Thông tin

COVID-19 VÀ NIỀM TIN TÔN GIÁO

 

VU GIA

 

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19
tại Hội trường Thống Nhất.

 

Chuyện gì cũng đã qua. Cát bụi trở về cát bụi. Người sống không nên tiếp tục chìm trong bi thương. Hãy tin qua đại lễ cầu siêu, những người qua đời vì đại dịch Covid-19 ấy sẽ được siêu thoát để thấy lòng nhẹ nhàng hơn.

Nếu mọi việc trên đời, con người giải quyết được tất thảy thì không ai lấy tín ngưỡng, tôn giáo làm chỗ dựa tinh thần và tín ngưỡng, tôn giáo cũng không thể tồn tại. Nhân loại đã tổng kết chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh là ba chuyện đáng sợ nhất đối với phàm nhân, là mộ của kẻ yếu, nhưng là sân khấu của người mạnh mẽ đạp qua. Và đại dịch Covid-19 đã làm cả thế giới điên đảo, trong đó có Việt Nam. Mặc dù cách nay khoảng 2 năm, Việt Nam đã quyết liệt với cuộc chiến này trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhưng loại giặc không hình không bóng này hiện diện khắp mọi nơi, càng lúc càng diễn biến phức tạp.

Các tôn giáo đều hưởng ứng

Cổng thông tin điện tử - Bộ Y tế, ngày 19-11-2021, cho biết ngày 23-01-2020 (tức 29 Tết Nguyên đán Canh Tý), tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 trên lãnh thổ Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc). Phải qua hơn nửa năm, Việt Nam mới có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, là BN 428 (70 tuổi, quê Quảng Ngãi) với tiền sử suy thận mạn, chạy thận 10 năm… Nếu cuối tháng 8-2021, Việt Nam ghi nhận mốc 10.000 ca tử vong do dịch Covid-19, thì đến ngày 6-10-2021 đã vượt mốc 20.000 ca tử vong. Ngày 19-11-2021, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là hơn 23.476 người. TPHCM là địa phương tổn thất nhiều nhất với 452.722 số ca mắc, trong đó có 17.307 ca tử vong.

Nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TPHCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào lúc 20 giờ ngày 19-11-2021, nhằm ngày rằm tháng 10 năm Tân Sửu.

Lễ tưởng niệm diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM) và Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội). Hội trường Thống Nhất sẽ là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm, với 1.000 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ - ngành trung ương và TPHCM; thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Còn tại TP Thủ Đức và các quận - huyện số lượng tham dự là 100 đại biểu/địa phương.

Các tôn giáo đều hưởng ứng, bởi không có tôn giáo nào không vì con người mà tồn tại. Đây là dịp mọi người tưởng niệm, tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu đã xả thân, thậm chí hy sinh tính mạng trong công việc cứu người khi đại dịch hoành hành.

Sáng 18-11, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Văn phòng 2 Trung ương đã tổ chức đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19. Đại lễ cầu siêu được tổ chức trang trọng tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM), nhưng vẫn giữ nguyên tắc bảo đảm 5K, giới hạn số người tham dự. Các chùa khác không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn trên diện rộng cả nước cũng tổ chức, vì theo quan niệm của đạo Phật, tử vong trong hoàn cảnh dịch bệnh như vừa qua là cái chết không bình thường, được gọi là “hoạnh tử” (cái chết không chính đáng), do vậy rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần để các vong linh được siêu thoát, an lành nơi đất Phật.

Đây là tấm lòng của người đang sống dành cho người đã khuất rất đáng trân trọng, dẫu biết “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).

Đầy ắp chân tình, tràn ngập yêu thương

Theo quan niệm nhà Phật, cầu siêu là cầu nguyện để những người đã khuất nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Tinh thần cầu siêu của Phật giáo là sự gắn kết vô hình giữa hai cảnh giới âm và dương, người hiện còn dùng tâm lực cầu nguyện để truyền năng lượng tỉnh thức: “Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung, nghĩ (đến ta) với tâm hoan hỷ (và nhờ vậy) được quả báo lớn, lợi ích lớn!”1, để hỗ trợ cho người mất sinh tâm hỷ lạc, nhẹ nhàng siêu thoát.

Ngày nay, dường như ai cũng biết bốn giai đoạn đời người phải trải qua: sinh, lão, bệnh, tử, chỉ có lão, bệnh, tử là vô tình nhất. Dù không tình nguyện, ngày đó vẫn tới, nhưng lễ tưởng niệm vừa qua đã cho chúng ta thấy trong thế giới vô tình này vẫn đầy ắp chân tình, tràn ngập yêu thương.

Qua đại lễ cầu siêu này, người sống chắc đã có phần nhẹ nhõm và tin những “hoạnh tử” ấy sẽ được siêu thoát, không còn chịu cảnh “Cô hồn nhờ gửi tha phương/ Gió trăng hiu hắt lửa hương lạnh lùng” (Nguyễn Du - Văn tế Thập loại chúng sinh). Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Theo Phật giáo, mỗi người sinh ra không phải do Trời hay bất kỳ thần linh nào sắp đặt sẵn. Không ai có thể ban phước hay giáng họa cho chúng ta, kể cả Đức Phật. Ngài khẳng định: “Không có một năng lực nào bên ngoài ta có thể tạo nên sự phát sinh và chấm dứt khổ đau, trái lại chỉ có con người là có khả năng nắm vững vận mệnh của mình, tốt hay xấu đều do chúng ta quyết định”2. Tư tưởng này như bản tuyên ngôn khẳng định con người hoàn toàn tự chủ, tự mình định giá trị đạo đức, thể hiện được khả năng chuyển hóa thân tâm.

Trong Kinh Nhân Quả, có bài kệ: “Dục tri tiền thế nhân/ Kim sanh thọ giả thị/ Dục tri lai thế quả/ Kim sanh tác giả thị” (Muốn biết kiếp trước thế nào/ Hãy xem ta sống ra sao kiếp này/ Kiếp sau nào có gì hay/ Phải xem ta sống kiếp này mà suy). Thuyết nhân quả - nghiệp báo không phải hô hào trên bình diện lý thuyết mà rất chú trọng đến việc thực hành trong cuộc sống thực tế. Hãy nghĩ lành, nói lành, làm lành để tạo nghiệp lành. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn đã xác định: “A Nan! Nếu không đoạn trừ được ba nghiệp không lành của thân, khẩu, ý thì mỗi chúng sanh đều có phần tội riêng mình. Từ những cái riêng tương tợ hợp thành cái đồng phận chung tương tợ cho nên cảnh địa ngục khổ đau không phải là không có chỗ nhất định. Tất cả đều do vọng kiến của tự mình sanh ra, mà vọng thì không chân, không thể truy nguyên nguồn gốc được”.

Cũng theo nhà Phật: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (Tạo một nghiệp nhân gì, dù đến trăm ngàn kiếp cũng không mất, khi hội đủ nhân duyên, phải nhận lấy quả báo). Do đó, việc cầu siêu nhằm làm an lòng người sống là chính, còn người chết thì theo nghiệp báo của mình mà đi vào sáu nẻo luân hồi. Gieo nhân gì phải gặt quả nấy, không thể lẩn trốn cũng chẳng thể cầu khấn mà tránh được quy luật nhân quả: “Chẳng phải bay lên không trung/ Chẳng phải lặn xuống đáy bể/ Chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm/ Dù tìm khắp thế gian này/ Chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây” (Kinh Pháp Cú số 127).

Tập trung hướng về phía trước

Chuyện gì cũng đã qua. Cát bụi trở về cát bụi. Người sống không nên tiếp tục chìm trong bi thương. Hãy tin qua đại lễ cầu siêu, những người qua đời vì đại dịch Covid-19 ấy sẽ được siêu thoát để thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Không cần phải bi thương. Thế gian có tụ ắt có tan, hết thảy tiêu vong cũng chỉ là ý nghĩa một cái khởi đầu mới. Hồng trần nhân thế vốn là bể khổ, ai ai cũng phải chìm đắm trong đó, không có ngoại lệ. Do đó, muốn đến bờ bên kia, tự mình làm bè vượt qua chứ không ai giúp đỡ được.

Nghĩ cho cùng, người chết như đèn tắt, chỉ lưu lại một túi da. Nghi thức tang lễ chỉ làm cho người sống xem, chứ người chết biết gì. Do đó, không phải ngẫu nhiên dân gian lưu truyền lời dặn dò: “Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma”. Nếu thực sự quý trọng người chết, thì người sống nên nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt những việc mà người vừa chết không làm được. Chấp nhất thái quá cùng tiếc nuối chỉ sợ ảnh hưởng đến bản tâm mình/ tâm lý mình, lại không có chút tác dụng nào, không bằng bỏ lại sau lưng, tập trung hướng về phía trước có khi cho mình nắm bắt được nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống tốt hơn.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, còn nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta - những người còn sống, đang sống cần bình tâm, tỉnh trí nắm bắt niềm vui trần thế dù chỉ trong phút giây để khỏi phí một đời.“Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại...3. Phật đã dạy như thế, chúng ta cần chấp nhận thực tại, không nên suy nghĩ lăn tăn nhằm vững bước tiến lên, cùng nhân loại chiến thắng trong cuộc chiến này.

 


1. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, NXB Tôn giáo, H, trang 57.

2. Thích Phụng Sơn (1995), Những nét văn hóa Đạo Phật, NXB Lao động, H, trang 65.

3. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TPHCM, trang 519.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6713021