Thông tin

CƯ SĨ THIỀU CHỬU: MỘT NHÂN SĨ CHÂN CHÍNH UYÊN THÂM,

MỘT PHẬT TỬ ĐỘC ĐÁO THUẦN THÀNH

TRÊN CON ĐƯỜNG CHẤN HƯNG PHẬT HỌC VIỆT NAM

 

TUỆ KHƯƠNG

 

Tôi chỉ mới được biết đến tác giả Thiều Chửu từ những năm cuối của Thế kỷ XX, khoảng sáu bảy năm nay. Đó là thời kỳ chuẩn bị nghỉ hưu, tôi có nguyện vọng là giành thời gian còn lại của tuổi Canh Thìn vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu Phật học. Đặc biệt là sưu tầm tư liệu về các di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần trên vùng đất tỉnh Đông - Hải Dương quê hương tôi cùng các tỉnh đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ, vì thế nhiều lý do mà mấy chục năm qua tôi chưa có cơ duyên tiếp cận. Tâm nguyện và công việc này đòi hỏi tôi phải ôn lại và học Hán Nôm, thêm được chữ nào hay chữ đó. Thật may mắn là tôi được một vị Tỳ Khiêu, giảng sư các Thiền viện Trúc Lâm gởi tặng cuốn Hán Việt tự điển của tác giả Thiều Chửu. Nhận tập sách bìa cứng bọc ni lông trang trọng, đầy đặn (hơn 800 trang, trên 8000 chữ). Lần đầu tiên nghe bút danh Thiều Chửu, tôi ngộ nhận ông hẳn là người Hoa Kiều. Nhưng sau khi được vị giảng sư giới thiệu sơ lược về tác giả, đặc biệt là sau khi đọc Mấy lời đầu sách của tác giả cho bản in lần thứ nhất của Tự điển Hán Việt do nhà xuất bản Đuốc Tuệ Hà Nội - 1942, tôi thấy nhiều điều tâm đắc và có sức hút kỳ lạ đối với bạn đọc.

.... “Tôi vẫn tự biết tôi tài hèn học kém, mà cũng vẫn biết làm tự điển quan trọng đến thế nào, khó khăn đến thế nào mà nay tôi đã dám mạo muội biên tập, và in ra đời. Tôi thực là một kẻ hồ đồ, không biết tự lượng quá lắm vậy. Nguyên là: Trong mười mấy năm trời nay tôi theo đuổi công việc hoằng dương Phật pháp, tôi in ra nhiều kinh sách có cả chữ Nho - Quốc ngữ đối chiếu và giải nghĩa ở dưới, các độc giả nhân đó biết được ít nhiều chữ Nho, nhưng rất lấy làm ân hận rằng chỉ biết được âm và nghĩa từng câu thôi, không biết nghĩa từng chữ một. Nên xem sang sách toàn chữ Nho, lõm bõm câu được câu chăng... Tôi tự nghĩ rằng Hán học ngày nay ngày mất dần, chỉ nhờ có học Phật may mới duy trì được ít nhiều, nếu dùng cách nào mà giúp cho người đọc được Kinh, biết được chữ, tức là cái nền tảng để xây đắp lại cái lâu đài Nho giáo nguy nga tráng lệ, ai qua đó rồi, tức là làm trọn cái phần nhân thừa (... ...) của Phật mà tiến lên Phật thừa (....) rất mau chóng, kết quả tức là hoằng dương được Phật pháp một cách rất chắc chắn. Tôi lại nghĩ đến tấm lòng sốt sắng vui đạo của bao nhiêu giáo hữu đã bố thí cho tôi cái trách nhiệm nặng nề... nên đành phải đem thân lên cửa Tam bảo, quỳ lạy trước Phật đài, giải tỏ tấm lòng ngu thành mà bắt đầu vào việc biên tập Tự điển, ròng rã trong năm sáu năm trời, vắt hết cái óc cặn, vặn hết khúc ruột khô, mới xong bản thảo, lại in luôn trong một năm bốn tháng trời mới xong một phần Bị yếu. Tôi tự biết trong bộ tự điển này có cơ man nào là sự lầm lặt, công không bù tội, cho đến công việc in cũng nhiều bề khuyết điểm... Chúng tôi tuy hết sức đôn đốc, mà đồ không tốt, người không tài, thì muốn cũng chẳng được. Chỉ còn một cách là mong cầu các bậc cao minh phát tâm quảng đại xem xét đến cho, chỗ nào lầm thì sửa lại cho và bố thí cho tôi biết, để đến lần sau in lại cho được hoàn toàn, thì tôi được nhờ phúc lành nhiều lắm lắm vậy.

(Nam mô Bản sư thích ca Mầu ni Phật

Tác đại chứng minh

Thiều Chửu cẩn chí)

Các cụ ta có câu: “Văn tức là Người”, bằng lời lẽ cổ xưa, mộc mạc mà chân thành tha thiết, thể hiện đầy đủ tâm đức của người viết, đã thôi thúc tôi đi sâu tìm hiểu về tác giả khả kính này. Vào những năm cuối thập niên chín mươi, trong một số tác phẩm như: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (thành hội Phật giáo TP HCM - Thích Đồng Bổn chủ biên), Tác gia Văn học Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XI - XX (nhà xuất bản Hội nhà văn, 1998) và Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1999)... đều đã có bài viết giới thiệu tóm lược về tiểu sử Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha (1902-1954). Riêng bài viết trong phần phụ lục tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX có phần chi tiết hơn và kết luận: “Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha là một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng Cư sĩ trong tứ chúng môn đồ của Phật. Bàn tay đóng góp của Người ghi đậm trong lịch sử Chấn hưng Phật giáo, miền Bắc Việt Nam, và hơn thế nữa xứng đáng là gương mẫu tiêu biểu cho sự trọng thị một nhân cách khiêm ái từ hòa của người con Phật”.

Tuy nhiên, đối với lịch sử cận đại và hiện đại, việc công bố một sự kiện, một tác phẩm, nhận định đánh giá về tiểu sử một nhân vật nào đó, ở mỗi thời điểm đều có mặt hạn chế nhất định. Nó đòi hỏi phải có sự kiểm chứng của người đời, độ lùi về thời gian và phải đạt tới ngưỡng nào đó về các điều kiện mà nay mọi người thường nói là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của môi trường xã hội mới có thể đánh giá một cách khách quan đầy đủ về nhân vật, sự kiện, tác phẩm đó được. Đối với cư sĩ Thiều Chữu - Nguyễn Hữu Kha, cũng không ngoài ngoại lệ đó.

Phải đến nửa Thế kỷ sau khi ông đi vào cõi vĩnh hằng, tháng 6 năm 2002, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Tạp chí Xưa & nay, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và tạp chí Tia Sáng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã kết hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Dòng họ Nguyễn Đông Tác... đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm, Hội thảo khoa học Lịch sử Kỷ niệm 100 năm sinh Nhà văn học lớn của nước ta - Đó là cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha (1902-1954).

Với sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo quý vị giáo sư, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, các vị Tăng Ni, Phật tử, cùng đông đảo nhiều thế hệ hậu duệ con cháu, học trò của Cư sĩ Thiều Chửu. Đã có tới hơn ba mươi bài viết rất công phu gửi tới cuộc Hội thảo. Sau đó một số tạp chí trong đó có tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều bài viết đề cập đến nhiều lĩnh vực mà trước đây Thiều Chửu đã quan tâm, đề xướng. Có nhiều tư liệu mới được khai thác, phát hiện về quê hương, dòng tộc, về cuộc đời và sự nghiệp, tu tập trước tác Phật học của ông từ buổi thiếu niên cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng. Ngay cả những tình tiết bức xúc khiến ông phải lựa chọn hình thức tự trầm mình xuống dòng nước sông Cầu (Khu vực thác đập Thác Huống) Thái Nguyên để lại nỗi nhớ thương cho gia đình, người thân, các bạn đồng tâm, đồng nguyện, và tác động không nhỏ đến thế hệ Tăng ni, Phật tử trí thức Việt Nam với niềm băn khoăn nuối tiếc.

Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha, sinh năm Nhâm Dần 1902, người làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, ngày nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Vốn gốc gác là phường Đông Tác, một vùng quê cổ, từng là nơi phát tích nhiều nhà khoa bảng của kinh thành Thăng Long xa xưa. Ông xuất thân từ một gia đình, dòng họ có truyền thống Nho giáo. Cụ tổ bốn đời là Cụ nghè Nguyễn Văn Lý đỗ tiến sĩ năm 1832 – Thân phụ là Cụ cử Nguyễn Hữu Cầu, đỗ cử nhân năm 1906 nhưng không ra làm quan. Là một nhân sĩ yêu nước trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp lưu đày ra Côn Đảo. Khi được tha về (1920) chuyên dạy học và làm thuốc.

Ngay từ nhỏ, Hữu Kha được bà nội dạy dỗ, chăm sóc, Cụ Bà vốn là một cô Tú, vẹn toàn tứ đức, được mọi người xung quanh kính phục vì giỏi chữ Hán, mộ đạo Phật. Hữu Kha được bà dạy chữ Hán, được theo Bà dẫn chùa lễ Phật, ăn chay từ năm 7-8 tuổi. Được ảnh hưởng từ Cha, Hữu Kha đã sớm thông hiểu Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Lớn lên vào lúc cảnh nhà và làng quê gặp nhiều tai họa, lụt lội, mất mùa liên tiếp, dân tình cơ cực lầm than; cha bị giặc bắt rồi đày đi Côn Đảo, kinh tế ngày một sa sút. Hữu Kha đã thay các anh chị, tự nguyện cùng người mẹ tần tảo, chạy chọt tiếp tế cho cha, xuôi ngược Hà Nội - Đồ Sơn, tìm cách lo liệu sinh kế cho cả nhà, mãi đến khi cụ Cử Cầu được tha về mới trở lại gia đình.

Vốn sẵn từ tâm và say mê đạo Phật, lại sớm phải chứng kiến, đối mặt với những mâu thuẩn ngày càng sâu sắc trong xã hội đương thời, không tìm ra lối thoát. Ông tĩnh tâm, xem xét, đem hết lòng từ bi bác ái trải rộng đến mọi người dân, ai ốm đau, hoạn nạn, chết chóc ông đều chủ động đến chăm sóc giúp đỡ tận tình như đối với người thân trong gia đình. Cũng chính từ những cảnh ngộ đó ông càng tha thiết phát tâm nguyện tu theo đạo Phật. Ông không xuất gia mà tu tại gia thật sự nghiêm ngặt, đúng nghĩa của một vị chân tu.

Sinh hoạt đời sống hằng ngày thường đạm bạc giản dị; mỗi ngày chỉ ăn một bữa, trường trai, quần áo nâu sòng quê mùa. Hằng đêm, làm bạn với một tấm phản đặt trên mặt đất, mùa Đông chỉ có một tấm chăn đơn. Ngày đêm giành hết thì giờ cho việc học tập, nghiên cứu, viết sách, dịch Kinh Phật và làm từ thiện. Nhờ chí tham tu, hiếu học, lại vốn sẵn thông minh. Bằng con đường tự học, tự rèn bền bỉ, cùng với sự giúp đỡ của người anh là Nguyễn Hữu Tảo, một giáo sư nổi tiếng trong ngành giáo dục sau này; mà ngoài chữ Hán, chữ Quốc ngữ, Nguyễn Hữu Kha còn biết thêm các tiếng Pháp, Anh, Nhật là những điều kiện tốt để tiếp cận được cả nền học vấn phương Tây và triết lý Phật học Đông Phương.

Do thành tâm tu hành, tìm thấy niềm vui trong việc cứu đời, cứu người cơ cực. Ông đặt cho mình những biệt hiệu: Tịnh Liễu, Lạc Khổ, Thiều Chửu, tìm cho mình con đường riêng trong việc tu hành, nghiên cứu giáo lý Phật học ngày càng uyên thâm sâu sắc.

Trong bài tựa bản kinh: Giảng nghĩa Kinh Kim Cương (Do nhà in Đuốc Tuệ xuất bản - không ghi năm). Ông cho biết hồi 18, 19 tuổi ông đã đi sâu nghiên cứu đạo Phật nên ông lấy biệt hiệu là Tịnh Liễu (Tịnh là trong sạch, Liễu là hiểu biết rành rọt gắn liền với Tuệ - Tịnh và Liễu để thực hiện Giới và Tuệ hai bộ phận thiết yếu trong Giới, Định, Tuệ là ba phép học chính yếu của Phật giáo. Năm 25, 26 tuổi ông lấy biệt hiệu là Lạc Khổ Lạc Khổ là dù trong cảnh khổ vẫn giữ niềm vui để có nghị lực phấn đấu loại trừ nỗi khổ cho mình và cho người. Cả hai tên hiệu trên như có ý nhắc nhở, nhấn mạnh cho ý chí tu dưỡng bản thân ở giai đoạn này.

Bút danh, tên hiệu “Thiều Chửu” có thể được Nguyễn Hữu Kha dùng từ lúc ông ký tên trên các bài báo và các sách được in ấn sau khi ông đảm nhiệm việc quản lý nhà in Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc kỳ.

Trong sách “Khóa Hư Lục” bản dịch của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 1974), phần chú thích có ghi: Bản dịch “Khóa Hư Lục” của Thiều Chửu được in tại nhà in của hiệu sách “Hòa Ký” vào khoảng 1932-1933. Về ý nghĩa của Thiều Chửu; ta được biết “Thiều” là loại cây như cây lau, người ta dùng các cành lau bó lại để làm chổi. “Thiều Chửu” là chiếc chổi làm bằng cây hoa lau - cái chổi tuy là vật dụng tầm thường nhưng rất cần thiết, vì có nó mới quét sạch được mọi dơ bẩn trong bản thân mình đồng thời cũng làm sạch cho người xung quanh. Ông chọn bút danh, tên hiệu “Thiều Chửu” đã thể hiện được ý chí quyết tâm, óc sáng tạo tự lập cùng đức tính khiêm nhường và lòng tự hòa về lý tưởng sống của mình.

Theo thiển ý của tôi: Từ biệt hiệu “Tịnh Liễu”, “Lạc Khổ” đến “Thiều Chửu” không phải là sự lựa chọn ngẫu hứng tự nhiên mà là biểu hiện của sự phát triển trong quá trình nghiên cứu, tu tập thâm nhập ngày càng uyên thâm vào giáo lý đạo Phật, là cả quá trình tìm tòi phát triển trên con đường hoằng dương Phật pháp từ “Tĩnh” đến “Động”, như ông đã từng phát biểu trong “Con đường học Phật ở thế kỷ XX”: “Lúc mới tu ở chỗ tĩnh, sau phải tu ở chỗ động, nếu chỉ tu ở chỗ tĩnh lúc ra chỗ động thì chẳng làm trò gì được mà lại mất cả công tu, tu ở cảnh động tức là Độ sinh”. Có thể từ thời điểm 1932-1933 trở đi Thiều Chửu là bút danh, tên hiệu của tác giả Nguyễn Hữu Kha, gắn liền với các tác phẩm phiên dịch, chú giải, tự điển và trước tác về Phật học của ông. Chính vì vậy Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha được huynh đệ, bạn bè trong giới học thuật thường gọi là Thiều Chửu.

Từ 1920 ông phát nguyện hộ trì Phật pháp, đảm nhiệm việc dạy dỗ chữ Hán cho các Tăng Ni trong vùng. Từ đó có thêm nhiều cơ hội tham vấn với các danh tăng để tìm hiểu sâu sắc về giáo lý đạo Phật. Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc tuyên dương Phật pháp. Ông lập nhà in và bán sách “Hòa Ký” và giành toàn tâm, toàn sức cho việc tự học, viết sách, dịch Kinh. Thiều Chửu được xem là người đầu tiên dịch sách Khóa Hư Lục ra tiếng Quốc ngữ. Bản dịch của ông ra đời khoảng 1932-1933 với số lượng in lần đầu khoảng 100 cuốn. Ông tích cực đóng góp vào sự hình thành và hoạt động của Hội Phật giáo Bắc kỳ, khi tham gia quản lý và biên tập Tạp chí Đuốc Tuệ. Từ cuối 1932 Thiều Chửu đã cho đăng bản dịch sách Khóa Hư Lục của mình liên tiếp trên nhiều số báo liền. Ông cho rằng: Trong kho sách Phật học nước nhà, có lẽ bộ này là hoàn toàn đặc sắc hơn cả cho nên dịch giả định gọi là: Kinh Khóa Hư thì có lẽ là hay hơn. Cứ theo nghĩa đen thì Khóa là bài học, Hư là rỗng không nhưng cái ý nghĩa sâu sắc thì tức là một bài học dạy cho ta phải để tâm khiêm nhường, thiếu thốn, tự biết mình là còn mang tội lỗi xấu xa, còn ngu si mê muội phải ép mình mà tu tỉnh, sám hối, nhẫn nhục, tịnh tiến, mới thâu thái được cái hay của Thánh Hiền vào mình. Nếu ta cứ tự cho là thông minh, tài giỏi, là thánh thần khôn khéo, thì đọc sách này cũng vẫn chỉ là ở đầu lưỡi mà thôi. Ấy đại khái ý nghĩa của hai chữ Khóa Hư là thế, nếu giảng cho hết ý nghĩa thì phải viết một quyển sách lớn mới hết ý nghĩa được.

Bản dịch “Khóa hư lục” của Thiều Chửu được nhiều người ca ngợi và lấy đó làm tài liệu tu học. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, khi giới thiệu về Thiều Chửu, tác giả Nguyễn Lang đã viết: “Căn bản Hán văn của ông rất vững chãi - Ông là tác giả bộ Hán Việt tự điển, được sử dụng rộng rãi trong nước... Đuốc Tuệ đăng bản dịch Khóa Hư Lục của ông trong nhiều kỳ. Văn khóa hư là văn biền ngẫu rất khó dịch. Nhưng bản dịch của ông là một bản dịch rất đặc sắc, đọc êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng. Ông lại chú giải mỗi khi có danh từ khó và thỉnh thoảng lại thêm vào những lời bàn góp”. Theo ý ông, tác giả Khóa Hư Lục là Trần Nhân Tông chứ không phải là Trần Thánh Tông. Thực ra Khóa Hư Lục là của vua Thái Tông. Thiều Chửu còn là tác giả của sách: Sự tích Phật tổ diễn ca (1935), Khóa tụng hằng ngày (1935), Cải tà quy chính, Bốn mươi tám phép niệm Phật và dịch giả sách; Vì sao tôi tin đạo Phật của Brongthon và các kinh như: Kinh Lễ sáu phương, kinh Di Giáo, kinh Di Đà, kinh Tứ Thập Nhị Chương v.v..

Năm 1936 ông được Hội Phật giáo Bắc kỳ giao cho trông coi việc thi công xây dựng lại chùa Quán Sứ nay là Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1938 ông tham gia nhóm Nguyễn Văn Tố, Phan Thanh ... thành lập Hội truyền bá Quốc Ngữ. Đến năm 1941 ông đã tổ chức được nhiều lớp dạy chữ cho các Tăng ni, trẻ mồ côi và thanh niên nghèo góp phần xóa nạn mù chữ trong nhân dân.

- Theo nhiều nguồn tài liệu (Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Từ điển các nhân vật lịch sử, bài của tác giả Vũ Tuấn Sán...). Năm 1945 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Cứu tế xã hội nhưng ông từ chối với lý do tiếp tục công tác Phật sự và xã hội, lo liệu việc chăm nuôi, giảng dạy cho các lớp Phật giáo cùng cô nhi, tiếp tục con đường tu trì lợi tha mà mình đã lựa chọn và theo đuổi lâu nay.

Khi nạn đói xảy ra ở miền bắc năm 1945, ông đã cùng các Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải v.v.. đứng ra thành lập Tổng hội cứu tế đặt tại chùa Quán Sứ để cứu giúp người đói khổ, lập ra cô nhi viện nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi.

Ông là một người yêu nước triệt để, khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội, ông dứt khoát không chịu sống trong vùng địch kiểm soát, không nhận sự chi viện, giúp đỡ tiền bạc, vật chất của các vị trong vùng địch kiểm soát gửi ra. Vì thế ông dẫn dắt lớp cô nhi vượt vòng vây ra vùng kháng chiến. Chiến tranh ác liệt phải tản cư nhiều nơi; Sơn Tây, Phúc Yên, Thái Nguyên, vô cùng khó khăn, gian khổ, có khi phải ăn toàn rau, cháo, khoai mì hàng tháng, ông vẫn duy trì lớp học, làm nhà ở, lớp học cho cô nhi, tổ chức tăng gia sản xuất tự túc, giúp đỡ dân nghèo ở địa phương. Hằng ngày giữ đúng thời gian biểu của bản thân trong việc ngồi thiền, dịch Kinh, viết sách, mỗi đêm chỉ ngủ 2-4 giờ, đồng thời khuyến khích Phật tử Tăng Ni, cô nhi là học trò của mình sách tấn họ tu học và tận tâm chỉ dạy sở học của mình cho họ.

Ông tán thành và hăng hái thực hiện chủ trương kháng chiến và chính sách cải cách ruộng đất của Hồ Chủ Tịch, tiến hành chống giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt bằng cách làm riêng của mình. Với tấm lòng tận tụy vì dân như ông đã ghi đậm nét ở trang đầu cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX.

“Phải tận hiếu với nhân dân

Nhân dân là Cha mẹ bao kiếp

Là chư Phật vị lai”

Tiếc rằng do một số sai lầm về mặt chỉ đạo cụ thể của một số cán bộ phát động giảm tô cải cách ruộng đất của địa phương tại thời điểm đó, Thiều Chửu cùng không ít người dân, thậm chí có cả cán bộ cao cấp lúc đó đã bị tình nghi, quy sai, tố oan, bị truy bức, xúc phạm thậm tệ v.v.. vượt quá mức chịu đựng của một người tu hành vốn sẵn đầy căn tính nhẫn nhục từ, bi, hỷ, xả như ông. Nên sau khi để lại lời dặn dò cho các đệ tử phải bền bỉ, cố gắng học tập tu hành để giáo hóa đời mà đừng để đời hóa, ông đã viết những lời trần tình tha thiết gửi lên lãnh tụ và chính quyền, phát hiện và cảnh báo về những sai trái của các cấp thi hành, góp ý đề xuất những việc nên làm, những điều nên tránh, để ích quốc lợi dân, thực hiện chính sách nhất quán của Cụ Hồ là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, đảm bảo cho công cuộc kháng chiến kiến quốc nhanh chóng đi đến thắng lợi. Bằng phương pháp bất bạo động của người tu hành chân chính, sau khi lễ Phật, ông đã tự nguyện quấn mình bằng tấm chăn đơn mỏng manh mà ông thường đắp trong các đêm đông, rồi trầm mình xuống dòng nước sông Cầu (khu vực đập Thác Huống) thuộc Đồng Mỹ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, thanh thản ra đi vào cõi Vĩnh Hằng ngày 15.7.1954 tức 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ, để cúng dường Tam bảo sau khi đã hoàn thành Phật sự giáo hóa cho đạo, cho đời, theo chí hướng, đức độ riêng của mình như mấy câu thơ ghi ở đầu cuốn sách Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2002):

“Sá thù chi đứa dâm ô,

Nước tùy duyên rửa cho đi kẻo mà.

Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,

Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”.

Viết đến đây, trong tâm khảm tôi nhói lên niềm xót xa nuối tiếc. Từ “dòng nước” nơi Thiều Chửu trầm mình cùng những dòng tâm huyết gợi lại cho người đời đến “ngọn lửa và trái tim” cùng tâm nguyện của Bồ tát Thích Quảng Đức cách nhau đến chục năm. Tuy khác nhau về tính chất, đối tượng đấu tranh, nhưng đều toát lên tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của những người con Phật chân chính của các vị Bồ tát.

* * *

Với 53 năm trụ thế trong đó có hơn 30 năm Hành Bồ tát đạo, cư sĩ Thiều Chửu đã giành hết công sức, tâm huyết của đời mình cống hiến cho Phật pháp bằng việc tu hành, phiên dịch, trước tác; để lại cho Đạo, cho đời một di sản Triết lý Phật giáo vô cùng phong phú, uyên thâm, bao gồm trên 50 đầu sách về Phật học. trong đó có nhiều tác phẩm đã, đang còn sống mãi với thời gian, với nhiều thế hệ Tăng ni, Phật tử, thí dụ như Khóa Hư Lục, Tự điển Hán - Việt đã đề cập ở phần trên và nhiều quyển khác như: Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, Con đường học Phật ở thế kỷ XX v.v...

Có thể nói ông đã giải thích truyện Quan Âm Thị Kính rất công phu với nhận thức của người thiền quán. Như ông đã viết trong Tiếng Vọng: “Tôi ham đọc Kinh này từ thuở nhỏ, biên tập từ lúc còn để chỏm, mà nay răng đã gãy, mắt đã lòa, nên bản thảo lần này so với mọi lần, thực là khác hẳn, không phải là tôi trước nữa. Các bản trước, tôi phải theo nghĩa Thế gian, mà lần này thì hoàn toàn theo nghĩa xuất thế gian...”. Khác với các chú giải thông thường, ngoài phần giải về nghĩa và điển tích, ông còn giải thích tác phẩm trên tinh thần Phật giáo. Sau mỗi đoạn đều có phần THíCH, để giải thích rõ sự tích ý nghĩa của từng câu, từng chữ. Sách gồm 29 đoạn THíCH. Về thực chất đây là thao tác chú thích có tính Kinh Hóa, không những không làm mất đi ý nghĩa dân gian của tác phẩm mà còn phát huy những yếu tố vốn có của Phật giáo, giúp cho người đọc tiếp nhận một cách sâu sắc hơn tinh thần Phật giáo của cốt truyện.

Về trước thuật, Thiều Chửu có khá nhiều tác phẩm, trong đó: Con đường học Phật ở Thế kỷ XX là những điều tâm huyết nhất của ông (Đuốc Tuệ xuất bản 1952, Nhà xuất bản Tôn giáo tái bản năm 2002). Đây là tác phẩm cuối cùng của ông viết khi đang ở Thái Nguyên, được viết bằng máu và mồ hôi, nước mắt, thể hiện những tâm tư của ông đối với một tôn giáo mà giáo lý của nó đã trở thành lý tưởng cao cả xuyên suốt cuộc đời mình.

Đi vào nội dung, phần I là những điểm chân thật thẳng thắn vạch ra các nhận thức và việc làm sai trái của giới Tăng sĩ hiện nay và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh hoạt động. Phần II, Con đường Phật học đưa ra những chỉ dẫn, quan điểm cơ bản của đạo Phật, nhằm xác lập niềm tin đúng đắn Tôn giáo này và tổ chức hoạt động Phật giáo chân chính. Qua cuốn sách thấy rõ những quan điểm tiến bộ có tính cách mạng của Thiều Chửu về Phật giáo, đặc biệt quan điểm Phật giáo nhân gian và đề xuất các biện pháp chấn hưng Phật giáo ở Bắc Bộ và trong cả nước phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người cuối thế kỷ XX. Thiết nghĩ đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng nội dung của “Con đường học Phật ở thế kỷ XX” vẫn còn nguyên giá trị với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cả thế kỷ XXI này.

Trong lời Vọng Lại cuối sách Thiều Chửu đã viết:

Biết ta: bảo ta lo âu,

Chẳng biết ta: bảo ta cầu chi đây!

Trời xanh man mác ai hay,

Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia.

Các nhà Tiên Triết có câu: “Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách, huống chi Phật pháp là bao la cả Tam giới, ai là người được nhờ ơn Phật mà chẳng phải lo...”

Là cây bút vững chãi và sâu sắc, miệt mài tận tụy đến mức quên mình, cư sĩ Thiều Chửu đã có những đóng góp quan trọng làm phong phú thêm cho kho tàng thư tịch Phật giáo và nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Ông thực sự là một nhân sỹ chân chính uyên thâm, một Phật tử độc đáo thuần thành, không quản chông gai đi tiên phong dẫn dắt cho các thế hệ Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia trên con đường nghiên cứu, tu tập và chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam không chỉ ở thế kỷ XX mà cả trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Đạo đời còn lắm chông gai,

Hải Đăng - Thiều Chửu ngời soi đêm trường.

Thăng - Trầm, Sinh - Tử vô thường,

Trăm năm hậu thế, tấc lòng tri ân!

Thành phố Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 11, Ất Dậu - 2005

 


Ghi chú: Cư sĩ Tuệ Khương - Phạm Duy Khương

Nguyên Tổng Biên tập báo Đường Sắt Việt Nam, nghỉ hưu tại thành phố Vũng Tàu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6057662