Thông tin

DI SẢN VĂN HÓA HÁN NÔM Ở KHU TỊNH CẢNH

THỂ HIỆN TÀI HOA CỦA NGƯỜI DÂN XỨ NGHỆ

 

PGS.TS. NGUYỄN TÁ NHÍ*

 

Nghệ An là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử. Non xanh nước biếc ở xứ Nghệ mà tiêu biểu là Hồng Lĩnh, Lam Giang đã hội tụ khí thiêng của trời đất để sản sinh ra bao lớp hào kiệt, đúng như nhận xét của câu thơ dân gian lưu truyền ở Đô Lương:

Hồng Lĩnh gió ngàn đan gió biển,

Lam Giang trăng nước ánh trăng liềm.

Nước non ngàn dặm sinh tài lạ,

Đích thực con rồng với cháu tiên.

Các thế hệ con rồng cháu tiên ở vùng đất Nghệ An đã dùng bàn tay và khối óc của mình để xây dựng nên đất Hoan Châu trù phú phồn vinh nổi tiếng. Phật giáo cũng có mặt ở vùng này từ rất sớm. Sách Thiền uyển tập anh cho biết, Thiền sư Tịnh Giới từng thụ nghiệp với Đại sư Bảo Giác ở chùa Quốc Anh núi Bí Linh phủ Nghệ An. Năm Quý Tỵ (1173) niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11 đời Lý Anh Tông, Thiền sư được tổ Bảo Giác trao cho cụ túc giới và giao cho ngài kế đăng trụ trì chùa Quốc Anh. Đến năm Đinh Mão (1207) niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ 3 đời Lý Cao Tông, ngài thị tịch. Trước đó Thiền sư Tịnh Giới từng đọc bài kệ rằng:

Thử thời thuyết đạo hãn tri âm,

Chỉ vị như tư đạo táng tâm.

Hề tự Tử Kỳ ta dảng sấm,

Thỉnh lai nhât đạt Bá Nha cầm.

Nghĩa là:

Thời nay bàn về đạo ít gặp tri âm,

Bởi lẽ đạo này đã đánh mất cái tâm.

Sao có được người sành điệu như Tử Kỷ,

Xin mời đến nghe Bá Nha dạo đàn.

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận chùa Linh Vân ở xã An Trường huyện Nghi Lộc (tức chùa Sư Nữ ở thành phố Vinh hiện nay) được xây dựng từ thời thuộc Đường. Viên Đô hộ sứ Cao Biền từng đứng ra chọn đất xây dựng già lam. Chùa trông ra bến sông, cảnh trí thanh u tao nhã.

Sách Nghệ An Hà Tĩnh sơn thủy lục cho biết, trong hang đá trên vách núi Long Sơn huyện Quỳnh Lưu có ngôi chùa cổ Long Sơn. Trong vách động còn ghi lại bài thơ đề vịnh của Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 – 1816) khi ông còn làm Hiệp trấn Nghệ An:

Thu hiểu quá Long Sơn tự

Hóa thành hốt tự điền trung khởi.

Quan lộ sư tòng mạch thượng quan,

Thạch quật nham âm giai tác động.

Tự thê sơn hác khả vi gia,

Thiên công đa huyễn thầm nan trắc.

Thế sự vô cùng mạc hận ta!

Khách hứng cáp phùng thu sắc hiểu,

Chung lưu xao tán nhập minh hà.

Nghĩa là

Buổi sớm mùa thu tới thăm chùa Long Sơn

Ngôi chùa cổ mọc lên giữa đồng bằng,

Đường cái quan bắt đầu qua bờ ruộng.

Phía nam hang đá đều là động núi,

Ngôi chùa hang núi có thể dùng làm nhà.

Thự trời hư huyễn ai dò đoán hết,

Việc đời mênh mang đừng nên oán hận.

Cảm hứng dấy lên vào sớm mùa thu,

Tiếng chuông dường xua tan ráng chiều.

Các sách Thiền uyển tập anh, Đại nam nhất thống chí, Nghệ An Hà Tĩnh phong thủy lục, Nghệ An ký, Nghệ Tĩnh thi tập….. đều là thư tịch Hán Nôm đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Những tư liệu quý giá do người xưa để lại ấy cho thấy Phật giáo có một thời phát triển rực rỡ ở vùng Hồng Lĩnh, Lam Giang rồi. Theo con số thống kê của ngành văn hóa tỉnh, tính đến năm 1960 toàn tỉnh Nghệ An còn có 300 ngôi chùa thờ Phật đang thực hiện tín ngưỡng tôn giáo. Năm 2012 này chúng tôi vinh hạnh được tham gia đoàn khảo sát tư liệu Phật giáo tỉnh Nghệ An cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Đoàn đã đi khảo sát hơn 20 ngôi chùa trên địa bàn các huyện thị: Cửa Lò, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương và Thành phố Vinh. Các tư liệu Hán nôm ở chốn già lam tịnh cảnh này như bia đá, khánh đá, chuông đồng, ván gỗ, câu đối, đại tự, thư tịch còn lại không nhiều. Song thật bất ngờ, nghiên cứu khảo sát kỹ số tư liệu Hán Nôm còn lại ít ỏi ấy cũng đủ thấy nét tinh tế hào hoa mà sâu sắc của các ông đồ xứ Nghệ, xin được giới thiệu đầy đủ hơn theo hai ý:

1. Cách ghi niên đại riêng có

Thông thường ở các công trình kiến trúc đình chùa, khi muốn ghi niên đại xây dựng người ta thường viết lên thanh gỗ đặt ở nóc nhà gọi là Thượng lương. Hầu hết các công trình này chỉ ghi ngày cất nóc nhà, lấy đó làm mốc cho việc xây dựng, còn ngày hoàn thành không ghi. Thỉnh thoảng cũng thấy có công trình ghi ngày xây dựng vào một chiếc câu đầu, còn chiếc câu đầu kia thì ghi này hoàn thành. Tất cả các cách ghi này, chữ viết chỉ đọc thuận một chiều. Thế nhưng cách ghi niên đại xây dựng ở các công trình kiến trúc đền chùa ở Nghệ An lại không hoàn toàn như thế. Thanh gỗ ghi niên đại đặt ở gian giữa nằm gần chiếc xà ngang đón mái ở dưới. Có khi thanh gỗ lại đặt ở trên khung cửa ra vào ở gian giữa, nằm ở khu vực khá kín đáo, phải tinh ý mới nhận biết được. Đặc biệt là cách ghi lại rất chú trọng đến cách trình bày cân xứng, phải mất nhiều công phu luận đoán đọc ngang đọc dọc nhiều chiều mới nhận ra được, chẳng hạn như

1.1. Thanh gỗ ghi niên đại ở chùa Viên Quang, xã Nam Thanh huyện Nam Đàn ghi:

 

Cần được đọc là

Viên Quang tự, Tự Đức nhị thập cửu niên

Bính Tý quý xuân cung tác, mạnh thu hoàn thành.

Nghĩa là: Chùa Viên Quang được xây dựng vào tháng 3 mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876) và hoàn thành vào tháng 7 mùa Thu năm ấy.

Cách viết này thật tài tình không cần lặp lại các danh từ chỉ thời gian năm là Bính Tý, Tự Đức nhị thập cửu niên, mà người đọc vẫn có thể nhận ra đúng y người viết.

1.2. Thanh gỗ ghi niên đại ở chùa Phúc Mỹ xã Yên Sơn huyện Đô Lương, ghi

境靜安

孟夏月落成        作造年申戊

Cần được đọc là

An Tĩnh cảnh

Mậu Thân niên tạo tác

Mạnh hạ nguyệt lạc thành.

Nghĩa là: Cảnh chùa An Tĩnh, được xây dựng năm Mậu Thân, đến tháng 4 mùa Hạ năm ấy thì hoàn thành.

Sắp xếp thật kì lạ, thời gian xây dựng đọc đúng theo thứ tự đọc các văn bản chữ Hán thông thường là đọc từ phải qua trái, còn dòng thời gian ghi ngày tháng hoàn thành thì đọc ngược lại từ trái sang phải, cốt giữ cho văn bản có thể đăng đối hoàn chỉnh.

1.3. Thanh gỗ ghi niên đại ở chùa Gám, thị trấn Yên Thành huyện Yên Thành ghi:

成落月季酉年辛仲冬修作

Thanh gỗ ghi niên đại đặt trên khung cửa ra vào ở gian giữa. Người từ ngoài vào chiêm bái Tam bảo không thể nhận ra, chỉ khi lễ xong quay lại đi ra ngẩng đầu lên nhìn mới nhận thấy. Thật là kì bí! Chữ chạm khắc khổ khá lớn 12 x 12cm, có thếp vàng như thếp câu đối đại tự. Cũng thật tuyệt vời, chỉ cần có 14 chữ Hán xếp theo lối bí hiểm, người đọc tìm cách đọc thuận đọc nghịch, sẽ tìm ra đáp án.

Cần được đọc là

Tân Dậu niên trọng đông tu tác

Tân Dậu niên quý nguyệt lạc thành.

Nghĩa là

Tháng 11 mùa đông năm Tân Dậu xây dựng

Tháng 12 cuối năm Tân Dậu hoàn thành.

Cách ghi năm tháng kì bí sâu sắc này có thể xem là một kiệt tác, mà cũng chỉ riêng có ở khu vực Tịnh cảnh ở xứ Nghệ mà thôi.

2. Nội dung kì bí ý tứ sâu xa

Bản thân chữ Hán đã chứa sẵn trong mình một nội dung kì bí, thế nên các cụ ta vẫn thường bảo nhau là "Thâm nho" đó. Thế nhưng người sử dụng chữ Hán để ghi chép trước thuật là người am tường chữ Hán, thông hiểu thiên kinh địa nghĩa thì các tác phẩm họ làm ra còn sâu sắc hơn nữa. Ở khu vực già lam Tịnh cảnh tại xứ Nghệ, đến đâu chúng tôi cũng dễ dàng nhận ra điều đó, qua tìm hiểu, bước đầu chúng tôi xin nêu ra ba ví dụ để minh họa cho nhận xét này.

2.1 Cây hương đá chùa Bảo Lâm

Chùa Bảo Lâm nằm ở xóm 4 xã Hoa Thành huyện Yên Thành. Hiện nay trong chùa đang lưu giữ nhiều tác phẩm Hán Nôm có giá trị như bia đá, bài vị, câu đối, hoành phi và cây hương đá. Chúng tôi đặc biệt đến hai cây hương đá để ở sân con ngăn cách giữa khu Tam bảo và tòa Đại bái. Cả hai cây hương hình khối, cao 153 cm, trụ đá 35cm x 35 cm. Trên nóc trụ là bát hương khắc liền với trụ đá. Mặt bên trụ đá để trơn, còn mặt kia chạm khắc hình rồng nổi thế uốn lượn rất hoành trang. Hai mặt trước sau mỗi cây hương đá đều khắc một câu thơ ngũ ngôn, ghép lại thành bài là:

肅穆觀瞻處

貽明對越時

安奠離搖勢

誠通不動機

Túc mục quan chiêm xứ

Di minh đối việt thì.

An điện li dao thế,

Thành thông bất động ki.

Nghĩa là

Nghiêm túc hòa mục ở nơi quan chiêm,

Sáng suốt khi tìm cách vượt thời gian.

Vững vàng từ bỏ thế lung lay,

Thành thực thông suốt cơ hội không đổi.

Đây có thể là bài kệ khuyên bảo người ta phải cẩn trọng khi ngồi thiền định, song cũng có thể xem là bài học kinh nghiệm của người đời trước truyền lại cho thế hệ sau.

2.2 Câu đối ở đàn Hiếu Thiện cạnh chùa xã Vân Diên huyện Nam Đàn.

Đàn Hiếu Thiện là Thiện đàn mới được lập ra hồi đầu thế kỷ XX, đặt tại võ miếu xã Vân Diên. Do vậy rất nhiều câu đối trong khu vực đến có liên quan đến các danh tướng lừng lẫy chiến công như Gia Cát Lượng, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo. Trong đó có câu đối đắp nổi ở cửa vào tan kỳ về cách trình bày, vừa hàm súc về nội dung:

一 人

古 千

西

一 人

古 千

 

Cần được đọc là:

Quan Đế Vương thần Đại Hán thiên cổ, Đại Tống thiên cổ.

Ca thần huynh đệ Sơn Đông nhất nhân Sơn Tây nhất nhân.

Hai chữ thiên cổ (muôn thuở) và nhất nhân (một người) được viết bằng kiểu chữ nhỏ hơn đăng đối, đọc trái chiều nhau. Đây là câu đối thờ Quan Thánh đế quân và hai người con nuôi là Châu Xương và Quan Bình, một người quê ở tỉnh Sơn Đông, một người quê ở tỉnh Sơn Tây.

Từ Ca thần là chỉ vào thân phận của hai người con nuôi này, tự so sánh với nhau thì họ là ca ca, còn so với Quan Vũ thì họ là thần tử. Cách gọi này giống như các từ phụ hoàng (vua cha), nhi thần (tôi con), mẫu hậu (vừa là hoàng hậu vừa là thân mẫu).

3. 2 Câu đối ở cổng tam quan chùa Diệc Cổ tại thành phố Vinh

Hiện ở chùa Diệc Cổ tại thành phố Vinh còn giữ được một phần của cổng tam quan chùa. Chung quanh bốn mặt đều có câu đối đại tự, song do để lâu chữ bị mờ khó đọc, hơn nữa còn bị nhiều vật khác che nên chỉ đọc được ít chữ. Cổng tam quan hai tầng. Tầng một có đắp chữ cách ghép các mảnh bát vỡ ghi tên chùa. Cách viết cũng cầu kì, là ,phải đọc từ phải qua trái, rồi mới đọc đến chữ ở giữa là: Diệc Cổ tùng lâm. Nghĩa là: Tùng lâm Diệc Cổ. Ở tầng trên có hàng đại tự, cũng đắp bằng mảnh bát vỡ: /Cổ Phật thị hiện. Nghĩa là: Đức Cổ Phật từng thị hiện ở đây. Cổ Phật là thuật ngữ Phật học, chỉ vào đức Phật thời quá khứ, hoặc chỉ vào các bậc cao tăng đạo cao đức trọng. Sách Từ điển Phật học Hán Việt, cho biết thêm Cổ Phật là tên gọi khác của ngài Bích chi ca Phật Đà thường gọi tắt là Bích Chi Phạt, dùng để chỉ vào các đức Phật đắc đạo thành Phật khi ở đời không còn giáo chủ Thích Ca Mâu Ni nữa.

Khi đến chùa chúng tôi có tìm hiểu về tên gọi chùa Diệc Cổ, song không nhận được lời giải. Nay tìm hiểu mấy bức đại tự ghi ở cổng tam quan chùa, chợt nhận ra rằng người xưa đã gửi gắm thâm ý vào đây và mách bảo hậu thế rằng, đất Hoan Châu này cũng từng có người đắc đạo thành Phật sau đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni đấy.

Ở mặt sau tam quan chúng tôi cũng chỉ đọc nổi một vế ở mặt cổng đó là:

歡城當中北南湊會之交霧列鶴州嚴淨土

Hoan Thành đương trúng bắc nam tấu hội chi giao, vụ liệt Hạc châu nghiêm tịnh độ.

Nghĩa là: Đất Hoan Thành nằm trúng chỗ giao nhau đường thiên lý bắc nam, mây mù che khắp Hạc châu xây nên cảnh Phật.

Tác giả đã xác định thành Hoan Châu nằm giữa đường giao thông Bắc Nam cả đường bộ lẫn đường thủy, chỉ rõ thế trọng yếu của trấn thành Nghệ An. Sách Đại Việt sử ký tục biên còn ghi lại sự việc Thượng tướng quân Hoàng Ngũ Phúc năm 1774 đem quân chinh nam, khi đến thành Hoan Châu ông truyền hịch kêu gọi quân dân xứ Nghệ:

Nước lấy dân làm gốc, khi bình cư chi có phiền dân;

Dân lấy nước làm long, phen hữu sự xá tua vì nước.

Lời hịch thật hào sảng, nghe nói chỉ trong vòng tuần nhật (10 ngày) đã có đến mười vạn người ra ứng nghĩa. Đất Hoan thành quả là đáng kính nể.

Di sản văn hóa Hán Nôm ở khu vực tịnh cảnh trên đất Nghệ An còn lại không nhiều, song những giá trị mà các tư liệu này giữ được thực là vô giá. Cách ghi niên đại xây dựng riêng có ở xứ Nghệ, và những nội dung sâu sắc lưu giữ trong các di sản văn hóa Hán Nôm ở đây, thực sự thể hiện tài hoa của người dân xứ Nghệ.

 


Tài liệu tham khảo

1. Nghệ An Hà Tĩnh sơn thủy lục, kí hiệu Vhv. 1790.

2. Nghệ An ký, kí hiệu A.1713

3. Nghệ An thi tập, kí hiệu A. 2831.

4. Nghệ Tĩnh tạp ký, kí hiệu A. 90.

5. Đại Nam nhất thống chí, Quốc vụ khanh, 1973.

6. Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1993.

7. Lịch triều tạp kỷ, Nxb. KHXH, H, 1975.

8. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. KHXH, H, 1990.

9. Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb KHXH, H, 1993.



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 208
    • Số lượt truy cập : 6948055