Thông tin

CƯ SĨ THIỀU CHỬU VỚI NỀN GIÁO DỤC BÌNH DÂN

 

NGƯT. VŨ THẾ KHÔI

 

Trong danh mục tác phẩm (xem sưu tập: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, do chi Đông Trì thuộc dòng họ Nguyễn Đông Tác thực hiện, Hà Nội 10.2001, tr 51) mà cư sĩ Thiều Chửu để lại, bên cạnh những công trình lớn nổi tiếng như các bộ kinh Phật (dịch), Hán Việt tự điển (biên soạn) ... chúng tôi chú ý mấy cuốn sách nhỏ, ngày nay ít được nhắc tới. Đó là:

Cách trí phổ thông, Hoà Ký xuất bản năm 1934;

Đạo đức phổ thông, Hoà Ký xuất bản 1934;

Lịch sử phổ thông, Hoà Ký xuất bản 1935.

Ngoài ra, tại hộp phích Thư viện Quốc gia trung ương, ở mục Thiều Chửu chúng tôi còn thấy một vài cuốn khác, xét theo tên thì có lẽ cùng loại, nhưng chưa được liệt kê trong Danh mục, như:

Phép nuôi con, ký hiệu P8920 (16); tên soạn giả đề: Nguyễn Hữu Kha, dit Tịnh Liễu do Long Quang ở Hà Nội xuát bản năm 1926, khi tác giả mới 24 tuổi (trong Danh mục, tác phẩm có niên đại sớm nhất là 1930);

Giới sát sinh, ký hiệu M8941, Hoà Ký xuất bản năm 1935;

Tấm lòng Từ mẫn, ký hiệu P21421, Thiều Chửu, Đuốc Tuệ xuất bản năm 1940.

Rất tiếc rằng, khi viết các phiếu yêu cầu, thì chỉ tìm được cuốn Đạo đức phổ thông, ký hiệu P23746. Các catalô của Thư viện KHXH trung ương và Thư viện Hà Nội hoàn toàn không có đề mục Thiều Chửu.

Tuy nhiên, cuốn sách loại nhỏ này, còn lại độc nhất ở Thư viện Quốc gia trung ương, cũng cho thấy cái tâm lớn của cư sĩ Thiều Chửu và cung cấp đôi điều rất có ý nghĩa về cuộc đời và sự nghiệp của cụ.

Trước hết xin giới thiệu qua về cuốn sách Đạo đức phổ thông, ấn phẩm này vừa đúng một tay sách 32 trang, giấy bản cũ đã bắt đầu giòn và rách nên Thư viện không cho phép photocopy. Trang bìa trình bày như sau:

Sách tập đọc quốc ngữ

Đạo Đức Phổ Thông

(tranh minh hoạ: một cậu học trò nhỏ mặc áo dài trắng cắp sách đến trường; trên đường, một phụ nữ quần thâm áo dài, đầu đội nón quai thao, gánh hàng đi chợ; dưới ruộng, hai nông phu đang cuốc đập đất)

1943

in tại nhà in Đuốc Tuệ

73, phố Richaud,73

Hà Nội

Thiện tín Kính tống

Mặt sau của trang bìa in “Mấy lời nói đầu” của chính người làm sách, nguyên văn như sau (những chữ gạch chân do chúng tôi muốn nhấn mạnh, - VTK): “Nay tràng hương học đã mở khắp toàn kỳ, số người biết chữ cũng đã tiến nhiều. Biết chữ tất phải có sách đọc. Sách giáo khoa của Chính phủ và sách Hội Truyền bá Quốc ngữ cũng đã nhiều lắm. Nhưng thiết nghĩ ở xã hội ta thì sách tập đọc càng nhiều càng hay. Vì thế nên thiện tín chúng tôi thâu nhặt các bài phong dao tục ngữ, các bài văn khuyên giới của các Hiền nhân Quân tử cổ kim, chia ra từng mục, cho tiện những người mới học dễ đọc, dễ hiểu và góp kẻ nhiều người ít, in ra một số nhiều để cống hiến các người mới tập đọc”.

Sách này tặng không và không giữ bản quyền, mong rằng các bậc hiếu Thiện phát tâm in thêm cho nhiều, lại mong các bậc tác giả các bài mà chúng tôi đã thâu nhặt vào trong quyển sách này cũng hoan hỉ cả cho, thực là công đức vô lượng.

Thiều Chửu cẩn chí.

Thật khiêm tốn, kiệm lời! Mà cũng thật sâu sắc, đầy đủ: cả lý do biên soạn và đối tượng phục vụ, cả mục đích giáo dục và phương thức làm sách.

Mặt trong của bìa sau có lời kính cáo của soạn giả cho biết loại sách này sẽ được tiếp tục biên soạn và xuất bản. cuối trang in Phương danh các vị đã cúng in sách này: Các thiện tín cúng 5$, một số nhà giàu cúng góp nhiều hơn, công đức lớn nhất là bà Nguyễn Sơn Hà (ông Sơn Hà là nhà doanh nghiệp dân tộc yêu nước nổi tiếng ở Hải Phòng, bạn thân ông Nguyễn Hữu Tảo, giáo sư trường Trung học Bonnan Hải Phòng - nay là trường THPT Ngô Quyền, anh ruột Thiều Chửu).

Nội dung sách, như chính soạn giả đã viết, tập hợp những bài thơ ngắn, chủ yếu thể lục bát, xếp thành 4 phần:

Phần thứ nhất - Sửa mình

1. Chăm học

2. Phải tiếc thì giờ

3. Sửa lỗi

4. Tu nhân (tức tu dưỡng lòng nhân ái, - VTK)

5. Trọng nghĩa

6. Lễ phép

7. Trau giồi trí khôn

8. Tin cẩn thật thà

9. Liêm khiết.

Phần thứ hai - Đối với gia đình

1. Hiếu thuận cha mẹ

2. Phụng thờ ông bà tổ tiên

3. Kính yêu anh em, chị em

4. Vợ chồng hoà thuận

5. Thương kẻ tôi đòi

Phần thứ ba - Đối với xã hội

1. Kính trọng thầy

2. Đạo bạn bè

3. Tình làng xóm

4. Nghĩa vụ làm người

Phần thứ tư - Mấy điều răn cấm

1. Răn uống rượu

2. Răn trai gái trăng hoa

3. Răn nghiện ngập

4. Răn cờ bạc

5. Răn kiện tụng

6. Răn ma chay ăn uống

7. Răn tranh giành ngôi thứ

8. Răn tính ỷ lại

9. Răn tính lười biếng.

Mặc dù soạn giả viết ông chỉ thâu nhặt các bài có sẵn, nhưng rõ ràng trong việc này Thiều Chửu đã mượn phép thuật như bất tác (thuật lại chứ không sáng tác) của cổ nhân để cập nhật một số đạo lý cổ truyền và phát biểu quan niệm của mình. Phân tích văn bản có thể thấy soạn giả đã lồng vào các câu ca dao xưa nhiều câu chữ mang hơi hướng đương thời và khẩu khí của chính cư sĩ Phật gia.

Chẳng hạn, câu ca dao xưa về nhiễu điều phủ lấy giá gương, được cư sĩ mào đầu bằng hai câu:

Cùng chung một giống một loài,

Cùng dân một nước, cùng người một phương

(Nhiễu điều v.v...)

Câu mào đầu ấy chỉ có thể xuất hiện sau những bài ca của Đông Kinh Nghĩa Thục như:

Trời sinh ra một giống ta,

Non sông riêng một nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn nghìn năm,

Ông cha một họ, anh em một nhà.

Khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị cấm (12.1907) thì tức khắc nhập hồn vào Kinh Đạo Nam (1920) do Vân Hương Thành Mậu, tức Bà Chúa Liễu, “giáng bút”:

Hỡi đồng bào hai mươi mấy triệu!

Sinh trưởng cùng một nẻo giang sơn,

Kể năm những bốn nghìn năm,

Nước non chúng hợp một đoàn từ xa.

(trích Kinh Đạo Nam)

những bài kinh giáng bút như vậy của chư vị thần thánh Việt Nam, các phả Thiện thờ vị Anh hùng cứu quốc Trần Hưng Đạo, từng đem giao giảng, với sự tham gia của Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền và nhiều văn thân yêu nước khác, tại Hoằng thiện kinh đàn (theo văn bia vẫn còn trên tường, lập từ 1903) trong đền Ngọc Sơn, Hà Nội và nhiều Thiện đàn khác ở Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương v.v..., thậm chí ở chùa Nhã Nam ở tít tận xứ Nam Kỳ (xem Nghiêm Hà - Việt Hồng, Xưa & Nay, 1996). Đến khi bọn Tây thực dân cấm nốt Kinh Đạo Nam, thì vẫn linh hồn ấy lại ẩn hiện trong lời lẽ ôn hoà hơn của Kinh Tâm Pháp, do Đức Thánh Trần, Phạm Điện Suý, Phùng Tướng Công v.v... “giáng”, các đệ tử khắc in và giảng tại Ngọc Sơn cho đến tận Cách mạng tháng Tám 1945:

Cùng non nước, cùng hình dáng ấy,

Cùng giống nòi tự bấy nhiêu lâu,

Cùng chung khí huyết một bầu,

Tiên- Long ta vẫn trước sau ghi truyền.

(Kinh Tâm Pháp)

Khẩu khí của soạn giả là người cửa Phật bộc lộ rõ nhất ở phần thứ tư - Mấy điều răn cấm, vốn cũng đã có trong các sách luân lý trước đó, như trong Kinh Tâm Pháp, chẳng hạn (xem Vũ Thế Khôi, Xưa & Nay, 8.1996), nhưng cũng đã được Thiều Chửu chí ít viết lại theo quan điểm của người theo đạo Phật. Xin đơn cử vài ví dụ:

Bài IV.2. Răn gái trăng hoa

Sắc kia chớ có nên gần,

Gẫm cơ trời đất xoay vần mà kinh!

Kì kẻ nọ vắng tanh hương lửa,

Lại người này trả nợ trăng hoa.

Hư thân hại nết người ta,

Cái chơi vô ích hóa ra tội tình.

***

Bài IV.3. Răn nghiện ngập

Độc nào hơn thuốc phiện này,

Còn đua với chúng ắt rày đến thân.

Vui bè bạn mỗi lần vài khói,

Bỗng xui nên nông nỗi khó chừa.

Nợ đời sớm trả vay trưa,

Của hao mòn của, người nhơ bẩn người.

Dễ dàng nhận ra qua từ ngữ dấu ấn của những giáo lý Luân hồi, Nhân quả. Điều này chẳng có gì lạ, bởi vì Thiều Chửu cho rằng trong nhiều mặt, tư tưởng Phật gia tiến bộ hơn tư tưởng Nho gia. Trong mấy lời thâm cảm sau khi dịch xong bản kinh Lễ sáu phương, răn dạy về các cách đối đãi lẫn nhau giữa: 1. Con cái - cha mẹ, 2. Thầy - trò, 3. Vợ - chồng, 4. Bạn bè họ hàng, 5. Chủ - tớ, 6. Sa môn trí thức - chúng dân, cư sĩ Thiều Chửu khẳng định:

“Mấy ngàn năm cổ xưa, sao mà văn minh đến thế? So với nền luân lý của nhà Nho không có trái nhau chút nào, mà về phần tinh thần lại thuần tuý hơn…”, và Cụ chỉ ra một ưu việt cụ thể của tư tưởng Phật gia:

“Còn một lẽ nữa: Nhà Nho vẫn thiên trọng về bên đàn ông, coi đàn bà rất khinh, đã không dạy dỗ, lại cứ trách hoài; mà có dạy chăng nữa, cũng chỉ những lối thổi nấu tương cà, làm tôi làm mọi. Chồng đối với vợ, oai quyền như cha, năm lẽ bảy hầu, tha hồ túng tứ, không có ái tình chân chính chút nào cả.

Phật thì dạy người ta một vợ một chồng mới có hạnh phúc; vợ đối với chồng phải giữ trinh tiết, đã đành rồi; chồng đối với vợ, cũng cấm không được chia lòng yêu cho ai để vợ phải hờn giận...”

Cuốn sách nhỏ gợi cho chúng ta đôi điều cần ngẫm nghĩ.

Trước hết là về truyền thống văn hoá yêu nước thương nòi của những dòng họ ông đồ. Thiều Chửu xuất thân trong một gia đình văn hoá lớn, có những nhà giáo nổi tiếng như Cụ Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868) từng cùng một số danh sư khác như các Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) và Lê Duy Trung (1795 - 1863), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) mở các tư thục dạy học tại các phường thôn và sáng lập đền Ngọc Sơn (1841) làm Trung tâm giáo hoá sĩ dân (Vũ Thế Khôi (chủ biên) - Vũ Tông Phan với văn hoá Thăng long, Trung tâm Văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001). Cư sĩ lại có thân phụ là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946), thành viên của một trung tâm khai sáng tiếp theo - Đông Kinh Nghĩa Thục, nên mấy cuốn sách nhỏ của Cụ không phải là hiện tượng tuỳ hứng cá nhân mà chính là sự tiếp nối truyền thống hoạt động khai sáng của bộ phận trí thức đạo Nho và đạo Phật Việt Nam sống giữa làng xã và hành xử theo tinh thần nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân, trung với dân như Hội trưởng Hướng Thiện đền Ngọc Sơn Vũ Tông Phan đã nêu năm 1841 trên Bia trùng tu miếu Hoả thần hiện vẫn còn gắn trên tường miếu ở 30 Hàng Điếu, làm quân tử trong làng, thầy đồ trong xã như lời kêu gọi của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, cụ nội của Thiều Chửu khắc năm 1848 trên Bia ở đền thờ Tiên Hiền huyện Thọ Xương, hiện vẫn còn tại ngõ Văn Chỉ - Bạch Mai. Năm 1969 trong một cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề cải cách giáo dục, bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, một nhà văn hoá lớn, đã nêu vấn đề về vai trò to lớn của các ông đồ trong văn hoá làng xã; ông nói: Mặt khác, chúng ta cần nghiên cứu vai trò của giáo dục trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần đi sâu để hiểu biết vai trò của Ông Đồ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Có thể nói xã hội phong kiến Việt Nam mấy nghìn năm giữ được rường mối, trong đó vai trò của Ông Đồ rất lớn. Thường thì nhà trường của chế độ phong kiến rất phản khoa học, nhưng nhà trường phong kiến Việt Nam chưa hẳn như thế. Bởi vì vai trò của Ông Đồ Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm cũng rất lớn. Muốn thắng kẻ thù không thể là phản khoa học. Ta có khoa học mới thắng được kẻ thù bất kể từ đâu tới... (Vũ Đình Hoè - Pháp quyền Nhân Nghĩa Hồ Chí Minh, NXB Văn hoá - Thông tin và Trung tâm Văn hoá & ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001). Đã hơn ba chục năm trôi qua, nhưng vấn đề nhà văn hoá Nguyễn Văn Huyên nêu ra dường như vẫn còn bỏ ngỏ đó.

Hai là vấn đề kế thừa đạo lý cổ truyền. Có thể thấy rằng sự xếp sắp của Cư sĩ Thiều Chửu trong cuốn sách nhỏ về đạo đức phổ thông vẫn tuân theo cái quan niệm:

“Tu thân Tề gia Trị quốc Bình thiên hạ”, tức đi từ chỗ bản thân phải học làm người, học làm thành viên trong cái tế bào cơ bản của xã hội là gia đình đã, rồi mới có thể nói đến làm công dân tốt trong xã hội và tham gia lãnh đạo quốc gia. Một quan niệm tuy cũ, thậm chí một thời bị gán cho cái nhãn “tư tưởng Nho giáo lỗi thời, hủ lậu” (!), tuy nhiên ngày nay, khi được “mục sở thị” những tệ nạn xã hội nhan nhản quanh ta, kể cả sự tha hoá của không ít các ông quan cách mạng (chữ của Hồ Chủ Tịch) và đám vợ con ăn theo, thì mới thấy tính đúng đắn và độ sâu sắc của cái quy trình giáo dục hợp lẽ tự nhiên trên đây, chứ không phải chỉ vì theo quan điểm Nho giáo; Nho giáo, một triết thuyết tiên tiến của thời xưa, chỉ khái quát hoá nó mà thôi! Đâu phải ngẫu nhiên ngày 15.02.1965, thiếu 5 ngày đầy 3 tháng trước khi đặt bút viết Di chúc, Chủ Tịch Hồ Chí Minh về Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Bác ngồi xổm, dương kính đưa ngón tay lần từng chữ trên bia thờ kẻ sĩ từng khẳng định đạo lý Nhân Nghĩa cổ truyền thắng cường bạo. Có lẽ cũng chẳng ngẫu nhiên, ngày 19.5 năm ấy, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, bốn năm trước ngày đi thăm Cụ Các Mác, Cụ Lênin, Hồ Chủ Tịch đã đến Dương Châu (Trung Quốc) viếng mộ Khổng Tử, nhà hiền triết đã khai sáng đạo lý lấy chữ Nhân làm nền tảng, và cảm tác bài thơ nổi tiếng Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ... (Bác Hồ viết Di chúc, Hồi ký của Vũ Kỳ, NXB Chính Trị Quốc gia, Hà Nội 1999).

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,

Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.

Và cuối cùng, riêng về truyền bá quốc ngữ và giáo dục bình dân thì có thể nói rằng Ông Đồ quốc ngữ Thiều Chửu và đồng bối của ông, với việc mở các lớp dạy chữ khai sáng dân nghèo và làm cho họ những cuốn sách nhỏ tặng không hoặc bán rẻ, đã đóng vai trò những người đi tiên phong trong việc thực thi sứ mạng này, từ rất lâu trước khi Hội Truyền bá Quốc ngữ được chính thức thành lập (1938) và ngành Bình dân học vụ của Chính phủ nhân dân lâm thời ra đời (1945). Chính nhờ những chủ trương cá nhân (vâng, chúng tôi xin mạnh dạn dùng từ “chủ trương” mà lâu nay ta chỉ quen dùng khi nói về Đảng và Nhà nước) và kinh nghiệm thực tế của họ mà ngay từ khi mới thành lập, ngành học bình dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được triển khai thuận lợi và trình bày khá thấu đáo, cụ thể trong cả một chuyên luận hơn 200 trang, nhan đề - Một nền giáo dục bình dân. (Vũ Đình Hoè - NXB Đại La, 1946). Trong phần “Các món trong chương lớp học bình dân cho người lớn” (chương V) chúng ta thấy các món học kế thừa những phương hướng chủ yếu trong sự nghiệp làm sách nhỏ mà Tịnh Liễu Nguyễn Hữu Kha và các Thiện tín của ông đã bắt đầu từ năm 1926 với cuốn sách nhỏ Phép nuôi con: Xin so sánh danh mục sách nhỏ của Thiều Chửu mà chúng tôi đã nêu ở đầu bản tham luận này với 5 món sau đây do vị Bộ trưởng Quốc gia giáo dục đầu tiên đề nghị đưa vào dạy tại các lớp cao đẳng bình dân khi triển khai sắc lệnh của Hồ Chủ Tịch về diệt giặc dốt:

1. Canh nông thực hành (sách Cách trí phổ thông hẳn cũng đề cập những kiến thức này); 2. Vệ sinh; 3. Địa dư; 4. Sử ký; 5. Công dân giáo dục.

Thật đáng buồn khi mới vài chục năm sau cái chết oan khuất của Cư sĩ Thiều Chửu, một vị PTS giáo dục học thời nay, trên một tờ báo của ngành, lại khuyên chúng ta đi học tập kinh nghiệm của Liên Hiệp Quốc trong việc làm sách mở mang dân trí để chống nạn tái mù chữ!

Bởi lẽ Hồ Chủ Tịch, với lời đề nghị Cư sĩ Thiều Chửu giữ chức Bộ trưởng (Quốc gia giáo dục hoặc Cứu tế Xã hội) trong Chính phủ cách mạng đầu tiên, hiển nhiên đã thừa nhận công lao tiên phong của Thiều Chửu trong lĩnh vực mở mang dân trí và dân sinh.

 


Ghi chú: Bài này được đăng lại trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học số ra tháng 6 năm 2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6794773