Thông tin

CỬ NHÂN HOÀNG THÚC HỘI VỚI NON NƯỚC SÀI SƠN

 

PGS. TS. NGUYỄN TÁ NHÍ*

 

Các sách Quốc triều đăng khoa lục, Lược truyện tác gia Hán Nôm Việt Nam đều thấy ghi rõ, Cử nhân Hoàng Thúc Hội hiệu là Cúc Hương, sinh năm 1870 tại làng Yên Quyết, huyện Từ Liêm, tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1906) niên hiệu Thành Thái thứ 18 triều Nguyễn, song không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Năm 1999, ông Hoàng Khiêm là cháu đích tôn của cụ Cử làng Yên Quyết đem bản Hoàng thị thế phả của gia tộc viết bằng chữ Hán đến nhờ tôi dịch ra tiếng Việt. Thật hân hạnh cho tôi, nhờ cơ duyên này mà tôi được hiểu biết nhiều hơn về một nhà nho cốt cách, nặng lòng với non nước Sài Sơn. Gia phả họ Hoàng cho biết, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, Cúc Hương Hoàng Thúc Hội được gia đình giáo dưỡng rất nghiêm, nên đã thực sự thấm nhuần luân lý đạo đức Nho giáo truyền thống. Khi lớn lên ông được cho đến theo học ở nhiều trường của các cụ Nghè, cụ Cử ở Hà Thành. Lúc bấy giờ đất nước có nhiều biến động. Năm 1882, thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành, nên khoa thi Hương năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882) không tổ chức được ở trường thi Hà Nội, mà phải đến khoa Giáp Thân (1884) niên hiệu Kiến Phúc thứ 1, triều đình mới gộp trường thi Hà Nội và trường thi Nam Định làm một gọi là trường Hà Nam. Trong thơ Nôm của thi sĩ Tú Xương cũng có bài ghi nhận sự kiện này:

Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Địa điểm tổ chức thi hương của trường Hà Nam đặt tại Nam Định, cách xa làng quê Yên Quyết đến hàng trăm cây, do vậy cụ Cử làng Yên Quyết phải bỏ qua nhiều khoa thi Hương không dự, mãi đến khoa Quý Mão (1903) niên hiệu Thành Thái thứ 15, ông mới hăm hở vác lều chõng đi thi. Khoa Quý Mão này trường Hà Nam đã mở được bảy kỳ, khoa này trường lấy đỗ 50 cử nhân, thế nhưng Hoàng Thúc Hội chỉ qua được ba trường, đành phải nhận học vị Tú tài về quê tiếp tục sôi kinh nấu sử đợi khoa khác.

Đến khoa Mậu Ngọ (1906), niên hiệu Thành Thái thứ 11, ông lại đến trường Hà Nam tham gia khảo thí. Khoa này trường thi hương Hà Nam cũng lấy đỗ 50 Cử nhân. Khi treo bảng thông báo người trúng tuyển, tên của Hoàng Thúc Hội xếp thứ 18. Lúc này xã hội càng thêm nhiễu nhương, đồng tiền được coi trọng, nhiều đạo đức truyền thống bị trà đạp, chính Cử nhân Hoàng Thúc Hội cũng ghi nhận ở bài thơ vịnh cảnh Chợ Trời của ông:

Mua danh bán lợi ngán cho đời

Để vắng bao lâu cảnh Chợ Trời.

Do vậy Cử nhân Hoàng Thúc Hội không đi thi Hội và cũng không ra làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Ông lần lượt mở trường ở các làng Vân Canh, Di Ái, La Phù trong huyện Từ Liêm. Học trò ở vùng phủ Quốc Oai đến theo học rất đông, trong đó có cả người ở làng Đa Phúc, huyện Yên Sơn. Một hôm có người môn sinh làng Đa Phúc đưa đến cho ông bức điệp phổ khuyến khách thập phương góp công góp của tôn tạo lại thắng tích Sài Sơn. Bài khải văn do Hòa thượng Như Tùng trụ trì chùa Đỉnh Sơn, núi Sài Sơn viết bằng chữ Nôm, lời văn tha thiết cảm động lòng người: “Chùa Sài Sơn là một cảnh danh thắng của nước Nam ta. Ngàn năm về trước có đức thánh Từ tu luyện ở đó, tới nay dấu hóa vẫn còn, đâu đâu cũng đã biết tiếng. Nói cảnh thiên nhiên là một cảnh đẹp trong nước, vậy thì tô điểm non sông trong tổ quốc cũng là chức trách của quốc dân ta. Nay tôi theo cảnh thiên nhiên thêm công tu bổ, muốn công đức chung cùng thiên hạ, sao phải bán danh cầu phúc mượn tôn giáo mà lấy sự lợi ích riêng đâu? Xin đem việc phúc quả để kính đạt mấy các vị danh hiền, các nhà thiện tín đã đăng lâm biết cảnh biết chùa, lại sẵn có hằng tâm hằng sản cùng phát tâm trợ cúng, thì may mắn phúc quả cũng có thể viên thành được, nếu dám có mấy lời kính tự. Còn như làm phúc được phúc, báo ứng lẽ thường, thì tôi không dám nói”.

Cảm kích trước thịnh tình của vị tu hạnh Đầu đà ở vùng non nước Sài Sơn, Cử nhân Hoàng Thúc Hội đã tìm đường đến với nơi danh lam thắng tích. Ở đây, ông vẫn mở trường dạy chữ Hán và có công giúp đỡ Hòa thượng Như Tùng rất nhiều trong việc chỉnh lý thư tịch, khắc in kinh sách, soạn thảo văn bia. Hiện nay Cử nhân Hoàng Thúc Hội còn để lại cho đời hàng chục tác phẩm về non Sài để cả sáng tác thơ văn và biên soạn thư tịch.

I. VỀ SÁNG TÁC (GỒM THƠ NÔM, THƠ CHỮ HÁN VÀ VĂN XUÔI)

1. Thơ chữ Hán.

Ông còn lưu lại bốn bài ghi trong sách Sài Sơn thi lục Sài Sơn thực lục.

Một bài đều ghi lại tình cảm của ông đối với thắng cảnh non nước Sài Sơn, đặc biệt là đối với đức thánh Từ Đạo Hạnh. Trong bài viết này chúng tôi xin trích giới thiệu  hai bài:

Bài thứ nhất:

Đăng sơn tức sự

Song  xuyên lạp lý thướng nham phi

Tâm nguyệt yên hoa nhãn tứ trì

Thần thoại từ đê mao vũ phất

Nhân gia thôn diểu thủy vân quy

Thạch đài vũ quá thanh ngưng nhị

Lĩnh thụ xuân đa lục chính phì

Trường khiếu nhất thanh sơn cốc ứng

Sơn linh diệc vị tích kim bi.

Nghĩa là:

Leo lên núi cao tức sự

Xỏ đôi guốc gỗ bước lên cửa động

Hoa khói tháng ba bao phủ, mắt đảo nhanh bốn phía.

Đền thờ thần dưới thấp, cờ bay phấp phới

Nhà dân thôn xa xăm, khói nước bay về.

Rêu đá sau cơn mưa có giọt nước long lanh

Cây trên núi gặp ngày xuân màu xanh thẫm.

Hô vang một tiếng thấy vang trong động

Núi linh thiêng khiến lòng ta thương cảm cảnh đời xưa nay.

Ở bài Đăng sơn tức sự, bày tỏ tình cảm của Cử nhân Hoàng Thúc Hội với toàn cảnh non nước Chùa Thầy. Tác giả ngây ngất ngắm nhìn cảnh tượng cây xanh rườm rà, rêu đá phơi phới. Đến bài thứ hai, tác giả tập trung vào việc ghi lại cảm xúc đối với am núi có dấu ấn hóa thân của đức Thánh Từ.

Bài thơ có nhan đề là Tái đề Thánh Hóa động (lại đề động Thánh Hóa) dường như cho thấy, đây là lần thứ hai vị Cử nhân làng Yên Quyết làm thơ về động Thánh Hóa, song đọc kỹ Sài Sơn thi lục và một số tác phẩm viết về động núi chùa Thầy, kể cả gia phả họ Hoàng ở làng Cót, chúng tôi chưa tìm thấy có bài khác, nay hãy tạm giới thiệu bài thứ hai này.

Bài thứ 2:

Tái đề Thánh Hóa động

Đầu ngân túc tích thạch giai xuyên

Sinh hóa hà niên sử diệc huyền

Thần ngộ sắc không thành Phật địa

Thân yêu giải thoát nhập Thiền thiên

Túng nhiên hoàng đế tri vi quý

Ưng thị phong trần vị liễu duyên

Từ quốc Mâu Ni chân tự tại

Hóa thân thế giới đại tam thiền.

Nghĩa là:

Lại đề động Thánh Hóa

Vết dập đầu dấu chân đạp xuyên cả đá

Sinh hóa năm nào sử thực diệu huyền

Tinh thần giác ngộ lẽ sắc không đi vào đất Phật

Tấm thân muốn được giải thoát nên đến cõi Thiền

Cho dù có biết ngôi hoàng đế là cao quý

Cần phải biết chưa dứt hết trần duyên.

Ngài Thích Ca Mâu Ni bỏ ngôi

Nên đã hóa thân vào ba ngàn thế giới.

2. Thơ Nôm

Cử nhân Hoàng Thúc Hội chỉ lưu lại hai bài đều là vịnh cảnh chợ trời.

Bài thứ nhất, tác giả táo bạo đưa ra ý tưởng mà người thường không ai dám nghĩ tới là mua cả quả núi có Chợ Trời về để chơi, bởi lẽ tác giả đã nắm vững cả thiên thư rồi:

Dạo cảnh lên qua đỉnh Chợ Trời

Mua trời quả núi để mà chơi

Của kho tạo vật là Cao vạn,

Cân giá thiên bình giá mấy mươi

Mây nước bày hàng mười sáu ngọn,

Gió trăng mà cả một đôi lời.

Đem về nay dẫu không văn tự,

Đã có thiên thư nắm vững rồi.

Bài thứ hai, tác giả lại nhằm vào thói đời đen bạc mà ngán ngẩm cho cảnh Chợ Trời heo hút lạnh lẽo:

Mua danh bán lợi ngán cho đời

Để vắng bao lâu cảnh chợ trời

Vầng đỏ chiều đông chồi lá phủ,

Gió vàng phen trước cánh hoa rơi.

Đầu cầu Ngưu Nữ mây man mác

Hàng nước Rồng Tiên gối ngảnh ngơi

Nên nỗi thằng kia ăn cắp chợ

Nếu không trời biết dễ mà chơi.

3. Văn xuôi

Ông còn để lại ba bài văn ghi chép về non nước Sài Sơn. Cả ba bài đều viết bằng Hán Văn.

Sách Sài Sơn thi lục ghi được hai bài. Một bài văn bia Truyền đăng bi kí, ông đã ghi theo lời kể của Hòa thượng Như Tùng, ghi tóm tắt về hành trạng của hai vị tổ sư trước thời Hòa thượng Như Tùng. Đó là Hòa thượng Lan Hương trụ trì ở đây 3 năm (1897 - 1900), sau khi thị tịch có xây tháp ở chùa. Vị tổ kế đăng là Hòa thượng Tâm Minh trụ trì ở đây được 6 năm (1900-1906), sau khi thị tịch cũng được xây tháp ở chùa.

Bài Sài Sơn thi lục tự của Hoàng Thúc Hội dài khoảng 1000 chữ, nội dung cũng giới thiệu về tập sách Sài Sơn thi lục này. Nhưng ở tập thơ này, ngoài bài tựa của Hoàng Thúc hội còn có đến mấy bài tựa của các vị khoa bảng khác như bài của Phó bảng Vũ Tuần, bài của Cử nhân Nguyễn Sư Hoàng. Do vậy nhìn vào tập sách, chúng ta khó phân định đâu là công sức của cụ Cử làng Yên Quyết, đâu là công sức của các nhà khoa bảng khác.

Riêng bài Sài Sơn thực lục tự của Cử nhân Hoàng Thúc Hội cho thấy công sức của ông bỏ ra rất lớn. Sách Sài Sơn thực lục, còn có tên gọi khác là Từ Thiền tăng thực lục, Từ Thiền thực lục. Nguyên bản cất giữ ở am Hiển Thụy, chùa Đỉnh Sơn. Hòa thượng Như Tùng muốn đem khắc in để lưu truyền rộng rãi, song thấy  bản cũ có nhiều chỗ khiếm khuyết nên đã mời Cử nhân Hoàng Thúc Hội biên tập khảo đính. Bài tựa viết bằng chữ Hán dài khoảng 500 chữ, xin được dịch giới thiệu toàn văn như sau:

Bài tựa sách Thiền tăng thực lục

Núi Phật Tích là đất danh thắng ở Bắc Kì, mà Thiền sư là bậc dị nhân vùng Nam Hải vậy. Những ghi chép trong chính sử triều Lí chỉ chép mỗi chuyện mắc bệnh hóa hổ, còn các sự tích khác thì không thấy ghi. Gạt bỏ quái dị, ghi chép việc thường, đó là thủ pháp của việc viết chính sử, nhưng trong vòng trời đất này thì không có sự kì lạ nào không có, không có sự quái đản nào không có. Người kì dị việc kì dị, nghe nói trong cõi thế gian là thường có. Các truyện Sưu thần dị chí, sử Bắc quốc có rất nhiều, các truyện Chích quái truyền kì, sách nước Nam cũng thấy lắm. Ngay cả các sách thần học khoa học của các nước Âu Mĩ bây giờ cũng được các độc giả chuộng đọc. Các thứ nghe thấy nhiều mà nhìn thấy ít, chẳng lẽ đều xếp vào loại hoang đản ư? Huống hồ việc học đạo phục thù thực hiện mấy lần bức xúc, há chẳng nói lên lòng hiếu thảo ư? Việc dùng lời nói mà thoát khỏi hình phạt rồi sau này bỏ cả thân mạng để đền đáp, há chẳng phải là chuộng đức ư? Lời thề ước ở rừng cây, cho lúc chết chẳng dám quên, các ngài Minh Không, Giác Hải rất coi trọng tình nghĩa đó là thiên cổ thánh hiền tiên phật, là thiên cổ luân lý cương thường vậy, đá gương sáng soi không bao giờ mai một.

Sách Từ Thiền thực lục được cất giữ bí mật trong Hiển Thụy núi Phật Tích, nay Sơn tăng Như Tùng muốn đem khắc in để truyền bá, diễn đến nhờ tôi phủ chính. Tôi chối từ nói: “Tôi già nua quê kệch, đâu dám treo chữ ở cửa huyền, chỉ tổ để các bậc đại phương quân tử cười chê. Huống hồ bây giờ là thời buổi biển Âu sóng Á, dân trí văn minh, thần quyền chẳng còn được coi trọng nữa”. Rồi lại nói thêm “Bỏ cái quý giữ cái hằng thường như thế là được rồi”. Sư tăng nói: “Tôn giáo thần quyền có quan hệ đến thế đạo, ngay cả các nước văn minh cũng không bỏ được”.

Tôi cảm kích bởi lời ấy, bèn giơ tay đỡ lấy bản thảo đưa về đọc. Xem là thời nào, nét bút của ai đều có đánh dấu ghi lại. Bút pháp thuần phác chẳng có hỗn tạp, tuy trải qua lâu ngày chẳng thấy sai sót. Bèn tham khảo các việc chép trong sách Chích quái, so sánh thấy có chỗ kĩ, có chỗ sơ lược, có chỗ kì lạ, có chỗ đúng mực, đôi chỗ có dị đồng, song nói đến thần quyền nhân đạo thì đều nhất quán. Do vậy chẳng quản vụng về bèn nhận phủ chính tập sách, bỏ phức tạp theo giản dị, bỏ chỗ thô tục theo chỗ thanh nhã, tùy theo văn mà sắp xếp giúp cho người đọc có chỗ tham khảo. Lại bổ sung thêm phần tế tự ở Yên Lãng và Sài Sơn, rồi phân đoạn mà nghị luận, ở cuối lại phụ thêm.

Kiến giải hẹp hòi của tôi, mong sao có chút bổ ích cho việc xem xét, xin các bậc thức giả lượng thứ cho.

Người biên tập cẩn chí.

II. VỀ BIÊN SOẠN

Mở trường dạy học ở làng Đa Phúc, Cử nhân Hoàng Thúc Hội đã có điều kiện giúp đỡ Hòa thượng Như Tùng trong việc chỉnh lý, chú giải viết tựa cho nhiều tập sách. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc chỉnh lý sách Sài Sơn thực lục. Nội dung sách giới thiệu về sự tích của chân nhân Từ Đạo Hạnh. Ngoài các làng Thụy Khuê, Đa Phúc, Sài Khê, Hoa Phát ở khu vực Sài Sơn ra, còn nhiều làng quê khác cũng thờ ngài, như làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm, làng Dị Nậu, huyện Thạch Thất, làng Đình Loan, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, làng Mạnh Trứ, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, làng Thọ Lộc huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình… Mỗi nơi đều có lưu giữ bản thánh tích viết bằng chữ Hán, nội dung cơ bản giống nhau. Riêng Sài Sơn thực lục được Cử nhân Hoàng Thúc Hội tham khảo nhiều tài liệu khác để bổ sung sửa chữa, đặc biệt lại chia ra làm 10 tiết. Mỗi tiết được tóm lược bằng hai câu thơ thất ngôn, tương tự như dạng tiểu thuyết chương hồi Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung và Hoàng Lê nhất thống chí của tác giả họ Ngô. Xin được giới thiệu cụ thể như sau:

Tiết 1:

Yên Lãng trại môn đình khởi sắc

Từ Thiền tăng cung trị Thiền gia.

Nghĩa là:

Trại Yên Lãng quê nhà tạo Phúc

Từ Thiền tăng kính giữ đạo Thiền.

Tiết 2:

Từ Tiên khảo hương khuê tạo nghiệp

Lê Đại Điên thái quyến hành phù.

Nghĩa là:

Từ thân phụ phòng the gây nghiệp

Lê Đại Điên chỉ đỏ buộc bùa.

Tiết 3:

Kim Xỉ quốc dị nhân điểm hóa

Thiên Hưng tự đạo hữu đề huề.

Nghĩa là:

Nước Kim Xỉ dị nhân giáo hóa

Chùa Thiên Hưng đạo hữu bắt tay.

Tiết 4:

Thiên Phúc tự kim cương Hộ pháp

Tô Giang kiều thiết trượng phục thù.

Nghĩa là:

Chùa Thiên Phúc kim cương hộ pháp

Cầu sông Tô gậy sắt báo thù.

Tiết 5:

Cao Trí Huyền chân tâm bí quyết

Trường Hương chử tái thế oan gia.

Nghĩa là:

Cao Trí Huyền chân tâm bí quyết

Trường Hương chử tái thế oan gia.

Tiết 6:

Giác Hoàng nhi bị yểm thu linh

Hiền tông thất thiện ngôn hoạch báo.

Nghĩa là:

Giác Hoàng như bị yểm hết thiêng

Sùng Hiền hầu thiện ngôn được báo.

Tiết 7:

Lý Hoàng điệt chi thừa đế thính

Khổng Minh Không thân liệu thánh cung.

Nghĩa là:

Cháu vua Lý kế thừa đế nghiệp

Khổng Minh Không chữa bệnh cho vua.

Tiết 8:

Cố hương trạch linh thanh bất chấn

Sài động trung xá lị như sinh.

Nghĩa là:

Nơi cố hương tiếng thiêng không lớn

Trong động Sài xá lị còn nguyên.

Tiết 9:

Trịnh Tĩnh Vương đồng diệp cầu thư

Chiêu Thiền tự đệ niên trại hội.

Nghĩa là:

Trịnh Tĩnh Vương đồng lá cầu thư

Chùa Chiêu Thiền tự hàng năm mở hội.

Tiết 10:

Hiển Thụy am thiên thu linh tích

Sài Sơn cảnh tam nguyệt xuân quang.

Nghĩa là:

Am Hiển Thụy ngàn thu linh tích

Cảnh Sài Sơn xuân hội tháng ba. 

Ở tiết thứ 10, người biên tập còn mô tả rất kỹ về vị trí, hình thế chùa Đỉnh Sơn nơi mà đức Thánh Từ từng tu tập cho đến khi thoát xác. Sách viết, núi Sài Sơn ở phía tây thành Thăng Long, xa chừng mấy chục dặm. Từ khi có vũ trụ đến nay đã có ngọn núi này. Nếu như không có dấu tích của bậc vĩ nhân thì ngọn núi này chưa nổi tiếng như thế… Lưng chừng núi có một ngôi chùa gọi là chùa Đỉnh Sơn, lại có tên gọi khác là chùa Phú Lâm. Phía trước chùa có vách đá, bên cạnh là vườn trúc của Lữ Gia, tướng quốc đời Triệu, có cả di chỉ phòng đọc sách của ông. Bên cạnh động  là am Hiển Thụy. Trong am có động, tức là nơi đức Thánh thoát xác. Cảnh chùa tuy hẹp, song u nhã cổ kính, có đặt hai pho tượng. Một tượng đặt ở chính giữa, một tượng đặt ở bên cạnh, do một thôn Đa Phúc cúng lễ, tất cả đều dùng Thiền lễ.

Quả thực cách mô tả tỉ mỉ xác thực đầy tâm huyết của người biên tập, đã giúp cho khách hành hương chưa từng một lần đến với non Sài cũng có thể hình dung thấy được những tinh hoa của động Thánh Hóa, am Hiển Thụy ở vùng Sài Sơn rồi. Công lao của người xưa thật đáng trân trọng.

Tôi là chỗ thân quen với ông Hoàng Khiêm, cháu nội của cụ Cử làng Yên Quyết, nhân Hội nghị khoa học: “Chùa Thầy và chư Thánh tổ sư” lần này, xin được ghi lại đôi dòng giới thiệu về tấm lòng của Cử nhân Hoàng Thúc Hội đối với thắng cảnh Sài Sơn, âu cũng là lời bày tỏ lòng biết ơn của hàng hậu học đối với chư vị danh nhân tiền bối vậy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sài Sơn đại thừa chân kinh  A.1249

2. Sài Sơn thắng tích tạp ký  A.923

3. Sài Sơn thi lục  A.2033

4. Sài Sơn thực lục  A.3227

5. Sơn Tây đăng khoa khảo  VHv.1289

6. Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 1971.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1972.

8. Phan Huy Chú và dòng họ Phan Huy, Sở VHTT Hà Sơn Bình, 1983.

9. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, 1990.

10. Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Khoa học xã hội, 1991.

11. Quốc triều hương khoa lục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993. 



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6115585