Thông tin

DI TÍCH CẤP QUỐC GIA: ĐÌNH THẦN LINH ĐÔNG

 

HÀNG CHÂU

 

 Đình Thần Linh Đông

Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia về Đình Thần Linh Đông

 

Trong những năm đất nước tôi khói lửa ngất trời từ ven đô đến nông thôn, người người ánh mắt đầy lo âu, hạt cơm chưa vào miệng, đã lo chuẩn bị xuống hầm tránh pháo.

Phường Linh Chiểu nằm trong huyện Thủ Đức là huyện ven thành phố Sài Gòn. Từ ngã tư Hàng Xanh ra xa lộ về Đồng Nai, Biên Hòa, hai bên đường là ruộng lúa, có nơi xen lẫn cỏ dại, dọc theo con rạch nhỏ là hàng dừa nước sâu vào bên trong, đôi ba căn nhà lá lụp xụp mát rượi là dân nghèo cư ngụ.

Từ chợ Thủ Đức lên dốc nhà thờ đến ngã ba Chương Dương, nhìn thẳng đi bộ vài trăm thước, ẩn hiện ngôi đình cổ với tên cổ kính Đình làng Linh Đông. Hai bên con đường Chương Dương, bấy giờ là hai dãy phố trệt, nóc tôn xi măng, lính thủy quân lục chiến đóng. Ngoài đầu đường có một lô cốt tường gạch bốn lỗ với cây chắn ngang, không người dân nào được đi qua con đường đó để vào đình. Ngay ngã ba đình bên tay trái đi đến cô nhi viện thời gian sau là Trường Phục hồi nhân phẩm, bên tay phải là khu chung cư vợ con lính ở.

Ngoài đầu đường Chương Dương, tay phải có một căn biệt thự cũ quét vôi trắng lâu ngày loang lổ bạc màu xây từ thời Pháp thuộc. Ngôi nhà thật im lìm, gần như không thấy có người. Đằng sau nhà là một bãi cỏ lún phún đất màu đỏ thật rộng, ước chừng khu này đến 5.000m2. Ban đêm, những ngôi nhà đối diện bên kia đường Võ Văn Ngân, dân nghe tiếng người la thét kinh hoàng, hấp hối. Sau năm 1975, nước nhà được thống nhất, người ta mới được biết, ngôi biệt thự khủng khiếp ấy là nơi tra tấn tù binh quân giải phóng, của những tên tình báo hỗn hợp Việt Mỹ. Khi tiếp quản địa bàn huyện Thủ Đức, chị phụ trách ngành văn hóa phát hiện ra hai ngôi mộ đắp đất, cỏ mọc lum lúp mà bây giờ là sân tập thể dục thẩm mỹ trung tâm thể dục thể thao.

Khu tình báo bây giờ xây dựng lại thành ngôi nhà Truyền thống huyện Thủ Đức, căn villa thành nền khắc họa hình tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau lưng tượng đài ấy giữ nguyên cầu thang xuống hầm tối tra tấn giam giữ tù vẫn còn di tích mảnh chiếu màu sọc rằn, tấm mền nỉ rách chỉ đủ đắp tấm thân co quắp.

Khi tiếng súng còn rền rỉ, bom đạn úp chụp giết người, bọn thủy quân lục chiến, nước da đen tái với ánh mắt hầm hừ bặm trợn, ngôi đình Linh Đông vắng lặng, hiếm có người dân lai vãng vào ngày rằm trăng lung linh huyền ảo.

***

Đình thần Linh Đông làm lễ kỷ niệm xây dựng vào năm 1823-2020, tính đến nay được 197 năm. Hằng năm lễ cúng Kỳ Yên ngôi đình Linh Đông vào ngày 16 tháng 10 âm lịch, năm nay vào ngày 30 tháng 11 năm 2020 dương lịch.

Đứng trước cổng đình dưới hàng cây thẳng tắp cao vút, ngôi đình in nét dáng cổ xưa, trông hiền hòa tuyệt đẹp, ngây ngất lòng người. Đình Linh Đông có hiện vật giá trị lịch sử đó là sắc phong do vua Tự Đức ban năm 1852 chữ Hán Nôm, ý nghĩa như sau: “Thần Thành Hoàng Linh Chiểu đông là Thần Bảo An Chánh Trực, giúp nước cứu dân. Ta vâng theo lệnh của Trời, gia tặng cho Thần là Thần Bảo An Chánh Trực Hưu Thiện Đôn ngày 29 tháng 11 năm 1852”.

Tiếng trống múa lân vang vang ngoài Trung tâm nhà Văn hóa quận. Tiếng vỗ tay của người dân khu phố vang trời. Hai bên đường các loại xe chầm chậm ngừng. Ánh mắt họ chăm chú nhìn hai con kỳ lân khoác áo lông đỏ vàng rực rỡ nhảy từng bước, chân quay bên này, quay bên kia rộn rã hướng vào ngôi đình cổ đường Chương Dương.

Dài dài lũ lượt theo sau là cán bộ quận, học sinh trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Các anh chiến sĩ công an đứng dọc theo con đường lân múa, bảo vệ trật tự. Các em thiếu nhi tươi cười, ánh mắt chăm chú, vỗ tay reo như đón chào nàng xuân thướt tha sắp trở về trên đất nước Việt Nam hòa bình thân yêu.

Trước cổng đình, hàng cờ Phật giáo đủ màu sắc phất phới theo tấm băng rôn với hàng chữ đỏ:    

- “Mừng kỷ niệm 197 năm xây dựng đình thần Linh Đông – 16 tháng 10 âm lịch (30-11-2020)”.

Tấm băng rôn tiếp theo:

- “Mặt trận Tổ quốc đình thần Linh Đông - Số 40/1A phường Linh Chiểu”.

Kìa! Đoàn lân đã vào trong sân đình. Hai em học sinh áo sơ mi trắng khăn quàng đỏ kính cẩn nâng chiếc bảng xếp hạng với khung chữ lớn:

Di tích quốc gia - Đình thần Linh Đông.
Phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
Ngày 4-11-2020
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin - Thể thao - Du lịch
Nguyễn Ngọc Thiện

Mọi người hướng mắt nhìn trên sân khấu bức phông trắng tinh với hàng chữ đỏ thắm:

- “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa.

- Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa thế giới”

Giới thiệu thành phần trong ban quản lý đình trang phục lượt là nghiêm trang đón nhận bằng di tích quốc gia đình thần Linh Đông. Các bạn học sinh Lê Quý Đôn cầm cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay rực rỡ. Hàng trăm ánh mắt như reo vui với bằng khen của Bộ Văn hóa Việt Nam.

Ông Ngô Mực, Trưởng ban quản lý đình với nụ cười khả ái, đôi mắt dịu hiền, tấm lòng người dân Thủ Đức hôm nay thật vinh dự, hạnh phúc, gần 200 năm vua Minh Mạng đã đến vùng ngoại ô Sài Gòn xa xôi này ngưỡng mộ ngôi đình kiến trúc cổ mà công lao rất lớn của vị thần bảo vệ quốc thái dân an.

Các vị quý tế đình áo dài gấm xanh dương, kính cẩn thắp nhang khấn lạy vị Thần Hoàng. Trong đình, ngoài sân người dân lũ lượt đến dự lễ, giây phút càng đông. Trời sang thu, ánh nắng dịu dàng, ngọn gió đong đưa lao xao cành lá.

Ôi! Việt Nam, Việt Nam trong Hòa bình, không còn tiếng bom rơi đạn nổ. Hình ảnh ngôi đình để lại trong tim tuổi thơ ngọt ngào tình yêu quê hương đất nước.

Tháng 12-2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6794757