Thông tin

DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO NAM BỘ

DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO NAM BỘ

ĐẠO PHẬT NGUỒN MẠCH TÂM LINH CỦA

BỘ MÔN NGHỆ THUẬT

ĐỜN CA TÀI TỬ- SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NAM BỘ

TRẦN ĐÌNH SƠN

SƯ NGUYỆT CHIẾU

Đờn ca tài tử, sân khấu cải lương được xem là loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc. Điều thật thú vị khi tìm hiểu sâu xa chúng ta khám phá ra bộ môn nghệ thuật này đã được nhiều thế hệ Phật tử ươm mầm nuôi dưỡng, phát triển dưới mái chùa chiền dân gian ở vùng đất phương Nam...


Nối tiếp chủ trương của Hòa thượng Tế Giác Quảng Châu và Liễu Khiêm Chí Thành các thế hệ đệ tử truyền thừa sử dụng khoa nghi tán tụng, nhạc lễ để truyền bá tín ngưỡng Phật giáo khắp các tỉnh Nam kỳ. Đầu thế kỷ 20, Lưu Hữu Phước một thanh niên tham gia phong trào yêu nước chống Pháp bị bại lộ tung tích nên trốn tránh ở Gia Định xuống tóc quy y trở thành Sư Đạt Bảo Nguyệt Chiếu. Sư vốn con nhà nhạc lễ ở đất Bạc Liêu nay xuất gia được đào tạo chuyên môn tại tổ đình Giác Lâm_ Giác Viên nên nhanh chóng tiếp thu tinh hoa bài bản lễ nhạc Phật giáo cung đình thời Nguyễn từ kinh đô Phú Xuân truyền vào. Sau khi bổn sư viên tịch, khoảng 1915_1916 Nguyệt Chiếu trở về quê hương,  được Hòa thượng Minh Bảo cho cư trú tại chùa Vĩnh Phước An. Tại đây Sư gặp gỡ Lê Tài Khí ( 1870_1948 thường gọi là Nhạc Khị, cháu của Hòa thượng Minh Bảo) một bậc thầy nổi tiếng về nhạc lễ ở địa phương. Qủa là nhân duyên tiền định như Bá Nha gặp Tử Kỳ:

Ti đồng khinh tháo lộng,

Lưu thủy ngộ tri âm

Dịch:                 

Tơ đồng nhẹ nhàng gảy

Lưu thủy gặp tri âm (1)

Dưới mái chùa kẻ tăng người tục đồng lòng đem hết tài năng, sở học lo việc khôi phục, hiệu đính lễ nhạc. Nhạc Khị nắm vững bài bản Hoa_Việt tồn tại trong cư dân vùng Hậu Giang. Sư Nguyệt Chiếu sở trường lễ nhạc Phật giáo chính thống nên bổ sung để phổ biến các bản nhạc lớn: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Cổ bản…Dần dần hai vị đã mở lớp đào tạo đờn ca tài tử, nhạc lễ tại các chùa Vĩnh Phước An, An Thạnh Linh, Vĩnh Đức. Rất nhiều môn sinh xuất gia, tại gia theo học thành tài trở thành những ngôi sao sáng của nghệ thuật ca vọng cổ, sân khấu cải lương sau này.

 

Chùa Vĩnh Phước An, ngôi chùa một thời góp công trong tiến trình xây dựng nên tên tuổi những vị nghệ sĩ đờn ca tài tử lừng danh, như Sư Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu, Nhạc Khị,…

PHẠM NGUƠN KIÊN ( PNK_1882- 1949)

Ban đầu ông học nhạc lễ với một thầy đờn họ Lưu người Minh Hương nên nắm vững căn bản nhạc cổ Trung Quốc. Tiếp tục học thêm đờn ca tài tử với Nhạc Khị, nhờ có năng khiếu thiên phú nên ông tiến bộ nhanh chóng, được công nhận là giọng ca vàng Bạc Liêu đầu thế kỷ 20. Có thời gian PNK xin đi tu làm đệ tử Hòa Thượng An Hóa ở chùa An Thạnh Linh, pháp danh Chơn Truyền. Tại đây Chơn Truyền kết bạn tâm giao với Nguyệt Chiếu phát huy nghi thức tán tụng đàn tràng. Để không bị giới luật gò bó, Sư Chơn Truyền xin hoàn tục tích cực hoạt động trong lãnh vực đờn ca tài tử, ca vọng cổ. Cuối đời ông được Sư cụ Huệ Viên mời trở về chùa Vĩnh Hòa đảm trách nhạc lễ và mất tại đây vào ngày 14 tháng 9 năm Kỷ Sửu (04 tháng 11 năm 1949)

CAO VĂN LẦU ( CVL 1892_1976)                 

Tuổi thơ của ông được cha mẹ cho đến ở chùa Vĩnh Phước An làm đệ tử Hòa Thượng Minh Bảo. Sau đó CVL xin trở về  đời học nhạc lễ với nhạc sư Lê Tài Khí ( Nhạc Khị). Thành tài ông được thầy giao đảm trách ban nhạc lễ phục vụ cúng tế đình chùa miếu mạo và tư gia. Dần dần ban nhạc lễ phát triển thêm việc đờn ca tài tử, ca ra bộ, ca vọng cổ tùy theo yêu cầu tiệc tùng hiếu hỷ…


Giai đoạn thế chiến thứ nhất ( 1906 - 1917 ) Chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh động viên thanh niên Việt Nam sang phục vụ chiến tranh ở mẫu quốc. Xúc cảm tình cảnh của đồng bào, gia đình ly tán vợ chồng cách biệt ngàn trùng, Nhạc Khị bèn chọn đề tài “ Chinh phụ vọng chinh phu” cho học trò sáng tác. Uất ức trước nạn nước cọng với tình cảnh gia đình nên CVL sáng tác bản nhạc kèm lời ca ý tứ thâm trầm sâu lắng( vợ chồng CVL cũng bị cha mẹ bắt chia ly vì vợ chưa sinh con) . Đêm Trung Thu năm 1918 tại nhà thầy, CVL gảy đàn ca tác phẩm của mình làm cho mọi người hết sức cảm động. Chính Nhạc Khị chân tình yêu cầu vị khách quý hiện diện là Sư Nguyệt Chiếu đặt tên cho bản nhạc của người học trò tài hoa xuất chúng. Không thể chối từ bạn tri âm, Sư đặt tên bản nhạc là” Dạ cổ hoài lang” căn cứ theo điển tích Tô Huệ vợ của Đậu Thao dệt gấm hồi văn canh khuya nghe tiếng trống thương nhớ chồng. Kể từ đó bản Dạ cổ hoài lang nhịp đôi chính thức phổ biến rộng rãi và được quần chúng nhiệt tình tán thưởng. Có thể xem đó là bản ca Tổ sinh ra  từ cái nôi vọng cổ Bạc Liêu làm nòng cốt cho bộ môn sân khấu cải lương phát triển.

LƯ HÒA NGHĨA (Năm Nghĩa 1911_1959)

Năm Nghĩa là học trò chân truyền của Sư Nguyệt Chiếu, là người bạn vong niên của nhạc sĩ CVL. Ông rất tâm đắc bản Dạ cổ hoài lang. Vào một đêm mưa năm Giáp Tuất (1934) sau khi hòa đàn với CVL ông đến ngủ trọ bên chùa Vĩnh Phước An. Suốt đêm trằn trọc thao thức  bỗng nghe tiếng chuông mai vọng đến nên xuất thần sáng tác 20 câu ca cho bản Dạ cổ nhịp tám đặt tên là “ Văng vẳng tiếng chuông chùa”. Được thầy Nguyệt Chiếu và các bạn đồng môn rất tán thưởng rồi khích lệ Năm Nghĩa trình diễn trong các dịp đờn ca tài tử. Ngoài tài sáng tác lời ca Năm Nghĩa còn  đàn rất ngọt,được trời cho giọng ca trầm ấm mùi mẫn tuyệt vời. Năm 1938 ông được hãng ASIA mời ca tác phẩm của mình thu vào dĩa hát Béka phát hành khắp nước. Kể từ đây nghệ sĩ Năm Nghĩa gắn kết cuộc đời với sân khấu cải lương để đưa bản vọng cổ thấm sâu vào lòng người cho đến ngày giã từ cuộc sống ( 05 tháng 12 năm 1959).

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận nhận định: “ Như vậy trong lịch sử hình thành và phát triển bản vọng cổ nếu nhạc sĩ CAO VĂN LẦU là người khai sáng ra tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang, một kì tích trong cổ nhạc Nam Bộ thì nghệ sĩ LƯ HÒA NGHĨA chính là người mở đường cho bản Dạ cổ hoài lang biến đổi thành vọng cổ và phát huy đúng hướng để bản vọng cổ có vị trí như ngày nay.” (2)


Chánh điện chùa Vĩnh Phước An

Sơ lược hành trạng của các vị hậu tổ, nhạc sư, nghệ sĩ tiền bối khai sinh bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ chúng ta thấy hầu hết họ đều có sự gắn bó mật thiết với Phật giáo. Chính chùa chiền là môi trường nuôi dưỡng cho tâm hồn trong sáng, tinh thần yêu nước thương nòi của giới nghệ sĩ phát triển. Nguồn mạch tâm linh đó chảy liên tục qua các thế hệ nghệ sĩ tài danh như: Phùng Há, Bảy Nam, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Bạch Tuyết…tất cả đều là những Phật tử thuần thành đem hết tài năng cống hiến cho nghệ thuật phục vụ quần chúng hướng đến chân thiện mỹ. Họ tích cực hoạt động từ thiện xã hội  nhằm chia sẻ nỗi khổ đau, thiếu thốn của đồng bào khi gặp phải cảnh thiên tai, nhân họa. Chung thủy gắn bó hài hòa đời với đạo, dù đến lúc từ giã cuộc đời vẫn nguyện ước được đoàn tụ dưới mái chùa Nghệ Sĩ để khuya sớm lắng nghe tiếng chuông ngân nga, tiếng tụng niệm trầm hùng theo lời kinh Tịnh độ A di đà: “ Thu Tử, quốc độ Cực lạc gió nhẹ thổi động những hàng cây và lưới giăng quý báu phát ra âm thanh tuyệt diệu, tựa như trăm ngàn nhạc khí đồng thời hòa tấu. Ai nghe âm thanh ấy cũng tự nhiên sinh ra tâm trí nhớ nghĩ về Phật, Pháp, Tăng” (3).

Kỳ diệu thay nguồn mạch tâm linh Phật giáo.


(1) Hai câu thơ này đề trên dĩa sứ cổ kèm theo cảnh Bá Nha gặp Tử Kỳ

(2) Trần Phước Thuận : Tác Giả CỔ NHẠC BẠC LIÊU CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP-NXBVHTT 2007-Trang 74.

(3) Trích theo bản dịch kinh A-di-đà của Hòa thượng Trí Quang.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6116067