Thông tin

CUỘC HÀNH TRÌNH TÂY TRÚC VÀ TINH THẦN NHẬP THẾ

CỦA THIỀN SƯ MINH TỊNH

VÀO THẬP NIÊN 30 CỦA THẾ KỶ XX

 

TRẦN MINH QUANG
Ủy viên Ban Chấp hành
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương

 

Hầu hết những người con Phật đều có một ước nguyện là một lần trong đời được đến chiêm bái phật tích (từ động tâm) nơi ra đời và hành đạo của Đức Phật Thích Ca.

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX trở về trước, việc xuất ngoại để chiêm bái, nghiên cứu, học Phật tại Ấn Độ của giới Phật giáo là cả một vấn đề khó khăn, nếu không có ý chí, lòng kiên nhẫn và điều kiện thuận lợi thì khó có thể thực hiện.

Mỗi quốc gia, mỗi một địa phương qua từng giai đoạn lịch sử đều có những nhân vật siêu phàm xuất hiện để thực hiện những hoài bão lớn lao mà thường khó có ai làm được. Dù không thể so sánh với nhà học giả uyên thâm cả về đạo học lẫn thế học như ngài Trần Huyền Trang đời nhà Đường (Trung Hoa) sang Tây Thiên thỉnh kinh, thế nhưng việc Thiền sư Minh Tịnh ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) là một trong những người đầu tiên của Việt Nam, tự túc sang chiêm bái các Phật tích ở Ấn Độ, Tây Tạng, Népal trong cuộc hành trình dài hơn 2 năm (1935-1937) và trong điều kiện hết sức khó khăn vào những thập niên đầu của thế kỷ XX được xem là sự kiện phi thường rất đáng tôn vinh khâm phục.

Khác với chuyến đi của Hòa thượng Từ Văn chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) sang Pháp vào năm 1920 với nhiệm vụ làm chủ lễ cầu siêu tại Marseille do sự thỉnh cầu theo lời mời của toàn quyền Pháp Đông Dương, thiền sư Minh Tịnh ra đi tìm để hiểu, chiêm bái Phật tích bằng ý chí và lòng phát nguyện của mình trong bối cảnh lịch sử mà Phật giáo nước nhà trong cao trào bừng dậy cuộc chấn hưng Phật giáo. Lúc bấy giờ, trong suy nghĩ của thiền sư Minh Tịnh: “Muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp”. Với ý chí, tư duy đó, ngài quyết tâm lên đường, ngài đã xuống bến Nhà Rồng vào lúc 17 giờ ngày 17/4/1935 để khởi sự hành trình về xứ Phật.

Trong gần 3 năm chiêm bái, nghiên cứu Phật học cũng như tìm hiểu kho tàng văn hóa của xứ sở đa thần giáo, thầy Minh Tịnh đã ghi rất đầy đủ, khá chi tiết từng sự kiện trong nhật ký hơn 300 trang của mình. Đọc nhật ký, chúng ta thấy rõ ở con người bình dị, thanh thoát của thiền sư Minh Tịnh, ngài đã ghi rõ từng chi tiết ở các nơi của từng địa phương mà ngài đã đi qua. Nhật ký được thể hiện bằng lời văn vừa bình dân, vừa bác học, nhưng lại mang đậm màu sắc nhân văn và ta thấy rõ nơi đây chứa đựng cả một tâm huyết và ý chí mãnh liệt của bậc chân tu.

Hành trình suốt 15 ngày đêm, vào ngày 31/4/1935, thầy Minh Tịnh đã đến xứ Tây Thiên, ngài vào thành Ba La Nại (Bénarés) ở Lộc Giã Viên (Sarnath) nơi đức Phật tiếp độ 5 anh em Kiều Trần Như, đây là nơi hình thành 3 ngôi báu (Phật – Pháp - Tăng) đầu tiên của đạo Phật. Nơi đây, thiền sư Minh Tịnh phải sống ròng rã hai tuần lễ trong những ngôi chùa của đạo Hindou, ngài áp dụng phương pháp “Nhập gian tùy khúc, đáo xứ tùy nhơn”, linh động hòa nhập theo các nghi thức tế lễ cúng thần linh, nghi tế lễ Bò (vị thần của đạo Hindou), nếu không có lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng thì khó có thể hòa nhập vào cuộc sống nơi đây, nhất là sống với những người không cùng mục đích và lý tưởng với mình.

Bản thân tôi rất xúc động khi đọc quyển nhật ký của ngài đã ghi lại vào một đêm ở chùa ngoại đạo: “Trong lúc ngồi thiền một cảm giác khác thường bất chợt đến trong tôi, sự lẫn lộn giữa niềm vui lẫn nỗi buồn nó cứ đan xen vào tâm thức, dòng nước mắt lại trào dâng đến nỗi thấm ướt cả lòng bàn tay ngửa trong tư thế kiết ấn thiền tọa và chưa bao giờ mà bần tăng loạn tâm như thế này...!”. Tôi vừa cảm động, vừa khâm phục khi thiền sư Minh Tịnh đã can đảm nói lên dòng cảm xúc của mình đến đỗi phải tuôn đôi dòng lệ dù đây là sự loạn tâm. Ở đây nước mắt của thầy là dòng nước mắt của sự cảm xúc khi được về mảnh đất của đức Từ phụ mình, thầy Minh Tịnh ví như: “Khác nào con trẻ chơi xa, trở về nhà đặng thấy mẹ, sa vào lòng mẹ vui vẻ khôn cùng...”. Thật vậy, cho dù bất cứ ai khi được một lần về mảnh đất, quê hương nơi vị giáo chủ khai sáng ra tôn giáo mình đang theo mà không hạnh phúc đến trào dâng nước mắt? Thầy Minh Tịnh cũng không ngoại lệ.

Sông Hằng là con sông mà không biết bao nhiêu người dân Ấn Độ đã xem nó là con sông linh thiêng nhất. Trong kinh, Đức Phật đã diễn tả nhiều cuộc tranh luận giữa ngài với các nhà sư ngoại đạo về niềm tin mê tín của dòng sông huyền thoại vô tri này. Thiền sư Minh Tịnh đến sông Hằng. Nơi đây, thầy đã tận mắt chứng kiến mọi sự tu hành khổ hạnh, ép xác, nhịn ăn, nhịn uống và rất nhiều lối tu cực kỳ đau khổ của các nhà sư hành đạo nơi đây như: phù thủy, bùa chú. Đạo thần có: sơn thần, thọ thần, hỏa thần, thủy thần. Đạo quỷ có: la sát, quỷ xà, ngưu mã, yêu tương, quỷ điểu, chằng tinh... Các đạo này với những nghi thức tu hành như đứng một chân, trồng chuối ngược, ngồi dưới nước, chôn mình dưới cát và có đạo lõa thể... có trước thời đức phật, mỗi tín đạo của đạo nào phải có nhiệm vụ cúng tiền hay phẩm vật cho vị sư của đạo đó và đây cũng là sự sống của họ. Sự tu hành khổ hạnh của họ đã làm cho Thiền sư Minh Tịnh ngậm ngùi thương cảm:

Trong vùng ngoại đạo cõi Tây Thiên

Thích tử vào ra luống ngậm phiền

Nguồn cội nở quên vùi phật tánh

Xuống lên ba cõi nghiệp không yên”.

Trải qua những ngày tháng thừ thách sống chung với những người không cung đạo cuối cùng: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Thiền sư Minh Tịnh cũng được đến và cùng sống chung tu tập với những hành giả đồng đạo ở những nơi ra đời và hành đạo của đức Phật theo nguyện ước của mình.

Trong thời gian ở thành Ba La Nại, thầy đến vườn Lộc Giã (Sarnath) xin nhập chúng tu tập tại đây 10 tháng, rồi đến Boudhagaya (nơi Đức Phật thành đạo) thầy Minh Tịnh chiêm bái và tư duy về sự tu chứng của đức Phật. Hàng đêm ngài trì tụng kinh Pháp hoa theo sở tu của mình.

Ấn Độ chỉ là nơi Đức Phật tu tập và truyền đạo, còn xứ sở băng tuyết Hìmalaya thuộc địa phận Népal mới là nơi thái tử Sĩ Đạt Ta (Đức Phật) ra đời. Từ Boudhagaya thầy phải mất 6 ngày mới đến Hy Mã Lạp Sơn, nơi đây mùa đông chỉ toàn là băng tuyết, hầu hết không ai có thể chịu nổi cái xứ sở lạnh giá này trừ những con người có ý chí và lòng kiên nhẫn. Và cũng chính nơi đây mảnh đất băng giá này đã sinh ra một con người giác ngộ, trí tuệ đã chiến thắng được chính mình. Quả đúng như lời của Tổ sư Hoàng Bá: “... Nếu chẳng một phen sương xuống lạnh, hoa mai đâu dễ trổ mùi hương”.

Minh Tịnh vô cùng hạnh phúc khi mà ngài đã được về quê hương của vị giáo chủ mình ra đời. Ngài đến Lumbini (nơi đức Phật giáng sanh), đến thành Ca Tỳ La Vệ (nơi hoàng cung một thời vàng son của thái tử Sĩ Đạt Ta) để chiêm bái. Đặc biệt trong chuyến đi đến Népal của ngài là được chiêm bái ba ngôi đại tháp thờ Xá Lợi Phật lớn nhất ở Népal; tháp Simb-Nath; tháp Boudha-Nath; tháp Nam mo- Bouddha. Hầu hết Xá Lợi Phật đều được đưa về xứ sở Himalaya để tôn thờ. Vì trong cuộc chiến tranh xâm lược của Anh quốc đến Ấn Độ đã tàn phá một số di tích của Phật giáo. Để bảo tồn di vật tôn quý này, nên quý lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ mới đưa các Xá Lợi Phật sang xứ Népal tôn thờ và cũng để tránh sự hủy hoại của chiến tranh. Một sự kiện hy hữu và cảm động biết bao, khi thiền sư Minh Tịnh 3 lần sắm lễ vật để xin được đảnh lễ Xá Lợi Phật, đối trước vị Thượng tọa Lam người cai quản tháp, Minh Tịnh đê đầu, rơi lệ nhớ đến bổn sư ở quê hương An Nam chưa từng được tận mắt nhìn thấy Xá Lợi Phật, nên mong ước làm sao được thỉnh Xá Lợi về xứ An Nam để cho thầy bổn sưcũng như toàn thể phật tử An Nam chiêm bái. Sau nhiều lần đảnh lễ thỉnh cầu. Cảm phục đức hạnh và lòng hiếu đạo của thầy, nên vị thượng tọa quản tháp dâng cúng Xá Lợi cho thầy để đem về xứ An Nam làm lợi ích cho chúng sanh. Hạnh phúc và sung sướng tràn ngập trong lòng, thiền sư Minh Tịnh tỏ bày: “...Xá Lợi có hào quang ngời chói, màu hồng bạch tốt tươi, dầu cho ngọc dồi cũng không tày. Vật vô giá quý thay! Đó là nhơn duyên đặng Xá Lợi. Khi biết Nam Việt là chỉ muốn khảo cứu Phật đạo Tây Thiên, chớ không có cái hạnh nguyện nào về sự cầu Xá Lợi. Đó là sự tình cờ, bất cầu tự chí, hạnh phúc toàn cõi nước Việt Nam, nên mới đặng như vậy’’. Ngài cảm động nói:

Đầu non tuyết đóng đá thoa vôi

Hạnh gặp chơn tu nhập định ngồi

Trên mặt gương lành bày mấy nét

Trước đơn bần đạo vẻ thương ôi!

Thiên nhiên đoạt lý luân hồi quả

Tục luy trưng duyên đoạn nghiệp nhồi

Hi Mã mách đường tầm xá lợi

Bái từ đại đức nguyện như lời”.

Có thể nói vào những thập niên 30 - 40 ở miền Nam Việt Nam đây là lần đầu tiên Xá Lợi Phật được thỉnh từ Tây Thiên do thiền sư Minh Tịnh mang về tôn trí tại tổ đình Thiên Thai của tổ sư Huệ Đăng.

Sau 12 ngày lưu trú tại xứ sở băng tuyết của Népal, thầy trở về Bồ Đề Đạo Tràng và sau đó ngài xin tổ chức hội để được đi sang đất Tây Tạng xứ sở của Phật giáo. Mọi duyên lành đã đến thầy, được tổ chức hội chấp thuận và cử vị Lama cùng đi với thầy đó là: Ngài Lama Gava-Sandhen và 3 đồ đệ của Sandhen là: Champa Choundouss Lama; lsê Lama; lsess Champa. Vào ngày 27/2/1936 (5/2 ÂL) ngài cùng các vị Lama khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng đi Tây Tạng. Họ đi bằng tàu hỏa, ngựa và đi bộ, suốt hơn 3 tháng ròng mới đến thành LhaSa kinh đô nước Tây Tạng. Thầy Minh Tịnh kể về chuyến đi này đầy gian nan, cực khổ. Mùa đông thì băng giá thấu xương, mùa hạ thì khô da cháy thịt, trèo núi băng rừng... đi tới đâu thì phải tùy thuận vào đời sống của từng địa phương, vì dân mỗi vùng có phong tục khác nhau. Những vị Lama cùng đi với thầy họ tu theo hệ tiểu thừa nên họ ăn thịt và uống “xăng” (thứ nước có gas). Còn thiền sư thì dùng trai, độ ngọ. Đi tới đâu ngài học cách sống và tìm hiểu phong tục nơi đó, khi rảnh thầy học tiếng Tây Tạng. Chính ý chí mãnh liệt này của thầy đã làm cho quan Thừa tướng Tây Tạng phải khâm phục khi mới gặp ngài lần đầu lúc mới đến kinh đô DhaSa. Ở Tây Tạng, Quốc vương cũng là đại đức Lama. Thầy Minh Tịnh đến chiêm bái một ngôi chùa gọi là quốc tự của Vương quốc, ngôi chùa rộng lớn làm toàn bằng vàng có hàng chục nóc nhà xem uy nghi, tráng lệ. Ở Tây Tạng chùa rất đẹp, rất rộng mỗi ngôi chùa có hàng trăm, hàng ngàn tăng sĩ ở tu tập. Thầy Minh Tịnh ở tại dinh Thừa Tướng được 5 ngày, sau đó mới đi yết kiến Quốc vương Tây Tạng.

Trước khi đến với nhà vua, phải sắm lễ vật dâng Quốc vương theo tục nghi của Tây Tạng. Sau 3 lần dâng lễ đại đức Lama Quốc vương, thầy Minh Tịnh mới được Quốc vương tâm ý khen ngợi là ngài có tinh thần cầu đạo, đây là bật chân tu của xứ An Nam. Vào ngày 4/10/1936 (19/8 ÂL), Minh Tịnh xin được cầu pháp với Lama Quốc vương. Quốc vương chấp thuận và tâm ấn trao cho nhiếp chính vương Lama ngự bút ban đặt cho pháp danh: Thubten- Osall Lama. Thầy Minh Tịnh là một trong những nhà sư ngoại quốc hy hữu được Quốc vương Lama Tây Tạng ban đặt pháp danh. Ngụ ý pháp danh: Thubten là tên của Lama Thái Thượng Hoàng, Thubten cũng còn gọi là kim cương bền vững. Còn chữ Osall là ánh sáng mặt trời và cũng là tên của Quốc vương Lama đương kim. Với ý nghĩa pháp danh mà Quốc Vương ban cho, đây là niềm danh dự cao quý nhất đối với thiền sư Minh Tịnh trong chuyến du hành chiêm bái xứ sở Phật giáo. Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, tu tập, chiêm bái ở Tây Tạng thầy Minh Tịnh đã chứng được sở tu và hành trì về pháp môn thiền định từ các vị cao tăng Lama trong đó có sự truyền thừa từ đại đức Lama Quốc vương.

Sau khi đạt thành sở nguyện vào ngày 29/10/1936 thầy BiIKhu. Thubten - Osall trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và tiếp tục tu tập, làm phật sự, đi chiêm bái một số phật tích ở khu vực cũng như các nước lân cận...

Đối với thiền sư Minh Tịnh được về xứ Phật đó là hạnh phúc lớn nhất trong đời tu hành của một vị xuất gia, nên ngài luôn tin tấn hành trì, tụng niệm, nghiên cứu và thực hành trong suốt thời gian ngài sống tại nơi đây.

Vào ngày 14/6/1937, thầy Minh Tịnh trở về Việt Nam và kết thúc cuộc hành trình Tây Thiên Trúc của mình. Ngài về tới Việt Nam vào lúc 7 giờ sáng ngày 30/6/1937 (22/5 năm Đinh Sửu).

Hơn 2 năm! 2 năm của ý chí và lòng kiên nhẫn của thiền sư Minh Tịnh đã để lại trọn vẹn cuộc đời hành đạo của ngài; đã để lại cho mai hậu tấm gương một con người dũng cảm đã chiến thắng mọi nghịch cảnh để đạt được tâm nguyện hướng về chân lý trong cuộc hành trình về xứ Phật của mình.

Ai cũng có một lần đi và về, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã để lại được những gì cho cuộc hành trình trên con đường chân lý ấy. Chúng tôi cũng có túc duyên và diễm phúc được đi hành đạo và tham quan nhiều nước trên thế giới và được một lần về chiêm bái phật tích ở Népal và Ấn Độ như thiền sư Minh Tịnh, nhưng đối với chúng tôi không thể so sánh được với người xưa, đó là lòng kiên nhẫn, ý chí và tinh thần chiến thắng mọi nghịch cảnh của chính mình nhất là ở hoàn cảnh thời đại cách nay gần 3/4 thế kỷ.

Thiền sư Minh Tịnh tên thật là Nguyễn Tấn Tạo (ông Mười Tạo) sinh năm 1888, tại thôn An Thạnh, Thủ Dầu Một. Ngài là người trí thức am hiểu đông và tây học, làm công chức ngành y tế thời Pháp. Ông nghiên cứu Phật học từ năm 16 tuổi, sau đó xuất gia với Hòa thượng Ấn Thành - Từ Thiện chùa Sắc Tứ thiên Tôn với pháp danh: Nhơn Phổ - Nhẫn Tế thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40. Sau này thầy Nhơn Phổ cầu pháp và thụ giới với hòa thượng Ngộ Định - Từ Phong trong đại giới đàn năm Quý Dậu. Ngài chu du cầu thầy học đạo và được Tổ sư Huệ Đăng tông phái Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội tiếp độ làm đệ tử.

Sau chuyến vân du học đạo nơi xứ Phật, ngài đã trở thành một vị cao tăng, từ đó trong giới xuất gia cũng như tại gia rất sùng kính thiền sư Minh Tịnh. Với uy tín và đức hạnh của ngài nên vào năm 1937, gia đình đại gia Trần Khánh Sanh phát tâm trùng tu lại am Thiên Chơn thành chùa Thiên Chơn để cúng dường cho hòa thượng hành đạo. Cũng trong năm này, ông Hương cả Trượng ở Phú Cường nghe danh thiền sư Minh Tịnh từ xứ Phật về, nên ông thỉnh thiền sứ về trụ trì chùa Bửu Hương tại làng Phú Cường. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1930 do ngài Cao Minh và ông Huyện Trương vận động bà con xây dựng. Chùa ban đầu thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương (giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương xuất hiện vào khoảng năm 1849 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long do ông Đoàn Văn Huyên sáng lập. Ông chủ trương trị bệnh, khuyên người đời tu thiện, hành thiện và ông tự nhận mình là: “Phật thầy giáng thế cứu đời là ta”. Giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương được thể hiện trên ba nét chính với yêu cầu làm thế nào dễ tu, dễ hiểu và mau thành đạt...).

Thiền sư Minh Tịnh sau khi nhận trụ trì chùa Bửu Hương, ngài đổi thành Tây Tạng Tự để đánh dấu chuyến đi hành hương xứ Phật vàTâyTạng của mình. Để lưu lại ý nghĩa này, thiền sư Minh Tịnh đặt câu đối ở chùa như sau:

Tây quy độc diệu Thiên Nhơn Bửu

Tạng xuất hàm linh đia tạp Hương”.

Vào năm 1945, Hòa thượng Minh Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một. Vào tháng 6/1946, ngài được cử vào thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Hòa thượng Minh Tịnh là người có công trong phong trào kháng chiến chống Pháp trong giới Phật giáo và cũng là người cha đỡ đầu của đồng chí Nguyễn Văn Thi, Liên Trung đoàn trưởng, bản doanh đóng tại Bình Chuẩn, Lái Thiêu. Thầy còn là người đỡ đầu tinh thần Chi đội 1 và Chi đội 10 sau này trở thành Liên Trung đoàn 301, 310. Vào năm 1950, ngài Minh Tịnh được cử làm cố vấn quân, dân, chính tỉnh Thủ Dầu Một. Hòa thượng từng kêu gọi trong giới Phật giáo phải dồn hết sức mình tham gia vào cuộc kháng chiến. Ngài nói: “Khi nào còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được xây chùa...”. Ngài động viên hàng Tăng sĩ cũng như Phật tử của chùa trực tiếp tham gia kháng chiến như: Nguyễn Văn Lạc, pháp danh: Pháp Cự, hy sinh 1949; Nguyễn Văn Thân, pháp danh Trí Bổn; Huyền Mẩn hy sinh năm 1948; Diệu Trạm hy sinh; Nguyễn Văn Khía pháp danh Như Khế làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Phước Thành Nguyễn Văn Xinh pháp danh Thiện Hiệu hy sinh 1948; Nguyễn Xển hy sinh; Lâm Văn Thảo, pháp danh Thiện Đắc, hy sinh 1945; Nguyễn Văn Mân, pháp danh Nguyên Tánh, hy sinh 1945; Nguyễn Văn Pháo, pháp danh Thiện Niệm, hy sinh 1949; Huỳnh Văn Thiện, pháp. danh Thiện Cơ; bà Bảy Thưởng, chị Út Thủy làm giao liên; Nguyễn Văn Hoa, pháp danh Tâm Thuận; Nguyễn Chí Dũng, pháp danh Tâm Nhuận; Lâm Văn Tuất, pháp danh Trí Hành... những người xuất gia hoặc tại gia đều là học trò của hòa thượng, sau này trở thành những Đảng viên Cộng sản.

Thiền sư Minh Tịnh là bậc cao Tăng, thạc học, ngài để lại quyển Nhật ký hành trình Tây Thiên Trúc và dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông (do Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản 1997). Thiền sư Minh Tịnh là tấm gương, là hình ảnh lớn cho thế hệ kế thừa trong hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc như Hoà thượng Thích Thiện Hương – Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một (Thiền sư Minh Tịnh là Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một), Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng, Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương, trụ trì đời thứ 8 Tổ đình Chùa Hội Khánh; Hoà thượng Thích Quảng Viên – Thư ký Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, Xử lý Thường vụ kiêm Tăng sự Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương; Hoà thượng Thích Tịch Chiếu là đệ tử xuất gia của Thiền sư Minh Tịnh sau này ngài là Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Tây Tạng và nhiều vị tôn túc khác đã tiếp bước con đường mà Thiền sư Minh Tịnh đã để lại trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, nhập thế phụng sự cho Tổ quốc và dân tộc. Tuy thời gian thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương sau khi ngài viên tịch, nhưng có thể nói các bậc tôn túc tham gia để hình thành Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương đều là những vị chịu sự ảnh hưởng tinh thần yêu nước và nhập thế của ngài, đồng thời đều là những vị tham gia trong Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một mà ngài là Chủ tịch.

Thiền sư Minh Tịnh viên tịch vào ngày 17/5/1951 (năm Tân Mão), thọ 63 tuổi, đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa Thiên Nhơn. Tang lễ của hòa thượng được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chánh kháng chiến, Mặt trận Liên Việt tỉnh Thủ Biên tổ chức tưởng niệm trong khu giải phóng.

Để tưởng niệm ân đức của ngài, vào năm 1992 Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho phép chùa trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa Tây Tạng với lối kiến trúc, đương nét như chùa xứ Tây Tạng để ghi nhớ về cuộc hành hương về xứ Phật của con người phụng sự trọn cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6795717