Thông tin

ĐẢM BẢO MÔ HÌNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG

THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

 

HOẰNG TRÚC

 


 

Phật giáo luôn đem lại hạnh phúc cho con người. Phật giáo là ánh sáng chân lý của năng lượng vô tận, từ trí tuệ siêu việt của đức Phật có thể biến những con người cực ác trở thành con người thiện lành hoàn toàn, khiến những người con bất hiếu trở thành những người con gương mẫu hiếu hạnh trong cuộc đời. Và Phật giáo có thể khiến người nghèo khổ thành người giàu có vượt trội, qua giáo lý bất định nghiệp.

Thật vậy, nếu áp dụng lời Phật dạy trong môi trường kinh doanh, trao đổi buôn bán hàng hóa thì các nhà doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và vượt trội so với những nhà doanh nghiệp chưa áp dụng lời dạy của đức Phật trong môi trường sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ có doanh nghiệp không thôi thì chưa đủ để tạo nên một thị trường. Thị trường kinh doanh đầy đủ ngoài các doanh nghiệp thì phải có người tiêu dùng.

Yếu tố quyết định sản xuất bền vững theo quan điểm của Phật giáo

1. Doanh nghiệp

Theo chương trình hành động mà Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì đòi hỏi tất cả cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp phải có những kế hoạch hoạt động sáng suốt. Sản phẩm của doanh nghiệp phải an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, quan trọng hơn hết không biến bầu khí quyển vốn trong lành thành ô nhiễm độc hại, ảnh hưởng đến thọ mạng của con người. Muốn được như vậy trước tiên doanh nghiệp phải có chánh tri kiến. Đây là kiến thức quan trọng và bổ ích không chỉ cho các nhà doanh nghiệp mà cho cả những ai muốn có được chánh tri kiến trong thời đại có quá nhiều cơn lốc thông tin gây nhiễu loạn tri thức như hiện nay.

1.1. Doanh nghiệp có chánh tri kiến

Phật giáo là tôn giáo đem đến sự hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại. Người thực hành theo lời dạy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni chắc chắn sẽ được nhiều lợi lạc cho bản thân mình và người khác. Ngài luôn dạy đệ tử làm những điều tốt đẹp, gạt bỏ tham, sân, si để có được trí tuệ, hóa đau khổ thành hạnh phúc viên mãn trong đời sống hiện tại.

Thật vậy, để có được trí tuệ, đặc biệt trong kinh doanh đòi hỏi toàn bộ từ người đứng đầu cho đến nhân viên của một doanh nghiệp phải có chánh tri kiến. Đức Phật dạy người có chánh tri kiến là tuệ tri được bất thiện, tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện. Như vậy, theo lời đức Phật dạy, doanh nghiệp có chánh tri kiến là doanh nghiệp tạo ra sản phẩm với mục đích thiện lành, lợi nhuận chân chánh, không làm tổn hại đến bất kỳ ai. Minh chứng điều này, Đức Phật dạy: “Sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện…, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện…, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, Chánh tri kiến là thiện…, thế nào là căn bổn thiện? Không tham là căn bổn thiện, không sân là căn bổn thiện, không si là căn bổn thiện”1

1.2. Phát triển bền vững

Có được chánh tri kiến, doanh nghiệp sẽ có đầy đủ khả năng sản xuất những sản phẩm có giá trị trên thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh thì đòi hỏi doanh nghiệp đó phải có một khối tài sản ổn định.

Tài sản mà doanh nghiệp có được là sức lao động trí óc và chân tay của toàn thể cán bộ và công nhân viên trong doanh nghiệp. Liên quan đến điều này, đức Phật đã nêu lên năm lý do để gầy dựng tài sản. Ngài dạy: “Thế nào là năm? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc…Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc…Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chặn đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy… Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên…, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời2.

2. Cạnh tranh lành mạnh

Trong những lời dạy của đức Phật, chúng ta đều nhận ra được chân lý của cuộc sống này. Lời dạy của ngài luôn đem lại cho con người một cái nhìn lạc quan và tươi đẹp, để vững vàng phát triển bản thân về mọi mặt. Như vậy, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có được khối tài sản lớn, nếu thực hiện đúng theo lời dạy của đức Phật.

2.1. Thu nhập bền vững

Muốn phát triển kinh doanh bền vững thì doanh nghiệp phải có thu nhập bền vững. Quan điểm này, đức Phật đã chỉ rõ, người buôn bán muốn có được tài sản lớn mạnh và rộng lớn thì phải đáp ứng ba điều kiện đó là người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản. Trong kinh Tăng Chi Bộ 1, đức Phật dạy: “Người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này, mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy…, là người buôn bán có mắt…, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm…, là người buôn bán khéo phấn đấu…, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến…, là người buôn bán xây dựng được cơ bản”3.

2.2. Bốn nghiệp công đức

Trong kinh doanh, doanh nghiệp đã phát triển bền vững, thì đảm bảo được nhu cầu lợi nhuận và mức thu nhập ổn định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ, cần phải có một chiến lược mới mẻ hơn từ những chiến lược tốt nhất ban đầu, vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng luôn thay đổi theo thời gian. Do vậy mà mỗi doanh nghiệp phải trang bị cho mình nhiều chính sách phụ cấp bách, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Muốn được như thế, doanh nghiệp phải có đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí và đầy đủ trí tuệ.

Trong kinh Tăng Chi Bộ 1, đức Phật dạy có lòng tin là “tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: Vị này là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn…, từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu…, đây gọi là đầy đủ giới…, sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí..., đây gọi là đầy đủ bố thí…, thế nào là đầy đủ trí tuệ?..., sống với tâm bị dục tham chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm. Do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc…, sống với tâm bị sân hận chinh phục... sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chinh phục... sống với tâm bị trạo hối chinh phục... sống với tâm bị nghi chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc đáng làm; do làm việc không nên làm, không làm việc đáng làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc”4.

Kiến thức tiêu dùng

1. Thương hiệu và các chức năng của doanh nghiệp

Khi có nhu cầu tiêu thụ một sản phẩm thì người tiêu dùng phải tỏ thái độ mình là một khách hàng có trí tuệ. Điều đầu tiên, người tiêu dùng cần biết là thương hiệu của sản phẩm. Bởi lẽ, thương hiệu là thước đo của một quá trình sản xuất cung ứng sản phẩm trên thị trường của một doanh nghiệp từ lúc chập chững kinh doanh cho đến thời điểm hiện tại. Vì thế, người tiêu dùng cần biết hai kiến thức căn bản về doanh nghiệp, đó là thương hiệu, các chức năng của doanh nghiệp và thế nào là một người tiêu dùng có trí tuệ.

1.1. Thương hiệu

Thương hiệu là tài sản giá trị của sản phẩm, dịch vụ, xác định giá trị thực sự, gồm sản phẩm cốt lõi cùng tập hợp các yếu tố hỗ trợ, danh tiếng có được qua chất lượng ưu việt, sự khác biệt, độc đáo, tài năng chuyên nghiệp, truyền thống lâu đời của một công ty5.

1.2. Các chức năng của doanh nghiệp

Ngoài kiến thức về thương hiệu sản phẩm, người tiêu dùng cần phải có kiến thức căn bản về các chức năng của một doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ cũng vậy.

Viết về thể loại kinh tế, trong tác phẩm Doanh Nghiệp Trong Kinh Tế Thị Trường, tác giả MBA. Nguyễn Văn Dung đã thông tin đầy đủ về các chức năng của doanh nghiệp, bao gồm sản xuất, tiếp thị, quản trị, tài chính.

“SẢN XUẤT. Nguyên nhân cơ bản để một doanh nghiệp tồn tại trong nền kinh tế thị trường là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ tới người tiêu dùng và đạt lợi nhuận. Chức năng sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm hay dịch vụ để bán.

TIẾP THỊ. Mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đều cần tiến hành các hoạt động tiếp thị nhằm đưa sản phẩm và dịch vụ đến với người tiêu dùng. Những hoạt động này cấu thành hỗn hợp tiếp thị, bao gồm các yếu tố: sản phẩm, phân phối, giá, chiêu thị. Mục tiêu nhằm thu hút càng nhiều khách hàng càng tốt để sản phẩm thành công trong thị trường.

QUẢN TRỊ. Mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đều cần nhiều thời gian để phát triển, thực thi, và đánh giá các kế hoạch và hoạt động. Thiết lập các mục tiêu, xác định cách thực hiện các mục tiêu ấy, và cách phản ứng với những hành động của đối thủ cạnh tranh là vai trò của quản trị. Quản trị còn giải quyết các vấn đề, quản lý các công việc của nhân viên, và đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp.

TÀI CHÍNH. Trong nền kinh tế thị trường, chức năng tài chính lập kế hoạch và quản lý hồ sơ tài chính và thông tin liên quan đến tài chính của doanh nghiệp. Một trong những trách nhiệm hàng đầu của tài chính là xác định số lượng vốn cần thiết cho doanh nghiệp và sẽ tìm kiếm nguồn vốn ở đâu”6.

2. Người tiêu dùng có trí tuệ

Người tiêu dùng luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của các nhà doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp các quốc gia khác trên thế giới. Nhu cầu của người tiêu dùng là động lực để các nhà doanh nghiệp có những sáng tạo trong quá trình kinh doanh, vì bao giờ thị trường cũng là một sự mới mẻ của hai yếu tố cung và cầu, đại diện là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

2.1. Người tiêu dùng tiết kiệm

Như đã nói, người tiêu dùng phải luôn thể hiện mình là một khách hàng có trí tuệ. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải có sự biết đủ trong quá trình sử dụng sản phẩm. Khi mua một sản phẩm cần phải có sự cân nhắc, vì mục đích chính đáng và thiết thực nhất trong đời sống, phù hợp với thu nhập của bản thân và gia đình. Tinh thần biết đủ là một tinh thần sống giản dị, đầy chất nhân văn trong đời sống này, nó có thể đốt cháy những lối sống tiêu cực xa hoa, phung phí vô bổ của một bộ phận con người chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình.

Thật vậy, trong kinh Di Giáo, lối sống biết đủ được đức Phật chỉ dạy rõ ràng. Ngài khẳng định chân lý: “Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương7.

2.2. Có nếp sống thăng bằng điều hòa

Một quan điểm tích cực khác của đức Phật về đời sống sinh hoạt của một con người có trí tuệ sáng suốt, tức thể hiện một nếp sống thăng bằng điều hòa.

Trong kinh Tăng Chi Bộ 3, đức Phật dạy cho cư sĩ Byagghapajja rõ biết thế nào là người có nếp sống thăng bằng điều hòa. Ngài dạy: “Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn..., nghĩ rằng: “Như vậy, tiền nhập của ta sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải là tiền xuất, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy”. Byagghapajja, đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa8.

Kết luận

Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững là trách nhiệm chung của toàn thể các cấp lãnh đạo và nhân dân Việt Nam trong thời buổi hiện nay. Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ những yếu tố quyết định sản xuất bền vững, như phải có chánh tri kiến, tài sản bền vững, cạnh tranh lành mạnh, thu nhập bền vững, bốn nghiệp công đức. Đối với người tiêu dùng thì phải có kiến thức tiêu dùng, biết thương hiệu và các chức năng của doanh nghiệp. Cần phải có cơ chế linh động, phù hợp theo từng giai đoạn và các doanh nghiệp cũng nên tham khảo, áp dụng lời dạy của đức Phật trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm. Được vậy, chúng tôi tin nền kinh tế sẽ được giữ vững và phát triển lớn mạnh không ngừng.

 


1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Trung Bộ I, kinh Chánh tri kiến, Nxb Tôn giáo, 2012, tr. 75.

2. Hoà thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi bộ II, chương Năm pháp, phẩm vua Munda, Nxb. Tôn giáo, tr. 374-376.

3. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi bộ I, phẩm Người đóng xe, Nxb Tôn giáo, 1996, tr. 207-208.

4. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ 1, phẩm Nghiệp công đức, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1996, tr. 676- 678.

5. MBA. Nguyễn Văn Dung, Xây Dựng Thương Hiệu Mạnh, Nxb Giao Thông Vận Tải, 2009, tr. 5.

6. MBA. Nguyễn Văn Dung, Doanh Nghiệp Trong Kinh Tế Thị Trường, Nxb. Lao Động, 2010, tr. 94.

7. https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Dai-Tang-Kinh/Kinh-Bac-Tong/ Kinh-Di-Giao-HT-Tri-Quang-Dich.pdf

8. HT. Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ 3, phẩm Gotamī, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 673.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6126756