Thông tin

DANH LỢI

DANH LỢI

CHÁNH TRÍ

(Trích từ tập 42, Tạp chí Từ Quang, 1955)

 

Người đời mấy ai tránh khỏi tiếng là đua nhau trên đường danh nẻo lợi. Nhưng thử hỏi mấy ai suy tầm cho đến gốc rễ coi vì đâu phải chạy theo lợi với danh.

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy thử tìm xem coi danh, lợi là gì.

Danh là nói chữ; nôm na chúng ta nói là Tiếng, y như trong câu: “Danh thơm tiếng tốt”. Những người có tiếng là giàu sang, đức hạnh, đẹp đẽ, tốt bụng… đều là người có danh, cái danh thơm, cái tiếng tốt. Cũng có những danh keo kiết, ác độc, nham hiểm,… là những danh xấu, cái tiếng không hay.

Lợi là những gì có thể giúp ta làm cho đời sống vật chất được đầy đủ hơn, như tiền bạc, lúa thóc, hoa trái… Cũng như danh, có cái lợi đáng lấy mà cũng có những cái lợi không đáng lấy. Đáng cùng không đáng do ở chỗ hợp cùng không hợp với đạo đức, lễ nghĩa, ngay thật. Không hợp mà nhận, là cái lợi phi nghĩa, cái lợi nhơ bợn. Hợp mà nhận là cái lợi trong sạch.

Vậy cái danh hay lợi đều có hai đường: Tốt và xấu, trong sạch hay nhơ bợn.

Đã định nghĩa xong hai tiếng danh và lợi, bây giờ chúng ta thử xét coi tại sao người đời hay tìm danh và lợi.

Cũng là điền chủ hay thương gia như nhau, mà ông A lại mong được một cái tước hàm, phải chăng ông muốn có một cái danh sang, và như thế là muốn hơn ông B là người đồng bậc thuở nay?

Bà Thu được người khen là đẹp và bà thích, phải chăng bà thấy cái ở danh ấy một cái gì đã đặt bà lên trên các bà khác cùng xóm? Nói sơ như thế cũng đủ thấy rằng sở dĩ chúng ta chạy theo cái danh vì mỗi chúng ta đều nuôi cái hy vọng hơn người, do tánh ngạo mạn mà có.

Còn tại sao chúng ta muốn lắm của nhiều tiền? Đã nói lợi là những gì có thể giúp ta tô điểm đời sống cho tươi sáng hơn, vậy chúng ta theo đuổi cái lợi, vì chúng ta muốn có hạnh phúc.

Muốn hơn người, kể ra không có gì sái quấy, vì nó hợp với luật tiến hóa. Nếu người thế kỷ hai mươi này không muốn hơn người thế kỷ trước, thì làm gì có những cơ xảo trong mọi ngành hoạt động của trí óc hay tay chân của nhân loại. Ở xứ ta, chiếc ô tô chạy nhanh thay cho chiếc xe bò, xe ngựa cồng kềnh, chậm chạp, những bóng đèn điện sáng choang trong nhiều nhà, đã cướp chỗ của những chiếc đèn dầu hỏa, dầu phộng: Những chị bán chè bán cháo với những cái thùng, cái nồi có nắp kiếng che đậy, không như xưa để cho ruồi, bụi mặc tình bu phủ; tất cả những việc ấy và còn nhiều việc khác nữa chứng tỏ rằng người đời nay ở nước ta đã tiến bộ hơn ông cha chúng ta thuở trước, vì đó mà chúng ta có cái danh “văn minh”. Một cái danh đặt trên nền tảng vật chất.

Đến cái danh đặt trên nền tảng đạo đức, luân lý, thì chúng ta phải thành thật thú nhận rằng, có lẽ mê say theo vật chất mà đại đa số ít để ý. Thật thế, rất khó tìm ở ngày nay những cái danh thật trung cang nghĩa khí như Hoàng Diệu tử tiết với thành Hà Nội, như Phan Thanh Giản dùng chén thuốc độc tạ tội với non sông khi nghe tin ba tỉnh miền Đông Nam Việt thất thủ, hay như ông tướng mặt đỏ mà hậu thế bên Trung Quốc lập miếu thờ với câu liễn thường được đọc: “Diện xích tâm vưu xích, Tu trường nghĩa cánh trường”. Càng ít hơn nữa những gương từ mẫu như mẹ ông Mạnh, hay danh cử án tề mi như nàng Mạnh Quang, hay tiếng thanh bạch như nhiều bậc đại thần thuở xưa, tấn vi quan, thối vi sư, một khi đến tuổi hồi hưu, chỉ hai bàn tay trắng, phải lấy nghề gõ đầu trẻ em làm kế sanh nhai.

Trái lại, biết bao cái danh khác, vì không được xây dựng trên nền tảng đạo đức, hoặc giả có đi nữa, thì đó cũng chỉ là cái đạo đức giả dối mà thành, không lưu lại được với đời.

Nói đến lợi, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chỉ có những cái lợi do mồ hôi, nước mắt tạo thành nhờ ngay thật mà làm ra, nhờ cần kiệm mà xây được, họa may mới giữ gìn được lâu ngày, chớ những cái lợi bất chánh, thất nhân thì dầu có ra công bảo vệ cho thế mấy đi nữa, chỉ là phù dung sớm nở tối tàn, thấy đó mất đó, thêm nỗi để lại cho người làm chủ một mối buồn tiếc vô biên và một cái danh không tốt.

Đến đây, chúng ta thấy rằng, nếu chưa ra khỏi được vòng cương tỏa của danh lợi, thì nên tìm cái danh thơm và cái lợi sạch, họa may mới xứng với cái ước mong hơn người và sống hạnh phúc, như đã nói. Bằng không thì ắt phải kém hơn người và sống trong đau khổ tủi nhục.

Nhưng đó cũng chưa phải là con đường mà người Phật tử nên theo.

Người Phật tử phải biết trên những cái danh lợi trong sạch tầm thường ấy, còn những cái danh lợi đáng mến, đáng quí hơn.

Danh sang không bằng danh Hiền. Danh Hiền lại không bằng danh Bồ tát, Phật.

Lợi tiền của không bằng lợi phúc đức. Lợi phúc đức không bằng lợi giải thoát.

Phật tử chúng ta đã tập hững hờ với cái danh sang và cái lợi tiền của, để cố gắng đạt đến cái danh hiền và cái lợi phúc đức. Như thế kể ra cũng là đã khá lắm rồi. Như nếu chúng ta ráng sức hơn để cầu cho được cái danh Phật, Bồ tát và cái lợi giải thoát, thì đó mới chính là mục đích của người hành đạo Phật.


Hiền chỉ là những bậc vừa giác ngộ. Bồ tát, Phật chỉ những bậc hoàn toàn giác ngộ. Cái ý muốn hơn người là cái ý chung của nhơn loại, thì chúng ta nên muốn như thế, đừng cam ở mãi bậc Hiền.

Phúc đức, so với ác độc, quả đã cao nhiều, nhưng người tạo được nhiều phúc đức mà còn thấy mình là người phúc đức, chưa được gọi là bực giải thoát. Vì vậy cần phải mong nhắc mình lên bậc cao hơn là bậc giải thoát.

Muốn được cái danh Bồ tát, Phật, phải tìm cái danh ấy trên chỗ vô danh. Muốn hưởng được cái lợi giải thoát, phải tìm cái lợi ấy trong chỗ vô lợi.

Nói như thế nghĩa là làm sao?

Thì chúng ta cứ trông gương đức Phật Thích Ca, tất sẽ thấy.

Là con một ông vua, lúc nhỏ đức Phật có cái danh là Thái tử. Nếu không đi tu, lớn lên, chắc chắn sẽ làm vua và có cái danh vua. Những cái danh ấy do đâu mà có? Do chiếc ngai vàng, do đền đài, do xe cộ, do cung phi mỹ nữ, do kho tàng, còn do nhiều vật khác nữa, nhưng tất cả đều là vật chất, là của thế gian, là những cái không bền chặt, hữu hình hữu hoại. Nền tảng đã không chắc, thì lâu đài danh dự xây cất trên ấy bảo tồn tại lâu dài làm sao đuợc? Vì vậy mà vị Thái tử không đam mê vật chất kia bỏ cái danh Thái tử, cái danh vương giả, ra đi để tìm một đời sống vô danh, cả gia tài sự nghiệp thu gọn trong mảnh cà sa và chiếc bình bát, không nhà không cửa, cái gì cũng không tất cả.

Thế mà cái vô danh kia lại đem đến cho người tu sĩ ăn xin một cái danh bất hủ. Trên hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, lôi cuốn chôn vùi biết bao danh tiếng của những bậc đại đế, anh hùng, tao nhân, mặc khách, nhưng chưa hề vi phạm đến cái danh của người vô danh. Chẳng những không làm phai mờ, mà hình như thời gian càng qua lại càng làm tỏ cái danh ấy. Hiện giờ Âu Mỹ, một phần dư luận trong giới đạo đức đã quay đầu đảnh lễ trước danh của Phật mà họ công nhận là đấng Pháp vương, là bậc Vô thượng y vương.

Không muốn làm vua, bỏ ngôi ra đi, thế mà về sau nhân loại đồng ý tôn là bậc vua – Một ông vua không ngai, như có người Pháp nói – Mà chính vì không ngai nên ông vua ấy mới là ông vua mãi mãi. Cái mãi mãi này một phần do chỗ không muốn mà được, đúng với câu hữu xạ tự nhiên hương.

Đức Phật có bao giờ thấy mình là vua đâu, mà thiên hạ vẫn thấy ở Ngài mỗi mỗi đều có cái thanh lịch của nhà vua, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Đức Phật không có một của báu gì của những vua thế gian, nhưng Ngài có những của báu riêng biệt của người mà sự nghiệp của tất cả những ông vua thế gian hợp lại không bằng: Đó là trí huệ và công đức vô lượng của Ngài. Trí huệ và công đức ấy thí như ánh sáng của kim cương, như mùi thơm của xạ, tự nó ánh, tự nó xông, khiến người xung quanh phải cảm mến, kính mến và kính trọng hơn những nhà vua của thế gian. Vì vậy đời đời kiếp kiếp, nhơn loại thờ kỉnh ngài và ngài ngự mãi trên chiếc ngôi cao nhứt trong cõi lòng của trên 650 triệu tín đồ khắp mặt địa cầu.

Chúng ta mến danh, thì nên tìm cái danh chân thật và bất biến như thế.

Nói về lợi thì Đức Phật, khi còn làm thái tử, cũng quyết từ bỏ cả. Không đợi đến giác ngộ, lúc còn ở thế, sống trong nhung lụa, Đức Phật đã biết rằng của cải thế gian là những vật không bền, nên không mê luyến. Thế mà về sau lại thâu hoạch được một cái lợi vô biên, lại trở nên một người giàu có không ai sánh bằng.

Cái giàu ấy là cái giàu công đức, giàu trí huệ như đã nói, còn cái lợi ấy là cái lợi giải thoát.

Còn tiền bạc, giàu nhà cửa, giàu trâu bò, ruộng đất, nói tóm lại, cái giàu của thế gian là cái giàu mắt thấy. Nhưng vì mắt thấy nên sau một đám cướp, sau một trận hỏa tai hay sau một cơn binh cách, cái thấy trước khi nay không còn thấy nữa. Hữu hình là hữu hoại như thế. Đến như những công đức mà chúng ta ra công bồi đắp trong âm thầm, ai làm gì cướp được, và binh đao, tai ách làm gì thiêu hủy được. Đó mới là những của cải miên viễn, những lợi lạc miên trường. Ai giàu những cái ấy mới thật giàu và giàu mãi mãi. Huống chi manh áo tốt, món ăn ngon, tòa nhà đẹp, thằng gian xảo cũng có thể có được. Còn công đức, trí huệ, phải là người sống một đời sống đạo lý, một siêu nhân, một phi phàm mới tạo những của ấy được.


Nói đến cái lợi giải thoát, thì phi những bậc chân tu thấy rõ đạo, hành đúng đạo, sống một đời sống hợp chân lý mới hưởng được cái lợi ấy. Và lợi ấy là chơn hạnh phúc vậy. Còn sống trong vòng trói buộc của tham lam, giận hờn, ngu si mê muội, là còn sống trong cảnh khổ. Những ăn ngon mặc đẹp, cửa rộng nhà cao, tiền của đầy kho, không phải là những yếu tố của chơn hạnh phúc. Trái lại, đó là những xiềng xích làm cho chúng ta mất hết tự do: Ra đi một tấc đường là của tiền níu giữ, muốn thi thố một vài việc ân đức thì lòng tham cản ngăn, con người không hành động đúng được với những kích thích thiêng liêng phát tự đáy lòng trong sạch và từ bi của mình.

Để kết luận, Phật tử chúng ta, dầu ai nói thế nào đi nữa, mà vẫn chưa ra khỏi vòng danh với lợi. Tùy ở ta mà được thanh cao hay không thanh cao. Muốn được thanh cao thì chúng ta nên tìm cái danh giác ngộ và cái lợi giải thoát. Và nhớ phải tìm trong chỗ vô danh và vô lợi, nghĩa là âm thầm mà tu tiến, mặc cho thế dèm pha mà cũng mặc cho đời khen ngợi, cũng như đừng mong trồng cây là để hái trái. Luật nhân quả, nghiệp báo là một luật tự nhiên trong trời đất, không một ai sửa đổi được. Chúng ta cứ tin quả quyết như thế mà trổi bước trên đường chỉ ác tu thiện.

Nam mô Thường Tinh tiến Bồ tát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6920171