Thông tin

CƯ SĨ THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA

NHÀ TRÍ THỨC PHẬT HỌC - NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH

 

Thượng toạ THÍCH GIA QUANG

 

Cư sĩ Phật tử Thiều Chửu, thế danh Nguyễn Hữu Kha sinh năm 1902 tại làng Trung Tự, phường Đông Tác, Tổng Kim Liên, Hà Nội; nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Cư sĩ sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo yêu nước và mến đạo Phật.

Sẵn có chủng tử Phật Pháp trong con người Cư sĩ và gặp duyên lành là bà nội sùng kính Tam bảo nên Cư sĩ sớm đến với đạo Phật. Năm 19 tuổi, Cư sĩ đã tìm đến các bậc danh Tăng để tham thiền học đạo. Với tư chất thông minh sẵn có, chỉ trong một thời gian ngắn Cư sĩ đã hiểu được Phật pháp và bắt đầu dịch Kinh Phật, năm Cư sĩ 26 tuổi. Từ những năm 1932-1933 Cư sĩ đã cho ra đời ấn phẩm bản dịch tác phẩm Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông được nhiều người ca ngợi và lấy đó làm tài liệu tu học. Những năm tiếp theo, Cư sĩ đã dịch được nhiều kinh Phật, như: Kinh A Di Đà, Kinh Địa Tạng, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Kim Cương, Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Thuỷ Sám, Phật học cương yếu, Tây Du Ký, Vì sao tôi tin Phật giáo... các bản dịch này thường kèm theo lời giảng của các bậc Cao tăng nổi tiếng hoặc lời chú giải và bình luận của Cư sĩ đã giúp ích rất nhiều cho người học Phật. Cư sĩ còn viết Sự tích Phật tổ diễn ca, Con đường học Phật thế kỷ 20... Đặc biệt là bộ Hán việt tự điển do Cư sĩ biên soạn được rất nhiều người hoan nghênh đón nhận làm tài liệu công cụ học tập và nghiên cứu trong Phật học.

Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập, báo Đuốc Tuệ ra đời, Cư sĩ tham gia Ban trị sự toà soạn và là một cây bút sắc sảo của tờ Đuốc Tuệ qua các bài nghiên cứu, khảo luận về Phật học góp phần làm sáng tỏ giáo lý đạo Phật, động viên cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nói riêng cũng như cho cả nước nói chung trong nhiều năm.

Thấm nhuần lời dạy của chư Tổ “Phật pháp bất ly thế gian giác”, ngoài việc nghiên cứu, dịch kinh, viết sách, làm báo, Cư sĩ còn tham gia việc giáo dục đào tạo Tăng ni và thanh thiếu niên nghèo học Phật và học quốc ngữ góp phần xoá nạn mù chữ trong nhân dân. Năm 1941, Hội Phật giáo Bắc kỳ giao cho Cư sĩ lập Trường Phổ Quang để giáo dục Tăng Ni. Cư sĩ cũng mở một số trường vừa học, vừa làm giúp cho các thanh niên nghèo có thể theo học, nhiều người trong số đó đã trưởng thành và tích cực tham gia kháng chiến, một số vào bộ đội và trở thành cán bộ cao cấp, một số đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cư sĩ là một người thầy khả kính của Tăng Ni sinh và các thanh, thiếu niên Phật tử lúc bấy giờ.

Năm 1936, Cư sĩ còn được Hội Phật giáo Bắc Kỳ giao cho trông coi việc thi công xây dựng lại chùa Quán Sứ, nay là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về công tác từ thiện xã hội, Cư sĩ là người rất có tâm và tham gia rất nhiệt tình. Năm 1936, Cư sĩ làm Tổng Thư ký Hội Tế Sinh, Hội này đã cứu tế cho rất nhiều người trong những cơn hoạn nạn như nạn lụt năm 1937 ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang và nạn đói khủng khiếp năm 1945...

Cuộc đời của cố Cư sĩ Phật tử Thiều Chửu, nhà tri thức đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Đạo pháp và Dân tộc, là cuộc đời của một Phật tử chân chính đã phát huy cao độ lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo. Với 52 năm trụ thế trong đó hơn 30 năm hành Bồ tát đạo, Cư sĩ đã ra đi để về nước Phật, song sự ra đi đó là sự ra đi của nhục thân tứ đại còn tinh thần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha, hành Bồ tát đạo của Cư sĩ vẫn còn mãi với người Phật tử Việt Nam. Cư sĩ là tấm gương sáng, soi đường cho Phật tử chúng ta, tấm gương phụng đạo yêu nước, một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cư sĩ, tôi xin mạo muội sơ lược đôi nét về cuộc đời của Cư sĩ chắc còn nhiều thiếu xót mong Cư sĩ hỷ xả cho. Hôm nay cố Cư sĩ đã về thế giới Niết bàn vô chung bất diệt để lại cho tôi bao nỗi niềm kính tiếc, mến thương vô hạn, song công đúc và tấm gương sáng của Cư sĩ cũng toả rạng trong tôi và có lẽ cả trong những Phật tử mai sau.

Xin trân trọng viết mấy dòng cảm niệm, thắp nén hương tâm hương tưởng nhớ cố Cư sĩ Thiều Chửu.

 


Ghi chú: Bài này đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Phật học ra tháng 6 năm 2002.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6951866