Thông tin

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP TỔ LÊ KHÁNH HÒA

VÀI ĐIỂM CẦN NÓI RÕ

 

ĐĐ. THÍCH XƯƠNG TÂM*

 

Những hiện tượng Phật giáo suy thoái được ghi nhận trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đến nay đối với chúng ta không phải là việc dĩ vãng, mà là chuyện hiện tại,...

 

Khi nói đến Tổ Lê Khánh Hòa thì ai ai cũng nghĩ đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Khi nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX thì ai ai cũng nghĩ ngay đến Tổ Khánh Hòa. Thanh danh vị Tổ đã gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo ấy, và từ đó đến nay, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã cho ra đời nhiều tác phẩm sách sử nói về phong trào này cũng như nói đến Tổ. Tuy nhiên, những ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Tổ cũng cần nói thêm một vài điều.

Sơ lược tiểu sử

Thời niên thiếu

Tổ Lê Khánh Hòa, thế danh Lê Văn Hiệp1, húy Như Trí, hiệu Khánh Hòa2. Ngoài ra, Tổ còn có pháp húy Như Lợi, hiệu Bảo Thông khi đắc pháp với Tổ Minh Hòa Hoan Hỷ3. Tổ xuất thế ngày 22/4/Mậu Dần (23/5/1878). Thân phụ là Cụ ông Lê Văn Chất, thân mẫu là Cụ bà Đỗ Thị Nương. Quê quán tại thôn Phú Lễ, tổng Bảo Trị, hạt Bến Tre (nay là xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

- Thuở nhỏ, Tổ học Nho với các cụ đồ trong làng, sau đến học với Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu4, thời gian học chưa bao lâu Cụ đồ Chiểu tạ thế (ngày 03/7/1888), Hòa thượng Chơn Tánh (trụ trì chùa Khải Tường, Bình Đông, Ba Tri) rước Tổ về chùa Khải Tường cho quy y5 và tiếp tục học kinh sử trong 08 năm (11-19 tuổi)6.

Xuất gia tu học và hành đạo

- Năm 1894, tại chùa Long Phước, Tổ đem chí nguyện xuất gia của mình trình bày với Hòa thượng Chơn Tánh. Ngài Chơn Tánh hứa sẽ dìu dắt Tổ trên đường tu học7. Rằm tháng 3 năm Bính Thân (27/4/1896), Tổ đã 19 tuổi, được sự đồng ý của song thân và sự giới thiệu của Hòa thượng Chơn Tánh đến làm đệ tử xuất gia với Hòa thượng Hải Lương Chánh Tâm8  tại chùa Kim Cang, Tân An9. Ngài Chánh Tâm cho Pháp danh là Khánh Hòa, tự Như Trí10. Năm sau (20 tuổi, năm 1897), Tổ thọ giới Cụ túc tại chùa Kim Cang11. Năm 1903, Tổ được Hòa thượng Chánh Tâm gửi đến học với Hòa thượng Đạt Thụy Bửu Quang tại chùa Long Triều, làng Tân Nhựt, Chợ Đệm12. Từ chùa Long Triều, Tổ có dịp được tiếp xúc với Tổ Minh Phương Chơn Hương, Tổ Minh Hòa Hoan Hỷ và tham học Trường Phật học Sông Tra, đặt tại chùa Linh Nguyên13, sau đó Tổ đến cầu Chánh pháp nhãn tạng với Tổ Minh Hòa Hoan Hỷ (1846-1916), đời thứ 38 tông Lâm Tế, tại chùa Long Thạnh, Bà Hom14 trở thành đời pháp thứ 39 dòng thiền Lâm Tế phả hệ của Tổ Đạo Mân15.

- Năm 1906, Hòa thượng Đạt Thụy Bửu Quang viên tịch, Tổ trở về chùa Khải Tường mới hay Hòa thượng Chơn Tánh (chùa Khải Tường), Hòa thượng Khánh Phong, chùa Tiên Linh16 đã viên tịch. Ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Mùi (1907), theo lời mời của ông cả Nguyễn Duy Quí (chủ chùa Tiên Linh) và Di chúc của Hòa thượng Chơn Tánh, Tổ đến trụ trì chùa Tiên Linh.

- Từ năm 1920 đến 1947, Tổ đã tích cực thực hiện phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, Việt Nam và nuôi giấu cán bộ hoạt động Cách mạng tại chùa Tuyên Linh17.

Viên tịch

- Cuối năm, 1946 Tổ về nhà ông Đoàn Hạnh Huỳnh ẩn tích. Cũng từ ấy, sức khỏe của Tổ yếu dần. Tháng 2 năm 1947, Hòa thượng Thái Không rước Tổ về chùa Tuyên Linh18. Ngày 19/6/Đinh Hợi (ngày 05/8/1947), Tổ thị tịch tại chùa Tuyên Linh19, thọ 70 tuổi đời, 49 tuổi đạo.

- Khi Tổ Lê Khánh Hòa viên tịch, nhục thân của Tổ được an trí trong khuôn viên chùa Tuyên Linh. Tám năm sau (1955), ngày 10, 11, 12 tháng 5 năm Ất Mùi, Tổ Huệ Quang (lúc này đang là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt) hướng dẫn phái đoàn về Tổ đình Tuyên Linh hợp cùng bổn đạo làm lễ trà tỳ linh cốt Tổ sau đó tro xá lợi được nhập tháp phổ đồng tôn thờ tại chùa Tuyên Linh20. Khi cải táng, ngoài linh cốt Tổ còn có lá y thất khi sinh tiền Tổ đã sử dụng trên 30 năm và đã khâm liệm theo Tổ suốt 8 năm dưới lòng đất không hư hoại21.

Sự nghiệp

Hiện nay, nhiều tác phẩm nói về cuộc đời và sự nghiệp Tổ Khánh Hòa của những nhà nghiên cứu được xuất bản, nội dung đã nêu khá đầy đủ những gì Tổ đã làm được. Tuy nhiên, trong đó còn vài điểm cần bàn thêm, cụ thể như:

Tổ Lê Khánh Hòa người thật đức, thật tài

Tấm gương thật đức

Thuở thiếu thời, Tổ đã toát ra là người có ý chí, đức độ lớn, tham học nơi nào cũng được thầy quý bạn thương. Khi về trụ trì chùa Tiên Linh, được nam nữ lão ấu trong vùng kính trọng, ngay cả bộ ván mà ngài thường nằm người ta cũng xá lạy, nhiều vị đã cúng nhiều ruộng đất cho chùa, giúp Tổ phát triển già lam, hoằng truyền Phật pháp22, hiện nay danh sách ấy vẫn còn tại chùa. Những người bạn của Tổ như Tổ Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Thiện Niệm, Chơn Huệ .v.v... hết mực quý mến23.

Cả đời Tổ sống tương rau đạm bạc, tiết kiệm, thương đạo chúng, thương dân. Trước khi viên tịch còn dặn dò: “... tôi tịch rồi không nên làm tháp. Liệm vào hòm ván mỏng, mặc một cái áo tràng, ngoài đắp một cái y thất điều bình nhựt thường mặc; đầu để trần, chân cũng để trần. Còn quần áo dư cho đạo chúng mặc; hai bên và trên dưới độn lá chuối hoặc rơm, chế dầu đậy nắp thiêu lấy tro để vào cái hũ nhỏ, chôn dưới ghế thờ Tổ. Đợi chừng nào các vị Đại đức Tăng già lập tháp “Phổ đồng” sẽ đem vào đó... Tôi theo luật thanh quy, tiết kiệm, để dư tiền bố thí ...”24.

Tài năng hơn người

Thời vừa tròn 18 tuổi, ngài đã thông kinh sử Nho gia; sau khi xuất gia, chỉ có 7 năm học tập (1896-1904), Tổ đã thành một Pháp sư tài giỏi, được các bậc Tôn túc bấy giờ hết lời khen ngợi khi giảng bộ Kim Cang Chư Gia tại Trường hạ chùa Long Hoa25. Từ đó về sau, năm nào Tổ cũng được Chư tôn mời dạy trường Hạ. Năm 1927, các bậc Tôn túc kỳ đức tại Quy Nhơn như Quốc sư Phước Huệ đã nghe danh Tổ, các ngài đã mời Tổ ra Quy Nhơn giảng Hạ, năm sau lại mời giảng tiếp. Những năm kế sau, Tổ bận việc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam nên không đi nữa.

Từ những việc trên cho thấy tài năng và đức độ của Tổ đã làm cho các bậc kỳ đức vùng miền Trung trọng thị. Đây là điều không thể có mà đã có thật.

Vì đạo quên mình

Hạ mình vì đạo

“Sau khi Tổ cử Thầy Thiện Chiếu ra Bắc bộ vận động chấn hưng Phật giáo thất bại. Tháng giêng năm Kỷ Tỵ (1929), Tổ trở lại quê nhà quyết định đi cổ động chấn hưng Phật giáo miền Nam trước, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ với ba phương châm:

1. Chỉnh đốn Tăng già.

2. Kiến lập Phật học đường.

3. Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.

Chí nguyện cao cả đó là hành trang theo ngài trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ngài đem hết can tràng tha thiết chỉ rõ sự suy đồi và nguy cơ bị tiêu diệt của Phật giáo nếu không sớm chấn hưng. Tuy nhiên, chỉ có các vị như Huệ Quang, Kim Huê, Vạn An, Liên Trì, Viên Giác... tỏ ra đồng tình ủng hộ triệt để và hết lời ca ngợi việc làm cao đẹp này. Ngoài ra, hầu hết chỉ nghĩ đến tông môn mình, chùa mình và từ chối thoái thác cộng tác. Đôi khi Tổ còn bị những người ấy công kích hủy báng hết sức thậm tệ... Nhưng ngài vẫn không nản chí, mà ngược lại càng nhẫn nại và sáng suốt hơn bao giờ hết”26.

Bán chùa lấy tiền làm Phật sự

Năm 1929, trong công cuộc vận động kinh phí để xây dựng Thích Học Đường (trường Phật học), Pháp bảo phường, Duyệt kinh thất, Thư xã, thỉnh Đại tạng kinh... tuy đã có Cư sĩ Lâm Quang Thời và bà Hai Sáng ở Trà Vinh cúng 1.000 đồng (trị giá 100 lượng vàng lúc bấy giờ); bà Ba Ngởi (Lê Thị Nghĩa ở Giồng Trôm, Bến Tre) cúng 300 đồng; Tổ Phi Lai (Hòa thượng Chí Thiền ở Châu Đốc) đóng góp 300 đồng; Hòa thượng Chánh Quả (chùa Kim Huê, Sa Đéc) đóng góp 60 đồng, nhưng vẫn chưa đủ. Tổ về chùa Tiên Linh (chùa Tuyên Linh) mời hết bổn đạo về chùa họp bàn bán ngôi chánh điện chùa Tiên Linh để lấy tiền làm Phật sự. Phật tử đồng ý bán với giá 1.000 đồng, làng Ba Tri mua để làm đình27.

Tích cực hưởng ứng cách mạng

Hấp thụ tinh thần yêu nước từ Tổ Minh Hòa - Hoan Hỷ

Trên bước đường tham học với các bậc Tổ đức, Tổ Khánh Hòa đã hấp thụ tinh thần yêu nước từ Tổ Minh Hòa Hoan Hỷ28. Vì thế về sau, Tổ đã cầu Chánh pháp nhãn tạng nơi Tổ Minh Hòa Hoan Hỷ tại chùa Long Thạnh, Bà Hom29.

Tiếp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về chùa Tuyên Linh

Năm 1920, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) về chùa Tuyên Linh, được Tổ Khánh Hòa quý trọng mời ở lại tại chùa Tuyên Linh, dịch kinh, dạy học và bốc thuốc giúp dân nghèo trong vùng, qua đó vừa che mắt mật thám Pháp vừa tập hợp nhân dân để tuyên truyền lòng yêu nước chống ngoại xâm. Hai nhà trí thức một đời, một đạo gặp nhau cùng chung một mục đích lợi đạo ích đời, đã có những hành động cụ thể mang lại những kết quả thiết thực nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy thời gian ở đây không dài, nhưng cụ Phó bảng đã góp phần gieo những hạt giống tốt cho phong trào cách mạng, phong trào yêu nước. Nhiều học trò của cụ và những người quan hệ với cụ sau này trở thành cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản như: lương y Trần Văn An, Lê Văn Phát, sư Thiện Chiếu, sư Thái Không, sư Thành Nghiêm, sư Thành Chí, sư Thành Đạo, v.v…”30, nhưng rồi giặc Pháp ráo riết theo dõi, lùng bắt những cán bộ Cách mạng, những người dân yêu nước. Năm 1928, Mật thám Pháp để ý đến chùa Tuyên Linh, Tổ thấy không thể che giấu cụ Phó bảng được nữa, nên đã kịp thời tổ chức một chiếc ghe mui bít, và cho 03 người tin cậy là ông Trần Văn Thàng, ông Nguyễn Duy Hòa, ông Đoàn Văn Ngưu nửa đêm đưa cụ Phó bảng đến tận chùa Hòa Long, Cao Lãnh31. Cuối tháng 11/1929, Cụ Phó bảng lâm trọng bệnh và qua đời, đồng bào Hoà An, Cao Lãnh chôn cất tử tế bên cạnh chùa Hoà Long32.

Nuôi giấu cán bộ cách mạng trong chùa

“Thời gian từ năm 1922 đến 1964, chùa Tuyên Linh vừa là nơi tu hành của những vị xuất gia, vừa là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động Cách mạng, trong chùa luôn có khoảng từ 10 đến 15 vị như: cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Nguyễn Văn Đỏ, cụ Nguyễn Văn Bảo, cụ Nguyễn Thế Xương, cụ Ngô Quảng Chương, cụ Phạm Quang Chất, cụ Huỳnh Văn Thình, cụ Huỳnh Văn Trình (Hoài Thanh) v.v...”33.

Vận động Tăng trẻ tham gia cách mạng

“Năm 1937, ở (chiến trường) Nam Bộ, phong trào cách mạng chưa đều khắp, Tổ cho một số sư sãi ra hoạt động: như ông Nguyễn Văn Minh (sau làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ), Thầy Thiện Chiếu v.v..., Lưỡng Xuyên Phật học tạm ngưng hoạt động”34. Việc làm lễ tiễn các vị tu học lên đường tham gia kháng chiến, ông Trần Nguyên Chấn tức tối viết nhiều bài đăng trên Tạp chí Từ Bi Âm đả kích Tổ Lê Khánh Hòa.

Tổ Lê Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo

Tháng 7 năm 1926, sau khi mãn Hạ tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh, Tổ Khánh Hòa đem việc chấn hưng Phật giáo bàn với Hòa thượng Huệ Quang, Tổ chỉ rõ: “Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi, chung quy là do tăng đồ thất học mà ra”. “Tổ vạch ra chương trình:

- Lập hội Phật giáo;

- Thỉnh ba tạng kinh dịch ra chữ quốc ngữ;

- Lập trường Phật học gấp lo đào tạo Tăng tài;

- Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng lại nếp sống v.v...

Tuy nhiên, khi bàn đến bước đi cụ thể thì hai vị đều thấy bốn phương mù mịt, chưa có ai đủ ánh sáng nhận thức để tham gia, và khó khăn nhất là dựa vào nguồn tài chính nào để khuấy động phong trào trong khi hai vị đều nghèo với ngôi chùa ở nơi thôn quê tỉnh lẻ”35.Thế mà Tổ Khánh Hòa đã kiên trì nhẫn nại lặn lội đi khắp các tỉnh miền Tây để vận động, giúp phong trào chấn hưng được luôn tiếp tục và phổ cập.

Tạp chí Pháp Âm mở đầu cho các Tạp chí Phật học ra đời

Ngày 31-8-1929, Nguyệt san Pháp Âm của Phật học thư xã do Tổ chủ trương ra đời, kế đến là tờ Nội san Phật hóa Tân thanh niên, do Thầy Thiện Chiếu cho ra đời, mở đầu cho các tạp chí khác lần lượt ra đời, như:

Tạp chí Từ bi âm (01-01-1932); Nguyệt san Phật học Viên âm (6-1933); Tạp chí Tiếng chuông sớm (1935); Tạp chí Duy tâm Phật học (10-1935); Báo Đuốc tuệ (10-12-1935); Tạp chí Bát Nhã âm (15-3-1936);

Tạp chí Bồ đề (15-8-1936); Tạp chí Tam bảo (1937); Tạp chí Tiến hóa (1938) .v.v...

Tạo điều kiện tốt cho mọi tầng lớp người dân tiếp xúc với Phật pháp.

Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội làm tiền đề để Tổng hội Phật giáo ra đời

Năm 1931, Tổ và các bạn đồng chí hướng của mình thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, năm sau xuất bản tờ Tạp chí Từ Bi Âm (1932). Mục đích của Tổ là làm nền tảng để thành lập một tổ chức Phật giáo toàn quốc. Tuy nhiên, chí nguyện của Tổ đã không thành do nhiều trở lực. Tình thế không thể cứu vãn, Tổ lãnh đạo ở đây chỉ có 02 năm rồi cùng Tổ Huệ Quang lui về Trà Vinh mở trường đào tạo Tăng tài. Mặt khác, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học cũng chưa đưa ra được một mô hình tổ chức Giáo hội vững chãi, phải đợi đến Hội An Nam Phật học tại miền Trung thành lập mới có được mô hình tổ chức gần giống như cơ quan Trung ương GHPGVN hiện nay.

Thích Học đường là tiếng chuông báo hiệu các Phật học đường thành lập

Năm 1928, Tổ cùng Hòa thượng Từ Nhẫn, Hòa thượng Chơn Huệ và Hòa thượng ThiệnNiệm xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont, Sài Gòn. Trong khi đó Tổ cùng các bạn đồng chí hướng quyết định thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học để làm bàn đạp tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội. Năm 1931, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, ngày 01-3-1932, Tạp chí Từ Bi Âm được chào đời, chùa Linh Sơn được lấy làm trụ sở, ngay cạnh khu đất riêng của ông Trần Nguyên Chấn. Ngay sau đó, sáu căn nhà ngói được khởi công xây dựng trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn (gần chùa Linh Sơn) với sự đồng ý của ông này. Khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện (Pháp Bảo Phương) cũng được xây cất trên đất ông Chấn. Bàn ghế tủ giường của Thích Học Đường đã được trang bị cho học tăng nội trú nhưng mãi đến 1934 mà trường này vẫn chưa khai giảng. Việc lập Phật học đường của Tổ Khánh Hòa thất bại vì các ngài đã không nắm được thực quyền trong hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội của họ để khuynh loát và hướng dẫn về một nẻo khác.

Thấy không thể cứu vãn tình hình, năm 1933, Tổ Khánh Hòa cùng Tổ Huệ Quang lui về Trà Vinh lập Liên Đoàn Phật Học Xã, lớp học này có khoảng 50 vị tham dự, nhưng cũng chỉ tồn tại được ba khóa, mỗi khóa 3 tháng. Năm 1934, Tổ lại cùng các đồng chí của mình thành lập Phật học đường Lưỡng Xuyên, tồn tại được 5 năm rồi đóng cửa. Những vị Tăng tiêu biểu của Trường này có thể kể như: Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Chí Quang, Hòa thượng Hiển Thụy, Hòa thượng Chánh Quang... Chương trình học của trường này chỉ ở Trung cấp, muốn học cao hơn phải ra Phật học đường Trúc Lâm (sau dời về chùa Tây Thiên) ở miền Trung.

Chương trình giáo dục của Tổ Khánh Hòa thành tựu không cao, do nhiều trở lực, tuy nhiên tên Thích Học Đường của Tổ đã gióng lên hồi chuông mở màn cho các trường Phật học từ Sơ cấp, Trung cấp đến Đại học Phật học sau này được thành lập khắp cả ba miền, như :

Liên Đoàn Phật Học Xã, Trà Vinh - Bến Tre (1933); Phật học đường Lưỡng Xuyên (1934); Phật học đường Trúc Lâm, Huế (1934); Phật học đường Bằng Sở, Hà Nội (1936), v.v...

Các trường Phật học đã đào tạo được những cao tăng tuy không nhiều nhưng cũng đủ để đáp ứng nhu cầu đạo pháp và dân tộc trong những thập kỷ kế tiếp.

Nhận xét

Tổ Khánh Hòa đã hoàn thành xuất sắc vai trò một tu sĩ (hộ đạo, giúp đời) trong lòng dân tộc. Những năm đầu thế kỷ XX, nội bộ Phật giáo Việt Nam, “đa số Tăng đồ ngày càng lơ là việc học, chỉ chuyên ứng phó, hành trì tín ngưỡng Phật giáo dân gian, chuyên làm những việc của thầy cúng, dẫn đến thực trạng “dốt và hư nát”, không chuyên tu hành, chỉ tham lợi dưỡng. Điều này đã bị các báo phê phán rất gay gắt, những lời phê phán ấy đã thể hiện rất rõ những khía cạnh suy đồi, tiêu cực trong Phật giáo đương thời”36. Bên cạnh đó, tầng lớp thanh niên trẻ ảnh hưởng Tây học ngày càng đông, nhiều tổ chức tôn giáo mới được tách ra từ đạo Phật truyền thống, hoặc có tôn giáo pha trộn với một số yếu tố của các tôn giáo khác, như “Đạo Lành”, “đạo Phật đường”, “đạo Minh sư”, “đạo Phật thầy”, v.v… xuất hiện ở Nam bộ. Hoặc như đạo Cao Đài ra đời vào đầu năm 1926, đã kết hợp Phật giáo với đạo Nho, đạo Lão, đạo Thiên Chúa, v.v… Vì thế, đạo Phật ngày càng mất uy tín đối với quốc dân, quần chúng quay lưng lại với Phật giáo ngày càng đông. Nhiều tín đồ của đạo Phật đã bỏ đạo của mình đi theo đạo khác, nhất là theo đạo Cao Đài, hoặc theo đạo Thiên Chúa, hay là trở thành người không đạo.

Về mặt xã hội, “nền kinh tế, xã hội của Việt Nam đã bước đầu có bộ mặt mới. Sản xuất xã hội đã phần nào mang tính chất tư bản chủ nghĩa, đô thị phát triển, những tầng lớp đầu tiên của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản dân tộc xuất hiện, những yếu tố mới của giai cấp tiểu tư sản thành thị mới nổi lên. Các tầng lớp nầy đã khác nhiều so với các thế hệ trước, khác từng cung cách làm ăn cho đến nếp sống, nếp nghĩ. Tân thư, tân văn từ Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… truyền vào, cộng với các phong trào dân tộc: Đông du, Duy tân, Đông kinh nghĩa thục... đã tác động mạnh mẽ đến họ và mở ra cho họ một chân trời mới của lý tưởng và niềm tin, của suy tư và khát vọng. Rồi theo tác động dây chuyền đến những người nông dân bình thường, đến những người thợ thủ công trong các phường hội, làm cho những người nầy dù bảo thủ đến đâu cũng không thể yên lòng với quan niệm cũ, họ đều cựa quậy để có những thay đổi trong cuộc sống vật chất, và cả trong đời sống tinh thần.

Theo đà trên, nếu đạo Phật không thay đổi thì sẽ có nguy cơ bị diệt vong. Trong bối cảnh như thế, Tổ Lê Khánh Hòa đã xuất hiện làm nên cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Điểm lại bốn tiêu chí mà Tổ Lê Khánh Hòa đã nêu ra để định hướng cho việc chấn hưng Phật giáo, và kết quả như sau:

Việc lập hội Phật giáo

Tuy Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học chưa làm được điều gì đáng kể ngoài phát hành Tạp chí Từ bi âm phổ cập hóa chữ quốc ngữ, nhưng đã tạo tiền đề, vạch hướng để năm 1932, Hội An Nam Phật học tại miền Trung thành lập, tạp chí Viên âm ra đời (1933); năm 1934, Bắc Kỳ Phật giáo Hội thành lập, tạp chí Đuốc tuệ ra đời (1935); năm 1951, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập tại Thừa Thiên Huế, và cuối cùng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”37.

Phiên dịch ba tạng kinh điển Phật giáo ra chữ quốc ngữ

Việc phiên dịch kinh điển, cho xuất bản kinh sách và đăng tải kinh sách Phật giáo trên những tạp chí Phật học có thể nói rằng phong trào Chấn hưng Phật giáo đã đạt được nhiều kết quả. Sự có mặt của các tạp chí bằng quốc ngữ và một số kinh sách phổ thông về Phật học, v.v... với số lượng lớn đã làm cho sự học, hiểu Phật pháp trở nên dễ dàng đối với mọi tầng lớp người dân từ thành thị đến thôn quê. Thêm vào đó, những buổi diễn giảng Phật pháp đã tạo cơ hội cho nhiều người từ hàng trí thức cho đến bình dân làm quen với Phật pháp.

Lập trường Phật học đào tạo Tăng tài

“So với số lượng tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số tăng sĩ được đào tạo tại ba miền không thấm vào đâu. Số lượng tăng ni được trực tiếp đào tạo không vượt quá số 500 vị, trong số đó chỉ có khoảng một phần mười gọi là xuất sắc. Tuy vậy, trong khoảng năm 1945-1975, thiểu số này đã tạo được ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt văn hóa và chính trị quốc gia. Đứng về phương diện văn hóa, có thể nói là phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần đáng kể trong việc xác định rằng yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho văn hóa Việt Nam”38.

Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng lại nếp sống, v.v...

“Nguyệt san Pháp âm là cột mốc, là điểm khởi đầu của lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Tuy chỉ ra được một số, nhưng sự có mặt của nguyệt san Pháp âm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, đối với Phật giáo Việt Nam và lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tờ báo in chữ quốc ngữ, dành toàn nội dung thông tin về các vấn đề Phật học, tín ngưỡng; phê bình, bày tỏ thái độ về các vấn đề Phật giáo trước công luận; đề xuất hướng điều chỉnh nhận thức và hành động để xây dựng một nền Phật giáo phù hợp với nhân sinh, thời đại. Những nội dung về chấn hưng Phật giáo được đặt ra trong các bài viết của Tổ Lê Khánh Hòa là nền tảng, mục tiêu cho phong trào chấn hưng, cho sự điều chỉnh và phát triển Phật giáo, ảnh hưởng lâu dài sau đó”39. Phật hoá Tân thanh niên chỉ ra được 1 số vào cuối năm 1929, đây chính là hậu thân, sự nối dài của Pháp âm, tiếp tục tiếng nói của Pháp âm, nhấn mạnh ở khía cạnh hành động. Tất cả tạp chí này ra đời là một sự nỗ lực vượt bực của Tổ Khánh Hòa và Thầy Thiện Chiếu, vượt lên tất cả những trở ngại của tinh thần thủ cựu, của thời cuộc vàng thau lẫn lộn.

Từ đó, nhiều tạp chí Phật giáo ra đời. Các tạp chí Phật học thường đăng những bài nói về Phật giáo với khoa học, cho rằng trong các tôn giáo chỉ có đạo Phật là đạo “khoa học” hơn cả. Thượng thư Bộ Quốc gia Giáo dục của chính phủ Nam Triều thời ấy là Phạm Quỳnh trong dịp viếng thăm hai Phật học đường Báo Quốc và Tường Vân ngày 29-5-1937 đã nói: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học”40.

Một số lãnh vực khác

* Đưa tuổi trẻ vào đạo Phật

Có thể nói, đây là một trong những thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo. Vào khoảng 1940, các hội Phật giáo chú trọng đặc biệt đến giáo dục thanh thiếu niên, nhất là ở Trung kỳ. Hội An Nam Phật học mở một lớp đặc biệt dạy về Phật học, Lão học và Khổng học cho thanh niên tân học. Sau đó, đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục được thành lập. Đoàn Phật học Đức Dục lập tức tổ chức Phật Học tùng thư, xuất bản sách cho tuổi trẻ đọc. Những tác phẩm Phật giáo Sơ học, Phật giáo và Đức dục, Đời vui, Nghĩa chữ Cho, Thanh niên Đức dục, Phật giáo và thanh niên Đức dục, Đời sống vui, v.v... được xuất bản liên tiếp. Đồng thời, những lớp thiếu niên Phật tử được thành lập đánh dấu sự phát động phong trào thanh niên Phật tử tại Việt Nam.

* Tham gia hoạt động xã hội

“Hội Phật học Kiêm Tế chứng minh đường lối nhập thế của mình bằng cách tổ chức phát thuốc, chẩn tế, nuôi dưỡng cô nhi. Nhưng hội cũng ngấm ngầm tổ chức kháng chiến bạo động. Chùa Tam Bảo ở Rạch Giá bị nhân viên mật thám Pháp vây bắt, lục soát. Họ tìm ra được nhiều tạc đạn nội hóa và truyền đơn cách mạng. Hòa thượng Trí Thiền, Hội trưởng của hội cùng nhiều cộng sự bị bắt bớ, tra tấn, và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo. Ảnh hưởng của Hội Phật học Kiêm Tế vì vậy cũng không được sâu rộng và lâu dài”41.

Những nội dung trên cho thấy phong trào chấn hưng Phật giáo kết quả không cao, nhưng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của Đạo pháp, Dân tộc lúc bấy giờ.

Kết luận

Biết xưa vì nay là một trong những mục tiêu nghiên cứu lịch sử, “Những thành công và hạn chế của phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX là những bài học quý báu đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, trong việc giải quyết những thách thức đã và đang đặt ra cho Giáo hội, như:

- Đổi mới về phương thức tu tập và hành trì của các tu sĩ phù hợp với sự phát triển và biến đổi của xã hội;

- Phối hợp giữa hàng tu sĩ và hàng cư sĩ trong việc hình thành một đội ngũ tăng già cốt cán đủ mạnh để lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam;

- Vấn đề Việt ngữ kinh điển Phật giáo,

- Việc đề cao tư tưởng “Nhân gian Phật giáo”,

- Vấn đề chương trình đào tạo Tăng Ni có sự kết hợp hài hòa giữa nội điển và ngoại điển, giữa Phật học và thế học, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu, chú trọng đến việc hướng Tăng Ni học tập các nghề nghiệp xã hội, v.v…”42.

Vì thế, chấn hưng Phật giáo không chỉ là việc của quá khứ, mà là yêu cầu của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Những lý do phải chấn hưng Phật giáo như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, v.v... đã nói, được đăng tải trên các tạp chí thời chấn hưng. Lịch sử quá khứ cho thấy Phật giáo thịnh thì đất nước thịnh, lợi ích của Phật giáo gắn liền với lợi ích dân tộc. Vì thế, chấn hưng Phật giáo chính là góp phần xây dựng đất nước hưng thịnh, vững mạnh.

Những hiện tượng Phật giáo suy thoái được ghi nhận trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đến nay đối với chúng ta không phải là việc dĩ vãng, mà là chuyện hiện tại, trong thời gian gần đây báo đài đưa tin những hình ảnh không đẹp của một số tu sĩ đã làm Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội ưu tư, những hình ảnh này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong thật tế còn xa hơn, còn nhiều hơn thế nữa. Điều đó, khiến chúng ta thấy rằng, hôm nay nếu đặt lại vấn đề chấn hưng Phật giáo, thì không phải là việc cũ, mà là việc mới, và hết sức cấp thiết.

Kiến nghị

Từ những nội dung đã nêu, chúng tôi xin được mạo muội kính trình Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, quý cơ quan chức năng bốn kiến nghị như sau:

1. Để nêu gương bậc trọn đời hy sinh vì Đạo pháp, dân tộc nhằm giáo dục thế hệ hậu tấn học tập và noi theo gương lành các bậc tiền bối, chúng tôi kính thỉnh Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội hàng năm nên dành một ngày tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm Tổ Lê Khánh Hòa.

2. Chùa Tuyên Linh nơi đã sản sinh ra Tổ Lê Khánh Hòa và cũng là nơi Tổ Lê Khánh Hòa dừng chân về cõi Phật. Vì thế, chúng tôi kính thỉnh Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội công nhận chùa Tuyên Linh là “Tổ đình Tuyên Linh”.

3. Với tầm thấy xa trông rộng, đạo hạnh thanh cao, tràn đầy nhiệt quyết, dày công xây đắp cho Giáo hội của Tổ Khánh Hòa như thế, thật xứng đáng là vị Tổ có công đầu trong thời cận - hiện đại không chỉ riêng của Phật giáo Miền Nam Việt Nam mà là chung cho cả nước Việt Nam. Vì thế, chúng tôi kính thỉnh Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội suy tôn Hòa thượng Lê Khánh Hòa là “Tổ Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời cận - hiện đại”.

4. Trước bối cảnh xã hội tám, chín mươi năm trước như đã nêu, Tổ Khánh Hòa đã xung phong giương ngọn cờ đầu, làm nên cuộc chấn hưng Phật giáo, đem lại lợi ích lớn lao cho Đạo pháp, cho dân tộc Việt Nam. Với những hình ảnh không đẹp của một số tu sĩ hiện nay như báo, đài đã đưa tin, chúng tôi kính thỉnh Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội sớm tìm ra giải pháp thích hợp để tiếp tục công cuộc chấn hưng Phật giáo trong thời hiện tại, để Phật giáo hoàn thành thật tốt vai trò của mình trong lòng dân tộc.

 


* Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre.

1. Theo Giáo sư Trí Không, tên thật Nguyễn Văn Tài, bút danh Trí Không. Ông sinh năm 1937, quê quán làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông đã từng tham học và tốt nghiệp chương trình các trường như: Trung đẳng Ấn Quang Sài Gòn năm 1957; Tú tài toàn phần năm 1962, Cao đẳng Vạn Hạnh năm 1966, Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1968; Chính trị triết học Mác Lê-nin tại Sài Gòn năm 1977. Ông đã từng giữ các chức vụ như: Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) năm 1963; Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Long Xuyên năm 1969; Giảng viên Đại học Văn khoa và Sư phạm Cần Thơ năm 1972-1975; Giảng viên Đại học tại chức liên tỉnh Cửu Long - Đồng Tháp tại Vĩnh Long năm 1982-1990, Giáo thọ sư Phật học viện Đại Tòng Lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1990-2012. Ông có soạn tác khoảng 15 đầu sách giáo khoa Phật học, như: Phật học toàn thư tiểu cấp, trung cấp, cao đẳng (Giáo lý, giáo sử); Giáo trình chữ Nôm; Chư kinh yếu tập (100 bài kinh dịch nghĩa); A hàm giảng yếu; Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi; Đời hoằng hóa của Tổ Lê Khánh Hòa, v.v...

2. Linh vị Cụ tổ Khánh Hòa được các đệ tử của Cụ tổ khắc năm 1947 hiện đang thờ tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Nội dung Linh vị ghi: “Lâm Tế Chánh tông tam thập cửu thế húy Như Trí thượng Khánh hạ Hòa đại lão Hòa thượng. Sanh Mậu Dần niên tứ ngoạt nhị thập nhị nhựt Thìn mạt thời. Tịch Đinh Hợi niên lục ngoạt thập cửu nhựt Ngọ thời”. [Tạm dịch: Linh vị Đại lão Hòa thượng đời thứ 39 tông Lâm Tế, húy Như Trí hiệu Khánh Hòa. Sinh cuối giờ Thìn ngày 22/4/ Mậu Dần (1878). Tịch giờ Ngọ ngày 19/6/Đinh Hợi (1947)]

3. Tờ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Cụ tổ Khánh Hòa truyền cho đệ tử là Hòa thượng Hồng Ảnh (cố trụ trì chùa Huệ Quang, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hiện nay). Tờ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Cụ tổ Khánh Hòa truyền cho đệ tử là Hòa thượng Hồng An (cố trụ trì chùa Phú Long, xã Phú Mỹ, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hiện nay).

4. Lược sử Phật giáo Việt Nam, Lê Thanh Tòng, trang 201.

5. Nguyễn Duy Sáu còn gọi là Sáu Đẩu, sinh năm 1918, tại xã Minh Đức, cháu đời thứ 5 của ông Nguyễn Duy Trới [người lập chùa Tuyên Linh; 1. Nguyễn Duy Đảnh và Nguyễn Duy Trới (hai anh em ruột), 2. Nguyễn Duy Quý (con ông Nguyễn Duy Trới),

3. Nguyễn Duy Hòa, 4. Nguyễn Duy Sáu]. Nguyễn Duy Sáu là một Phật tử trí thức địa phương, được Chính phủ tặng 2 Huy chương hạng nhất. Con gái ông là Nguyễn Thị Minh Châu được Chính phủ tặng Huy chương hạng nhất. Ông nay đã 98 tuổi. Ông hiện ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

6. Lược sử Phật giáo Việt Nam, Lê Thanh Tòng, trang 201.

7. Tiểu sử Cụ tổ Lê Khánh Hòa, bản viết tay rất cũ tại chùa Tuyên Linh do TT. Thích Thiện Huệ cung cấp.

8. Đoàn Trọng Xê còn gọi là Lê Trương hay Tư Trương, pháp danh Chơn Tánh, sinh năm 1942 (theo giấy Chứng minh nhân dân), tại xã Minh Đức, tham gia cách mạng ngày 05/3/1960. Cán bộ sơ cấp Đảng năm 1962 ở R. Từ 1962 đến 1966 học Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 4 (Mễ Trì) được đề bạt cán bộ Trung cấp Đảng. Tốt nghiệp Đại học - Hà Nội. Nay ông đã 78 tuổi (tuổi thật) hiện ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

9. Chùa Kim Cang, Tân An hiện nay là chùa Kim Cang, số 109/1, Quốc lộ 1A, ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

10, 11. Tìm lại cội nguồn, tác giả Đoàn Trọng Xê, bản thảo năm 1982 đến nay (2015) vẫn còn đang viết.

12. Chùa Long Triều, làng Tân Nhựt, Chợ Đệm xưa hiện nay là chùa Long Triều, số D3/87, ấp 4, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

13. Chùa Linh Nguyên xưa hiện nay là chùa Linh Nguyên, ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và Chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, Hữu Trí, nguồn: Website Chùa Phật học Xá Lợi.

14. Chùa Long Thạnh, Bà Hom xưa hiện nay là chùa Long Thạnh, số 1756, tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

15. Tờ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Cụ tổ Khánh Hòa truyền cho .... TL đd.

16. Chùa Tuyên Linh, ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre hiện nay, trước năm 1927 có tên là chùa Tiên Linh (Tiên Linh Tự). Năm 1927, Tổ Khánh Hòa và bổn đạo nhất trí đổi tên chùa Tiên Linh thành chùa Tuyên Linh (Tuyên Linh Tự), tên này sử dụng đến hiện nay.

17. Sơ lược tiểu sử ngôi Tam bảo Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bản viết tay ngày 20/6/1989, của ông Nguyễn Duy Sáu (đệ tử tại gia của Cụ tổ Khánh Hòa, hiện trú gần chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre, lúc bấy giờ ông đã ngoài 70 tuổi).

18. Đoàn Trọng Xê, đd.

19. Linh vị Cụ tổ Khánh Hòa.... TL đd.

20. Việt Nam Phật giáo sử luận tập I-II-III, Nguyễn Lang, NXB Văn học, HN, 2000.

21. Lá y của tổ Khánh Hòa hiện còn tại chùa Vĩnh Bửu, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

22. Sơ lược tiểu sử ngôi Tam bảo Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bản viết tay ngày 20/6/1989, của ông Nguyễn Duy Sáu (đệ tử tại gia của Cụ tổ Khánh Hòa, hiện trú gần chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre, lúc bấy giờ ông đã ngoài 70 tuổi).

23. Việt Nam Phật giáo sử luận tập I-II-III, sđd, tr 793.

24. Hai tờ di chúc, Tự Giác đăng trong Tạp chí Tiến Hóa.

25. Chùa Long Hoa xưa, hiện nay là Sắc tứ Long Hoa Tự, số 131/27, đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

26. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thích Đồng Bổn chủ biên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 178.

27. Hội thảo khoa học 300 Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, tr 191.

28. Hòa thượng Minh Hòa - Hoan Hỷ (1846 - 1916), thế danh Nguyễn Thiên Hỷ, sinh năm Bính Ngọ (1846), tại ấp Giồng Cám, Đức Hòa, Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), tịch ngày 26/01/Bính Thìn (1916), thọ 71 tuổi đời, 54 tuổi đạo. Năm 1862 (17 tuổi), Ngài xuất gia học đạo với Tổ Tiên Cần - Từ Nhượng tại chùa Long Thạnh. Ngài là một Tăng sĩ yêu nước đã tham gia phong trào chống Pháp ở Hội Kín Nam kỳ [hình thành năm 1885, do Nguyễn Văn Bường, Phạm Văn Hớn (Quản Hớn) chỉ huy]. Chi tiết quan trọng trong việc trực tiếp dấn thân giúp nước cứu đời của Ngài trong sự hy sinh cho phép “sát nhứt miêu, cứu vạn thử” là đêm 30-01-1882, Ngài cùng nghĩa quân (Nguyễn Đăng Hòa, Phan Văn Hớn) v.v... chiếm phủ đường Hóc Môn giết chết tên Đốc phủ Trần Tử Ca (Đốc Phủ Ca). (Tham khảo Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, sđd).

29. Chùa Long Thạnh, Bà Hom xưa, hiện nay là chùa Long Thạnh, số 1756, tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

30. Hiến chương GHPGVN, năm 1981, lời nói đầu.

31. Chùa Hoà Long hiện nay tại phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

32. Chùa Tuyên Linh nơi lưu trú của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Nguồn Nguoibentre.vn).

33. Sơ lược tiểu sử ngôi Tam bảo Tuyên Linh, xã Minh Đức,... TL đd.

34. Đoàn Trọng Xê, đd.

35. Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng, NXB Văn học, H, 2012, tr 208.

36. Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, sđd, tr 206.

37. Hiến chương GHPGVN, năm 1981,... đd.

38. Việt Nam Phật giáo sử luận tập I-II-III, Nguyễn Lang, Nxb Văn học, xuất bản năm 2000, tr. 774.

39. Lịch sử Báo chí Phật giáo Việt Nam, Thích Tâm Hải.

40. Việt Nam Phật giáo sử luận tập I-II-III, Nguyễn Lang, .... đd, tr. 775.

41. Việt Nam Phật giáo sử luận tập I-II-III, Nguyễn Lang.... đd, tr. 779.

42. Chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay, tác giả Minh Thạnh. Website: phattuvietnam.net đăng ngày 11/08/2013.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952555