Thông tin

ĐẠO PHẬT DU NHẬP VÀO NƯỚC TA TỪ LÚC NÀO?

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam trên dưới hơn hai ngàn năm. Ngay từ rất sớm, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành một nền tư tưởng văn hóa dân tộc, dĩ nhiên là sau khi đã bản địa hóa Phật giáo. Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của dân tộc, trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như sự nghiệp dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh bại âm mưu xâm lăng và nô dịch về văn hóa của thế lực phương Bắc trong nhiều giai đoạn. Như vậy, lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt Nam phải được trình bày thế nào để phản ánh được sự sinh động và có mối quan hệ mật thiết đó. Đây là một vấn đề không đơn giản, bởi những khó khăn về tư liệu mà chúng ta gặp phải.

Theo như nhiều sách sử để lại đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang nước ta bằng hai con đường thủy và đường bộ, thời gian này Ấn Độ có sự giao thương sang Á châu theo gió mùa Tây-Nam mang theo tư tưởng Phật giáo đến Việt Nam, các thương nhân cùng Tăng sĩ theo đoàn để cầu nguyện trong những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm, họ đến dù không phải là mục đích truyền đạo, nhưng sự có mặt của họ thông qua hoạt động tín ngưỡng của người Phật tử hàng ngày như cầu siêu, cầu an khi gặp nạn v.v... đã ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta. Nổi bật là Đức Quán Thế Âm, Đức Nhiên Đăng... xuất hiện đầu tiên Phật giáo tại Việt Nam.

Thời Phật giáo quyền năng: Trong sách Phật giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng Chử Đồng Tử là người Phật tử đầu tiên liên hệ và học Phật trực tiếp với thầy Phật Quang ở núi Quỳnh Viên, sau truyền cho vợ là công chúa Tiên Dung, đây không phải là thần thoại hoang đường, trái lại nó chứa đựng nhiều sự kiện có thực mà trường hợp núi Quỳnh Viên là một ví dụ cụ thể, ta xem lại “Minh Lương Cẩm Tú” do Lê Thánh Tông viết: Cửa biển khi tiến quân chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1470 với bài thơ nói về Nam giới Hải môn lữ thứ:

Di miếu man truyền kim Vũ Mục

Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên

Dịch:

Di miếu còn truyền nay Vũ Mục

Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên.

Vũ Mục chỉ tướng Lê Khôi cháu ruột Lê Lợi đi đánh Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Bí Cái khi trở về đến cửa biển Nam giới thì mất, cửa biển nầy còn gọi là cửa Sót. Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Chử Đồng Tử học Phật ở am nhỏ trên núi Quỳnh Viên, khi về nhà, nhà sư Phật Quang có tặng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón rồi bảo: “Các việc linh thông đều ở đó rồi” núi Quỳnh Viên thời Chử Đồng Tử chưa thuộc vào bản đồ nước ta. Nhà sư Phật Quang có khả năng là người Ấn Độ hoặc người Chiêm Thành đang tìm cách truyền bá đạo Phật. Chữ Đồng Tử đến tiếp xúc để rồi sau đó thành người Phật tử đầu tiên. Một vấn đề cần được nhắc đến đầu tiên là trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta, tại đây đã có nền văn hóa phong phú. Căn bản nền văn hóa này xây dựng trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp với các thành tựu rực rỡ, mà cụ thể là ngoài những chứng tích của các nền văn minh còn lại, như vào thời Hai Bà Trưng, tại nước ta đã có bộ Việt luật, trong đó hơn mười điều khác với Hán luật, những dấu tích về ngôn ngữ Việt qua bài “Việt ca” còn sót lại trong thư tịch cổ Trung Quốc.

Nếu liên kết với những sự kiện khác: Sự kiện Bát Nàn phu nhân, một nữ tướng Hai Bà Trưng, xuất gia sau cuộc khởi nghĩa vị quốc thất bại năm 43 SCN, và những xác nhận về tín ngưỡng của người Việt mà Dương Phù đã ghi lại, khoảng 100 năm SCN dân chúng tại nước ta có trồng một loại hoa (uất kim hương) để cúng Phật, rồi hình ảnh Bụt trong truyện Tấm Cám, chúng ta thấy đâu đó hình ảnh Phật đã xuất hiện sinh động. Như thế, chắc chắn Phật giáo phải là kết quả của một quá trình đâm chồi nảy lộc trước đó khá lâu trên mảnh đất này. Như vậy, Phật giáo truyền vào nước ta từ những năm đầu của kỷ nguyên dương lịch, nếu không nói là sớm hơn, cũng có quan điểm cho rằng đạo Phật truyền vào nước ta vào thời vua A Dục (Asoka) ở thế kỷ thứ III TCN, một trong 9 phái đoàn truyền giáo của vua A Dục ở vùng đất Kim địa (Suvanabhumi) cả vùng Giao Châu và Chiêm Thành, với sự hiện diện của đoàn truyền giáo do Soma dẫn đầu.

Năm 1980, các nhà khảo cổ học của ta và Đức đã khai quật ở Đồng Tháp Mười một bia ký Phật, ngôn ngữ là mẫu tự Pàli vào niên đại 250 TCN, tiến sĩ Thái Văn Chạy đã dịch, di tích Đồng Tháp xưa là Bảo Tháp của Phật giáo mang tính chất hòa bình của thời Phật giáo phát triển cực thịnh, tin rằng đây là Tháp của phái đoàn truyền giáo của Uttora và Soma. Ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang những ngôi chùa Khmer tu Phật giáo Nam tông (Theravada) chùa Sam Rông K.anghmagala với bánh xe pháp 24 căm chỉ có ở Ấn Độ (về sau số căm càng ít niên đại càng gần) và có bộ kinh Tam tạng bằng tiếng Pàli, căn cứ vào hoa văn kiến trúc, vào chữ viết, vào cổ vật, di tích, di vật... cuộc khai quật có thể đủ khả năng chứng minh đạo Phật đến nước ta rất sớm. Phật giáo thời kỳ này là Phật giáo quyền năng lan tỏa, thấm sâu và trở nên một thành phần cơ bản và quan trọng của văn hóa Việt. Phật giáo còn đề cập đến những vấn đề linh dị và thần thông, siêu nhiên, có khả năng làm tất cả những điều ngoài óc tưởng tượng bình thường của con người, như có thể biến hóa khôn cùng, có thể làm mọi điều theo ý muốn. Quyền phép siêu nhiên này là dùng để phục vụ con người, chứ không phải để xóa bỏ cuộc đời. Như khi nói, muốn lên trời phải làm gì, thì phải giải quyết rằng, muốn lên trời phải có hiếu, có nhân, có nghĩa, đừng giết người gây họa, đừng trộm cướp... có nghĩa là đừng làm điều ác, phải làm điều thiện.

Phật giáo chức năng ra đời: Đạo Phật đến nước ta rất sớm vào khoảng thế kỷ I SCN rất thích nghi với dân tộc, đạo Phật tập hợp lại tạo mối liên hệ hòa đồng tôn giáo Nho, Lão. Phật, là một Phật tử, Mâu Tử nói: “Tôi kính trọng đạo Phật không phải vì vậy mà bỏ vua Nghiêu vua Thuấn, vàng ngọc để chung cũng được, không hại nhau, xe thuyền tuy có khác nhau, nhưng có tính chất chung đều là phương tiện đưa đến bến bờ, ý nói Lão, Nho không phải là độc tôn vẫn có đạo Phật tồn tại. Như chúng ta biết gần 1.000 năm bị Trung Hoa phong kiến đô hộ, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn về văn hóa trong đó có đạo đức, đạo đức của kẻ mạnh bắt dân ta phải làm nô lệ, chúng muốn đồng hóa gây nhiều khổ đau. Khác với Nho giáo, Phật giáo được truyền vào với phương tiện hòa bình, tuyệt nhiên không phải là thế lực xâm lược, đến như một luồng sinh khí mới xé tan không khí ngột ngạt, cởi mở xiềng xích áp bức, đưa con người đến giải thoát và an lạc với phương châm từ bi, hỷ xả. Đạo Phật dễ tiếp nhận, còn là chỗ dựa của nhân dân, bí quyết vô cùng quan trọng của nhân dân. Đạo Phật cũng dần dần định hình bản sắc mang dấu ấn làm nên một sắc thái riêng biệt của Phật học Việt Nam, lại gần với tinh thần văn hóa dân tộc nên sớm bắt rễ và phát triển. Đạo Phật còn thể hiện qua hình tượng tiêu biểu, đó là cô gái bản địa là Man Nương thay mặt dân tộc, thay mặt phụ nữ bởi (phụ nữ dịu dàng, bao dung độ lượng). Bốn nữ thần nông nghiệp, đó là Tứ pháp: Vân, lôi, vũ, điện (dâu, đậu, ráng, nành). Vậy đạo Phật đến trước hay sau Trung Quốc.

Năm 1096, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên vấn đề Phật giáo và được Quốc sư Thông Biện trả lời như sau: Dẫn lời của Đàm Thiên và Quyền Đức sử trong Thiền uyển tập anh vào thời Tùy. Tùy Cao Tổ (581-602) “...một phương Giao châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh mười lăm quyển, nên nó có trước vậy. Đây còn là một trung tâm Phật giáo hình thành sớm nhất ở khu vực trước cả trung tâm Trung Quốc như Bành Thành và Lạc Dương. Vào lúc ấy đã có Khâu Ni Danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của tam tổ, là người trong hàng Bồ Tát đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò, trong lớp học không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ muốn bố thí một cách bình đẳng, thì chỉ khiến sứ đưa xá lợi, vì nơi ấy đã có người không cần đến dạy dỗ”. Qua câu hỏi của nhà vua và câu trả lời của vị quốc sư đầu triều đủ chứng tỏ Phật giáo đến nước ta sớm hơn Trung Quốc. Sự kiện kế tiếp vào thế kỷ thứ II ở Ấn Độ có phong trào truyền giáo, các triết gia cùng với nhà sư Đại thừa thành lập nhà truyền giáo sang Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành và phát triển.

Hai mươi Bảo tháp thành Luy Lâu còn được gọi là Thành Dâu, Liên Lâu, Dinh Lâu, Long Uyên, Long Biên. Nay thuộc thôn Lũng Khê, xã Thanh Lương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, gần sông Dâu và sông Đuống, thành Luy Lâu hình tứ giác được xếp bằng đất, chu vi ngoài 1.775 mét vuông, vòng trong 454 mét vuông. Đó là trung tâm Phật giáo lớn và sớm nhất ở Việt Nam được tạo lập bởi các thương gia và Tăng sĩ Ấn Độ tới Châu Trị của Giao châu (gồm 9 quận) đồng thời là quản trị của quận Giao Chỉ.

Hai mươi Bảo tháp đủ chứng minh đã có sự sinh hoạt tâm linh và phát triển sớm, có chùa chiền, có thầy kết hợp với công chúng Phật tử, 500 vị Tăng nói lên sự hoằng truyền Phật pháp sâu rộng trong tăng chúng, có tầm vóc Phật giáo khá mạnh, có học tập, có tu luyện bài bản hẳn hoi, một tổ chức khá hoàn thiện, dịch 15 bộ kinh, giới thiệu cho chúng ta biết đây là sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa dịch thuật một đội ngũ trí thức Phật giáo phong phú. Nội dung 15 bộ kinh là công lớn của Khương Tăng Hội, Mâu Tử, Chi Cương Lương, Ma Ha Kỳ Vực. Đây là 4 cây đại thụ trí thức thời bấy giờ ở trung tâm Luy Lâu. Theo như câu trả lời trên thì trước khi Phật giáo đến Trung Quốc, Việt Nam đã có một nền Phật giáo tương đối hoàn chỉnh, có chùa chiền, có đoàn thể Tăng sĩ và kinh sách đầy đủ.

Hơn nữa, vùng đất miền Nam nước ta từ phía Nam cửa Sót trở vào đã mang nặng những vết tích của nền văn hóa Ấn Độ vào thời điểm đó chủ đạo là Phật giáo, đã truyền bá tại vùng này qua một thời gian tương đối dài, tối thiểu cũng phải mất vài trăm năm. Nói thẳng ra văn minh Ấn Độ phải tồn tại ở phía Nam nước ta vào những thế kỷ trước và sau Dương lịch. Cho nên vị vua Hùng vương thời Chử Đồng Tử, ta cũng có thể xác định vào những thế kỷ TCN, có khả năng là Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ II-III TCN.

Nếu Phật giáo xuất hiện vào năm 528 hoặc 529(?) ở Ấn Độ và bắt đầu truyền bá qua các nước xung quanh vào những năm 247- 232 TCN vào thời vua A Dục, khi vua này lệnh cho các phái đoàn Tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, trong đó đặc biệt có phái đoàn của Sona đi về vùng đất vàng (Suvanabhumi) - vùng đất Đông Nam Á. Căn cứ trên các bi ký, di tích, di vật, chữ khắc đã để lại giúp ta biết về niên đại, căn cứ vào di liệu khảo cổ học Óc Eo, thì vào các năm đầu Dương lịch vùng biển phía Nam nước Phù Nam đã rộn rịp những thương thuyền, không những của các quốc gia thuộc nền văn minh Ấn Độ, mà cả những quốc gia xa xôi của nền văn minh La Mã. Việt Nam xưa và nay luôn là cửa ngõ là ngã tư đường tơ lụa cho khách thương buôn, nên giao tiếp được tất cả các nền văn hóa Đông Tây, trong đó có nền văn hóa Phật giáo. Cho nên, việc truyền bá Phật giáo thời xa xưa vào những vùng này là một sự kiện chắc chắn đã sớm xảy ra.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6472217