Thông tin

DI TÍCH NHẠN THÁP VÀ CHÙA CẦN LINH

HAI CÔNG TRÌNH VĂN HÓA KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO

TRÊN ĐẤT XỨ NGHỆ

 

TRẦN MINH SIÊU*

 

Trong tiến trình phát triển  đi lên của lịch sử, từ đầu công nguyên cho đến tận ngày nay, trên đất xứ Nghệ đã có hàng trăm công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo xuất hiện. Trong số đó có nhiều công trình đã bị bụi thời gian phủ kín, chỉ còn lại trong các thư tịch cổ, cũng có những công trình được con người quan tâm, chăm sóc, bảo tồn, nên hiện nay vẫn giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng mang nặng hào khí Phật giáo, đáp ứng được một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân. Trong số hàng trăm công trình trên đất Xứ Nghệ, có di tích Nhạn tháp và chùa Cần Linh là hai công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo mang nhiều nét độc đáo.

1. Di tích Nhạn tháp

Di tích Nhạn tháp tọa lạc trên tả ngạn dòng Lam Giang, thuộc địa bàn xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An, được coi là ngọn tháp Phật Giáo cổ nhất nước ta.

Năm 1985, viện Khảo cổ học phối hợp với ngành Văn hóa Thông tin Nghệ An đã tổ chức khai quật Nhạn tháp. Mạt bằng chân tháp hình vuông, cạnh Nam - Bắc dài 9m60, cạnh Đông - Tây dài 9m, phần chân tháp cao 2m30 gồm 2 bộ phận: Đế cao 0m70, bệ cao 1m60. Đế và bệ đều xây theo lối giật cấp, thành đế dày 2m30, thành bệ dày 1m60. Bao quanh đế tháp là sân tháp được lát gạch hình vuông cạnh Nam - Bắc rộng 14m20, cạnh Đông - Tây rộng 14m. Móng tháp sâu 0m95, lòng tháp xây giật cấp, trên rộng, dưới hẹp. Trên rộng 5m73 - 5m60, dưới là 3m20 - 3m18. Các hàng gạch xếp không trùng mạch, không có chất kết dính.

Về chiều cao của tháp Nhạn, hiện nay chúng ta không thể biết được một cách chính xác, vì phần thân và đỉnh tháp đã bị đổ hoàn toàn. Nhạn tháp cao mấy mét, có mấy tầng, hiện nay vẫn chưa tìm được tài liệu ghi chép chính xác. Các học giả trong nước hoặc nước ngoài sau khi nghiên cứu các tháp còn lại trên đất nước ta, đã có một nhận xét là các tháp được xây dựng sớm có quy mô lớn, càng muộn về sau càng nhỏ dần. Tháp thời Lý lớn nhất, tháp thời Trần là loại trung bình, tháp thời Lê và thời Nguyễn nhỏ, đa phần là tháp mộ. Thông thường chiều cao của các tháp tỷ lệ gấp 5 lần chiều rộng của chân Tháp. Khi khai quật chân tháp Phật Tích ở Bắc Ninh, học giả Pháp là Bezacier đo được chân tháp rộng 8m50, nên ông cho tháp Phật Tích cao khoảng 42m. Dựa vào công thức đó, Cao Xuân Phổ khi khai quật tháp Chương Sơn ở Nam Định thấy đế tháp phần trên rộng 11m56 phần dưới rộng 19m. cũng theo công thức đó, chúng ta phỏng đoán Nhạn tháp có thể cao tới 45m hoặc 48m.

Giữa lòng tháp có một bệ gạch hình hộp chữ nhật xây bằng gạch có kích thước tương đối lớn 40cm x 20cm x 5cm, bệ cao 0m80, rộng 0m44, mặt bên quay về hướng Bắc, có một hốc lõm hình chữ nhật, ở trong là đất mềm. Dưới chân bệ gạch là một ụ đất lẫn cuội và gạch vụn hình bầu dục dài 2m50, rộng 1m60, cao 0m80. Ngay trên mặt ụ và trước hốc lõm có mọt viên cuội to và một cụm đổ đồng bộ ở giữa tâm tháp gồm có một hộp đồng vuông tròn hào quang kiểu bánh xe, một mảnh bàn tay tượng hiện chỉ còn 4 ngón, có 30 mảnh đồng, xỉ đồng, cùng với một ít mảnh đồ sứ, 2 mặt hổ phù.

Dưới ụ này có 1 lớp than củi dày 5 cm. Dưới đó là các mảnh thân cây dựng đứng trong hộp đựng xá lị. Quan sát kĩ thấy rõ hai mảnh thân cây ghép lại với nhau thành một trục tòn có hai khe hở, ở độ cao cách nền tháp 0m25. Toàn bộ trụ gỗ cao 1m37, chôn chìm sâu 1m12. Trên thân có 2 lỗ hình bầu dục,trong chứa đầy than củi và đất xốp mềm. Hộp đựng xá lị bằng vàng, đặt trong một chiếc hộp bằng đồng hình chữ nhật, được đặt trong trụ gỗ. Phía ngoài trụ gỗ là đát sét. Từ mặt sân tháp đến đáy trụ sâu 3m72.

Tất cả hiện vật thu được có 318 hiện vật. Ngoài các vật liệu xây dựng như gạch ngói, còn có đồ thờ cúng và đồ mai táng.

Gạch gồm nhiều loại có kích cỡ to, nhỏ khác nhau, phần lớn không có hoa văn, một số có hoa văn như hoa văn sen, hoa văn hình mặt người, hoa văn hình sin. Điều đáng chú ý là có gạch phù điêu tượng phật ngồi trên đài sen, hình voi, hình các con thú. Gạch phù điêu này là để ốp trang trí tường tháp.

Ngói chủ yếu là ngói ống và đầu ngói ống, có kích cỡ khác nhau, có mảnh đầu ngói trang trí hình cánh sen.

Trong đồ thờ cúng có mảnh vòng kiểu bánh xe, trên đó có các vành trang trí hình bông sen 12 cánh, 6 cánh và vành bằng các chấm tròn, có thể đây là biểu tượng con mắt thần của vòng hào quang.

Hộp đựng xá lị ở Nhạn tháp khá độc đáo gồm 12 hộp lồng vào nhau. Hộp ngoài bằng đồng hình chữ nhật, dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm, vuông thành, sắc cạnh, không có hoa văn. Hộp trong bằng vàng hình chữ nhật, dài 8cm, rộng 5m70. Nắp hộp giống một cái mai, chớm ra úp khít trên thân hộp. Đỉnh nắp trang trí một khung hình chữ nhật có hoa hình 6 cánh, có nhị. Bốn mặt hộp trang trí các hình chữ nhật có hoa văn 3 cánh chụm lại với cuống, có 2 đôi cánh cân xững.

Với kích thước và kết cấu chân đế tháp, đặc biệt là bệ gạch và trụ gỗ đựng xá lị trong lòng tháp, cùng với các vật liệu kiến trúc, đồ đồng đã thu lượm được, cho phép ta nghĩ rằng Nhạn tháp là ngọn tháp độc đáo và cổ nhất trong kiến trúc Phật giáo ở nước ta.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên và nhanh chóng được đông đảo nhân dân đón nhận.

Di tích Nhạn tháp thuộc vào thời kỳ phát triển thứ 2 của Phật giáo. Đặc điểm chung của thời kỳ này là Phật giáo phát triển rộng khắp, ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ vẫn lan truyền mạnh mẽ, nhưng ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc đã mạnh hơn.

Ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Quốc đến Việt Nam được ghi nhận bởi hai dòng thiền là Ti Ni Đa lưu chi và Vô Ngôn thông. Nhạn tháp thuộc dòng Ti Ni Đa lưu chi. Dòng thiền này có các thế hệ như: Pháp Hiền (mất năm 626), Huệ Nghiêm, Thông Biện (mất năm 868), Định Không (mất năm 808)...

Nhà sư Pháp Hiền đã nhận được 5 hòm xá lị và điệp sắc của vua Tùy phân phối cho các chùa như: Đất Phong (Phú Thọ), Hoan (Nghệ An), Trường (Ninh Bình), Ái (Thanh Hóa) và Luy Lâu (Bắc Ninh).

Tại di tích Nhạn Tháp đã tìm được viên gạch vuông có chữ "Trinh Quán lục niên" tức là viên gạch được làm từ năm Trinh Quán thứ 6 (năm 623) dười thời nhà Đường. Do vậy ta có thể nhận định Nhạn tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VII. Hộp xá lị được chôn trong Nhạn tháp có sự kết hợp của 3 yếu tố Việt - Ấn - Hoa. Cụ thể là hộp xá lị được để trong một thân cây khoét rỗng, có nét gần gũi với táng tục, của nền văn hóa Đông Sơn, Việt Nam, với táng thức hỏa táng - xá lị của Phật Giáo Ấn Độ, với vật liệu và hoa văn trang trí của Trung hoa. Đây là thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 3 yếu tố Việt, Ấn, Hoa trong thời kỳ Bắc thuộc trên lãnh thổ Nghệ An, về thời gian cụ thể là những năm đầu thể kỷ thứ VII.    

2. Chùa Cần Linh

Chùa có tên là chùa Cần Linh, được khẳng định chứng tích ghi trên chuông đồng treo tại chùa với dòng chữ "Cần Linh tự". Chùa còn có tên là Sư Nữ, vì trụ trì ở chùa là nữ.

Chùa được xây dựng cuối thời Lê, trên một khoảng đất cao ráo, thoáng đãng ở về phía Tây Nam Thành phố Vinh, trước đây thuộc địa phận làng Vang, tổng Yên Trường, Huyện Hưng Nguyên, hiện nay thuộc phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An. Phía Đông và phía Nam có sông Cồn Mộc. Phía Bắc là quốc lộ 46, phía Tây là cơ quan và khu dân cư. Mở rộng tầm mắt nhìn bao quát thì chùa nằm trong vòng tay khổng lồ của các dãy núi: Thiên Nhận, Hồng Lĩnh ở phía Nam, Đại huệ, Đại Hải ở về phía Bắc. Bốn phương hội tụ lại, chùa Cần Linh nằm trong một quần thể phong cảnh rất kỳ thú. Cảnh vật thiên nhiên hòa với cảnh vật nhân tạo luôn luôn đem lại cho ngôi chùa một không gian vừa tĩnh lặng, vừa thanh cao. Đến với chùa, con người sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn, dường như bớt được ít nhiều nỗi ưu tư của đời thường.

Trước đây, chùa Cần Linh là một trong hơn mười ngôi chùa tọa lạc trên địa bàn thành phố Vinh. Do thời gian, nhất là sự tàn phá của 2 cuộc chiến tranh Pháp, Mỹ, năm 1980, chủ trương của UBND thành phố Vinh rước tượng và đồ tế khí của chùa Lê, chùa Đá, chùa Tập Phúc, chùa Mới, chùa An Lạc, chùa Giáp,chùa Thủy v.v… Về hợp tự ở chùa Cần Linh. Tuy hợp tự nhưng việc bài trí các tượng pháp và đồ tế khí đều hợp lý theo thứ tự cao cấp, thể hiện đậm đà nội dung Phật giáo trang nghiêm mà sinh động. Thực là chốn Thiền môn.

Với gần 100 pho tượng thờ ở chùa, đáng quý nhất về tính đồ sộ nghệ thuật điêu khắc, niên đại ra đời và hàm chứa nội dung thể hiện lòng người sâu sắc, đó là bức Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, đặt ở nơi trung tâm nhà thượng điện.

Ngày nay diện mạo của chùa có một quy mô rộng lớn, đẹp đẽ và hấp dẫn, là kết quả của một quá trình vận động quyên góp vật tư, tiền của bao người hảo tâm công đức, nhưng trước hết là vai trò của hai nhà sư Thích Diệu Viên và Thích Diệu Niệm. Cụ Thích Diệu Viên sau khi đi du ngoạn khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc, thực ra không thiếu chốn "Non Bồng nước Nhược", nhưng cụ tìm đến chùa Cần Linh tiếp tục đường tu. Chùa hỏng nặng, với đường đạo là cao cả, cụ đã tự nguyện hiến tiền của, công đức, vận động các tín hữu phát tâm đóng góp công sức tu sửa lại chùa.

Từ đó, chùa trở nên đẹp hơn, rộng hơn, các phật tử về chùa tụng niệm đông hơn. Các nhà tả vu, hữu vu, nhà thờ Phật tổ được xây thêm, với diện tích gấp ba chùa cũ.

Nhà sư Tích Diệu Viên đi trọn đường tu nơi của Phật và được an táng trong khu vực chùa.

Nhà sư Thích Diệu Niệm đến tu hành ở chùa năm 1941 và kế tục nhà sư Thích Diệu Viên trụ trì tại chùa, là người sớm có ý thức vì nước, vì dân trong bổn đạo, ngay từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946) nhà sư đã tham gia các tổ chức cứu quốc như: Phụ nữ Cứu quốc, mặt trận Việt Minh, mua nhiều công trái cứu quốc. Suốt thời kỳ chống Pháp, rồi chống Mỹ, nhà sư vẫn tích cực tham gia các công tác đoàn thể, đặc biệt là phong trào ủng hộ nuôi quân trên đát liền, cũng như ngoài hải đảo, nơi biên giới. Một việc làm nhân hậu, có ý nghĩa với đời, đó là tổ chức nuôi các cháu mồ côi ăn ở, học tập, nuôi các cụ già không nơi nương tựa.  Hội từ thiện Mặt trận thành phố Vinh tổ chức, do cụ làm Chủ tịch hội.

Sau khi nhà sư Thích Diệu niệm viên tịch, nhà sư Thích Diệu Nhẫn được cử đến kế tục trụ trì chùa Cần Linh. Chùa được củng cố thêm, để nâng cao các hoạt động văn hóa mang tính Phạt giáo phục vụ nhân dân hòa chung với cuộc sống mới.

Chùa Cần Linh đã được Bộ Văn hóa thông tin ra quyết định số 97 QĐ/BT ngày 21/1/1992 xếp hạng là di tích Lịch Sử Văn Hóa quốc gia.

Chùa Cần Linh là một di tích có công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt có mấy thế hệ nối tiếp nhau trụ trì nhà chàu, đưa sự nghiệp hoạt động Phật giáo có chất lượng đậm đà sắc thái xứ Nghệ đều là nữ. Vì thế tên chùa Cần Linh được nhân dân tôn vinh là chùa Sư Nữ. Đay cũng là nét độc đáo rất đáng tự hào của ngôi chùa này.

Qua các sưu tập hiện vật, đặc biệt là hệ thống tượng pháp cùng với những hoành phi, câu đối, chuông đồng, mõ, đò tế khí, các mảng điêu khắc nghệ thuật độc đáo có giá trị giúp cho du khách đến viếng thăm cảnh chùa có thể hiểu được một cách sinh động, chính xác đầy đủ lai lịch xây dựng chùa. Đặc biệt là du khách có thể nghiên cứu chùa Cần Linh thì có thể hiểu được Phật giáo Việt Nam vào giai đoạn cuối Lê, đầu Nguyễn và cả hiện nay.



*  Nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6116258