Thông tin

CƯ SĨ HỌC PHẬT: KINH NHẤT DẠ HIỀN GIẢ

 

CAO HUY HÓA

 


 

“Quá khứ không truy tìm / Tương lai không ước vọng / Quá khứ đã đoạn tận / Tương lai lại chưa đến / Chỉ có pháp hiện tại / Tuệ quán chính ở đây”.

Chắc các bạn quen thuộc với những câu trên?

Đây là kệ của Đức Phật, xem ra dễ hiểu, thật là hiện sinh, và như là triết lý của cuộc sống bình thường: Quá khứ ư, nhắc làm gì; còn tương lai? Đã tới đâu! Vậy thì hãy sống với hiện tại, vui ở đây và bây giờ; người thân yêu ta đó, cây cỏ hoa lá dòng sông thành phố ta đó!

Câu kệ đã gợi cho ta một chút hương hoa của cuộc đời “bây giờ và ở đây”.

Trở về kinh Phật, mấy câu kệ trên là lời của Đức Phật trong một bài kinh, Bhaddekaratta Sutta (theo Pali), gọi là Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, theo tiếng Việt, thuộc tập kinh Trung Bộ. Đây là bài pháp của Đức Phật thuyết cho chúng Tỳ-kheo, như là lời dẫn nhập của kinh:

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo” “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các ông: ‘Nhất Dạ Hiền Giả’ (Bhaddekaratta), tổng thuyết và biệt thuyết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ thuyết giảng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Sau đó, Đức Phật đã nói liền bài kệ:

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động, không rung chuyển.

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Vào phần chính của kinh, Đức Phật lần lượt giải thích:

- Thế nào là truy tìm quá khứ?

- Thế nào là không truy tìm quá khứ?

- Thế nào là ước vọng tương lai?

- Thế nào là không ước vọng tương lai?

- Thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại?

- Thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại?

Bài pháp của Đức Phật đọng lại ở chữ KHÔNG: Không truy tìm quá khứ, Không ước vọng tương lai, Không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Làm sao để được KHÔNG như thế? Đó là cả cuộc đời học và hành của một vị tỳ-kheo, mà người Phật tử bình thường khó lòng mà đạt được phần nào. Tuy nhiên, thấm được chút gì thì cũng hân hoan trong lòng. Xin được phép trích phần cuối của kinh - trong đó có đề cập tự ngã (ngã), vô ngã, ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức:

“Thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các tỳ-kheo, có vị đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc thánh, thuần thục pháp của các bậc thánh, tu tập pháp của các bậc thánh, đi đến các bậc chân nhân, thuần thục pháp của các bậc chân nhân, tu tập pháp của các bậc chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các tỳ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại”.

Một vị hành giả nữ phương Tây, Tiến sĩ Margaret Meloni tu theo Đạo Phật Theravada, đã học và hành theo kinh này, cảm nhận theo trải nghiệm của mình trong một bài có đầu đề: “What you have is Now” (Những gì bạn có là Bây giờ) đăng trên mạng Buddhist Door Global, 26/10/2023.

Không có gì trong quá khứ cho bạn. Cũng không cần đặt kỳ vọng vào tương lai.

Việc dự đoán quá mức về tương lai và gắn bó với những kết luận lôgic đặc biệt sẽ khiến bạn đau khổ. Nếu bạn muốn hướng tới một tương lai không đau khổ, hãy nhìn vào ngày hôm nay. Và điều này cũng phải được giải quyết đúng cách. Bài kinh cũng biện luận về ý nghĩa của “không bị cuốn vào”. Để có được ngày hứa hẹn tốt, đó không chỉ có nghĩa là không theo đuổi quá khứ hay tương lai, mà còn tư duy đúng đắn trong hiện tại. Đức Phật mô tả một người như thế:

Làm sao người ta có thể không bị cuốn vào những phẩm chất hiện tại? Đây là trường hợp một đệ tử của các bậc Thánh đã đến các bậc Thánh, đắm mình trong lời dạy của các bậc Thánh, tinh thông giáo lý của các bậc Thánh, không thấy sắc như là ngã, hay ngã như là sở hữu sắc, hoặc sắc là ở trong ngã, hoặc ngã là ở trong sắc.

Đó không chỉ là ở thời điểm hiện tại với cảm xúc của bạn. Tôi đang phác họa trên ý tưởng này để có một nét chấm phá. Trong những lúc khó khăn và mất mát, đừng nhìn lui hay nhìn tới. Tự nhiên như có gì lôi kéo mình rời xa thời điểm đau khổ này. Tuy vậy, bạn cần có mặt ở thời điểm hiện tại một cách đúng đắn. Hãy đến với Phật pháp và làm việc với nhận thức rằng, những cảm xúc này không phải là bạn. Bạn sẽ phải đương đầu với quá khứ và đối mặt tương lai của mình. Nhưng đừng lãng phí những gì bạn có - và những gì bạn có là bây giờ đây. Ngay bây giờ, ngay trước mặt bạn, đây là sự thực hành của bạn. Và, theo tinh thần phủ lên tất cả của Pháp Phật về Chết, “Ai biết được, có thể ngày mai cái chết sẽ đến”.

Tháng 12/2023

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6703661