Thông tin

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM

 CHỐNG MỸ - DIỆM VÀ XU HƯỚNG

NHẬP THẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY


NGND.GS.TS. NGÔ VĂN LỆ
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM


Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, văn hóa đã tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội loài người. Từ khi tôn giáo ra đời đến nay, lịch sử của nó đã được tính bằng nhiều thế kỷ. Như là một thành tố văn hóa tộc người, tôn giáo cũng đã có nhiều biến đổi cùng với những biến đổi của đời sống xã hội loài người. Nhưng sang thế kỷ XX, nhất là sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, do sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là những bước tiến nổi bật của khoa học kỹ thuật, tôn giáo đã có những biến đổi sâu sắc, làm cho diện mạo của tôn giáo có những nét mới lạ. Trong số những biến đổi đó nổi lên hai hiện tượng: Trào lưu nhập thế và phong trào tôn giáo mới. Nhưng có phải trào lưu nhập thế chỉ xảy ra trong những thập kỷ gần đây do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước tiến vượt bậc của khoa học, công nghệ tác động đến đời sống xã hội dẫn đến những thay đổi của tôn giáo? Hay ngay từ khi hình thành với tư cách là một trong nhiều thành tố (component) văn hóa tộc người, tôn giáo đã có những thay đổi? Các tôn giáo muốn tồn tại trong đời sống xã hội phải gắn liền với đời sống xã hội của một cộng đồng cư dân cụ thể (hiểu là một phần của một tộc người) và như vậy đã phải nhập thế. Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc xuống đường rầm rộ của Tăng Ni Phật tử miền Nam chống Mỹ - Diệm chúng tôi muốn trở lại bàn về xu hướng

nhập thế - một trong ba hiện tượng làm nên diện mạo của tôn giáo thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Như là một thành tố văn hóa tộc người, sự du nhập Phật giáo vào xã hội Việt góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam. Trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo không chỉ góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam, mà bằng các hoạt động thực tiễn của mình, các chức sắc, tín đồ Phật giáo đã có những đóng góp vào cộng cuộc dựng nước và giữ nước.

Cuộc xuống đường rầm rộ của Tăng Ni, Phật tử năm 1963 góp phần to lớn dẫn đến sự sụp đổ của chế độ gia đình trị Diệm - Nhu, mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 chống chế độ Ngô Đình Diệm là một sự kiện lịch sử nổi bật trong phong trào đô thị miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Sự kiện hàng triệu chức sắc, tín đồ Phật giáo xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Diệm đã tròn 50 năm.

Từ đó đến nay đã có nhiều công trình viết về sự kiện này. Các công trình đó đã phân tích đánh giá về sự kiện này khá đầy đủ về bước khởi đầu, diễn biến, phân tích tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào (Lê Cung, 2003).

Chúng tôi không đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân, quá trình đấu tranh cũng như ý nghĩa cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử mà muốn qua sự kiện này bàn về xu hướng nhập thế của các tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.

Ở đây cần phân định rõ có sự khác biệt nội hàm giữa thuật ngữ thế tục hóa và nhập thế. Chúng tôi cho rằng xu hướng nhập thế khác với trào lưu (xu hướng) thế tục hóa. Trong bối cảnh công nghiệp hóa và sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa phương Tây dẫn đến xu hướng thế tục hóa các tôn giáo trên phạm vi toàn thế giới. Bởi vì, “thế tục hóa: “Trước hết, là một quá trình xã hội và văn hóa dần thoát khỏi sự khống chế và biểu trưng tôn giáo. Trong Hòa ước Westphalia, thế tục hóa được dùng để biểu thị việc tài sản của giáo hội bị nhà nước tịch thu, hay lại như tách khỏi quyền uy của giáo hội, sự giảm thiểu và suy sút không ngừng của nội dung tôn giáo trong văn học, nghệ thuật, triết học. Quá trình này đồng thời còn có nghĩa là thế tục hóa lĩnh vực chủ quan, ý thức, tinh thần của con người; tức là người ta không còn dùng tôn giáo để đối xử và giải thích thế giới và đời sống riêng của mình.

Thứ hai, thế tục hóa có nghĩa là tôn giáo trở thành việc của cá nhân, còn biểu hiện công cộng của tôn giáo ngày càng trở nên ít đi; tức là tôn giáo bị khống chế trong phạm vi tín ngưỡng cá nhân, trở thành tôn giáo của tư nhân. Nó tương đối ít bị sự khống chế có tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn thế giới quan mà họ cần tiếp thu, cá nhân có tính tự chủ lớn để tạo ra hệ thống ý nghĩa riêng của họ. Do vậy nói, cái quá trình tự chủ không ngừng mở rộng này trong thực tế là quá trình thế tục hóa…

Thứ ba, thế tục hóa là một hiện tượng có tính toàn cầu (Lang YouXing, 1995). Bởi vì, công nghiệp hóa không chỉ là sự phát triển của kỹ thuật, sự chuyển đổi kết cấu ngành,mà điều quan trọng hơn nó là một văn hóa. Công nghiệp hóa là một nhân tố cơ bản làm thay đổi xã hội và văn hóa truyền thống. Trong xã hội truyền thống nói chung, người ta chịu sự ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo, mặc dù sự tin theo này không giống nhau giữa các nhóm của một tộc người cũng như giữa các tộc người sinh sống trên một vùng lãnh thổ. Ở các nước đang phát triển, chính công nghiệp hóa là nhân tố quan trọng để các nước đó đi từ truyền thống đến hiện đại. Do vậy, dù muốn hay không muốn, những tác động của công nghiệp hóa đã làm thay đổi văn hóa toàn cầu.

Nếu như công nghiệp hóa là nhân tố tác động đến xu hướng thế tục hoá, thì xu hướng nhập thế xảy ra ngay từ khi một tôn giáo nào đó ra đời. Vì, nhập thế là một quá trình diễn ra khi các chức sắc, tín đồ tham gia vào các hoạt động xã hội. Tôn giáo có nhiều chức năng, trong đó chức năng điều chỉnh xã hội hay chức năng kiểm soát xã hội. Chức năng kiểm soát xã hội được thể hiện qua kinh sách, giáo luật, giáo lý được truyền đạt đến từng tín đồ. Mỗi tín đồ tùy theo chức phận của mình đều cố gắng thực hiện theo giáo luật, giáo lý hình thành nên những hành vi ứng xử trước các hiện tượng thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội. Để rồi qua những thăng trầm của lịch sử, hình thành nên chuẩn giá trị, mà mỗi tín đồ có trách nhiệm thực hiện. Các tôn giáo dù là những tôn giáo được du nhập từ bên ngoài vào hay những tôn giáo ra đời trong bối cảnh cụ thể ở Nam Bộ đã tạo ra một hệ thống chuẩn mực, những giá trị nhằm điều chỉnh hành vi của những người có đạo. Những hành vi được điều chỉnh ở đây không chỉ là những hành vi trong thờ cúng, mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội của người tín đồ. Vì thế, hệ thống chuẩn mực, giá trị trong lý thuyết đạo đức và xã hội mà tôn giáo đã tạo ra ảnh hưởng đến mọi hoạt động của con người. Có lẽ vì vậy mà xu hướng nhập thế được thể hiện rất rõ trong hoạt động của các chức sắc và tín đồ các tôn giáo trong bối cảnh cụ thể ở Việt Nam. Trong bài viết của mình về Phật giáo thời Trần, khi nói đến nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, chúng tôi lưu ý tính nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nhấn mạnh: “Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo nhập thế, liên hệ mật thiết với chính trị, phong hóa và xã hội” (Ngô Văn Lệ, 1995). Đồng thời, chúng tôi cũng dẫn lại ý kiến của tác giả Mạn Đà La khi nhấn mạnh: “Tư tưởng của Trần Nhân Tông là một thể hiện nhất quán của đạo và đời, xuất thế và nhập thế. Vì vậy, tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc, nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người giác ngộ giải thoát hoàn toàn, măt khác không ngừng tích cực xây dựng an lành cho chúng sanh bằng cách trước hết phục vụ đất nước, dân tộc, những người gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình” (Mạn Đà La, 1995). Trong điều kiện cụ thể ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã ra đời các tôn giáo gắn liền với người Việt Nam Bộ. Những tôn giáo đó góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa của người Việt Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung thêm phong phú. Đã có nhiều nghiên cứu về các tôn giáo bản địa (Đinh Văn Hạnh, 1999; Phạm Bích Hợp, 2007; Ngô Văn Lệ, 2008, 2011). Trong các nghiên cứu đó, ngoài việc trình bày bối cảnh ra đời, những nội dung giáo lý, những nghi lễ, cũng như ảnh hưởng của các tôn giáo đó đến đời sống của người Việt Nam Bộ, các tác giả cũng chỉ ra những nguyên nhân ra đời của các tôn giáo bản địa. Nhiều ý kiến cho rằng đây là những tôn giáo cứu thế ra đời trong bối cảnh chung của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Khi nghiên cứu các tôn giáo ra đời ở người Việt Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhiều tác giả cho rằng Bửu Sơn Kỳ Hương là tôn giáo cứu thế ra đời trong trào lưu chung của các tôn giáo cứu thế ra đời ở thế kỷ XIX (Nguyễn Xuân Nghĩa, 1989). Cùng gần gũi với quan điểm này, TS. Phan Lạc Tuyên khi cho rằng Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như một số đạo giáo khác không phải là một tông phái của Phật giáo, tuy có phần nào dùng một số giáo lý của Phật giáo. Thực sự đây là một đạo giáo cứu thế được khai sinh không những ở Nam Bộ, mà còn ở các vùng Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia (Phan Lạc Tuyên, 1992). Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy có hoạt động khai hoang do Đoàn Minh Huyên chủ xướng. Đây là một hình thức hoạt động đặc thù trong lối sống cũng như trong tư duy của người nông dân Nam Bộ tự khẳng định mình bằng bàn tay lao động của mình. Vào năm 1849, sau khhi đã giúp người dân chữa bệnh, được người dân suy tôn là Phật Thầy Tây An, Đoàn Minh Huyên đã sử dụng pháp môn đưa Phật giáo vào đời sống bằng cách khai hoang lập ấp, tạo cuộc sống an cư lạc nghiệp cho những người nông dân nghèo. Nhờ phong trào khai hoang lập ấp đã đem lại những thành quả cho người nông dân. Những trại ruộng ở Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh (Châu Thành) không chỉ là thành quả lao động, mà còn góp phần phát triển kinh tế ở những nơi khó khăn trong buổi đầu khai phá. Xu hướng nhập thế còn được thể hiện ở Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo bản địa ra đời ở Nam Bộ sau đó. Người sáng lập ra Tứ Ân Hiếu Nghĩa là Ngô Lợi, đã vận dụng Tứ trọng ân để khơi gợi lòng yêu nước của người dân trong bối cảnh đất nước bị xâm lược. Vào thời điểm đó, dưới ngọn cờ tôn giáo, Ngô Lợi đã tập hợp được lực lượng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người khác, hình thành căn cứ kháng Pháp. Có những căn cứ khá quy mô, là chỗ dựa cho phong trào kháng Pháp, như Láng Linh - Bảy Thưa do Trần Văn Thành chỉ huy, hay căn cứ Đồng Tháp Mười do Võ Duy Dương chỉ huy. Sau khi thực dân Pháp đàn áp các phong trào chống Pháp, những người sáng lập ra Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn tiếp tục tinh thần chống ngoại xâm, thể hiện một tinh thần nhập thế rất tích cực. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù kẻ thù tìm mọi cách chia rẽ, gây hận thù dân tộc, nhưng những chức sắc và tín đồ Phật giáo là người Khmer Nam Bộ vẫn một lòng theo Cách mạng và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều tấm gương đấu tranh cách mạng hy sinh anh dũng của các sư sãi và tín đồ mãi mãi là niềm tự hào của người Khmer Nam Bộ. Rõ ràng, sự gắn bó của các tôn giáo với đời sống xã hội diễn ra ở tất cả các tôn giáo, như là những minh chứng về xu thế nhập thế của các tôn giáo không phân biệt đó là tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào hay là những tôn giáo ra đời trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ.

Trong những năm sau giải phóng, các tôn giáo tham gia rất tích cực và có hiệu quả trong các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia vào các hoạt động cứu trợ trong việc chăm sóc người nghèo, cô đơn, trong giáo dục, y tế. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tôn giáo nào cũng có những hoạt động từ thiện, trong đó nổi trội hơn cả có lẽ là Phật giáo Hòa Hảo. Những hoạt động từ thiện, nhân đạo rất đa dạng và phong phú bao gồm như sơ cứu chữa bệnh, tài trợ các trại nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người già neo đơn, sửa chữa nhà cửa, cất nhà mới tình thương, tình nghĩa, sửa và xây cầu mới, nâng cấp đường… Từ năm 1999 đến năm 2005, các hoạt động xã hội rất sôi động và huy động được 34.440.666.729 đồng. Đây là một con số không nhỏ trong bối cảnh mọi mặt của người tín đồ còn nhiều khó khăn. Xu hướng nhập thế của các tôn giáo ở Nam Bộ được thể hiện rất rõ trong các hoạt động xã hội. Trong các bài viết của mình về các tín ngưỡng tôn giáo của các cộng đồng cư dân Nam Bộ, chúng tôi nhấn mạnh đến những tác động của các tôn giáo đến đời sống mọi mặt của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (Ngô Văn Lệ, 2010, 2011). Rõ ràng trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ những tôn giáo bản địa đã góp phần làm nên diện mạo mới của văn hóa Nam Bộ, được thể hiện vào việc tham gia các hoạt động xã hội (như làm từ thiện, chăm sóc người già cô đơn, xóa đói giảm nghèo…).

Còn đối với Phật giáo thì sao? Phật giáo du nhập vào Việt Nam đầu Công nguyên. Nhưng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho Phật giáo không xác lập được vị trí của mình trong đời sống xã hội của người Việt. Sau chiến thắng Nam Hán của Ngô Quyền, nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ. Có lẽ do nhu cầu cần thiết phải có một hệ tư tưởng chủ đạo mà Phật giáo dần xác lập được vị thế của mình. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ độc lập tự chủ, vai trò của Phật giáo đối với văn hóa nước ta là rất to lớn. Những thành tựu văn hóa (nền văn minh Đại Việt, văn hóa Lý - Trần) mà Phật giáo đem đến mãi mãi là mốc son sáng ngời của những giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam, những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống ngoại xâm (chiến thắng Tống, Nguyên - Mông) cũng như đặt nền móng bước đầu cho việc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Tất cả những thành tựu đó đều có sự đóng góp hết sức to lớn của Phật giáo, với tư cách như là một hệ tư tưởng chủ đạo cho giai đoạn phát triển lịch sử đầy khó khăn này. Sự kết hợp hài hòa giữa niềm tin tôn giáo và một khát vọng độc lập tự chủ đã giúp cho Phật giáo có những đóng góp to lớn.

Ở những thế kỷ tiếp theo, do những biến động của lịch sử, Phật giáo mất dần vai trò của mình, gắn liền với đời sống của người nông dân Việt cho đến ngày nay. Tuy vậy, trong thực tế để có thể đáp ứng nhu cầu đời sống cư dân, Phật giáo cũng có những thay đổi, nhất là từ những năm 20-30 của thế kỷ XX. Phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra khá mạnh mẽ ở Nam Bộ, tính đa dạng là một thực tế khách quan trong bối cảnh cụ thể ở miền Nam làm xuất hiện các chi hệ phái mới (hệ phái Khất sĩ), sự đa dạng trong kiến trúc, bài trí, về giáo lý có phần hiện đại và cách tân. Với phong trào cách tân đạo Phật trong những năm 60 của thế kỷ XX, hoạt động của Phật giáo gắn liền với cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, góp phần làm sụp đổ chế độ gia đình trị Diệm - Nhu. Sau năm 1975, Phật giáo ở Nam Bộ vẫn phát huy tính tích cực của mình không chỉ giới hạn trong vấn đề đạo pháp, mà cả trong các hoạt động xã hội.

Những nghiên cứu gần đây về Phật giáo Nam Bộ đã cho chúng ta một cái nhìn khá bao quát cũng như những hoạt động của Phật giáo trong bối cảnh mới và sự gia tăng vai trò của Phật giáo trong đời sống cộng đồng. Những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội: 1) Chính sách tôn giáo ngày càng cụ thể và có phần khích lệ những điều tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo, vì nhận thức tôn giáo là một nhu cầu; 2) Đạo Tổ tiên có phong trào đưa bát nhang lên chùa, hóa thân hoàn vũ; 3) Phổ biến hiện tượng trong các chùa có những hoạt động tôn giáo khác, nhất là thờ Mẫu; 4) Các bà trung niên, lão niên, nữ cán bộ về hưu “già vui cảnh chùa”, đặc biệt là Hội các bà quy y tham gia công tác từ thiện và chăm lo việc đau ốm, tang tế cho những người trong chòm xóm; 5) Đặc biệt với xu thế thế tục hóa, Phật giáo hướng vào việc phục vụ đời, nhập thế làm không khí đời sống tôn giáo sôi động.

Phật giáo, dù là Phật giáo Nguyên thủy hay các tông phái sau này, không định cho mình chức năng tham gia và giải quyết các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo không chỉ tồn tại như một tôn giáo mà đã hòa nhập vào cuộc sống của cư dân người Việt như là những yếu tố văn hóa góp phần tạo nên tính đa dạng và phong phú trong cuộc sống của cư dân người Việt. Xu hướng nhập thế của Phật giáo Việt Nam có thể quan sát thấy ở các thời kỳ khác nhau cũng khác nhau. Sở dĩ có tình hình này là vì, nếu xét về khía cạnh văn hóa của một tộc người, thì tôn giáo cho dù có vai trò như thế nào cũng chỉ là một trong nhiều thành tố góp làm nên tính đa dạng văn hóa của một tộc người ,mà không phải là tất cả. Có những tộc người, chẳng hạn như người Chăm, thì Phật giáo đã từng có mặt trong đời sống xã hội của Chămpa, mà di chỉ Đồng Dương đã minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội hiện đại của người Chăm thì hầu như không thấy bất kỳ một ảnh hưởng nào của Phật giáo - dù rất mờ nhạt. Trong khi đó, vào khoảng thế kỷ X, XI Islam du nhập vào xã hội người Chăm, khi mà Bàlamôn giáo đã xác lập được vị trí độc tôn của mình ở xã hội người Chăm. Trong bối cảnh đó, Islam không đủ mạnh làm suy giảm vai trò của Bàlamôn để xác lập vị trí của mình, vì vậy dẫn đến hình thành nhóm Bàni. Một dạng thức tôn giáo mang chứa đựng cả yếu tố Islam và Bàlamôn. Trong khi đó, một bộ phận người Chăm di cư sang Campuchia, lại tiếp nhận Islam một cách triệt để. Tại sao lại có tình hình như vậy? Chúng tôi cho rằng, tôn giáo như là một trong nhiều thành tố góp phần làm phong phú văn hóa của một tộc người. Các tộc người lại tiếp nhận các tôn giáo theo cách của mình. Vì thế, bất kỳ một thành tố văn hóa ngoại nhập nào kể cả tôn giáo, nếu không thấy phù hợp với truyền thống văn hóa của một tộc người, thì thành tố văn hóa mới đó khó có thể tồn tại. Hay nói cách khác, mỗi tộc người có cách tiếp nhận các yếu tố văn hóa ngoại sinh theo cách riêng của mình. Và đương nhiên trong cách tiếp nhận đó cũng hàm chứa năng lực bản địa hóa các yếu tố văn hóa ngoại sỉnh. Các thành tố văn hoá ngoại sinh không chỉ góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng văn hoá của một tộc người, mà quan trọng hơn là không tạo nên sự đối đầu. Vì vậy, một khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, mà cả trong đời sống xã hội. Để có thể làm được điều đó, tất yếu phải gắn liền giữa việc tu hành với đời sống xã hội. Nhập thế là cách tốt nhất để cho một tôn giáo phát triển.

Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội gia tăng, đây cũng là một biểu hiện sự gắn bó lợi ích tôn giáo với lợi ích dân tộc trên nguyên tắc tốt đời đẹp đạo, đạo pháp dân tộc, xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chung đó, Phật giáo Nam Bộ đã có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cư dân, thì ngày nay càng thể hiện rõ không chỉ ở khía cạnh góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam, mà còn có những đóng góp cho những hoạt động xã hội khác. Tinh thần đạo pháp, dân tộc, xã hội chủ nghĩa hướng Tăng Ni, tín đồ đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho đất nước ngày một giàu mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Đó không chỉ là khát vọng những người theo đạo Phật, nó là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc trường chinh chống xâm lược trước đây và trong công cuộc chống đói nghèo, kém phát triển hôm nay. Phát huy những đóng góp của Phật giáo trong công cuộc chống ngoại xâm, trong công cuộc xây dựng đất nước và những giá trị văn hóa mà Phật giáo mang lại cho nền văn hóa việt Nam, phát huy tinh thần khoan dung hỷ xả để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, là mong muốn của nhân dân ta, một dân tộc mà văn minh Phật giáo đã có nhiều ảnh hưởng, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa làm nên sức mạnh vượt qua những bước thăng trầm của lịch sử để tồn tại và phát triển như hôm nay. Những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm sau đổi mới đã góp phần vào sự hội nhập của Việt Nam không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà cả về phương diện văn hóa.

Như vậy, có thể thấy nếu xu hướng thế tục hóa gắn liền với công nghiệp hóa, thì xu hướng nhập thế là hoạt động tự thân của mỗi tôn giáo gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của chính tôn giáo đó. Phong trào xuống đường của Tăng Ni, Phật tử miền Nam năm 1963 là thể hiện hành động nhập thế, mà truyền thống đó được thể hiện rất rõ trong giai đoạn đầu của thời kỳ tự chủ. Tinh thần đó được tiếp tục thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo việt Nam, mà cuộc biểu dương lực lượng của Tăng Ni, Phật tử vào năm 1963 là một minh chứng. Đấu tranh chống lại chế độc tài Ngô Đình Diệm và sự can thiệp của Mỹ vào thời điểm bấy giờ là mệnh lệnh của mỗi người Việt Nam yêu nước, bất kỳ thuộc thành phần nào. Tăng Ni, Phật tử là những người yêu nước không thể chịu đựng sự tàn bạo của chính quyền Diệm đã cùng với các lực lượng yêu nước khác xuống đường đấu tranh. Đây là một biểu hiện rất rõ về nhập thế của một tôn giáo trong bối cảnh miền Nam Việt Nam năm 1963. Các tôn giáo dù là tôn giáo ngoại sinh hay tôn giáo ra đời trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không định cho mình chức năng tham gia giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội. Nhưng để có thể hội nhập vào dòng chảy chung của dân tộc, tôn giáo không thể không tham gia vào đời sống chính trị của dân tộc. Nhập thế là xu hướng tất yếu của các tôn giáo, mà biểu hiện của xu hướng nhâp thế ở các thời điểm lịch sử khác nhau cũng khác nhau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Cung, 2003, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1983, Nxb, Thuận Hóa.

2. Đinh Văn Hạnh, 1999, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt Nam Bộ, Nxb, Trẻ.

3. Lang YouXin, 1995, Thế tục hóa và tính khuynh hướng của nó, trong sách Tôn giáo và đời sống hiện đại, Viện Thông tin KHXH, Nxb, Thông tin KHXH - Chuyên đề, 1998.

4. Ngô Văn Lệ, 1994, Bửu Sơn Kỳ Hương có phải là một tông phái Phật giáo hay không? Trong sách Những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở miền Nam, Nxb, Tp.Hồ Chí Minh, 1994.

5. Ngô Văn Lệ, 1995, Thử tim hiểu nguyên nhân phát triển đạo Phật thời Trần, trong sách: Thiền học thời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.

6. Ngô Văn Lệ, 2008, Các tôn giáo bản địa và ảnh hưởng của nó đến văn hóa người Việt Nam BộHội thảo Việt Nam học lần thứ ba, năm 2008.

7. Ngô Văn Lệ (Chủ nhiêm đề tài), 2011, Đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Nam Bộ, (đã nghiệm thu tháng 6 năm 2011). Đề tài NCKH cấp Nhà nước thực hiện Đề án KHXH cấp Nhà nước: Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, do GS. VS. Phan Huy Lê làm chủ nhiệm đề án.

8. Nguyễn Xuân Nghĩa, 1985, Vài nhận xét về phong trào tôn giáo cứu thế ở đồng bằng sông Cửu Long (từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1975), Tạp chí Dân tộc học, số 2.

9. Phạm Bích Hợp, 2007, Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo), Nxb Tôn giáo.

10. Phan Lạc Tuyên, 1992, Những Đạo giáo ở Nam Bộ, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Các giáo phái Phật giáo ở miền Nam việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tháng 9 năm 1992.

11. Trần Hồng Liên, 2008, Dân tộc và tôn giáo ở Tây Nam Bộ trong quá trình phát triển, Đề tài NCKH cấp Bộ, nghiệm thu năm 2009.

12. Trần Hồng Liên, 2011, Phật giáo ở Bình Dương: Lịch sử và hiện trạng, Đề tài NCKH cấp tỉnh, nghiệm thu năm 2011.

13. Vương Hoàng Trù, 2011, Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo nhằm phát triển bền vững ở Nam Bộ, Đề tài NCKH cấp Bộ, nghiệm thu năm 2011.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 313
    • Số lượt truy cập : 6948385