ĐẠO PHẬT NÓI GÌ VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG?
(Phát biểu trực tuyến của Cư sĩ Tuệ Lạc, Pháp quốc)
TUỆ LẠC
Trước tiên, chúng tôi yêu cầu quý vị hãy ấn định lại 2 “chi đề”:
- “Ô nhiễm môi trường” và
- “Đạo Phật nói gì về thực trạng ấy”.
* Ngày nay, đề cập đến “Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG” là báo động SỰ SỐNG CHỨA ĐẦY NGUYÊN NHÂN ĐỘC HẠI, hay KẾT QUẢ XẤU của thực tại “y tế nguy hiểm”. Nghĩa là trình bày cái giai đoạn “tuy văn minh nhưng có nhiều bệnh hoạn rình rập”!
* Còn bàn về “ĐẠO PHẬT NÓI GÌ TRƯỚC THỰC TRẠNG ẤY” là chân thành chỉ ra các nguyên nhân GẦN lẫn XA của sự ô nhiễm cuộc sống, tìm thấy trong giáo lý nhà Phật.
<> Chi đề thứ nhất, đang được một số lớn trí thức trong xã hội “tân tiến” phân tích và luận giải. Đề tài này cần đến những thống kê chính xác hay gần đúng, của những chuyên gia nghiên cứu sinh thái trên toàn thế giới, để báo động và tạm thời giải quyết trên nguyên tắc (hình thức), những thực tế ô nhiễm đang đe dọa sự sống. Chúng ta có thể theo dõi và biết được các mức độ ô nhiễm (thay đổi từng ngày), qua các nguồn báo chí, phát thanh, hay truyền hình, để tùy nghi nhận xét.
<> Chi đề thứ hai, cần những giáo lý của bậc Giác Ngộ, để KHUYẾN THIỆN, giải quyết về mặt nội dung, những nguyên nhân sâu xa, đưa đến tình trạng ô-nhiễm.
- Hôm nay chúng tôi xin cống hiến đến quý vị buổi nói chuyện này, trong tinh thần của chi đề thứ II.
Sau đây là “cái sườn” trình bày những điểm chính.
A- Vào bài
- Định nghĩa 3 nhóm từ:
“ĐẠO PHẬT”, “Ô NHIỄM”, “MÔI TRƯỜNG”, như sau:
- Đạo Phật là “con đường” hay “nếp sống trong sạch, tỉnh thức”, hướng đến Giác Ngộ (biết được nguyên nhân thật). Chữ “Phật” (Buddha) có thể dịch là Giác Giả, tức là bậc biết đúng thực tại lẫn phi thực tại, hay bậc không vướng chấp, mắc dính thực tại, bậc toàn xả (upekkha upaparami) thanh tịnh vượt qua mọi thực tại, dù thuận hay nghịch. Còn theo quan niệm thông thường, thì “Đạo Phật là tôn giáo do Đức Phật lập ra”.
- Ô nhiễm là tình trạng tinh thần và vật chất bị “biến hóa”, xuống cấp một cách suy đồi, theo thực tại xấu.
- Môi trường là toàn bộ cảnh sống, vừa đa dạng vừa tùy thuộc và không tùy thuộc lẫn nhau.
B- Thân bài
Nội dung nêu một số gợi ý về Sống Trung Đạo:
* Sống trung đạo là sống trong phạm hạnh thuần thục, thanh tịnh và tích cực của bậc Giác Ngộ. Ấy là sống tiến hóa, lành mạnh, sáng suốt, biết rõ khung cảnh sống, hay MÔI TRƯỜNG đó sạch xen kẽ với dơ như thế nào, mà tri thức con người không bị khung cảnh ấy lôi kéo, lung lạc, ràng buộc, hay cầm tù.
* Phật giáo gọi chung tất cả các MÔI TRƯỜNG là DUYÊN (paccaya). Trong Phật giáo, DUYÊN đóng một vai trò tối quan trọng. NÓ là cái “thông số” (paramètre) muôn đời, không thể thiếu để xác nhận mọi liên hệ giữa hành động và kết thành của 2 chiều sinh hoạt (vận hành=sankhara), gọi là NHÂN và QUẢ. Nó thường xuyên hoán vị nhau, tạo ra những hỗn hợp chu kỳ (samsara) trong một cảnh giới.
* Khi ý thức rõ cái DUYÊN hay thực trạng MÔI TRƯỜNG như thế, con người (nếu giác ngộ) sẽ hết thắc mắc trước sự sai biệt giữa nhân quả ba thời, tạm gọi là nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, lẫn nghiệp vị lai, vốn liên quan chặt chẽ với MÔI TRƯỜNG SỐNG (hay cảnh giới). Trong trường hợp này, chúng ta có thể gọi DUYÊN là “hệ thành tố”, đã được “nhân cách hóa” hay “quyền lực hóa”, để đóng vai trò “Thượng đế”.
* Các nhà nghiên cứu môi trường, hay “sinh thái học” (Écologiste) chỉ mới báo động trong khoảng năm bảy chục năm gần đây, về sự ô nhiễm môi trường, có thể làm tiêu diệt dần dần, hay tiêu diệt hàng loạt các sinh vật sống trên quả đất.
* Đầu tiên phải kể là từ xưa, môi trường nhân loại đã bị ô nhiễm vì chậm tiến (ngu dân, thiếu vệ sinh). Rồi khi có “văn minh”, nó bị ô nhiễm vì phóng xạ chất nổ, đối với loài người và đối với mọi động vật, lẫn thực vật trên địa cầu. Hiện tại là bị ô nhiễm vì hóa học, và từ trường không khí luôn luôn bị rối loạn.
* Nhưng đức Phật đã nói ra điều này dưới một dạng khác, cách nay non 2.600 năm. Phật vẫn xem sự làm ô nhiễm môi trường, là “SỐNG VÔ PHÁP” (adhamma) hay “sống phản sinh hệ”. Nhóm từ “sống vô pháp” hay “sống phản sinh hệ” có ý nghĩa tương đương với “SỐNG BẤT THIỆN PHÁP” (akusala dhammà).
- Tiếng Pali gọi PHÁP thuận với sinh tồn là “dhamma”, còn PHÁP nghịch với sinh tồn là “adhamma”.
* Và theo các tôn giáo khác, thì quả đất (hay môi trường) này do một đấng “Toàn Năng” tạo ra. “Đấng Toàn Năng” đó, tự Ngài đã có cách “giải quyết sự ô nhiễm”, trên “tác phẩm” của mình. Chẳng hạn như trong kinh sách của các tôn giáo ấy, chúng ta thường thấy một số đoạn nói về “ngày tận thế” như…. là “giải pháp” (?!)
* Nhưng Đức Phật thì khám phá MỘT SỰ THẬT (Sacca) hoàn toàn khác. Ngài thuyết minh rằng “quả đất mà chúng ta đang sống, vốn do NGHIỆP (kamma) và TÂM THỨC Ô TRƯỢC (akusala vinnana) của chúng sanh gây ra”. Do đó, chính chúng sanh phải tự thanh lọc thân tâm, và “tự sửa chữa bất thiện nghiệp”, để giải quyết ô nhiễm.
* Thanh lọc thân tâm và sửa đổi bất thiện nghiệp chính là thường xuyên “tu hành” bằng thân, bằng khẩu, và bằng ý, mà chúng ta đã thường nghe và cũng từng muốn làm.
* Hai chữ TU HÀNH thực ra chẳng mới mẻ gì. Chúng thường ám chỉ một số hành động phổ thông mà ai cũng từng nghe nói. Đại khái như ăn chay, niệm Phật, đi chùa, cúng bái, và tùy khả năng làm việc thiện, nhất là không nên coi thường Thần, Thánh, Phật, Trời…
* Nhưng xuyên qua “chi đề” này, chúng tôi hôm nay không phải chỉ giản dị nhắc lại “hai chữ TU HÀNH có hình thức” như vừa nói trên đây, mà là để chúng ta cùng nhau tham khảo sâu hơn, vào nội dung 2 chữ “tu hành”, một cách hữu hiệu, hay thảo luận sát với chủ đề “LÀM SAO HÓA GIẢI ĐƯỢC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, không phải chỉ trên phương diện vật chất, mà còn cả trên phương diện tinh thần (mana), tâm thức”.
* Vấn đề Ô NHIỄM là một thực trạng, đang mỗi ngày một trở thành trầm trọng, rõ rệt, và đe dọa hẳn đời sống bình thường của con người, từ địa phương đến quốc gia, từ châu lục đến toàn cầu.
* Quả thật, hiếm ai có thể nghĩ rằng, sự vất bỏ đồ phế thải, dơ dáy, độc địa… trên mặt đất, vào trong nước (khắp sông biển, ao, hồ) hay trong không khí… và không ngừng khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng nhân lực một cách bất kể, vượt quá giới hạn… là một hành động phản sinh hệ (adhammà), hay phản văn hóa trong đạo Phật.
* Đọc kinh, chúng ta tuy không thấy Đức Phật cảnh cáo, hay trực tiếp nêu ra những phương pháp bảo vệ môi trường. Và chúng ta cũng không thấy Ngài “phê phán gắt gao” hành động làm ô nhiễm khung cảnh sống, trong đó chứa vô số chúng sanh, người gây ô nhiễm sẽ nhận quả xấu như thế nào. Nhưng chúng ta biết rất rõ rằng, Đức Phật trong suốt 45 năm giáo hóa, độ đời, cho chí giờ nhập diệt, Ngài đã không ngừng nhấn mạnh căn nguyên (hetu) của suy đồi con người, là tâm thức đã “ô nhiễm” bởi THAM, SÂN, SI.
* Mặt khác, khi chúng ta đọc kỹ các phần luật nói về trú sở, vật dụng, sinh hoạt hằng ngày của các tăng sĩ (đệ tử xuất gia thuộc nhà Phật), ngụ tại tự viện hay giữa rừng sâu, chúng ta mới thấy được những điều khuyên ấy của Đức Phật, chứa đầy ý nghĩa TU là phải giữ sạch môi trường tinh thần, cũng như môi trường vật chất!
* Từ đó suy ra, sinh hoạt của các hàng tu Phật tại gia cũng nằm trong chiều hướng này. Nếu có khác với các hàng xuất gia, thì đó chỉ là sự giản dị hóa, vì người cư sĩ giữ phạm hạnh còn phải sống chung với xã hội, gồm nhiều loại người, bất đồng sinh kế.
* Theo Phật giáo, trong tất cả tình trạng ô nhiễm, thì ô nhiễm tinh thần là nguồn gốc của tất cả các ô nhiễm khác. Và ngoài “kỷ luật vật chất” để giữ cho THÂN và KHẨU (miệng) ít tạo xung đột xã hội, thì “kỷ luật tinh thần” hay THIỀN PHÁP (bhavana) chính là “kỷ luật tâm linh”, giúp thanh lọc tâm tánh, làm cho “nó” ít (hay khỏi) bị ô nhiễm bởi các pháp thế tục, nói rõ ra là bởi tham sân si.
* Nếu THAM SÂN SI có thể làm cho tinh thần ô nhiễm, suy đồi như thế nào, thì tinh thần sau khi đã bị ô nhiễm bởi các thứ ấy, cũng có thể làm cho đời sống vật chất hay MÔI TRƯỜNG (đặc biệt là thân thể những kẻ luôn luôn hướng về ngũ dục, không thấy cái hại trong tương lai), cũng bị ô nhiễm… như thế ấy!
Nghĩa là nếu cá nhân và xã hội bị ô nhiễm thói quen, một cách phản tiến hóa, phản sinh hệ, thì sẽ làm đen tối cảnh sống!
* Tuy nhiên, là người tin Phật, chúng ta cũng luôn luôn cố gắng hành động theo TRUNG ĐẠO. Chúng ta không thể cực đoan, phủ nhận hết các tiện ích thực tế của khoa học. Vì đó là thành quả do trí tuệ mang lại. Nhưng khi xét kỹ, chúng ta thấy, sự suy đồi bởi tham, sân, si lôi kéo… không nhất thiết “chỉ vì sự hấp dẫn” của phát minh khoa học, mà còn vì tật “dính mắc” vào đời sống, dù cho vẫn rất lạc hậu, hay chậm tiến.
Tức là, ô nhiễm không phải luôn luôn quy “trách nhiệm” về khoa học, mà rõ ràng là cũng do tình trạng LẠC HẬU, phản khoa học nữa!
* Như vậy, những phát minh khoa học không phải là “thủ phạm duy nhất”, làm ô nhiễm tinh thần, mà yếu tố chính làm ô nhiễm tinh thần, là “TÍNH ÍCH KỶ” nơi mỗi con người, đã bao kiếp dính mắc vào sự say mê hưởng thụ ngoại trần, dù lúc đó CHƯA có phát minh khoa học tân tiến nào cả, đồng thời cùng với ảnh hưởng bao trùm thường xuyên của 3 nhân bất thiện THAM SÂN SI.
Hoa trái của khoa học tân tiến ngày nay chỉ mới đến với loài người trong khoảng non hai thế kỷ qua thôi!
* Công tâm mà nói, phát minh khoa học tự nó thì vô thưởng vô phạt, nhưng xuyên qua dụng tâm sử dụng của con người, nó đã trở thành khác hẳn, nếu không muốn nói là “nguy hiểm”. Chúng ta có thể xem Phát minh khoa học khi BỊ SỬ DỤNG bởi loài người đầy tham-sân-si, như con dao hai lưỡi: Tích cực và Tiêu cực như thế nào.
* Phía TÍCH CỰC, sự “sắc bén” của con dao hai lưỡi ấy, quả thực không thể phủ nhận, chúng ta có thể kể ra một số tiện ích cụ thể là:
- Về văn minh vật lý (cơ khí nhẹ hay nặng) có thể vận dụng dễ dàng nhiều trọng lượng khổng lồ, mà sức con người và gia súc xưa nay không thể làm được, nhất là trong việc xây dựng nhà cửa, cầu đường, và vận tải giữa không gian, dưới nước, trên bờ.
- Về văn minh hóa chất, đa số giúp ngành canh nông có kết quả nhanh chóng, thu lợi nhiều hơn ý muốn. Nó có thể chế tạo hàng hóa, tân trang vật dụng, giảm thiểu hư hỏng trải qua một thời gian tương đối dài. Đây là phương diện hữu dụng thường xuyên trong đời sống, thiên về sản xuất và tiêu thụ hằng ngày.
- Về văn minh năng lượng ở cấp bực vĩ mô, như khi được “cọ xát thoát nhiệt” nguyên tử có thể biến thành điện năng siêu đẳng, đa dạng (thắp sáng nhiều màu), hay “quang tuyến tàng hình”, để sử dụng trong nhiều lãnh vực, nhất là y khoa (nội soi), và dùng tia sáng thám hiểm “không gian kín, không gian hở, và vô tận lẫn viễn ly”, v.v.
* Về phía TIÊU CỰC, phản dụng rõ ràng của văn minh khoa học cũng ngược lại là nguy hiểm không kém. Lắm khi các tác hại của nó (khoa học), xem ra còn hơn hẳn mặt tiện dụng là đàng khác. Thử nêu:
- Kỹ nghệ nặng (vật lý) thì gây nhiều tiếng động “siêu tần số”, xáo trộn tĩnh trường (champ statique), vốn rất cần thiết cho sức khỏe hệ thống thần kinh. Tiếng động hằng làm căng thẳng não bộ, gây náo loạn, và mất quân bình tâm lý. Sóng tiếng động (hay âm ba) là một loại áp lực bất lành, tương đương với sóng điện làm què quặt sinh thái, và rất nguy hiểm. Cả hai tình trạng vừa nêu, dĩ nhiên là vô hình. Người bình dân không thể nào biết được mà tránh.
- Còn hóa chất thì đa dụng, nếu kể lợi điểm của nó là giúp canh tác thu hoạch cao, là bảo trì cho vật chất tốt, là làm cho thực phẩm “biến hóa chậm”, lâu hư, v.v... nhưng sau khi hấp thụ hoa màu vào bụng, thân thể con người sẽ tàng chứa nhiều mầm bệnh bất thường, khó trị, như suy nhược “hót-môn” hay ung thư chẳng hạn.
- Riêng nhiệt năng mới nhất do khoa học tìm ra, thì về mặt vĩ mô có thể chuyển động máy móc hạng nặng, cơ khí hay điện tử cực kỳ tối tân, phức tạp, và tạo nên ánh sáng cực mạnh (siêu quang), nhằm thực hiện những thí nghiệm thần kỳ. Những năng lượng này lại có đặc tính đốt cháy vật chất tận đơn vị cơ bản (như hạch tâm), và được gọi là “phóng xạ”. Nó hằng hủy diệt mọi mạch sống hữu cơ (từ sơ cấu), và làm rối loạn từ trường.
* Ngoài ra, theo Phật giáo ô nhiễm tinh thần và ô nhiễm vật chất, vốn là hai mặt của một tập khí hay tập ấm (uẩn=khandha), để tạo “vật liệu” cơ bản cho các “hệ sinh diệt luân hồi”, rồi từ đó NGHIỆP tái sinh xoay vần mới bắt đầu hoạt động. Hai mặt cơ bản ấy hằng tương tác, xây dựng bộ máy nghiệp quả thăng trầm một cách liên tục.
* Hiện tượng “đồng tánh khí” của một số người, vốn đến từ “mẫu số chung” của môi trường sống trong quá khứ, để “họ” phải tái sinh vào một môi trường hiện tại giống nhau (cộng nghiệp), ít hay nhiều ô nhiễm. Nghĩa là trên mặt đất này, cũng có những nơi ô nhiễm tinh thần lẫn vật chất nhẹ hơn. Và đó sẽ là cảnh giới (tái sinh) của một số sinh linh có tập khí ô nhiễm ít nghiêm trọng, một cách tương xứng.
* Đối với Phật giáo, nhóm từ “ô nhiễm môi trường”, ngoài cái nghĩa là “khung cảnh sống bị thấm độc”, còn có nghĩa là xã hội thiếu đạo đức, thiếu trật tự… thiếu quân bình tinh thần.
* Trong 32 tướng tốt của Đức Phật, đã có một “hiện tượng quý” là bàn chân của Ngài (hay nói chung là làn da bao toàn thân Phật), không có tật hút ngoại trần, và không bị bụi bám như phàm nhân, dù cho Ngài đi giữa vùng khói đất, hay lội trong vũng bùn. - VÔ NHIỄM.
- Hiện tượng độc đáo này có thể làm cho chúng ta hoàn toàn ngạc nhiên, cho là vô lý chăng? Nhưng trên phương diện tiến hóa, nó chỉ nói lên cái quả phúc, rằng trong vô lượng kiếp sống…trước khi thành Phật, Ngài đã giảm thiểu và chấm dứt tạo ô nhiễm môi trường, trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất.
Nghĩa là các chất dơ không thể tác động nơi một con người, đã từ nhiều kiếp luân hồi luôn luôn có tâm linh cao thượng, tinh khiết! Khi tinh thần trong sạch thì thân thể không bao giờ bị thúc đẩy để làm ô uế môi trường, dưới bất cứ hình thức nào.
* Còn “chủ trương” của Phật giáo, trong trường hợp chế tài, hay trừng phạt những cá nhân vung vãi các vật phế thải dơ dáy, độc địa khắp nơi, tuy vẫn cần thiết tương đương với tôn trọng luật vệ sinh quốc gia. Nhưng tận gốc hơn nữa, là đạo Phật đề nghị phải hướng dẫn quần chúng ý thức, và làm theo Phật ngôn giữ sạch môi trường, để từ đó tâm linh họ được lành mạnh, tích cực trong việc giải trừ ô nhiễm do THAM, SÂN, SI gây ra… mới là thiết yếu.
* Với tính tự giác trong từng con người, nếu mỗi cá nhân thường xuyên nghĩ rằng “giữ sạch môi trường là duy trì pháp tiến hóa nơi mình”, thì nó sẽ làm cho khung cảnh sống của cá nhân lẫn cộng đồng được sạch sẽ trong chiều sâu, để lành mạnh hóa và bảo tồn sinh thái lâu dài trên bề mặt, chứ không phải chỉ dụng tâm tẩy màu (nhuộm trắng), làm đẹp hình thức giả tạo một thời gian ngắn, như cái “mốt”, vốn chạy theo thị hiếu!
* Như trên đã gián tiếp trình bày, “MÔI TRƯỜNG (hay cảnh giới) chính là ngoại duyên cần thiết luôn luôn có hai mặt TỐT (sạch) và XẤU (dơ), để con người nói riêng, cũng như động vật nói chung sống tiến hóa, hay thoái hóa”.
Dù cho môi trường đang bị một thiểu số làm ô nhiễm, nhưng đa số trong xã hội có tinh thần lành mạnh, sáng suốt, quyết tâm giữ sạch khung cảnh sống, thì Phật ngôn chỉ ra cách thăng hoa cuộc sống cho cả thân lẫn tâm, sẽ có cơ được thực hiện.
Khi cảnh sống sạch sẽ, trong lành… thì kết quả tích cực đó còn làm cho “thiểu số vô ý thức” được thuyết phục, cải hóa, bắt chước hướng thiện, như một “kỳ diệu” của HIỆU LỰC dân chủ!
- Trường hợp, nếu đa số vô ý thức, ích kỷ, không ngừng vì mình mà tung ô nhiễm ra môi trường, và chỉ có một thiểu số với tinh thần lành mạnh, dù chưa khuyến thiện được phần đông, thì họ tuy đang sống trong môi trường suy đồi, nhưng nhờ quả lành, họ cũng ít nhiễm độc hơn những kẻ ích kỷ, tối tăm, lầm lạc. Nói theo khía cạnh “tâm quả học” (vipaka sankhara) trong Phật giáo!
<> Theo nhà Phật, loài người vốn có căn cơ và phúc duyên bất đồng, nên trên thực tế, có những đại nhân đầy đủ tài đức, đang nắm giữ nhiều quyền lực quốc gia, như ở địa vị tổng thống (hay chủ tịch nước) chẳng hạn. Nhân vật này nếu biết dùng uy lực của mình, để áp đặt thiện pháp lên những quần chúng lầm lạc, mê muội, hướng dẫn họ từ chỗ tối ra nơi sáng, thì sự ô nhiễm khung cảnh sống, vật chất lẫn tinh thần, sẽ được dần dần cải thiện, hóa giải. Tiêu biểu là Hoàng đế A-Dục (Asoka) ngày xưa, trong lịch sử Phật giáo.
C- Kết luận
GỢI Ý và PHÁP HÀNH:
<> Chúng tôi nêu ra phần “Đạo Phật và ô nhiễm môi trường” ở đây, là nhắm vào ô nhiễm tinh thần, hôm nay cần được xem là một chủ đề thuần túy pháp thoại, hướng đến nhiệt tâm đóng góp, và đa nguyên khuyến thiện. Nó không thuộc loại có “triết học xã hội”, hay có “tiêu chuẩn công lý”, nên phần thân đề (khai triển nội dung) và phần kết luận (tóm tắt các điểm chính), xin được thay thế bằng hai đoạn “GỢI Ý” và “PHÁP HÀNH”.
Như chúng tôi đã trình bày “Ô nhiễm môi trường vốn đến từ sự ô nhiễm tinh thần của những người đang sống trong môi trường ấy, bởi 3 nguyên nhân xấu là THAM SÂN SI”.
* Xin nhấn mạnh rằng, THAM (lobha) phối hợp với SI (moha) mới là hai “động cơ” chính. Còn SÂN (dosa) chỉ là phản ứng của con người khi THAM và SI không được tự do khuynh đảo tâm thức.
* Nói đại khái như thế thì hóa ra “huề vốn”. Tất cả chúng ta cần một pháp hành dễ hiểu cụ thể, để cùng nhau nghiệm chứng. Chúng tôi xin mạo muội dựa theo Phật ngôn, nêu ra vài đoạn trình bày như sau:
“Làm cho tâm thức trở thành xấu xa, thì gọi là ô nhiễm. Nhưng làm cho tâm thức trở thành thanh cao, tốt đẹp, thì gọi là thanh lọc hay tô điểm nhân tính. Thanh lọc hay tô điểm cũng có nghĩa là loại bỏ các cái xấu và thay vào đó bằng các cái tốt”.
Như công việc của một người làm vườn vậy:
- Hãy ví tâm thức như một mảnh đất. Người canh tác chăm sóc ngôi vườn nên thông minh, lúc nào cũng tìm kiếm, tiêu diệt những hoa độc, cỏ dại, và thường xuyên gieo trồng các hoa thơm, cỏ đẹp.
“Hoa độc, cỏ dại” và “hoa thơm, cỏ đẹp” ấy không phải tự nhiên mà có. Chúng vốn từ vô thỉ đã sinh ra, do 3 nhân ác là THAM, SÂN, SI, và chúng “hiện hữu” trong mảnh đất hiện tại như những trần cấu (asava), đã xâm nhập, tích tụ, huân tập, và sinh sôi nảy nở, từ rất lâu trong tạng thức của con người.
Vậy hành động cụ thể để giải trừ ô nhiễm thân và tâm, nhất là giải trừ ô nhiễm ý thức, là trong bước đầu chúng ta phải bình tĩnh, cẩn thận gạn lọc, chỉ tiếp thu những đối tượng lành mạnh của lục căn, từ bên ngoài đưa vào, để tô điểm “tâm thức”. Rồi giai đoạn tiếp theo là tu tập GIỚI ĐỊNH TUỆ, cần phải được học hỏi và thực hành song song!
*Nghĩa là hằng ngày, xuyên qua sáu căn môn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chúng ta phải sáng suốt, chỉ dùng những hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và văn học, giáo lý hướng thiện, để trang trí ngôi vườn tâm thức. Chúng ta tuyệt đối không nên dễ ngươi, để cho sáu trần ác độc xâm nhập, làm ô nhiễm tinh thần.
Nói cách khác, một sách áp dụng là:
1- Thay vì NHÌN các hình ảnh ngoại trần suy đồi, thấp hèn, thì chúng ta hãy nhìn các hình ảnh, hay những đối tượng lành mạnh. (Hoa lành, cảnh đẹp, nét từ bi trên khuôn mặt Thánh nhân chẳng hạn).
2- Thay vì NGHE những âm thanh khích động, dâm dật, chúng ta có thể chú ý đến tiếng chuông chùa, lời kinh cầu khuya sớm, hay nghe những bài giảng đạo đức, nằm trong tầm hiểu biết, tiếp thu của mình.
3- Thay vì NGỬI những mùi thơm gây khích động, thèm thuồng trần tục, chúng ta có thể gần gũi với khói thơm nhang trầm, hay không khí tĩnh mịch nơi cửa thiền.
4- Thay vì NẾM những vị làm say sưa, kích thích (như rượu, thuốc phiện… chẳng hạn), chúng ta có thể dùng trà đạo, nước tinh khiết... làm cho vị giác ổn định, thanh tịnh, lành mạnh, hướng thiện.
5- Thay vì VA CHẠM với những cảm xúc vuốt ve, êm ái trên làn da, đầy hưởng thụ nhục dục, làm cho tâm tư ngây ngất thấp hèn, chúng ta có thể bình tĩnh… dùng làn da các đầu ngón tay, tinh tấn lần tràng hạt, giữ cho tâm an tịnh.
6- Thay vì SUY TƯ về chuyện đời trần tục (hờn giận lo buồn, bồng bột tự cao), chúng ta có thể nghĩ đến triết học lành mạnh, hay lời Phật dạy và ngẫm nghĩ một cách sâu sắc về lý đạo, cũng như về hiệu lực soi sáng tâm trí của các danh ngôn hướng thiện.
* Sáu pháp hành CƠ BẢN ngăn chặn ô nhiễm tâm hồn nêu trên, khi đã thuần thục thì một người tự nhiên sẽ yêu thích, kính trọng giữ 5 giới, 8 giới, hay 10 giới. - Xin thưa, giữ giới cũng “giải trừ ô nhiễm”!
* Và người ấy sẽ không thể nào vất bỏ bừa bãi các vật phế thải ra xung quanh. Từ đó, môi trường sống chung thuộc về vật chất (dù tân tiến) cũng sẽ không bị ô nhiễm, song song với “môi trường tinh thần thanh tịnh, có giới hạnh, có thiền pháp, có tuệ nhãn” thì tính tinh khiết trong sinh hệ sẽ gia tăng và củng cố, làm cho khung cảnh sống cõi người mỗi ngày một thêm tốt đẹp.
Cám ơn toàn thể thân hữu xa gần đã trực tuyến lắng nghe! Và xin chia sẻ “phần phước pháp thoại” này đến tất cả quý vị.
Chủ Nhật 4/4/2021
Bình luận bài viết