ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2556 VÀ TRIỂN LÃM TRƯNG BÀY CHÂN DUNG ĐỨC PHẬT
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2556
VÀ TRIỂN LÃM TRƯNG BÀY CHÂN DUNG ĐỨC PHẬT
VU GIA
Năm 2012, những người theo đạo Phật trên thế giới thành tâm đảnh lễ, mừng 2.556 năm ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn. Ngài ra đời chỉ vì hạnh phúc cho chư Thiên, cho loài người và mọi loài chúng sinh. Ngài chỉ dạy con đường ra khỏi sinh tử, khổ đau, cứu cánh Niết bàn, giải thoát ở trên đời này.
Thực tế cuộc sống chỉ ra rằng, các hành động của con người thường xen lẫn thiện ác, hoặc không thiện không ác. Do đó, các quả báo vì thế cũng xen lẫn các nghiệp quả đã tạo tác... Cho nên, những gì đang xảy đến với con người trong hiện tại, không phải hoàn toàn do nghiệp nhân của các đời quá khứ. Một số hậu quả do nghiệp nhân trong hiện tại gọi là nghiệp mới. Và chúng ta có thể chọn lựa cái nhân cái quả ngay tại đời này. Hạnh phúc và giải thoát, nhân và quả trong kiếp người hiện tại là do chính hành động của mỗi người. Mỗi người có thể quyết định chọn và hưởng, gieo và gặt, chứ không thể dựa vào tha nhân, tha lực…
Từ ngàn xưa, ông cha ta từng dạy dỗ, nhắc nhở truyền đời cho con cháu: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”,… Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, giáo lý của nhà Phật phù hợp với truyền thống hiếu hòa của dân tộc, nên đã quyện vào nhau như một thực thể, có người gọi là Phật giáo dân gian. Ảnh hưởng của Phật giáo trên nền văn hóa Việt Nam khá sâu đậm, đến độ không dễ phân biệt được đâu là văn hóa Phật giáo, đâu là văn hóa Khổng Mạnh hay Lão Trang. Trong những lần đưa du khách đến tham quan đất nước Myanmar, chúng tôi cứ như đặt chân trên đất Phật. Đâu đâu cũng chùa cũng Phật. Hầu hết người dân Myanmar kính Phật trọng Tăng. Cúng dường Tam Bảo đối với họ như là chuyện ăn cơm uống nước mỗi ngày. Đối với họ, hành động đó là vun trồng cây thiện lên ruộng phước để hy vọng kiếp sau có sự khác biệt hơn. Đề tài chính của những họa sĩ, những nhà điêu khắc, những thợ thủ công... ở đây cũng là Phật và chư Tăng. Nói chung, văn hóa Myanmar là văn hóa Phật giáo. Theo những lần đi du lịch Myanmar, tranh thủ những lúc du khách tham quan chợ, chúng tôi thường vào cửa hàng trưng bày tranh Thri Myo Min ở Yangon. Đây vừa là cửa hàng, vừa là xưởng vẽ của họa sĩ Ah Thu Masi Buddah. Anh cho biết, tên cửa hàng là tên con gái anh, còn tên của anh nếu dịch sang tiếng Anh có nghĩa là Lord Buddah the Unrivalled.
Một số bức tranh tại triển lãm
Chúng tôi rất thích những bức tranh chân dung Đức Thế Tôn qua nét cọ của anh và có ý muốn thỉnh về Việt Nam, trưng bày tại chùa Xá Lợi – TPHCM, nhân đại lễ Phật đản 2556 – 2012. Nếu có người phát tâm thỉnh lại, thì số lãi thu được, chúng tôi thành tâm cúng dường để chùa Xá Lợi làm Phật sự. Anh nở nụ cười vui và sẵn sàng ủng hộ. Với anh, khi người có tâm Phật thì ở đâu cũng gặp Phật không nệ Yangon hay TPHCM, chùa Xá Lợi hay chùa Vàng Shwedagon.
Có đời mới có đạo, nhưng có đạo thì đời sẽ vui hơn, yên ổn hơn… Trong những ngày hành đạo, Đức Thế Tôn đã có thái độ giáo dục thực tiễn và đầy tính người: Một lần có tu sĩ ngoại đạo biểu diễn thần thông đi nổi trên mặt nước, qua sông dễ dàng rồi thách Thế Tôn. Ngài ôn tồn hỏi:
- Ông tu luyện bao lâu mới có thể vượt qua sông với thần thông ấy?
Tu sĩ ngoại đạo trả lời:
- Ba mươi năm! Thế Tôn nói:
- Ta chỉ mất có 3 xu đi đò là qua được bên kia bờ, nhưng không chỉ qua sông một mình ta mà còn có thể dẫn theo nhiều người khác.
Khách tham quan tại triển lãm
Từ thái độ giáo dục thực tiễn và đầy tính người ấy của Đức Thế Tôn, cùng sự đồng thuận vui vẻ của họa sĩ Ah Thu Masi Buddah, giúp chúng tôi hiểu thêm về Phật tâm, Phật tính. Ý tưởng của chúng tôi được sự khuyến khích của Thượng tọa Thích Đồng Bổn, Trưởng Ban Phật học chùa Xá Lợi và được Hòa thượng Viện chủ, trụ trì cũng như Hội đồng Quản trị chùa Phật học Xá Lợi hoan hỉ chấp thuận. Chúng tôi hy vọng từ 25 bức tranh chân dung Đức Thế Tôn (khổ nhỏ nhất: 80 x 80cm) bằng chất liệu sơn dầu, thỉnh về từ đất Phật Myanmar được trưng bày tại khuôn viên chùa Xá Lợi trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Phật Đản 2556-2012, sẽ góp một phần rất nhỏ cho khách thập phương nói chung, Phật tử nói riêng có dịp viếng chùa bái Phật, buông xả được chút tạp niệm đời thường để tin yêu cuộc đời hơn, tin vào cuộc sống hiện tại hơn. Dĩ nhiên, căn duyên giải thoát mỗi người mỗi khác, nhưng chúng tôi tin ai cũng làm được. Ngày xưa, từ hình ảnh hồ sen trước mắt, có những cọng sen vượt ra khỏi mặt nước, có những cọng lưng chừng trong nước, có những cọng ở sâu dưới mặt nước… gợi lên trong Thế Tôn hình ảnh căn cơ bất đồng của con người: Có những căn cơ thấp như những cọng sen ở đáy hồ, có những căn cơ trung bình như những cọng sen ở lưng chừng trong nước, cũng có những căn cơ có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát của Ngài như những cọng sen đã nhô ra khỏi mặt nước trải lá tỏa hương làm đẹp cho đời. Và chúng ta như những cọng sen ấy. Qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo ở Việt Nam, đã minh chứng một điều rằng nếu chúng ta vững tin vào chính mình, tin vào cuộc sống của kiếp người hôm nay và tin vào truyền thống văn hóa của dân tộc và có thêm chút Phật tâm, Phật tính thì mỗi người trong chúng ta sẽ như cọng sen nhô lên khỏi mặt nước. Đó là ý nghĩa và mong muốn của chúng tôi, của Hội đồng Quản trị chùa Phật học Xá Lợi trong mùa Phật Đản này.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết