Thông tin

CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

Ở NAM KỲ VÀ SỰ LAN TỎA 

TUỆ KHƯƠNG*

 

Trong những năm 1931-1935, ở Nam kỳ còn xuất hiện nhiều Hội Phật giáo ở các nơi như: Tương tế Phật hoc hội ở Sóc Trăng, Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội thành lập 1934, Tổ đình Hưng Long Tự - Hưng Minh Tự ở Chợ Lớn. Các hội Hội Phước thiện nhà Phật, Hội Tương tế Giác Quang tự, Hội Thiên Thai giáo tông ở Bà Rịa… với chủ trương Đoàn kết và Chấn hưng Phật giáo.

Ngay từ thập niên đầu của thế kỷ XX, cùng với nhiều chuyển biến trên các mặt về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội; trong giới tu sĩ Phật giáo đã manh nha xuất hiện nguyện vọng, tinh thần chỉnh đốn củng cố Tăng đoàn, làm nền tảng cho công cuộc Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ Lục tỉnh. Người khởi xướng và là linh hồn của phong trào thời đó lả Tổ Khánh Hòa.

Tổ Khánh Hòa thế danh là Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, Pháp hiệu Khánh Hòa. Theo nhiều tài liệu ghi: Ngài sinh năm Mậu Thân (nhưng lại ghi năm dương lịch là 1877?). Theo “Phật giáo thời chấn hưng” trong “Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh - Tập IV: Tư tưởng & Tín ngưỡng” thì “Hòa thượng sinh ngày 22/4 năm Mậu Dần 1878” ) trong một gia đình trung lưu Nho học tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tình Bến Tre. Từ nhỏ đã được cha mẹ chăm lo cho học hành và đã có tiếng lả người chăm chỉ thông mính và nết na hiếu hạnh và có chí hướng theo đạo Phật, là người am hiểu sâu cả Việt văn lẫn Hán Văn. Năm 19 tuổi (Ất Mùi-1895) xin xuất gia tại chùa Khải Tường. sau đó được chuyển đến chùa Kim Cang ở Tân An và làm lễ thế độ với thiền sư Chánh Tâm. Năm năm sau ông được đưa về chùa Long Triều và học Phật với thiền sư Đạt Thụy. Y chỉ sư đầu tiên của ông là thiền sư Chơn Tánh, trụ trì chùa Tuyên Linh ở Bến Tre. Sau khi đắc pháp, ông được thiền sư Chơn Tánh ủy nhiệm cho làm trụ trì chùa Khải Tường. Khi ngài Chơn Tánh viên tịch, ông về làm trụ trì chùa Long Phước. Năm 1907, ông về làm trụ trì chùa Tuyên Linh. Ông luôn có chí cầu học, hễ nghe ở đâu có bậc cao tăng là ông tìm tới xin thọ giáo, nhờ vậy mà việc tu hành và trình độ Phật pháp của ông ngày càng tinh tấn. Năm ông 28 tuổi, trong kỳ an cư kiết hạ tại chùa Long Hoa (Gò Vấp, Gia Định), lần đầu tiên ông được mời làm giảng sư - giảng Kinh Kim Cương Chư Gia cho đại chúng, đã được các bậc Tôn túc ngợi khen. Từ đó uy tín danh tiếng của ông ngày càng được mở rộng tới hầu hết các chùa ở Lục tỉnh Nam kỳ.

Năm 1916, sau mười năm trụ trì, trải nghiệm tu hành ở chùa Tuyên Linh, với trình độ thâm đạt Phật pháp và độ tuổi “Tứ thập bất nhi hoặc”, ngài luôn trăn trở trước hiện trạng mê tín, tản mạn, thiếu sự liên kết giữa các chùa chiền, các tổ đình tông phái và không khỏi lo lắng trước nguy cơ suy đồi sụp đổ của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam thời đó. Ngài vốn là người uyên bác, thức thời, am hiểu tình hình trong và ngoài nước, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) cùng với phong trào cải cách Phật giáo ở Trung Hoa qua báo chí từ Thượng Hải, Hồng Kông đưa sang ta bằng nhiều nguồn, càng thôi thúc ngài cùng các vị tâm huyết phải khẩn trương Chấn hưng Phật giáo nước nhà. GS Trần Văn Giàu đã viết: “Việc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam không phải là tiếng dội của Phật giáo Trung Quốc, nhưng hoạt động chấn hưng ở Trung Quốc có khuyến khích hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”.

Để thực hiện tâm nguyện trên, ngài đã du hành khắp các Tổ đình các tỉnh Nam kỳ để kêu gọi sự hợp tác, đồng tình của các bậc tôn túc và thức tỉnh đông đảo tăng ni, cư sĩ Phật tử về tính cấp thiết của việc chấn hưng Phật giáo. Ngài đã liên kết được nhiều vị cao tăng đồng tình tâm huyết, tiêu biểu nhất là các vị: Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh và môt vị tăng sĩ trẻ vốn là người tân học xuất gia, đó là sư Thiện Chiếu (1898- 1974), thế danh là Nguyễn Văn Tài, bút hiệu Xích Liên, quê Gò Công, từ 1926-1929 là trụ trì chùa Linh Sơn (nay thuộc quận 1 – TPHCM). Ông là cộng sự tâm huyết, đắc lực của ngài Khánh Hòa trong các Phật sự của Ban Vận động chấn hưng Phật giáo đương thời. Chư Tôn đức, một số cư sĩ thiện trí thức các tổ đình đã quan tâm việc mở các trường gia giáo để đào tạo Tăng tài và định hướng cho tăng ni Phật tử. Năm 1906, ngôi trường Phật giáo đầu tiên của Nam kỳ được mở đầu tiên là ở chùa Tuyên Linh (Bến Tre) của Tổ Khánh Hòa, tiếp đó là chùa Phi Lai của Tổ Chí Thiền ở Châu Đốc, chùa Long An của tổ Khánh Anh ở Trà Ôn, chùa Giác Hoa của tổ Giác Hải (Bạc Liêu) và các chùa Kim Huê, Vạn An ở Sa Đéc…

Năm 1920, Tổ Khánh Hòa họp cùng chư Tôn túc các Tổ đình lập Hội Lục Hòa Liên Xã, nhằm mục đích tạo điều kiện cho “Chư sơn thiền đức” gặp nhau trong những ngày Kỵ Tổ để bàn bạc củng cố đoàn kết nội bộ Tăng đồ để tiến tới mục đích là thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm nòng cốt đảy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước; nhanh chóng khắc phục tình trạng như Tổ Khánh Hòa đã nhận xét: “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết” cho nên muốn chấn hưng Phật giáo phải thực hành 3 việc: “Chỉnh đốn Tăng già; Kiến lập Phật học đường và Diễn dịch, xuất bản Kinh sách Việt ngữ”.

Năm 1927, tổ Khánh Hòa cử sư Thiện Chiếu ra Bắc để bàn bạc, phối hợp mở rộng cụôc vận động ra cả nước. Sư Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc ở Hà Nội, lên chùa Tiên Lữ tỉnh Thái Nguyên… nhưng chưa thuận duyên, gặp nhiều trắc trở nên cuộc vận động không thành, sư Thiện Chiếu phải về lại Sài Gòn.

Trong giai đoạn đầu cuộc chấn hưng chỉ có số ít chùa hưởng ứng. Khi được hỏi về tình trạng này, ngài Khánh Hòa đã nói: “Ở đời bao giờ vàng bạc cũng ít, ngói đá lúc nào cũng nhiều. Chúng ta dù ít nhưng cố gắng sẽ thành công”. Với tinh thần ấy, tháng Giêng năm Kỷ Tỵ - 1929, Hòa thượng Khánh Hòa đích thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở Nam kỳ để thành lập trường Phật học và Hội Nam kỳ Phật học, ra báo “Từ Bi Âm”, giành hẳn một chùa cho Hội để lập Pháp Bảo Phường thờ Tam Tạng Kinh.

Năm 1929, “Pháp âm” là tạp chí Phật học ra đời đầu tiên trong cả nước do Hòa thượng Khánh Hòa chủ biên, bằng tiếng Việt, nội dung kêu gọi Tăng ni đoàn kết để chấn hưng Phật giáo, học quốc ngữ, dịch Hán ra Việt, giải quyết nạn thất học trong tăng già. Báo ra được 1 số thì bị cấm! Tiếp đó, tờ “Phật hóa Tân Thanh niên” ra đời, kêu gọi tăng ni phải có cơ sở tự túc, mỗi chư tăng phải có trình độ trung cấp, tham gia các hoạt động công kỹ nghệ của đất nước, đó thực sự là nội dung rất mới mẻ. Báo ra được 1 số thì phải đình bản. Theo một số tư liệu gần đây cho rằng tờ “Phật hóa Tân Thanh niên” bị đóng cửa vì sư Thiện Chiếu bị chính quyền thực dân bắt, nhưng không tác giả nào đưa ra cứ liệu cụ thể. Năm 1933, Hòa thượng Khánh Hòa thành lập Liên đoàn học xã để đào tạo Tăng tài và hoằng dương chánh pháp có tính liên hoàn và liên tục ngày đêm, mỗi chùa đài thọ 3 tháng, sau đó vì kinh tế khó khăn nên bị gián đoạn và tan rã. Năm 1934, Hội “Lưỡng Xuyên Phật học” ra đời, mở Phật học đường, xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học để làm cơ sở hoằng pháp, tổ chức các khóa học tại các chùa Long Hòa, Thiên Phước, Viên Giác do Tổ Khánh Hòa làm Đốc học, trực tiếp giảng dạy cho Liên đoàn Học xã cùng với sự bảo trợ ủng hộ nhiệt thành của thiền sư Pháp Hải.

Cùng với các Phật sự trên, trong những năm 1931-1935, ở Nam kỳ còn xuất hiện nhiều Hội Phật giáo ở các nơi như: Tương tế Phật hoc hội ở Sóc Trăng, Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội thành lập 1934, Tổ đình Hưng Long Tự - Hưng Minh Tự ở Chợ Lớn. Các hội Hội Phước thiện nhà Phật, Hội Tương tế Giác Quang tự, Hội Thiên Thai giáo tông do Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai thành lập ở Bà Rịa với chủ trương Đoàn kết và Chấn hưng Phật giáo. Nhiều nguồn tư liệu nói cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc, 1832-1929, là thân phụ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc) sau khi từ Cao Miên về, ở chùa Hội Khánh - Bình Dương một thời gian, Năm 1925, cụ có đến lưu trú ở Thiên Thai, tại đây cụ cùng Tổ Tuệ Đăng (vốn quê Bình Khê, từng tham gia Cần Vương, phải vào Nam lánh nạn và xuất gia tu hành giáo hóa chúng sinh) tham vấn, đàm đạo việc nước việc đời khá tâm đắc. Hội Lục Hòa tăng đã xuất bản tạp chí Bác Nhã âm. Nhà chùa còn lưu giữ một số hiện vật quý của thời kỳ này. Trong giới Phật giáo Nam kỳ thời đó có lưu truyền lời ca tụng công đức của Tổ Huệ Đăng bằng 4 câu thơ dưới đây:

Huệ Đăng đấng Tổ Thiên Thai

Văn chương võ nghệ muôn đời còn ghi

Luật Kinh Luận Phú kim chi

Thánh Tăng xuất thế Nam kỳ chúng tôn!

Noi gương tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối trong cuộc chấn hưng Phật giáo, các môn đệ tổ đình Thiên Thai luôn thực hiện tốt tinh thần Đạo pháp gắn liền với Dân tộc, Phật tại Tâm, nhiều vị dấn thân hoạt động chống giặc cứu nước, bị bắt bớ tù đày. Hòa thượng Thích Thiện Hào từng bị thực dân Pháp bắt giam tại Chí Hòa, tra tấn dã man. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt bị Mỹ-Diệm kết án 20 năm tù, đày ra Côn Đảo. Chùa Thiên Thai trở thành chốn Tổ của Thiền Tông giáo Việt Nam, đồng thời là trung tâm Phật giáo miền Đông Nam Bộ, nơi ra đời “Thiên Thai Thiền giáo Tông Liên Hữu Hội”, có vai trò như trạm chuyển tiếp trong việc mở rộng, phát triển Phật giáo từ Bắc-Trung tới các tỉnh Nam Bộ trong công cuộc vận động yêu nước và chấn hưng Phật giáo.

Với quê hương Bến Tre, có thể nói hầu hết các chùa trong tỉnh thời đó đều có dấu tích Hoằng dương Phật pháp của Tổ Khánh Hòa. Theo “CHÙA VIỆT NAM” (Tập I, Nxb Tôn giáo, 2015): Chùa Viên Giác (156, Nguyễn Đình Chiểu Phường 2, thành phố Bến Tre) là nơi tu học của chư tăng thời chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hòa. Hòa thượng Nguyên Pháp là Tăng trưởng Hội Tăng già Nam Việt tỉnh Bến Tre thời đó và Tổ Thiện Niệm là những người hỗ trợ đắc lực, nhiệt thành nhất. Hiện nay nhà chùa còn lưu giữ được bức hoành phi của Tổ Khánh Hòa mang tên “ HUỲNH KIM BỬU ĐIỆN”.

Chùa Tuyên Linh (tọa lạc tại thôn Tân Hương, tổng Minh Quới, tỉnh Kiến Hòa – nay là xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Tên ban đầu là chùa Tiên Linh, do ông Chánh bái Nguyễn Duy Đảnh kiến lập vào năm Tân Dậu, năm thứ 14 triều Tự Đức. Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Khánh Phong, đang tu học tại chùa Khải Tường- Ba Tri; ông Đảnh cũng xuất gia và làm quản tự, Khi Tổ Khánh Hòa về trụ trì, Đạo phong của Tổ vang rộng khắp nơi, chư tăng các vùng lân cận tìm về học đạo rất đông. nhiều vị sau này là những danh tăng thạc đức. Hòa thượng Niệm Nghĩa ở Phước Sơn, Cấm Sơn sau này là cây bút chủ lực của Từ bi âm, báo Lục tỉnh tân văn; Là sáng lâp viên của Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội và cũng là Tăng trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Kiến Hòa. Chư Hòa thượng Thanh Tòng, Thái Không, Thành Đạo, Niệm Châu, Niệm Ngọc, Niêm Bình, là những danh tăng tài đức song toàn. Một số vị tham gia cách mạng nổi danh. Đáng chú ý là năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy cùng một vị Tăng đến chùa và lưu trú một thời gian. Các vị cùng nhau đàm đạo, tham vấn, đồng cảm nhau về Phật sư và cả về quốc sự, văn thơ. Cụ Phó bảng còn tổ chức các lớp học, xem mạch, bốc thuốc cho dân chúng trong vùng. Có thể nói thời gian 1922-1945, chùa Tiên Linh là nơi hội tụ của các nhà tu hành, các chí sĩ danh nhân yêu nước, kính Phật; là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt đông cách mạng. Trong chùa thường có mươi vị tá túc. Sau cụ Phó bảng là các cụ Nguyễn Văn Đỏ, Ngô Quang Chương, Huỳnh văn Trình, Huỳnh Văn Thinh, Phạm Quang Chất, Nguyễn Thế Xương… Năm 1927, Tổ Khánh Hòa cùng chư tăng, Phật tử cùng ông Nguyễn Duy Hòa, nhất trí sửa tên chùa “Tiên Linh Tự” thành “Tuyên Linh Tự”… Sau khi Tổ Khánh Hòa viên tịch (19/6/Đinh Hợi – 1947), Hòa thượng Thành Nghiêm kế vị trụ trì chùa Tuyên Linh. Nhiều nơi khác như chùa An Linh (ấp An Hòa, An Nhơn, Thạnh Phú); chùa Linh Phú (Ấp Tân Lễ 1, Tân Trung, Mỏ Cày Nam); chùa Long Nhiễu (ấp 5, Mỹ Thạnh, Giồng Trôm)… và nhiều chùa khác còn in đậm dấu tích hoằng dương Phật pháp của Tổ Khánh Hòa.

Năm 1943, lúc tuổi cao sức yếu Tổ Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh Bửu - Bến Tre, tổ chức Phật học đường đầu tiên cho Ni giới ở Nam kỳ. Dịch, in kinh Hán ra chữ Việt cho Tăng ni tu hành thuận lợi, đã để lại nhiều công đức lớn lao cho Phật giáo và các thế hệ Tăng ni tiếp sau.

Lúc Tổ sắp viên tịch đã cho đại chúng biết trước hai tháng, nhằm ngày Vía đức Quan thế Âm. Thật vậy, ngày 19 tháng 6 năm 1947, Tổ Khánh Hòa viên tịch tại tại chùa Tuyên Linh, tỉnh Bên Tre, thọ 70 tuổi và trải 50 năm tu hành thuần thành nghiêm mật và 25 năm dành hết tâm nguyện cho cuộc vận động chấn hưng Phật giáo nước nhà. Trước lúc viên tịch, Tổ còn dặn dò đại chúng là: Không được dùng vải lụa để tẩn liệm; Không được dùng long vị sơn son thiếp vàng trong tang lễ… Những lời dặn giản dị, tỉ mỉ như vậy, đã khép lại cuộc đời một vị Danh Tăng Thạc Đức, đã giành hết Tâm huyết, Nghị lực cả cuộc đời cho sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo nước nhà từ đầu thế kỷ XX. Mãi mãi là tâm gương, là bải học còn nguyên giá trị cho các bậc cao tăng và các thế hệ Tăng ni, Phật tử và các thiện hữu trí thức ngày nay.

 


* Trung tâm Nghiên cứu PGVN, Viện NCPH Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6059100