Thông tin

DI SẢN TINH THẦN CỦA THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA

VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC Ở THIÊN NIÊN KỶ MỚI

 

TS. ĐỨC UY
Hội Tâm lý học Việt Nam

 

Với thời gian, cuộc đời và di sản tinh thần của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha hiện lại ngày một toả sáng như một danh nhân, một hiện tượng văn hoá xã hội độc đáo của nước ta đã bước và thiên niên kỷ mới.

Trong bài này, người viết chỉ giới hạn ở hai khía cạnh di sản tinh thần của Thiều Chửu :

1. Tầm nhìn dự báo tiên tri;

2. Ý nghĩa của di sản đối với việc làm trong sạch đội ngũ - giới quản lý lãnh đạo nước ta hiện nay.

1. Tầm nhìn dự báo (và cảnh báo) tiên tri của Thiều Chửu về những xu hướng - qui luật phát triển của xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá đời sống của cá nhân và cộng đồng.

Hôm nay sau 100 năm từ khi Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha ra đời, chúng ta thấy ông không chỉ là nhà hiền triết - Nho học, nhà thơ - Phật học v.v... theo tôi ông cũng là nhà khoa học nữa; không chỉ ông để lại nhiều trước tác đang được sưu tầm mà còn vì dự báo của ông, nhìn từ năm đầu thế kỷ 21, tỏ ra có giá trị tiên tri thay vì phỏng đoán cảm tính.

Trong Con đường học phật ở thế kỷ XX (CĐHP) về thời đại mới đây, Thiều Chửu vạch ra 10 cái "Tăng" :

1. Gia tộc Tăng; 2. Học hiệu Tăng; 3. Giáo tự Tăng; 4. Xã hội Tăng; 5. Dân tộc Tăng; 6. Quốc dân Tăng; 7. Quốc gia Tăng; 8. Quốc tế Tăng; 9. Nhân luân Tăng; 10. Nhân gian Tăng.

Chữ "Tăng" ở đây nên hiểu rộng không chỉ là hạng người mà chủ yếu là tính chất, trạng thái, căn tính, quá trình tích hợp. Trong 10 cái "Tăng" tôi lưu ý 2 cái: "Xã hội Tăng" và "Quốc tế Tăng", tuy rằng 10 cái "Tăng", nhìn theo góc độ hệ thống hiện tại là một chỉnh thể mà sau cuộc Sinh hoạt Lịch sử - Hội ngộ này sẽ được khảo sát một cách đầy đủ. Không phải bởi một hai học giả uyên bác là đủ ... Trong "Xã hội Tăng" nhân tố - thành tố của hệ thống "Tăng" có ý nghĩa tăng tốc, thúc đẩy cuộc Mở cửa - Đổi mới là "Một xã hội hành nghiệp như các nhóm Thương hội, Nông hội, Y sinh, Luật sư v.v...; ở đây ta thấy Thiều Chửu đâu chỉ là Nho sĩ quen tụng kinh niệm Phật hay ở ẩn mà ông thực hành sự "Xuất Sư" ngay từ trong tư duy... và "Bốn là Xã hội chính trị, như các chính đảng, nghị hội huyện, nghị hội tỉnh v.v... " Các "Xã hội trú tịch, học thuật, giải trí, đặc biệt ngày càng có vị trí vốn có của chúng, song chúng tôi nhấn mạnh hai "Xã hội hành nghiệp và Xã hội chính trị" chỉ để nêu bật sự tương tác của Kinh tế và chính trị trong xã hội Việt Nam đang hiện đại hoá không đơn thuần là "Công nghiệp hoá" mà thôi...

Có lẽ sẽ không bị coi là khiên cưỡng nếu gắn "Quốc tế Tăng" của Thiều Chửu với toàn cầu hoá về cơ bản là quá trình khách quan của thời đại, nhân loại hôm nay trước hết do sự thúc đẩy có tính chất quyết định của cách mạng Khoa học - Công nghệ với điểm qui tụ là Kinh tế tri thức... Hơn bao giờ hết chúng ta thấm thía câu của Thiều Chửu: "Lúc này là đồng minh, lúc khác là thù địch, cái cảnh hoà bình bấp bênh không vững vì thế mới cùng nhau mưu tính lấy sự liên hợp hoà bình. Đó là vì vốn vẫn có một cái "Tính" muôn giới đều là Tăng cả" cho nên quần chúng quốc tế ngày nay thể tất phải hết sức mưu toan để cho cái cảnh "Hoà bình liên hợp thành ra sự thực".

Ý nghĩa của di sản tinh thần Thiều Chửu đối với việc làm trong sạch đội ngũ - giới quản lý lãnh đạo nước ta hiện nay.

Việc làm trong sạch đội ngũ - giới quản lý lãnh đạo đất nước ta hiện nay là một quá trình lâu dài và liên tục. Việc này không chỉ đóng khung trong việc chống tham nhũng, lãng phí như một quốc nạn.

Di sản của Thiều Chửu sẽ bị tiếp thu một cách hạn hẹp phiến diện nếu chỉ gắn nó với Phật học, với vấn đề tôn giáo, với bi kịch của cá nhân. ý nghĩa sâu xa của di sản tinh thần sống động của ông là ở chỗ đi từ cốt lõi tinh hoa của Phật học, xem Phật tính là căn tính của mọi người đối với cái thiện và ác trong tâm họ. Cho nên điều làm sai với Chính pháp của Tăng đồ có thể vận vào không ít người trong giới quản lý lãnh đạo nước ta hôm nay. Đó là chủ nghĩa tiêu cực, thưởng nhàn, hư vinh, lợi dưỡng, sống nhờ, truyền tử nhược tôn như đời, buôn bán, táo bạo. Vì phần đông Tăng đồ hủ hoá như thế nên một tín đồ tân học đã nói những lời cảnh báo thiết tha và xác đáng rằng: "Bệnh tình trầm trọng lắm rồi, nguyên khí suy nhược quá rồi. Phật giáo ngày nay như người bị mắc bệnh lao, phải suy tìm cho rõ bệnh căn mà công bố cho đúng phép nếu không thì không thể cứu sống lại được" (CĐHP).

Chúng ta không hề có ảo tưởng là có thể làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên chỉ bằng sự tu nhân tích đức hay một vài chính sách, biện pháp riêng lẻ nửa vời nào. Về mặt này việc tôn vinh và phổ biến rộng rãi di sản tinh thần của Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha chính là một việc "Phật" để ".... tận hiếu với nhân dân, vì nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai".

Ngày 11.4.2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6951966