Thông tin

ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

MINH QUANG

 


 

Đạo đức xã hội là vấn đề lớn của đất nước, nó liên quan mật thiết đến sự thịnh suy hưng vong của dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề lớn này lại bắt đầu từ yếu tố văn hóa đạo đức nơi mỗi gia đình, cụ thể hơn đó là đời sống văn hóa đạo đức và khả năng nhận thức nơi mỗi thành viên trong xã hội, bởi đây chính là yếu tố căn bản cấu thành nền tảng đạo đức, trật tự ổn định chung cho xã hội.

Hiện nay, tình trạng xuống cấp và tha hóa đạo đức trong đời sống xã hội kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và nhiều mặt tiêu cực khác trong đời sống, đây là một thực tế đáng lo ngại, rất cần xã hội quan tâm và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, theo tôi, Phật pháp hoàn toàn có khả năng này.

I. Đạo đức gia đình và xã hội

Đời sống con người nếu không có giáo dục thì sẽ trở nên cổ hủ, lạc hậu, nghiêm trọng hơn là con người rất dễ đánh mất nhân tính, tha hóa, biến chất, trật tự xã hội sẽ rối ren, bạo loạn, khủng bố, chiến tranh, chết chóc đau thương là điều khó tránh khỏi.

Nói như vậy để thấy rằng giáo dục là một công việc tối quan trọng trong đời sống con người. Một đất nước có một nền giáo dục ưu việt thì đất nước đó văn minh phát triển lâu dài bền vững, ngược lại một đất nước có nền giáo dục tụt hậu thì tình hình đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn trên bước đường thăng tiến. Do vậy, sự nghiệp giáo dục là nền móng căn bản để xây dựng đời sống hiện tại, làm nền tảng cho một tương lai tươi sáng.

Nền giáo dục ở nước ta hiện lâm vào tình trạng mất thăng bằng giữa giáo dục nhân cách đạo đức và truyền đạt kiến thức, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi đạo đức nhân cách trong một bộ phận giới trẻ hiện nay; bên cạnh đó, mỗi mái ấm gia đình an vui hạnh phúc chính là một viên gạch chất lượng, là nền tảng vững chắc để xây dựng nên một xã hội tươi sáng, một đất nước phồn vinh, một thế giới hòa bình; ngược lại một gia đình rạn nứt đổ vỡ là một viên gạch mục nát, nhiều viên gạch kém chất lượng như vậy góp vào thì sớm muộn gì ngôi nhà thế giới cũng ngả nghiêng xiêu vẹo. Cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan khác thì đây cũng được xem là một yếu tố quan trọng khiến cho thế giới ngập chìm trong đau thương, mất mát. Trước sự việc này, thiết nghĩ, sự thiếu hụt về vật chất nhất thời chúng ta có thể dễ dàng vượt qua, nhưng sự mất mát suy sụp về tinh thần thì tâm hồn chúng ta khó có thể thoải mái an lạc được, nếu không muốn nói là rất nguy hiểm cho thế hệ con cháu chúng ta và cho toàn xã hội. Ở đây, chúng tôi nêu lên tầm quan trọng của vấn đề này là để nhấn mạnh đến trách nhiệm hoằng pháp của Phật giáo, đã đến lúc chúng ta phải thật sự có trách nhiệm với thực trạng xuống cấp đạo đức trong đời sống xã hội nói chung và thực trạng đổ vỡ bất hạnh trong đời sống gia đình nói riêng, để chia sẻ gánh nặng cho xã hội, góp phần tạo nên một môi trường sống trong sáng lành mạnh, để từ đó những người Phật tử tại gia có thể thuận lợi hơn trong việc tu tập cũng như đóng góp công sức của mình cho đạo pháp và dân tộc một cách trọn vẹn hơn.

Như chúng ta đã biết, mục đích ra đời của Đức Phật là để hoằng pháp lợi sanh, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, nguồn sống tuệ giác đó chính là nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ. Nói cách khác, hoằng pháp có nghĩa là giúp cho con người ươm mầm cây đạo đức, gieo hạt giống từ bi, hướng mọi người đến một đời sống chân thiện mỹ, từ đó tiến đến nấc thang cao hơn là thực hành đời sống “trung đạo”, tu tập “Bát Chánh Đạo” để tâm hồn được thanh tịnh, an lạc.

Kể từ khi đất nước mở cửa hội nhập, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, với những cơ hội và điều kiện thuận lợi không ngừng đưa đất nước vươn lên tầm cao mới thời đại, thì chúng ta cũng phải đối mặt với những cơ hội và thách thức trong đời sống xã hội. Một trong những thách thức lớn mà nền kinh tế thị trường mang đến, đó là sự du nhập ăn theo của những nội dung bất cập, ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa, cùng với lối sống thực dụng đã làm băng hoại nền luân lý đạo đức trong đời sống xã hội, mà đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thế hệ trẻ thời đại, để giải quyết vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ không chỉ là trách nhiệm của Nhà Nước, của từng gia đình và nhà trường, mà rất cần đến ánh sáng Phật pháp soi rọi đến.

Đặc điểm của thời hiện đại là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, theo đó là hàng loạt sản phẩm công cụ tiện ích ra đời phục vụ đời sống con người, sự phát triển kinh tế xã hội đã khiến cho đời sống vật chất dồi dào và mức hưởng thụ được nâng cao. Đồng thời, tuổi trẻ thời đại có nhiều ưu điểm, thông minh lanh lợi, tháo vát, năng động, nếu được định hướng và được giáo dục căn bản thì họ sẽ trở thành những nhân tố tích cực trong đời sống, trở thành rường cột của nước nhà.

Tuy nhiên, một bộ phận tuổi trẻ thời nay có những giới hạn nhất định, đó là tính bồng bột, xốc nổi, bản ngã, hiếu thắng, thích chứng tỏ bản thân và ưa khẳng định mình, do đó, nếu họ không được sự quan tâm đúng mức để dìu dắt, họ rất dễ chạy theo lối sống thực dụng, rất dễ bị tiêm nhiễm ảnh hưởng thói hư tật xấu từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đời sống đạo đức sẽ bị suy đồi, có thể nói đây là nguy cơ tiềm ẩn của xã hội.

1. Thực trạng đổ vỡ gia đình và tình trạng con cái thiếu sự quan tâm giáo dục

Trong bối cảnh xã hội thời nay, tình trạng gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly thân, ly dị, con cái rơi vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, là nguyên nhân khiến cho một bộ phận lớp trẻ mang nặng tâm trạng buồn phiền chán nản, dần dần mất niềm tin trong cuộc sống, từ đó đưa đẩy họ vào con đường hư đốn, nghiện ngập và sa đọa. Bên cạnh những trường hợp hôn nhân gia đình bị đổ vỡ thì cũng có những gia đình vì mải mê lao vào làm ăn, dẫn đến sự quan tâm con cái không được thỏa đáng. Trong hoàn cảnh như vậy, do tiền bạc sẵn có của cha mẹ, cùng với sự nuông chìu để bù đắp về sự thiếu quan tâm một cách thiếu trí tuệ của các bậc làm cha làm mẹ, thêm vào đó là những sản phẩm độc hại từ mạng internet luôn bày ra trước mắt, đã tạo điều kiện cho các em lao vào tìm vui ảo, tình trạng này diễn ra lâu ngày, khiến cho các em huân tập một đời sống buông thả theo lối sống “bất cần đời”. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ ngày nay, đây cũng là nguyên nhân gây xáo trộn đời sống gia đình và bất an cho xã hội.

Nếu, không kể đến những hoàn cảnh đặc biệt này thì đa số các em trẻ, tâm hồn rất vô tư trong sáng, rất dễ dạy dỗ nên người hữu ích, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị nhuốm màu khi tiếp cận với thế giới xung quanh, trong khi đó sự quan tâm và quản lý của gia đình trong thời buổi hiện nay rất giới hạn, đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ khiến các em tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ở đời, nhất là đối với các em thiếu ý chí nghị lực vươn lên, thiếu sự tu dưỡng rèn luyện.

2. Thực trạng bạo lực gia đình, nỗi lo không của riêng ai

Tình trạng bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân gây nên bất hạnh đổ vỡ gia đình, vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi mà ý thức “trọng nam khinh nữ” vẫn mặc nhiên tồn tại trong một bộ phận dân chúng tại nước ta. Bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình, dù bạo lực gia đình là căn bệnh trầm kha nhưng khái niệm “bệnh” vẫn chưa được xác định đúng đắn trong xã hội, bởi đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó đã gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Xét về góc độ xã hội, bạo lực thể xác thường diễn ra với gia đình trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè cờ bạc, tuy nhiên bạo lực tinh thần cũng có khi nảy sinh trong gia đình viên chức trí thức như một “mặt trái của nền kinh tế thị trường”, bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng từ tâm lý đến thể chất kéo dài, thường là trầm cảm hay rối loạn, nhiều trường hợp đã dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Những cháu gái khi phải sống trong một gia đình mà ngày ngày chứng kiến cảnh bạo hành, bạo lực, thì khi lớn lên sẽ hoài nghi về cuộc sống; những cháu bé trai dễ có khuynh hướng hung hăng cáu gắt...

3. Thực trạng bạo hành học đường

Tình trạng học sinh biếng ăn bỏ học cũng chỉ vì muốn chứng tỏ mình là những game thủ bất khả chiến bại trên hành trình ảo, có nhiều em vì quá nghiện game đã trở thành bệnh nhân hoang tưởng, tâm thần, có em còn đột quỵ tại các điểm truy cập vì “chiến đấu” quá sức, như hiện tượng các em học sinh trở thành tội phạm giết người cướp của ở độ tuổi vị thành niên vì ảnh hưởng tiêu cực từ mạng internet là điều đã xảy ra.

Việc sử dụng điện thoại di động cũng vậy, em nào có “dế” đời mới, liên tục cập nhật nhạc chuông ngộ nghĩnh thì em đó được bạn bè xem là dân chơi sành điệu. Từ việc dùng xe đi học, đi chơi, đến ngôn ngữ giao tiếp, cái gì cũng được các em không ngừng “hiện đại hóa”, nói chung tuổi trẻ thời hiện đại, từ suy nghĩ đến lối sống hoàn toàn khác xa tuổi trẻ của chúng ta cách đây mấy thập niên.

Nền móng đạo đức của một bộ phận giới trẻ đang bị lung lay và “Tiên học lễ - Hậu học văn” không còn chuẩn xác trong thời buổi game online thịnh hành, nhan nhản những phim ảnh sách báo đầy tính bạo lực, đây đó vẫn chưa hết những tỳ vết khó chấp nhận của một số ít thầy cô giáo và một bộ phận nhỏ ở các bậc phụ huynh…, do vậy mà đến nay bạo lực học đường vẫn là nỗi ám ảnh của xã hội.

Có thể nói rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành học đường bắt nguồn từ gia đình và môi trường xã hội, nhất là sự giới hạn trong phương pháp giáo dục ở gia đình lẫn nhà trường, sau đó mới nói đến tính cách của học sinh. Trẻ em nếu thiếu tình thương và sự quan tâm của cha mẹ thường dẫn đến các hội chứng “trầm cảm”, “ức chế tâm lý”, tâm tính thất thường, dễ sanh bực dọc, trở nên vô cảm và rất dễ bạo lực với bạn bè trang lứa khi gặp chuyện không vừa ý. Trạng thái vô ý thức này dường như là một kiểu “xả sú bắp” do phải lặn hụp trong một môi trường thiếu dưỡng khí “giáo dục”, cũng có thể nói đó là một cách làm thụ động để giới trẻ tự “quân bình” tâm lý.

Thủ phạm gián tiếp kích thích các vụ đấm đá dã man rõ ràng là các trò chơi game, phim ảnh và cả truyện tranh bạo lực. Trong gia đình, tình trạng cha mẹ ly thân ly dị, hoặc có một đời sống không lành mạnh, cha hay mẹ hành hung con cái, anh chị em khi khắc khẩu nghịch ý liền lớn tiếng cãi vã thóa mạ nhau, thậm chí tay đấm chân đạp; ở trường, thầy cô thiếu kiên nhẫn với một vài học sinh cá biệt hoặc đôi khi cũng làm điều chưa trọn đạo làm thầy; đời sống xã hội, dân chợ búa “xã hội đen” tuyên ngôn bạo lực…, tất cả đều là căn nguyên tác động một cách trực tiếp đến nạn bạo lực học đường.

II. Giải pháp

Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo giác ngộ, tính nhập thế của đạo Phật là đem ánh sáng giác ngộ đi vào cuộc đời, cụ thể hơn đó là xây dựng một đời sống đạo đức trí tuệ trong xã hội. Tuy nhiên, những đề tài liên quan đến “Bạo hành học đường” hay “Bạo lực gia đình”, nó liên quan mật thiết đến sự xuống cấp nền đạo đức xã hội mà chúng tôi cho là rất quan trọng, thì dường như ít được chư Tăng quan tâm chia sẻ. Do vậy mà những bế tắc trong đời sống gia đình của người Phật tử vẫn mãi là vấn đề nan giải của riêng họ, để rồi họ đành âm thầm cam chịu một đời sống đầy hệ lụy và bất hạnh. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do đời sống chúng ta chưa được định hướng trên nền tảng giáo lý Phật Đà.

1. Xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc

Trước khi đến với hôn nhân, quý Phật tử, nhất là giới trẻ, cần phải tìm hiểu về nhau thật kỹ càng trên quan điểm “sống đạo” và định hướng tu tập lâu dài về sau, phải đến với nhau bằng tình yêu thương trên căn bản của sự sáng suốt (trí tuệ) và phẩm chất đạo đức (từ bi) và sự cảm nhận sâu sắc trong tinh thần hướng thượng, thăng hoa của đạo Phật, nhất quyết không để sự rung cảm nhất thời của con tim cướp đoạt hạnh phúc.

Như chúng ta đã biết, đức Phật thị hiện ra đời để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi sông mê, vượt qua bờ giác, trong tám muôn bốn ngàn phương tiện mà đức Phật đã dạy để đối trị với tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não của chúng sanh, có một thánh dược đặc trị chứng bệnh “Bạo lực gia đình” và “Đổ vỡ đời sống gia đình” đó chính là Từ - Bi - Hỷ - Xả, nó rất thiết thực và hữu hiệu đối với hàng nhị chúng đệ tử tại gia, nó sẽ ngăn ngừa tận gốc hành vi bạo lực gia đình trên nền tảng giáo pháp mà đức Phật đã dạy.

Đồng thời để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại, Phật tử nên chú trọng giữ gìn ngũ giới đã thọ, tiến đến hành thập thiện, bên cạnh đó chúng ta phải kiên trì trau dồi tứ vô lượng tâm, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người…, được như vậy đời sống gia đình sẽ không có sự xung khắc, không còn đau thương và chắc chắn là sẽ không còn cảnh bạo lực gia đình để dẫn đến việc vợ chồng ly thân ly dị, cha mẹ lìa xa con cái, và như vậy, đời sống hiện tại của chúng ta chắc chắn sẽ gặt hái những điều tốt đẹp, chính vì vậy mà trách nhiệm của ngành hoằng pháp của Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng trợ duyên cho gia đình Phật tử trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

2. Kiềng ba chân: gia đình, trường học và xã hội

Trước hết, gia đình phải thật sự quan tâm đến con cái, trong đời sống gia đình, cha mẹ phải là tấm gương sáng về hạnh kiểm, luôn tỏ thái độ hòa nhã thân thiện với mọi thành viên, đối với con cái luôn quan tâm chia sẻ động viên khuyến khích, không để cho con sống vật vờ trong cô đơn thầm lặng.

Nhà trường không chỉ đứng ở vị trí của một “trọng tài” để giải quyết các mâu thuẫn, ngăn chặn tình trạng bạo hành, mà còn phải đẩy mạnh việc rèn luyện nhân cách, phải chú trọng đưa việc “dạy người” lên hàng đầu trong môi trường giáo dục, theo đó, giáo dục nhân cách ngay trong từng tiết học, dù nội dung tiết học đó ở lãnh vực tự nhiên hay xã hội. Bên cạnh, nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh hơn là chạy theo bệnh thành tích, bản thân thầy cô giáo cũng không thể là tấm gương “mờ đục” vì những lợi ích nhỏ nhen, vì cách hành xử thiếu công minh; sự tận tụy, yêu thương chân thành của thầy cô giáo sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với thế giới chung quanh.

Một học sinh cá tính có thể vô cớ hành hung bạn hay gây rối trong lớp học từ những nguyên cớ nhỏ nhặt chỉ để chứng tỏ bản thân vì đang lứa tuổi nắng mưa bất thường, cộng thêm sự tiêm nhiễm từ phim ảnh, sự xúi giục của bên ngoài…, cho nên, chúng ta không thể để lớp trẻ nhận thức sai lệch về tính tự do hay dân chủ, mà phải đưa lớp trẻ vào những khuôn phép quy củ một cách khoa học và hợp lý, thể hiện ở nội quy của nhà trường, nếp sống lành mạnh ở gia đình và nhất là tạo cho các em cảm giác yêu thích điều thánh thiện trên nền tảng giáo dục và định hướng đời sống tâm linh. Dù không nói ra thì chúng ta cũng hình dung được, nhà trường hiện nay phần nào đang thiên về dạy chữ hơn là dạy nhân cách, do vậy ngành giáo dục đào tạo cần sâu sát hơn trong việc giáo dục nhân cách học sinh, trong khi đó, thực tế xã hội đòi hỏi việc dạy nhân cách phải thấm vào trong từng môn học, không riêng gì môn đạo đức hay môn giáo dục công dân. Ngành văn hóa cũng phải tích cực kiểm tra các loại văn hóa phẩm “độc hại”, nhân tố tác động mạnh mẽ lên việc hình thành tính cách “những con ngựa chứng sân trường”; các đoàn thể, nhà trường và địa phương cũng cần phát động nhiều hơn nữa những sinh hoạt tập thể giao lưu kết bạn, tổ chức cứu trợ từ thiện… để tác động tích cực cho tâm lý giới trẻ.

3. Xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ

Nói đến giáo dục nhân cách đạo đức, tức là nói đến việc tác động để khơi dậy một số đặc tính ưu việt thuộc phẩm hạnh thiện lành của con người, nó bao hàm tính thành thật, ngay thẳng, lễ phép, khiêm cung, hiền hòa, nhân hậu, vị tha, hết lòng giúp đỡ người khác, sẵn sàng bao dung tha thứ cho người…, giáo dục nhân cách đạo đức còn là cách hướng dẫn giới trẻ nhận biết giá trị cao cả của phẩm giá con người, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người, từ đó từng bước hoàn thiện phẩm chất và giá trị thực của một con người.

4. Xây dựng niềm tin và định hướng sống đạo cho thế hệ trẻ

Một thực tế trong đời sống xã hội buộc chúng ta phải quan tâm, đó là tổng dân số trên 85 triệu dân trong cả nước hiện nay thì thế hệ trẻ bao gồm thanh thiếu niên chiếm trên 50% dân số cả nước. Thế hệ trẻ thanh niên đã trưởng thành họ đang có mặt ở hầu hết các mặt trận xung yếu của đất nước và thế hệ thiếu niên kế thừa tiền đồ của dân tộc và đạo pháp cũng chiếm một khối lượng vô cùng to lớn. Trong vai trò dấn thân đồng hành cùng dân tộc, thì Phật giáo cần phải chung tay gánh vác san sẻ trách nhiệm trồng người với xã hội, xây dựng một đời sống đạo đức và vun bồi nền tảng văn hóa đạo đức dân tộc ngày càng bền vững, chính vì vậy mà công tác hoằng pháp đối với thế hệ trẻ ngày nay cần nhiều tâm huyết và sự nỗ lực của mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội.

Niềm tin là sức sống của đời người, nhất là niềm tin về cuộc sống trong tâm hồn những người trẻ tuổi, niềm tin là nền tảng để đi đến thành công, là động lực thúc đẩy giúp cho con người thẳng bước tiến về phía trước. Nói đến niềm tin tức là nói đến những điều tươi sáng tốt đẹp trong cuộc sống, là chân trời rộng mở ở tương lai. Do vậy, các nhà hoằng pháp cần giúp cho giới trẻ có được niềm tin trong đời sống hiện tại, có như vậy mới có thể hướng dẫn dìu dắt họ hướng đến một tương lai tươi sáng. Tùy căn cơ trình độ của các em, bằng nhiều cách, các nhà hoằng pháp cần phải giúp giới trẻ nhận ra tính nhân bản luôn ngự trị nơi tâm hồn các em, không ai có thể thay thế các em khiến cho đời sống các em trở nên tốt đẹp. Đây là những ý niệm ban đầu giúp các em củng cố niềm tin về bản thân, về cuộc sống. Sau khi đã ý thức về bản thân, việc tiếp theo, các nhà hoằng pháp cần phải giúp các em hiểu và tin sâu vào đạo lý nhân quả, phải hiểu rõ về hậu quả của việc làm xấu ác, về kết quả của việc làm thiện lành. Khi đã nhận thức một cách sâu sắc về đạo lý nhân quả công bằng, thì các em chắc chắn sẽ tự biết kiêng dè những điều xấu ác, phát triển những việc thiện lành, khi đó các em có nhiều khả năng để tự quyết định tương lai của mình.

Nếu đạo lý nhân quả công bằng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng đời sống của giới trẻ, qua đó giúp giới trẻ hoàn thiện bản thân, thì nhân duyên cũng là một đạo lý vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày. Những câu ca dao tục ngữ chẳng hạn như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”… sẽ nói lên sức ảnh hưởng rất lớn của môi trường sống đối với con người, nhất là đối với giới trẻ.

Khi trẻ đã nhận thức về luật nhân quả, về lý nhân duyên, thì các em sẽ sáng suốt hơn trong quá trình chọn bạn mà chơi, chọn trò chơi để giải trí, chọn công việc thích hợp để làm, tất cả những điều trên đây là những yếu tố rất quan trọng để tạo nên một nền tảng đạo đức vững chắc trong đời sống của giới trẻ trong bất kỳ thời đại nào. Trong hoàn cảnh xã hội thời hiện đại thì đạo lý nhân quả với phương châm sống “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của việc mình làm” càng trở nên ý nghĩa và thiết thực hơn bao giờ hết, được như vậy chúng ta mới có thể xây dựng một đời sống đạo đức vững chắc và phát triển đời sống tâm linh nơi tâm hồn trong sáng của các em.

Sự thật thì hoằng pháp đối với giới trẻ sẽ thiên về yếu tố giáo dục hơn là yếu tố truyền bá giáo lý, bản chất của giáo dục là nhắm thẳng vào đối tượng để hướng dẫn, dìu dắt và giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách đạo đức con người. Do vậy, đòi hỏi nhà hoằng pháp cần phải thấu hiểu, lắng nghe, thật sự cảm thông để chia sẻ và giúp đỡ họ tiến hóa và hoàn thiện bản thân. Trong công tác hoằng pháp, chúng ta nên thi vị hóa giáo pháp để giáo lý nhà Phật trở nên nhẹ nhàng phù hợp với tầng bậc cảm thụ trong độ tuổi của các em.

5. Xây dựng nền đạo đức tâm linh

Đạo đức tâm linh là đạo đức Phật giáo, nó được xây dựng trên nền tảng giới luật, do vậy nền giáo dục đạo đức Phật giáo phải được đặt trên nền móng giới luật, nếu một Phật tử mà xa rời ngũ giới đã thọ thì chắc chắn Phật tử đó sẽ không có đạo đức tâm linh, đã không có đạo đức thì chắc chắn là không đủ tư cách để trở thành một Phật tử, đây là sự khẳng định và là một nguyên lý bất di bất dịch trên tiến trình xây dựng nền tảng đạo đức tâm linh Phật giáo.

III. Thay lời kết

Giáo dục Phật giáo định hướng một đời sống đạo đức tâm linh sẽ giúp giới trẻ hiểu ra “Tâm bình an là hạnh phúc lớn nhất của đời người”, từ đó các em dễ dàng thực hiện một đời sống từ bi và trí tuệ trong cộng nghiệp tương tranh, tương khắc… Trong thời gian qua, cùng với các trại hè được quý thầy cô có tổ chức định kỳ hằng năm tại các chùa, là mô hình sinh hoạt của giới trẻ, thông qua các hội trại đã được thể nghiệm, hay sinh hoạt định kỳ của các gia đình Phật tử, có thể nói đây là những phương pháp giáo dục nhân cách một cách toàn diện, mang lại hiệu ứng xã hội rất cao, được các bậc phụ huynh tán đồng và kể cả nhà trường cũng ghi nhận. Thiết nghĩ, nếu có sự kết hợp tính giáo dục một cách đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và nhất là nếu chương trình giáo dục tâm linh đặc thù từ tổ chức Phật giáo được tổ chức thường xuyên hơn, sâu rộng trong tầng lớp trẻ nhiều hơn nữa, thì chúng ta vẫn có thể tin tưởng về một thế hệ trẻ rường cột của nước nhà, với hy vọng một xã hội đạo đức, văn minh, giàu đẹp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6116027