hục hặc”, “xung khắc” này. Nào “như chó với mèo”, hoặc như “mèo với chó”.Thấy chòm xóm láng giềng cãi vã nhau, người ta nói “chó mèo lạicắn nhau”. Có biết bao thành ngữ đan chéo từ cặp từ “chó mèo” để chỉ người không lịch thiệp “đánh chó chửi mèo”, “chửi mèomắng chó”, “chửi mèo quéo chó”... Vật dụng trong nhà bỏ bật bựa, không ngăn nắp, người ta lại than: “chó tha đi, mèo tha lại”.Hoặc để chỉ hạng người “ghen ăn, tức ở” cũng bằng hình ảnh chó mèo, dân gian đã khái quát thành kinh nghiệm sống:

“Chó ghét đứa gặm xương/ Mèo thương người hay nhử”. Cùng nghĩa với các câu thành ngữ “quýt làm cam chịu” hoặc “mèolàm chó chịu”, ca dao ví von bằng hình ảnh độc đáo sau đây: “Con mèo đập bể nồi rang/ Con chó chạy lại phải mang lấy đòn”. Nhìn chung, xét riêng hai yếu tố “chó - mèo” và cả những câu tục ngữ, thành ngữ được cấu tạo từ hai con vật này, thường hàm theo sắc thái nghĩa không tốt. Thậm chí, chúng trở thành những phạm trù đối xứng, tạo nên những thành ngữ vừa nhịp nhàng trong cấu trúc, vừa bóng bẩy ở ý nghĩa: “mèo hoang, chó lạc”; “mèo đàng,chó điếm”; “mèo lừa, chó lọc”... Trên đại thể là như vậy, nhưng không ít trường hợp liệt kê chó mèo chỉ có giá trị nhận thức, nhất là trong những bài đồng dao: “Con mèo, con chó có lông/ Cây trecó mắt, nồi đồng có quai”.

Cuối cùng, “mèo - cọp” được xây dựng trên một quan hệ khá đặc biệt. Xét về đặc điểm sinh lý, hai con vật này giống nhau về hình dạng, về tài bắt mồi, về sở thích ăn thịt sống. Nhưng chúng đối lập về hình vóc, một đằng to lớn hung dữ, một đằng nhỏ bé hiền lành. Vì vậy, trong cách đánh giá của dân gian cũng bên trọng bên khinh, một bên đại diện cho quyền thế, một đằng tượng trưng cho kẻ thấp cổ bé miệng. Và thói đời, thật oái oăm: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Kễnh (cọp) tha con lợn thìnào thấy chi”. Hay: “Mèo tha miếng thịt thì đòi/ Kễnh tha conlợn mắt coi lừng khừng”.

Quả thực, trong cuộc sống nhiều khi ta chỉ thấy, đúng hơn chỉ dám phê phán những khuyết điểm của lính lác, còn ở những người khác, nhất là những người có địa vị thì không thấy, hoặc thấy thì cũng lờ đi, “sợ rút dây động rừng”. Và bởi thế cho nên: “Mèo mấtthịt tiếc hơn kễnh mất hươu”.

Như đã thấy, người xưa đề cập đến mèo mà đâu phải nói mèo, trái lại bao giờ cũng nhắm đến một đối tượng khác, quan trọng hơn nhiều: CON NGƯỜI. Nói như Ngôn ngữ học tri nhận, ở đây là toàn bộ lược quy về ẩn dụ: “Con người là con vật”. Còn con vật đó là con vật gì, tùy theo nhu cầu biểu đạt, có thể như con dê cụ, con dê xồm, con nai vàng, con cáo già, con chó săn, con chim mồi... thậm chí như trong văn hóa Mỹ là một loại động vật hoang dã.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 226
    • Số lượt truy cập : 7030608