Thông tin

“DĨ VÔ SỞ ĐẮC CỐ”

“DĨ VÔ SỞ ĐẮC CỐ”

MINH GIÁC

 

Phật tử nào thường hay trì kinh đều có tụng bài “Bát-nhã tâm kinh” trước khi chấm dứt nghi thức.

Nội dung bài Bát-nhã tâm kinh nằm trọn trong một chữ “KHÔNG”. Đó là cái tuyệt đối vô cùng mầu nhiệm, bao trùm cả trời đất vạn vật, là cái vô tướng bất khả tư nghị, không thể dùng lời nói để mô tả hoặc lấy tâm tầm thường mà hiểu biết đặng. Trên việc tu học Phật, chúng ta thường tạm gọi nó với nhiều tên như: Chân như, Chân ngã, Chân không, Thật tướng, Vô ngã, Phật tánh, Diệu hữu, Viên giác, Chân tâm v.v…

Chư Phật mười phương, sau khi đã trải qua vô lượng kiếp tu hành tinh tấn, đã thể nhập vào cái “bản thể” vô tướng vô sanh đó, nên đã xa lìa dứt khoát mọi chướng ngại, soi thấu khắp tất cả, do đó mà các kinh hay nói là các Ngài đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thật ra thì tất cả chúng sanh đều có sẵn đầy đủ cái “tự tánh” hay “Phật tánh” đại giác ngộ ấy (xuẩn động hàm linh giai hữu Phật tánh). Tại vì cuộc đời thế gian chan chứa đầy dục nhiễm do vật chất lôi cuốn, khiến cho con người mải mê say đắm đeo đuổi theo nó. Sáu căn liên tục trực tiếp với sáu trần thúc đẩy thân khẩu ý gây tạo ra không biết bao nhiêu là ác nghiệp, phiền não. Tâm lại hay cố chấp phân biệt nào phải quấy, tốt xấu, sang hèn, buồn vui v.v… do đó mà tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến mới nổi lên. Kinh đã gọi chúng đó là tấm màn vô minh làm che khuất “tự tánh” khiến con người cứ mãi đi sâu vào hố tội lỗi, cuối cùng phải cam gánh chịu quả báo trầm luân trong ba đường sáu nẻo không thể giải thoát được.

Tuy nhiên, trong lúc còn đang mê mờ với cuộc sống hiện tại cũng như sau khi được giác ngộ, cái “tự tánh” ấy vẫn luôn luôn linh minh thường trụ, thường chiếu không thêm không bớt, chỉ tại màn vô-minh che án mà tâm Bồ đề không sáng tỏ mà thôi.

Rồi nhờ ở sự tinh tấn tu học, con người phá vỡ được bức màn vô minh đen tối, tâm lần lần khai mở và sáng tỏ trở lại mà thông thường chúng ta hay nói là đã được chứng, đắc.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ, cho biết: Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai vì nể lời cầu khẩn của các vị Phạm Thiên vương và mười sáu vị vương tử, đã chuyển pháp luân trình bày pháp Tứ đế và rộng giải về lý Mười hai nhân duyên sanh tử chằng chịt do vô minh khởi tạo và kết hợp:  vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử.

Vậy thủ phạm gây chướng ngại cho sự chứng quả Bồ-đề là vô minh, hễ vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời sanh diệt, sanh diệt thời lão, tử diệt.

Vậy muốn giải thoát, căn cứ vào lý Mười hai nhân duyên trên đây, chúng ta cần phải đoạn dứt vô minh, nhưng không thể được, vì nó đã ăn bám sâu vào chúng ta từ đời vô thỉ, không thể cấp thời trong một vài kiếp mà dứt đặng. Chúng ta duyệt xét thử luôn mười một điểm kia, so sánh thấy rõ “Ái” là quan trọng và nguy hiểm hơn hết không kém gì vô minh. Do nó mới sanh tham luyến rồi thủ, hữu, sanh tử…Cũng tại nó mà sanh si mê không nhận rõ đâu là chân lý, chánh tà, tội phước.

Ngay trong bài pháp Tứ Diệu đế đầu tiên, đức Phật cũng đã nhấn mạnh nhiều chi tiết sa đọa của “Ái dục”, cho nó là một năng lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, luôn luôn ngấm ngầm trong mỗi con người và chính nó là nguyên nhân căn bản của sự tái sanh. Dù thô kệch hay vi tế, nó bám víu dưới mọi hình thức và dẫn dắt con người vào vòng luân hồi sanh tử mãi mãi.

Hơn nữa, người nào còn vấn vương ái dục như bị mây mù bao phủ, không đạt chánh pháp của Như Lai vì chánh pháp luôn luôn đi ngược lại vòng tham ái.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, giải: nguyên nhân của các khổ, tham dục là cội gốc, nếu tham dục trừ dứt, các khổ không chỗ nương dựa. Vậy nếu trừ dứt được tham dục (ái) thì các điểm kia của sợi dây mười hai nhân duyên cũng tự tan rã theo.

Nói tóm, tất cả chúng sanh do nhân duyên giả hợp mà có, đã xuất hiện từ nơi cái “tự tánh”, thanh tịnh sáng suốt, rồi do màn vô minh mà trở thành si mê, ngu tối. Đến khi nhờ công phu tu hành kiên cố, được minh tâm kiến tánh, đó là biết quay trở về với cái tự tánh sẵn có của mình chớ không phải là thâu đạt thêm được một cái gì mới lạ.


Phẩm Tín Giải của bộ kinh Pháp Hoa có kể chuyện một anh cùng tử bỏ nhà cha (tự tánh) ra đi hoang, khốn khổ trăm bề (phiền não). Nhiều năm sau ăn năn quay trở về gặp lại cha (đức Phật). Cha giác ngộ và cho cả gia tài (từ, bi, hỷ, xả và thọ ký cho thành Phật). Đứa con rất vui mừng vì tự nhiên không cầu mà đặng.

Do cái tự tánh mà chúng sanh sẵn có nên đức Phật đã cho biết: Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

Trong bài Bát-nhã tâm kinh có câu: “DĨ VÔ SỞ ĐẮC CỐ, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn”. Xin tạm dịch: VÌ KHÔNG CÓ CHỖ CHỨNG ĐẮC nên Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm không quái ngại, vì không quái ngại, nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết-bàn.

Cũng đồng nghĩa, kinh Kim-Cang là một bộ kinh tối thượng thừa có tánh cách phá tướng, phá chấp, trong nhiều đoạn, đã giải câu hỏi của ông Tu-bồ-đề bạch Phật:  “Bạch Thế Tôn, đức Phật chứng đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không có chỗ chi đặng ư?” Đức Phật dạy rằng: “Đúng thế, đúng thế, nầy Tu-bồ-đề, ta ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có chút pháp chi có thể gọi là đặng, đó mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, do vì không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả mà làm tất cả pháp lành liền đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Đại thừa Phật giáo đã minh giải đại khái về lý Bát-nhã là không có trí huệ phải tu, không có Bồ-đề phải chứng vì trong cái “Thể Bát-nhã” không có ngũ uẩn nên không có vô minh, sáu căn cùng sắc tướng v.v…Chư Phật, chư đại Bồ-tát lấy chỗ vô sở đắc để thành tựu đạo quả Bồ-đề. Phàm phu do sáu căn hướng dẫn, hay trước tướng, tạo ra các mê chấp sai lầm, các vọng nghiệp tội lỗi, vì thế mới có sanh tử luân hồi.

Trên đây thuộc phần đốn pháp rất hạp với những bực thượng trí đầy đủ đại căn, đầy đủ nhân duyên để tự mình giác ngộ mau lẹ. Đối với phần đông phàm phu chúng ta đã lỡ sanh ra vào đời mạt pháp, căn lành cạn mỏng, tội nặng phước khinh, lòng còn tràn ngập nghiệp chướng, thì với tâm bất thối chuyển, chúng ta ráng kiên trì áp dụng các pháp môn phương tiện mà Phật đã dạy (tiệm pháp), tuần tự tùy duyên tiến học, tiến tu để diệt phá lần lần gốc cội vô minh. Ví như muốn sang sông, chúng ta phải tạm dùng thuyền bè, chỉ có thế mới mong gột rửa được sạch các nghiệp ác và đến một lúc nào đó sẽ được giải thoát an vui.

Bình luận bài viết

  • Khai Thiên(22:06:21 29-12-2022)

    Dĩ Vô Sở Đắc Cố: Do Tâm không sở hữu về: Sắc - Thinh - Hương - Vị - Xúc - Pháp,... nên mới đắc được ly dục từ Lục Trần mà trở về Tâm không thể nhập vào định mà giải thoát, từ đây mới không còn gì để Đắc?

Tin sinh hoạt phật sự

Video bài giảng

Pháp âm

  • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
  • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
  • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
Pháp âm khác >>

Thống kê truy cập

  • Online: 25
  • Số lượt truy cập : 6129968