Thông tin

CƯ SĨ THIỀU CHỬU VỚI “CẢ MỘT TRỜI THƠ”

 

TS. ĐINH CÔNG VỸ
Viện Hán Nôm

 

Phường Đông Tác, đất Long Thành, nơi cất tiếng khóc chào đời của Thiều Chửu vào đầu thế kỷ XX (năm 1902) không phải là nơi nhà cao tầng mọc lên lộn xộn, đô thị hoá bừa bãi, làm mất hết nguyên dạng như ngày nay. Thuở ấy đúng như nghĩa gốc của hai chữ Đông Tác như thơ dân gian :

Mặt trời rạng rỡ đằng Đông,

Mọi người canh tác ra đồng say sưa.

Hoặc :

Trại Cam Đường đất mênh mông,

Trại dưới Trung Tự thóc vàng lúa tươi1.

Đông Tác gần ô Đồng Lầm với nghề nhuộm thâm nổi tiếng, nhưng bản thân Đông Tác cũng “Nhuộm thắm Long Thành nghề đỏ sắc” để sánh với: “Bừng tươi nhân kiệt bảng vàng nêu”, trên thế đất Phượng hoàng sen vàng lấp lánh là một bộ phận của đại linh địa rồng bay, nghìn năm văn vật. Đó là một trong những cơ sở để phát tích ra vọng tộc Nguyễn Đông Tác nối đời thi thư với những tên tuổi lừng lẫy như : Trung Đẳng Phúc Thần Trực Ôn Văn Nhã Đại vương Nguyễn Hy Quang, thầy dạy chúa Trịnh, thành hoàng làng Trung Tự; Hoàng giáp Nguyễn Trù, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và cháu nội của Tiến sĩ là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu mà tên tuổi và tác phẩm của ông lẫn cháu còn sống mãi với Thủ đô, trái tim của cả nước. Đấy là mảnh đất đã góp phần đơm hoa kết trái nên người con ưu tú của Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu là Cư sĩ Thiều Chửu, một nhà Thiền học có tầm lớn ở thế kỷ XX, một học giả, một nhà thơ đặc sắc.

Song bối cảnh đó chưa đủ nếu chưa gắn với hoàn cảnh của Thiều Chửu như Âu Dương Tu, nhà thơ đời Tống đã viết: “Thi cùng như hậu công” tới cảnh bần cùng sau đó mới có thơ hay. Ngô Thì Vị, nhà thơ thời Nguyễn trong lời Bạt cuốn Cấn trai thi tập cũng cho rằng Thơ đến cảnh cùng quẫn mới hay. Đối với Thiều Chửu, nhà thiền học cao cả chịu khổ để cho thiên hạ vui, cũng như đức Phật Thích ca có cuộc sống khổ hạnh dưới núi Tuyết mới thành Phật thì toàn bộ sự nghiệp của ông cũng như thơ có cùng mới hay.

Chân lý sục sôi ấy đã thể hiện trong tác phẩm Giải thích truyện “Quan Âm Thị Kính” (QATK) mà Thiều Chửu cho ra đời năm 1943. Từ lúc tóc còn để chỏm, ông đã say sưa đọc tới lúc răng rụng mắt loà không hề nhụt chí, ông vẫn đem hết tâm huyết ra để giải thích cặn kẽ truyện này, làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ mà từ rất lâu đã nên câu thành ngữ nhức nhối tâm can mọi người Việt Nam : “Oan như oan Thị Kính”.

Hẳn Thiều Chửu đã tìm thấy sự đồng điệu trong đó. Từ khá lâu truyện thơ nôm lục bát cảm động ấy được lưu hành như một tác phẩm khuyết danh. Nhưng với những tìm tòi gần đây và hơn nữa theo “Tự điển văn học (vần Q)” đã có căn cứ để thừa nhận Nguyễn Cấp là tác giả truyện này. Nguyễn Cấp là người thôn Thượng, xã Nguyên Khiết, huyện Thọ Xương (nay thuộc nội thành Hà Nội). Đã họ Nguyễn lại cùng ở nội thành Hà Nội, và đều say sưa với Truyện Thị Kính, hẳn Thiều Chửu dễ dàng biết tới Nguyễn Cấp? Nguyễn Cấp đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Quý Dậu (1812). Lúc đang làm Tri phủ Thiên Trường (1829) vì một chuyện lôi thôi trong kiện tụng mà vợ ông có dính líu, ông đã bị Tổng trấn Bắc Thành bắt giam, kết tội xử giảo. Nhưng Nguyễn Cấp trốn khỏi ngục, qua nhiều nơi ẩn náu, sang tận Trung Hoa, lại bị nhà Thanh đuổi về nước. Cuối cùng, ông nhờ Nguyễn Công Trứ đang làm Tham tán Quân vụ ở Lạng Giang che chở mà trốn được ở đó, cắt tóc đi tu. Cuộc đời oan khổ lưu ly ấy làm ông chán ngán và căm ghét chế độ quan lại thối nát của nhà Nguyễn. Trước lúc mất, ông từng ân cần dặn lại con cháu: Đừng nối gót mình theo đòi thi cử, để sa vào thế giới của bọn tai to mặt lớn hại dân. Chính cảnh cùng đó đã làm Nguyễn Cấp hoàn thành truyện QATK (còn gọi là Quan Âm tân truyện) với độ dài 786 câu thơ lục bát, có giá trị văn chương hơn hẳn các truyện nôm khác như Nam Hải Quan Âm, Phạm Công Cúc Hoa rất nhiều để gửi gắm sự u uất, cuộc đời oan uổng của mình. Truyện thơ QATK đó có câu Gia tư thì cũng bậc trung gần như câu ở Truyện Kiều Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung, hẳn chịu ảnh hưởng của thơ Nguyễn Du ra đời trước đó không lâu. Tác giả của QATK có thể đã tìm thấy từ trong cuộc đời oan khuất của Thuý Kiều, mối bi hận tình của nàng một sự đồng điệu.

Các bi kịch cùng khốn ấy không lặp lại hoàn toàn nhưng có những nét tương tự Thiều Chửu : Với Thiều Chửu, Hồng Sơn, một tác giả viết về ông đề cao hơn, coi đó là “Bi kịch của một tâm hồn thánh thiện”. Bởi càng thánh thiện thì bi kịch càng có ý nghĩa. Nó thể hiện một phần trong bức thư Thiều Chửu thống thiết gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tả lại trong 17 trang đánh máy, cho biết: Ngay từ năm 14 tuổi cha bị thực dân Pháp bắt đi, ông chạy theo cha liền bị bọn mật thám xua đuổi, đánh đập “căm thù, tủi nhục, thân hèn biết làm gì”. Đọc truyện ba vị anh hùng nước Ý thấy có lời nói của Garibanđi: “Ý Đại Lợi là vợ, Ý Đại Lợi là con” mà nảy ra ý muốn theo lời nói đó. Thiều Chửu viết: “Từ đó tôi không nghĩ đến đời riêng của tôi nữa, người ta cho tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, có biết đâu uẩn khúc của tôi từ thuở còn thơ dại.” Cuối thư ông than thở: “Về phần tôi, bố mẹ, anh chị em chí thân, bảy người chết vì giặc Pháp và phong kiến, năm 1946 tôi phải đi phát chẩn hơn 100 em chết đói và sốt rét định kỳ, phục vụ mấy vạn đồng bào bị nạn đói mà tôi không thực hiện được chí căm thù, xông ra tiền tuyến giết giặc để báo cái thù không đội trời chung, chịu sống loanh quanh ở hậu phương phụ trách một số em.”

Cái ý tưởng cao cả muốn làm một Garibandi coi nước Việt Nam là vợ là con, hy sinh cả bản thân, cái hoàn cảnh gia đình và cá nhân ấy thật là đáng thông cảm. Tất cả đều thánh thiện biết bao, lại được gửi lên vị lãnh tụ thiên tài, đại nhân đại đức, người từng tín nhiệm, ngỏ ý mời Thiều Chửu làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Song, thư có thấu tới trời xanh không mà ông lại phải làm một Nhạc Phi hy sinh ở Phong Ba Đình. Xưa kia, cụ nội Thiều Chửu là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý đã từng bị vương triều nhà Nguyễn vu hãm phải hạ quan giáng chức đi phục dịch cho phái đoàn đi sứ ở Trung Hoa. Cho nên Nguyễn Văn Lý tìm thấy ở Nhạc Phi một trái tim đồng điệu, xót thương cho vị anh hùng chống Kim lại bị vu hãm vào tội không cần có, đau đớn cho cái xã hội mà những kẻ như Tần Cối cắt đất cầu hoà với giặc phương Bắc lại làm Trạng nguyên Tể tướng mũ áo xênh xang. Vì thế trong tác phẩm Chí Am Đông Khê thi tập, Nguyễn Văn Lý để lại hai bài thơ “Đề Nhạc Vũ Mục vương miếu” (nhị luật) rất đặc sắc. Cháu nối tiếp cụ cũng viết về Nhạc Phi, trong hoàn cảnh Nhạc Phi, một sự nối tiếp và trùng hợp nhau đến mức lạ lùng, như có tiền định, như được dự cảm từ một tiểu Kính Tâm chứa chan huyết lệ.

Về hoàn cảnh cụ thể để trở thành nhà trước tác, nhà thơ: Cũng trong bức thư gửi lên Hồ Chủ Tịch, Thiều Chửu cho biết : Ông sinh ra trong hoàn cảnh nhà bấn bách. Cha khi chưa thi đỗ phải xa nhà tới làng Kim Lũ dạy học, kiếm sống thì mẹ bận đi làm đồng. Thiều Chửu mới sinh chưa đầy tháng đã phải lấy tã lót quấn chặt, đặt trên giường không ai trông nom. Bảy tuổi, Thiều Chửu đã phải tập gánh nước, nấu cơm, 8 tuổi ông đã ăn chay, sống trường trai ngày chỉ ăn một bữa, 14 tuổi đã phải ra tận Đồ Sơn kiếm sống... Chính vì vậy, Thiều Chửu chưa từng được cắp sách tới trường. Điều đó càng làm ông tranh thủ học những người thân cận và tăng cường việc tự học. Cha là một nhà Nho uyên bác, ảnh hưởng rất lớn đến Thiều Chửu. Nhưng cha ông bận hoạt động Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi lại phải đi đày nên không có thời gian kèm cặp con. May sống trong dòng họ nối đời học vấn, Thiều Chửu có thể học bác, học anh, học chị, nhất là được học từ bà nội. Bà nội là một cô Tú Hà Thành văn hay chữ tốt, mộ Phật đã truyền khẩu cho Thiều Chửu thuộc nhiều ca dao tục ngữ, văn vần của thủ đô, rèn cho ông thông suốt Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử và những bài kinh Phật sơ giản đầu tiên. Những lúc thư thả, Thiều Chửu lại tự nghiền ngẫm những bài thơ, những vế đối khi cha đỗ được bè bạn tặng mừng, kể cả những bài thơ, câu đối của cha, ở cái thuở Đông Tác còn mộng mơ hoang dã, có tác dụng nuôi dưỡng niềm cảm xúc, tăng thêm thi hứng, rèn bút pháp cho nhà thơ trẻ tuổi. Điều này thể hiện rất rõ ở đôi câu đối hiện còn treo ở nhà thờ cụ Cử Cầu (có thể rút ra từ một bài thơ) như :

“Việt nhân tằng ẩm thượng trì thuỷ

Nguyễn Lang phi thái Thai sơn hoa”

Nghĩa là :

“Người Việt từng uống nước thượng trì

Chàng Nguyễn không hái hoa Thiên Thai”

Nước thượng trì là nước tinh khiết, không rơi hoà vào nước ao, không rơi xuống đất, được hứng từ ngoài trời hay lấy từ những hạt sương lấp lánh đọng lại trên lá để làm thuốc. Nó tương tự với loại nước không rễ trong truyện Tây Du mà về sau Thiều Chửu sẽ dịch. Chàng Nguyễn ở đây có thể là Nguyễn Triện (cùng Lưu Thần) lạc vào Thiên Thai, nhưng chắc chắn hơn là chính cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu. Cụ cần chi hái hoa ở Thiên Thai bởi vì cõi trần Đông Tác tuy có vất vả nhưng được làm thuốc cứu người thì kém gì Thiên Thai! Một vùng ao biếc, cỏ cây xanh thắm kia (ứng với tên hiệu cụ Cử Cầu là Giản Thạch mà trong chữ Giản lại có bộ Thuỷ chỉ dòng suối) thơ mộng biết bao. Đó là một trong những cơ sở khơi nguồn cho loại thơ xúc cảnh sinh tình của Thiều Chửu về sau. Năm 1915, ở lứa tuổi 13, đi chợ Hà Đông về, rẽ vào làng Mọc nghỉ chân, thấy một khu vườn đẹp, Thiều Chửu vào xem thì ra đây là khu lăng mộ của một đại quan triều Nguyễn thời Pháp thuộc. Ngán ngẩm cho thói đời bon chen nịnh bợ, sống đã bất bình đẳng, đến lúc chết tiếp tục phân biệt: Người thì xây mộ lộng lẫy tốn kém của dân, còn người khác thì hương lạnh khói tàn, Thiều Chửu càng thấm thía câu của Khổng Tử trong Luận ngữ: “Thi khả dĩ oán”... mà theo Mao thi tập giải dẫn lời chú của Khổng An Quốc là “Oán thượng”: Thơ oán kẻ bề trên gây ra cảnh bất bình, lại một kiểu xúc cảnh sinh tình nữa, ông ngâm vang :

“Thanh thần điếu cửu nguyên

Chủng chủng u tình huyên

Thế thái cạnh phú quí

Nhân tình xu ngân tiên

Công cừu bái ngạch thượng

Nghĩa vụ phóng tâm biên

Tạm dịch :

Tinh mơ qua viếng cửu tuyền

U tình hồn phách náo huyên khắp vườn

Bất bình phú quí bon chen

Tình người dồn hết vào tiền vào tiên

Ngước nhìn biển ngạch bề trên

Nghĩa vụ canh cánh sao quên thù này.

Khi đang kiếm sống ở Đồ Sơn thì bà nội mất, Thiều Chửu về chịu tang. Gia đình mời sư tới tụng kinh. Sư bảo ông tụng bộ kinh Lương Hoàng. Ông cảm động xiết bao khi tụng tới đoạn Phật Thích Ca bỏ ngôi Thái tử đi tu khổ hạnh tìm đường cứu vớt chúng sinh. ý đồ đi sâu tìm hiểu đạo Phật của ông thật sự là từ đây. Vốn Hán học vững chãi từ gia đình và vốn tiếng Anh, Pháp, Nhật nhờ tự học, cùng niềm say mê với đức hy sinh ấy làm Thiều Chửu thuận lợi hơn người khác trong việc tìm hiểu, nâng cao những hiểu biết về Phật, cơ sở của thơ văn Thiền. Vậy biệt hiệu Tịnh Liễu (“Tịnh”: Trong sạch; “Liễu”: Hiểu biết) của ông có từ đây. Đặc biệt, đáng kể là những hiểu biết của ông thu được trong dịp kinh lịch, thoả niềm tráng chí bốn phương. Năm 1920, sau khi cha ra tù, Thiều Chửu xin phép cha mẹ đi nhiều nơi trong nước để tham thiền vấn đạo. Ông gặp Hoà thượng Thích Thanh Hanh ở chùa Vĩnh Nghiêm (Phủ Lạng Thương, Bắc Giang), Hoà thượng Thích Thanh Thuyên ở chùa Cồn (Hải Tân, Hải Hậu, Nam Định) và các Hoà thượng ở chùa Từ Đàm (Huế), chùa Thập Tháp (Bình Định). Nhưng nơi để lại nhiều ấn tượng nhất, tác động nhiều nhất tới thơ ca của Thiều Chửu là Yên Tử Sơn : Vùng thánh địa của Phật giáo Việt Nam với dòng thiền Trúc Lâm đầy chất bản địa dân tộc, được xây dựng trên một phức hệ chùa tháp nằm đủ bốn phương tám hướng với rừng tùng 700 năm, vườn thuốc, thác vàng thác bạc lịch sử và biết bao cảnh tượng nên thơ, kỳ thú khác ở cái tuổi xuân xanh 18 đầy chất mộng mơ. Lúc này đọc lại Trần Nhân Tông thi tập, đọc Đại hương hải ấn thi tập của Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất Tổ và đọc lại Ngọc Tiêu tập của Trúc Lâm đệ tam Tổ Huyền Quang, Thiều Chửu mới thật sự thấm thía. Nhất là đức hy sinh của nhà thơ Hoàng đế bỏ cả ngai vàng đi tu, càng làm ông xúc động. Đến đây ông mới càng rõ hơn về sức mạnh đặc biệt của thơ văn với đạo Thiền. Đúng như Lời “Tựa” bản dịch “Kinh A Di Đà” về sau ông đã viết: “Có áng văn hay mới khiến cho người ta ham đọc, có ham đọc mới biết con đường hay mà theo, cũng như cảnh chùa Yên Tử rất đẹp nhưng người chưa đi đến thì biết đâu là đẹp mà đi thăm”. Vì bài ca “Hành trình đi Yên Tử” của cụ Bạch Liên có những câu như:

“Anh em ai kẻ tu hành

Có vào Yên tử mới đành lòng tu”.

Mà bấy giờ mới có cái hứng thú đi xem cảnh Yên Tử, nhân đi xem rồi mới biết đến công đức về mầu đạo của Trúc Lâm tam Tổ, bấy giờ mới học kinh luật, nhờ kinh luật tới đạo Bồ đề, thì lúc ấy không cần phải đọc bài Hành trình đi Yên Tử nữa. Thế chả phải là nhờ có văn chương mới tỏ được đạo là gì?

Cho nên, Thiều Chửu đưa thi văn vào các tác phẩm Phật học. Trước tiên ông dùng thi văn vào dịch thuật bắt đầu từ năm 26 tuổi, nhưng cần tích luỹ, rèn luyện nên phải đến năm 1932-1933 ở tuổi khoảng 30-31 Thiều Chửu mới dịch xong Khoá Hư Lục của vua Trần Thái Tông, một kiệt tác Phật học đầu đời Trần, để sau đó khoảng năm 1939 ông công bố nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, do ông quản lý. Trong phần “Thể lệ dịch kinh”, Thiều Chửu cho là: “Trong các kho sách Phật nước nhà, có lẽ Bộ này hoàn toàn đặc sắc hơn cả, cho nên dịch giả kêu là Kinh Khoá hư có lẽ hay hơn”. “Mấy lời cảm kích sau khi dịch hết bộ Khoá hư”, ông coi đó là “của quý”, không “đành tâm” dấu kín, muốn như người xưa “chịu đủ nỗi khổ” để cho viên ngọc Biện Hoà được sáng tỏ giữa đời, nên mong “các bậc tài cao học rộng đem tài nhả ngọc phun châu ra mà trau chuốt lại” để “bạch bích vô hà”. Sự thật hợp với biệt hiệu Lạc Khổ, ông đã làm được việc đó để đem lại trước mắt chúng ta một áng văn dù là dịch thuật vẫn toàn bích, khó tìm ra tỳ vết, đầy chất thơ.

Khoá hư ra đời cách đây bảy thế kỷ, bàn góp, lý luận theo tư duy lô gic nhưng không khô khan vì tác phẩm hay dùng từ gợi hình gợi cảm, đem lại chất cảm hứng, phù hợp với đối xứng, đặc thù của biền ngẫu và thi ca, những thể loại rất cần ngữ điệu và cảm xúc. Chẳng hạn: bài “Phổ thuyết sắc thân” trong tác phẩm là một đề tài có tính triết học rõ rệt mà vẫn hiện lên những dòng sống động, đầy sức truyền cảm: "Cầu cạnh đầu ruồi tai ếch, cam tâm danh lợi buộc ràng, ban ngày hết sức cầu may, buổi tối hoá ra tưởng mộng. Chứa chất bốn nghiệp như giếng, biết đâu mái tóc tựa sương, một mai mắc bệnh nặng nề, trăm năm đều về mộng lớn, tim gan đau xót tựa nỗi oán thù, da thịt hao mòn khác chi ma đói... ”.

Lại thêm những bài kệ có ý nghĩa, mang chất thơ điểm xuyết vào làm tác phẩm đã sống động càng sống động. Như bài “Kệ hiến hoa”:

“Tâm địa khai thời hoa lạn mạn,

Chư thiên vũ xứ nhượng phân phương

Chi chi đoá đoá hoa Phật tiến

Ức kiếp nghiệp phong xuy bất lạc”.

Thiều Chửu chọn thể thơ lục bát, một thể thơ dân tộc quen thuộc để dịch thành những vần thơ thanh thoát như :

“Hoa tâm nở mầu tốt tươi

Mùi thơm sực nức hoa trời kém xa

Trước Phật xin dâng đoá hoa

Muôn thu gió nghiệp tha hồ chẳng lay”

Làm bản dịch càng hấp dẫn, tưởng đó không phải là văn dịch.

Cùng với dịch nguyên văn bằng thơ, Thiều Chửu còn tóm lược đại ý các phần trong bản dịch bằng thơ. Như ở phần “Nêu tỏ cái hạnh trong kinh Địa Tạng, ông viết : Theo lệ dịch kinh sách, thường có mấy lời nói đầu, để cho độc giả hiểu qua đại ý trong kinh sách... như kinh Địa Tạng, chúng tôi xin đem hai câu trong truyện Nam Hải :

“Hiếu là độ được song thân,

Nhân là vượt khỏi trầm luân muôn loài”.

Không cứ ở bản dịch mà ở ngay những tác phẩm lý luận, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu khoa học khác, Thiều Chửu cũng vận dụng thơ ca. Như ở tác phẩm Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX in năm 1952, ngay ở bài Tấm gương vô giá viết thay lời Tựa, ông đã dùng thể văn vần, câu dài ngắn không hạn, khá tự do, bắt vần ở cuối câu như:

“Kỳ diệu thay,

Đức Thế tôn !

Ngài là đấng đã tu chứng tới bậc cùng cực cao sâu!

Như nước trong, trong suốt một bầu....

Hoàn toàn công đức chẳng sóng sánh đi đâu một chút nào?

Chẳng còn có cái tướng vị chưng gió thổi mà dạt dào!

Cũng chẳng có cái hình ảnh chi tỏ lộ ra, là có động tĩnh với ra vào !

Ôi ! trần ai, ai đã thấy ai nào! ”

Hoặc những bài thơ như “Thiền quán” (từ đầu đến cuối bắt chung vào một vần “Ong”, “Ông”) được sáng tác Con đường học Phật ở thế kỷ XX. Cũng ở tác phẩm này, những vần thơ ở Kinh Thi, tác phẩm dân gian thời cổ đại Trung Hoa được dịch lại bằng thơ lục bát nước ta như:

“Biết ta bảo ta lo âu,

Chẳng biết ta bảo ta cầu chi đây !

Trời xanh man mác ai hay

Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia”.

đúng như Hồ Anh Hải đã viết: “Vần thơ lục bát cùng hai từ man mác và dằng dặc như một cung Thứ (minor) trong âm nhạc làm cho bài thơ rung lên một âm hưởng lâng lâng đượm nỗi buồn cô đơn, khiến người đọc dễ cảm thông với tâm tư của tác giả. Tư duy của nhà hiền triết Nho học kết hợp với tâm hồn của nhà thơ - Phật học đã làm nên sự kỳ diệu đó. ” Nó cũng phù hợp với tác giả khi ông viết ở cuối tác phẩm: “Khóc thương và rơi máu”, như sự tiên tri về bi kịch hai năm sắp tới.

Rõ ràng từ dịch thuật tới lý luận nghiên cứu, Thiều Chửu sính dùng thơ ca với mong ước mà ông đã viết trong “Mấy lời giãi bầy”.

Tính thành thắp nén tâm hương,

Vâng đem phép Phật diễn sang văn vần.

Mong rằng khắp cả cõi trần,

Cùng lo sám hối, cùng lo lễ cầu.

Vô minh quyét sạch lầu lầu,

Nhân từ hiếu thuận niệm đầu chân như.

Lợi mình lại lợi người ta,

Công hành viên mãn lên toà sen ngay.

Mong ước đó có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mong ước của Thiều Chửu bao giờ cứ vẫn là mong ước chân chính cao cả, dù là :"Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia”. Ở các tác phẩm đó dù để diễn tả các vấn đề mang tính giáo huấn, dùng tư duy lô gic, Thiều Chửu vẫn hay dùng thơ trữ tình. Còn ở các tác phẩm truyện ký, có cốt truyện, có nhân vật, ông hay sử dụng thể thơ tự sự, dùng tư duy hình tượng, để nhân vật tự nói lên. Nó thể hiện rõ nhất ở các tác phẩm như Sự tích Phật Tổ diễn ca. Gọi là diễn nhưng trong đó cũng tỏ rõ công sáng tác của Thiều Chửu, nổi lên hình tượng có những nét sinh động của nhân vật từ thơ ca. Còn ở các truyện ký là dịch thuật khác như Tây Du ký, Tây Vực ký, Thiền uyển tập anh... trong đó, thơ chỉ là một phần nhỏ, phụ trợ vào cho văn nhưng thơ khác nào dù chỉ là một vài viên ngọc điểm vào cũng đủ góp cho lâu đài với cốt truyện và tự sự thêm lung linh cùng cái “Tôi” của dịch giả như sen tươi lan ngát hoà đồng vào.

Song phải đến giai đoạn Kháng chiến chống Pháp mới là thời hào hùng nhất mà cũng bi tráng nhất trong mấy chục năm cầm bút của Thiều Chửu. Đây cũng là giai đoạn bộc lộ rõ nhất thi tài của cư sĩ.

Ở đầu thế kỷ XX đã phất lên ngọn cờ Duy tân Đông du tiên phong của Phan Bội Châu, có chú ý nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí qua trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng mà cụ Cử Cầu, cha Thiều Chửu có góp phần. Bài thơ :

“Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh Độc lập ở chùa Duy tân”

đã rất phổ biến lúc ấy. Qua cha, hẳn từ lâu Thiều Chửu đã thông thuộc. Ông phát triển tư tưởng “Tụng kinh độc lập ở chùa Duy tân”  một kiểu tu hành mới vào hoàn cảnh Kháng chiến chống Pháp mới này. Trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi, giúp dân xoá nạn mù chữ, nâng cao trí thức, thể hiện qua cuộc sống ở trại Tế độ (Hà Nội - Phúc Yên - Thái Nguyên). Cho nên, ở bài “Vô đề” ông nhắc lại hai câu thơ này. Kháng chiến toàn dân, toàn diện và gian khổ là một sự thử thách với cả nước mà người tu hành không thể đứng ngoài cuộc, nên đại từ bi phải gắn liền với đại hùng, đại lực. Vậy Thiều Chửu ra sức làm những bài thơ giáo huấn, phê phán những hiện tượng vô minh ngay trong giới gọi là ăn chay niệm Phật. Để cho sự phê phán có thêm sức mạnh và hiệu lực, có thể phê phán với nhiều kiểu dạng, hoàn cảnh khác nhau, ông linh hoạt biến hoá không đóng khung trong một thể thơ nhất định nào. Trong ba bài thơ “Cảm tác” phê phán các sư đánh bạc, phá giới, bỏ về vùng địch tạm chiếm, tham, sân, si đục khoét của dân thì có hai bài ông làm theo thể lục bát (một bài bốn câu và một bài dài), một bài mở đầu là thơ bốn chữ, phần sau là thơ độc vận vần bằng, câu dài ngắn số chữ trong câu không hạn, chỉ có tám câu. Như bài :

“Nửa ghét nửa thương,

Như mừng như tủi

Khuyên ai ai biếng quay đầu

Miên man xa cách trần khách bấy nhiêu lâu.

Bốn phương vô minh che tối

Biết cùng ai lo tỏ đạo cao sâu

Trần trọc suốt canh thâu toan tính

Gươm trí tuệ mài mau! ”

Nhưng bài thơ “Gửi các Tăng già trong vùng địch tạm chiếm” khoảng năm 1951 - 1952 lại là bài thơ ngũ ngôn độc vận vần trí dài hơn :

“Nhớ tổ Bách Trượng xưa,

Thật thánh thần lao động

Một ngày chẳng làm chi

Một ngày cam trống bụng

Chúng ta là hạng nào?

Mà không biết tự trọng.

Cũng len nhũn lụa mềm,

Cũng chè xuân thuốc cống...

Cũng xuống ngựa lên xe

Cũng tiền rương thóc đống

Ngũ dục thả cửa chơi

Ngũ cái tha hồ hổng

Hỏi nguồn ở đâu ra?

Đục vào lưng quần chúng...”.

Còn bài thơ “Nhắn một Tăng ni trong đoàn bỏ về vùng địch tạm chiếm” lại từ cái than thở nhẹ nhàng sâu sắc trong thể thơ lục bát chuyển sang sự nhắn nhủ, khuyến khích, khẳng định trong thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường, tình cảm nào, thể luật ấy như ngàm đố, như khuôn mẫu, ăn khớp nhau. Dẫu phải kháng chiến, phê phán những xấu xa nhưng phê phán là để đi dến hoà hợp, thống nhất dân tộc mà sáu điều hoà hợp trong giới Tăng già (gọi là “Lục hoà”) góp phần rất quan trọng vào đấy. Sự hoà hợp trong các thể loại thơ ca này cũng là ăn khớp với “Lục hoà” góp vào đó.

Thiều Chửu còn làm những bài Phật ca như bài “Phật ca”, “Khuyên tu” bằng thơ lục bát; bài “Nhớ ơn Phật Tổ”, “Nhắn người tu” bằng thơ thất ngôn bát cú luật Đường ... Đây thường là những bài thơ tuyên truyền giáo lý nhà Phật, tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp, hay bài kinh tương đương với các bài “Kệ” rất phổ biến trong các nhà chùa thời xưa. Lục bát là một thể thơ dân tộc cổ truyền, thất ngôn bát cú luật Đường cũng vậy. Loại thơ Đường tiếng Việt này tuy tiếp thu từ Đường luật phương Bắc nhưng tiếp thu theo cách của Việt Nam, từ lâu đã rất quen thuộc với con người Việt Nam. Thiều Chửu vận dụng các thể thơ này, bài thơ lại viết ngắn nên người Việt Nam dễ thuộc dễ nhớ. Các nhà thơ Phật giáo trước kia viết Kệ (hoặc đọc Kệ truyền miệng để truyền tâm cho học trò thường là rất sâu sắc) phần nhiều hay dùng thơ cổ luật, việc Thiều Chửu dùng thơ lục bát là một điều đáng chú ý. Có những câu lục bát của ông có chỗ dễ dãi nhưng đọc lên nghe như ca dao, như câu:

“Dù ai nói ngược nói xuôi,

Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng”  

nó có những nét tương tự kiểu câu:

“Dù ai nói ngả nói nghiêng,

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”

Mà sau này, hết Kháng chiến chống Pháp, bắt đầu chuyển sang hoà bình, nhà thơ Tố Hữu đã vận dụng vào để sáng tác bài thơ “Ta đi tới”. Cùng với Phật ca lục bát hoặc làm theo luật Đường, Thiều Chửu còn sáng tác loại Phật ca phổ nhạc dùng cho Phật tử hát trong nhà chùa viết bằng thể thơ tự do không hạn chữ trong câu, không hạn số câu để dễ dàng hơn trong việc bày tỏ chí khí, tình cảm và người hát có thể nhanh chóng hát theo (thể hiện ở các bài: “Chân tu”, “lấp biển trầm luân”, “Thương thay nhân loại”) những ưu điểm đó làm cho các bài Phật ca ấy đã được phổ biến khá sâu rộng trong giới Phật tử từ Hà Nội đến các tỉnh Phúc Yên, Thái Nguyên (gồm cả vùng tự do đến vùng địch tạm chiếm) và đến nay vẫn còn những người thuộc lòng truyền lại. Cùng với Phật ca, còn có loại thơ như kinh Nhật tụng. Đáng chú ý từ năm 1935 Thiều Chửu đã viết Khoá tụng hàng ngày, mà ở thời kháng chiến này không chỉ thiên lệch đọc mỗi một kinh Phật ngày ngày, ông còn độc đáo có thơ như kinh đọc lên trước mỗi bữa ăn, tâm tâm, niệm niệm, xúc động nhắc lại công lao của người sản xuất ra thóc gạo :

“Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Tháng mười cho chí tháng năm,

Nắng mưa trải mấy mươi lần xông pha.

Kém công tự giác giác tha

Càng ăn càng nợ người ta đời đời!”

Hẳn chỉ có ở hoàn cảnh đặc biệt như Thiều Chửu mới viết ra được những câu thấm thía, xúc động như thế này. Bởi có mấy bậc cư sĩ đại trí tuệ như Thiều Chửu mới 12 tuổi đã phải tập cày bừa. Ông quên làm sao thuở ấy, bò nhà mình chết, mà mình vẫn phải đi bừa. Và chua xót thay! Dẫu mẹ mình, một bà Cử (vợ ông cử nhân) và chị ruột mình vẫn phải thay bò kéo bừa phía trước. Có những khi lụt lội cuốn trôi hết cả vườn lẫn đồng thì công lao sản xuất tự kéo bừa kia cũng trôi theo dòng nước. Ông nhớ không nguôi những năm 1936, 1937 mình đã cùng cụ Cả Mọc và các ông Hoàng Đạo Thuý, Trần Duy Hưng... lặn lội suốt ba tháng để cứu đói cho đồng bào Bắc Ninh, Bắc Giang bị vỡ đê và cứu nạn đói khủng khiếp năm 1945... Cho nên mỗi dòng thơ đó dù ở thời kỳ kháng chiến đều chứa đựng những hồi ức sâu đậm như thế. Trong đấy hai câu đầu:

“Ai ơi bừng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

vốn xuất phát từ bốn câu ca dao truyền miệng của nông dân Việt Nam :

“Cầy đồng đương buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cầy.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”

Lý Thân đời Đường ở Trung Hoa cũng có bài Ca hành nghĩa na ná như thế viết bằng thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:

“Sừ hoà nhật đương Ngọ

Hãn trích hoà hạ thổ

Thuỳ niệm bàn trung san

Lạp lạp giai tân khổ”

Thiều Chửu một người bác Phật thông Nho, làm thơ Đường từ thuở ấu thơ hẳn phải biết tới Lý Thân, thông thuộc bài Ca hành của Lý trước khi viết bài thơ tiếng Việt. Nhà thơ Lý Thân khi làm Quan Sát sứ ở Triết Đông đã có công chuyển năm vạn hộc lương của Triết Đông ra cứu đói cho nhân dân Triết Tây, thế mà vẫn bị kẻ gian vu cáo, hãm hại. Bọn quyền chức không ưa nhưng dân yêu mến, thấm thía từng hạt gạo cứu đói của ông. Cho nên bài Ca hành tuy là sáng tác cá nhân đã thành tài sản chung của nông dân Trung Hoa, người ta thuộc nó như thuộc kinh nhật tụng. Chứng tỏ nhân dân lao động hai nước có hoàn cảnh giống nhau thì thơ ca cũng giống nhau và các tài năng chân chính ở mọi thời đại, mọi đất nước hay gặp nhau, các trái tim thi ca đồng nhịp phải hội ngộ.

Trong quá trình hội ngộ, giao tiếp với các sư sãi, ở vùng tự do, thỉnh thoảng Thiều Chửu cũng xướng hoạ thơ ca với các sư. Sư ông Quảng Quang là một người sôi nổi, mạnh mẽ, coi việc tu hành gánh vác cơ đồ Như Lai cũng như việc Hạng Võ đem binh cứu Cự Lộc, khi qua sông, đem hết quân lên bờ thì dìm hết thuyền, đập vỡ hết nồi để quân không mong trở về, biểu thị liều đánh đến chết. Quảng Quang viết :

“Mấy thu phá phủ trầm chu

Ghé vai gánh vác cơ đồ Như Lai”

Ông kiên quyết theo Phật đến cùng là như thế nhưng rồi lại kiên quyết bỏ áo cà sa theo binh nghiệp để về hưu với cấp hàm Đại tá, có xướng ra một bài thơ Đường thật đúng với tính cách của mình :

“Chặt xích băng gông, phá ngục tù

Chém phăng trần luỵ, quyết lòng tu

Tuốt gươm Bát nhã, xua Tam độc

Vung đuốc Chân như, thấu cửu u

Thức tỉnh mộng trần, hòi mõ dục

Thiên hồn khách túc, tiếng chuông bu

Tháng ngày phúc trí chăm vun sới

Kết quả Bồ đề mấy vạn thu”.

Nhưng làm sao sư ông có thể bỏ bể khổ, không đồng cam cộng khổ với chúng sinh? Trong cuộc sống còn đầy mâu thuẫn phức tạp liệu có thể “chém phăng trần luỵ” ngay không? Thiều Chửu không tán thành sự suy nghĩ bồng bột ấy, trong bài hoạ, ông khéo bác bỏ từng ý, căn cứ vào sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về Phật giáo hiện thời của mình:

“Ai xích ai gông, rước lấy tù

Khuếch nhiên vô thánh, nói chi tu

Tính hằng thanh tịnh, đâu còn độc

Thể vốn thường minh, chẳng phải u

Mõ biết tuỳ duyên, sao lại đục

Chuông không phát chấp, cái gì bu

Không gian năng bạch, thời gian diệt

Xuân cũng danh ngôn xá kể chi!”

Bài thơ hoạ theo đúng nguyên vận nhưng ở chữ cuối của câu cuối lại phá thể. Cũng như thơ Lý Bạch đời Đường (gọi là thi tiên phóng khoáng) nên có khi vượt khỏi công thức, thơ Thiều Chửu để giữ cho câu thơ tự nhiên, theo đúng phong cách của tác giả nên có trường hợp như câu cuối bài này. Đó chưa hẳn là gót chân A Sin của nhà thơ. Loại thơ xướng hoạ này khá phổ biến ở người xưa, đến ngày nay vẫn còn ưa dùng ở một số người làm thơ cao tuổi, nhất là khi lại tiếp tục làm thơ Đường luật. Song loại thơ đó chưa thấy nhiều trong di sản thơ ca của Thiều Chửu.

Song đáng chú ý nhất là chùm thơ viết về tình cảm riêng tư của Thiều Chửu. Lúc thì ông bầy tỏ niềm nhớ thương với ông Tán (người cùng với mình dạy học trong đoàn trẻ Tế sinh khi nghe tin ông trúng bom chết) đến mức :

“Nhớ cảnh Hương Phong hồn lẩn thẩn

Trong vời Bắc Cạn lệ tuôn rơi”

Khi thì ông có thơ tặng học trò thân thiết mà ông quí như con là Ni sư Thích Đàm ánh nhân ngày sinh nhật thứ 19 của con. Đây là bài thơ song thất lục bát rất cảm động. Vừa là lời người cha, người thầy khuyên nhủ với niềm tin tưởng :

“Này Đàm Ánh tuổi con 19

Bút khuyên con phải chịu phải nhường

Số ngày giời Phật chứng thương

Nữa mai sáng láng biết đường lập thân”.

Vừa là sự dặn dò nhận xét truyền thụ kinh nghiệm, giáo lý, trong đó có ý tiên tri của một Pháp chủ thông tuệ :

“Biết nghĩa cả đền ân tử tế

Ngoài 45 phong thể dần dần

Những nay nhiều lúc giận thân

Cho nên con cũng nhiều lần vô tâm

Nghĩa là tu phải chăm từng tý

Theo luật chung bố thí đừng quên

Lúc nào cũng có bề trên

Kính nhường ân ái bốn bên cho hoà

Con biết chữ xuất gia đầu Phật

Phải ghi lòng tuế nhật kiên tâm

Nữa mai phúc quả trùng lâm...” .

Hẳn Ni sư Đàm ánh chiêm nghiệm trong đời mình đến nay vẫn còn thấm thía.Nhưng cụ thể hơn cả, ghi lại tình cảm sâu đậm nhất là tình cảm gia đình của Thiều Chửu. Năm 1948, Thiều Chửu dẫn đoàn trẻ Tế sinh tản cư ở Phúc Yên, rồi Thái Nguyên. Mẹ già ông 72 tuổi đau ốm luôn, đang cùng em gái và gia đình em trai tản cư về Yên Mỹ, Sơn Tây. Rồi em dâu ông ốm chết để lại một đàn con thơ, em gái ông mất tích trong một trận giặc càn ở Sơn Tây. Cũng như bài thơ tặng ni sư Đàm Ánh, ở đây Thiều Chửu tiếp tục dùng thể thơ song thất lục bát, một thể thơ tình cảm sâu sắc (mà xưa kia tiền nhân hay dùng trong các khúc ngâm) để bày tỏ nỗi lòng của mình với người thân bằng ngòi bút tả thực, như bài “Nhớ nhà”, ông viết những dòng xúc động :

“Đất Yên Mỹ quê nhà thổn thức

Mượn bút nghiên tả thực tấm lòng

Mẹ già khuya sớm trông mong

Em thơ nhà túng, lâm chung cảnh sầu

Con nhẹ bước dãi dầu mưa nắng

Miếng tân toan quyết chẳng nhường ai”.

Truyện Kiều có câu thơ nhớ cha mẹ của nàng Kiều:

“Cách năm mây bạc xa xa,

Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn

đã vận dụng điển tích Trung Hoa: Địch Nhân Kiệt đời nhà Đường khi làm Tham quân ở Tinh Châu thì cha mẹ sống ở Hà dương. Một hôm, Nhân kiệt lên núi Thái Hàng nhìn xa xa thấy một đám mây trắng liền bảo với tả hữu : Nhà ta (Bố mẹ) ở dưới đám mây ấy. Về sau thơ ca nói về nhớ quê hương, cha mẹ hay dùng điển này. Trong bài Hoài cảm của Thiều Chửu thì núi Tản Viên (đất Sơn Tây vùng Yên Mỹ) nơi mẹ ông và gia đình tản cư, chính là núi Thái Hàng tương tự của Địch Nhân Kiệt mà hàng ngày say sưa với câu thơ của Tản Đà : “Đỉnh non Tản mây trời man mác”, ông đã nhìn thấy từ thân của mình trong câu thơ gợi hình gợi cảm của mình:

“Tản Viên khuất néo xa xa,

Từ thân ta đó là nhà phải không” ?

Thiều Chửu không lập gia đình riêng vì có những uẩn khúc riêng như trên đã nói nhưng bên cạnh tấm lòng Thích Ca đại từ đại bi, ông còn có trái tim đa sầu đa cảm của một người rất người. Chỉ cần ăn một nắm cơm dưới gốc cây mà trái tim ấy đã xốn xang bao điều, nghĩ đến gia đình mà thành thơ :

“Chia tay đi khắp phương trời

Tuyệt vô âm tín ngùi ngùi lòng thương

Một đàn cháu bé dở dang

Cậy ai nâng đỡ cưu mang qua ngày

Những đứa cháu dở dang sau khi mẹ: Em dâu chào bác thở hơi cuối cùng. Cho nên Thiều Chửu không cầm được nước mắt :

"Thương cháu hàng lệ ròng ròng,

Thương mẹ muôn nỗi đau lòng vì con.

Thương em tê tái lòng son,

Mẹ già con bé lo tròn làm sa”?

Nhưng ông đặt niềm thương xót đó trong nỗi thương xót của toàn dân tộc :

“Bốn phương dồn dập ba đào,

Non sông tàn phá đồng bào sót xa

Xung phong ai cũng phải ra,

Dân là dân nước, nước là nước dân.

Hy sinh trông tấm gương gần,

Nhà là cái vật chi cần phải lo,

Long lanh mặt nước Tây Hồ. ”

Bởi có nỗi đau nào của riêng ai. Cả nước trong cuộc Kháng chiến chống Pháp toàn dân toàn diện thì có biết bao số phận không may trong bể khổ chung của nhân loại. Bằng trái tim đa cảm, ông liên hệ quá khứ với những mất mát hy sinh hiện tại, nhắc lại danh ngôn của hai nhà yêu nước ở cái thuở oanh liệt đầu thế kỷ XX, gắn với người cha kính mến, đầy tự hào của mình. Thiều Chửu cảm động xiết bao khi nghĩ tới dịch giả Lê Đại cùng với cha mình đều làm trong Ban Tu thư của Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng bị đày ra Côn Đảo, cùng có thơ trong Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, có nhà ở làng Thịnh Hào gần với làng Đông Tác nhà mình. Hai người bạn chí thân đó thường đi lại trao đổi. Lê Đại đã đọc bản mình dịch bằng thơ song thất lục bát từ nguyên bản Hải ngoại huyết thư (lá thư bằng máu từ nước ngoài gửi về) cho bạn nghe. Vậy Thiều Chửu hầu trà nước cho khách của cha mà có dịp được biết. Từ đấy, kiệt tác của Phan Bội Châu, nhà yêu nước lớn nhất đầu thế kỷ được ông nghiền ngẫm mãi tới mức thuộc lòng từng câu, nhất là những câu làm ông nhớ mãi :

“Người dân ta, của dân ta,

Dân là dân nước, nước là nước dân”

để giờ đây khi ngồi ăn cơm dưới gốc cây, ông lại có dịp liên hệ đưa vào bài thơ của mình câu: “dân là dân nước, nước là nước dân”. Bởi: “thương cháu, thương mẹ thương em….”.

Những điệp khúc thương của bài thơ này cũng chỉ nằm trong nỗi thương của nước. Dù nó hoà tan vào đấy, vẫn đau đáu trong tim mình, canh cánh bên lòng mình nhưng nó đã trở thành một bộ phận của dân của nước. Câu thơ “dân nước nước dân” đó cũng ăn khớp với câu nói nổi tiếng của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh. Khi con trai của cụ Tây Hồ mất, người nhà gửi thư sang báo tin, cụ không đọc thư và nói: “ta có biết nhà là cái vật chi”. Bởi nước nhà là một, nỗi đau nào cũng là nỗi đau, làm cho thơ của Thiều Chửu mãi “Long lanh mặt nước Tây Hồ”.

Thiều Chửu có người em trai là Nguyễn Xuân Nghiêm (sinh năm 1910), sau cách mạng tháng Tám làm phó chủ tịch Uỷ ban xã, rồi được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến huyện Đông Anh. Sau vì mẹ ốm, vợ chết nên ông Nghiêm bỏ việc về trông nom mẹ già và 5 con nhỏ ở nơi tản cư. Thiều Chửu liền viết một bài thơ khuyên em về hoạt động với cách mạng. Ông cho rằng: Hoàn cảnh của em là do:

“Lão trời thực khéo chơi khăm

Thử xem cái chí cái tâm nhường nào”

“Khuyên em càng cố gắng công

Như vàng càng dọt càng nung càng già”

như Kinh Dịch đã viết: Cùng Tắc Biến, Biến tắc Thông. Con người càng ở vào cảnh cùng thì chất vàng cuộc đời tôi luyện càng rực rỡ. Cảnh cùng của em đã làm cho Thiều Chửu có bài thơ hay như thế, hợp với câu nói của Âu Dương Tu hay Ngô Thì Vị ở trên.

Đáng chú ý là: Thơ của giới sư sãi Việt Nam dù là quan hệ đến tình cảm, nhưng số người có những bài thơ tình gia đình một cách cụ thể, chi tiết như Thiều Chửu không nhiều. Cứ xem thơ Lý Trần, buổi thịnh thời nhất của các thơ thiền đầy sức sống bản địa Việt Nam thì sẽ thấy: Những người viết thơ tình tới mức nhuần nhuyễn, hấp dẫn như Huyền Quang và bay bướm như Viên Chiếu Thiền sư tìm lại đã thấy rất hiếm. Nhưng các bài thơ dù là hấp dẫn bay bướm ấy của các vị cũng khó cụ thể, chi tiết. Cứ xem một bài thơ tả người đẹp ngồi thêu rất nổi tiếng của Huyền Quang:

“Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng li

Khả liên vô hạn thương xuân ý

Tận Tại đình châm bất ngữ thì”

(Cô em đôi tám ngồi thêu,

Tử Kinh hoa nở oanh kêu rộn ràng,

Tiếc thay xuân ý mơ màng

Khi nàng dừng mũi kim vàng lặng im)

Bài thơ tình tứ lắm, hay lắm, nhưng hỏi rằng cô em trẻ đẹp kia quan hệ thế nào với Huyền Quang, là nhân vật cụ thể ra sao thì có trời mới biết được. Về điểm này thì cả một khối tình thơ, gia đình thơ cụ thể chi tiết của Thiều Chửu là một cống hiến đáng kể.

Chế Lan Viên, Nhà thơ hiện đại nổi tiếng, trong tập thơ ánh sáng và Phù sa, đã viết: “Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình”.

Thơ Thiều Chửu đã thực sự vượt lên mình để gắn với dân tộc, với thời đại, Nhưng thơ ông không hoà tan vào đấy, mà vẫn liên hệ với cái tôi trữ tình của bản thân, có quan hệ thật sâu nặng với gia đình, dòng họ. Bởi thơ ông là thơ thiền mà nhập thế quá sâu sắc. Chế Lan Viên viết:

“Nhà bác học có ngờ đâu

ở bên đường hiện thực

Anh lại tìm ra mơ

Sực nhớ giấc mộng xưa kia muốn làm thi sĩ”.

Thiều Chửu trước tiên vẫn là một học giả, một nhà thiền học uyên bác, có tâm lớn ở thế kỉ XX. Thơ cũng chỉ là một sự bột phát trong quá trình ông nhập thế phục vụ cuộc đời, khảo cứu, tìm hiểu Phật học. Vậy mà thơ của ông dù là định hay không định làm, cứ xuất khẩu là thành chương, viết là thành, tự nhiên mà hay đến thế, kể cả những tác phẩm khảo cứu khoa học cũng có thơ, bên những bài thơ chuyên là thơ. Vậy nên đi vào cả một kho trước tác thư tịch của ông ta đã thấy "Cả một trời thơ".

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 62
    • Số lượt truy cập : 6951885