ĐẠO PHẬT TRỤ THẾ, XUẤT THẾ RỒI NHẬP THẾ
THIỆN QUẢ ĐÀO VĂN BÌNH
Cách đây khoảng 2000 năm, Đạo Phật, Đạo Lão và Đạo Khổng đã du nhập vào đất nước ta và phát triển hài hòa do tâm tính của người dân Văn Lang, Âu Việt, Lạc Việt và Đại Việt vốn hiền hòa, có trí tuệ và văn hiến từ thời Hùng Vương. Đó là đại phúc của dân tộc. Ba nguồn tư tưởng và học thuật đó đã chan hòa, kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một nền đạo đức truyền thống của người Việt mà một số học giả như cụ Nguyễn Đăng Thục- nguyên khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1961-1964) đã đưa ra học thuyết Tam Giáo Đồng Quy. Tam Giáo này đã tạo ra một thứ gọi là “hồn Việt” bàng bạc trong cuộc sống Việt không thể lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào, như: Trung quân ái quốc, nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, thờ cha kính mẹ, chị ngã em nâng, thờ Trời thờ Phật, ăn hiền ở lành, gây tạo phước đức.
Qua thăng trầm của lịch sử và vô thường của cuộc sống, có lúc Đạo Phật đã trở nên quốc đạo cho cả dân tộc như dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Nhưng cũng có lúc Đạo Phật bị các Nho sĩ chê bai dè bỉu qua câu nói “Trốn việc quan đi ở chùa”. Rồi qua thời kỳ đô hộ của Nhà Minh kéo dài 20 năm, rồi thời kỳ hỗn loạn, bất an, tranh chấp Trịnh-Mạc, Trịnh-Nguyễn và gần 100 đô hộ của giặc Pháp, tâm linh của dân tộc tan nát trầm vong, Đạo Phật cũng cùng chung số phận. Trong luận án tiến sĩ “Phật Giáo và Chánh Trị tại Việt Nam Ngày Nay” đệ trình năm 1972 tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, tác giả Hoàng Xuân Hào viết, “Phật Giáo Việt Nam đã có một dĩ vãng vô cùng oanh liệt, du nhập Việt Nam từ Thế Kỷ II sau Tây Lịch, qua hai ngả Trung Hoa và Ấn Độ. Phật Giáo ngay trong buổi ban đầu đã góp phần tích cực vào việc xây dựng một quốc gia Việt Nam tự chủ. Các danh tăng là những bậc trí thức đầu tiên trong nước đã hỗ trợ đắc lực các Triều Đinh (968-980), Lê (980-909), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) thâu hồi độc lập, thống nhất giang san và phục hưng xứ sở. Hầu hết các vị vua hai triều đại Lý-Trần đều là Phật tử thuần thành và trong việc trị quốc họ thường nhờ cậy tới tài học uyên bác của một số danh tăng. Trong bầu không khí mộ đạo ấy, tư tưởng Từ Bi của Đức Phật đã thấm nhuần trong cả chính sách quốc gia lẫn nếp sống quần chúng.” (*)
Đạo Phật thật lạ kỳ, dù bị vùi dập, dù có lúc bị khinh khi miệt thị như một thứ yếm thế, mê tín thờ quỷ thần dưới thời Thực Dân Pháp. Thế nhưng khi đất nước thu hồi độc lập, không còn chiến tranh và dốc toàn lực để xây dựng thì Đạo Phật như một thân cây khô héo tưởng đã chết dưới trời đông giá lạnh, khi gặp tiết xuân ấm áp bỗng đâm chồi nảy lộc, cành lá tươi tốt và trăm hoa đua nở.
Với sự biến dịch và đào thải của thời gian, ngày nay Đạo Khổng và Đạo Lão hầu như không còn.
- Đạo Khổng đã biến thể thành hệ thống giáo dục trên quy mô toàn quốc gia. Ngày nay việc giáo dục con người và đào tạo nhân tài nằm ở bộ quốc gia giáo dục. Chúng ta chẳng còn thấy các thầy đồ ở làng quê mở trường dạy học rồi các nho sĩ ngâm thơ vịnh nguyệt chờ khoa thi để đem tài ra giúp nước.
Chúng ta phải công nhận Đạo Khổng hay Đạo Nho là đạo tích cực nhập thế. Khổng Giáo tạo ra một lớp trí thức gọi là Nho Sĩ hay Nho Gia hay Quân Tử, học đạo thánh hiền, tu thân, sửa mình để đem tài kinh bang tế thế. Đạo Khổng đi sâu vào mối liên hệ của xã hội như Quân-Thần-Phụ-Tử tức vua phải cho ra vua (anh minh) bầy tôi phải cho ra bầy tôi (tài năng và trung tín), cha phải cho ra cha (trách nhiệm) và con phải cho ra con (hiếu thuận) và “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Đạo Khổng tuyệt đối không mê tín dị đoan. Các Nho Sĩ, các bậc sĩ phu không sợ quỷ thần, không bàn chuyện quỷ thần mà xa lánh, qua các câu nói, “Đức trọng quỷ thần kinh” và “Kính nhi viễn chi”. Đạo Khổng đã tạo kỷ cương và ổn cố xã hội thế nhưng Đạo Khổng đôi khi quá khắt khe như “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” và không có đức Từ Bi. Ngoài ra Đạo Khổng không nói gì về tâm lý con người, những khổ đau mà kiếp người phải chịu đựng, về kiếp trước, kiếp sau là những thắc mắc con người luôn muốn tìm hiểu. Đạo Khổng dường như phân chia giai cấp thành hai bậc: Nho sĩ có học và dân đen không có học và thường kiêu hãnh, khinh thị kẻ không được đi học. Trong khi Đạo Phật chủ trương mọi chúng sinh đều bình đẳng. Điều quan trọng là ở tâm chứ không phải ở tài “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Và “vô minh” không phải chỉ có ở tầng lớp thứ dân mà vua, quan, trí thức, Nho sĩ cũng vẫn “vô minh”.
- Đạo Lão yếm thế và chủ trương xuất thế, không màng lợi danh, yêu mến cuộc sống tự do, bỏ cả nhà cửa vợ con, ngao du sơn thủy, trở về sống với thiên nhiên, nơi thâm sơn cùng cốc:
“Rằng xưa có gã từ quan.
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau” (Phạm Thiên Thư)
Đạo Lão thậm chí trở nên ích kỷ khi Lão Tử nói rằng, “Nếu làm lợi cho thiên hạ mà phải đụng tới sợi lông chân ta cũng không làm.” Đạo Lão ảnh hưởng nặng nề lên giới trí thức Trung Hoa qua trào lưu thi ca đời Đường. Thế nhưng các Nho sĩ Việt Nam dù ngưỡng mộ tinh thần thanh khiết của Lão Tử và Trang Tử nhưng không thể hiện nó trong cuộc sống. Các danh sĩ Việt thời xưa dù có cáo lão từ quan là vì tuổi già sức yếu hoặc bất mãn với nhà vua chứ không vì yếm thế. Đạo Lão ngày nay coi như tàn lụi nhưng tư tưởng của nó vẫn còn có giá trị cho những ai nhàm chán cuộc đời phồn hoa hư ảo này.
- Đạo Phật trụ thế có nghĩa là Đạo Phật ở với thế gian này. Đạo Phật từ cuộc sống này đi lên. Những điều Đức Phật nói ra là do sự chứng ngộ của bản thân chứ không phải sản phẩm từ trên trời ban xuống hay do thần khải hay mặc khải từ một ông thần nào. Đức Phật ra đời là để chúng sinh cõi Diên Phù Đề vơi bớt khổ. Giải thoát hay an nhiên tự tại, Niết Bàn hay thánh quả có thể chứng ngay tại nơi đây. Chùa chiền của tăng ni vẫn xây dựng trên trái đất chứ chẳng phải ở Mặt Trăng hay Hỏa Tinh. Tăng ni vẫn có những nhu cầu bình thường của con người như ăn, uống, ngủ, nghỉ. Chư Tổ nói rằng Phật pháp bất ly thế gian pháp tức Đạo Phật không thể tách rời khỏi chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì không có Phật. Và nếu không có Phật thì chúng sinh muôn đời vẫn là chúng sinh.
- Đạo Phật xuất thế có nghĩa là tăng ni vẫn sống ở thế gian này nhưng xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt, xa lánh chỗ mua danh đoạt lợi, xa lánh chỗ ăn chơi sa hoa phù phiếm, xa lánh chỗ tụ họp chơi games, ma túy, ăn nhậu, tán dóc, tụ họp băng đảng rồi đi đến chỗ làm chuyện xấu xa, phạm pháp. Xuất thế là tăng ni lui về tu viện, tịnh xá, chùa chiền là chỗ thanh tịnh để tu học và rèn luyện bản thân. Và khi đã có đầy đủ “bản lĩnh” thì xuất thế cứu đời cũng giống như một binh sĩ trước khi ra trận phải được huấn luyện ở các quân trường.
- Đạo Phật nhập thế là cứu cánh của Phật Giáo qua lời dạy của Đức Phật, “Hằng thuận vì lợi ích chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Chủ trương này có từ thời Đức Phật còn tại thế qua hình ảnh Đức Phật giảng dạy cho các quốc vương, đại thần đến vấn hỏi về các vấn đề trị quốc sao cho thành công và được người dân thương mến. Ngoài ra Đức Phật còn giảng dạy cho mọi tầng lớp xã hội về tình bạn, đạo nghĩa vợ chồng, lòng hiếu kính cha mẹ v.v… Còn ở Việt Nam, các danh tăng như Khuông Việt, Khánh Vân, Vạn Hạnh, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã trợ giúp các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nước và giữ yên bờ cõi mà tăm tiếng còn lưu truyền.
Ngày nay, thế giới phát triển tới chóng mặt. Toàn cầu hóa khiến cái xấu xâm nhập vào đất nước, gia đình, học đường trong chớp nhoáng khiến thanh niên thiếu nữ dễ dàng hư hỏng. Văn hóa ngoại lai chưa được gạn lọc đã lừng lững đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống cho nên nhu cầu nhập thế của tăng ni càng bức thiết. Tăng ni bây giờ mang quá nhiều trọng trách trước đây không có, nghĩ mà tội nghiệp. Ngoài việc tu học, thuyết giảng giáo lý để hướng dẫn tín đồ, tăng ni ngày nay còn phải dấn thân vào mọi lãnh vực giúp đời như: Nuôi dạy cô nhi, xây nhà, xây cầu tình nghĩa cho người nghèo xóm nghèo, xuống đường làm đẹp đường phố, làm sạch mội trường, thăm viếng bệnh nhân, an ủi người cô quả cô độc, trợ giúp sĩ tử trong mùa thi, tổ chức các khoa tu mùa hè cho thanh-thiếu niên, xuất gia gieo duyên, trợ giúp thực phẩm thuốc men cho người nghèo khó bị cô lập trong mùa đại dịch. Thiết nghĩ nhập thế như vậy chúng ta còn đòi hỏi gì hơn?
Trong một đất nước mà MC, người mẫu, tài tử điện ảnh, ca sĩ, các anh hề, các người điều khiển các chương trình vui chơi, tuyển lựa ca sĩ nhố nhăng… mà trở thành “thần tượng” thì đất nước đó mục ruỗng tới nơi rồi. Một quốc gia muốn hưng thịnh, phát triển và ổn cố phải nhờ vào các nhà đạo đức, các nhà giáo dục, các sĩ phu, các nhà bác học, kỹ sư, các kỹ nghệ gia, các nhà kinh doanh có đạo đức mà có tư tưởng lớn và nhất là các nhà lãnh đạo có trách nhiệm, tài năng và đầy lòng yêu nước. Trong bối cảnh “toàn cầu hóa” vô cùng náo nhiệt, căng thẳng, đầy lo âu và toan tính như ngày hôm nay, xã hội có thể trở nên vô cùng hỗn loạn và vô đạo đức. Trong tình hình đó, Đạo Phật nổi lên như một nhân tố tạo an lành, hy vọng cho mọi người và là mẫu mực về đạo đức cho xã hội. Đạo Phật có thể đáp ứng mọi khát vọng của thời đại và giảm bớt mọi khổ đau do cuộc sống quá ham mê vật chất này gây nên. Cao hơn thế nữa, Đạo Phật duy trì và bảo vệ sự thuần nhất về văn hóa cho dân tộc -một yếu tố quyết định cho sự đoàn kết và ổn cố xã hội. Đó là tinh thần dấn thân, nhập thế vì chúng sinh của Đạo Phật.
Tạm kết luận:
Đạo Phật bao trùm lên mọi tư tưởng của thế gian này. Tư tưởng Phật là thăng hoa, vượt lên thân phận cay đắng, nghiệt ngã của kiếp người và hành động của Phật là cứu độ, hòa bình và thân ái. Trong Phật có Nho nhưng trong Nho không có Phật. Trong Phật có Lão nhưng trong Lão không có Phật. Dù nói Tam Giáo Đồng Quy nhưng Phật siêu việt lên trên giống như đỉnh ngọn tháp. Trong cuốn Hiền Như Bụt, Hạ Long Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh có nói rằng, “Có sự dung thông giữa Phật-Nho-Lão ở khoảng dưới, khoảng giữa và khoảng cao. Nhưng tới mức độ tột cao thì Đạo Phật vượt lên như một nỗ lực siêu việt.”
Do đó những ai nói Đạo Phật hư vô và yếm thế là thiếu hiểu biết hoặc cố tình công kích Đạo Phật. Đạo Phật là đạo nhân bản, trụ thế nhưng xuất thế rồi nhập thế. Vậy hãy tin tưởng vào Phật và biến Phật thành cột trụ vững chắc cho an lành, hạnh phúc của cá nhân, gia đình và xã hội.
THIỆN QUẢ ĐÀO VĂN BÌNH
(California ngày 8/12/2021)
Bình luận bài viết