Thông tin

DANH TĂNG XỨ NGHỆ TRONG THIỀN UYỂN TẬP ANH

 

NGUYỄN VĂN QUÝ*

 

 

I. Đặt vấn đề

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi vùng đất Nghệ An "thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn", "là đất Việt Thường, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc Cửu Chân, đời Ngô chia quận Cửu Chân mà đặt quận Cửu Đức; đời Tùy Khai Hoàng đặt Châu Hoan... đời Lý năm Thuận Thiên thứ 1, lấy Châu Hoan làm trại, năm Thông Thụy thứ 3 đổi là châu Nghệ An (tên Nghệ An bắt đầu từ đây)"[1].

Như vậy, xứ Nghệ đã được ghi chép trong sử từ rất sớm, nhưng tên gọi Nghệ An thì phải từ triều Lý. Và cũng trải các triều, tên gọi và địa giới hành chính thay đổi, chẳng hạn như vào triều Trần gọi là "trại", "lộ", "trấn", "phủ"... cũng trong triều Lê, vùng đất Nghệ An thuộc đạo Hải Tây[2] hay Nghệ An thừa tuyên. Vào năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, vua Lê Thánh Tông đã đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An, gọi tắt là xứ Nghệ "đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh Hóa, xứ Lạng Sơn..."[3]. Triều Tây Sơn gọi là Trung Đô[4] và đến triều Nguyễn gọi là trấn Nghệ An...

Cho đến triều Nguyễn, trong mục Chùa quán, Đại Nam nhất thống chí có chép về vị trí địa lý của 14 ngôi chùa[5] tại 08 huyện. Đây hẳn là những "đại danh lam" nức tiếng trong vùng, còn những "tiểu danh lam" chắc khá nhiều.

Sự hiện diện của đạo Phật trên vùng đất này không chỉ là những ngôi chùa đã được liệt kê trong chính sử, mà trong thực tế, gần đây của chúng tôi điền dã, khảo sát di tích Phật giáo tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Quỳnh Lưu,... thì hầu như làng xã nào trong huyện cũng có chùa thờ Phật. Cho thấy Phật giáo đã sâu gốc bền rễ trong tâm thức nhân dân nơi đây từ lâu. Do vậy, việc nhìn nhận lại vai trò, vị trí văn hóa Phật giáo nơi đây đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xứ Nghệ, hay trên bình diện vật thể và phi vật thể sẽ còn tiếp tục và đòi hỏi tâm sức của các nhà khoa học thuộc các ngành xã hội khác nhau mới có thể khai thác và đánh giá đúng những đóng góp của Phật giáo đối với vùng đất văn vật này.

Như đã nói ở trên, xứ Nghệ trải qua lịch sử đã có sự sáp nhập hay chia tách các vùng đất và thuật ngữ xứ Nghệ mới xuất hiện từ thời Hậu Lê, đây là "tên chung của vùng Hoan Châu cũ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh)"[6] ngày nay. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận Phật giáo xứ Nghệ dưới góc độ nhân vật lịch sử của Phật giáo xứ Nghệ. Và trong một qui mô hẹp, đó là các danh tăng đã được ghi chép trong Thiền uyển tập anh.

Sách Thiền uyển tập anh[7] là một tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán thời Trần, ghi lại "lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thờ Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần; tức từ cuối thế kỷ 6 đến thế kỷ 13. Ðây là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện có"[8]. Thiền uyển tập anh gồm hai quyển, quyển Thượng chép các vị danh tăng thuộc thiền phái là Vô Ngôn Thông và quyển Hạ chép các vị danh tăng thuộc thiền phái Tì ni đa lưu chi và thiền phái Thảo Đường.

Tầm quan trọng của tác phẩm này, như chúng ta đã biết, không chỉ đối với riêng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn là lịch sử Việt Nam, lịch sử giải phóng dân tộc, từ văn học cho đến các bộ môn thuộc các chuyên ngành xã hội khác nhau ở Việt Nam hiện nay. GS. Lê Mạnh Thát nhật xét (Thiền uyển tập anh): "như một bộ sử chuyên môn không thuộc loại chính sử về lịch sử Phật giáo Thiền tôn Việt Nam, nó có thể ở vào địa vị phản ánh một phần nào quan điểm và lập trường đấu tranh của dân tộc và ý chí của họ trong liên hệ với lịch sử vận động giải phóng và chống ngoại xâm mà điển hình nhất là những truyện Định Không và La Quí cùng các truyện Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh"[9]. Như thế, "việc biên soạn Thiền uyển tập anh ở Việt Nam thế kỷ XIV chứng tỏ sự chín muồi ý thức lịch sử và văn hóa trong tầng lớp lãnh đạo Phật giáo Việt Nam như là một bộ phận của sự phát triển tư tưởng của giới thượng lưu"[10]...

II.Danh tăng xứ Nghệ trong Thiền uyển tập anh

Về danh tăng xứ Nghệ được ghi chép trước thời điểm Thiền uyển tập anh xuất hiện, thì trong số các tài liệu hiện còn đến ngày nay chỉ có Lĩnh nam trích quái[11] chép về một nhân vật Phật giáo, đó là đức Phật Quang truyền pháp cho Chử Đồng Tử[12] tại núi Quỳnh Viên. Núi Quỳnh Viên còn có tên là Nam Giới, thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Đại Nam nhất thống chí chép về địa danh này như sau: "cách huyện Can Lộc 30 dặm về phía đông, là chỗ phân địa giới với huyện Thạch Hà. Cửa biển rộng 37 trượng, thủy chiều lên sâu 8 thước, thủy chiều xuống sâu 5 thước. Tấn thủ ở xã Kim Đôi. Xét: cửa Sót xưa gọi là cửa Nam Giới, trước kia, thuyền phương Bắc sang nước ta thường đỗ ở đây..."[13]. Trong Nghệ An ký, Tiến sỹ Bùi Dương Lịch cho biết núi Quỳnh Viên là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới.

Tuy nhiên, về thân thế và hành trạng của đức Phật Quang, cả Lĩnh Nam trích quái và các tác phẩm khác sau này đều không thấy đề cập. Dẫu vậy, địa danh núi Quỳnh Viên/cửa Sót không chỉ nổi tiếng là nơi thuyền bè neo đậu, có lẽ sâu sa hơn, bắt nguồn từ truyền thuyết về Chử Đồng Tử được đức Phật Quang truyền pháp và rồi trải qua những thăng trầm lịch sử, nơi đây dần trở thành nơi thờ danh tướng Lê Khôi[14], một vị công thần khai quốc của triều Hậu Lê, và đây cũng là nơi in dấu của nhiều tao nhân mặc khách như Chủ soái tao đàn Lê Thánh Tông, thi sỹ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu...

Khảo trong Thiền uyển tập anh, trong số 68 danh tăng thì chỉ có ba vị quê ở Nghệ An hay đến Nghệ An tu tập, đắc đạo và hoằng pháp là danh tăng Tịnh Giới, Y Sơn và Hiện Quang. Thiền uyển tập anh chép về các danh tăng trong một khoảng thời gian gần 700 trăm năm, rõ ràng là các ngài là những đại biểu ưu tú nhất của Phật giáo Việt Nam trong gần bẩy thế kỷ đó.

Danh tăng Tịnh Giới (sinh khoảng năm 1158 – 1207), người Mão hương, Ngung giang, Lô hải. Ngài họ Chu, tên Hải Ngung, tính tình thuần hậu. Ngài tu tập tại chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh, phủ Nghệ An.

Thuở nhỏ, nhà nghèo nhưng vẫn theo Nho học. Nến năm 26 tuổi bị ốm, chiêm bao thấy thiên nhân xuống cho thuốc, tỉnh dậy thì khỏi bệnh, từ đó quyết chí xuất gia, thường tham vấn các vị sư trong hương và tu tập, được thụ cụ túc giới, chuyên tâm Luật tạng.

Nghe nói ở vùng Lãng Sơn u tịch, có thể tầm sư học đạo, ngài liền chống gậy đi về phía đông, theo hầu sư Bảo Giác ở chùa Viên Minh. Chỉ một câu nói của thầy mà ngài khai ngộ.

Tháng 10 năm Quý Tỵ, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11 (1173), một lần, sư được thầy gọi đến dạy: Sinh lão bệnh tử là lẽ thường của thế gian, há riêng mình ta được miễn thông lệ đó sao!

Sư hỏi: hôm nay Tôn đức thế nào?

Ngài Bảo Giác mỉm cười gật đầu rồi đọc bài kệ:

Vạn pháp qui không[15] vô sở y

Qui tịch chân như mục tiền ky (cơ)

Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ

Thủy băng tâm nguyệt mẫn tâm nghi

(Tạm dịch: Vạn pháp qui về Không mà chẳng dựa vào đâu/ Chân như vắng lặng hiện ra trước mắt/ Đạt tâm viên ngộ, nơi nào không biết nữa / Nước lặng, tâm lặng như bóng nguyệt, tuyệt hết mọi suy nghĩ về tâm).

Đọc kệ xong, sư Bảo Giác trao pháp cụ cho Tịnh Giới rồi viên tịch.

Từ đó, sư Tịnh Giới tùy phương giáo hóa, sau ngài dừng ở chùa Quốc Thanh tu hạnh đầu đà trong 6 năm[16] mà không xuống núi nên có phép lạ hàng long phục hổ, phép lạ như thần. Châu mục Phạm Từ nghe danh đức của ngài đã đem lễ hậu xin cho đúc hồng chung để trấn giữ sơn môn.

Mùa hè năm Trinh Phù thứ 2 (1177), gặp hạn, vua Lý Cao Tông xuống chiếu cho danh tăng làm lễ cầu đảo đều không ứng nghiệm. Vua từ lâu đã nghe danh tiếng của sư bèn sai sứ thỉnh về chùa Báo Thiên. Nửa đêm, ngài đứng giữa sân đốt hương, trời đổ mưa. Vua hết lời khen ngợi gọi là Vũ sư (thầy mưa). Nhân đó, vua mời ngài ở điện riêng để tiện hỏi về Phật pháp.

Năm Trinh Phù thứ 4 (1179), chùa Chân Giáo ở núi Vạn Bảo khánh thành. Vua triệu các danh tăng về dự. Khi ấy trời đổ mưa ròng rã khiến cho đường đi lầy lội, phương hại đến việc mở hội chùa, ngài lập đàn cầu tạnh, mưa liền ngớt. Xong 7 ngày hội chùa, trời lại mưa như trước.

Xong việc, ngài trở về bản hương, cho trùng tu chùa Quảng Thánh, quyên mộ đúc chuông. Trải nhiều phen binh hỏa, quả chuông do ngài đúc đến nay vẫn còn. Sau ngài về chùa Quốc Thanh giáo hóa môn đồ. Có vị tăng hỏi về Phật lý, ngài đáp:

- Chính ta là ngươi.

Sư nói tiếp:

- Tính của Tâm tức là Tính nên nói Như Lai tạng. Tâm tức Tính tự tính là thanh tịnh.

Ngày 7 tháng 7 năm Trị Bình Long Ứng thứ 3 (1207), trước khi thị tịch, sư đọc bài kệ:

Thử thời thuyết đạo hãn tri âm

Chỉ vị như tư đạo táng tâm

Hề tư Tử Kỳ đa sảng sấm

Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm

(Tạm dịch: Thời nay giảng về đạo thật ít kẻ tri âm, bởi đã mất đạo tâm, Ai là Tử Kỳ nhiều sầu cảm/ Khi nghe tiếng đàn của Bá Nha)

Thu lai lương khí sảng tâm trung

Nhập đẩu tài cao đối nguyệt ngâm

Kham tiếu thiền gia si độn khách

Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm

(Tạm dịch: Thu về, lương khí khiến cho lòng người sảng khoái/ Tài cao thì vượt lên ngăm trăng, ngâm thơ/ Cửa thiền luống cười người ngu độn/ Biết lấy câu gì để truyền tâm đây).

Danh tăng Hiện Quang (? – 1121), tục danh là Lê Thuần, dáng người thanh tú, ăn nói nhẹ nhàng. Ngài mồ côi từ nhỏ, đến năm 11 tuổi được sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ nhận nuôi làm đệ tử. Chưa đầy 10 năm, ngài thông hiểu Tam học[17], nhưng chưa kịp suy cứu yếu chỉ Thiền tông thì thầy đã viên tịch. Ngài bèn đi khắp nơi tìm thầy học đạo, sau gặp sư Trí Thông ở chùa Thánh Quả dạy một câu mà tâm bừng sáng nên thờ sư Trí Thông làm thầy. Nhưng sau, ngài nhận lễ cúng dàng của công chúa Hoa Dương mà bị mang tiếng. Ngài bèn vào núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An tham học sư Pháp Giới và thụ cụ túc giới tại đây.

Một lần, ngài thấy Thị giả dâng cơm, sẩy tay làm đổ xuống đất. Thấy vậy, ngài tự hối vào trong núi Yên Tử kết am cỏ tu hành. Mỗi khi xuống kinh thành, sư đi đến đâu, dã thú đều thuần phục.

Vua Lý Huệ Tông (1211 – 1225) khâm phục tài đức của ngài đã nhiều lần sắp lễ thỉnh đón, ngài đều lánh mặt thoái thác. Từ đó, ngài quyết không xuống núi nữa. Có thầy tăng hỏi: Từ khi đến núi này, hòa thượng làm những việc gì? Ngài đáp:

Ná dĩ Hứa Do đức

Hà tri thế kỷ xuân

Vô vi cư khoáng dã

Tiêu dao tự tại nhân

(Tạm dịch: Theo Hứa Do tu đức/ Nào biết bao nhiêu xuân rồi/ Vô vi trong đồng ruộng/ Tiêu dao ấy do mình).

Mùa xuân, năm Tân Tỵ, niên hiệu Kiến Gia thứ 11 (1221), trước khi viên tịch, ngài ngồi trang nghiêm trên tảng đá đọc bài kệ:

Huyễn pháp giai thị huyễn

Huyễn tu giai thị huyễn

Nhị huyễn giai bất tức

Tức thị trừ chư huyễn

(Tạm dịch: Huyễn pháp tất cả đều là huyễn/ Huyễn tu cũng là huyễn/ Hai huyễn chẳng dừng lại/ Dừng lại là trừ mọi huyễn).

Nói xong, môn đồ Đạo Viên sắm đủ lễ táng ngài trong núi.

Danh tăng Y Sơn (sinh khoảng trước năm 1121 – 1216), tư thái phong nhãn, có tài biện thuyết, người hương Cẩm, Nghệ An. Thuở nhỏ đã chọn bạn để giao du, học thông kinh sách (Nho giáo), với Trúc điển (Phật giáo) lại càng để tâm nghiên cứu.

Năm ngài 30 tuổi xuất gia theo học vị Trưởng lão trong làng, sau đến kinh đô tham vấn Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151), được Quốc sư giảng dạy mà đạt yếu chỉ. Từ đây, ngài tùy nơi giáo hóa, chỉ nhằm lợi người, tiền của do người cúng dàng, ngài đều dùng vào Phật sự. Ngài có làm bài văn khuyến người như sau:

Ham danh chuộng lợi

Như bọt nước trôi sông

Kết phúc gieo duyên

Như ngọc trong lòng

Khi về già, ngài dời về trụ trì chùa Nam Mô, hương Yên Lãng. Ngài thường dạy các môn đồ rằng :" Các ngươi nên biết, Như Lai thành Chánh Giác, đối với tất cả nghĩa lý, không còn có chỗ xem xét. Đối với tất cả các pháp bình đẳng, không gì nghi hoặc, không hai, không tướng, không đi, không đứng, không lường, không hạn, xa lìa hai bên, ở nơi trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, ngôn thuyết, truyền được thân lượng bằng hết thảy chúng sanh, được thân lượng bằng hết thảy mọi cõi, được thân lượng bằng hết thảy tam giới, được thân lượng bằng hết thảy Phật, được thân bằng hết thảy ngôn ngữ, được thân lượng bằng hết thảy nguyện, được thân lượng bằng hết thảy hành, được thân lượng bằng hết thảy tịch diệt".

Sau lời dạy, ngài đọc kệ:

Như Lai thành chính giác

Nhất thiết lượng đẳng thân

Hồi hỗ bất hồi hỗ[18]

Nhãn tinh đồng tử thần

(Tạm dịch: Đức Như Lai thành chính giác/ Cùng với tất cả các pháp/ Các sự vật thâm nhập vào nhau và phân lập/ Như cái thần của con măt).

Lại nói:

Chân thân thành vạn tượng

Vạn tượng tức chân thân

Nguyệt điện vinh đan quế

Đan quế tại nhất luân

(Tạm dịch: Cái Chân thân của mọi sự vật hiện tượng/ Mọi sự vật hiện tượng ấy là chân thân/ Ánh trăng làm hiện rõ cây đan quế/ Cây đan quế ấy trong ánh trăng)

Khi ngài sắp viên tịch, gọi môn đồ dạy rằng: Ta không trở lại đây nữa. Khi ấy, hoa trên cây trước chùa tự nhiên rơi rụng, chim sẻ kêu bi thương suốt ba tuần không rứt.

Ngày 18 tháng 3 năm Bính Tý, niên hiệu Kiến Gia thứ 6 (1216), ngài viên tịch.

Như vậy, với ba danh tăng được chép trong Thiền uyển tập anh, chúng tôi xin đưa ra một vài nhận định như sau:

Danh tăng Tịnh Giới ban đầu theo Nho giáo và uyên bác về Nho học. Sau ngài mới xuất gia, chuyên tâm về Luật tạng, sau ngài ra ngoài Bắc tầm sư học đạo và đắc pháp với sư Bảo Giác ở chùa Viên Minh thuộc vùng Lãng Sơn. Sau khi thầy thị tịch, ngài giành một thời gian giáo hóa chúng sinh rồi tiếp tục tu hạnh đầu đà[19] và có phép như thần, nhất là phép cầu mưa. Hành trạng của ngài đã có yếu tố Mật giáo[20].

Danh tăng Hiện Quang ngay từ đầu đã theo đạo Phật, và thông hiểu Tam học từ khi còn rất trẻ. Nhưng chỉ đến khi gặp ngài Trí Thông mới đốn ngộ yếu chỉ thiền tông. Sau vì bị mang tiếng nhận lễ cúng dàng của công chúa Hoa Dương mà ngài vào Nghệ An tham học sư Pháp Giới và thụ cụ túc giới. Từ đây, ngài một lòng tự hối, kết am cỏ tu hành trong núi Yên Tử, khiến cho muông thú ở đây đều thuần phục. Như vậy, hành trạng tu hành của ngài Hiện Quang như một ẩn sỹ, với bài kệ của ngài lưu lại trong Thiền uyển tập anh cho thấy trong tư tưởng của ngài có Nho giáo và Đạo giáo, và yếu tố Mật giáo cũng rất đậm nét.

Về yếu tố Mật giáo, có lẽ xuất hiện từ thời Sỹ Nhiếp được chép trong Lĩnh Nam trích quái (truyện Man Nương). Một nhà sư Ấn Độ là Khâu Đà La (Cà/ Già la xà lê; A xà lê – Acarya) đến Dâu tu hành, cho dẫu là danh hiệu chỉ một trong tam sư hướng dẫn tín đồ mới học đạo chứ không phải là chỉ tên người cụ thể, mà thầy A xà lê chuyên về dạy giáo lý, tức kinh Phật thì việc Man Nương mang thai thì đã hàm chứ yếu tố đậm nét về Mật giáo, điều này được minh chứng rõ ràng khi các thạch kinh của Đinh Liễn (thế kỷ IX) ở Hoa Lư, Ninh Bình được phát hiện. Phần lớn các thạch kinh này đều thần chú Phật đỉnh tôn thắng đà la ni, và sau này, yếu tố Mật giáo càng trở lên phổ biến hơn trong thời Lý – Trần với các danh tăng như ngài Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Không Lộ, Nguyễn Minh Không... và ngài Tịnh Giới và Hiện Quang cũng vậy.

Danh tăng Y Sơn ngay thừ thuở nhỏ đã tinh thông kinh sách Nho giáo và Phật giáo. Năm 30 tuổi ngài mới xuất gia theo học các vị trưởng lão trong làng, sau đến kinh đô tham vấn sư Viên Thông mới đạt yếu chỉ thiền. Sau đó ngài giáo hóa chúng sinh, chuyên tâm Phật sự. Đối với môn đồ, qua lời ngài dạy thì chắc chắn ngài tu tập theo Hoa Nghiêm kinh[21] và chịu ảnh hưởng của Hoa Nghiêm kinh rất sâu đậm, tư tưởng Phật, Như Lai, Chân như, Chân thân đều có ở mọi sự vật hiện tượng, với ngài, tịch diệt là Niết bàn. Điều quan trọng hơn, khảo trong Thiền uyển tập anh, ngài là người đầu tiên tu tập và dẫn giải Hoa Nghiêm kinh. Và sau ngài, trong thời Trần, chỉ có ngài Pháp Loa, giảng giải Hoa Nghiêm kinh mà thôi.

III. Thay lời kết

Thiền uyển tập anh, dưới góc độ văn học thì 68 truyện được chép đều có đặc điểm chung là cuộc đời tu hành, giáo hóa của các thiền sư đều mang yếu tố có những phép lạ. Đây chỉ là một phương tiện trong văn học được dùng để đạt đến một hiệu quả nghệ thuật mà thôi. Bởi khi xét ở một góc độ khác, cuộc đời và hành trạng của các thiền sư thường lại được mô tả theo cách nhìn thế sự, theo các sự kiện hiện thực và tuân theo phong cách chép sử, nghĩa là chép theo đúng chi tiết đời thường, tức là nhấn mạnh về dung mạo, tính tình và nhất là quá trình tu tập và công phu tu tập của thiền sư khi đã đạt đến một trình độ nhất định thì đạt được những khả năng đặc biệt, còn gọi là phép thần thông trong Phật giáo[22]. "Những khả năng đó vừa biểu thị sự hướng nội, sức mạnh nội tâm, nội lực, sự đạt đạo ở ý chí làm chủ bản ngã, đồng thời vừa biểu thị sức mạnh hướng ngoại, có khả năng chinh phục thế giới ngoại cảnh, thế giới chúng sinh, hàng ngũ vua quan, đệ tử và giới tự nhiên, loài vật, cỏ cây, gió mưa, mây nước"[23]. Đây chính là những dấu hiệu thể hiện khả năng đặc biệt, phi phàm của những người tu hành và vì thế các vị danh sư được chép trong tác phẩm này không chỉ tôn cao danh đức của các ngài mà còn là sự tôn cao uy vọng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử và đồng thời cũng là nhiệm vụ của các nhà tu hành phải hướng tới.

Dưới góc độ lịch sử, phát hiện khảo cổ học năm 1985 về Xá lợi Phật trong lòng về tháp Nhạn[24] tại xã Hồng Long, huyện Nam Đàn được xác định là thế kỷ VII cho thấy, xứ Nghệ vào thời đó, có thể hình thành trung tâm Phật giáo lớn như trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Dâu! Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vào năm 1073, Thái sư Lý Đạo Thành khi đến châu Nghệ An đã thành lập "viện Địa Tạng ở trong miếu vương thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật"[25]. Thêm một chi tiết nữa được chép, vào năm 1270, khi Tĩnh quốc đại vương Trần Quốc Khang cho người xây dựng phủ đệ ở Diễn Châu rất tráng lệ. Sau sợ vua biết nên "tạc tượng Phật để ở đó"[26]. Miếu thánh vương là miếu thờ thánh, nhưng với việc đặt tượng Phật ở trung tâm viện để thờ phụng, và việc Tĩnh quốc đại vương Trần Quốc Khang tạc tượng Phật chứ không phải là một vị thần của tôn giáo khác, cho thấy Phật giáo ở nơi đây đã có một vai trò, vị trí quan trọng không chỉ đối với những nhà cầm quyền trong triều mà còn rất quan trọng trong tâm thức người dân xứ Nghệ.

Dưới góc độ lịch sử Phật giáo, từ những nghiên cứu về quá trình du nhập của Phật giáo của các thế hệ học giả đi trước thì Phật giáo đã có mặt ở nước ta từ rất sớm. Nếu như Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ Sỹ vương) cho biết Thái thú Sỹ Nhiếp (136 – 227), mỗi khi ra ngoài "có người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương", và không có gì lạ, thiền phái đầu tiên truyền vào nước ta do chính người Ấn Độ (Vinitaruci), thì Lĩnh Nam trích quái (truyện Man Nương) lại cho biết sự dung hòa với tín ngưỡng bản địa của Phật giáo. Vì thế, chúng tôi cho rằng những chi tiết mà Lĩnh Nam trích quái đề cập về nhà sư Phật Quang và địa danh Cửa Sót là thời gian và địa điểm truyền bá Phật giáo tại xứ Nghệ. Tuy vậy, để tìm hiểu Phật giáo xứ Nghệ thời kỳ này có những đặc trưng nào so với Phật giáo các xứ/vùng cùng thời sẽ còn là một câu hỏi bỏ ngỏ...? Hẳn nhiên, những gì được chép trong Thiền uyển tập anh về các vị danh sư xứ Nghệ cho thấy Phật giáo xứ Nghệ cũng mang những đặc trưng chung của Phật giáo Việt Nam bởi chính sự "giao lưu" học hỏi giữa các thiền sư hai miền Trung – Bắc, mà hành trạng của ba vị danh tăng đã cho thấy chắc chắn điều đó. Thêm nữa, các ngài đều trong phổ hệ truyền thừa hai thiền phái danh tiếng nhất thời bấy giờ là thiền phái Tì ni đa lưu chi (Sơn môn Dâu – Luy Lâu)[27] và thiền phái Vô Ngôn Thông (sơn môn Kiến Sơ)[28], đó là sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử và là "một nhân tố quan trọng trong hệ tư tưởng Việt Nam"[29] trong thời Lý – Trần, trước đó và sau này.

Về vấn đề Nho giáo, Đạo giáo, sự hòa quyện của Tam giáo trong tư tưởng và hành trạng của các danh tăng xứ Nghệ cũng như truyền thống Nho học xứ Nghệ được chép trong Thiền uyển tập anh, chúng tôi xin được đề cập ở một bài viết khác.

 

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2012



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 2. Sđd, tr118.

[2] Theo Đại Nam nhất thống chí, đạo Hải Tây gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Tân Bình.

[3] Nguồn dẫn: http://vi.wikipedia.org/wiki/X%E1%BB%A9_Ngh%E1%BB%87

[4] Còn gọi là trấn Nghĩa An

[5] Xin xem chi tiết trong Đại Nam nhất thống chí, mục Tỉnh Nghệ An.

[6] Nguồn dẫn: http://vi.wikipedia.org/wiki/X%E1%BB%A9_Ngh%E1%BB%87

[7] Tên đầy đủ là Thiền uyển tập anh ngữ lục. Còn được gọi là Thiền uyển tập anh hay Thiền uyển tập (...). Theo Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh cho biết tác giả của Thiền uyển tập anh là Thiền sư Kim Sơn, và Thiền sư cũng có thể là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng là Thánh đăng ngữ lục và Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục.

[8] Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1. Nxb. Văn học, HN, 1992, tr 99.

[9] Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Nxb, thành phố Hồ Chí Minh. tr 10-11.

[10] Nguyễn Tự Cường. "Nghĩ lại lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thiền uyển tập anh có phải là văn bản truyền đăng không". Dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn. Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh. Nxb. Khoa học xã hội. tr.10

[11] Đây cũng là một tác phẩm tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối nhà Trần. Tác phẩm này tương truyền là của danh sĩ Trần Thế Pháp.

[12] Xem thêm Vũ Quỳnh – Kiều Phú. Lĩnh Nam trích quái. Nxb Văn học. HN, 1990. truyện Nhất dạ trạch.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nxb. Thuận Hóa. tr.181.

[14] Danh tướng Lê Khôi (? – 1445), người làng Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngài tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và lập được rất nhiều công lao. Ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, ngài được ban chức Kỳ lân hố vệ tướng quân,... sau thăng Tư mã, tham trị chính sự. Từ năm 1443, ngài trấn thủ Nghệ An. Đến năm 1445, dưới triều vua Lê Nhân Tông, sau khi đánh Chiêm Thành, trên đường trở về thì ngài mất tại núi Nam Giới, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xin xem thêm: Phan Huy Chú.  Lịch triều hiến chương loại chí

[15] Vạn pháp qui không là một tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa.

[16] Có lẽ là 4 năm

[17] Tam học chỉ ba việc thực hành Phật pháp gồm: Giới, Định và Tuệ.

[18] Chỉ sự thâm nhập vào nhau, tương hỗ nhau  (hồi hỗ) nhưng vẫn có sự phân lập và mang tính độc lập riêng (bất hồi hỗ). Xem thêm "Nhân thiên nhãn mục" trong Thạch Đầu tam đồng khế của thiền sư Thạch Đầu (700 – 790).

[19] Từ điển Phật học cho biết như sau: Đầu đà nguyên nghĩa tiếng Pali (dhũta, dhutanga) là rũ sạch. Là phương tiện tu khổ hạnh đã được đức Phật cho phép. Pháp tu hành này giúp hành giả giảm tối đa những nhu cầu, tăng triển ý trí và rũ sạch những ô nhiễm. Đại sư Phật Âm cho biết có 13 hạnh đầu đà được chép trong Thanh tịnh đạo là: 1. Mặc y phục rách vá; 2. Mặc y phục ba phần; 3. Khất thực để sống; 4. Không bỏ nhà nào; 5. Ăn một lần trong ngày; 6. Ăn chỉ một phần; 7. Không ăn tàn thực (không ăn giữa bữa); 8. Ở rừng; 9. Ở gốc cây; 10. Ở giữa trời; 11 Ở nghĩa địa; 12. Ngủ đâu cũng được; 13 Ngồi không nằm. Tương truyền Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã tu hạnh đầu đà. Ngài mang hiệu Trúc Lâm Đầu Đà.

[20] Mật giáo hình thành khoảng thế kỷ VII, khi đó Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu suy tàn mà trong học thuyết, nhất là của Du Già hành phái thuộc Phật giáo Đại thừa đã kinh viện hóa và vô cùng phức tạp, khiến cho tầng lớp nhân dân tiếp thu. Trong tình hình như vậy, Phật giáo Đại thừa đã tiếp thu thêm một số giáo nghĩa và hình thức của Ấn Độ giáo, từ đó hình thành lên Mật giáo trong Phật giáo tại Ấn Độ. Đặc trưng chính của Mật giáo là đề cao các loại chú thuật, đàn trường, nghi quĩ. Do vậy, nghi thức thiết đàn, cúng dường, tụng kinh, niệm chú, quán đảnh... vô cùng nghiêm khắc, và vì thế hình thức biểu hiện cũng vô cùng phức tạp và không truyền ta ngoài giáo phái. Về kinh điển của Mật giáo chủ yếu là Đại Nhật kinh, Kim cương đỉnh kinh, Mật tập kinh, Hỷ kim cang kinh, Thời luân kinh và Tô tất đại kinh. Vào những năm Khai Nguyên thời Đường (713 – 714), tương truyền có ba tăng nhân người Ấn Độ là Thiện Vô Úy (637 – 735), Kim Cương Trí (663 – 723) và Bất Không Kim Cương (705 – 774) đem kinh điển Mật giáo truyền vào Trung Quốc. Từ đây, Mật tông hình thành và phát triển, và là một trong những tông phái quan trọng của Trung Quốc. Trong đó phải kể đến một chi phái của Mật tông truyền vào Tây Tạng. Tại đây, Mật tông lại có sự kết hợp với bản giáo và hành thành nên Tạng truyền Phật giáo mang những đặc điểm của dân tộc Tây Tạng. Tương truyền, ngài Thiện Vô Úy dịch Đại Nhật kinh, ngài Bất Không dịch các Mantra và Đà la ni của bộ kinh đó.

[21] Hoa Nghiêm kinh: tên đầy đủ là Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh. Đây là một bộ kinh điển tối quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo Trung Quốc, thì đây là bộ kinh quan trọng nhất của Hoa Nghiêm tông, vì Hoa Nghiêm kinh chính là tiền đề hình thành Hoa Nghiêm tông. Tư tưởng của Hoa Nghiêm kinh qua Hoa Nghiêm tông đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến sự ra đời của Lý học thời Tống và Minh ở Trung Quốc.

Về nguồn gốc Hoa Nghiêm kinh, các học giả cho rằng kinh này được hình thành từ thế kỷ thứ II đến giữa thế kỷ thứ IV ở vùng Nam Ấn Độ. Trước khi đại bản Hoa Nghiêm kinh được phiên dịch tiếng Hán, đã có một số tiểu bản đã được dịch trước đó ở Trung Quốc, như Đâu Sa kinh do Chi Lâu Ca Sấm thời Đông Hán dịch, hay bản dịch khác của Như Lai danh hiệu phẩm hay Bồ tát bản nghiệp kinh trong đại bản Hoa Nghiêm kinh do Chi Khiêm thời Tam Quốc dịch... Ngoài ra, các quyển Thập địa kinh, Trụ thập kinh cũng là một trong hơn 30 tiểu bản đơn lẻ của đại bản Hoa Nghiêm kinh sau này.

Hoa Nghiêm kinh do ngài Thực Xoa Nan Đề thời nhà Đường dịch gồm 80 quyển, 39 phẩm, do vậy còn gọi là Bát thập Hoa Nghiêm kinh hoặc Tân dịch Hoa Nghiêm kinh. Tư tưởng trung tâm của Hoa Nghiêm kinh là xuất phát từ quan điểm Pháp tính bản tịnh. Do đó các lý luận như chư pháp của pháp giới đều cùng một vị, một vị là tất cả, tất cả là một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất vô tận duyên khởi).

Danh sư Y Sơn đã dạy học trò theo đúng tinh thần tư tưởng Hoa Nghiêm kinh như chúng tôi đã nói ở trên.

[22] Đối với phép thần thông, Phật giáo đưa ra ba loại nguyên tắc xác định: 1. Thần thông là lực lượng tự chủ, tức thần thông là lực lượng mang tính tự chủ, do tu hành mà thành; 2. Thần thông là tác dụng của sự sáng tỏ, tức có khả năng minh chiếu rõ ràng chướng ngại ngoài hiện tượng mà vẫn có năng lực suy đoán vị lai theo hiện tượng nhân duyên; 3. Thần thông có thể lặp lại một cách ổn định, có nghĩa là thần thông Phật giáo không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà có, do vậy những cảm ứng thần kỳ có thể lặp lại. Ngoài ra, Phật giáo còn nhận định thần thông cũng có giới hạnh, sức mạnh thần thông là tương đối và thần thông là kỹ thật thông qua tu luyện mà có thành tựu... Xin tham khảo thêm: Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch). Toàn tập giải thích phép thần thông Phật giáo. Nxb. Tôn giáo.

[23] Nguyễn Hữu Sơn. Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh. Nxb. Khoa học Xã hội. Tr. 58

[24] Xin xem chi tiết hơn trong bài viết của GS. Hoàng Xuân Chinh, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 92 năm 2007.

[25] Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2004, tập 1, tr  277.

[26] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr. 38.

[27] Theo Thiền uyển tập anh. Ngài Y Sơn thuộc truyền thừa thứ XIX, XX dòng thiền Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci)

[28] Theo thiền uyển tập anh. Ngài Tịnh Giới thuộc thế hệ thứ X, ngài Hiện Quang thuộc thế hệ thứ XIV dòng thiền Vô Ngôn Thông

[29] Đại đức, Tiến sỹ Thích Đức Thiện, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên). Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nxb. Chính trị quốc gia. tr. 11.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 274
    • Số lượt truy cập : 6948546