Thông tin

CÚNG DƯỜNG TÁM MÓN VẬT DỤNG CẦN THIẾT CỦA BẬC XUẤT GIA

 

TUỆ ÂN

 

 

Cuộc sống quanh ta luôn vận động, biến hoại không ngừng nghỉ, sự sinh và tử cũng đeo đuổi ta hàng ngày, cứ mỗi ngày qua ta lại kinh sợ khi thấy hết thân quyến hoặc bạn hữu ta xả bỏ thân báo này. Bạn có thấy sợ không? Tôi thì rất sợ khi quỹ thời gian của mình ngày càng ngắn đi, những hoài bão và tâm nguyện vẫn còn dang dở, những việc lợi ích cho vị lai vẫn còn bộn bề...

Ngày xưa khi chưa biết đạo, tôi cũng như bao người chỉ chú tâm vào hưởng thụ và làm những việc tuy không vô bổ nhưng cũng chẳng thể gọi là lợi ích và sáng suốt được.

Cho đến khi gặp Đạo và tôi chợt nhận ra rằng thân xác này, cuộc đời này thật luôn biến hoại vô thường, những gì tưởng là của ta đều trở thành vô nghĩa trước cái chết - chuyến đi cuối cùng của đời người. Và tôi thấy hoan hỉ vô cùng khi phát hiện ra trong vài món đi cùng mình vào kiếp vị lai thì có thể đem được 1 thứ lợi ích cho mình. Đó chính là BỐ THÍ TẠO PHƯỚC THIỆN.

Trên hành trình đi đến cái chết của mình, ai trong chúng ta cũng phải đeo 2 cái bị, bị bên trái chứa đầy hạt cây gai (tượng trưng cho sự bất thiện) và bên vai còn lại là bị chứa đầy hạt giống như lúa, ngô, đậu (tượng trưng cho phước thiện). Mỗi khi ta làm 1 chuyện bất thiện là như ta đã rảy 1 hạt gai nhọn ra phía trước. Hạt gai đó sẽ mọc thành cây, thành khóm hoặc mọc thành ruộng khoảnh. Trên đường đời, do ta bị vô minh và tà kiến sai xử nên mặc dù ngũ quan có đủ nhưng coi như ta vẫn đang đi trong đêm đen mịt mùng của vô minh và tà kiến. 1 ngày xấu trời ta sẽ dẫm chân vào khóm gai hoặc ngã vào ruộng gai nhọn đó rồi bị thương, thậm chí đến táng mạng. Ngược lại, nếu ta làm được 1 việc thiện thì như ta đã rảy 1 hạt giống tốt ra phía trước. Hạt mầm đó sẽ mọc lên, đơm hoa kết trái khi đủ duyên và hợp cảnh, sẽ có 1 ngày ta gặp được những cánh đồng đầy ắp phước thiện do ta tạo ngày xưa. Đó chính là cứu cánh cho ta lúc đói lòng.

Trong các phép bố thí thì cúng dường chư Tăng mang lại lợi ích thù thắng bất khả tư nghì, nhất là việc cúng dường chư Tăng 8 món vật dụng cần thiết sẽ không chỉ mang lại cho ta phước thiện của đời sống này, mà đó còn chính là những món ta gửi tiết kiệm vào vị lai. Bằng những món vật dụng vị lai đó cùng phước đức đã huân tập từ vô lượng kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, nếu đủ duyên lành được hầu đảnh lễ đức Phật, do thiện nghiệp mình tạo, nhất là đã cúng dường đủ 8 món vật dụng của chư Tăng cùng tác ý được chính Đức Phật sẽ tế độ cho xuất gia thì đức Phật thời đó sẽ cho ta được xuất gia theo cách Ehi Bhikkhu “Thiện lai Tỳ khưu”.

Ta cùng tìm hiểu phước quả trổ lên với đức Bồ-tát Siddhattha do duyên lành cúng dường đủ 8 món vật dụng cần thiết của chư Tăng như sau:

Trong thời đức Phật Kassapa, tiền thân của đức Bồ-tát Siddhattha là Bồ-tát Jotipāla, Bồ-tát Jotipāla có người bạn thân là thợ gốm Ghaṭikāra.

Ngài Ghaṭikāra là bậc Thánh nhập lưu trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa, kiếp đó tái sinh là vị Phạm thiên ở cõi Akaniṭṭha.

Đêm hôm đức Bồ-tát Siddhattha bỏ cung vàng điện ngọc đi xuất gia, khi đến bờ sông Anoma, Ngài ra hiệu cho ngựa Kandaka bay sang bờ bên kia, rồi Ngài nhẹ nhàng xuống ngựa bảo quan cận thần Channa rằng:

- Này Channa, ta sẽ xuất gia tại nơi đây, con hãy mang hết đồ trang phục nầy trở về hoàng cung tâu cho phụ vương ta biết.

Đức Bồ-tát Siddhattha lấy thanh gươm bén cắt tóc, chừa lại khoảng 2 lóng tay. Tất cả những sợi tóc còn lại tự xoắn vòng xoáy theo khu ốc sang bên phải nằm sát trên da đầu và Ngài cạo sạch râu. Chỉ một lần ấy thôi, từ đó về sau suốt cả cuộc đời, Ngài không phải cắt tóc, cạo râu nữa.

Sau khi cắt tóc xong, đức Bồ-tát Siddhattha cầm nắm tóc trên tay phát nguyện rằng:

- Nếu ta trở thành đức Phật Chánh đẳng giác, thì xin cho nắm tóc này ở trên hư không, còn nếu ta không chứng đắc thành đức Phật Chánh đẳng giác, thì nắm tóc này sẽ rơi xuống đất.

Đức Bồ-tát Siddhattha ném nắm tóc lên hư không. Thật phi thường thay! Nắm tóc bay bỗng lên trên hư không khoảng một do tuần rồi đứng yên một chỗ. Lúc ấy, Đức vua trời Sakka nhìn thấy bèn đem cái hôp bằng ngọc, cung kính đặt nắm tóc của đức Bồ-tát Siddhattha vào hộp, đem về tôn thờ ở ngôi tháp Culamanī tại cung Tam thập tam thiên.

Khi ấy, vị đại phạm thiên Ghaṭikāra, là bạn thân cũ từ tiền kiếp của đức Bồ tát trong thời kỳ đức Phật Kassapa, biết đức Bồ tát hôm nay xuất gia, nên mang 8 thứ vật dụng của bậc Samôn là tam Y gồm Y hai lớp (saṅghati cīvara), Y thượng (uttarasaṅga civara) và Y hạ (antaravāsika civara), bình bát, dao cạo, kim chỉ, dây thắt lưng và đồ lọc nước đến dâng cúng Ngài.

Đức Bồ-tát Siddhattha nhận 8 món vật dụng của bậc Samôn, Ngài mặc y vàng màu lõi mít, tượng trưng như lá cờ chiến thắng của bậc Thánh Arahán, trở thành bậc xuất gia, lúc đức Bồ tát được 29 tuổi

Theo chú giải Phật sử (Buddhavaṃsa Atthakathā), Ngài Buddhadatta giải thích “do Đại Phạm thiên Ghaṭikāra đã mang đến cho Bồ-tát” (Gahetvā gacchissāmī’ti).

Theo bản Suttanipāta Atthakathā (chú giải Tiểu Tụng), Ngài Buddhaghosa ghi rằng:

“Devadattiyaṃ paṃsukūlacīvaraṃ pārupitvā mattikāpattaṃ gahetvā pācinadvārena nagaraṃ pavisitvā anugharaṃ piṇḍāya acari:

“Sau khi mặc y quăng bỏ do chư thiên dâng, mang bát đất, đức Bồ-tát đi vào cửa phía Đông thành phố, khất thực từng nhà”.

Theo bản chú giải Apādāna (Apādāna Atthakathā), Ngài Dhammapāla ghi rằng:

“Iddhimaya parikkharā: Vật phụ tùng do phước hiện ra”.

Nghĩa là 8 món vật dụng Sa-môn phát sinh cho Đức Bồ-tát là do phước của Ngài, chúng tự xuất hiện.

Tức là do phước Ba-la-mật của đức Bồ-tát Siddhattha, khi Ngài xuất gia thì 8 món vật dụng Samôn xuất hiện nơi cụm sen (Cụm sen này xuất hiện từ khi thế gian hình thành, để báo hiệu kiếp trái đất ấy có xuất hiện đức Chánh giác hay không. Chỉ có các vị Phạm thiên thấy được cụm sen ấy mà thôi.), như điềm báo hiệu Đức Bồ-tát Siddhattha sẽ chứng quả Vô thượng Chánh giác ngay trong hiện kiếp ấy. Nên Ngài Dhammapāla giải thích “sinh ra do phước”.

Phạm thiên Ghaṭikāra thấy được 8 món vật dụng này, nên lấy mang đến dâng cho đức Bồ-tát Siddhattha. vị Phạm thiên không trực tiếp dâng mà Ngài đặt vào một nơi gần đó, để đức Bồ-tát Siddhattha khi đi tìm Y dễ dàng nhận thấy. Nên Ngài Buddhaghosa dùng từ “devadattiyaṃ panmsukūla cīvaraṃ: Y quăng bỏ do chư thiên dâng”.

(Tuy vải y còn tốt nhưng “bị quăng bỏ”, gọi là Paṃsukālacīvaraṃ: “Y quăng bỏ”)

Chữ Paṃsukālacīvaraṃ xác nhận “Chư thiên không dâng tận tay mà “ném bỏ” ở gần đấy”.

Ngài Buddhadatta giải thích “vị thiên nhân ấy chính là Phạm thiên Ghaṭikāra”, và Ngài Buddhadatta chỉ nêu lên là “mang đến cho đức Bồ-tát Siddhattha”, không xác định là “giao tận tay”.

Tuệ Ân xin trích dẫn câu chuyện cúng dường 8 món vật dụng của bậc Sa-môn để những người hữu duyên đã từng trong đời hoan hỉ cúng dường 8 món vật dụng đến Tăng đoàn có cơ hội hiểu tận tường về phước báu mình đã tạo trữ được. Đặc biệt là các đạo hữu nào cùng Tuệ Ân hùn phước để cúng dường 10 bộ 8 món vật dụng của bậc Samôn dâng tới 7 Ngài Đại trưởng lão Tam tạng, 1 Ngài Nhị tạng, 1 Ngài Nhất tạng và 2 Ngài thiền sư Myanmar nhân chuyến hoằng Pháp của các Ngài tới Việt Nam đợt này. Xin quý vị hoan hỉ với phần phước thiện mình đã tạo trữ được qua việc phước thiện này.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Phước thiện pháp thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện này để thóat khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññābhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phước đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng sinh từ cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, nhân loại, chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong các cõi trời sắc giới,... tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện pháp thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát mọi sự khổ, được an lạc lâu dài.

Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh đạo - Arahán Thánh quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tiếp tục tử sinh luân hồi, thì do năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này ngăn cản mọi ác nghiệp không có cơ hội cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực phước thiện này chỉ hỗ trợ thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới: Cõi người, các cõi trời dục giới... mà thôi. Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con cũng là người có chánh kiến, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, có đức tin trong sạch nơi bậc thiện trí, cố gắng tinh tấn hành theo lời giáo huấn của bậc thiện trí, không ngừng tạo mọi pháp hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo - 4 Thánh quả và Niết bàn, mong diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh Arahán.

Trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành đức Phật, đức Pháp, đức Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con liền phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng; quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ đức Thế Tôn, hoặc chư Thánh Thanh văn đệ tử của Ngài, lắng nghe chánh pháp, cố gắng tinh tấn hành theo chánh pháp của Ngài. Đặc biệt, bằng quả phước báu dâng cúng dường 8 món vật dụng của bậc Samôn này sẽ cho phước báu được đủ duyên lành để Đức Phật tế độ cho xuất gia theo cách “Ehi Bhikkhu” (thiện lai Tỳ-khưu) để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo - 4 Thánh quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nay chúng con hết lòng thành kính thọ phép quy y Tam bảo: Quy y đức Phật bảo, quy y đức Pháp bảo, quy y đức Tăng bảo, và thành tâm hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời, trọn kiếp. Do nhờ năng lực phước thiện thanh cao này, cầu mong cho mỗi người chúng con luôn luôn có được duyên lành sâu sắc trong Phật giáo.

Do nhờ năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con, khi thành tựu quả báu ở cõi người (manussasampatti) như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc khi thành tựu quả báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được an lạc như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời. Bởi vì mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con là cầu mong sớm thành tựu quả báu chứng ngộ Niết bàn (Nibbānasampatti), giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Xin chư Thiên và nhân loại hoan hỷ với phước báu mà chúng tôi đã tạo được ngày hôm nay.

Sadhu! Sadhu! Sadhu lành thay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6798505