Thông tin

DI TÍCH PHẬT GIÁO

TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ, VĂN HÓA XỨ NGHỆ

 

ĐÀO TAM TỈNH

 

Đất xứ Nghệ được nhà bác học Phan Huy Chú đánh giá là: Làm giới hạn cho hai miền Nam - Bắc, thực là nơi hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại[1].

Mảnh đất xứ Nghệ như là đất nước thu nhỏ lại, hội đủ các điều kiện tự nhiên và xã hội, về con người và của cải... từ xưa đã được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm xây dựng và phát triển. Xứ Nghệ cũng có tiếng là đất đế đô cổ, với kinh đô Việt Thường ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, thuộc huyện Thiên Lộc. Sách Nghệ An ký[2]  của Bùi Dương Lịch có ghi:

“Việt Thường thị là vua đầu tiên của nước Việt ta. Sách Thông giám cương mục chép rằng: “Năm Mậu Thân thời Đường Nghiêu năm thứ 5 (2353 Tr.CN) có Nam Di. Việt Thường thị rợ đến chầu, hiến con rùa lớn”.

Sách Thông chí chép rằng: “Đời Đào Đường Nam Di, có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần, rùa được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là lịch rùa”.

Năm Tân Mão, Chu Thành Vương năm thứ 6 (1110 Tr.CN), Việt Thường thị đến chầu.

Sử ký chép rằng: “Đất Giao Chỉ ở phía nam có Việt Thường thị qua nhiều lần dịch đến hiến con chim trĩ trắng”... Cứ theo Sử ký chép thì Việt Thường thị có nước từ thời Nghiêu đến thời Chu là hơn hai ngàn năm, vận tộ rất lâu dài… Việt Thường hưởng nước có hàng ngàn năm hàng trăm bậc thánh hiền truyền cho nhau xem tinh thần thuận hoà chung đúc mà diễm lành tự ứng, vua sáng tôi hiền, phong tục thuần, dân sự yên, đến nay còn có thể tưởng thấy”.

Việt Thường thị đã mở đầu thời kỳ dựng nước của các vua Hùng. Tương truyền kinh đô của An Dương Vương cũng ở Nghệ An, nên khi bị Triệu Đà thôn tính nhà vua đã đem quân và gia quyến chạy về xứ Nghệ, rồi mất ở Cửa Hiền (nay là Bãi Lữ, Cửa Lò). Để tưởng nhớ tới Vương, nhân dân xứ Nghệ đã lập đền tại núi Mộ Dạ, gọi là đền An Dương Vương, quanh năm năm hương khói phụng thờ. Nhân dân xứ Nghệ đã chung lưng đấu cật xây dựng, bảo vệ vùng đất này ngày càng giàu đẹp, yên bình. Họ đã xây dựng nên một nền văn hiến truyền thống đậm đà bản sắc xứ Nghệ.

Vùng văn hoá núi Hồng – sông Lam, hay vùng Văn hoá xứ Nghệ còn nổi tiếng là nơi giao thoa văn hóa của các vùng miền, của các nước trong khu vực, đã tiếp thu văn hoá Phật giáo từ rất sớm và phát triển có hệ thống trong lịch sử. Phật giáo được nhập vào nước ta từ rất sớm, còn sớm hơn cả Trung Quốc. Sách “Thiền uyển tập anh”[3] chép truyện thiền sư Thông Biện cũng dẫn sách” Đàm thiên pháp sư” (Trung Quốc) nói rằng:

“Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước nước ta”.

Các nhà nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài nước cũng xác nhận: Ba trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Đông Á là Luy Lâu (Việt Nam), Bành Thành và Lạc Dương (Trung Quốc), thì Luy Lâu là sớm nhất, là bàn đạp của các nhà sư Tây Trúc tiến lên Bành Thành, Lạc Dương. Trong 12 vị du tăng góp phần truyền Phật giáo ở đất Việt thì 6 người gốc Trung Á, Trung Hoa, Khang Cư, còn 6 người Việt Nam, trong đó 4 người ở Giao Châu và 2 người ở Ái Châu. Do đó khi Phật giáo truyền vào nước ta, khoảng từ trước thế kỷ thứ IV, thì tất được truyền vào Hoan Châu (xứ Nghệ).

Xứ Nghệ, thời Tây Hán thuộc quận Nhật Nam, thời Tùy -Đường thuộc Hoan Châu. Nhà Hán - Đường đã rất chú ý tới đường biển để xâm nhập vào nước ta, trong đó bến cảng Cửa Hội là cảng thuận lợi cho việc thông thương buôn bán hàng hóa theo đường sông đến rú Rum (Lam Thành) và Phù Thạch, có thể là một nơi đô hội từ rất sớm. Khảo cổ học đã phát hiện ở Đồng Mồ (Hưng Tân, Hưng Tiến, Hưng Thắng...huyện Hưng Nguyên) nhiều hiện vật Hán - Việt và Đông Sơn. Trên đất Nghệ Tĩnh cũng đã phát hiện được rất nhiều đồng tiền cổ mang hiệu Ngũ Thù (nhà Hán) và tiền Khai Nguyên thông bảo (nhà Đường 618-649). Ngoài ra đồ gốm và đồ đồng Hán Việt có hình và hoa văn giao thoa với người Chăm cũng được phát hiện ở Bãi Cọi, bãi Phôi Phối ở Xuân Viên, Nghi Xuân. Hoa tai hai đầu thú, nét đặc điểm riêng đồ trang sức người chăm cũng được phát hiện ở đây... Đời Đường, các chùa thờ Phật đã được xây dựng ở nhiều nơi trên đất xứ Nghệ, như chùa Linh Vân ở Yên Trường (Vinh), chùa Hương ở Thiên Lộc, Hà Tĩnh, chùa Nhạn Tháp, ở Hồng Long, Nam Đàn...

Linh Vân Tự (chùa Linh Vân) được xây ở cả Yên Trường, nay thuộc phường Vinh Tân, Tp. Vinh, từ xưa đã nổi tiếng linh thiêng và đẹp. Chuông chùa là hiện vật duy nhất còn lại, hiện được treo ở chùa Cần Linh (do hợp tự), có bài minh khắc trên chuông ghi năm và việc quyên góp tiền đúc chuông.  Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi như sau:

“Chùa Linh Vân: ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc, do Cao Biền đời Đường xây dựng, phía trước trông ra bến sông, bên cạnh có giếng đá, phong cảnh đáng yêu”.

Văn thần Bùi Huy Bích (1744-1818), tự Hy Chương (hay Ảm Chương), hiệu Tồn Am, người ở Định Công, Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, đỗ Hoàng giáp (1769), khi làm Đốc đồng ở Nghệ An từ năm 1777 đã thường đến vản cảnh chùa và sáng tác tới 8 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây, với tiêu đề: Thu vãn Linh Vân Tự chung lâu nhàn vọng (Mùa thu lên lầu chuông chùa Linh Vân ngắm cảnh), xin trích bài 1, 4, sách Nghệ An thi tập[4] và phần phiên âm, dịch của cụ Bùi Văn Chất như sau:

Kỳ nhất (1):

Kim cổ nhàn trung phó nhất sa

Tiểu lan can ỷ phạm vương gia

Giang thông hoàn hội chinh phàm quá

Phi ngại giao thôn lự nhạn tà

U kính cựu tài thiên lý  thụ

Hoạ thiêm sơ phóng nhất chi hoa

Đăng  cao thuỳ hội ngô tâm khúc

Ưng hữu thu sơn hiểu mộ hà

Dịch thơ:

Gác chuông chùa Linh Vân chiều thu xa ngóng.

Xưa rỗi thường ra bãi cát chơi

Dựa lan can nhỏ thảnh thơi ngồi

Sông thông triền chợ buồm qua bến

Mây khuất thôn xa nhạn chéo trời

Rậm rạp xưa trồng ngàn dặm trúc

Vẽ vời nay phỏng một cành mai

Lên cao ai hiểu lòng ta nhỉ

Hôm sớm rừng thu ngóng dặm ngoài

Kỳ tứ (4):

Tuệ điểu ngứ hoa thanh lịch lịch

Nồng âm phúc hạm vãn thùy thuỳ

Đài xâm khúc kính tăng hà lại

Nguyệt thướng cao lâu khách vị quy

Tuyền mỹ lộc lô phân (3) tỉnh cán

Triều thăng trách mãnh khuể giang chi

Nhàn trung nhất vọng thanh nhân tứ

Vô nại cùng nhân khổ hạn ky

Dịch thơ :   

Chim khôn rúc rích cùng hoa

Trời âm u cửa toang ra vẫn mờ

Rêu xâm lối nhỏ tăng lờ

Lầu cao trăng tỏ khách chưa chịu về

Giếng trong ròng rọc quay rê

Triều dâng thuyền nhẹ đi về vướng cây

Thảnh thơi mong một điều này

Dân nghèo chóng thoát những ngày hanh khô.

Làng Nhạn Tháp, nay thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, thời nhà Đường có chùa lớn, tháp cao, đẹp nổi tiếng. Khảo cổ học đã tìm được hộp đựng xá lỵ của chùa (lưu tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh) và các viên gạch có khắc hoạ hình Phật nay còn lưu tại nhà Truyền thống Nam Đàn. Chúng tôi cũng sưu tầm được ở lò phế liệu Nam Đàn một chuông lắc tay pháp sư có đúc hình hoa văn rất đẹp và một viên gạch trắng hình trái tim hay lá đề, trong có hình Phật ngồi giữa hai cây nến, đều có niên đại thời nhà Đường.

Nhà Đường dùng chính sách cai trị tàn bạo, ra sức vơ vét của cải của nước ta, gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân ta. Vào năm 713, Mai Thúc Loan, mẹ quê ở làng Mai Phụ, Thạch Hà, sinh ra và lớn lên ở làng Xa Lệ (nay thuộc xã Nam Thái, Nam Đàn) đã nổi dậy lãnh đạo nhân dân Châu Hoan khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa lan rộng ra cả nước và còn được các nước lân bang là Lâm ấp, Chân Lạp và Kim Lân ủng hộ, nên đã nhanh chóng giải phóng được đất châu Hoan, châu Diễn, châu ái, tiến đánh thành Tống Bình. Bọn Quan Sở Khách bỏ chạy, lật đổ nhà Đường. Ông được quân dân tôn lên làm vua, là Mai Hắc Đế, lấy Sa Nam và rú Đụn (Hùng Sơn) làm căn cứ, xây dựng thành Vạn An làm quốc đô. Mai Hắc Đế mất năm 723 vì bị rắn độc cắn. Con là Mai Thúc Huy, còn gọi là Mai Thiếu Đế tiếp tục chống lại Nhà Đường cho đến khi tử trận năm 725, thì cuộc khởi nghĩa của vua Mai mới thực sự kết thúc. Nhân dân đã lập đền ở làng Vân Sơn để thờ vua Mai và các tướng giỏi của vua, bên cạnh có chùa thờ Phật, thường niên tế lễ, cầu siêu cho các oan hồn và phù hộ cho dân xứ Nghệ.

Từ thời Cao Biền cai trị nước ta (864 - 868) đã cho trấn yểm tại chùa Sư Tử ở núi Hồng lĩnh, Hà Tĩnh. Cao Biền bị thần núi quở phạt, cho một con vật như con trâu đến cắn vào chân... Biền hoảng sợ, phải bỏ hết bùa yểm (Theo Nghệ An cổ tích lục).

Phật giáo truyền vào xứ Nghệ từ rất sớm như vậy, nên sẽ có các vị thiền sư nổi tiếng quê ở đất này và truyền giáo ở đất này. Do tài liệu để lại quá ít ỏi, chúng ta chỉ mới biết được một số vị qua Thiền uyển tập anh[5], tập sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc đến thời Đinh, Lê, Lý và đầu triều Trần. đó là Thiền sư Tịnh Giới, Y Sơn và Hiện Quang.

Thiền sư Tịnh Giới (? - 1207), quê ở hương Giang Mãn, đất Lô Hải Ngung, họ Chu, huý là Hải Ngung, tu ở chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh, phủ Nghệ An. “Tại đây sư tu Đầu đà khổ hạnh trong khoảng sáu năm không xuống núi. Sư có phép lạ hàng long phục hổ, cảm hoá thần thông... Mùa hè năm Trinh Phù thứ 2 (1177) gặp đại hạn, vua Lý Cao Tông xuống chiếu cho các danh tăng làm lễ cầu đảo đều không ứng nghiệm. Vua từ lâu đã nghe danh tiếng của sư, bèn sai sứ thỉnh sư về kinh. Sư nghỉ ở chùa Báo Thiên đến nửa đêm thắp hương đứng giữa sân chùa tụng niệm cầu khấn, trời bèn đổ mưa. Vua hết lời khen ngợi sủng ái, thường gọi là Vũ Sư (vị sư giỏi thuật cầu mưa). Nhân dịp đó vua triệu sư vào ở gần điện riêng để tiện hỏi về Phật pháp, ban thưởng rất trọng hậu...”.

Thiền sư Y Sơn ( ? - 1213). “Họ Nguyễn, quê ở Cẩm Hương, phủ Nghệ An, tư thái phong nhã, có tài biện thuyết. Từ nhỏ đã học thông sử sách, chọn bạn giao du để học hỏi tiến ích, đối với kinh điển Phật giáo lại càng chú ý nghiên cứu. Năm ba mươi tuổi, ông xuất gia học đạo với một vị trưởng lão trong bản hương, sau đến kinh đô tham vấn quốc sư Viên Thông, được quốc sư truyền tâm ấn. Từ đó sư tuỳ phương hành hoá, có chí làm điều lợi cho mọi người. Có tiền của riêng, sư đều dùng vào việc Phật. Sư từng soạn bài văn phổ khuyến, có câu:

Điếu danh thị lợi giai như thuỷ thượng phù âu,

Thực phúc chủng duyên tận thị hung trung hữu hoài bão.

Dịch:

Tham danh cầu lợi, thảy như mặt nước bọt trôi,

Cấy phúc gieo duyên, đều là tấm lòng hoài bão.

Về già sư đến trụ trị chùa Nam Mô ở hương Yên Lăng”... Sư còn để lại một số bài kệ ghi trong sách “Thiền uyển tập anh”.

Thiền sư Hiện Quang (? - 1221), “Người kinh đô Thăng Long, họ Lê, huý là Thuần, được thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ nhận nuôi làm đệ tử. Sư còn tìm thầy học đạo ở nhiều nơi... “Sau đó sư vào núi Uyên Trừng phủ Nghệ An thụ giới cụ túc với Thiền sư Pháp Giới...”. Sau khi đắc đạo, sư lên núi Từ Sơn dựng một thảo am, rồi lại lui về ẩn ở núi Yên Tử và tịch năm Kiến Gia thứ 11 đời Lý Huệ Tông”.

Về đóng góp cho Phật pháp, truyền giáo người xứ Nghệ cần kể đến Hương Hải Thiền Sư, ở vào thời vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Hương Hải (1628-1715), tục gọi là Tổ Cầu, người hương áng Độ, huyện Chân Phúc, nay thuộc xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Tiên tổ làm nghề trông coi đóng thuyền quan, tổ bốn đời là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam, giữ chức trông coi lính thợ. Ông thi đỗ Hương cống, làm quan Tri phủ Thiệu Phong. Năm 25 tuổi từ chức, xuất gia tu thiền. Ông vượt biển, đến núi Tiêm Bút La dựng am thiền, lấy hiệu là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải Thiền Sư. Ông còn giỏi về Y học, chữa được bệnh cho nhiều người... Vì bị chúa Nguyễn nghi ngờ, ông cùng với hơn 50 đệ tử vượt biển ra Bắc, được Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc đón về kinh, cho lập am ở Sơn Nam để sư trụ trì. Sư tịch tại chùa Nguyệt Đường, thọ 88 tuổi. Sư là một nhà thơ, triết học Phật giáo Đại thừa, để lại khá nhiều trước tác, như: Thuận Quảng nhị xứ sơn thủy lộ trình bản đồ; Hương Hải Thiền Sư ngũ lục; Cơ duyên vấn đáp tính giải; Lý sự dung thông và 40 bài thơ đậm nét triết lý thiền học...

Qua các tài liệu để lại, dù còn ít ỏi như trên, nhưng có thể thấy, từ triều Lý về trước xứ Nghệ đã có các chùa nổi tiếng và các Pháp sư có tiếng ở nước ta. Chùa Uyên Trừng, tức chùa Dằng trên dãy núi Hồng Lĩnh (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã là một chùa lớn. Chùa có một vị sư trụ trì là Pháp Giới thuộc Thiền phái Tì ni da lưu chi, là bậc thầy của sư Hiện Quang.

Theo một số tài liệu thì chùa Nhân Trung, tức chùa Phật Bà (nay thuộc xã Bồi Sơn, Đô Lương, Nghệ An) và chùa Làng Ngang (nay thuộc xã Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) có thể được xây dựng Khi Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An (1041-1061). Năm Quý Sửu đời Lý Nhân Tông (1073), vua đã cử Thái sư Lý Đạo Thành vào làm Tri châu Nghệ An. Lý Đạo Thành đã cho dời châu lỵ từ núi Quả về núi Đà, lập viện Địa tạng chứa kinh, dựng miếu Vương Thánh, đặt tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh Tông (1023-1072) ở xã Phật Kệ, nên có tên gọi là chùa Phật Kệ, hay chùa Bột Đà (nay thuộc xã Đà Sơn, huyện Đô Lương).

Trên núi Nghèn, còn gọi Ngạn Sơn ở xã Trảo Nha, nay thuộc thị trấn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, xưa có chùa Nghèn và toà tháp cao đẹp “Giữa xã Trảo Nha, chín nhận tháp cao chót vót” (Trần Danh Lâm. Hoan Châu phong thổ ký[6]. Sách Nghệ An cổ tích lục thì ghi: “Tháp ở xã Trảo Nha do vua Lý Thái Tôn (1028-1054) dựng. Xưa Thái tôn vào Nam đóng quân ở đây, đêm mộng thấy đức Quan Âm bồ tát ban cho Y bát, khi tỉnh dậy, vua sai dựng chùa, bên ngoài xây ngọn tháp cao hơn trăm thước. Tháp này có chín mặt, thường gọi là Cửu điện tháp”. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép là “Tháp chín tầng” và cho biết nó bị đổ vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774). Vua Lý Thái Tôn đã từng nhiều lần vào xứ Nghệ, nhất là các đợt đi chinh phạt Chiêm Thành đều dừng lại ở đây và chính sử cũng cho biết: “ Năm Thiên Thành thứ 4 (1031) ở Châu Hoan về, vua (Thái Tôn) ra lệnh xây 950 ngôi chùa”, chắc chắn là có các ngôi chùa ở xứ Nghệ trong số đó.

Chùa Đại Huệ được xây dựng ở trên núi Đại Huệ, dân địa phương gọi là rú Nậy, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chưa rõ chùa được xây từ bao giờ? Hiện nay, chỉ còn lại một nền nhà và các bức tường xây bằng đá, gạch vồ nổi lên, cao chừng 60 - 70 cm. Qua khảo sát tại nền chùa cũ, chúng tôi phát hiện thấy các viên gạch và các mảnh bát đĩa cổ thời Lý – Trần. Chùa có tên là Chùa Đại Huệ. Tấm bia đá còn sót lại đặt trong nền chùa, trên trán bia có khắc bốn chữ khá lớn: "Đại Huệ tự bi". Như vậy, chùa có tên chính thức là "Đại Huệ". Rất tiếc là bia vỡ làm nhiều mảnh gắn lại bằng xi măng, chữ quá mờ, mất nét, khó đọc. Nội dung bia chưa nắm được. Hàng lạc khoản dòng cuối của bia còn đọc được mấy chữ: "Cảnh Trị lục niên". Tức là bia được dựng vào năm Cảnh Trị thứ 6 (1668), triều vua Lê Huyền Tông. Mặt sau của bia có hai chữ khá lớn, nét nổi rõ ràng, đọc được là: "Pháp tăng". Chùa còn có tên là Đại Tuệ, nhưng chưa rõ xuất xứ, tương truyền là do vua nhà Hồ là Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đặt cho, để ghi ơn Phật bà Đại Tuệ đã giúp mưu kế xây dựng thành nhà Hồ chống giặc Minh ở trên núi Đại Huệ. Đại Huệ là tên một dãy núi lớn nằm về phía Bắc của huyện Nam Đàn, thuộc địa phận các xã: Nam Thanh, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Lĩnh, Nam Giang. Phía Bắc liền với dãy Đại Vạc; phía Tây dính với các núi Hải Thủy, Hồ Cương; phía Đông gắn với núi Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Hải... tạo thành một dãy chạy dài từ huyện Đô lương cho đến Hưng Nguyên. Đại Huệ cũng là ranh giới của bốn huyện Nam Đàn với Nghi Lộc ở phía Bắc, với Hưng Nguyên ở phía Đông và Đô Lương ở phía Tây. Từ Nam Thanh qua Đại Huệ theo truông Băng sang các xã Lâm - Văn - Kiều của huyện Nghi Lộc và các xã Đại Sơn, Trù Sơn của huyện Đô Lương; Từ Nam Xuân qua truông Hến đi qua xã Nghi Công đến Xã Đoài của huyện Nghi Lộc ... Hình núi Đại Huệ tựa như quả chuông úp, trên đỉnh có động Thăng Thiên (động lên trời). Núi có thế trập trùng, hoành tráng, với các đỉnh nối liền nhau liên tiếp. Đứng trên đỉnh núi Đại Huệ người ta có thể ngắm được toàn cảnh bức tranh sinh động của vùng đất đồng bằng và ven biển - địa linh nhân kiệt của xứ Nghệ. Nơi động Tranh thuộc xã Nam Giang có huyệt mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân Văn hóa của Thế giới". Bùi Huy Bích khi làm quan Đốc đồng Nghệ An thường lên ngắm cảnh chùa và sáng tác mấy bài thơ hay, ghi trong Nghệ An thi tập. Nhân dân trong vùng đang quyên góp tiền của để xây dựng lại chùa. Chùa nằm ở địa thế đệ nhất danh thắng của xứ Nghệ.

Tại núi Lam Thành, còn gọi rú Rum, có chùa Yên Quốc liên quan đến Nghĩa Liệt Vương Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần, nhưng ở nhà cho đến khi vua Trần Quý Khoáng nổi lên chống giặc Minh, mới ra giúp vua, giúp nước. Ông được cử giữ chức Điện tiền thị Ngự sử, được vua cử đi sứ thương thuyết với tướng giặc là Trương Phụ ở Lam Thành đã tỏ rõ khí tiết anh hùng của người nước Nam, làm cho tướng giặc cũng phải run sợ và khâm phục.Trương Phụ muốn áp đảo ông, cho dọn cỗ đầu người, mời ông dự. Nguyễn Biểu cười mà nói: "Đã mấy lúc mà người Nam lại được ăn đầu người Bắc", tức thì lấy đũa, khoét hai mắt, hoà với dấm mà nuốt. Ông vừa ăn vừa ngâm bài thơ rằng:

Ngọc thiện, trân tu đã đủ mùi,

Gia hào thêm có cỗ đầu người.

Nem công chả phượng còn thua béo,

Thịt gụ gan lân hẳn kém tươi.

Ca lối lộc minh so cũng một,

Vật bày thỏ thủ bội hơn mười

Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,

Tráng sĩ như phàn tiếng để đời.

Trương Phụ than rằng: "Thực là một tráng sĩ, thấy thế mà không kinh sợ". Giặc biết ngài không chịu khuất, lấy lễ phép mà mời ngài về. Lúc đó có tên Phan Liêu đã hàng giặc được giữ chức Tri châu Nghệ An, không ưa ngài, nên nói với Phụ: "Người ấy là một người hào kiệt nước An Nam. Nếu ngài muốn lấy nước An Nam mà lại thả người ấy ra thì việc làm sao xong được". Trương Phụ cho là phải, bèn sai người đuổi theo bắt trở lại. Ngài đoán chắc là bị giết, bèn đề vào cột cầu Lam rằng:"Thất nguyệt sơ nhất nhật Nguyễn Biểu tử", nghĩa là: Ngày mồng một tháng bảy Nguyễn Biểu mất.

Tại đền Nghĩa Liệt ở Triều Khẩu, nay là xã Hưng Lam, nơi thờ chính Nguyễn Biểu, xưa có đôi câu đối ghi:

Mạ tặc nhất thanh thiên địa động;

Đề kiều thất tự cổ kim bi.

Nghĩa là:

Mắng giặc một lời động vang trời đất;

Đề cầu bảy chữ để hận muôn đời.

Khi trở lại, Trương Phụ lấy cớ ngài vô lễ. Ngài bèn nghiêm sắc mặt mà mắng Phụ rằng:

“Bề trong thì lấy kế để mưu đánh lấy, bề ngoài thì phao rằng đem quân sang để làm việc nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, mà lại dặt bày ra quận huyện để cai trị. Không những cướp của cải quý báu, mà lại còn giết sinh dân. Bay thực là tụi giặc làm càn.”

Trương Phụ giận lắm, bèn cho trói ngài dưới cầu Lam, trước chùa Yên Quốc, đánh chết. Có chuyện cho rằng, giặc trói chân cầu để nước thuỷ triều sông Lam dâng dần dần dìm chết ngài. Vua Trùng Quang nghe tin Nguyễn Biểu mất, rất xót thương, có làm bài văn tế, có câu:

...Sầu kia khôn lấp cạn dòng; thảm nọ dễ xây nên núi.

Lấy chí báo chưng hậu đức, rượu Kim tương một lọ, vơi vơi mượn chúc ba tuần; lấy chi uỷ thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu, thăm thẳm ngõ sầu chín suối.

Vị sư chùa Yên Quốc có làm bài kệ để tụng cái chí khí của Nguyễn Biểu như sau:

Chói chói một vừng tuệ nhật; ùn ùn mấy đoá từ vân.

Tam giới soi hoà trên dưới; thập phương trải khắp xa gần.

Giải thoát lần lần nghiệp chướng; quang khai chốn chốn mê tân.

Trần quốc xây vừa mạt tạo; sứ hoa bỗng có trung thần.

Vàng đúc lòng son một tấm; sắt rèn tiết cứng mười phân.

Trần kiếp vì đâu oan khổ; phương hồn đến nỗi trầm luân

Tế độ dặn nhờ từ Phật; chân linh ngõ được phúc thần.

Về sau ngài linh ứng trợ giúp Bình Định vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, nên nhà vua có sắc phong cho ngài là: "Nghĩa Liệt hiển ứng uy linh trợ thuận đại thần".Vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức hạ chiếu lập miếu thờ ngài ở quê, cấp tế điền, cắt con cháu một người làm chức Lễ lang, hai người Kỵ chưng và dân làng phải lo việc thờ cúng. Hiện nay, tại đền thờ Nguyễn Biếu ở xã Yên Hồ còn có Bia đá ghi rõ sự tích ngài và việc xây dựng đền thờ ngài.

Trên đất Phù Thạch, Hưng Nguyên xưa, nay là xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh có chùa Gành, còn gọi là Ân Quang Tự, được xây dựng từ thời Trần, trở thành một Thiền viện nổi tiếng của đất châu Hoan. Tổ tiên nhà thơ Phạm Tông Ngộ từng tu hành ở đây. Khi tuổi già có dịp trở lại nơi mình từng sống thuở nhỏ, nhà thơ đã hoài cảm nên những vần thơ đầy xúc động (bài dịch của Thanh Minh):

Năm nay Phù Thạch giong đò

Non sông như cũ đầu phơ bạc rồi.

Còn đâu năm tháng mảng vui,

Khói mây ngàn dặm chơi vơi tấc lòng...

Tiên sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) cũng "Ba năm làm quan nhỏ; Mấy lần trọ chùa này"(Chùa Ân Quang). Về sau, ông lại "Gặp ông chài già ở Phù Thạch" và tả rõ vị trí ngôi chùa này:

Bên trái chùa Ân Quang là phố Khách,

Bên phải chùa Ân Quang là bến đò sông Lam.

Suốt cả triều Lê, Phù Thạch thật sự là nơi đô hội của xứ Nghệ, như câu thơ Mai Đình mộng ký mà Nguyễn Huy Hổ đã tả:

Phồn hoa nổi tiếng thị thành,

Này Phù thạch phố là danh lịch triều.

Chùa Am, còn có tên là Diên Quang Tự, ở núi Am Sơn, xã Phụng Công, nay thuộc xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh do Hoàng hậu Bạch Ngọc (vợ vua Trần Duệ Tông) xây dựng vào khoảng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) làm nơi tu hành cho mình và con gái – công chúa Huy Chân; cháu gái ngoại là công chúa Trang từ. Hoàng hậu có công chiêu dân, khai khẩn đất hoang một vùng rộng lớn, sau thành căn cứ cung cấp lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn, góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng chiến đánh thắng giặc Minh của dân tộc do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Sau khi Hoàng hậu và các công chúa mất, nhân dân tạc tượng thờ họ tại chùa. Cảnh chùa thâm u, lối đi lên có bãi đá lô nhô trông như các sư tăng đang quỳ lạy, nên truyền gọi là “Bái Phật tăng”. Sau chùa có vách đá dựng đứng, trông như núi Thần Công, nên gọi là “Đá Thần Công”. Chùa có nhiều tượng. Chùa đã được xếp hạng là di tích Kiến trúc - Văn hoá quốc gia. Tại chùa có ghi nhiều câu đối hay, tiêu biểu như:

Liên đăng tục diễm Diên Quang tự;

Kinh vãng khai lai chính giác đường.

Nghĩa là:

Đài sen đẹp cảnh Diên Quang tự;

Kinh Phật mở ra chính giác đường.

Trên đây là các chùa có tiếng tiêu biểu cho hệ thống hàng trăm chùa chiền ở xứ Nghệ mà từ xưa hầu như mỗi làng đều có ngôi chùa riêng cho làng mình để thờ Phật. Những chùa hiện được biết tên trên đất xứ Nghệ, có chùa là phế tích nhưng có tiếng, có chùa đã được trùng tu, phục dựng, có thể kể: Chùa Sơn Quang trên núi Dũng Quyết, chùa Diệc, chùa Tập Phúc, chùa Cần Linh, chùa Ân (TpVinh); chùa Hiến Sơn, chùa Phúc Quang (H. Hưng Nguyên); chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc, Can Lộc); chùa Tiên Nữ (Đức Lập, Đức Thọ); chùa Phổ Nghiêm, chùa Lữ Sơn (Nghi Lộc); chùa Phổ Am (Tx. Cửa Lò); chùa Thiên Tượng, chùa Báu Lâm (Tx. Hồng Lĩnh); chùa Yên Lạc (Cẩm Xuyên); chùa Rối, làng Om Hạ (Cẩm Thịnh, Cẩm xuyên), ở đây có quả chuông có minh văn, khắc bài thơ của Phạm Sư Mạnh đời Trần; chùa Huyền Lâm, tức chùa Đá, chùa Nam Ngạn (Đức Thọ); chùa Tàng Sơn, chùa Tượng Sơn (Hương Sơn); chùa Quang Minh (Hương Khê); các chùa Am Dung, Kim Liên, Hưng Long, Viên Quang, chùa Hàm Sơn, chùa Thanh Lương, chùa Phong Phạn (Nghi Xuân); chùa Hân Thiên, chùa Bàn Thạch (Can Lộc); chùa Cảm Sơn, Nghĩa Sơn (Thạch Hà)… 

Hiện nhiều nơi trên đất xứ Nghệ còn lưu bia đá ghi rõ việc xây dựng, tu bổ, công đức đóng góp… cho chùa. Đấy là các bia chùa được ghi lại trong sách Văn bia Nghệ AnTổng tập thác bản văn bia Việt Nam:

Cự Việt Yên Thái tự bi (Bia chùa Yên thái ở Cự Việt): bia ghi chùa có từ đời Lý Cao Tông. Bia hiện còn ở làng Thanh Sơn, huyện Quỳnh Lưu.

Bia chùa Viên Quang ở xã Thanh Thủy (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn): Bia ghi chùa được khởi công xây dựng ngày 15, tháng 8, năm Đinh Mùi (1607) và hoàn thành ngày 16/5/năm Mậu Thân (1608). “Quy mô chùa thì tráng lệ, chế tác to đẹp, phật cung có cả bảy nhà, trên bảo tọa rực sáng, sửa sang ba tòa tượng phật sắc ánh như vàng”…

Trùng tu Quang Phúc tự bi (bia trùng tu chùa Quang Phúc): Bia tạo năm Thận Đức 1 (1600), ghi việc tu tạo chùa Quang Phúc, xã Lộc Điền, nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên.

Bia chùa Long Khánh: Làng Phúc Hậu, nay thuộc xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên. Bia ghi việc cúng tiến tiền và ruộng để sửa chùa, tạc tượng Phật bằng đá, rồng đá, sư tử đá…

Bia chùa Ngọc Đình ở Nam Đàn, tạo năm Vĩnh Tộ 3 (1621). Bia ghi việc trùng tu chùa, làm tòa thượng điện, thiên hương, tiền đường, hậu đường, hành lang tả, hữu, tam quan, tô tượng, xây tường rào, làm giếng đá, đào ao, trồng cây xanh…

Bia chùa Phổ Am “Phụng sự hậu thần bi ký”: Bia dựng ở chùa Phổ Am, nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò vào năm Vĩnh Thịnh 6 (1716). Bia ghi việc công đức xây dựng chùa, thượng điện, tiền đường, gác chuông, tường bao, tam quan, tạc tượng phật, đúc chuông…

Bia chùa Lý Châu “Hậu thần bi ký”, ở xã Thuần Trung, nay thuộc huyện Đô Lương. Bia tạo năm Cảnh Hưng 23 (1762), ghi việc cúng tiền, ruộng dùng vào việc thờ cúng Phật…

Bảo Lâm tự chí: Bia chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên thành. Bia dựng vào tháng 12, năm Thiệu Trị 1 (1841). Bia ghi việc đóng góp xây dựng từ chỉ, cầu đá, hai tòa chùa, 5 pho tượng Phật, 2 tòa ban bằng đá mài…

Cổ Diệc từ bi (Bia chùa Diệc cổ): Chùa ở Tp. Vinh, nay thuộc phường Quang Trung (Phế tích), nay còn một phần tam quan và tấm bia đá. Bia ghi việc xây dựng và trung tu, đặt tên chùa, ghi tên những người công đức cho chùa…

Bia chùa Vòng, làng Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, dựng khoảng năm Tự Đức, ghi việc công đức tu tạo chùa…

Bia chùa Phúc Long, xã Vạn Phần, nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện diễn Châu. Bia ghi nhiều về thần được thờ phụng…

Bia chùa Hiến sơn, xã Bùi Khổng, nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Bia ghi công xây chùa của Đinh bộ Thượng thư, Thái bảo Khê Quận công Đinh Bạt Tụy.

Mới đây lại phát hiện thấy bia chùa Phúc Quang “Phúc Quang tự” ở làng Lộc Điền, nay thộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Bia dựng năm Thận Đức 1 (1600). Bia ghi việc trùng tu chùa vào tháng Giêng, năm Kỷ Hợi (1599), tạo thượng điện, tượng Phật, tam quan, tô 13 pho tượng, trong đó có pho nghìn mắt nghìn tay…

Qua hệ thống các di tích Phật giáo trong dòng chảy lịch sử, văn hóa xứ Nghệ, ta thấy, người Nghệ ngoài tính khí kiên cường gan góc đấu tranh với thiên tai, với thù trong, giặc ngoài để bảo vệ và xây dựng quê hương, thì họ còn có ước vọng lớn được tu thân, được cầu mong cho mọi người sống yên bình, ấm no, hạnh phúc… nên cũng đã tìm “đường về với xứ Phật”. Đấy cũng là đóng góp quan trọng của người xứ Nghệ trên con đường xây dựng, phát triển Phật giáo ở Việt Nam.



[1].  Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí.- H. Giáo dục

[2].  Bùi Dương Lịch. Nghệ An ký.- H. KHXH, H. 2004.

[3]Đại Nam nhất thống chí. T.2.- Huế, Thuận Hóa,1997.

[4]. Trần Danh Lâm. Hoan Châu phong thổ ký. Bản đánh máy, lưu Thư viện N. An.

[5]. Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, H. 1993. Tr. 91. 

[6].  La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nxb, Giáo dục, H. 1998

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 276
    • Số lượt truy cập : 6948501