Thông tin

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÀNH

- BẬC LÃNH ĐẠO TRÍ TUỆ LINH HOẠT VÀ BẢN LÃNH

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Hòa thượng THÍCH HUỆ CẢNH
Trưởng BTS GHPGVN Quận 9 – TP.Hồ Chí Minh

 

Theo lời kể của các bậc tôn túc trong hệ phái Lục Hòa Tăng và theo sách “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”1 thì các bậc tiền bối đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã vào năm 1922 đã đào tạo nên một đội ngũ kế thừa, đó là các bậc tôn đức có mặt hầu hết trong tổ chức Phật giáo cứu nước Nam Bộ ra đời năm 1947 cũng như các Hội Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành tại Nam Bộ. Thời bấy giờ, do yêu cầu của lãnh đạo kháng chiến và xuất phát từ sứ mạng hộ quốc an dân, nên chính các bậc tôn đức trong tổ chức Phật giáo cứu nước Nam Bộ là những người đã đứng ra thành lập Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, Hội Lục Hòa Tăng - Hội Lục Hòa Phật tử và sau này là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu hình thành, hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam đã xuất hiện nhiều bậc lãnh đạo tài năng xuất chúng, góp phần to lớn vào công tác tổ chức, điều hành các chương trình hành động của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam. Bên cạnh các bậc tôn túc như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng), Hòa thượng Thích Thiện Thuận (Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Viện chủ Tổ đình Giác Lâm), Hòa thượng Thành Đạo (Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, Viện chủ Tổ đình chùa Phật Ấn), Hòa thượng Thích Bửu Ý (Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam năm 1973, Viện chủ Tổ đình  chùa Long Thạnh), Hòa thượng Thích Thiện Hào (Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử, Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử)… thì Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, Viện chủ Tổ đình chùa Long Thiền, được xem là bậc tôn túc đã thể hiện tài năng xuất chúng trong giai đoạn hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam đang rất cần một bậc lãnh đạo trí tuệ, bản lãnh, nhạy bén, uyển chuyển để tổ chức, lèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vượt qua sóng gió, tiếp tục sứ mạng, đi đến mục đích cuối cùng và ngài đã hoàn thành sứ mạng đó một cách xuất sắc. Hôm nay, hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, với tư cách là đệ tử thuộc hàng hậu bối, từng được hầu cận, học hỏi rất nhiều điều lợi ích ở ngài, nhất là từng được ngài chỉ dạy về tư tưởng và phương cách vận dụng trí tuệ sao cho linh hoạt, diệu dụng trong mọi hoàn cảnh nhằm hướng đến những lợi ích to lớn cho đất nước, cho đồng bào và cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam, bằng tâm niệm kính ngưỡng một bậc tiền bối từng dấn thân nhập thế, gieo trồng công đức sâu dày cho đạo pháp và dân tộc, trên tinh thần này tôi xin đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành – Bậc lãnh đạo trí tuệ linh hoạt và bản lãnh của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”.

1. Hành trạng của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành (1912-2001) Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam

1.1 Thân thế và quá trình xuất gia tu học

Ðại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, thế danh Nguyễn Toàn Trung, sinh năm Nhâm Tý (1912) tại xã Phú Hữu, huyện Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Dạo pháp danh Huệ Ðịnh, một nhà Nho yêu nước, tham gia phong trào Duy Tân và lãnh đạo phong trào Thiên Ðịa Hội; thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Ðồng pháp danh Diệu Từ.

Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với Tổ Pháp Ấn, hiệu Như Quới tại Tổ đình Phước Tường, Thủ Ðức, Gia Ðịnh, được ban pháp hiệu Bửu Thành; sau những năm tháng chuyên cần học đạo, tinh tấn hành trì giới luật, năm 1931, ngài được thầy bổn sư cho đi thọ giới Sa Di tại chùa Huê Nghiêm (Thủ Ðức); năm 1934, ngài được sư phụ cho đi thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Thạnh (Tây Ninh). Đến ngày rằm tháng 7/1942, ngài được Tổ Pháp Ấn, hiệu Như Quới cử về trụ trì chùa Long Thiền (Biên Hòa); sau khi Tổ Pháp Ấn, hiệu Như Quới viên tịch, ngài đến cầu phú pháp với Tổ Ðạt Thanh, hiệu Như Thông (Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam, Viện chủ Tổ đình Long Quang ở xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn tỉnh Gia Ðịnh, Tổ Đạt Thanh cho Ngài pháp danh Hồng Tín (Ngộ Tín), hiệu Huệ Thành và ngài đã đắc pháp. Từ đây ngài trở thành trưởng tử phú pháp của Tổ Ðạt Thanh, hiệu Như Thông, kế thừa đời thứ 40 dòng Lâm Tế Gia Phổ Chánh Tông, ngài từng đảm nhận các trọng trách trong các tổ chức của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ như Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam; Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai, Viện chủ Tổ đình Long Thiền tại Thành phố Biên Hòa.

1.2 Sự nghiệp hoằng pháp

Với đức độ uyên thâm Phật pháp, nghiêm trì giới luật nên vào năm 1937, ngài được công cử vào hàng Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Thiên Long (Biên Hòa). Năm 1942, được công cử vào hàng Yết ma A xà lê tại Ðại giới đàn Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa). Năm 1952, được chư sơn thiền đức cung thỉnh làm Hòa thượng Ðàn đầu tại Ðại giới đàn chùa Ðại Phước (Biên Hòa). Cũng trong năm 1952, ngài được Ðại hội Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam suy cử làm Ðệ nhất Phó Tăng giám Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Trưởng ban Hoằng đạo, Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Biên Hòa, Thiền chủ Trường hương chùa Báo Quốc (Sài Gòn); năm 1955, ngài làm chủ hạ kiêm pháp sư Trường hạ chùa Phước Tường, tái khai đàn đầu Hòa thượng truyền giới tại chùa Thanh Long (Biên Hòa).

Năm 1960, ngài được chư sơn thiền đức suy cử làm Tăng giám Trung ương Giáo hội Phật Giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam. Năm 1965, ngài được cử làm Chứng minh kiêm Pháp sư Trường hạ chùa Phụng Sơn (Chợ Lớn); năm 1967, ngài được suy cử làm Ðại Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đến năm 1969, ngài cùng chư sơn thiền đức hiệp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và Lục Hòa Phật Tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, ngài được Đại hội suy cử lên ngôi vị Tăng thống (1968 – 1981).

Năm 1970, ngài làm Hòa thượng Ðàn đầu tại Giới đàn chùa Thanh Long (Biên Hòa), sau đó vào năm 1971, ngài làm chứng minh Trường hạ Tổ đình chùa Giác Lâm (Sài Gòn); từ năm 1972 đến năm 1975, ngài làm chứng minh chỉ đạo công tác từ thiện xã hội cứu trợ đồng bào tản cư vì chiến tranh.

Vào ngày 30/4/1975, ngài cùng chư tôn đức đứng ra kêu gọi toàn thể Tăng, Ni, Phật tử trương cờ biểu ngữ chào mừng ngày đất nước giải phóng, đồng thời đón rước Hòa thượng Minh Nguyệt, từ chiến khu ở tỉnh Bình Long về trụ sở Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại chùa Trường Thạnh (Quận 1, Sài Gòn).

Về công tác đào tạo Tăng tài để Tăng, Ni có nhận thức sâu sắc những cơ hội và khó khăn trước tình hình mới sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ngài đã cùng chư tôn túc đứng ra mở khóa đào tạo cán bộ Phật giáo yêu nước tại chùa Trưởng Thạnh do Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Sài Gòn – Gia Ðịnh hướng dẫn.

Năm 1976, ngài được mời với tư cách Ðại biểu miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị hiệp thương chính trị ký các văn kiện thống nhất tổ quốc tại hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), đến tháng 11/1981, tại Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa Quán Sứ (thủ đô Hà Nội), ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời, ngài được ủy nhiệm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai.

Năm 1982, tại Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Ðồng Nai, ngài được suy cử làm Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai từ nhiệm kỳ I đến nhiệm kỳ IV, ngài được suy cử lên hàng Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai.

Từ năm 1980 đến năm 1995, ngài thường xuyên khai mở Ðại giới đàn tại chùa Bửu Phong và Tổ đình Long Thiền để truyền giới cho Tăng Ni giới tử, trong đó vào tháng 8/1990, ngài được suy cử vào Hội đồng Chứng minh về công tác phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

1.3 Quá trình dấn thân phụng sự dân tộc

Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành là một bậc cao Tăng thạc đức, trọn đời sống cho lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc, bằng tấm lòng nồng nàn yêu nước, không chấp nhận sự xâm lược của ngoại bang, vào đầu năm 1944, ngài đã tham gia các phong trào chống quân phiệt Nhựt và thực dân Pháp. Vào ngày 6/9/1945, ngài được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa kiêm Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa, trụ sở Phật giáo cứu quốc đặt tại chùa Long Thiền. Ngay sau khi Hội Phật giáo cứu quốc ra đời, Hòa thượng Thích Huệ Thành đã đến từng cơ sở vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến, tham gia bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tham gia hưởng ứng “Tuần lễ vàng” và “Tuần lễ kim khí”, hưởng ứng lời kêu gọi vận động, nhiều chùa đã ủng hộ lư đồng, chân đèn bằng đồng, đại hồng chung, tiêu biểu như chùa Hiển Lâm, Nước Nhĩ xã Phước Thiền (Long Thành) đã hiến hai đại hồng chung, mỗi cái nặng gần một tạ gởi vào chiến khu để đúc vũ khí; đến đầu năm 1946, trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa dời về xã Mỹ Lộc quận Tân Uyên, lúc bấy giờ Hòa thượng Thích Huệ Thành đã cùng một số chư Tăng thoát ly theo kháng chiến.

Năm 1947, ngài được mời tham dự thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tại chùa Ô Môi (Ðồng Tháp Mười), lúc đó Hòa Thượng Minh Nguyệt được bầu làm Hội trưởng và ngài được bầu làm Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Ủy viên Liên Việt Nam Bộ. Năm 1951, ngài được lệnh của tổ chức trở về thành phố hoạt động nội thành tại Biên Hòa, cơ sở đặt tại chùa Hiển Lâm (Hốc Che).

Năm 1954, ngài là thành viên của tổ chức trí vận và tôn giáo vận (phụ trách Phật giáo) tại Sài Gòn – Gia Ðịnh và khu Ðông Nam Bộ từ đó cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất; năm 1955, ngài đã phát lời hiệu triệu lệnh đình công, bãi thị đòi chính phủ Pháp thi hành Hiệp định Giơnever; từ năm 1956 đến năm 1974, ngài liên tục hoạt động công tác tại nội thành dưới nhiều hình thức ngụy trang nhằm bảo vệ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đi đến thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến năm 1990, ngài được cử làm Ðại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðồng Nai các khóa I và khóa V; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ðồng Nai các khóa I, II và III.

Với công đức cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ quốc qua nhiều giai đoạn, ngài danh dự được Ðảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, như: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương chống Mỹ hạng nhì; Huân chương Ðộc lập hạng ba; Huy chương vì sự nghiệp Ðại đoàn kết toàn dân; Huy hiệu 10 năm xây dựng Tổ quốc; Huy hiệu 15 năm xây dựng Tổ quốc; Huy hiệu chiến sĩ biên phòng; Bằng khen đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðồng Nai; Bằng khen Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ðồng Nai; Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Trải qua hơn 60 năm tu học, hành đạo, hoằng pháp lợi sinh và đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngài là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương cho thế hệ mai sau noi theo, ngài xứng đáng là bậc thạch trụ Tăng già, do tuổi cao sức yếu, thuận theo luật vô thường, vào lúc 19 giờ ngày 24/4 (nhuần) năm Tân Tỵ, ngài an nhiên thu thần thị tịch, trụ thế 90 năm, hạ lạp 70 năm.

2. Vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

2.1 Vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhìn trên phương diện văn bản hành chánh

Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành có một vai trò rất quan trọng, có thể nói ngài là một trong số ít nhà tổ chức chiến lược lỗi lạc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Trước hết, về mặt văn bản hành chánh, điều này chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ trong phần mở đầu của Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chúng tôi xin trích nguyên văn như sau:

“Bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) được chấp thuận do Đại Hội Đồng thường niên Trung ương ngày 9/11/1968 tại Văn phòng Viện Tăng thống và đã được điều chỉnh lại kỳ Đại hội thường niên vào ngày 15 – 16 tháng 2 năm Nhâm Tý, nhằm ngày 29 – 30/3/1972, chùa Trường Thạnh số 97, đường Yersin, Sài Gòn”.

Trong lời đầu bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) ghi như sau:

“Với mục đích phụng sự Phật pháp, duy trì hữu hiệu nền Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chấp hành nghiêm chỉnh quy chế tòng lâm của Tổ Tổ tương truyền, và đem lý tưởng đạo đức thuần túy để cống hiến vào sự nghiệp xây dựng một nền hạnh phúc Chân – Thiện – Mỹ; phục vụ nhân loại và dân tộc Việt Nam;đó là lập trường và đường lối duy nhất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, với chủ trương hòa hợp, lấy tình đoàn kết, tương thân, tương trợ, đối nội cũng như đối ngoại, để phát huy tinh thần đạo đức cổ truyền.

Muốn đạt mục tiêu trên:

Chúng tôi hai Giáo hội: Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam nhóm họp tại chùa Trường Thạnh đường bác sĩ Yersin quận Nhì Sài Gòn, vào trong những ngày 2/7/1968 đến ngày 9/7/1968.

Sau khi thảo luận và cứu xét tường tận, đồng thanh chấp thuận Bản Hiến Chương sau đây của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, do Hội đồng chỉ đạo Trung ương được Đại hội chỉ định soạn thảo và đệ trình.

Hội đồng gồm có:

1) Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Chủ tịch

2) Hòa thượng Thích Minh Đức, Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Phó Chủ tịch

3) Hòa thượng Thích Minh Thành, Hội trưởng Lục Hòa Phật tử Việt Nam làm Phó Chủ tịch

4) Đại đức Yết ma Thích Bửu Ý, Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Tổng Thư ký

5) Đại đức Yết ma Thích Thiện Phú, Phó Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Ủy viên

6) Ông Quản Trọng, Phó Hội trưởng Lục Hòa Tăng Phật tử Việt Nam làm Ủy viên

7) Ông Tô Ngọc Quang

Chúng tôi Đại biểu chính thức của hai Giáo hội nhận định rằng:

Điều thiết yếu cho một tổ chức, có tính cách duy trì nền Phật giáo cổ truyền hiện nay là một Bản Hiến Chương. Có khả năng phù hợp với nhu cầu của đa số Tăng, Ni, Phật tử, đồng thời bảo đảm sự trường tồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam…”2.

Trong Bản Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nêu rõ, Bản Hiến Chương này được Đại hội chỉ định Hội đồng chỉ đạo Trung ương soạn thảo và Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương được ghi trong “Lời mở đầu” của Bản Hiến Chương đó là Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Chủ tịch.

Qua đó đã cho chúng ta thấy vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là rất quan trọng và tầm ảnh hưởng của ngài không chỉ đối với nội bộ tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, mà còn đối với các tổ chức Phật giáo tại miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Điều này càng được thể hiện cụ thể hơn qua một bức thư thăm hỏi của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, trong những ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhất của các phong trào và tổ chức Phật giáo yêu nước chống lại sự đàn áp dã man của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Đó là vào ngày 5/7/1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi một bức thư đến vấn an Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng Giám Giáo Hội Lục Hòa Tăng. Nội dung toàn văn bức tâm thư đó như sau:

“Tổng hội Phật giáo Việt Nam – Văn phòng Thường trực chùa Xá Lợi, số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Dây nói: 22.465… PL 2507 – Sài Gòn, ngày 5/7/1963. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Kính gửi Hòa thượng Huệ Thành – Tăng Giám Giáo hội Lục Hòa Tăng, Chùa Long Thiền, Biên Hòa. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bạch Hòa Thượng. Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa Thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam. Nhưng từ hôm vào trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được cả. Vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nổi khổ tâm của Hòa Thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn tâm vị pháp” của Hòa Thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư này kính thỉnh Hòa Thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng bàn Phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi. Kính chúc Hòa Thượng pháp thể khinh an. (Ký tên) Thích Tịnh Khiết (và đóng dấu) Ban Trị Sự - Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam”.3

Ở đây chúng ta nên lưu ý, vào năm 1963, thời điểm này, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam chưa ra đời, và Hòa thượng Thích Huệ Thành lúc đó chỉ đảm trách chức vị khiêm tốn là Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng qua bức thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đã cho thấy vai trò của Giáo hội Lục Hòa Tăng lúc bấy giờ rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp, bảo vệ chính nghĩa, chống lại sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là vị trí cũng như tầm ảnh hưởng của Hòa thượng Thích Huệ Thành là rất lớn đối với xã hội ở miền Nam khiến cho Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đương thời là Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã phải gởi thư đến vấn an thăm hỏi khi từ Huế vào Sài Gòn làm Phật sự.

2.2 Vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong hoạt động thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và trong các phong trào đấu tranh yêu nước

a. Vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng thời sơ khởi

Nếu nói về quá trình hoạt động cách mạng của những công dân khoát áo nâu sồng, thì ngay từ thời sơ khởi của Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành được xem là một trong những bậc tiền bối có bề dày tham gia kháng chiến nằm trong tổ chức Phật giáo yêu nước Lục Hòa Tăng.

Như chúng ta đã biết, từ những năm 1944, Hòa thượng Thích Huệ Thành đã tham gia các hoạt động chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, sau ngày cách mạng tháng 8 thành công, ngài được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa và là Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa; năm 1947, ngài được bầu làm Đệ nhất Phó Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ kiêm Ủy Liên Mặt trận Liên Việt; đến năm 1951, ngài được lệnh của tổ chức về hoạt động nội thành Biên Hòa. Năm 1954 ngài là thành viên tổ chức trí vận và tôn giáo vận (phụ trách Phật giáo) khu Sài Gòn – Gia Ðịnh và khu Ðông Nam Bộ; năm 1955, ngài phát lời hiệu triệu lệnh đình công, bãi thị đòi chính phủ Pháp thi hành Hiệp định Giơnever; từ năm 1956 đến năm 1974, ngài liên tục hoạt động công tác tại nội thành dưới nhiều hình thức ngụy trang nhằm bảo vệ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đi đến thống nhất đất nước.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại, những bậc tiền bối tiêu biểu tham gia hoạt động cách mạng giai đoạn 1945 đến 1975, có thể kể đến quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Huệ Thành… trong đó, Hòa thượng Thích Thiện Hào hoạt động công khai với chức danh Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thì Hòa thượng Thích Huệ Thành lại là nhà sư hoạt động cách mạng một cách bí mật và nằm sâu trong lòng địch, điều này khẳng định ngài rất có kinh nghiệm trong hoạt động nội thành và trong công tác Trí vận và Tôn giáo vận.

Tuy nhiên trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam như quý Hòa thượng Thích Thiện Tòng (1891 – 1964) Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Minh Đức (1902 - 1971) Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; Hòa thượng Thích Thành Đạo (1906 - 1977) Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, thì ngài được xem là thế hệ kế thừa của các bậc tiền bối kể trên. Bằng chứng là trong Bản Điều Lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng được tuyên cáo vào năm 1952, khi đó, Hòa thượng Thích Thiện Tòng (tức Sư cụ Nguyễn Thiện Tòng) trụ trì chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) đã là bậc Đại Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Thành Đạo (tức Sư cụ Trần Văn Đước) trụ trì chùa Phật Ấn (Sài Gòn) đã đảm nhận chức vụ Tăng giám (Hội trưởng) Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hòa thượng Thích Minh Đức (tức Sư cụ Lê minh Chánh) trụ trì chùa Thiên Tôn (Sài Gòn) đảm nhận chức vụ Phó Tăng giám (Phó Hội trưởng) Giáo hội Lục Hòa Tăng… trong khi đó Hòa thượng Thích Huệ Thành vẫn còn đang hoạt động nội thành Biên Hòa và lúc đó chưa chính thức đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Tuy nhiên, một điều rất đặc biệt là Hòa thượng Thích Huệ Thành lại được các bậc tiền bối lãnh đạo Giáo hội cùng thời xem là một bậc lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ linh hoạt và rất bản lãnh của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn gay cấn nhất của lịch sử dân tộc thời cận hiện đại.

b. Vai trò và vị trí của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành trong các phong trào đấu tranh yêu nước

Để minh chứng sự tôn vinh và nhận xét nêu trên, chúng ta cần ngược dòng lịch sử, quay lại các hoạt động đấu tranh của Phật giáo miền Nam trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến thời kỳ pháp nạn năm 1963. Tại miền Nam lúc bấy giờ, Mỹ thế chân Pháp xâm lược nước ta, tháng 10/1955, Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên làm Tổng thống, bấy giờ Mỹ - Diệm ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đặc biệt là thực thi đạo dụ số 10 nhằm cô lập mọi hoạt động của Phật giáo, trong khi đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng lại bị chính quyền nhận ra đây là một tổ chức Phật giáo yêu nước lại hoạt động công khai, nên chế độ Diệm đã ra sức ngăn cản, truy bắt… Trong khi cuộc đấu tranh chống chính quyền Mỹ Diệm đang lên cao với khí thế ngút trời thì vào giữa năm 1960, cơ quan Xứ ủy và Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định bị bể, lúc bấy giờ Hòa thượng Minh Nguyệt và Hòa thượng Thành Đạo, Đại đức Huệ Chí, Đại đức Minh Giác cũng bị địch bắt giam và một số bị đày ra Côn Đảo, trong khi đó, Hòa thượng Thiện Hào phải vào chiến khu và tham gia thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Một sự kiện khác đã khiến cho tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng bị chính quyền Diệm càng ra sức đánh phá nữa, đó là vào cuối năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Hào với tư cách là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam tuyên bố trên Đài tiếng nói Bắc Kinh, lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Thế là từ đó, Giáo hội Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm, ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Diệm đập phá, tháo gỡ; và đỉnh cao của hoạt động chống phá các phong trào đấu tranh yêu nước của Giáo hội Lục Hòa Tăng là vào tháng 8 năm 1963, chính quyền Mỹ Diệm đã bắt giam hơn 2000 sinh viên học sinh và 6000 tín đồ Phật tử, liên tục đàn áp, bắt giam tra tấn tù đày các nhà sư yêu nước, trong đó có quý Hòa thượng lãnh đạo cao cấp của phong trào đấu tranh và của Giáo hội Lục Hòa Tăng như quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thành Đạo. Đặc biệt là sau thất bại vào mùa xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Mỹ - Thiệu ra sức phản kháng các phong trào chính trị đô thị khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chúng tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến. Trước tình hình khó khăn với những diễn biến phức tạp, nhất là việc Hòa thượng Thích Thành Đạo vốn là bậc lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng do trước đây từng bị chính quyền Sài Gòn bắt vì tham gia hoạt động cách mạng nên không thể công khai đứng ra lãnh đạo Giáo hội, bởi theo pháp luật của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ quy định, những cá nhân bị bắt tù đày, sau khi ra tù sẽ không được giữ các chức vụ quan trọng đứng đầu trong các tổ chức đoàn thể xã hội (kể cả trong tổ chức của Giáo hội) mà Hòa thượng Thành Đạo lại nằm trong diện trên, nên không thể đứng ra gánh vác trọng trách của Giáo hội, mặt khác nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng (một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chính quyền Sài Gòn trước đây theo dõi), chính vì vậy mà Hòa thượng Thích Huệ Thành đã nhạy bén đề xuất ý kiến với lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, sau khi được cấp trên chấp thuận, ngài đã cùng với Hòa thượng Bửu Ý, vào ngày 2 đến ngày 9/7/1968 (Mậu Thân), đứng ra triệu tập chư tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử về chùa Trường Thạnh, số 97 đường bác sĩ Yersin, Sài Gòn để tiến hành đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Sau khi hiến chương đã được soạn thảo và sau mấy tháng vận động, vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý mới chính thức tiến hành Đại hội để hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, kết quả cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, với một hiến chương hoạt động rất cụ thể, đã được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn; tại Đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) được toàn thể đại biểu suy tôn làm Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Minh Thành (chùa Long Vân) làm Phó Tăng thống và Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống…

Sau khi đảm nhận trọng trách Tăng thống, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Huệ Thành và đích thân ngài trực tiếp điều hành, chỉ trong một thời gian nỗ lực củng cố và phát triển, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã thành lập được 37 Tỉnh hội, Thành hội và 81 Quận hội, Huyện hội với trên 2000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái Lục Hòa Tăng; có khoảng hơn 10.700 Tăng Ni và trên hai trăm nghìn tín đồ Phật tử. Ngoài hệ thống giáo dục đào tạo Tăng tài, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam còn ra tạp chí Phật Học Lục Hòa do Hòa thượng Thành Đạo làm Chủ nhiệm… Có thể nói rằng, từ cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 đến năm 1972, quý Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Nghị trong tổ nòng cốt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, trong đó Hòa thượng Thích Huệ Thành với vai trò là Tăng Trưởng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương của cấp trên chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ và tạo thời cơ, nên qua các phong trào đấu tranh chính trị và binh vận đã củng cố được các cơ sở từ trung ương đến các địa phương, phát triển và về lượng lẫn về chất.

Kể từ ngày thành lập, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đi đúng con đường dân tộc, mục đích rõ ràng, đã nêu lên được những khẩu hiệu đúng với tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân là hòa bình, độc lập, thống nhất tổ quốc, nhất là dưới sự lãnh đạo trí tuệ, nhạy bén, linh hoạt và bản lĩnh của Hòa thượng Thích Huệ Thành nên lúc bấy giờ có thể nói Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm tập hợp các cánh tiến bộ trong các tông phái, giáo phái tại thành phố tham gia hình thành mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả. Cụ thể là vào ngày 27/3/1975, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành, Ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tổ chức cuộc họp bất thường tại số nhà 97 đường Yersin, Sài Gòn để kiểm điểm quá trình đấu tranh cứu nước, đồng thời ra tuyên bố hoan nghênh Hiệp định Paris và tuyên cáo mọi thủ đoạn và âm mưu chống lại Hiệp định Paris của chính quyền Mỹ - Thiệu sẽ khiến cho chiến tranh tại Việt Nam ngày càng khốc liệt, thì đó là tội ác đối với dân tộc và loài người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Mặt khác, Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành còn lên án chính quyền Thiệu đã ban hành sắc luật 002/72 ngày 12/3/1975 tổng động viên tu sĩ từ 17 đến 20 tuổi tham gia đi lính cho chính quyền Thiệu. Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành đã thay mặt lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và chư Tăng, Ni, toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, kiến nghị chính quyển Sài Gòn hủy bỏ sắc luật 002/72 (về việc bắt tu sĩ sung quân), trả tự do tức khắc cho trên 1000 tu sĩ trẻ đã bị chính quyền lùng sục bắt sung quân trong mấy tháng qua, đồng thời ra lời kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử tiếp tục con đường đấu tranh cứu nước trong giai đoạn mới.

Ngày 25/4/1975, Hòa thượng Tăng Thống Thích Huệ Thành thay mặt lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhận lệnh chuẩn bị khởi nghĩa do ông Lê Quốc Sử phổ biến, Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã mở Hội nghị phân công huy động toàn thể chư Tăng, Ni và tín đồ Phật tử hình thành đội ngũ, chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ đến. Vào đêm 29/4/1975, Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhận lệnh khởi nghĩa, đến sáng sớm ngày 30/4/1975, toàn thể chư Tăng, Ni và Phật tử nhất tề đứng dậy cùng đồng bào các địa phương giành lấy chính quyền một cách trọn vẹn. Như vậy dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cùng chư Tăng, Ni và tín đồ Phật tử hoàn thành sứ mạng lịch sử một cách vẻ vang, đó là cùng toàn dân tộc làm nên mùa xuân đại thắng vào năm 1975.

Tóm lại, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có truyền thống đồng hành sắt son với dân tộc, đã đóng góp công sức đáng kể cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như những đóng góp trong sự nghiệp thống nhất và phát triển Phật giáo nước nhà thời hiện đại. Ngày nay, trên tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của các bậc tiền bối Tăng già trong hệ phái Lục Hòa Tăng, tham luận này được viết cũng không ngoài mục đích mong muốn góp một tiếng nói nêu bật lên vai trò và vị trí của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam nói chung và vai trò vị trí của Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành nói riêng trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, bởi ngài đích thực là một bậc lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, linh hoạt, nhạy bén và bản lãnh của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn gay cấn nhất của lịch sử dân tộc thời cận hiện đại.

 


1. Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2019.

2. Trích lời mở đầu Bản Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Bản Hiến Chương này đang được lưu trữ tại chùa Hội Khánh.

3 Bức thư này hiện được lưu trữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh, tôi chép lại nguyên văn nội dung bức thư mà không hề có chỉnh sửa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6112034