Thông tin

DẤU ẤN VĂN HÓA THĂNG LONG THẾ KỶ XI – XV

TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ

QUA KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI CHÙA TIÊU BIỂU

(TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ)

 

ThS. NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH*

 

Xứ Nghệ - dải đất hẹp miền Trung lắm bão tố, nhiều gian nan, khi nắng thì nắng đến chói chang, khi đã mưa thì mưa mòn cả đất, thế nhưng không vì vậy mà cuộc sống của con người nơi đây cằn cỗi, nền văn hóa nơi đây không nở hoa kết trái. Dường như chính cái khắc nghiệt của khí hậu và mảnh đất này đã hun đúc ở con người xứ Nghệ phẩm chất kiên cường, chịu khó và đầy ý chí đấu tranh để vươn lên làm chủ chính mình, hòa cùng sự phát triển chung của lịch sử đất nước. Bước theo dòng chảy nghìn năm văn hiến của dân tộc, chúng ta được thấy và được ngưỡng vọng biết bao thi nhân, bao anh hùng lỗi lạc, rồi những câu ví dặm, những điệu hò chất chứa lời tự sự, răn mình, những tâm tình mộc mạc mà thẫm đẫm tài hoa…tất cả đã làm nên bản sắc xứ Nghệ rất thơ mà cũng rất kiên cường anh dũng. Và điều đáng nói, đằng sau những vẻ đẹp hiện hữu đó, chúng ta còn thấy ẩn chứa một vẻ đẹp tâm linh huyền bí, sâu lắng mà chỉ có thể cảm nhận được bằng trực giác và bằng tất cả tình yêu dành cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẻ đẹp tâm linh của vùng đất vốn được xem là biên ải phía Nam của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý – Trần – Lê ấy chính là sự kết tinh của nền văn hóa Thăng Long – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của mọi vùng miền trong cả nước. Rồi cũng chính từ Thăng Long, nền văn minh Đại Việt lại tiếp tục lan tỏa và dần bám rễ khắp mọi miền tổ quốc, từ đồng bằng Bắc bộ đến tận vùng Nam Trung Bộ thời bấy giờ, trong đó xứ Nghệ suốt thế kỷ XI – XV vốn được xem là chiếc cầu nối liền 2 vùng văn hóa Việt (phía Bắc chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc và phía Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ) sẽ là nơi lắng đọng nhất những tinh hoa văn hóa dân tộc. Đi tìm hiểu dấu ấn văn hóa Thăng long thời kỳ bấy giờ qua những di tích chùa tiêu biểu ở  xứ Nghệ sẽ góp phần minh chứng rõ nét hơn cho chúng thấy sức lan tỏa và hội tụ mạnh mẽ của văn hóa Thăng Long trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

1. Sự lan tỏa văn hóa Thăng Long đến xứ Nghệ thế kỷ XI - XV

Xét về không gian địa lý thì xứ Nghệ ngày nay bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nằm cách Thăng Long – Hà Nội khoảng 300km về phía Bắc. Xét về thời gian thì theo học giả người Pháp Hyppolyte Le Breton, vào đầu kỷ Đệ tứ, khi nước biển còn tràn vào tận chân dải Trường Sơn và tạo nên những bờ, vũng, đầm phá mênh mông thì nơi đây đã hiện diên con người của thời kỳ đồ đá. Đây được xem là những cư dân đầu tiên của xứ An – Tĩnh[1]. Từ đây, người dân xứ Nghệ đã đồng hành cùng dân tộc trải qua biết bao thời kỳ lịch sử từ thời nguyên thủy, thời dựng nước, thời Bắc thuộc cho đến thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ… đến tận ngày hôm nay. Nhưng phải nói rằng hiếm có một thời kỳ nào mà sức lan tỏa của văn hóa Thăng Long đến cộng đồng cư dân xứ Nghệ lại mạnh mẽ như những thế kỷ XI - XV. Đây vốn được xem là thời kỳ cực thịnh của văn minh Đại Việt và cũng là thời kỳ mà nền văn minh ấy được chuyển tải sâu rộng nhất trên khắp mọi miền đất nước.

Có thể nói, bằng nhiều con đường khác nhau, nền văn hóa Thăng Long trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV đã dần được chuyên chở đến cộng đồng cư dân xứ Nghệ và rồi khắc ghi dấu ấn của mình vào dòng chảy văn hóa nơi đây, hội tụ và rồi lại tích hợp để làm nên vóc dáng của một vùng văn hóa vừa giân gian, vừa bác học.

Trước hết phải nói rằng, ngay từ đầu triều Lý, xứ Nghệ đã được xem là một vùng đất biên ải phía Nam. Bảo vệ vùng đất xứ Nghệ vì thế cũng chính là giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ dân tộc. Do vậy, vùng đất này trải qua các các vương triều phong kiến từ  Lý, Trần rồi đến triều Lê sơ đều được đón nhận rất nhiều ân điển, sự quan tâm đặc biệt của các vị vua và những người trong hoàng tộc hay cả những bậc trung thần tài cao, đức lớn. Đáp lại, những người dân xứ Nghệ hơn ai hết thấu hiểu rất rõ trách nhiệm lớn lao của mình và đã cùng triều đình ra sức xây dựng, ổn định đời sống vật chất và tinh thần nơi đây. Chính trong quá trình đó, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa vùng đất và con người xứ Nghệ với văn hóa – văn minh Thăng Long đã diễn ra và ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Bấy giờ, vào năm 1036, triều Lý đã cử Hoàng tử Lý Nhật Quang vào thu thuế vùng đất châu Hoan rồi trở thành Tri châu ở nơi này. Cũng trong năm đó, vị hoàng tử họ Lý này đã quyết định đổi châu Hoan thành Nghệ An[2]. Từ đây, dân chúng ở đôi bờ tả hữu sông Lam trở thành bề tôi trung thành của nhà Lý, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của những người trong hoàng tộc vương triều, ra sức khai hoang, phục hóa, tận dụng vùng đất phù sa ven sông để trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, mở những con đường nối liền các huyện lỵ lên miền thượng đạo phía Tây… Bằng những việc làm cụ thể ấy, triều Lý đã dần chuyển tải văn hóa Thăng Long đến vùng đất xứ Nghệ và theo thời gian, nền văn hóa của xứ kinh kỳ ngày càng bám rễ vào đại bộ phận dân chúng ở hạ lưu đến thượng nguồn sông Lam. Bởi thế mà chúng ta không có gì ngạc nhiên khi ở xứ Nghệ, có không ít ngôi đền, đình thờ Lý Nhật Quang[3] và nhiều ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của ông. Từ một nhân vật lịch sử có thật, được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa Thăng Long từ thửa bé, Lý Nhật Quang đã đi vào văn hóa xứ Nghệ như một biểu tượng thiêng liêng và rất đỗi gần gũi.

Khi nhà Lý suy vi thì một lần nữa xứ Nghệ lại trở thành điểm dừng chân nương náu của không ít con cháu hoàng tộc. Nhiều người đã định cư và trở thành những dòng họ nổi tiếng ở nơi đây, như dòng họ Nguyễn Quang[4] ở Thanh Xuân (Thanh Chương), Đô Lương, Nam Đàn…là một minh chứng điển hình trong số đó. Và trong quá trình cộng cư rồi định cư ở xứ Nghệ, họ mang theo suốt hành trình của mình cả vốn văn hóa đất Thăng Long, chuyên chở những nét văn hóa kinh kỳ về hòa nhập vào nền văn hóa của vùng đất này, góp dựng nên một phức hợp văn hóa vừa mang dấu ấn của nền văn hóa Đế đô, vừa mang cả những đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ.

Tiếp nối vương triều Lý, Nghệ An trong tâm thức của triều Trần cũng là một vùng đất biên viễn phía Nam. Và trong suốt công cuộc dựng nước, mở nước cũng như giữ nước của mình thì triều Trần luôn chú trọng xây dựng, phát triển vùng đất này, biến nó thành một tiền đồn chống giặc, thành chỗ dựa vững chắc về mọi mặt trong công cuộc mở mang biên giới lãnh thổ. Vì thế, thời kỳ bấy giờ, triều đình cũng đã cắt cử không ít những người trong hoàng tộc và dòng dõi nhà Trần đến đây trông coi và khai phá. Trường hợp Trần Quốc Khang được nhà Trần cử vào xây dựng điền trang, thái ấp ở Đông Thành (Yên Thành) là một minh chứng hùng hồn cho sự quan tâm đặc biệt ấy của triều đình lúc này. Đặt chân đến nơi đây, Trần Quốc Khang tiếp nối những bậc tiền bối đi trước, đã ra sức chiêu mộ dân chúng, xây đắp đời sống vật chất và tinh thần ổn định, biến nơi này thành một vùng đất chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc lẫn phương Nam. Ngoài ra, thời bấy giờ, chúng ta còn phải kể đến công chúa Bạch Ngọc – hoàng hậu của vua Trần Duệ Tông cũng là một nhân vật tiêu biểu cho sự gắn bó giữa những người trong hoàng tộc Trần với vùng đất biên cương xứ Nghệ...

Rồi cũng như triều Lý, vào buổi hoàng hôn của triều đại Trần, không ít con cháu dòng dõi nhà Trần đã chọn Nghệ An làm điểm dừng chân trên hành trình phiêu tán của mình. Bởi thế mà không có gì làm lạ khi ở khắp các huyện từ Quỳnh Lưu đến Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà…đều có những dòng họ nổi tiếng - vốn là hậu duệ của dòng dõi nhà Trần xưa kia[5].

Tất cả họ đã đặt chân đến vùng đất này, góp sức vào sự phát triển chung trên nhiều phương diện ở nơi đây và đặc biệt chính trong hành trình ấy, lúc cố tình, lúc vô tình, họ đã chuyển tải chất văn hóa Thăng Long, văn hóa kinh thành, văn hóa cung đình vào trong bể sâu văn hóa xứ Nghệ.

Hơn thế nữa, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, vương triều Trần đã với tay được đến tận các làng xã. Hàng loạt những biện pháp về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự…đã được vương triều Trần áp dụng để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa nhà nước và làng xã. Đặc biệt, nhà Trần cực kỳ chú trọng đến việc chuyển tải kỷ cương phép nước, áp dụng sâu rộng những điều luật nước nhà đến tận từng thôn xóm. Và các làng xã Nghệ An cũng không là ngoại lệ. Có thể nói, đây là con đường quan trọng để đưa văn minh Thăng Long, văn minh của kinh thành đến từng thôn cùng ngõ xóm, đến tận mỗi người dân trên mảnh đất biên cương này.

Bước sang thời Lê sơ, xứ Nghệ không còn là vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt như trước đây nữa, lãnh thổ phía Nam đã được kéo dài đến đèo Hải Vân. Nhưng không vì thế mà sự quan tâm của triều đình đến vùng đất này suy giảm. Ngược lại, dường như trong tâm thức của vua quan triều Lê, xứ Nghệ trở thành một vùng đất gần gũi hơn với kinh đô Thăng Long. Dòng chảy văn hóa – văn minh Thăng Long lan tỏa đến xứ Nghệ rồi từ xứ Nghệ lại tiếp tục lan tới vùng đất Thuận Hóa. Đến đây, xứ Nghệ không chỉ là điểm dừng chân mà còn là điểm trung gian để chuyển tải văn hóa Thăng Long đến vùng đất phía Nam và ngược lại. Hay nói cách khác xứ Nghệ đã trở thành cầu nối giữa 2 vùng văn hóa Việt thời bấy giờ. Chủ trương đưa vương quyền, pháp quyền đến tận mỗi thần dân trong các làng xã trên khắp mọi miền Tổ Quốc, sự áp dụng chính sách Quân điền[6] trong lĩnh vực kinh tế, sự thực thi pháp luật trên phạm vi toàn quốc[7], sự mở rộng giáo dục khoa cử đến tận các làng xã… tất cả đã trở thành những con đường cực kỳ quan trọng góp phần chuyên chở văn hóa Thăng Long, văn hóa kinh thành đến vùng đất và con người nơi đây, nhanh chóng biến xứ Nghệ thành một bộ phận khăng khít trong diễn trình phát triển của vương triều Lê Sơ.

Trong quá trình lan tỏa văn hóa Thăng Long đến vùng đất xứ Nghệ này, chúng ta còn phải kể đến đóng góp không nhỏ của nền giáo dục khoa cử thời kỳ bấy giờ. Chính thông qua con đường này, dấu ấn văn hóa Thăng Long càng trở nên đậm nét trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ. Nếu như dưới thời Lý, giáo dục khoa cử mới bước đầu được hình thành và chủ yếu dành cho con em trong Hoàng tộc thì đến triều Trần, đặc biệt sang triều Lê, không chỉ con em dòng dõi vua quan, quý tộc mà ngay cả con em bình dân cũng được đi thi, bên cạnh trường công còn xuất hiện vô số những trường tư ở khắp các làng xã… Bởi thế mà ở xứ Nghệ, từ khi trại Trạng Nguyên khai khoa (dưới thời Trần) thì biết bao thế hệ học trò xứ Nghệ đã quyết tâm dùi mài kinh sử để lưu danh sử sách và không ít người đã đỗ đạt thành tài, được bước chân vào chốn quan trường ngay trên đất Thăng Long. Ví như, dưới thời Lê sơ, ngay từ những ngày đầu đã có được một đội ngũ khá đông những bề tôi xứ Nghệ đầy tài năng, uyên bác[8]. Hơn thế, cũng có không ít con cháu các đại quan trong triều lại trở thành những nàng dâu xứ Nghệ. Sự quyện hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Nghệ theo đó ngày càng được củng cố. Khi ra Thăng Long lập công danh sự nghiệp, những sĩ tử xứ Nghệ mang theo cả văn hóa vùng đất quê hương và đến khi trở về quê cha đất tổ thì họ mang theo về cả những giá trị văn hóa – văn minh chốn kinh kỳ về. Rõ ràng, với sự phát triển của giáo dục khoa cử, với hành trạng của những sĩ tử thành danh xứ Nghệ và với cả những cuộc hôn nhân giữa người xứ Nghệ với những người con vùng đất Thăng Long, thì sức lan tỏa văn hóa Thăng Long đến với vùng đất xứ Nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Không dừng lại ở đó, sức lan tỏa văn hóa ấy còn được đẩy mạnh qua chính con đường văn hóa mà trước hết và chủ yếu là thông qua con đường mang sắc màu tâm linh - con đường tôn giáo, tín ngưỡng. Có thể nói, dưới thời Lý – Trần, Phật giáo nước ta đã đạt đến đỉnh cao hưng thịnh của nó với ra đời của một dòng Phật Đại Việt mang đậm màu sắc dân tộc – Thiền phài Trúc Lâm. Trong bối cảnh ấy, từ vua quan đến dân chúng, ai ai cũng sùng bái đạo Phật. Dường như Phật giáo đã trở thành chất keo gắn kết nhân dân lao động với giai cấp quý tộc lúc bấy giờ. Chính tấc lòng hướng Phật đã trở thành mẫu số chung của những giai tầng vồn không cùng giới tuyến. Để từ đây, biết bao ngôi chùa đã được dựng nên với sự góp sức của cả vua quan lẫn dân chúng làng xã trên khắp mọi miền đất nước. Rất nhiều văn bia ở các ngôi chùa thời bấy giờ đã phản ảnh sinh động thực tế này: “Người già trăm tuổi, trẻ em sáu thước cùng lòng hết sức, dựng đổ, hưng suy”, “kẻ giúp của mang đồ ăn tới, kẻ giúp sức thì đục đẽo, người lành nghề thì xây dựng…[9]”.

 Trong bối cảnh chung đó, Phật giáo đã được xâm nhập và ngày càng phát triển ở vùng đất xứ Nghệ. Nhiều người trong hoàng tộc Lý – Trần và cả thời Lê sau nay đã đặt chân đến nơi đây và góp sức cùng nhân dân Nghệ Tĩnh xây dựng nên biết bao ngôi chùa thờ Phật. Và một khi Phật giáo thấm thấu sâu vào mỗi người dân xứ Nghệ thì sự gắn kết cộng đồng – một sắc thái đặc trưng nhất của văn hóa xứ Nghệ cũng ngày càng trở nên bền vững. Tinh thần cộng đồng ấy được chứng thực trong chính quá trình xây dựng nên biết bao ngôi chùa nơi đây mà dấu tích vẫn còn lưu lại cho đến ngày hôm nay.

Vậy là, chính Phật giáo theo dòng chảy của văn hóa Thăng Long truyền về đất Nghệ và rồi chính nó lại sớm trở thành suối nguồn tinh thần cho cộng đồng cư dân nơi này trên suốt hành trình xây đắp nền văn hóa của riêng mình. Từ đây, chúng ta dễ dàng tìm thấy những dấu ấn văn hóa Thăng Long trong hệ thống chùa chiền xứ Nghệ thời Lý – Trần –Hồ - Lê Sơ như một hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa vùng, miền trong suốt một chặng đường dài của lịch sử dân tộc.

2. Dấu ấn văn hóa Thăng Long thời Lý – Trần –Hồ - Lê qua khảo sát hệ thống chùa xứ Nghệ dưới góc nhìn lịch sử

2.1. Nhiều ngôi chùa xứ Nghệ do chính những người trong Hoàng tộc vương triều sáng lập

Trải qua bao cuộc bể dâu, đặc biệt sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo xứ Nghệ đã bị ngổn ngang đổ vỡ, nhiều vết tích bom đạn còn hằn sâu trong lòng đất, tiếng chuông, tiếng mõ, hình dáng của Tăng Ni, Phật tử cũng vắng bóng trong suốt một thời gian dài (nhất là ở Nghệ An). Dù vậy, nhìn vào sâu thẳm những lớp trầm tích văn hóa nơi đây, chúng ta vẫn thấy còn đó, hiện hữu hay vô hình không gian văn hóa Phật giáo mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long một thời hưng thịnh dưới nhiều góc cạnh khác nhau.

Nếu nhìn dưới góc nhìn lịch sử, chúng ta sẽ bắt gặp ở nơi đây không ít những ngôi chùa được chính những người trong hoàng tộc các vương triều phong kiến nước ta suốt khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV xây dựng nên:

Chùa Ân, thuộc xóm Xuân Trung, xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc, Hà Tĩnh. Theo như những gì còn truyền lại trong dân gian thì cách đây khoảng 700 năm, một nhũ mẫu của hoàng đế Trần Duệ Tông – bà Phạm Thị Ngọc Dung, sau khi rời khỏi kinh thành đã góp sức cùng nhân dân địa phương dựng nên ngôi chùa này.

Chùa Am (Diên Quang tự), xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ. Ngôi chùa này chính do hoàng hậu Bạch Ngọc[10], đời Trần Duệ Tông (1373-1377) sáng lập nên. Chuyện kể rằng vào năm 41 tuổi, trong chuyến xuất quân đi chinh phạt Chiêm Thành thì vua Trần Duệ Tông không may bị tử trận tại thành Đồ Bàn. Sau đó, không bao lâu thì Hồ Qúy Ly tiếm ngôi nhà Trần. Trong bối cảnh suy vong của vương triều Trần, hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con gái là Trần Thị Ngọc Hiên (công chúa Huy Chân) đã cải trang thành người xuất gia cùng đoàn gia nhân rời khỏi kinh thành Thăng Long về quê cha ở Hà Tĩnh. Chính tại đây, bà đã ra sức huy động sức người, sức của của mình cùng với nhân dân địa phương phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất,  lập làng… Không những thế, chính bà cũng là người đã dày công chuyển tải văn hóa Thăng Long về quê cha đất tổ. Rồi chính trong thời gian ở nơi đây, bà đã cho dựng nên ngôi chùa Diên Quang (chùa Am) này, đưa Phật giáo Thăng Long lan rộng ra toàn vùng, đến với mỗi người dân vùng biên cương.

Chùa Tiên Lữ (chùa Lã), xóm Tiên Lữ, xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ngôi chùa do chính con gái của hoàng hậu nhà Lê sáng lập nên. Sau khi kết hôn với vua Lê Thái Tổ, hoàng hậu Trịnh Thục (tức Huy Chân công chúa thời Trần – con gái của Trần Duệ Tông và hoàng hậu Bạch Ngọc) đã sinh hạ được người con gái tên là Lê Thị Ngọc Châu, tước hiệu là Trang Từ công chúa. Về sau, khi chồng của Ngọc Châu là Bùi Ban – con cả của tướng Bùi Bị hy sinh trong trận đánh Champa, Ngọc Châu đã lui về tu ở chùa Diên Quang và đã cùng nhân dân cho xây dựng nên chùa Tiên Lữ trên núi Dị Sơn (Rú Dẻ), sát đồi Long Mác, làng Trung Phạm (nay thuộc xã Đức Lập).

Không chỉ là những người trực tiếp khởi dựng nên nhiều ngôi chùa xứ Nghệ mà không ít người trong hoàng tộc thời kỳ này còn có vai trò trực tiếp trong việc tôn tạo, trùng tu những ngôi chùa vốn có từ trước đó ở mảnh đất này. Như chùa Đại Tuệ - ngôi chùa nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Tuệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một minh chứng sinh động. Theo tương truyền thì ngôi chùa này được xây cất từ thời vua Mai Hắc Đế trong cuộc hành quân đánh nhà Đường vào năm 627SCN. Đến hơn 7 thế kỷ sau đó, ngôi chùa một lần nữa được Hồ Vương Quý Ly cho xây cất lại để thờ Phật Bà Đại Tuệ - người đã có công giúp Hồ Vương xây dựng thành công thành Đại Huệ làm căn cứ vững chắc chống lại giặc Minh…

Vậy là, những người trong nội bộ hoàng tộc suốt thời kỳ này – những con người được hấp thu từ thửa bé vốn văn hóa đất kinh kỳ đã góp công sức không nhỏ trong việc khởi dựng và tôn tạo nên những không gian tâm linh đầy thiêng liêng ở xứ Nghệ – không gian văn hóa Phật giáo. Theo đó, không gian ấy vừa mang đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ vừa mang cả dáng dấp của văn hóa kinh thành – văn hóa Thăng Long – Đông Đô  một thửa.

2.2. Những ngôi chùa xứ Nghệ gắn liền với sự tích của những người con đất Thăng Long

Chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc, được xem là vùng biên viễn phía Nam của Tổ Quốc dưới thời Lý – Trần và là cái cầu nối giữa 2 vùng văn hóa Việt trong suốt chặng đường lịch sử về sau, xứ Nghệ từ bao đời nay đã trở thành điểm dừng chân của không ít người con đất Thăng Long. Suốt thời kỳ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, xứ Nghệ đã bao lần được vua quan và con cháu Hoàng tộc ghé chân và không ít người trong số họ đã di cư, rồi định cư và cộng cư với cộng đồng cư dân xứ Nghệ. Chính trong hành trình ấy, họ đã để lại cho nơi đây nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Trong số đó, có không ít những sự tích gắn liền với quá trình khởi dựng, phát triển của nhiều ngôi chùa nổi tiếng vùng đất này.

Chùa Bà Bụt (Tiên Tích tự), xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Ngôi chùa này gắn liền với một nhân vật nổi tiếng thời Lý – đó chính là hoàng tử Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ). Theo truyền thuyết và sử sách ghi chép lại thì Lý Nhật Quang năm 1036 được bổ làm tri châu Nghệ An. Khi đặt chân dựng nghiệp nơi đây, ông đã nhanh chóng biến vùng đất này thành một vùng đất màu mỡ, trù phú với công cuộc khai hoang, mở đất của mình, được nhân dân đặc biệt yêu kính. Trong suốt thời gian làm tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang đã nhiều lần cầm quân đi đánh giặc, bảo vệ biên cương phía Nam tổ quốc, và lần nào ông cũng may mắn được Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt phù giúp và linh báo trong một lần đi đánh quân Chiêm: “Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hóa thân ở xứ ấy[11]”. Quả nhiên, ông về đến đất Quy Sơn thì qui hóa. Từ đó trở đi, hằng năm vào ngày 20 tháng giêng, dân chúng nơi đây lại tổ chức lễ “nghinh xuân” rước tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn về chùa Bà Bụt làm lễ tạ rất long trọng. Rõ ràng, Lý Nhật Quang đã đi vào tâm thức của mỗi người dân nơi đây, từ một nhân vật lịch sử có thật đã được linh thiêng hóa, trở thành một biểu tượng văn hóa vùng và hòa vào dòng văn hóa Phật giáo xứ Nghệ.

Chùa Ân xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc không chỉ có giá trị văn hóa tâm. Đến nơi đây, chúng ta được nghe kể sự tích về những nhân vật lịch sử nổi tiếng đất kinh kỳ một thửa. Bấy giờ, vào thế kỷ XV, bị bắt sau thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh, Trùng Quang đế không chịu khuất phục nên đã trẫm mình xuống dòng sông Lam. Trong khi đó, tả hữu thân cận của nhà vua là hai ông Trần Quốc Điển và Trần Văn Định thì lánh vào chùa Ân xuống tóc quy phật. Từ đây, trong vai trò của một nhà tu hành, hai ông đã dốc toàn tâm lực giúp dân, cứu đời, nhất là bằng tài chữa bệnh đã cứu sống được biết bao người lâm nạn. Vì vậy, sau khi Trần Quốc Điển và Trần Văn Định chết đi, nhân dân xứ Nghệ đã tôn làm thành hoàng. Điều đặc biệt là đền thờ Trần Quốc Điền được dựng ngay trong khuôn viên của chùa Ân, gọi là đền Cả, đền thờ Trần Văn Định được dựng ở làng Na gọi là đền thờ Đức Thánh Trung. Như vậy, vốn không phải là người gốc xứ Nghệ, Trần Văn Định và Trần Quốc Điền đã được nhân dân nơi đây phụng thờ, trở thành đối tượng thờ cúng trong không gian văn hóa Phật giáonơi này.

Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến những ngôi chùa xứ Nghệ gắn liền với sự tích về những nhân vật lịch sử đất Thăng Long mà chúng ta không nhắc đến chùa Am với sự tích tu hành của 3 vị nữ chúa. Trước hết phải kể đến hoàng hậu Bạch Ngọc – người đã có công khởi dựng nên ngôi chùa linh thiêng này.

Theo Tiền triều phả hệ ngữ lục do Trần Cao Vân dịch, được trích chép trong “Địa dư Hà Tĩnh” năm 1938 thì hoàng hậu Bạch Ngọc có tên là Trần Thị Ngọc Hoà, con gái ông Trần Công Thiệu, quê làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là hoàng hậu đời vua Trần Duệ Tông. Năm vua 41 tuổi, trong một chuyến đem quân chinh phạt Chiêm Thành, vua không may bị tử trận tại thành Đồ Bàn. Trong cơn biến loạn đó, bà và con gái là Trần Thị Ngọc Hiên (công chúa Huy Chân) đã cải trang thành người xuất gia cùng 572 gia nhân khác rời khỏi kinh thành lánh về xứ Nghệ. Tại đây, bà chiêu mộ được gần 3.000 người nghèo khổ rồi cùng họ tiến hành công cuộc phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất, lập làng… Kết quả là có 45 xã thôn, trang ấp được thiết lập trên địa bàn 6 tổng của 4 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc (Hà Tĩnh) với 3.965 mẫu ruộng cùng nhiều kho lẫm dự trữ lương thực[12]. Cũng chính trong thời gian này, bà đã cho dựng nên chùa Diên Quang (tức chùa Am).

Đến năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân Lam Sơn từ Nghệ An tiến vào vùng đất này, biết bà Bạch Ngọc đang khai hoang ở đây, Lê Lợi đã cho đón tiếp bà theo nghi lễ của một bà hoàng. Sau lần gặp gỡ ấy, bà tự nguyện dốc hết lương thực, thực phẩm dự trữ bấy lâu cùng nhiều ruộng đất vào công cuộc kháng chiến chống quân Minh và  gả công chúa Huy Chân cho Bình Định vương. Sau đó ít lâu, Huy Chân đã sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Trang Từ. Khi hoà bình lập lại, hoàng hậu Bạch Ngọc vào chùa Am xuất gia tu tập. Ít lâu sau, công chúa Huy Chân cũng về đây tu hành với mẹ. Còn Trang Từ, khi lớn lên được vua Lê Thái Tổ gả cho Bùi Ban, con trai của tướng Bùi Bị. Về sau, khi Bùi Ban anh dũng hy sinh trong trận chiến với quân Chiêm Thành, Trang Từ đã tái giá với Khôi quận công Trần Hồng được 5 năm rồi cũng xin về chùa Am tu với mẹ và bà ngoại Bạch Ngọc.

Như vậy, chùa Am trong suốt thế kỷ XV đến những năm đầu thế kỷ XVI đã ghi đậm dấu ấn tu tập của 3 vị nữ chúa đất Thăng Long. Tên tuổi của 3 vị nữ chúa sẽ sống mãi cùng với sự trường tồn của ngôi chùa này như một chứng tích bất diệt cho sự quyện hòa đến tuyệt vời giữa văn hóa, con người xứ kinh kỳ với văn hóa, con người xứ Nghệ.

Trên hành trình đi tìm dấu tích văn hóa Thăng Long một thuở, chúng ta một lần nửa dừng chân ở chùa Đại Tuệ trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngôi chùa gắn liền với nhân vật Hồ Quý  Ly, Hồ Hán Thương, những người trong hoàng tộc nhà Hồ đã đặt chân đến mảnh đất này trên hành trình đánh giặc và rồi ghi lại dấu ấn lịch sử sâu sắc ở nơi đây. Tương truyền thì xưa kia, tảng đá lớn giống như ngai vàng ở phía trước chùa (nhân dân vẫn quen gọi là Thạch ngai) chính là nơi Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương từng ngồi chỉ huy tập trận. Rồi chính Phật Bà Đại Tuệ đã giúp cho Hồ Vương xây dựng thành công thành Đại Huệ làm căn cứ đánh giặc Minh. Chuyện kể rằng, lúc bấy giờ để chống lại sự tấn công mạnh mẽ của quan quân nhà Minh, Hồ Vương đã quyết định cho xây thành trên núi Đại Huệ nhưng dầu đã đổ bao nhiêu công sức mà thành vẫn mãi không xây dựng được. Một đêm nọ, Hồ Vương nằm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ dạy cho cách xây thành bao quanh. Từ đấy trở đi việc xây thành đắp lũy trở nên thuận lợi vô cùng. Về sau, biết ơn công lao của Phật Bà, Hồ Vương đã giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại vùng đất này chăm lo tu bổ, tôn tạo ngôi chùa Đại Tuệ, hương khói thờ phụng quanh năm, cầu mong cho quốc thái dân an… Ngôi chùa vì vậy trở thành một không gian tâm linh mang đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử đất Thăng Long.

Ngoài ra, rải rác trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng ta còn tìm thấy rất nhiều dấu tích của những ngôi chùa cổ với các sự tích về những nhân vật lịch sử đất Thăng Long xưa. Đó là ngôi chùa Thiên Tượng được dựng trên một ngọn núi cùng tên phía Tây dãy Ngàn Hống, xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Ngôi chùa được dựng từ đời Trần[13] và đã từng là nơi dừng chân của danh tướng Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) khi được triều đình cử làm Chuyển vận sứ Nghệ An. Tại ngôi chùa này, Phạm Sư Mạnh đã viết nên bài thơ “Sơn hành” (đi trong núi) bất hủ:

U ám mây mù chợt tạnh lênh

Ngẫu nhiên nhàn rỗi bước sơn hành

Trời giáng màn trướng bong tùng cổ

Đất rộn trống dồn dòng suối vang

Hương tượng non cao vời Bắc Đẩu

Đồng Long biển rộng giúp Nam chênh

Vui cùng bè bạn lên thăm núi

Chùi nhẹ rêu bia ký tích danh

(Ngô Đức Thọ dịch)

 

Dường như tâm hồn của danh tướng xứ kinh kỳ đã hòa nhập vào thiên nhiên, đất trời, vào không gian văn hóa Phật giáo xứ Nghệ để tức cảnh làm thơ, để lại bút tích muôn đời cho hậu thế mai sau.

Rồi khi đặt chân đến với Cửa Lò, chùa Song Ngư cũng là nơi vừa thờ Phật vừa thờ thần mà cụ thể ở đây là Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một danh tướng nổi tiếng thời Trần có những đóng góp lớn lao đối với mảnh đất xứ Nghệ.

Những sự tích gắn liền với những nhân vật lịch sử đất Thăng Long một thuở ấy đã thực sự làm nên chất thiêng mà huyền bí đến sâu thẳm của không gian văn hóa Phật giáo xứ Nghệ và rồi chính không gian tâm linh này đây lại nâng cánh cho những sự tích lịch sử ấy hóa thành huyền thoại.

Vậy là trải qua bao biến thiên của cuộc sống, vẫn còn đó trên mảnh đất xứ Nghệ ngày nay những dấu ấn lịch sử mang dáng hình Thăng Long, dẫu là hữu hình hay vô hình thì những dấu ấn ấy sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm của những người xứ Nghệ, như là minh chứng hùng hồn không bao giờ tắt cho quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa xứ kinh kỳ và mảnh đất xứ Nghệ một thuở. Từ đây, dòng mạch văn hóa nơi này vẫn không ngừng chảy và theo thời gian, nó lại dần dần được bồi đắp bởi những lớp phù sa văn hóa ở khắp muôn nơi hội tụ về…

 


Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thái Sơn, Văn hóa tâm linh xứ Nghệ, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007.

2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Thanh – Nghệ - Tĩnh với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 2010.

3. Nhiều tác giả, Mỹ thuật Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2010.

4. Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý – Trần – mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2001.

5. Ninh Viết Giao, Về văn hóa xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2003.



* Giảng viên khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội

[1] Nguyễn Thái Sơn, Văn hóa tâm linh xứ Nghệ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.21.

[2] Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 thì như vậy nhưng theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì chép lại rằng: tên Nghệ An có từ năm 1030.

[3] Ở đây có trên 50 đền, đình thờ Lý Nhật Quang. Xem thêm: Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Lý Nhật Quang, Nxb Nghệ An, 2009.

[4] Xem: Gia phả dòng họ Nguyễn Quang, thư viện tỉnh Nghệ An.

[5] Xem: Nguyễn Quang Hồng, Qúa trình hội nhập và sức sống của ngôn ngữ xứ Bắc trong cộng đồng cư dân xứ Nghệ,  Ngôn ngữ trẻ, Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Hà Nội, 2001.

[6] Việc chia ruộng đất cho nông dân các làng xã trên phạm vi cả nước đều phải tuân thủ quy định chung của triều Lê sơ.

[7] Bộ luật Hồng Đức được biên soạn và khắc in trên phạm vi cả nước

[8] Xem: Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí – Các nhà khoa bảng Việt Nam và khoa bảng Nghệ An.

[9] Xem: Chu Quang Trứ, Mỹ Thuật Lý – Trần – Mỹ thuật Phật giáo,  Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, 2001.

[10] Theo “Tiền triều phả hệ ngũ lục” do Trần Cao Vân dịch, được ghi chép trong Địa dư Hà Tĩnh 1938 thì: hoàng hậu Bạch Ngọc có tên là Trần Thị Ngọc Hòa, con gái ông Trần Công Thiệu, quê làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

[11] Xem thêm: báo Nghệ An

[12] Xem: Nguyễn Thái Sơn, Văn hóa tâm linh xứ Nghệ, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.145 – 147.

[13] Xem: Nguyễn Thái Sơn, Văn hóa tâm linh xứ Nghệ, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007, tr.143.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 281
    • Số lượt truy cập : 6948186