DAIGOJI ĐỀ HỒ TỰ - VÀ TINH THẦN VƯỜN THIỀN VÕ SỸ NHẬT BẢN
NGUYỄN SỬ
Chùa Daigoji (Đề Hồ tự)
Ngày 4 tháng 9 năm 2018, cơn bão số 21 đổ bộ vào Kyoto, 3.000 cây trong không gian chùa Daigoji (Đề Hồ tự) bị đổ ngã, bờ tường trắng, một số công trình kiến trúc của chùa bị phá huỷ. Ngôi chùa dẫu bị tổn thất cũng không làm đánh mất đi vẻ huy hoàng tráng lệ của mình. Đề Hồ tự được xây dựng vào thời Heian, nổi tiếng với những vườn cảnh, tháp năm tầng, tượng Phật, văn hiến, và nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Năm 1994, chùa được ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Không chỉ kiến trúc, mà không gian vườn của chùa được coi là một di sản của nhiều thời đại khác nhau được đồng hiện trên một không gian danh lam thắng cảnh đất Kyoto.
Dựng chùa Đề Hồ thượng, hạ
Vào năm Trinh Quán thứ 16 (874), một vị tăng là Thánh Bảo (Shobo) từ Nara tới vùng phụ cận Kyoto tìm một nơi thích hợp để dựng chùa, lên núi Kasatori phía Đông Nam Kyoto thì chợt phát hiện có một ông già đầu bạc. Ông vốc lấy nước từ trong khe chảy ra mà khen rằng Ôi sao, vị Đề hồ! Tăng nhân nói với ông rằng, mình đang tính dựng một tinh xá ở đây để hoằng dương Phật pháp. Ông già đáp, trên núi này trước giờ đã là nơi chư Phật, Bồ tát tụ hội về đây, nguyện đem núi hiến cho sư để giữ gìn Phật pháp. Đây cũng chính là khởi nguồn của tên chùa Đề Hồ. Câu chuyện cũ chỉ là một sự phô diễn thêm những sự huyền ảo để tăng giá trị của ngôi chùa.
Ngôi chùa lấy Vị giác làm đối tượng để đặt tên, vị Đề hồ từ một dòng suối. “Đề hồ quán đỉnh” là một thuật ngữ thường gặp trong Phật giáo, mang hàm nghĩa cơ bản nhất là lấy sữa rưới lên đầu để thực hiện nghi lễ. Đề hồ quán đỉnh cũng mang một hàm nghĩa con người đạt được một sự thức tỉnh. Hai từ “Đề hồ” như trong Đại Bát Niết Bàn Kinh, Thánh Hạnh phẩm ghi rằng: Như từ bò sinh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc, từ lạc sinh ra tô, từ sinh tô rồi đến thục tô, từ thục tô lại sinh Đề hồ. Đề hồ như tinh tuý trong sữa. Trong ngũ vị của sữa thì Đề hồ được xem là vị trong sạch và ngon bậc nhất.
Thánh Bảo xây dựng một Phật đường, trong đó cung phụng Chuẩn Đề Quan Tâm, một tòa cung phụng Như Ý luân Quan Âm. Chùa Đề Hồ Thượng lấy Chuẩn Đề đường làm trung tâm. Ngũ Đại đường, Dược Sư đường (Quốc bảo), Khai Sơn đường (văn vật bảo hộ trọng điểm), Như Ý Luân đường (văn vật bảo hộ trọng điểm), Thanh Lũng cung bái điện (Quốc bảo). Chùa Đề Hồ Thượng trở nên nổi tiếng, khách thập phương tới lễ Phật tăng nhanh, mà núi thế hiểm, khó để có thể mở rộng thêm được không gian chùa. Để giải quyết vấn đề, người ta đã bằng cách mở rộng thêm không gian, mở thêm một chùa thứ hai, đây chính là chùa Đề Hồ Hạ. Chùa Đề Hồ Hạ bao gồm ba bộ phận, Tam Bảo viện, Linh Bảo quán và Kim đường, Ngũ trùng tháp.
Chồng lắp thời đại
Sự mở rộng của chùa Đề Hồ không thể tách rời khỏi sự quan tâm của hoàng gia, Thánh Bảo - tổ khai sơn của chùa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Thời kỳ trung hậu kỳ của Heian, Thánh Bảo tiếp quản các việc Phật sự trong cung, quản hạt các chùa xung quanh khu vực kinh đô, trở thành một vị tăng lữ có quyền lực bậc nhất ở thời điểm đó. Dưới điều kiện ấy, chùa Đề Hồ được Thiên hoàng chọn làm Ngự Nguyện tự - là một hình thức của chùa hoàng gia. Con trai là Thiên hoàng Suzaku cũng quy y ở đây, và vì cha mình dựng một toà tháp Phật, đây chính là gốc của Ngũ trùng tháp của chùa Đề Hồ Hạ. Ngũ trùng tháp được hoàn thành vào năm 951. Tháp cao 38m. Tháp đỉnh tướng luân cao 13m. Đề Hồ tự cũng là một kiến trúc bằng gỗ hiện còn sớm nhất ở Kyoto. Bích họa trong thân tháp, cũng là tác phẩm sớm của hội họa Mật giáo Nhật Bản. Chùa Đề Hồ Hạ còn có một kiến trúc khác, Kim đường được đặt ở trung tâm. Hẳn bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng bị tòa kiến trúc này làm cảm xúc, tăng trí tò mò, cũng chính là linh hồn của chùa Đề Hồ Hạ. Vào năm 926, chùa hai lần bị rơi vào hỏa hoạn cháy hỏng. Kim đường hiện nay do Hideyoshi lệnh dựng lại. Chủ yếu các bộ phận của chùa đều được bảo lưu phong cách cuối thời kỳ Heian. Chính vì thế, chùa có thể coi có hai kiến trúc thời Heian.
Chồng lấp thời đại chính là một đặc điểm của chùa. Hiện nay, cũng không có nhiều ngôi chùa có sự xếp chồng giữa nhiều thời đại trong một không gian như vậy. Mỗi một thời đại đều để lại hình dáng kiến trúc, ảnh hưởng của mình còn được bảo lưu tại chùa. Cả ngàn năm như trong một chớp mắt. Ngoài kiến trúc thời Heian, ở đây còn có kiến trúc của thời Momoyama như Khai Sơn đường, Như Ý Luân đường. Muromachi với Thanh Lũng cung bái điện. Dược Sư đường thời Heian. Mỗi một lần chuyển cảnh là một lần bước sang một thời đại khác, trăm năm, ngàn năm như lãng đãng ở trong một khoảnh khắc của sự thưởng ngoạn.
Vào năm Tensho thứ 10 (1582), nổ ra cuộc biến loạn chùa Honno, Nobunaga bị ám sát1. Chiến tướng dưới tay Nobunaga là Hideyoshi trở thành người thay thế ông. Trải qua chinh phạt Shikoku, Kyushu và Ohara dần dần thống nhất Nhật Bản sau một thời gian dài chiến loạn. Hai nhân vật bá chủ của một thời đại bão táp, không có nhu cầu đi theo đuổi sự nho nhã của thời đại Heian, cũng không có nhu cầu tham thiền cầu đạo. Bởi chính điều đó, mà trên phương diện văn hóa ảnh hưởng của Phật giáo đã dần bị giảm xuống. Tính thế tục và hiện thực đời sống thành tâm điểm của mọi lĩnh vực. Sự mong mỏi biểu hiện sự quyền uy, sự thống trị, đã làm cho những hình thức kiến trúc mới đã được ra đời, thành quách cao lớn, tính thế tục được biểu hiện một cách rõ rệt. Những thành quách quân sự trở thành trung tâm của quyền lực.
So với Nobunaga, thì Hideyoshi quan tâm tới sự hưởng lạc vật chất, tuy không có xây dựng quá nhiều vườn cảnh cá nhân với quy mô lớn, nhưng lại sử dụng các khu vườn nhỏ, tiện cho việc thưởng ngoạn để đặt vào trong thành quách. Tam Bảo viện của Đề Hồ Tự được kiến tạo bằng hình thức trì tuyền thưởng ngoạn (thưởng ngoạn suối hồ).
Bố trí vườn cảnh Tam Bảo viện
Tuy là vườn chùa, nhưng do sự tham gia của Hideyoshi, Tam Bảo viện dùng đá, rất lộ rõ đặc trưng của một vườn võ sĩ. Vườn cảnh dùng đá lớn, số lượng nhiều, toàn vườn dùng đá đạt đến hơn 700 tảng, lựa chọn việc xếp đèn đá, cầu đá… Đá tổ hợp ở Tam Bảo viện tượng trưng cho uy quyền và sự giàu sang. Vườn cảnh của Tam Bảo viện có diện tích 5.280m2. Phía Bắc của vườn là một quần thể kiến trúc, có Thu thảo gian, Sắc sứ gian, Tuyền điện, Biểu thư viện, Thuần tịnh quán, chủ điện. Quần thể kiến trúc có xếp lớp đan cài lẫn nhau. Không gian di chuyển khúc triết có lớp lang. Đa phần người tham quan đều ngồi ở trên hành lang để thưởng ngoạn vườn cảnh. Tuy là vườn cảnh với phương thức trì tuyền quan thưởng, nhưng Tam Bảo viện có cầu, có đường đi quanh vườn, không phải thiết kế để dành cho người thưởng ngoạn, không thể bước vào không gian này.
Vườn cảnh Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng phương thức thưởng ngoạn lại khá khác biệt. Đặc biệt đối với việc thưởng ngoạn phong cảnh của vườn Trung Quốc đó chính là di bộ hoán cảnh - dời một bước thì đổi cảnh. Vườn cảnh Nhật Bản lấy Tịnh quan làm chủ. Từ trong phòng nhìn ra, giống như đang đối diện với một bức tranh phong cảnh mà chỉ có thể trông vào. Tam Bảo viện và đại đa số các vườn cảnh của Nhật cũng có chút khác biệt, không chỉ thích hợp với việc toạ quan tranh, mà cả một không gian vườn như một bức tranh trường quyển, mỗi một người đều có thể lật giở nó ra xem theo ý của mình. Một trường quyển có thác nhỏ, đình đài, suối, đảo, sơn thạch, bước ra hiện thực và có thể cảm nhận được những biến chuyển như bước qua hàng thế kỷ.
Đào hồ dựng đảo
Tam Bảo viện lấy nước làm trung tâm, để nối với trung tâm của chủ điện. Chủ điện dùng khúc lưu - các dòng nước hình cong để nối với trung tâm, trở thành một vườn nước. Trong thủy trì có ba đảo, đảo giữa là quy đảo, hai bên lân cận dựng hạc đảo, phía Đông có một đảo nhỏ, cấu tạo nên từ hình thức một hồ ba đảo - một nguyên tắc căn bản trong việc tạo vườn cảnh. Trung đảo hình dạng như mai rùa, nên gọi là đảo Rùa. Cành cây thông năm lá che phủ toàn bộ đảo. Đây cũng là một cây thông có tuổi đời hơn 600 năm, càng lộ rõ vẻ tĩnh lặng của Rùa. Hạc đảo cũng có một cây ngũ diệp tùng khác, đối diện với cầu đá như cánh hạc muốn bay ra khỏi không gian. Cả hai Hạc đảo hay Quy đảo đều mang hàm nghĩa của thế giới Bồng Lai thần tiên, ngụ ý cho sự trường thọ - một sự kết hợp giữa ý niệm Đạo giáo trong không gian Phật giáo.
Hạc đảo và Quy đảo là trung tâm vườn Bồng Lai đảo đặt theo vị trí Tây Nam hướng phía Đông Bắc tạo thành một đường chéo, bố cục ba cầu lấy hai đảo làm trung tâm là một đặc sắc của thời đại Momoyama. Từ thời đại Muromachi đến thời đại Momoyama, vườn gắn với hồ. Nếu so với thời đại Kamakura, thì vườn thời kỳ này càng trở nên nhỏ hẹp, bởi ý nghĩa nghi thức của việc đi thuyền trong vườn gần như được giảm thiểu tối đa.
Dựng non chỉnh nước
Tam Bảo viện tạo núi, là một hình dáng thu nhỏ của núi Phú Sĩ, dùng màu trắng bằng rêu biểu hiện có tuyết trên đỉnh. Sự phân bố không gian cực kỳ rõ ràng trong việc ở chính giữa chủ cảnh là tiểu đảo, viễn cảnh dựng núi, thác làm chủ cảnh. Chính diện có núi đất dựng đá Tam tôn phô bày tính tượng trưng của Phật giáo ở trong không gian. Đằng Hộ thạch - là một phiến đá quý - được di dời từ Tụ Lạc Đệ tới đây, được đặt vào vị trí quan trọng nhất của vườn. Khi đó, vườn được thiết kế nhằm mục đích phục vụ cho việc ghé thăm của Go-yozei Thiên hoàng (1571-1617). Có thể ở gần như vị trí nào cũng đều nhìn thấy vị trí của đá. Nói một cách khác, đá Đằng Hộ được đặt vào vị trí trung tâm của mọi cảnh quan, danh xứng với thực là chủ nhân của vườn.
Trước mặt thủy trì có ba tảng đá kỳ lại, được đặt tên là Ba đá sông Kamo (Hạ Mậu). Lấy Hạ Mậu tam thạch để miêu tả lại hình tượng của sông Hạ Mậu ở bên cạnh chùa Đề Hồ, phía trái có đá biểu tượng cho sự chảy gấp của sông Hạ Mậu. Phía giữa đá được biểu đạt với trạng thái ứ đọng, bế tắc của sông, phía phải đá biểu hiện cảnh vỡ của dòng, hoa sóng bay khắp nơi. Bạch Sa đình có thể biểu hiện được sự nhiều màu sắc, về mặt hình dạng biến đổi phong phú, đồng thời cũng biểu đạt một ngụ ý về sự tôn trọng, kính sợ tự nhiên.
Phía Đông là núi đất cao, trên có đắp đá nhỏ tạo thành thuỷ trì, nước chảy quanh, dựa vào nước mà dựng Chẩm Lưu đình (đình gối lên dòng nước) mang ngụ ý của văn nhân ẩn sỹ. Ở giữa có đắp núi, hình thành cách cục nước vây quanh núi, núi quanh nước quyện. Đây cũng là một đặc điểm khác biệt so với các khu vườn khác. Trà thất Chẩm Lưu đình mở cửa Quý nhân, nghĩa là người đi vào không cần phải cúi đầu. Phía bên trong phân làm ba gian phòng, từ Nam hướng tới Bắc, phân chia thành thượng, trung và thủy ốc. Ngoài ra, còn có Tùng Nguyệt đình. Đặc trưng là bốn chiếu rưỡi tatami của thời Edo. Phía Nam có hàng hiên trúc và cửa nhỏ, trên mặt dùng lau làm hình mái đỉnh.
Bắc cầu làm vườn
Tam Bảo viện tuy chỉ có ba đảo, nhưng số lượng cầu lại rất nhiều. Mặt Đông có hai cầu. Mặt Nam đảo nhỏ cũng có bốn cầu. Hình thức khá đa dạng, có hình bán nguyệt là cầu đất, cầu gỗ, đá tự nhiên, đá xếp. Mặt đất có bày rêu, dùng rêu và sỏi trắng biểu hiện hồ lô rượu, chén rượu và rượu. Hình thành năm đảo nhỏ mang tính chất tượng trưng, cũng được cọi là vườn rêu, trông tràn đầy sinh khí, hình thành một cảm giác hoàn toàn khác biệt so với cảnh đá ở vùng phía giữa. Phía Tây Bạch Sa đình càng lộ rõ màu sắc, sự trái ngược về mặt tạo hình của vườn cảnh.
Tiểu kết
Tam Bảo viện là một tác phẩm đại diện của thời đại Momoyama, bất luận trên phương diện mặt bằng hay việc sử dụng vật liệu, đều là sản phẩm của vườn chùa và vườn võ gia kết hợp với nhau. Cho đến thời điểm này, thì đây là một khu vườn có số lượng đá được sử dụng phong phú bậc nhất vào thời điểm đó. Từ dòng suối nguồn Đề hồ, vô số anh tài - những người làm vườn, đã tham gia cùng nhau xây dựng nên một công trình kinh điển. Cũng chính bởi sự cống hiến đó, mà giờ đây chùa Đề Hồ đã thực sự là một đại danh lam với rất nhiều hiện vật quý báu đóng góp vào trong gia tài di sản nghệ thuật Phật giáo của thế giới.
Nhiều người cho rằng Hideyoshi chính là người thiết kế khu vườn của Samboin đầu tiên. Hơn 20 năm chinh chiến của một lão tướng, hễ đánh là thắng, lại còn tinh thông trà đạo, đã từng đi lại nhiều khu vườn cổ ông đã tự ghi dấu của mình với việc kiến tạo một không gian của vườn chùa trong thời đại mới. Thời đại - luôn là căn nguyên của mọi sáng tạo, những nhu cầu thực tiễn đã thúc đẩy những biến động trong quá trình kiến tạo không gian. Sau khi đi qua rất nhiều không gian của chùa, việc dừng lại, ngồi ở đây nhìn không gian của núi non cây cỏ được bàn tay con người dựng nên – tuy do người làm, mà như thấy cả đại thiên thế giới vậy.
1. Nobunaga: Một trong ba anh hùng thời Chiến Quốc của Nhật.
Bình luận bài viết