CÔNG HẠNH CỦA MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU
THÍCH KIÊN ĐỊNH*
Phàm là đấng lãnh đạo mà không tôn vinh tín ngưỡng văn hóa và giáo dục văn hóa là mầm mống dẫn đến suy yếu. Xưa nay, vong quốc đa phần đều vì lẽ đó. Minh vương Nguyễn Phúc Chu luôn ôn cố tri tân, khéo kế thừa và phát huy tín ngưỡng văn hóa và giáo dục văn hóa, những di sản của tiên chúa, và phát huy tột cùng sở trường của bậc đế chúa. Nhằm định hướng tu thân cầu pháp và hộ quốc an dân, ông đã quyết tầm sư học đạo, học thuật xử thế, chiêu hiền đãi sĩ, nạp lời can gián, vỗ yên trăm họ, bỏ hình ngục nặng, giảm bớt tô thuế, và thương yêu binh sĩ. Đó là cơ sở vững chắc giúp cho công cuộc mở rộng lãnh thổ được thành tựu. Với tài trí và đức hạnh của một Bồ tát kiêm thông văn võ, Minh vương suốt 34 năm trị vì đã trở thành biểu tượng của một con người đoan chánh và cương nghị, thông minh và bén nhạy, trọng nghĩa thầy trò, chu toàn hiếu sự, thương kẻ bề tôi, tận trung với nước, hết lòng với dân, mở rộng giang sơn, xứng ngôi đế chúa, thật đáng tán dương và tôn kính phụng thờ.
A. Sơ lược về thân thế và sự nghiệp:
Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), con trưởng của Anh Tông Hiếu nghĩa hoàng đế Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) - thân mẫu họ Tống, người tỉnh Thanh Hóa, được tôn hiệu là Hiếu nghĩa hoàng hậu – ra đời vào ngày Bính Tý, tháng 5 năm Ất Mão (1675) (nhằm thời vua Hiếu Triết ở ngôi năm thứ 27, thuộc niên hiệu Gia tôn Đức nguyên năm đầu nhà Lê). Khi hạ sanh ông, trong nhà hiện điềm lành, ánh sáng chiếu tỏa khác thường. Thời ấy Nguyễn Gia Phi (hoặc Nguyễn Gia Thị) vì không có con, nên lòng mến trẻ, vỗ về nuôi nấng. Được sinh ra và được giáo dục trong gia đình quốc chúa, lại có bẩm tính hiếu học và ưa đọc sách, cho nên ông thông cả văn lẫn võ. Ban đầu, ông được phong chức Tả binh dinh Phó tướng, hiệu là Tô Trường hầu, và được lập làm Thế tử.
Mùa Xuân, ngày Bính Thân, tháng Giêng, năm Tân Mùi (1691), chúa Nguyễn Phúc Trăn băng, thế tử Nguyễn Phúc Chu được kế nghiệp chúa vào năm 17 tuổi, và được tấn tôn chức Thái bảo, tước là Tô Quận Công, xưng là Tiết chế Thủy bộ chư Dinh kiêm Tổng nội ngoại Bình chương Quân quốc trọng sự. Nhâm Thân là năm đầu kế ngôi chúa của ông (nhằm niên hiệu Chánh Hòa thứ 13 đời vua Hy Tông nhà Lê).
Ngày Ất Mão, năm Quý Dậu (1693), nhân coi việc chầu, Chúa được thần dân tấn tôn làm Thái phó Quốc Công và được tôn hiệu là Quốc Chúa kể từ đó.
Năm 1694, ngài Đại Sán (Hòa thượng Thạch Liêm) nhân chuyến sang Việt Nam truyền bá chánh pháp; hội đủ duyên lành, ông đã phát nguyện quy y Tam bảo, thọ Bồ tát giới. Ngài Thạch Liêm đặt cho ông Pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân; đạo hiệu này ghi nơi các biển ngạch và câu đối mà ông đã ban cho các chùa trong và ngoài Thuận Hóa trước kia. Suốt 34 trị vì, ông đã nhiều lần mở khoa thi để nâng cao dân trí, và hoàn thành công cuộc mở rộng bờ cõi phương Nam.
Ông băng vào ngày 21 tháng 4 năm Ất Tị (1725) (nhằm niên hiệu Bắc Thái thứ 6, đời vua Dũ Tông nhà Lê), trụ thế 51 xuân thu với 34 năm trị vì, hiệu là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng Đế. Lăng Trường Thanh (làng Kim Ngọc, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là nơi an nghỉ cuối cùng của đời ông. Tôn Thụy là Tộ Minh Vương, đời Hiếu Võ truy tôn ông là ‘Hiếu Minh Vương’; đời Gia Long truy tôn ông là “Anh mô Hùng lược Thánh văn Tuyên đạt Khoan từ Nhơn thứ Hiếu Minh Hoàng Đế”. Long vị của ông được thờ ở án thứ 3 bên tả trong Thái Miếu.[1]
I. Kế thừa & định hướng:
Có lẽ, chính ông đã nhiều lần cân nhắc và tự nghĩ rằng phàm làm đấng nhân quân, kế thừa ngôi chúa, đứng trên sĩ dân mà không định hướng tu thân cầu pháp, học thuật xử thế, thì về sau làm sao cho xứng ngôi đế chúa, làm sao cho xứng với với quốc gia xã tắc. Chắc hẳn lòng ông đã rộn lên muôn mối lo toan, trăm ngàn nghi vấn. Bởi chúa phụ sớm băng, đơn thân côi cút, thiếu vắng quân sư, trí đức chưa toàn, làm sao có thể chăn dắt muôn dân, chưa thông dịch lý, chưa rành binh thư, thì làm sao có thể thu phục muôn dân, nhiếp hóa tướng sĩ, làm sao khỏi thẹn với các đấng tiên chúa và khỏi nhục với quốc gia xã tắc. Nếu vậy thì kế thừa di sản và gia nghiệp của tiên chúa, đứng trên sĩ dân, nào có khác gì đứng ngồi trên lửa dữ (?); sống trong cung phủ, nào khác gì nằm trên chông nhọn (?).
Mới 17 tuổi mà khi đăng đài nhậm chức, Chúa đã tỏ lòng “vọng bái đài Kính thiên”, nhờ đức cao dày của các bậc tiên chúa linh hiển chở che, “ngày ấy trời trong mây sáng, ai nấy đều mừng thầm cho đó là cảnh tượng thái bình”. Để trấn an quần thần trong phủ chúa và nhiếp hóa quan quân, mùa Xuân tháng 3, ông cử hành lễ tôn phong các linh thần trong cõi; và đặc biệt để thể hiện ân huệ của bậc đế chúa, vỗ yên lòng dân, ông đã cho ban lệnh miễn nửa thuế ruộng năm ấy.
Giang sơn của các tiên chúa tuy đã trải qua năm đời - Chúa Tiên Thái Tổ Nguyễn Hoàng (1558-1612), Chúa Sãi Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634), Chúa Thượng Thần Tông Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Chúa Hiền Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho đến thời Chúa Nghĩa Anh Tông Nguyễn Phúc Thái (hay Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691) - nhưng đất đai lãnh thổ chỉ mở rộng đến Phú Yên. Ở Đàng Ngoài thì Chúa Trịnh thường lăm le đe dọa. Đã hơn một thế kỷ trôi qua, nhưng tàn dư chiến tranh và nạn đói hoành hành, dịch bệnh lây lan, thiên tai bão lũ, dân tình khốn khổ… hẳn là những nạn khó tránh khỏi, khiến cho ông càng thêm lo toan.
II. Tầm sư cầu pháp - Học thuật hộ quốc:
Quốc Chúa tự biết xuân thu chưa mấy, trải nghiệm chưa nhiều, tài đức chưa toàn, trí mưu còn kém, vậy sớm nên cậy người tài đức, trí dũng song toàn trợ giúp thì mới yên ngôi chúa. Ngẫm lại sách xưa, Nho giáo đã dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Phàm làm quân tử, xứng bậc minh quân, Khổng giáo cũng dạy: “Đại học chi đạo, tại thân dân, tại minh minh đức, tại chỉ ư chí thiện”. Vì lý do đó, ông đã ngày đêm ao ước sớm tìm quân sư, tu thân cầu pháp, học thuật hộ pháp để thu phục muôn dân, vỗ yên xã tắc. Vì những lẽ ấy đã thúc giục ông phái người sang Tàu thỉnh tăng truyền đạo. Quốc Chúa bèn nghĩ, phải lo triều chính, luyện tập quân binh, chiêu hiền đãi sĩ, vỗ về nhân dân, giảm nhẹ hình ngục, bớt tô giảm thuế, vỗ yên trăm họ, thì mới có thể mong thành đại nghiệp. Tuy bận triều chính, nhưng Quốc Chúa vẫn để tâm nghiên tầm Phật pháp, kính tín Tam bảo, tu thân hành đạo, cầu thọ giới pháp, mở đại hội thí để hộ quốc an dân.
Trong thời Quốc Chúa, chùa chiền ở Thuận Hóa chỉ vài ba ngôi, như chùa Hà Trung, chùa Vinh Hòa[2] (nay là chùa Linh Thái), chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên,[3] chứ chưa nhiều. Về tín ngưỡng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người dân Thuận Hóa còn thờ “Thiên Tiên Thánh Mẫu”, Thổ địa Thần hoàng, ông Táo bình vôi, hoặc là thờ Bà… còn với đạo Phật, họ chưa biết gì nhiều. Tựu trung, người Thuận Hóa đa phân dung hợp với tin ngưỡng bản địa, cuộc sống chưa có quy củ. Trong tập Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi vào thời nhà Lê, Lý Tử Tấn viết: “người dân Thuận Hóa hung hăng, hiếu chiến, thường học theo thói người Chiêm Thành”.[4] Ở miền Thuận Hóa, dân cư ở thưa thớt, nông nghiệp thô sơ,…
Năm Giáp Tuất (1694), khi ngài Đại Sán từ chùa Trường Thọ, Quảng Đông, Trung Quốc du thuyền đến phương Nam truyền đạo, sách Hải ngoại kỷ sự (HNKS) ghi rõ việc Quốc Chúa tổ chức cung đón rất long trọng. Lúc ngài Đại Sán sắp đến phủ chúa Nguyễn Phúc Chu, và việc Quốc Chúa nóng lòng muốn được hội diện với ngài Đại Sán cũng được HNKS ghi rõ như sau:
“Đương bàn với Quốc sư tính nghỉ ngơi vài ngày rồi sẽ ra mắt Quốc vương. Kế có quan nội giám quỳ gối thưa rằng “Quốc vương trông đợi lão Hòa thượng đã mấy ngày nay, nay chỉ trong gang tấc chẳng được hội kiến, chắc suốt đêm trằn trọc không ngủ yên... ”. Sứ giả đi lại liên tiếp, Quốc sư ép ta qua yết kiến một lần cho thỏa lòng Quốc vương. Võng lọng từ cửa giữa đi thẳng vào đền, vua đứng đón ở thềm phía đông; thoạt mới gặp nhau, như quen biết sẵn từ trước; dắt vào trong cung, có bài trí tượng Phật, phướng tàn chuông mõ, chẳng khác cảnh chùa. Ta bảo rằng “Nhà vua thực khá gọi chẳng quên nghiệp cũ vậy”.[5] Vương ngó ta mà cười. Ta lễ Phật, nhà vua tự tay đánh khánh, đốt hương. Kế khiến bày hương án, lấy bậc thầy đãi ta vào ngồi giữa, Quốc sư ngồi phía tả, rồi ngài ngồi phía hữu. Sau mấy lời hàn huyên ủy lạo, đứng dậy thưa rằng “Đệ tử tâm mộ đạo phong lão Hòa thượng đã mấy năm nay, nay may mắn Hòa thượng chẳng vì cớ xa xuôi từ khước; cầu xin rủ lòng, bảo cho đệ tử biết đường chánh để noi theo”. Ta bảo rằng “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một, nhưng địa vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia, lãng bỏ tất cả pháp lệnh kỷ cương để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy. Nếu hay dửng dưng không dục vọng, lạnh lẽo không tham cầu, trong lòng hư linh, tùy việc thuận lý, tùy vật ứng phó, thì tuy ngày xử trí muôn việc cũng chẳng phiền nhiễu mảy may. Bởi thế nước trị dân an, hầu thầy rủ áo vòng tay, không làm mà thành đạo; thanh tịnh tột bậc, Đế vương Phật tổ nào có phân biệt gì đâu”. Vương có ý hiểu, bảo rằng “Ngày nay mới được nghe những điều chưa từng nghe”.[6]
Trên đây cho thấy rằng Quốc Chúa chuẩn bị cung đón ngài Đại Sán rất chu đáo. Còn lời sách tấn và khuyên răn của ngài Đại Sán đối với Quốc Chúa được xem như là khuôn vàng thước ngọc của bậc thầy bác lãm và từng trải thế sự. Lắm lúc Quốc Chúa chưa hiểu hết nghĩa lý sâu xa mà ngài Đại Sán đã giải bày; vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng khi lén nhìn Quốc Chúa thì ngài Đại Sán lại ngầm khen: “xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh, độ lượng khoan hòa, dung mạo đoan chính; cho hay hưởng phước làm ông vua một nước, đâu phải chuyện ngẫu nhiên; vả lại nghiên cứu kinh điển, đau đáu lưu tâm, nếu chẳng phải người kiếp trước tu hành, nhơn túc nguyện trở lại trần gian, thì chẳng làm được như thế vậy”.[7] Sau khi dùng cơm chay, ngài Đại Sán trở “về đến chùa Thiền Lâm, canh ba đã điểm trống”.
Quốc Chúa không những cúng dường tịnh tài và các phẩm vật cần thiết mà quan dân cũng đến lễ bái rồi thay nhau dâng cúng. Thấy rõ lòng hiếu khách của Quốc Chúa và quan dân, ngài Đại Sán rất cảm phục và ấm lòng. Tuy nhiên, ngay nơi Quốc Chúa ngự tiếp ngài Đại Sán thì quá khiêm tốn, vì “nhà ở tối tăm chật hẹp, chẳng đủ chỗ chứa 10 người, ban trưa còn thắp đuốc”.[8] Ý nói rằng, chung quanh nơi ấy tre nứa đầy dẫy, cây cối um tùm, nên thiếu ánh sáng.
Về âm nhạc, sau khi thết đãi cơm chay, Quốc Chúa bèn thỉnh ý hòa thượng cho phép các cung nữ múa hát cúng dường. Ngài Đại Sán thưa: “Trong mười thứ cúng dường, âm nhạc là một”. Khi các vũ nữ múa hát xong, Quốc Chúa vì muốn hòa thượng ban phước lộc cho họ, bèn đưa tiền để Ngài thưởng cho các cung nữ ấy. Tiền thưởng ấy được gọi là “Tiểu hầu”. Điều này ngụ ý nói Quốc Chúa không những ưa xem diễn tuồng và biết thưởng thức âm nhạc mà còn phô trương âm nhạc và nghệ thuật diễn tuồng văn hóa bản địa của người phương Nam với ngài Đại Sán. Việc ấy cũng nói lên tài ngoại giao khôn khéo và tế nhị của một bậc đế chúa đối với vị tăng ngoại quốc, mà bấy giờ Quốc Chúa chỉ mới 21 tuổi. Quốc Chúa quả thật là người thông minh và khôn khéo qua thuật xử thế và tài ngoại giao. Hèn gì khi ngài Đại Sán trộm nhìn Quốc Chúa rồi khen rằng “xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh…”
Liên quan đến Đại giới đàn, khi xem qua bản trình của ngài Đại Sán, Quốc Chúa phán: “Phần đông tăng chúng không giữ giới luật, Ta sẽ phát lịnh bài đi các phủ, bắt Tăng đồ đem về trình lão Hòa thượng, khiến cầu chịu Tam đàn giới pháp, thì mới cấp cho Giới điệp, miễn tha sưu thuế. Lão Hòa thượng ra báo đơn thông tri, từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 làm viên mãn cả Tam đàn cũng được. Ta sẽ suất quyến thuộc, các quan văn võ, ai có tín tâm, đều xin làm đệ tử, chịu Bồ-tát giới, xin Hòa thượng đặt cho pháp danh đạo hiệu”.[9]
Tháng 4 năm Giáp Tuất, sau khi thỉnh giáo ngài Đại Sán, Quốc Chúa ban lệnh khai Đại giới đàn ở nội viện tại chùa Thiền Lâm vào ngày Phật đản (mồng 8 tháng 4). Số giới tử thọ Sa Di, thọ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thọ Bồ-tát giới lên đến cả hàng ngàn người. Trong số đó “Tăng chúng thập phương đầu đơn xin thọ giới đã có hơn 600 người, nhưng liêu xá, và đồ dùng hằng ngày chẳng có một món gì. Tri sự thương lượng với Quốc sư, chỉ nghe trả lời bằng hai tiếng ‘dễ dàng’ mà thôi”.[10]
Việc tổ chức Giới đàn được chuẩn bị rất chu đáo, trên từ Quốc Chúa, công chúa, dưới cho đến quan quân các dinh đều ủng hộ. Số giới tử đến cầu thọ giới lên đến nghìn người, thế mà Quốc sư chẳng chút lo liệu. Nhân lúc ấy có công chúa đến, ngài Đại Sán trình bày mọi việc. Công chúa nói: “Lão Hòa thượng hãy vẽ đồ hình và kê đơn các món cần dùng. Tôi đem trình Quốc vương, có thể ứng hiện xong lập tức”.[11]
Hôm sau, khi ngài Đại Sán đưa các tăng nhơn đến, Quốc Chúa ân cần vấn an từng người một, rồi ban lệnh: “Truyền quan quân các dinh chia nhau dựng cất liêu xá, hạn trong ba ngày lạc thành, bàn ghế khí mãnh hạn 10 ngày phải có đầy đủ”. Thế là mọi việc được quan quân răm rắp thi hành. Nào là “Vân trù (nhà bếp), Thiền đường, Vân thủy đường, dựng lên ở phía tả; Thị liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng lên ở phía hữu; ở giữa thì làm một Giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra, khuân vác khí cụ, hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2.000 vây thủy, giới tử ai lo phần việc nấy. Quốc sư dọn cơm trưa, xin treo chuông bảng làm hiệu lệnh, tu chỉnh quy ước, và đề những liễn đối”.[12]
Trước ngày tấn đàn Sa Di giới, đường sá dọn dẹp sạch sẽ. ‘Từ sáng sớm, có đội quân mão dẹp đường, họ ra lệnh tất cả mọi người phải tránh xa một hai dặm’. “Đạo ngự đi có người theo hầu tả hữu, đều cầm kim đao kim thượng dài năm sáu thước, khiêng kiệu 16 người, toàn người cao lớn, xỏa tóc, mình trần truồng, chỉ có một sợi giây thắt ngang lưng, treo một vuôn vải che đàng trước, quấn lại cột tréo ra sau lưng. Những tăng nhơn cầu giới người Thổ, phủ phục đón rước ở dưới núi. Quốc vương đội mão xung thiên cánh chuồn, mặc đạo bào màu huyền, đi giày nhung, không mang bít tất, vào đền thắp hương, lễ Phật. Đoạn, đi quanh đàn chay, xem xét trần thiết, cả mừng rồi bảo:“May có lão Hòa thượng đến đây, mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy””.[13]
Ngày mồng 8 tháng 4, Quốc mẫu, công chúa, hậu cung quyến thuộc phát tâm thọ Bồ-tát giới và được Quốc Chúa cho lập riêng một đàn. Trong ngày ấy, Quốc Chúa được ngài Đại Sán ban cho Pháp danh Hưng Dụng, Đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhơn. Ngày ấy nắng gắt, Quốc Chúa người mập mà quỳ lâu nên mồ hôi thấm ướt mấy lớp áo, thấy vậy người dẫn lễ đến nói khẽ rằng Chúa nghỉ một lát khỏe, khi hành lễ hãy quỳ. Quốc Chúa bảo: “Ta ít tuổi, vui lòng chịu giới phạm, chẳng lấy thế làm mệt”. Thọ giới xong, Quốc Chúa đến chỗ ngài Đại Sán làm lễ, rồi thỉnh giáo. Lúc ấy ngài Đại Sán xét thấy tín căn của vương rất bền vững, có lòng cầu đạo chơn thành, bèn mừng rỡ viết quyển “Hộ Pháp Kim Thang thư” gởi tặng cho Quốc Chúa.
Nhân sắp đến ngày đản nhật khánh chúc, ngại bận triều chính, khó được an tịnh, Quốc Chúa bèn phát tâm hành Trai giới trước ngày 18 tháng 5, rồi thỉnh vấn các việc cần làm, ngài Đại Sán thưa: “Việc Trai giới chẳng phải chỉ giữ cho sạch miệng sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc Trai giới của nhà vua cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yểm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi cho thợ thầy. Nói tóm lại nên đem tất cả công việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, Tăng chúng y bát, vật dụng hương hoa… sẽ kê đơn chế biện”.[14]
Ngoài việc nêu lên lợi ích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Trai giới, ngài Đại Sán còn chỉ bày sự thống lãnh của một đế chúa đối với muôn dân: cần lập pháp chế, trị kẻ nịnh thần, thưởng kẻ tôi trung, đại xá tù nhân, giúp kẻ cơ hàn, bỏ hình phạt nặng, coi trọng thương nhân, chiếu cố thợ thầy, quan tâm quan quân sĩ dân sao cho trên xứng ngôi thiên tử, dưới hợp lòng dân, ích đời lợi đạo. Ngài Đại Sán lại còn chỉ bày cách tuân thủ quân lệnh, công ít quả nhiều, chớ vì việc nhỏ xả thân mà quên đại cuộc. Có lần đương lúc đàm đạo với ngài Đại Sán, quân hầu mật báo “trại quân bị cháy”, Chúa liền ra ngoài cứu chữa mà chẳng sợ hiểm nguy. Sau đó bị ngài Đại Sán quở: “Đứa con nghìn vàng, chẳng ngồi cheo leo nơi thềm cao; huống chi vua thiên thặng, trên quan hệ đối với trọng trách tôn miếu xã tắc, dưới quan hệ đối với sự an ninh của trăm họ muôn dân, há nên khinh thân vào nơi nước sôi lửa cháy. Vẫn biết đức trạch nhà vua, thấm khắp trăm họ, nhưng biết đâu không có cuồng phu oán tốt [phản nghịch] (dòm hành); hoặc cố ý phóng hỏa để dụ vương ra, rồi thừa hư phạm giá, há chẳng nguy thay? Bởi thế, nhơn quân lúc đi ra có đường kỉnh, đi vào có đường tất (đường cấm), không phải bày đặt vô vị đâu”. Nghe xong, Quốc Chúa cả kinh, liền bảo: “Phải, nhưng biết thế nào, trong nước toàn nhà tranh, năm nào cũng có hỏa hoạn, mỗi lần cháy lan hàng mấy dặm, nếu chẳng cứu, nhà dân sẽ ra tro hết”. Nghe Quốc Chúa bày tỏ như thế, ngài Đại Sán thưa: “Đã có cách hay, nhà vua nên đặt làm một thứ lệnh tiễn, gặp lúc trong nước có việc gấp, cần nhà vua phải thân hành đến tận nơi, chỉ cần sai Nội giám cùng quan quân cầm lệnh tiễn đến. Lệnh tiễn đến cũng như vua đến vậy. Lệnh đến, nếu quan quân có người nào không đến, lập tức trị tội chẳng tha. Như thế không có hại gì cả”. Bấy giờ Quốc Chúa mới nhận thấy đó là kế hay, bèn bảo: “Nếu chẳng phải lão Hòa thượng yêu ta, bao giờ được nghe lời ấy. Mấy ngày rày đàm đạo, và trong sự nghe thấy, nếu có những chánh kiến vì nước vì dân, cầu xin Hòa thượng bày bảo từng điều một thật rõ ràng, hầu khiến khắc yết lên triều môn, vĩnh viễn cùng thần dân noi giữ vậy”. Nói chung, nhờ việc cứu hỏa hoạn mà Quốc Chúa có được kinh nghiệm, học được cách thi hành quân lệnh, áp dụng cho kẻ bề tôi. Việc cứu hỏa hoạn ấy đã khiến cho ngài Đại Sán phải ngầm cảm kích và khâm phục Quốc Chúa đúng là một người trí dũng phi thường, hành Bồ-tát hạnh vô ngã vị tha.
Lại nữa, khi Quốc Chúa thỉnh ngài Đại Sán đi xem xử án tội nhận bằng tượng hình: quân lính bắt tội phạm thả cho voi chà, voi nhồi phạm nhân lên cao mấy trượng, rồi dùng ngà xoi thủng ruột gan, tội nhơn chết ngay lập tức. Thấy hình phạt ấy quá dã man, Ngài lại khuyên nên bãi bỏ, Quốc Chúa liền nghe theo.
Về chính sự, ngài Đại Sán nêu lên bốn vấn đề rất quan yếu: 1) Nên tiến cống Trung triều để chính danh hiệu; 2) Đặt đồn thú để củng cố biên thùy; 3) Thương yêu quân sĩ để cỗ vũ lòng trung dũng; và 4) Mở trường học để giáo dục nhân tài.[15] Ngoài ra, HNKS ghi rằng phải khéo biết vận dụng giáo pháp Phật làm phương tiện tu tập như thế nào để thấy được bản tâm, ngộ được chơn tánh. Và HNKS còn đề cập đến cách thức tu thân trị quốc an dân rất phù hợp với cương lĩnh của một vị đế chúa.
Lần khác, khi chứng kiến sự linh ứng phi thường của ngài Đại Sán về việc chấp trì “Uế tích Kim-cang thần chú”, Quốc Chúa cũng xin thỉnh giáo. Ngài Đại Sán bảo: “Học thì rất dễ, nhưng muốn cho linh ứng cần phải tu luyện hằng tháng hằng năm, mới có thể tùy cơ ứng dụng”. Sau khi truyền dạy Mật tông (pháp trì Thần chú), ngài Đại Sán lại luận bàn chính sách trị quốc an dân, rồi chép ra từng điều một, trong đó việc “lập quốc chánh ước” gồm 18 điều, và lập ra pháp chế quan dân binh sĩ, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, đều được trình bày rõ ràng. Xem xong, Quốc Chúa nói với nội quan chưởng sự: “Nước ta pháp độ dân tình đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão Hòa thượng đem lễ phép Trung Quốc chỉ dạy, liệt trần 18 điều; nên khắc bảng yết lên cửa phủ, hiểu dụ văn võ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại nêu rõ. Nếu ai trái điều lệ, phạm pháp, cho kẻ bị thiệt hại, cầm thẻ bài đến kêu. Vô luận văn võ quân dân vương thân quốc thích đều cứ pháp luật trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”.[16] Kể từ đó “lập quốc chánh ước” được áp dụng và thi hành, pháp luật được đề cao. Nhờ đó, quan dân sống có kỹ cương, uy phong Quốc Chúa ngày càng được tôn kính.
B. Mưu tính đại nghiệp:
Được ngài Đại Sán chỉ bày nhiều lãnh vực có vai trò quan trọng của một đấng quân vương, Quốc Chúa tự mình cảm thấy vững tâm trước muôn sự. Cũng từ đó, Quốc Chúa tiếp tục nghiên tầm Phật pháp, dấn thân hành đạo, ứng dụng chính sách trị quốc an dân, giúp kẻ nghèo khó, bãi miễn hình ngục (tượng hình), giảm bớt tô thuế, ân xá tù nhân, vỗ về quan dân, thương yêu binh sĩ, lo việc an sinh, trị kẻ phản tặc, trọng dụng hiền tài. Nhờ chấp pháp nghiêm minh, nên uy danh Quốc Chúa ngày càng lan xa, quan dân binh sĩ hết lòng phò tá.
Bước đầu hành pháp, Quốc Chúa thăng cấp cho Trấn phủ dinh Quảng Nam là Nguyễn Đức Bảo làm Tả quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ Tiến quận công, và Trấn thủ dinh Bố Chính là Chưởng dinh Bình Lộc làm Trấn phủ, và thăng cấp cho Chưởng cơ Tài Trí làm Chưởng dinh, Cai cơ Tôn Thất Nhuận (con Tôn Thất Hiệp) làm Chưởng cơ. Các văn võ quan viên khác đều được thăng cấp theo thứ bậc. Kế đó ban cho Nguyễn Đức Bảo một quả ấn đồng và một cỗ kiệu đen để nêu thưởng nguyên huân.
I. Tín ngưỡng & Giáo dục:
1. Tín ngưỡng:
Tín ngưỡng là văn hóa, là nền tảng vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia. Tôn vinh tín ngưỡng là tôn vinh văn hóa, tôn vinh triết lý thiêng liêng và đức hạnh cao khiết của chư tiền nhân.
Năm Tân Mùi (1691) (nhằm năm Lê Chính Hòa thứ 12 – 1691), Quốc Chúa ban cho chùa Thập Tháp Di Đà tấm biển ngạch, ghi Thập Tháp Di Đà tự và câu đối, nay vẫn còn.[17] Chùa tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định,[18] do ngài Tạ Nguyên Thiều, tự Hoán Bích - người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông - dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Mùa Hạ, tháng 4, năm Tân Mùi (1691), ban lệnh dựng phủ mới, kiến trúc đúng theo mô hình của Thái Tông trước kia, không cần phải lộng lẫy tốn kém.
Mùa Xuân, tháng Giêng năm Nhâm Thân (1692), ban lệnh trùng tu và mở rộng Văn Miếu ở Triều Sơn[19].
Đặc biệt, Quốc Chúa ban lệnh trùng tu chùa núi Mỹ Am[20] (chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Vân ngày nay).
Tháng 8, năm Ất Hợi (1695), ban lệnh đặt chức từ thừa ở miếu (năm Minh Mạng thứ 4, đổi dựng chùa Long Phúc) phường An Định Nha (thuộc huyện Minh Linh, Quảng Trị). Xưa kia, các phủ đều dựng miếu để thờ các vị Thánh vương; còn miếu thờ ở An Định Nha là do dân 3 phường: An Định Nha, An Hưởng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân; vì cảm niệm công ơn Thái Tổ, nên đồng tâm dựng lập miếu thờ. Quốc Chúa khen lòng tốt, rồi sai quan đem mũ và áo bào thần ngự bày ở miếu ấy, lại sai đặt chức từ thừa để trông coi bảo quản, cho bằng son.[21] Và cùng năm này, Quốc Chúa sắc lệnh dựng miếu thờ chư Thánh vương các phủ.
Về hiếu sự, Hoàng mẫu là Tống thị (tức Hiếu nghĩa hoàng hậu, con gái thiếu phó Tống Phước Vinh) băng vào ngày Mậu Dần, tháng 3-1696, được tôn lên hàng Quốc Thái phu nhân, táng ở xã Định Môn (huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).[22]
Đáng chú ý nhất là Quốc Chúa ban lệnh trùng tu chùa Thiên Mụ vào mùa Hạ, tháng 6-1714, giao cho Chưởng cơ Tống Đức Đại trông coi việc trùng tu. Công trình bắt đầu từ cổng chùa đến điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, Giảng đường (nhà thuyết pháp), lầu Tàng kinh, hai bên là hai lầu chuông trống, điện Thập Vương, nhà Thủy Vân, nhà Tri vị, Thiền đường, điện Đại bi, điện Dược sư, nhà Tăng và nhà thiền có tới vài mươi sở, phía sau các nơi phương trượng trong khuôn viên Côn Gia rộng vài mươi sở, trông rất khang trang, công việc trùng tu gần một năm thì hoàn tất.[23] Đặc biệt, Quốc Chúa cho đúc một đại hồng chung cao 2m5, nặng 3.285 (khoảng 2.021 kg) và tự chế bài minh rồi cho khắc vào văn bia;[24] sai sứ sáng nước Thanh thỉnh Đại tạng kinh, số hơn nghìn bộ, bảo lưu ở tự viện.[25] Sau một năm trùng tu hoàn tất, ngày khánh thành và khai đại hồng chung, Quốc Chúa đích thân đánh chuông, âm thanh thánh thót đòng vọng ngân vang.[26]
Nhờ ân ấy mà chùa Thiên Mụ trở thành ngôi Phạm vũ huy hoàng và uy nghiêm, người dân Thuận Hóa ai nấy đều cảm kích và niệm ân Quốc Chúa. Thêm vào đó là Đại hội thí được Quốc Chúa khai ân vào mùa Thu tháng 7 nhằm bày tỏ tín tâm đối với Tam bảo và hầu mong âm dương được ân triêm công đức. Nổi bật hơn nữa là việc Quốc Chúa phát tâm ăn chay một tháng ở vườn Côn Gia. Ngày phát chẩn là ngày vui lớn của toàn dân Phú Xuân, ai nấy đều nhận được phúc lộc và ân huệ của Quốc Chúa ban tặng, một Bồ-tát cứu dân nghèo. Ngay cả Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử đem ba người con và các tướng đến dự hội, cũng Quốc Chúa ban yến rất hậu, và phong chức tước hầu cho ba người ấy là: Phù Xác, Phác Xác và Tỳ Thôn Phù.[27]
Một năm sau (1715), ban lệnh dinh Trấn Biên dựng Văn Miếu, giao cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Khánh Đức trông coi công việc (Miếu thuộc thôn Bình Thành và Tân Lại huyện Phúc Chính, phía trước gần sông Phúc Giang, phía sau gối núi Long Sơn).[28]
Biến cố khó quên trong đời của Quốc Chúa, đó là lúc Kinh phi Nguyễn Thị băng. Vì quá thương tiếc, Quốc Chúa động lòng ngự chế bốn bài thơ.[29] Cả bốn bài này, lời thơ nghe như vang lên tiếng nấc nghèn nghẹn và trầm buồn, tả nỗi lòng của Quốc Chúa tiếc thương Kinh phi Nguyễn Thị khôn nguôi. Nhờ gieo trồng thiện căn Phật chủng và tín tâm nhiều đời đối với Tam bảo, nội dung thơ đã bày tỏ tâm thành cầu nguyện oai lực chư Phật Bồ-tát Thánh Tăng trong mười phương, từ bi tiếp dẫn hương hồn Kinh phi Nguyễn Thị sớm siêu sanh tịnh cảnh.
Mùa Thu, tháng 8, năm Bính Thân (1716), ban lệnh sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Sai Tả phủ Trịnh Thụ (bấy giờ là Lân Quận Công) trông coi công việc trùng tu. Chùa được Quốc Chúa ngự chế ban cho biển ngạch hoành phi câu đối.[30]
Mùa Xuân năm Kỷ Hợi, tháng 3, năm Kỷ Hợi (1719), trong chuyến thăm dinh Quảng Nam và duyệt binh mã, rồi đến thăm phố Hội An, nhân thấy chiếc cầu ở phía Tây quá thích ý, nơi có đông thương nhân tụ họp buôn bán, Quốc Chúa bèn đặt tên là “Lai Viễn Kiều”, rồi viết chữ biển vàng ban cho, nay vẫn còn.[31]
Mùa Xuân, tháng 2, năm Tân Sửu (1721), ban lệnh dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (huyện Phong Điền). Hiền Sĩ xưa kia là có chùa nổi tiếng linh ứng, Quốc Chúa theo nền chùa cũ, kêu thợ đến dựng chùa, rồi ban cho tấm biển vàng.
Tựu trung, ngoài các ngôi chùa được trùng tu, Hoàng Giác là ngôi chùa duy nhất được Quốc Chúa trùng kiến (tái lập) sau 21 năm kể từ khi lên kế vị ngôi chúa.
2. Giáo dục:
Tôn vinh giáo dục là tôn vinh phẩm chất đạo đức và đề cao nếp sống tịnh lạc cao thượng. Bình sinh vốn có tính ham học lại ưa đọc sách, nên Quốc Chúa biết nhìn xa trông rộng, quảng bá giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát huy nếp sống đạo đức và vấn đề an sinh trong xã hội. Nhằm đề cao và tôn vinh giáo dục, và chủ trương phổ biến giáo dục trong nhân dân để tuyển chọn hiền tài làm quan giúp nước. Vì lẽ đó, Quốc Chúa lần lượt ra ban lệnh mở các khoa thi ở Đàng Trong. Khoa thi đầu tiên được mở vào tháng 2-1694, “sai quan làm duyệt tuyển lớn. Thi nhiêu học, lấy 133 người trúng cách về chính đồ,[32] 92 người trúng cách về hoa văn”.[33]
Lần thứ hai, khoa thi được mở vào mùa Thu, tháng 3, trong lần này “lấy 5 người trúng cách về chính đồ làm giám sinh, 8 người làm sinh đồ, 15 người làm nhiêu học, 22 người trúng cách về hoa văn, 10 người trúng cách về thám phỏng. Giám sinh bổ văn chức và tri huyện, sinh đồ bổ huấn đạo, nhiêu học bổ lễ sinh, hoa văn bổ vào Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty, thám phòng bổ vào Xá sai ty”.[34]
Lần thứ ba, khoa thi Văn chức và Tam ti được mở ngay trong phủ Chúa vào tháng 8, năm Ất Hợi (1695). “Thi Văn chức thì kỳ đệ nhất tứ lục, kỳ đệ nhị thơ phú, kỳ đệ tam văn sách. Thi Tam ti là thi Xá sai ti, thi Tướng thần lại ti và thi Lệnh sử ti. Thi Xá sai ti là hỏi về việc binh lính, tiền lương, số tiền thóc xuất nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm. Thi Hai ti là thi Tướng thần ti và thi Lệnh sử ti thì chỉ làm một bài thơ là đủ”.[35]
Lần thứ tư, khoa thi được mở vào tháng 8-1702. Trong kỳ thi ấy “lấy trúng cách về chính đồ được 4 người giám sinh, 4 người sinh đồ và 5 người nhiêu học, trúng cách về hoa văn được 17 người, trúng cách về thám phỏng được 1 người. Giám sinh bổ tri phủ, sinh đồ bổ tri huyện, nhiêu học bổ huấn đạo, hoa văn và thám phòng bổ vào ba ty”.[36] Đặc biệt kỳ thì này, Quốc Chúa đã đích thân ra đề, nhằm thanh lọc tình trạng đút lót và mua chuộc, hối lộ và gian lận giữa các nha quan trông coi việc thi cử với các thí sinh dự thi mà họ là con cháu của quan lại và của các đại gia.
Tháng 8-1707, mở khoa thi “lấy trúng cách về chính đồ được 3 người giám sinh, trúng cách về hoa văn 3 người, trúng cách về thám phỏng 5 người”.[37]
Nhằm phát huy và phổ biến giáo dục văn hóa rộng rãi trong nhân gian, Quốc Chúa đã ban lệnh mở thêm trường để đào tạo cho nhân dân. Mùa Xuân, tháng Giêng, năm Mậu Tý (1708), Quốc Chúa ra lệnh cho các nha quan mở thêm 1 trường ở mỗi huyện. Trước kia ở Thuận Hóa, 3 huyện (Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang) có 1 trường; ở Quảng Trị, 3 huyện (Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh) có 1 trường; còn ở Quảng Bình, 3 châu huyện (Khang Lộc, Lệ Thủy, Bố Chính) mỗi nơi có 1 trường; ở Quảng Nam, 6 phủ (Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Ninh, Phú Yên, Bình Khang) có 1 trường; mở thêm 2 phủ, mỗi phủ đặt 1 trường. Tổng cộng 13 trường.[38]
Lần thứ sáu, khoa thi nhiêu học được mở vào tháng 4-1713, lấy 97 người trúng cách về chính đồ, 41 người trúng cách về hoa văn.
Lần thứ bảy, khoa thi được mở vào tháng 8-1713. Bấy giờ thí sinh thi chính đồ, kỳ đệ nhị có 130 người, khảo quan bất hòa đánh hỏng cả, duy thi hoa văn và thám phỏng thì lấy trúng cách được hơn 10 người. Vì nghĩ rằng quan khảo sát chưa liêm minh, bèn ra lệnh thi lại, nên Chúa tự ra đề mục. Lấy trúng cách 1 người sinh đồ, bổ huấn đạo, 7 người nhiêu học, bổ lễ sinh, còn những người trúng hoa văn và thám phỏng thì bổ vào các ty Tướng thần lại, Lệnh sử ti và Xá sai ti.[39]
Lần thứ tám, khoa thi được mở vào tháng 8-1721, lấy trúng cách về chính đồ 2 người giám sinh. Khoa thi cuối cùng trong thời Quốc Chúa được mở vào mùa Hạ tháng 4, năm Quý Mão (1723). Trong kỳ thi ấy, lấy trúng cách 77 người, bấy giờ dư luận học trò rất là sôi nổi. Sau khi thông báo cho tất cả các sĩ tử vân tập tất cả tại Chính dinh, Quốc Chúa đích thân khảo thi, thi tứ lục và thơ phú mỗi thứ một bài; nhưng các sĩ tử không ai làm nổi, nên họ bỏ cuộc, Quốc Chúa bèn truất phế hết thảy.[40] Đây là kỳ thi cuối cùng trong thời Quốc Chúa.
Nói chung, giáo dục là chủ trươn nâng cao phẩm chất đạo đức và còn tô bồi nếp sống văn hóa. Nếp sống trí thức càng cao thì giá trị và phẩm chất đạo đức càng được tôn vinh, và cũng có nghĩa là phát huy cao tột sự nghiệp giáo dục văn hóa vật thể và phi vật thể.
Tựu trung, cả tín ngưỡng và giáo dục là bí quyết sinh tồn vô cùng quan trọng của một dân tộc. Đất nước của một dân tộc sẽ trở nên bất diệt nếu tín ngưỡng và giáo dục hay nói gọn hơn là truyền thống văn hóa luôn được phát huy và được tôn vinh triệt để. Phải chăng Quốc Chúa đã thấy rõ được giá trị và tầm quan trọng của văn hóa trên cương vị của một bậc đế chúa hộ quốc an dân (?). Đây là thành tựu lớn nhất trong suốt thời gian trị vì của Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
II. Công cuộc Nam tiến – bình Chiêm phạt Lạp:
Để mở rộng giang sơn đất nước, Quốc Chúa đã không ngừng phòng bị quân cơ, củng cố binh lực nhằm mở rộng công cuộc Nam tiến. Một số tài liệu như: Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt Sử toàn thư và Việt Sử tân biên của Phạm Văn Sơn, và tác phẩm Việt Nam anh kiệt của Đặng Duy Phúc, v.v… đã đề cập rải rác nhưng khá chi tiết. Dưới đây sẽ lược dẫn những biến cố trong công cuộc Nam tiến này.
Giang sơn và cơ nghiệp của các bậc tiên chúa mà Minh vương Nguyễn Phúc Chu được kế thừa là lãnh địa từ Thuận Hóa trải rộng đến Phú Yên. Cùng với việc duy trì và kế thừa di sản và cơ nghiệp ấy, Quốc Chúa đã tận dụng thời gian hòa hoãn chiến tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đẩy mạnh phong trào Nam tiến, mở rộng giang sơn đến Hà Tiên, vùng đất tận cùng của Tổ quốc Việt Nam.
1. Bình định Chiêm Thành:
Trong năm thứ hai Quốc Chúa kế vị ngôi chúa, tháng 8 mùa Thu năm Nhâm Thân (1692) Bà Tranh, quốc vương Chiêm Thành, không chịu triều cống, mà tụ tập binh sĩ, họp quân đắp lũy, nổi dậy quấy phá, cướp phủ Diên Ninh. Bấy giờ Dinh Bình Khang tâu Chúa sự tình, Chúa lệnh cho Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (một tướng tài đã lập nhiều công lớn trong thời Quốc Chúa, con thứ của Nguyễn Hữu Dật) làm Thống/Tổng binh và Văn chức Nguyễn Đình Quang làm tham mưu, suất lãnh quân Chính dinh cùng với quân Quảng Nam và quân Khang tiến binh dẹp loạn. Mùa Đông tháng 12, phối hợp với Lê Hoành Giảng và Nguyễn Khoa Chiêm làm quân Chính dinh.[41] Mùa xuân, tháng Giêng năm Quý Dậu (1693), Thống binh Nguyễn Hữu Kính phá tan quân Chiêm Thành, Bà Tranh vỡ trận bỏ chạy khỏi Diên Ninh. Tháng 3-1693, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và các thần tử là Tả trà viên Kế Bà Tử cùng thân thuộc là Nàng mi Bà Ân đem về Phú Xuân. Cùng năm ấy, Chúa nổi giận bèn ra lệnh đổi tên Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành.[42] Kể từ đó, tiểu quốc Chiêm Thành sáp nhập vào bản đồ Việt Nam.
Tháng 7 năm Quý Dậu (1693), Quốc Chúa hạ lệnh hạch tội Bà Tranh, rồi bắt giam vào núi Ngọc Trản,[43] hằng tháng cấp phát tiền gạo và vải lụa đủ dùng.
Để phòng ngừa kẻ bề tôi của Bà Tranh còn ẩn nấp tại Thuận Thành làm phản, Chúa lệnh Cai đội Nguyễn Trí Thắng giữ Phố Hài, Cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí, Cai đội Chu Kiêm Thắng giữ Phan Rang (cả bốn nơi này đều thuộc Bình Thuận).[44]
Sau khi tu bổ công phủ và những căn cứ quân sự ở các cửa trong và ngoài phủ, một mặt Quốc Chúa trấn an và vỗ về người Chiêm Thành; vì lấy trấn Thuận Thành đổi thành phủ Bình Thuận; mặt khác, khai ân bằng chính sách tự trị dưới quyền Quốc Chúa: phong Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Nàng mi Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ. Ngoài ra, Quốc Chúa ngầm thi hành chính sách đồng hóa dân tộc bằng cách ra lệnh cho dân Chiêm Thành phải mặc y phục như người Việt.
Tháng 8-1693, A Ban và Hữu trà viên là Ốc Nha Thất tại trấn Thuận Thành nổi loạn, tụ được 100 quân, kéo đến Phan Rí đốt phá doanh trại và cướp của cải. A Ban thừa cơ tiến đánh Phan Rang, nhưng chủ doanh trại đóng thành quyết thủ, cùng lúc Bà Tranh được giải đến, chủ thành hăm giết và đem treo trước cổng thành, A Ban sợ Bà Tranh (vua Chiêm) bị giết, liền lui quân. Sau đó giao vua Chiêm cho A Ban đem về.
Tháng 3-1694, vua Chiêm – Bà Tranh băng, Quốc Chúa bày tỏ lòng an ủy dân Chiêm Thành, và sai sứ ban cho 200 quan tiền và lụa là gấm vóc để lo hậu táng.
Tháng 2 năm Đinh Sửu (1695), A Ban chiếm giữ Ô Liêm (tại Phan Rí?) bị Lưu Thủ Nhuận và các Cai cơ Tống Tuân và Nguyễn Thành hợp quân vây đánh. A Ban lui quân về phố Chăm, lại bị quân ta chặn đánh, bèn chạy về Thượng Dã (biên giới Chân Lạp). Nhuận cấp báo cứ địa A Ban ẩn thân, Chúa bèn lệnh Cai cơ Nguyễn Hữu Kính và Văn chức Nguyễn Thắng Hổ đem quân trị loạn. Quốc Chúa khao thưởng ba quân và phong Nguyễn Hữu Kính làm Chưởng cơ, trấn thủ dinh Bình Khang.
Chiến dịch bình Chiêm đã hoàn tất, tháng 7-1695 Quốc Chúa thiết yến đãi tiệc cho quần thần ở phủ đường và ban cho vàng bạc lụa là theo thứ bậc. Tháng 8 năm Đinh Sửu (1695), Quốc Chúa đổi tên phủ Bình Thuận thành trấn Thuận Thành, và lập Kế Bà Tử làm Tả đô đốc thống trị để vỗ về dân Chiêm Thành. Rồi khai ân chính sách ngoại giao, tháng 11-1695, tấn phong Kế Bà Từ làm Phiên vương trấn Thuận Thành.
Nhằm giải tỏa sự mâu thuẫn giữa số người Việt hồi hương từ Chân Lạp về mà họ dưới quyền cai trị của người Chiêm là Kế Bà Tử, và để ổn định việc quản lý số người Việt tại Thuận Thành và số người Việt hồi hương, Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử thỉnh ý Quốc Chúa ban hành và qui định điều lệ cho hạt ấy. Quốc Chúa bèn sai văn thần định ra 5 điều lệ[45] ban cho Kế Bà Tử ấy. Nói chung, chiến dịch bình định Chiêm Thành và vỗ về nhân dân xứ Thuận Thành đã hoàn toàn yên ổn.
2. Thôn tính Chân Lạp:
Năm 1711(?), Quốc Chúa lệnh cho Tướng thần lại ty Thuận Đức sang Chân Lạp triệu tập dân Việt trú tại đó đang bị đói nghèo xiêu tán về lại bổn quốc. Khi biết tin Phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Vân thường ép họ làm việc riêng vì trục lợi, khiến đa số dân Việt ấy oán hận. Quốc Chúa liền quở trách Cửu Vân: “Khanh là con nhà tướng, chế ngự một phương, sao không nghĩ đến việc lấy sự vỗ về làm trọng, mà chỉ mưu lợi cho riêng mình? Những dân nghe xiêu tán mới hồi hương, thất sở đã lâu, nay bắt quấy nhiều thì họ chịu sao nỗi? Xưa Tiêu Hà giữ đất Quang Trung, Khấu Tuân giữ đất Hà Nội đều hay vỗ yên trăm họ, giúp nên đế nghiệp, khanh nên coi đó mà gắng lên”.[46] Kế đó Quốc Chúa tìm cách khai ân và vỗ về số người Việt vừa hồi hương bằng cách ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn: “Phàm dân lưu tán mới hồi hương thì phải chia ruộng đất để thiết lập thôn phương, bãi miễn binh đao tô thuế trong 3 năm”.[47] Nhờ ân huệ của Quốc Chúa lưu tâm vỗ về, cho nên số người Việt hồi hương về tại bổn quốc mới yên tâm lo lập nghiệp làm ăn.
Mùa Đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp từ nước Xiêm về, cùng với Ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm bèn cử người Ai Lao là Nặc Xuy Bổn Bột cấp báo cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn sự tình nguy hiểm và xin quân cứu viện. Lúc ấy Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng bình Trần Thượng Xuyên cấp báo. Chúa đưa thư khuyên: “Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, mà Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Các khanh phải nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn. Đó là thượng sách”.[48]
Tháng Giêng, năm Quý Tỵ (1713), Nặc Thu nước Chân Lạp mưu phản, thám tử biết được liền cấp báo. Quốc Chúa liền đưa thư sắc dụ, và khuyên rằng: “Trời đất đạo công che chở, muôn vật đều được sống vui. Đế vương lượng cả bao dung, bốn bên giữ nghĩa thân mục. Duy nước Chân Lạp nhà ngươi thật là một nước phên dậu, từ triều trước đã vâng mệnh lớn, từng phen phụng cống trước sân rồng; tới nay Ta nối giữ cơ đồ, lại tới xưng thần nơi cửa ngục. Như thế là sợ uy trời mà giữ nước, chỉ người trí giả mới hay. Ta vốn quý lòng thành mà khen việc tốt, ban cho phẩm vật, để tỏ ơn thêm. Ngươi nên thể lòng ta, đừng quên thần phục, khiến biên cảnh nhờ đó mà hết nỗi can qua, cho sinh dân nhờ đó mà yên vui, trong ngoài được vô sự đời đời”.[49]
Đến tháng 10 năm Giáp Ngọ (1714), Nặc Thâm giục nịnh thần Cao La Hâm dấy binh đánh Nặc Yêm. Nặc Yêm cầu viện, Xuy Bồn Bột dẫn 2.000 quân tiếp ứng, nhưng vì quân ít, Nặc Yêm lại cầu viện hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên kéo binh đến Sài Gòn; còn Phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú dẫn binh đóng ở Lôi Lạp, thủy quân ở Mỹ Tho đợi lịnh tiếp ứng. Được tin Nặc Thâm vây đánh Nặc Yêm, Quốc Chúa liền gởi mật thư khuyên rằng “việc quân giao cho hai tướng tùy cơ ứng biến, đánh hay hòa, tính sao cho ổn”. Đô đốc báo Cai cơ Nguyễn Cửu Triêm dinh Bình Khang đưa thủy quân tiếp ứng, số còn lại trấn giữ dinh Bình Khang; mặt khác sung thêm quân ở dinh Trấn Biên. Quân bốn nơi hợp lại vây Nặc Thâm. Thấy khí thế quân ta ào ạt, Cao La Hâm lẻn trốn, còn Nặc Thu đưa thư chịu tội. Đô đốc trình báo xin lập vua mới. Quốc Chúa rất mừng, và đưa thư đáp: “Việc ngoài biên khổn là ở tướng quân định đoạt, nên làm sao cho ra trận thì quyết thắng, chế phục được người xa, còn việc xin lập vua mới thì đợi sau sẽ bàn”.[50]
Đến tháng Giêng, mùa Xuân, năm Ất Mùi (1715), Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích thấy tình thế nguy khốn, bèn đốt hết nhà cửa trong thành, rồi lẻn ra cửa Nam bỏ trốn. Quân Chân Lạp như rắn mất đầu, liền vỡ trận, Đô đốc và Phó tướng chiếm thành, rồi trình báo. Quốc Chúa sai phế Nặc Thu và lập Nặc Yêm lên làm vua nước Chân Lạp, rồi đưa thư sắc dụ Nặc Thu và khuyên ông ta nên nhường ngôi cho yên nước nhà, dân tình yên ổn. Nặc Thu buộc lòng nghe theo. Mặt khác, mật dụ Nặc Yêm phải luôn đề phòng Nặc Thâm và Cao La Hâm làm phản.[51]
Nặc Thâm và Cao La Hâm sang cầu viện quân Xiêm và kéo quân đến đánh phá Hà Tiên. Mạc Cửu[52] vì không phòng bị, thua chạy về Luống Cày. Nặc Thâm cướp hết của cải đem đi. Còn Mạc Cửu về lại Hà Tiên, xây thành đắp lũy để phòng thủ.
Tháng 4, quân Xiêm gởi thư báo rằng Nặc Yêm nổi loạn cướp ngôi vua Chân Lạp, sẽ đem quân giúp Nặc Thâm trừng phạt. Nặc Yêm khẩn báo cho Đô đốc và Phó tướng của hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên; hai viên tướng ấy liền cấp báo. Quốc Chúa lại phán rằng việc binh ở xa, hai tướng tùy nghi xử trí; và đưa tất cả chiến lợi phẩm và tù binh đã bắt cho Nặc Yêm. Nặc Yêm cảm kích, bèn đem 6 thớt voi hậu tạ.
Quốc Chúa biết nước Chân Lạp có nhiều sơn tốt, bèn bảo người mang 100 lạng vàng theo giá mà mua đem về nước, rồi gởi thư vấn an Phiên vương là Nặc Thu.
Năm 1715, Ai Lao đem phẩm vật sang nước ta triều cống.
Nói chung, chiến dịch Nam tiến: bình định Chiêm Thành và thôn tính Chân Lạp đã thành công. Chiêm Thành, Chân Lạp (Campuchia) và Ai Lao cả ba nước đều phủ phục và đem lễ triều cống nước ta.
Năm 1716, xét thấy binh hùng tướng mạnh, trong nước cường thịnh, Quốc Chúa định xuất quân chinh phạt Bắc Hà để thống nhất giang sơn, nhưng khi quân dò thám cho biết tướng Trịnh là Lê Thời Liêu trấn ở Nghệ An, quân pháp kỷ cương, canh phòng cẩn trọng, bèn mật sai người giả làm lái buôn theo ải Lạng Sơn trà trộn vào Bắc Hà để dò xem tình hình, và ngầm biết tình trạng quân quốc binh dân trên dưới một lòng, khó bề đánh chiếm. Sau khi được mật thám báo tình hình ở Bắc Hà canh phòng cẩn mật, Quốc Chúa nghĩ rằng thời cơ Bắc phạt chưa đến, bèn bỏ ý định ấy.
Trên tất cả, trang sử vàng của đất Việt sẽ lưu danh mãi giang sơn gấm vóc mà Quốc Chúa đã cống hiến và tạo lập cho dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 17 này. Suốt 34 năm trị vì ngôi chúa, Quốc Chúa đã khéo biết kế thừa di sản của tiên chúa, phát huy nếp sống văn hóa tâm linh, triệt để tôn vinh tín ngưỡng văn hóa và giáo dục văn hóa, vỗ yên trăm họ, mở rộng lãnh thổ, hộ quốc an dân. Mọi thành quả trong thời gian nắm quyền đế chúa, đứng trên sĩ dân, Quốc Chúa đã thực thi khá chu toàn mọi mặt.
Tiếc rằng, hai hạnh nguyện lớn trong cuộc đời của Minh vương Nguyễn Phúc Chu chưa thực hiện được, là: từ bỏ vương phủ, thế phát xuất gia,[53]và phát động chiến dịch, chinh phạt Bắc Hà, thống nhất giang sơn, vỗ yên xã tắc. Suốt 34 năm trị vì, tất cả trí tuệ và tài đức, công tâm và hạnh nguyện của Minh vương Nguyễn Phúc Chu đã thật sự cống hiến cho dân tộc Việt Nam. Với đạo pháp, chưa nhường ngôi cho thế tử để làm tròn hạnh nguyện xuất gia làm Sa-môn Thích tử như Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông trong thời nhà Trần. Với đất nước, chưa thu giang sơn về một mối, thống nhất sơn hà, nhưng Minh vương Nguyễn Phúc Chu quả thật xứng đáng là một bậc Quốc Chúa bản lĩnh phi thường, một vị Bồ-tát tận tâm và thuần hậu, một người con hiếu để và kiên trung, một bậc thầy tâm lý tài đức bác lãm và công minh, một lang quân nhu nhuyến và cương nghị, một nhà thơ dung dị và thanh thoát, và là một bậc Minh Vương rất nổi bật ở Đàng Trong trong thế kỷ 17 của non sông đất Việt. Ông quả thật xứng đáng cho thế hệ hậu lai tán dương và phụng thờ.
* Thượng tọa, Tiến sĩ, Phó Trưởng Ban Hoằng pháp PG Thừa Thiên- Huế.
[1] Tôn Thất Hân (Ưng Bình và Ưng Tôn dịch), Tiên Nguyên toát yếu phổ, tr. 45-47.
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 133-135.
[3] Thích Hải Ấn & Hồ Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. VHSG, 2006, tr. 63-68.
[4] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 53-56.
[5] Sách giải câu này có ý nói Quốc vương với Đại Sán nguyên kiếp trước cùng tu với nhau một chỗ ở Trung Quốc. Nay Quốc vương đầu sanh làm vua Việt Nam, vẫn thờ Phật tụng kinh, chẳng quên việc cũ. Sđd., tr. 33.
[6] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 34-35.
[7] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 35.
[8] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 35.
[9] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 50.
[10] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 63.
[11] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 72.
[12] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 73.
[13] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 82.
[14] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 97.
[15] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 51-53.
[16] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 100.
[17] Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 50.
[18] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học, H, 2000, tr. 586-587.
[19] “Hồi đầu bản triều, Văn Miếu ở địa phận xã Triều Sơn, thờ thần tượng, năm Canh Dần thứ 5 đời Duệ Tông, dời đến địa phận xã Long Hồ; năm Gia Long thứ 7 dời đến chỗ hiện nay, chôn thần tượng và đổi đề bài vị, định lệ 3 năm vua thân đến tế một lần, còn lại thì sai đại thần đến tế thay…”. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, sđd, tr. 35-36.
[20] Núi này tọa lạc ở phía Đông Bắc huyện Phú Lộc, phía Tây núi kề phá Hà Trung, trước kia gọi là núi Mỹ Am
[21] Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 2, tr. 110.
[22] Sđd.
[23] Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 8, tr. 130; tham khảo thêm Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, 1997, tr. 82-84.
[24] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr. 631-632.
[25] Sđd., tr. 130.
[26] Thi Long, Nhà Nguyễn – Chín Chúa, mười ba Vua, NXB. Đà Nẵng, 1998, tr. 49.
[27] Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, sđd, tr. 130.
[28] Sđd. 133.
[29] Sđd., tr. 133-5.
[30] Sđd., tr. 136.
[31] Sđd., tr. 137.
[32] Thể lệ thi Chính đồ có từ thời Thái Tông, chúa Nguyễn Phúc Tần. Thi Chính đồ, theo Trần Trọng Kim, được chia làm ba kỳ: kỳ Đệ nhất thi Tứ lục, kỳ Đệ nhị thi Thơ phú, kỳ Đệ tam thi Văn sách. Thể lệ thi này có từ thời Thái Tông, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), những người trúng tuyển sẽ được chia ra làm ba hạng: a) hạng thứ nhất gọi là Giám sinh, được bổ làm Tri phủ, Tri huyện; b) hạng thứ hai gọi là Sinh đồ, được bổ làm Huấn đạo; và c) hạng thứ ba cũng gọi là Sinh đồ, được bổ làm Lễ sinh, hay làm Nhiêu học.
[33] Thể lệ thi Hoa văn đã có từ thời Thái Tông, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), thi Hoa văn phải trải qua ba ngày, mỗi ngày chỉ cần làm một bài thơ. Nếu người nào đậu thì sẽ được bổ làm việc ở Tam ti. Tam ti là Xá sai ti, Tướng thần lại ti và Lệnh sử ti.
[34] Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 2, sđd, tr. 109.
[35] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xb, tr. 135; và xem Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 2, tr. 109-110.
[36] Sđd., tr. 114.
[37] Sđd., tr. 120.
[38] Sđd., tr. 122.
[39] Sđd., tr. 129.
[40] Sđd., tr. 137-138.
[41] Đại Nam thực lục, Tập 1, NXB. Giáo dục, H, 2002, tr. 106; và xem Đại Nam liệt truyện, Tập 1, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 108-109.
[42] Sđd., và xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr. 136.
[43] ‘Cách huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) 11 dặm về phía Nam, núi Ngọc Trản còn được gọi là núi Hương Uyển. Mạch núi do các núi ở phía Tây Bắc trùng trùng điệp điệp, như rồng đi hổ phục, chạy dài chênh chếch về phía Nam, đến phía Tây sông Hương thì dừng lại, nổi vọt lên một ngọn vừa tròn vừa đẹp như hình cái chén, nên nó được gọi là Ngọc Trản. Sườn núi có đền thiêng. Chân núi kề vực sông, nước rất trong và ngọt, nó được gọi là “nước Ngọc Trản”, thường lấy dâng ngự dụng’. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, tr. 122.
[44] Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, tr. 107.
[45] 1) Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan. 2) Phàm người Kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và Cai bạ ký lục xử; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử. 3) Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật đề phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trậm đài đệ. 4) Khách buôn đến các sách Man để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành. Và 5) Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn đều đã được thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên. Sđd., tr. 128.
[46] Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển VIII, tr. 127.
[47] Sđd.
[48] Sđd.
[49] Sđd., tr. 128-129.
[50] Sđd., tr. 132.
[51] Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển VIII, tr. 132.
[52] Mạc Cửu gốc người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, vì bất bình chính sách hà khắc của nhà Thanh, đem qia quyến du thuyền đến Hà Tiên lập nghiệp vào năm 1680 (năm thứ 19 đời vua Khang Hy nhà Thanh). Năm 1715, sau khi bị Nặc Thâm nước Chân Lạp viện binh quân Xiêm la kéo sáng đánh Hà Tiên rồi cướp hết tài sản; Mạc Cửu bèn đem dâng đất. Quốc Chúa xét thấy Mạc Cửu chịu triều cống, bèn phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn giữ Hà Tiên. Xem Phạm Văn Sơn, Việt Sử tân biên, tr. 304-305.
[53] “Ta cũng ở ngôi vài ba năm nữa, chờ thế tử trưởng thành, có thể trông coi việc nước, chừng ấy sẽ chọn người phụ bật hiền lương, rồi truyền ngôi cho thế tử. Ta sẽ cạo đầu làm sãi vậy. Việc lớn chung cục của ta, đã mong nhờ lão hòa thượng chỉ rõ, biết rằng kiếp trước là tăng nhơn nước Đại Minh, ngẫu nhiên lạc bước đến đây; há khứng trọn đời đắm đuối trong vòng thanh sắc phú quý mà mờ quên nguồn gốc của mình hay sao?” Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 135.
Bình luận bài viết